Phật Thuyết Kinh Chánh Pháp Niệm Xứ - Phẩm Sáu - Phẩm Quán Thiên Dạ Ma Thiên - Tập Ba Mươi Bảy

Kinh Đại thừa   •   Thứ hai, 25/12/2023, 22:18 PM

Hán dịch: Ngài Tam Tạng Pháp Sư Bát Nhã Lưu Chi, Đời Nguyên Ngụy

PHẬT THUYẾT

KINH CHÁNH PHÁP NIỆM XỨ

Hán dịch: Ngài Tam Tạng Pháp Sư

Bát Nhã Lưu Chi, Đời Nguyên Ngụy  

PHẨM SÁU

PHẨM QUÁN THIÊN

DẠ MA THIÊN  

TẬP BA MƯƠI BẢY  

Lại nữa, trên vách ở nơi khác của Tháp Phật, Thiên Chúng ở vùng đất có đầy đủ cây cối thuộc Trời Dạ Ma thấy chỗ của Đế Thích ở Cõi Trời ấy có oai lực thuyết pháp của Phật Thích Ca Mâu Ni, khiến Đế Thích ấy đóng cửa đường ác. Ở Cõi Trời thoái đọa rồi, vị ấy sinh ở trong loài người đến bảy lần như thế. Thấy hành vi đạo đức như vậy rồi, Chư Thiên nơi Cõi Trời Dạ Ma sinh tâm thán phục.

Trên vách ở nơi khác của Tháp Phật, ta thấy đường ác mà tất cả Vua Trời Đế Thích phải sinh vào, chỉ không thấy đường ác của Đế Thích Kiều Thi Ca.

Vì sao?

Bấy giờ, tất cả Thiên Chúng bạch với Thiên Chủ Mâu Tu Lâu Đà: Đường ác của tất cả Đế Thích khác đều được thấy.

Vì sao không thấy đường ác của Đế Thích Kiều Thi Ca?

Vì sao thấy vị ấy chỉ lên xuống bảy lần chớ không phải tám lần?

Nghe hỏi xong, Thiên Chủ Mâu Tu Lâu Đà nói: Các ông hãy chú ý, ta sẽ nói cho các ông nghe về con đường của Kiều Thi Ca. Vì ta muốn nói cho các ông nghe lý do này nên đã dẫn các ông vào Tháp Phật. Vào Tháp rồi, ta sẽ nói chánh pháp cho các ông nghe.

Vì sao?

Vì tất cả các ông đều sống phóng dật. Do Dục Lạc Cõi Trời lừa dối, tâm bị ngu si mê muội, không nghe chánh pháp. Vì thế, để tạo lợi ích cho các ông, ta đã dẫn các ông vào trong Tháp Phật, khiến các ông lìa bỏ kiêu mạn. Các ông sống phóng dật, làm đời này trôi qua một cách vô ích, về sau tâm sẽ hối tiếc. Do nhân duyên ấy, ta khuyên các ông hãy nghe chánh pháp.

Vì sao ở đây thấy Kiều Thi Ca chỉ sinh ở hai đường: Trời, Người mà không sinh vào cõi ác và lại không sinh đến lần thứ tám?

Trong Tháp Phật ta không thấy Kiều Thi Ca sống phóng dật, làm việc phóng dật.

Khi mạng sắp hết, nghiệp lành hết, tướng thoái đọa xuất hiện, có thiện tri thức nói với vị ấy: Này Kiều Thi Ca! Tướng thoái đọa của ông đã hiện ra, muốn hủy hoại tâm thanh tịnh của ông. Ông hãy tự làm lợi ích cho mình.

Sau khi nghe nói như vậy, Kiều Thi Ca thưa: Xin hãy chỉ dạy cho con, khiến con nghe pháp để không bị thoái đọa khỏi nơi này.

Bấy giờ, tiên nhân Thiện tri thức nói với Kiều Thi Ca: Này Kiều Thi Ca! Hãy lắng nghe! Có phương tiện lành khiến ông không bị thoái đọa khỏi nơi này. Cõi Diêm Phù Đề có Phật xuất thế tên là Cam Giá, sinh trong dòng họ Dận, thấy biết hết thảy, thấy tất cả nghiệp quả, dạy cho mọi chúng sinh con đường chánh. Bậc Vô Thượng Pháp Vương sẽ nói pháp cho ông, khiến ông không bị thoái đọa khỏi cõi này.

Sau khi nghe Thiện tri thức nói như vậy, để được nghe pháp, vị ấy vội vàng đến gặp Đức Thế Tôn ở cõi Diêm Phù Đề.

