Phật Thuyết Kinh Chánh Pháp Niệm Xứ - Phẩm Năm - Phẩm Súc Sinh - Tập Một
Hán dịch: Ngài Tam Tạng Pháp Sư Bát Nhã Lưu Chi, Đời Nguyên Ngụy
PHẬT THUYẾT
KINH CHÁNH PHÁP NIỆM XỨ
Hán dịch: Ngài Tam Tạng Pháp Sư
Bát Nhã Lưu Chi, Đời Nguyên Ngụy
PHẨM NĂM
PHẨM SÚC SINH
TẬP MỘT
Lại nữa, Tỳ Kheo biết rõ về quả báo của nghiệp, quán đúng như thật về các địa ngục, biết quả báo của nghiệp trong một trăm ba mươi sáu địa ngục và biết như thật về thọ mạng dài ngắn, tăng giảm của các chúng sinh nơi cõi ấy.
Vị ấy lại quán về đường thứ hai có vô lượng loài ngạ quỷ, lược nói về ba mươi sáu loại, cũng đã nhận biết đúng như thật về các hành nghiệp của chúng. Vị ấy dùng văn tuệ quán xét về cõi súc sinh có từng chủng loại riêng biệt gồm ba mươi bốn ức, tất cả đều do tâm gây tạo nên sinh vào năm đường.
Trong năm đường ấy, chủng loại súc sinh về số lượng rất là nhiều, mỗi loại có mỗi tướng mạo màu sắc riêng biệt, các đi đứng, ăn uống chẳng đồng. Loài bay thì mỗi loài mỗi khác. Thương ghét, nghịch thuận, đi có bạn, đi một mình, cùng sống chung, cùng dạo chơi, đó là các loài chim bay và các loài thú chạy.
Các loài ô thước, thiên nga, chim nhạn, hồng… đi chơi từng đàn riêng biệt, chúng không oán ghét, giết hại lẫn nhau, còn các loài cáo, chó, dã can, thì oán ghét nhau. Quạ với cú mèo, ngựa với trâu bò, rắn độc với chuột… chúng tàn hại nhau. Hình tướng chẳng đồng, sự sinh hoạt và ăn uống cũng đều khác biệt.
Vì nghiệp gì mà mỗi loài có hình tướng khác nhau?
Cách sinh hoạt, ăn uống cũng không giống nhau?
Vị ấy dùng văn tuệ quán chúng sinh này bị các tâm sai khiến, gây ra vô số nghiệp, đi vào vô số cảnh giới, ăn thức ăn khác nhau.
Vị ấy quán xét về các loài kia, do nhân duyên gì mà mỗi loại khác nhau, oán ghét, ganh tỵ nhau?
Vị ấy liền dùng văn tuệ, biết các chúng sinh này, ở đời trước do tà kiến mà học theo pháp tà. Lại có chúng sinh cũng học theo pháp tà rồi sinh tà mạn, lấy những lý luận và ví dụ của tà kiến để cùng nhau tranh cãi. Tuy cùng bàn luận nhưng rốt cuộc không đưa đến lợi ích, không tạo được an lạc, cũng không phải là đường lành.
Hai loại người ấy, sau khi qua đời, bị đọa vào địa ngục, chịu vô lượng khổ. Vì xưa kia oán ghét nhau nên khi thoát khỏi địa ngục, sinh vào loài súc sinh, trở lại oán ghét, sát hại lẫn nhau, như rắn độc với chuột vàng, quạ với cú mèo, ngựa với trâu…
Lại nữa, Tỳ Kheo biết quả báo của nghiệp rồi, lại quan sát các loài súc sinh, do nghiệp gì mà có loài súc sinh thuận hợp, không sát hại lẫn nhau?
Vị ấy dùng văn tuệ, biết các chúng sinh kia khi còn làm người, vì sinh tử mà bố thí đã cùng nhau phát nguyện: Đời vị lai, chúng ta thường làm vợ chồng với nhau. Sau khi qua đời, những người ấy sinh trong loài súc sinh, vui ít nhưng không bị khổ nhiều như các loài chim mạng mạng, uyên ương, bồ câu, phần nhiều chúng ưa thích ái dục, đó là nguyên nhân của nghiệp.
