Phật Thuyết Kinh Tạp A Hàm - Kinh đao Sư Thị - Phần Hai
Hán dịch: Ngài Tam Tạng Pháp Sư Cầu Na Bạt Ðà La, Đời Tống
PHẬT THUYẾT KINH TẠP A HÀM
Hán dịch: Ngài Tam Tạng Pháp Sư
Cầu Na Bạt Ðà La, Đời Tống
KINH ĐAO SƯ THỊ
PHẦN HAI
Tôi nghe như vậy!
Một thời, Phật ở trong vườn Hảo Y Yêm La, tại thôn Na La. Bấy giờ có thôn trưởng Đao Sư Thị, trước đây là đệ tử của Ni kiền, đi đến chỗ Ni Kiền lễ sát chân Ni Kiền, rồi ngồi lui qua một bên.
Bấy giờ, Ni Kiền bảo thôn trưởng: Ông có thể dùng Tật Lê luận bàn luận cùng với Sa Môn Cù Đàm, để làm cho Sa Môn Cù Đàm nói cũng không được, không muốn nói cũng không được, được chăng?
Thôn trưởng thưa Ni Kiền: Thưa thầy, thế nào là luận thuyết Tật Lê luận có thể làm cho Sa Môn Cù Đàm muốn nói cũng không được, mà không muốn nói cũng không được?
Ni kiền bảo thôn trưởng:
Ông hãy đến chỗ Sa Môn Cù Đàm nói như vậy: Cù Đàm không thường muốn an ủi tất cả chúng sanh và khen ngợi an ủi tất cả chúng sanh phải không?
Nếu nói là không, thì ông nên nói rằng: Vậy, Cù Đàm có khác gì với kẻ phàm ngu si?
Nếu trả lời là thường muốn an ủi tất cả chúng sanh và khen ngợi an ủi tất cả chúng sanh, thì ông nên hỏi lại rằng: Nếu muốn an ủi tất cả chúng sanh, vậy thì vì sao chỉ vì một hạng người này nói pháp mà không vì một hạng người kia mà nói pháp?
Hỏi như vậy thì đó gọi là Tật Lê luận sẽ làm cho Sa Môn Cù Đàm muốn nói cũng không được, không muốn nói cũng không được. Bấy giờ, thôn trưởng Đao Sư Thị được sự khuyến khích của Ni kiền rồi, đi đến chỗ Phật cung kính chào hỏi.
Sau khi cung kính chào hỏi xong ngồi lui qua một bên, bạch Phật: Thưa Cù Đàm, Ngài há không thường muốn an ủi tất cả chúng sanh và khen ngợi nói lời an ủi tất cả chúng sanh?
Phật bảo thôn trưởng: Lúc nào Như Lai cũng thương xót, an ủi tất cả chúng sanh và lúc nào cũng khen ngợi nói lời an ủi tất cả chúng sanh.
Thôn trưởng bạch Phật rằng: Nếu như vậy, thì tại sao Như Lai chỉ vì một hạng người này nói pháp, mà không vì một hạng người kia nói pháp?
Phật bảo thôn trưởng: Bây giờ, ta hỏi ông, ông cứ tùy ý mà đáp cho ta.
Này thôn trưởng, thí như có ba loại ruộng: Loại ruộng thứ nhất thì mầu mỡ, phì nhiêu. Loại ruộng thứ hai thì trung bình. Loại ruộng thứ ba thì cằn cỗi.
Thế nào thôn trưởng, người chủ của những đám ruộng kia, trước tiên cày bừa, gieo giống vào đám ruộng nào?
Thôn trưởng nói: Thưa Cù Đàm, trước tiên là phải cày bừa, gieo giống xuống đám ruộng mầu mỡ phì nhiêu nhất.
Này thôn trưởng, kế đến lại phải cày bừa, gieo giống xuống đám ruộng nào?
Thôn trưởng nói: Thưa Cù Đàm, kế đến cày bừa, gieo giống xuống đám ruộng trung bình.
