Phật Thuyết Kinh Chánh Pháp Niệm Xứ - Phẩm Năm - Phẩm Súc Sinh - Tập Hai

Kinh Đại thừa   •   Thứ hai, 25/12/2023, 22:18 PM

Hán dịch: Ngài Tam Tạng Pháp Sư Bát Nhã Lưu Chi, Đời Nguyên Ngụy

PHẬT THUYẾT

KINH CHÁNH PHÁP NIỆM XỨ

Hán dịch: Ngài Tam Tạng Pháp Sư

Bát Nhã Lưu Chi, Đời Nguyên Ngụy  

PHẨM NĂM

PHẨM SÚC SINH  

TẬP HAI  

Tỳ Kheo như vậy, quán chim trong cõi ngạ quỷ rồi, liền dùng kệ quở trách:

Nghiệp nóng bị quả nóng

Chịu các khổ não lớn

Thế nên phải lìa bỏ

Nghiệp ác bất thiện ấy.

Chớ nên tạo nghiệp ác

Tham, ganh hủy hoại mình

Nếu ai tạo tham, ganh

Đọa súc sinh, ngạ quỷ.

Cùng sát hại lẫn nhau

Hoặc đánh đập, trói nhốt

Làm súc sinh, ngạ quỷ

Nên xả bỏ ngu si.

Ngu si hoại tâm mình

Bỏ trì giới, bố thí

Bị ái dối mê hoặc

Đọa vào đường súc sinh.

Không biết việc đúng sai

Ăn vật không nên ăn

Làm điều không nên làm

Không hiểu pháp, phi pháp

Năm căn si không hiểu

Chỉ tạo nghiệp súc sinh.

Như vậy là Tỳ Kheo quán xét các loài súc sinh chỉ có một nghiệp. Khi bị trói buộc theo thời gian trong nẻo luân hồi sinh tử, trải qua vô lượng trăm ngàn năm làm thân súc sinh, bị vô lượng trăm ngàn lưới khổ vây bủa cũng là một nghiệp. Nói là một nghiệp súc sinh nhưng có vô số nhân duyên, nối tiếp bị tham dục ràng buộc không gián đoạn.

Sinh trong biển lớn sâu mười do tuần, làm thân loài cá lớn ma kiệt, hoặc loài ốc, trai, sò, cá đề di nghê la, cá na ca thố… chúng đều sợ hãi lẫn nhau, thường đe dọa tạo mọi sợ sệt làm nhiều dâm dục. Vì ngu si nên làm theo những điều phi pháp, tà hạnh, không biết việc nào nên làm, chỗ nào không nên đi. Sống trong biển lớn bị khổ về nước nóng, luôn lo ngại về đói khát, tàn hại lẫn nhau, khủng bố lẫn nhau.

Nếu ai gây nhiều ngu si thì sinh trong biển lớn sâu vạn do tuần, làm thân độc long sân giận, gây khổ lẫn nhau. Vì tâm sân, tâm loạn mà phun độc tàn hại nhau tạo ra nhiều nghiệp ác. Thành của rồng ở tên là Hý Lạc. Thành ấy ngang dọc ba ngàn do tuần, trong đó có rất nhiều Long Vương.

Có hai loại Long Vương:

1. Long Vương hành theo pháp.

2. Long Vương hành theo phi pháp.

Loại một thì ủng Hộ thế gian. Loại hai thì phá hoại thế gian.

Trong thành đó, chỗ ở của Long Vương hành theo pháp không có mưa cát nóng. Còn chỗ ở của Long Vương hành theo phi pháp thì thường có mưa cát nóng. Nếu cát nóng dính nơi đỉnh đầu thì nóng như lửa cháy, thiêu đốt cả cung điện và hết thảy quyến thuộc của chúng đều chết sạch. Chết rồi thì sống trở lại.

Lại nữa, Tỳ Kheo biết quả báo của nghiệp, lại quán xét về khổ não do mưa cát nóng của Thế Giới loài rồng.

Vì nghiệp gì mà thọ quả báo này?

Vị ấy liền dùng văn tuệ, biết các chúng sinh kia khi làm người là một kẻ ngu si, do tâm sân hận mà thiêu đốt phòng xá của chúng Tăng và xóm làng, thành ấp của người khác. Kẻ ác này sau khi qua đời bị đọa vào địa ngục chịu vô lượng thống khổ. Ra khỏi địa ngục, sinh vào loài rồng, do đời trước dùng lửa đốt xóm làng người, đốt phòng xá của Tăng mà nay làm thân súc sinh bị cát nóng nung đốt.

Lại nữa, Tỳ Kheo quán Thế Giới của loài rồng, vì nghiệp gì mà sinh vào chốn đó?

Vì nhân duyên gì mà không bị cát nóng đốt, hại?