Lại nữa, Tỳ Kheo biết quả báo của nghiệp, lại quan sát các loài súc sinh chó, cáo, dã can.
Vì nghiệp gì mà tánh chúng ghét bỏ giết hại nhau?
Vị ấy liền dùng văn tuệ, biết các chúng sinh kia lúc làm người, đã làm bẩn thức ăn thanh tịnh của những người thiện và người xuất gia, lại thường thích tranh chấp. Do tâm tham, nên sau khi qua đời, người ấy bị đọa vào súc sinh, làm thân chó, cáo, dã can, luôn oán ghét, ganh tỵ nhau.
Lại nữa, Tỳ Kheo biết quả báo của nghiệp, lại quán xét các loài hươu, nai, do nghiệp gì mà sinh vào loài này?
Vị ấy dùng văn tuệ, biết các chúng sinh kia đời trước ưa thích làm giặc hùng mạnh, đã đánh trống, thổi ốc, đến các thành ấp, xóm làng, thôn doanh để phá hủy hàng rào của người khác, gây những âm thanh lớn để tăng thêm sự sợ hãi. Người như vậy, sau khi qua đời bị đọa vào địa ngục, chịu đủ thứ khổ. Ra khỏi địa ngục, lại sinh vào loài hươu, nai, tâm luôn sợ sệt.
Do đời trước phá xóm làng của người, khiến họ phải lo sợ nên nay phải sinh vào chốn núi rừng, đồng hoang, luôn luôn kinh hãi. Do nghiệp lực đã gây ra nên sinh làm người thì tâm luôn sợ sệt, nhỏ mọn, nhu nhược, mãi lo sợ. Đó là duyên của nghiệp còn lại.
Như vậy, vị ấy quán xét một phần nhỏ về các loài súc sinh, oán ghét, sát hại lẫn nhau, đó là do nghiệp đã tạo trước kia.
Lại nữa, Tỳ Kheo biết quả báo của nghiệp, lại quán xét các loài súc sinh, vì nghiệp gì mà thọ thân theo hóa sinh?
Vị ấy liền dùng văn tuệ, biết các chúng sinh kia đời trước vì nhằm lấy chỉ tơ nên nuôi tằm, giết kén, hoặc đem đun nấu, hoặc lấy nước ngâm, sinh ra vô lượng trùng tên là Hỏa man. Có những ngoại đạo thọ pháp trai tà, lấy trùng còn nhỏ này bỏ trong lửa để cúng dường Chư Thiên cầu phước đức.
Sau khi qua đời, người ấy bị đọa vào địa ngục, chịu đủ các khổ. Ra khỏi địa ngục, lại sinh vào loài hóa sinh, ở trong đồ vật chứa đựng nước, đủ các loại khác nhau.
Lại nữa, Tỳ Kheo biết quả báo của nghiệp, lại quán xét các loài súc sinh, vì nghiệp gì mà đọa vào loài thấp sinh?
Vị ấy liền dùng văn tuệ, biết các chúng sinh kia khởi ác tà kiến, giết hại rùa, ba ba, cá, ngao, ốc, hến và những loài trùng nhỏ trong ao, bể, hoặc trùng nhỏ trong men rượu.
Hoặc có người ác, vì tham của cải mà giết các loài sâu nhỏ, hoặc vì tà kiến thờ Trời, giết trùng để cúng tế. Sau khi qua đời, những người ấy bị đọa vào địa ngục, chịu đủ các thứ khổ không thể tính kể. Ra khỏi địa ngục, lại làm thân súc sinh trong loài Thấp sinh như muỗi, bọ chét…
Quán hai loại sinh ấy rồi, vị ấy tuần tự dùng tâm vi tế quán xét về quả báo của nghiệp trong các loài chúng sinh thuộc Noãn sinh.