Trong khoảnh khắc, Kiều Thi Ca đến gặp Đức Thế Tôn, được Thế Tôn thuyết cho nghe chánh pháp để an ủi, nghe rồi được lợi ích, được thấy thành Niết Bàn. Pháp mà Phật thuyết giảng đầu, giữa, cuối đều thiện. Nghĩa thiện, ngữ thiện, phạm hạnh đầy đủ, thanh tịnh và rõ ràng. Đó là pháp khổ, nguyên nhân dẫn đến khổ, sự diệt khổ và con đường diệt khổ.

Đức Phật nói bốn Thánh Đế: Khổ, tập, diệt, đạo.

Nghe xong, Kiều Thi Ca hỏi Đức Thích Ca Mâu Ni: Thưa Đại Tiên Cồ Đàm, nay con gặp chướng ngại là tướng thoái đọa đã hiện, không bao lâu nữa con sẽ thoái đọa khỏi nơi này.

Sau khi Kiều Thi Ca hỏi, Đức Phật đáp: Này Kiều Thi Ca! Đúng vậy! Tướng thoái đọa đã hiện như ý ông nghĩ. Sự chướng ngại của ông là do nghiệp lành đã hết, do ông sống phóng dật và bị tham ái chi phối thân tâm ông. Ông sắp sinh chỗ khác ở trong đồng vắng, sinh tử bao la không thể vượt được, không thể đến bờ kia.

Tất cả phàm phu ngu si ở thế gian do không đủ sức nên phải chịu chướng ngại như: Sinh, lão, bệnh, tử, kêu khóc, buồn khổ, không thể đạt được những việc ưa thích, xa lìa người mình thương, phải gặp kẻ mình ghét, rắn độc, sư tử đủ loại đáng sợ đầy trong đồng vắng ấy, bị Mặt Trời đốt, ngu si tối tăm, dục nhiễm tràn đầy để làm chướng ngại kẻ phàm phu ngu si ở khắp các cõi.

Họ bị vô lượng trăm ngàn rừng cây phân biệt làm chướng ngại, ngăn che, không có nước chánh pháp để uống, xa lìa thiện tri thức, là người dạy cho đường chánh, có nhiều ngoại đạo tà kiến, với ý tà chỉ cho họ đường tà. Những người này ở đầy đồng trống không thể lìa bỏ. Nơi đời trước, đời sau, ở giữa và gần xa, cái khổ trong năm đường khiến mình không thể chịu được. Nỗi khổ tối tăm che khắp mặt đất.

Này Kiều Thi Ca! Tuy tâm sinh sợ hãi nhưng không thoát được đồng trống sinh tử ấy. Từ trước đến nay, ông tham đắm dục lạc nên không giác ngộ. Nay do dục lạc đã hết, ông mới thức tỉnh. Giờ thoái đọa đã đến, dục lạc không cứu được. Giờ thoái đọa đã đến, ông phải sinh nơi khác.

Sau khi nghe Phật nói, Kiều Thi Ca bèn sửa lại y phục, cởi bỏ thiên quan ở trên đầu, đảnh lễ dưới chân Phật, ngồi qua một bên rồi bạch với Đức Thế Tôn: Có phương tiện nào khiến con không bị thoái đọa khỏi cõi này và trở lại sinh làm Vua Cõi Trời Tam Thập Tam không?

Đức Phật bảo: Ta có phương tiện khiến cho ông không bị thoái đọa.

Vì sao?

Ta đã thấy là không có người nào khác có thể quyết định tạo nghiệp để sinh ở nơi này, ngồi ở chỗ ngồi của ông, làm Vua Cõi Trời Tam Thập Tam. Ta thấy ông sẽ ngồi lâu dài ở chỗ ngồi này. Ta thấy có nhân duyên khiến ông không bị thoái đọa, đó là được nghe ta thuyết pháp.

Nghe Phật dạy xong, Kiều Thi Ca chắp tay trên trán, sinh tâm hoan hỷ bạch với Phật: Cúi xin Thế Tôn chỉ dạy cho con. Con sẽ chú ý lắng nghe.

Sau khi Kiều Thi Ca thưa như vậy, Đức Phật giảng dạy về vị ngọt của dục, tai họa của dục, sự xuất ly khỏi dục lạc và giảng rộng khế Kinh thù thắng.