Vị ấy dùng văn tuệ, biết các chúng sinh kia do đời trước học các giới tà nơi ngoại đạo thế gian, làm việc bố thí mà không thanh tịnh, tạo bảy thứ bất tịnh như trên đã nói, do tâm sân giận mà nguyện sinh vào loài rồng. Người ấy sau khi qua đời bị đọa vào thành Hý Lạc, làm thân Long Vương.

Sinh vào thành ấy rồi thì tâm sân bớt dần, nhớ nghĩ đến phước đức, tùy thuận thực hành theo chánh pháp, nên thân của Long Vương ấy không bị khổ vì cát nóng.

Lại nữa, Tỳ Kheo biết quả báo của nghiệp, lại quan sát Thế Giới của loài rồng. Vì nghiệp gì mà Long Vương hành theo pháp sinh vào thành Hý Lạc.

Thành này hình tướng ra sao?

Vị ấy dùng văn tuệ, quan sát thành Hý Lạc, chỗ ở của Long Vương hành theo pháp có thành quách bằng bảy báu, với ánh sáng của châu báu bảy màu. Trong những ao nước có đủ các loại hoa như hoa Ưu Bát La… với thức ăn tô đà, hưởng đủ hoan lạc, có vòng hoa hương, chuỗi anh lạc, hương bột, hương thoa dùng trang sức nơi thân, có nhiều thần thông, nhớ nghĩ điều gì đều được như ý muốn. Nơi đỉnh đầu của rồng có đầu hình long xà.

Các Long Vương hành theo pháp ở trong thành ấy gồm: Long Vương Bảy Đầu, Long Vương Mặt Voi, Long Vương Bà Tu Cát, Long Vương Đắc Xoa Ca, Long Vương Bạt Đà La đời Ngụy dịch là Hiền Long, Long Vương Lô hê đa đời Ngụy dịch là Xích Long, Long Vương Bát Ma Thê, Long Vương Vân Man, Long Vương A Bạt Đa, Long Vương Nhất Thiết Đạo, Long Vương Bát bà ha đời Ngụy dịch là Nhẫn Long. Nhờ tâm thiện tùy thuận hành theo chánh pháp mà các loài rồng này có phước đức như vậy.

Chúng mưa đúng thời khiến cho năm thứ lúa thóc hoa màu ngũ cốc trong thế gian luôn được mùa dồi dào, an ổn, sung túc, không có những trận mưa đá. Do tin Phật, Pháp, Tăng, thuận hành theo đúng pháp, giữ gìn xá lợi Phật, nên các Long Vương ấy không bị khổ não cát nóng, lại được an vui bậc nhất. Chúng tuôn những trận mưa lành xuống bốn cõi thiên hạ là Diêm Phù Đề, Cù Đà Ni, Phất Bà Đề Và Uất Đan Việt.

Nếu mọi người thuận theo pháp, hiếu dưỡng cha mẹ, cúng dường các Sa Môn, Bà La Môn, tu hành theo chánh pháp thì khiến cho Long Vương hành theo pháp tăng thêm sức mạnh lớn, nhờ pháp vượt hơn nên tuôn xuống những cơn mưa nhẹ, giúp cho ngũ cốc tốt tươi, có đủ sắc, hương, vị, không có các tai họa, hoa quả dồi dào, các loại hoa tốt đẹp, ánh sáng Mặt Trời, Mặt Trăng trong suốt, oai đức sáng sạch. Long Vương ấy có phước đức như vậy nên không phun gió độc.

Người ở cõi Diêm Phù Đề có bốn lý do khiến bị chết nhiều:

1. Đói khát.

2. Chiến tranh.

3. Gió độc.

4. Mưa dữ.

Nếu các thế gian tùy thuận theo đúng pháp mà thực hành, tu các phước đức, thì Long Vương hành theo pháp tăng thêm sức mạnh lớn, không bủa mây dữ, tuôn mưa dữ, không có gió độc, các sông nước chảy điều hòa, lúa gạo tốt, nhiều, trái to vị ngọt, đủ sắc hương vị, ăn vào không bệnh, xa lìa các khổ não, đói khát, đầy đủ sắc, lực, bốn đại an ổn, tu hành các nghiệp thiện.

Do hành nghiệp thiện nên giữ gìn quả thiện ấy, ruộng vườn xanh tươi, Long Vương hành theo pháp tuần tự ủng hộ những chúng sinh thuận theo chánh pháp tu tập nghiệp thiện.

Quán cõi Diêm Phù Đề rồi, vị ấy quán cõi Cù Đà Ni.

Long Vương thuận theo pháp đã ủng hộ người Cù Đà Ni như thế nào?

Tâm của chúng sinh ở cõi Cù Đà Ni mềm dịu, chỉ có một nghiệp ác là lấy nước đục uống nên bị chết yểu. Long Vương thuận theo pháp không mưa nước đục vào cõi này. Người cõi Cù Đà Ni được uống nước trong sạch nên không có bệnh. Đó là nhờ uy lực của rồng.