Vì nghiệp gì mà sinh vào loài này?
Nếu người nào chưa đoạn trừ tham, sân, si, nhờ tu học thiền định, chứng được thần thông thế gian. Nhưng do nhân duyên gì đó mà người kia sinh tâm sân giận, phá hoại quốc độ, nên sau khi qua đời, người ấy bị đọa vào địa ngục, chịu vô lượng khổ. Ra khỏi địa ngục, lại làm thân trong loài noãn sinh như chim điêu, chim thứu… thoát thân này rồi, lại sinh làm người luôn có nhiều sân hận. Đó là do nghiệp ác còn sót lại.
Lại nữa, Tỳ Kheo biết rõ về quả báo của nghiệp.
Vị ấy dùng văn tuệ quán các súc sinh, vì nghiệp gì mà thọ thân Thai sinh?
Như có chúng sinh, đem tâm ái dục hòa hợp với loài bò, ngựa, bắt chúng giao hợp để tự thỏa thích. Hoặc bắt người khác làm tà hạnh, phi lễ. Sau khi qua đời, người ấy bị đọa vào địa ngục, chịu khổ vô lượng. Ra khỏi địa ngục, lại làm thân súc sinh thuộc Thai sinh. Nếu sinh làm người thì làm thân hoàng môn, đó là do nghiệp ác còn sót lại.
Lại nữa, Tỳ Kheo kia quán mười một loại súc sinh rồi, tiếp đến quán bốn loại chúng sinh, khi ra khỏi địa ngục lại thọ bốn loại thức ăn:
1. đoàn thực thức ăn phải nhai.
2. Ý tư thực thức ăn bằng ý tư duy.
3. Xúc thực thức ăn bằng sự tiếp xúc.
4. Ái thức thực thức ăn bằng thức.
Tỳ Kheo lại tư duy, quan sát về quả báo của bốn loại thức ăn.
Vị ấy dùng văn tuệ, quán các chúng sinh lấy các đoàn thực cho người phá giới hoặc lũ giặc. Sau khi cho ăn, người kia bảo lũ giặc này giết hại kẻ oán thù. Kẻ giặc ấy nhận lời liền giết kẻ oán thù kia. Sau khi qua đời, kẻ sai giết hại người ấy bị đọa vào địa ngục, chịu đủ các khổ báo.
Ra khỏi địa ngục, đọa vào loài súc sinh thuộc đoàn thực như: Trâu, bò, dê, lạc đà, lừa, ngựa, heo, chó…
Các loài chim như: Chim cắt, thứu, ngỗng, vịt, khổng tước, mạng mạng, chim hồng và các loài chim khác. Phần nhiều chúng sống trong vùng đồng hoang, núi rừng hiểm trở. Đó là một ít loài súc sinh thuộc đoàn thực.
Lại nữa, Tỳ Kheo quán các loài súc sinh thuộc xúc thực ở trong bọc trứng, hoặc vừa ra khỏi trứng, lấy sự tiếp xúc làm thức ăn. Lại có nhiều loại chim sống trong nước, lấy bờ hồ làm tổ, hoặc đào bờ sông để làm hang ổ để đẻ trứng.
Còn các loài rồng, rắn vì nghiệp gì mà ăn bằng sự tiếp xúc?
Tỳ Kheo quan sát, liền dùng văn tuệ biết các chúng sinh này đời trước trong tâm hứa làm việc bố thí, sau đó suy nghĩ, tính toán, hối hận không làm. Do tạo nghiệp bất thiện mà người kia bị đọa làm súc sinh. Do tâm xưa suy nghĩ mà nay mắc quả báo phải ăn bằng sự tiếp xúc.
Lại nữa, Tỳ Kheo quán các loài súc sinh ăn bằng nhớ nghĩ.
Vì nghiệp gì mà làm thân súc sinh ăn bằng sự nhớ nghĩ?