Phật bảo thôn trưởng: Kế đến lại phải cày bừa, gieo giống xuống đám ruộng nào?
Thôn trưởng thưa: Kế đến cày bừa, gieo giống xuống đám ruộng cằn cỗi xấu nhất.
Phật bảo thôn trưởng: Vì sao như vậy?
Thôn trưởng thưa: Vì họ không muốn bỏ phế ruộng chỉ giữ lại giống mà thôi!
Phật bảo thôn trưởng: Ta cũng như vậy, như đám ruộng mầu mỡ, phì nhiêu kia, các Tỳ Kheo Tỳ Kheo Ni của ta lại cũng như vậy. Ta thường vì họ mà giảng nói chánh pháp, lúc đầu, khoảng giữa và sau cùng đều thiện, nghĩa thiện, vị thiện, thanh tịnh thuần nhất, phạm hạnh thanh bạch, khai thị rõ ràng.
Sau khi họ nghe pháp rồi, nương vào nhà của ta, đạo của ta, sự che chở của ta, bóng mát của ta, đường hướng của ta, lúc nào cũng dùng tịnh nhãn nhìn theo ta mà sống và tự nghĩ như vậy: Những pháp mà Phật đã nói ra, ta đều thọ trì, luôn luôn đem lại cho ta ý nghĩa lợi ích và sống an ổn an vui. Này thôn trưởng, như đám ruộng trung bình kia, các đệ tử Ưu Bà Tắc và Ưu Bà Di của Ta cũng lại như vậy.
Ta cũng vì họ giảng nói chánh pháp ban đầu, khoảng giữa, sau cùng đều thiện, nghĩa thiện, vị thiện, thanh tịnh thuần nhất, phạm hạnh thanh bạch, khai thị rõ ràng.
Sau khi họ nghe pháp xong, nương vào nhà của ta, đạo của ta, sự che chở của ta, bóng mát của ta, đường hướng của ta, mà lúc nào cũng dùng tịnh nhãn nhìn theo ta mà sống và nghĩ như vậy: Những Pháp Thế Tôn đã nói ra ta đều thọ trì luôn luôn đem lại cho ta ý nghĩa lợi ích, sống an ổn, an lạc.
Này thôn trưởng, như đám ruộng xấu nhất của nhà nông kia, cũng vậy, ta vì các dị học ngoại đạo Ni Kiền Tử, cũng vì họ mà nói pháp, pháp ban đầu, khoảng giữa, sau cùng đều thiện, nghĩa thiện, vị thiện, thanh tịnh thuần nhất, phạm hạnh thanh bạch, khai thị rõ ràng.
Song đối với những người ít nghe pháp, ta cũng vì họ mà nói và những người nghe pháp nhiều ta cũng vì họ mà nói. Nhưng trong số những người này, đối với việc khéo nói pháp của ta, đạt được một câu pháp mà biết được ý nghĩa của nó, thì cũng lại nhờ nghĩa lợi này mà sống yên ổn an lạc mãi mãi.
Bấy giờ, thôn trưởng bạch Phật: Thật là kỳ diệu, Thế Tôn! Ngài đã khéo nói thí dụ về ba loại ruộng như vậy.
Phật bảo thôn trưởng: Ông hãy lắng nghe Ta cho thí dụ khác.
Như một người có ba loại đồ vật đựng nước:
Loại thứ nhất không bị thủng, không bị hư, cũng không bị thấm rỉ.
Loại thứ hai tuy không bị thủng, không bị hư, nhưng bị thấm rỉ.
Loại thứ ba thì vừa bị thủng, vừa bị hư, lại vừa bị thấm rỉ nữa.
Thế nào, thôn trưởng, trong ba loại đồ đó người kia sẽ chọn loại nào để đựng nước sạch?
Thôn trưởng nói: Thưa Cù Đàm, trước hết là nên dùng loại không bị thủng, không bị hư, không bị thấm rỉ để đựng nước.
Phật bảo thôn trưởng: Tiếp đến lại nên dùng loại nào để đựng nước?