Nghe xong, Kiều Thi Ca liền đắc quả Tu Đà Hoàn. Đã đắc quả rồi, Kiều Thi Ca tuần tự vãng sinh, đời sống giảm dần, lấp các đường ác. Do đó trên vách Tháp Phật, Thiên Chúng Trời Dạ Ma không thấy nơi tái sinh lần thứ tám của Kiều Thi Ca. Do Vua Đế Thích ấy thành tựu Niết Bàn nên chỉ tái sinh bảy lần chớ không tái sinh đến tám lần.

Do nhân duyên này, ta đã chỉ dạy rõ cho Thiên Chúng các ông.

Bấy giờ, Thiên Chủ Mâu Tu Lâu Đà nói kệ:

Dục không phải tài vật

Do nó không lợi ích

Giới tín là của quý

Dẫn đến quả Niết Bàn.

Dục chẳng phải tài vật

Vì khiến sinh các cõi

Nếu khiến thoát khỏi dục

Mới đúng là tài vật.

Ai không vượt nẻo ác

Hoặc ưa thích ồn ào

Người ấy do ngu si

Không của cho là của.

Vật được nói là vật

Dục chẳng phải là vật

Nếu như lìa bỏ dục

Sẽ được vật chân thật.

Nếu nói đường tịch tĩnh

Ấy là đường bậc nhất

Con đường thù thắng ấy

Người trí có thể đến.

Nếu ai không gần dục

Hoặc không bị ái lừa

Sẽ đi con đường lành

Không gần với lửa dục

Dục thường không thể đủ

Dục không phải tịch tĩnh

Hòa hợp với tham ái

Như lửa hừng gặp củi.

Trời, người hoặc là rồng

Không biết đủ liền mất

Bị lửa địa ngục thiêu

Mất chính là thoái thất.

Thiên Chủ Mâu Tu Lâu Đà đem vô lượng pháp như vậy dạy cho Thiên Chúng để ủng hộ, cứu giúp họ. Bấy giờ, Thiên Chúng hết sức nhàm chán dục.

Nhàm chán dục rồi, họ lại bạch với Thiên Vương Mâu Tu Lâu Đà: Thưa đại Thiên Vương, chúng con đã quán thấy đời vị lai của họ, các đường họ phải sinh.

Nay lại tự quán đời vị lai của con sẽ sinh đường nào?

Thiên Vương Mâu Tu Lâu Đà đáp: Nên quán như vậy.

Nghe rồi, trên vách ở nơi khác trong Tháp Phật, Thiên Chúng quan sát thấy địa ngục mà Trời Dạ Ma thoái đọa là Hoạt, Hắc thằng, Hợp, Hoán, Đại hoán, Nhiệt, Đại nhiệt… thấy vô lượng loại đọa địa ngục ấy có đầu ở dưới đất. Những người bị đọa ấy có người buông hai cánh tay nhưng vị ấy chưa mất thân Trời, dự kiến sẽ sinh ở địa ngục như vậy.

Trên vách cũng cho thấy: Thiên Chúng ở Cõi Trời, khi nghiệp hết, Thiên Chúng ở Cõi Trời bị đọa vào địa ngục ấy, thân thể chín nhừ, nằm trên đất sắt nóng, có vô lượng quạ và chim thứu đầy trên đất đó. Nơi ấy có vô lượng sự đáng sợ, cát nóng trải khắp mặt đất. Chúng sinh nơi địa ngục bị thiêu đốt rất dữ dội.

Vị Trời ấy bị đọa xuống địa ngục, đầu ở phía dưới. Sự thọ khổ như vậy là sự khổ duy nhất, là sự khổ vững chắc nhất gồm vô lượng loại. Vị ấy chịu các khổ não, bị quan cai ngục la mắng đủ thứ. La mắng rồi, lại tạo đủ loại khổ. Các vị Trời ấy đều thấy thân mình chịu khổ như vậy.

Thấy như vậy rồi, trên vách ở nơi khác trong Tháp Phật, Thiên Chúng lại thấy trong quá khứ, Thiên Vương Dạ Ma ở trong địa ngục chịu vô lượng loại khổ não nghiệt ngã, xấu xa, bị dục làm loạn tâm, do trước kia ưa cảnh giới đã từng bị hủy hoại nên tạo các nghiệp ác.

Họ tạo nghiệp thế nào và có tướng gì?

Quan cai ngục đều nói cho họ nghe đủ hết. Xưa kia, do tham cảnh giới họ đã tạo nghiệp ác. Nay việc thọ hưởng này cũng như việc thọ hưởng của các Thiên Vương Dạ Ma trong quá khứ.