Vị ấy dùng văn tuệ, biết các súc sinh như cá đỏ, cá đề di, cá thố… cho đến ngao, ốc… đều lấy tâm nhớ nghĩ làm thức ăn. Nếu nhớ nghĩ thì không đói khát, thân thể càng phát triển.
Vì nghiệp gì mà sinh vào các loài này?
Vị ấy dùng văn tuệ, biết các chúng sinh này do ngu si thiếu trí, không biết quả báo của nghiệp, đã hứa đem đồ vật cho người, nói rằng: Một tháng, hoặc nửa tháng sau, tôi sẽ lấy của cải thức ăn uống, vàng bạc, châu báu cho ông.
Nghe hứa như vậy, người nghèo ấy rất vui mừng, khen ngợi, trông mong mau đến nửa tháng hay một tháng để có được của cải. Sau đó, người nghèo kia tới nhà người giàu, nhưng ông ta nói khác đi, không giống như lời đã hứa trước đây. Người giàu ác ấy, sau khi qua đời bị đọa vào địa ngục Ưu hỷ, chịu đủ khổ não.
Ở đây sau khi qua đời lại bị đọa vào súc sinh, lấy nhớ nghĩ làm thức ăn. Do đời trước hứa cho người nghèo của cải, khiến họ vui mừng, nhưng cuối cùng không cho. Vì nhân duyên ấy, nếu được làm người thì làm kẻ nô tỳ cho người sai khiến. Đó là do nghiệp ác còn sót lại.
Lại nữa, Tỳ Kheo kia biết quả báo của nghiệp và quán các súc sinh ăn bằng loại thứ tư là ái thức thực.
Vị ấy dùng văn tuệ quán thấy có súc sinh do ái thức thực làm khổ não, thường nhớ đến sự ăn uống, sinh trong vùng đồng hoang, làm thân trăn lớn, rắn, thằn lằn, chỉ hút hơi gió. Lại có Trời Quang minh cũng gọi là ái thức ức thực, nhưng không bị khổ não, thấy thức ăn thì nhớ nghĩ đến liền được no.
Súc Sinh ăn bằng thức ái thì vì nghiệp gì mà phải chịu quả báo như vậy?
Vị ấy dùng văn tuệ, biết các chúng sinh kia vì có nhiều sân giận, nhiều ngu si mà sát hại chúng sinh. Sau khi qua đời, người ấy sinh trong đường ác, làm thân trăn lớn. Do đời trước vì ưa thích oán kết nên tự quấn trói tâm mình. Vì nhân duyên đó mà sinh trong loài súc sinh chịu khổ não, ưa thích ăn gió. Nếu sinh làm người thì hay sân giận, dấy khởi tranh cãi, kiện tụng với những việc vô cớ. Đó là do nghiệp ác còn sót lại.
Lại nữa, Tỳ Kheo biết quả báo của nghiệp, lại quán xét về vô lượng vô biên Thế Giới của súc sinh.
Vì lý do gì có những chúng sinh làm thân loài trùng trong nước?
Vị ấy dùng văn tuệ, biết các chúng sinh kia do ngu si thiếu trí, không có tâm tuệ, khi sắp chết rất khổ sở vì bệnh khát, hay ưa nghĩ nhớ đến nước. Khi qua đời, người ấy bị đọa trong đường ác, làm thân các loài vật ở trong nước như các loài cá. Khi còn thân trung ấm, người ấy thấy các thứ nước liền sinh tâm chạy đến đó.
Do thủ làm nhân duyên cho hữu, nên thân trung ấm ấy có một phần trong đó. Vì đời trước không thực hành bố thí, trì giới, nên người ấy sinh trong nước, miệng luôn khô khan, giống như chạm vào tro lửa. Đó là do nghiệp ác gây ra từ đời trước.
Lại nữa, Tỳ Kheo biết rõ quả báo của nghiệp, lại quán xét các loài súc sinh thuộc chim bay?
Vì nghiệp gì mà chúng bay trên không trung, không bị chướng ngại?