Lại nữa, Tỳ Kheo biết quả báo của nghiệp, lại quán xét Long Vương hành theo pháp ở cõi Phất Bà Đề đã đem lại an vui như thế nào?

Vị ấy dùng văn tuệ, biết các chúng sinh kia ở cõi Phất Bà Đề, nếu nghe tiếng sấm hoặc thấy ánh sáng của sấm, do tâm mềm yếu nên đều bị bệnh khổ. Long Vương hành theo pháp ở Thế Giới ấy không tạo ra tiếng sấm, không phóng ánh sáng của sấm chớp, khiến cho người cõi Phất Bà Đề không gặp bệnh khổ. Đó là uy lực của rồng.

Lại nữa, Tỳ Kheo biết quả báo của nghiệp, lại quán xét người ở cõi Uất Đan Việt vì sao bị suy não?

Vị ấy dùng văn tuệ, biết người ở cõi Uất Đan Việt, nếu gặp mây đen, gió lạnh thổi làm cho hoa thơm không nở. Khi thấy hoa khép lại, người nơi cõi ấy ưu não vì biết mây đen nổi lên.

Núi Tăng già xa có tiếng chim kêu ghê tợn, các thứ tiếng nơi âm nhạc đều nghe rất dở, ở chỗ của rồng ác đều bị suy não như vậy. Long Vương hành theo pháp không dùng mây đen gió lạnh thổi dạt vào bốn cõi thiên hạ. Long Vương hành theo pháp lấy việc an lạc để làm lợi ích cho chúng sinh.

Lại nữa, Tỳ Kheo biết quả báo của nghiệp, lại quán xét Thế Giới của loài rồng, những rồng ác nào không tùy thuận hành theo pháp?

Vị ấy dùng văn tuệ, biết các rồng ác trong thành Hý Lạc không hành theo pháp. Tên của chúng là Long Vương Ba La Ma Thê đời Ngụy dịch là Não loạn, Long Vương Tỳ khám lâm bà đời Ngụy dịch là Phấn Tấn, Long Vương Ca La đời Ngụy dịch là Hắc Sắc, Long Vương Hầu lâu hầu lâu đời Ngụy dịch là Đa Thanh, sống nơi thành Hý Lạc trong biển.

Vì sao những rồng ác hành theo phi pháp này tăng trưởng sức mạnh?

Vị ấy dùng văn tuệ, biết các chúng sinh kia do hành pháp bất thiện, không hiếu thuận cha mẹ, không kính các Sa Môn, Bà La Môn, nên những rồng ác như vậy tăng trưởng sức mạnh, sống trong cõi Diêm Phù Đề mang thân hung tợn, vì tâm ác mà chúng nổi lên mây mưa dữ.

Chỗ nào có mưa thì sinh cây độc dữ, gió dữ thổi vào cây, khí độc thì nhập vào nước khiến nước hòa lẫn với chất độc, làm cho tất cả ngũ cốc đều bị thấm độc. Nếu ai ăn vào đều bị bệnh khổ, chất dinh dưỡng của ngũ cốc bị tiêu dần nên con người bị chết yểu. Long Vương ác ấy do tâm ác mà giáng xuống những tai họa sát hại lẫn nhau. Vì ác ấy nên người cõi Diêm Phù Đề đều bị hủy diệt. Đó là do rồng hành theo phi pháp tạo ra các điều ác.

Lại nữa, Tỳ Kheo biết quả báo của nghiệp, lại quán xét Long Vương có sức mạnh lớn tự tại.

Vì sao Long Vương hành theo ác phi pháp dùng các thứ suy nạn làm khổ người cõi Cù Đà Ni?

Vị ấy dùng văn tuệ, biết rồng ác phi pháp ở chốn hiểm trở, núi cao nơi cõi Cù Đà Ni, chúng tuôn những trận mưa lớn làm cho các sông đều ngập, đục. Người cõi Cù Đà Ni nếu ai uống vào thì do nhân duyên này mà bị suy tổn nặng, bị nhiều khổ não. Tỳ Kheo ấy đã thấu rõ đúng như thật khi quán về cõi Cù Đà Ni.

Lại nữa, Tỳ Kheo biết quả báo của nghiệp, lại quán xét cõi Phất Bà Đề. Vị ấy dùng văn tuệ, biết mọi người ở thế gian không tu theo chánh pháp, khiến cho thế lực của rồng ác tăng trưởng, tạo sấm sét dữ dội, giống như núi lớn sụp đổ. Người cõi Phất Bà Đề do tâm mềm yếu nên gặp nhiều bệnh khổ.

