Phật Thuyết Kinh đại Bảo Tích - Pháp Hội Thứ Chín - Pháp Hội đại Thừa Thập Pháp - Phần Một

Kinh Đại thừa   •   Thứ hai, 25/12/2023, 22:18 PM

Hán dịch: Ngài Tam Tạng Pháp Sư Nan Liên Đề Gia Xá, Đời Cao Tế

PHẬT THUYẾT

KINH ĐẠI BẢO TÍCH

Hán dịch: Ngài Tam Tạng Pháp Sư

Nan Liên Đề Gia Xá, Đời Cao Tế  

PHÁP HỘI THỨ CHÍN

PHÁP HỘI ĐẠI THỪA THẬP PHÁP  

PHẦN MỘT  

Như vậy, tôi nghe một lúc Đức Bà Già Bà ở Đại thành Vương Xá trong núi Kỳ Xà Quật cùng câu hội với năm trăm Đại Tỳ Kheo Đại A La Hán và vô lượng vô biên Đại Bồ Tát.

Trong chúng hội có một Đại Bồ Tát tên là Tịnh Vô Cấu Bửu Nguyệt Vương Quang rời chỗ ngồi trịch y vai hữu, gối hữu quỳ trên đài Liên Hoa đến trước Đức Phật chắp tay bạch rằng: Bạch Đức Thế Tôn! Tỳ Kheo hành đại thừa trụ đại thừa, hành đại thừa thế nào, trụ đại thừa thế nào?

Bạch Thế Tôn! Do nghĩa gì mà đại thừa ấy gọi là đại thừa, lại do nghĩa gì mà gọi là trụ đại thừa?

Đức Phật phán: Lành thay, lành thay!

Này Tịnh Vô Cấu Bửu Nguyệt Vương Quang!

Ông có thể khéo hỏi nghĩa thậm thâm ấy.

Lắng nghe lắng nghe, khéo suy nghĩ! Nay ta vì ông mà phân biệt giải nói.

Ngài Tịnh Vô Cấu Bửu Nguyệt Vương Quang Bồ Tát nghe Đức Phật hứa dạy liền bạch rằng: Vâng! Bạch Đức Thế Tôn! Xin đảnh thọ Thánh Giáo.

Đức Phật phán dạy: Này thiện nam tử! Đại Bồ Tát thành tựu mười pháp là hành đại thừa, là trụ đại thừa.

Những gì là mười?

Một là tín thành tựu.

Hai là hạnh thành tựu.

Ba là tánh thành tựu.

Bốn là thích tâm Bồ Đề.

Năm là thích nơi pháp.

Sáu là quán chánh pháp hạnh.

Bảy là hành pháp thuận pháp.

Tám là xả bỏ mạn đại mạn.

Chín là khéo hiểu giáo pháp bí mật của Như Lai. Mười là tâm chẳng mong cầu Thanh Văn thừa và Duyên Giác thừa.

Ngài Tịnh Vô Cấu Bửu Nguyệt Vương Quang Bồ Tát bạch rằng: Bạch Đức Thế Tôn! Thế nào là Đại Bồ Tát tín thành tựu nhẫn đến tâm chẳng mong cầu Nhị Thừa?

Đức Phật dạy: Này thiện nam tử! Đại Bồ Tát hành hạnh chẳng dua vậy, được hạnh nhu nhuyến. Bồ Tát ấy tin Bồ Đề Vô Thượng Chánh Nhân Chánh Giác của Chư Như Lai.

Tin Chư Như Lai ở trong một niệm nói sự việc cả ba đời.

Tin Như Lai tạng bất lão bất tử vô lượng vô biên bất sanh bất diệt bất thường bất đoạn.

Tin Chư Phật thiết tế pháp giới nhất thiết trí, chỗ biết của đấng nhất thiết trí, phật lực, vô sở úy, pháp bất cộng.

Tin tướng vô kiến đảnh của Chư Phật.

Tin ba mươi hai tướng của Chư Phật và tám mươi tùy hảo trang nghiêm thân Phật, thân Phật có viên quang.

Tin chỗ nói của Thanh Văn của Duyên Giác của Bồ Tát và tin những lời nói lành.

Tin đời này đời trước.

Tin người chánh hạnh người trụ chánh hạnh, hoặc đó là Sa Môn hay Bà La Môn.

Tin nghiệp quả lành rất đáng ưa thích, là vi diệu tối thắng, những là chư thiện và Thiên Vương, Chư Nhân và Nhân Vương.

Tin nghiệp quả bất thiện chẳng đáng ưa thích, là khổ não vô lượng, những là tại địa ngục, hoặc tại ngạ quỷ tại súc sanh.

Tin như vậy rồi, Bồ Tát ấy rời lìa ba pháp: Một là nghi, hai là mê lầm, ba là chẳng quyết định.

Này thiện nam tử! Đại Bồ Tát thành tựu đức tin như vậy thì gọi là tín thành tựu.