Vị ấy dùng văn tuệ, quán ba loại thần thông:
1. Thần thông giải thoát.
2. Thần thông thân hành.
3. Thần thông tâm tự tại.
Người giải thoát, theo sự nhớ nghĩ của tâm, hoặc là chim đi trên đất, hoặc bay trên không cũng như đi trên đất, đều không phải là pháp giải thoát. Sức thần thông của Chư Phật Như Lai đi đâu tùy ý với ba loại ấy. Ba loại ấy là sức thần thông thù thắng vi diệu của Bậc Thánh.
Lại nữa, Tỳ Kheo biết quả báo của nghiệp, lại quán xét về các loài súc sinh.
Thế nào là quán về địa ngục, súc sinh, Trời, Người, các loài chim bay thú chạy đi dưới nước, đi trên không, đi trên đất?
Vị ấy dùng văn tuệ, quán xét trong địa ngục với vô số khổ não.
Có hai loại súc sinh: Có loại thuộc chúng sinh, có loại không thuộc chúng sinh.
Loại thuộc chúng sinh, nghĩa là sinh vào chốn ngục kia bị thiêu đốt khổ não.
Loại không thuộc chúng sinh, là những tội nhân trong địa ngục do tâm điên đảo thấy trên hư không có các loại chim lớn đang bay liệng, vui chơi, tâm liền sinh nhớ nghĩ, muốn sinh vào chốn ấy. Theo tâm niệm đó mà được sinh, làm thân chim bay, chịu đủ khổ não trong địa ngục như trên.
Do quả báo của nghiệp ác mà sinh trong địa ngục, thấy những con sư tử hình dáng rất đáng sợ cùng các loài hổ, báo, chim lớn, trùng dữ, trăn, rắn, những con có hình dáng đáng sợ ấy là loại không thuộc về chúng sinh, dùng các sự khủng bố để hại người nơi địa ngục. Loại không thuộc về chúng sinh ấy, do nghiệp đã tạo khiến các tội nhân chịu khổ não cùng tột.
Ở trong địa ngục, các súc sinh không chịu khổ não ấy là: Sư tử, hổ, báo, trăn, rắn tạo sự não hại.
Lại nữa, Tỳ Kheo biết quả báo của nghiệp, lại quán về đường của các ngạ quỷ, có những súc sinh bị khổ về đói khát. Vị ấy liền dùng văn tuệ thấy trong đường ngạ quỷ có ba mươi sáu loại sinh trong loài chim bay. Từ trong cõi người chết đi sinh vào loài chim bay thọ thân các loài chim sát hại như chim cắt, cú, dứu, chim ưng.
Từ loại chim, chết rồi, sinh vào Thế Giới của ngạ quỷ, làm thân chim đói, bị đói khát thiêu đốt thân, hay mổ vào mắt ngạ quỷ, móc mắt ra, hoặc phá cho bể đầu để ăn não. Mắt, não, tủy của ngạ quỷ nóng như đồng nung, bị các chúng sinh này cùng nhau đến giành ăn. Đó là do nghiệp ác.
***
Phật Thuyết Kinh đại Bát Nhã Ba La Mật đa - Hội Thứ Năm - Phẩm Mười Bảy - Phẩm Tham Hành - Phần Hai
Phật Thuyết Kinh đại Bát Nhã Ba La Mật đa - Hội Thứ Ba - Phẩm Ba Mươi Mốt - Phẩm Tuyên Hóa - Phần Ba
Phật Thuyết Kinh đại Bảo Tích - Pháp Hội Thứ Bốn Mươi Tám - Pháp Hội Thắng Man Phu Nhân - Phần Một
Phật Thuyết Kinh đại Bát Nhã Ba La Mật đa - Hội Thứ Hai - Phẩm Bốn Mươi Tám - phẩm Thành Biện
Phật Thuyết Kinh Bách Dụ - Kinh Thứ Sáu Mươi - Kinh Bóng Vàng đáy Nước
Phật Thuyết Kinh Chuyển Pháp Luân Tồi Ma Oán địch Pháp