Ánh sáng của sấm chớp tỏa khắp Thế Giới, giống như lửa đốt cháy dữ dội. Từ trong mây, rồng hiện ra với đôi mắt giống như bánh xe, thân đen, xấu, giống như núi đen. Cổ nó có ba đầu, trổ ra các hoa giống như tướng ngựa, hoặc thân rắn. Hiện ra những thân hung dữ như vậy, khiến cho người ở cõi Phất Bà Đề trông thấy đều bị suy não lớn.

Lại nữa, Tỳ Kheo biết quả báo của nghiệp, lại quán xét cõi Uất Đan Việt như Cõi Trời thứ hai.

Vì sao rồng ác tạo suy não cho người ở cõi Uất Đan Việt?

Vị ấy dùng văn tuệ, biết núi Tăng già xa ở cõi Uất Đan Việt như trước đã nói. Hoa sen thường nở, mùi thơm tỏa khắp, màu rất tươi đẹp. Người nước ấy ngửi nó, cảm thấy thích thú.

Nếu người ở thế gian bất hiếu với cha mẹ, không cúng dường các Sa Môn, Bà La Môn, bấy giờ Long Vương ác do tâm tùy tiện, tăng trưởng thế lực, nổi những đám mây lớn giống như núi đen phủ khắp, che lấp ánh sáng Mặt Trời, thì hoa sen liền khép lại, không có mùi thơm, mất đi ánh sáng màu vàng ròng.

Người cõi Uất Đan Việt thấy hoa khép lại thì buồn rầu lo sợ. Trong mây phát ra gió, thổi các âm thanh loạn xạ không đáng ưa thích. Thế lực của rồng ác trong bốn cõi thiên hạ đã làm suy não người nơi cõi Uất Đan Việt như vậy.

Lại nữa, Tỳ Kheo biết quả báo của nghiệp, lại quán xét trong bốn cõi thiên hạ có hơn, có kém. Vị ấy dùng văn tuệ quán sự hoan lạc, an ổn của cõi Uất Đan Việt vượt hơn ba cõi kia.

Người cõi Diêmphù đề hành theo pháp và phi pháp, do đó đối với sự khổ vui có tăng giảm so với ba cõi thiên hạ kia, làm tăng trưởng đất nghiệp, tu hành mười đạo thiện, có Phật ra đời, vì nhân duyên của cõi Diêm Phù Đề nên có bốn thiên hạ. Người cõi Diêm Phù Đề tư duy, tu hành mười đạo nghiệp thiện, lại có thể tu tập phạm hạnh. Trong Thế Giới ấy, phần nhiều thường tư duy, quan sát về sinh diệt.

Nơi tòa kim cương của kim cương ấy, tất cả quốc độ thuộc cõi Diêm Phù Đề và ở thế gian đều không có. Chỗ tòa kim cương ấy rộng tám vạn bốn ngàn do tuần, Đức Phật đã an tọa nơi tòa này mà sinh tâm giác ngộ. Vì nhân duyên ấy, Đức Như Lai đã xuất hiện ở cõi Diêm Phù Đề, không ở cõi thiên hạ khác.

Vì sao?

Vì căn lành đã thành tựu, chứng Phật Bồ Đề. Núi chúa Tu Di hãy còn không thể giữ được, huống chi là đất ở chỗ khác. Vì nhân duyên này mà Phật ở cõi Diêm Phù Đề, không ở cõi khác. Thân người khó được, mà trong cõi Diêm Phù Đề nhờ tạo nghiệp lành nên được sinh nơi cõi người, do đấy mà cõi Diêm Phù Đề là tối thắng bậc nhất trong thiên hạ, chẳng phải cõi thiên hạ khác.

Lại nữa, Tỳ Kheo biết quả báo của nghiệp, lại quán xét Thế Giới của loại rồng.

Vì nghiệp gì mà Long Vương hành theo phi pháp đã ăn nuốt loài tôm tép, ăn đất cát, hít thở bằng gió?

Vị ấy dùng văn tuệ, biết chúng sinh kia, khi làm người hay khinh khi, nhục mạ vợ con, một mình ăn món ngon vật lạ, vợ con rất thèm thuồng nhưng người kia vẫn ăn một mình no nê, còn lại thức ăn thừa thải mới đem cho vợ con. Người ác ấy, sau khi qua đời bị đọa làm loài rồng, ăn nuốt tôm tép, ăn cát và thở bằng gió, chịu quả báo tương tự với nghiệp đã tạo.

***

icon

Tổng hợp

Cùng chủ đề

Phật Thuyết Kinh đại Bát Nhã Ba La Mật đa - Hội Thứ Ba - Phẩm Ba Mươi Mốt - Phẩm Tuyên Hóa - Phần Ba

Kinh Đại thừa   •   25.12.2023
Hán dịch: Ngài Tam Tạng Pháp Sư Cưu Ma La Thập, Đời Diêu Tần