Đức Thế Tôn vì hiển thị nghĩa ấy nên lại nói kệ rằng:

Tin là tăng thượng thừa

Người tin là Phật Tử

Thế nên người có trí

Phải thường thân cận tin

Tin là pháp tối thượng

Người tin không nghèo thiếu

Thế nên người có trí

Phải thường thân cận tin

Nếu là người bất tín

Chẳng sanh các pháp lành

Dường như hột giống cháy

Chẳng mọc được mầm rễ.

Này thiện nam tử! Thế nào là Đại Bồ Tát hạnh thành tựu?

Này thiện nam tử! Vì hạnh thành tựu, Đại Bồ Tát cạo râu tóc mặc pháp phục bỏ nhà xuất gia. Đã xuất gia rồi, tu học giới và hạnh Bồ Tát, cũng tu học giới hạnh Thanh Văn và giới hạnh Duyên Giác. Tu học như vậy rồi, nơi than khẩu ý nghiệp của Bồ Tát ấy, ác nghiệp điều tiêu diệt.

Những gì gọi là thân nghiệp bất thiện?

Đó là sát sanh, trộm cướp và tà tâm. Dùng ngói đá dao gậy ném đánh người khác làm thương tổn tay chân v..v... hoặc đến hoặc đi làm những sự khi tăng. Đó gọi là nghiệp bất thiện của thân.

Những gì gọi là khẩu nghiệp bất thiện?

Đó là vọng ngôn, ỷ ngữ, lưỡng thiệt và ác khẩu, những ngôn thuyết bất thiện, chê bác hủy bang chánh pháp những Kinh Điển đại thừa thậm thâm, rao nói chỗ lỗi dở của Hòa Thượng, A Xà Lê v.v... những người an trụ trong chánh pháp. Đó gọi là khẩu nghiệp bất thiện.

Này thiện nam tử! Những gì gọi là ý nghiệp bất thiện?

Đó là quá nhiều tật đố, lẫn tiếc và tà kiến. Tiếc ganh về lợi danh than ái v.v…

Cậy nhà, cậy sắc, ỷ trẻ mạnh, ỷ không bệnh, ỷ thọ mạng, ỷ đa văn, ỷ tu hành, quan niệm ái dục, sát hại, sân hão v.v… và quan niệm quốc gia, y phục, ẩm thực, ham chỗ ở, xe cộ giường nệm v.v… ham ăn ham uống, ham con cái, trâu bò cày cấy làm ăn, lo tôi tớ, lo người làm công và lúa gạo vải lụa kho đụn những của cải.

Hành giả ham những sự ấy rồi, nếu có một sự tổn thất thì trong long sanh lo buồn khổ não. Hành giả do tham ái tưới ướt nội tâm nên sanh những manh nha ở tâm sau. Lược nói ý nghiệp không khác gì bánh xe lăn chuyển. Đó gọi là ý nghiệp bất thiện.

Bồ Tát ấy rời lìa ác nghiệp nơi thân khẩu và ý, với Hòa Thượng tưởng là Tôn Trưởng, với A Xà Lê tưởng là bậc thầy, với những người khác hoặc già hoặc trẻ sanh lòng cung kính.

Lúc ở một mình, Bồ Tát ấy nghĩ rằng: Tôi không nên như vậy. Tôi đã phát khởi tâm độ tất cả chúng sanh cứu tất cả chúng sanh làm cho chúng sanh an trụ trong chánh định hạnh.

Hiện nay tự thân tôi các căn chẳng điều, tu hành chẳng siêng. Tôi phải siêng tu hành điều nhiếp các căn. Tôi tu hành như vậy, các chúng sanh thấy tôi tâm họ điều phục, tùy thuận lời dạy bảo của tôi. Chư Phật hoan hỉ, Chư Thiên, Long Bát Bộ cũng hoan hỷ.

Này thiện nam tử! Như thế đó gọi là Bồ Tát biết tự hổ.

Bồ Tát ấy lại tự nghĩ rằng: Chớ để người đạo kẻ quở trách dược tôi nơi thân khẩu ý nghiệp các oai nghi: Những là hủy hoại giới hạnh, hoặc về kiến hạnh, hoặc về hành hạnh, hoặc làm tà mạng.

Bồ Tát ấy thật hành sự tự hổ như vậy rồi, ngày đêm nhiếp tâm quan sát giới hạnh. Quan sát giới hạnh xong không có những lo sầu rời lìa những chướng ngại. Tu hành như vậy xong, ở trong chánh pháp của Chư Phật, Bồ Tát ấy tu tập các công hạnh. Những công hạnh ấy gọi là Bồ Tát biết thẹn.

***

icon

Tổng hợp

Cùng chủ đề

Phật Thuyết Kinh đại Bát Nhã Ba La Mật đa - Hội Thứ Ba - Phẩm Ba Mươi Mốt - Phẩm Tuyên Hóa - Phần Ba

Kinh Đại thừa   •   25.12.2023
Hán dịch: Ngài Tam Tạng Pháp Sư Cưu Ma La Thập, Đời Diêu Tần