Thôn trưởng nói: Thưa Cù Đàm, kế đến nên đem loại không bị thủng, không bị hư, nhưng bị thấm rỉ để đựng nước.
Phật bảo thôn trưởng: Hai loại kia đã đầy rồi, sau cùng lại dùng loại nào để đựng nước?
Thôn trưởng nói: Sau cùng phải dùng loại vừa bị thủng, bị hư, bị thấm rỉ để đựng nước thôi!
Vì sao?
Vì chỉ tạm thời dùng vào việc nhỏ trong chốc lát.
Phật bảo thôn trưởng: Giống như loại đồ của người kia không bị thủng, không bị hư, không bị thấm rỉ, các đệ tử Tỳ Kheo, Tỳ Kheo Ni của Ta lại cũng như vậy.
Ta thường vì họ giảng nói chánh pháp, cho đến luôn luôn vì nghĩa lợi, mà sống an ổn an vui. Giống như loại đồ thứ hai tuy không bị thủng, không bị hư, nhưng lại bị thấm rỉ, các đệ tử Ưu Bà Tắc, Ưu Bà Di của ta lại cũng như vậy.
Ta thường vì họ giảng nói chánh pháp, cho đến luôn luôn vì nghĩa lợi, mà sống an ổn an vui. Giống như loại đồ thứ ba vừa bị thủng, bị hư, bị thấm rỉ. Các đệ tử dị học ngoại đạo của Ni kiền lại cũng như vậy.
Ta thường vì họ giảng nói chánh pháp, ban đầu, khoảng giữa, sau cùng đều thiện, nghĩa thiện, vị thiện, hoàn toàn thanh tịnh thuần nhất, phạm hạnh thanh bạch, khai thị rõ ràng, dù nhiều hay ít ta cũng vì họ mà nói.
Nếu đối với một câu nói pháp của ta mà họ biết được nghĩa của nó, thì cũng được sống an ổn, an vui mãi mãi.
Lúc thôn trưởng Đao Sư Thị nghe những gì Phật nói, tâm sợ hãi vô cùng, lông toàn thân dựng đứng lên, liền đến trước Phật lễ dưới chân, sám hối những lỗi lầm: Bạch Thế Tôn, con như ngu, như si, không tốt, không hiểu biết. Đối với Thế Tôn con đã nói những lời lừa dối hư trá không chân thật. Sau khi nghe những gì Phật dạy, hoan hỷ tùy hỷ làm lễ mà lui.
***
Phật Thuyết Kinh đại Thừa Mật Nghiêm - Phẩm Tám - Phẩm A Lại Da Vi Mật - Tập Sáu
Phật Thuyết Kinh đại Thừa Mật Nghiêm - Phẩm Tám - Phẩm A Lại Da Vi Mật - Tập Năm
Phật Thuyết Kinh đại Thừa Mật Nghiêm - Phẩm Tám - Phẩm A Lại Da Vi Mật - Tập Bốn
Phật Thuyết Kinh đại Thừa Mật Nghiêm - Phẩm Tám - Phẩm A Lại Da Vi Mật - Tập Ba
Phật Thuyết Kinh đại Thừa Mật Nghiêm - Phẩm Tám - Phẩm A Lại Da Vi Mật - Tập Hai
Phật Thuyết Kinh đại Thừa Mật Nghiêm - Phẩm Tám - Phẩm A Lại Da Vi Mật - Tập Một
Phật Thuyết Kinh Tạp A Hàm - Kinh Cam Lộ
Phật Thuyết Kinh đại Bảo Tích - Pháp Hội Thứ Bảy - Pháp Hội Mặc Giáp Trang Nghiêm - Phần Bốn
Phật Thuyết Kinh đại Phật đảnh Quảng Tụ đà La Ni - Phẩm Mười Chín - Phẩm Chú Sư Tự Trước Chú Tác
Phật Thuyết Kinh Tạp A Hàm - Kinh Thất đạo Phẩm - Phần Hai