Tên của họ là Đại Nghiệp, là Cụ Túc Chúng Hiền, là Oai Đức, là Bất Hoại, là Ý Lạc, là Thiện Sắc, là Phổ Lạc. Các Thiên Chủ Dạ Ma này đọa vào bảy địa ngục và thọ nhận quả báo theo nghiệp thiện hay bất thiện. Họ đã thọ hưởng cái vui cảnh giới lớn nhất, tâm chưa biết chán, bị tham ái hủy hoại nên thoái đọa như vậy.

Người có nghiệp nặng ấy xưa đã làm gì mà được sinh lên Trời Dạ Ma?

Họ làm Trời Dạ Ma là do xưa kia làm người họ đã dùng tâm tin tưởng trong sạch cúng thức ăn cho bậc Duyên Giác. Do duyên ấy, khi chết họ được sinh vào đường lành là Cõi Trời Dạ Ma, làm Dạ Ma Vương. Ở Cõi Trời ấy, họ thọ vô lượng dục lạc của cảnh giới chưa biết chán biết đủ.

Khi thoái đọa khỏi Cõi Trời ấy, do xưa kia đã trộm cắp nên họ đọa lại địa ngục Hắc thằng. Vào đời trước, họ đã từng làm thầy thuốc, không trị đúng bệnh cho bệnh nhân để lấy của cải của họ, do nghiệp ác này nên họ sinh vào địa ngục Hắc thằng.

Quán nghiệp trong quá khứ của Thiên Vương Dạ Ma thứ nhất rồi, kế đó lại quan sát nghiệp thiện và ác của vị thứ nhì.

Do nghiệp gì vị ấy sinh vào Trời Dạ Ma, làm Vua Trời Dạ Ma?

Trên vách ở nơi khác của Tháp Phật lại xem thấy vào đời quá khứ, với tâm thanh tịnh vị ấy đem tài vật của mình bố thí cho Tỳ Kheo bệnh để xông ướp tâm. Do nhân duyên này, khi chết vị ấy sinh trong đường lành là Cõi Trời Dạ Ma và làm Vua Trời. Sau đó, vị ấy lại lênh đênh trên sông cảnh giới. Do hết nghiệp lành, vị ấy thoái đọa vào đại địa ngục Kêu gào.

Đời trước, khi làm người, họ làm chủ đất giàu có sống phóng dật, sinh tâm kiêu mạn. Có người đi đường rất khát, mồ hôi nhỏ giọt, người chủ đất thấy vậy liền đem rượu mía cho người kia uống. Do uống rượu, người ấy mất sự tự chủ, liền phạm giới, đánh mất sự tự lợi ích. Do nghiệp bất thiện là cho người kia uống rượu nên khi chết, vị ấy bị đọa trong địa ngục Kêu gào.

Quan sát việc gây nghiệp ác của Thiên Vương Dạ Ma thứ hai rồi, Chư Thiên ấy thấy tất cả pháp hữu vi sinh tử không khác gì lửa, họ nói với nhau: Đại Thiên Vương đã chỉ cho chúng ta quả báo tương ưng với nghiệp thiện hay bất thiện. Nay lợi ích ta có được nhờ Thiên Vương này không khác gì lợi ích mà ta có được nhờ cha mẹ.

Sau khi Chư Thiên nói với nhau như vậy, trên vách báu ở nơi khác trong Tháp Phật lại hiện ra hình ảnh mà Phật Ca Na Ca Mâu Ni dùng thần lực hóa ra. Đó là hình ảnh Trời Thiên Vương Dạ Ma tên là Oai Đức.

Do duyên gì mà vị ấy sinh ở Cõi Trời Dạ Ma, làm Thiên Vương?

Vào đời trước, lúc làm người, vị ấy không làm hại người khác để được của cải. Chỗ nào tối tăm mà có thuyết pháp thì vị ấy đốt đèn để chiếu sáng cho Phật, Pháp, Tăng. Do nhân duyên đó, khi chết, vị ấy sinh vào Cõi Trời Dạ Ma, làm Thiên Vương tên là Oai Đức, làm Vua trong một thời gian lâu dài.

Đã làm Vua rồi, tùy theo tuổi thọ, khi chết, vị ấy lại sinh vào Trời Tứ Thiên Vương. Ở đó thoái đọa rồi, lại sinh vào cõi Uất Đan Việt. Sau khi thoái đọa khỏi cõi đó, vị ấy lại sinh vào Cõi Trời Tam Thập Tam. Khi thoái đọa khỏi cõi đó, vị ấy sinh vào cõi Diêm Phù Đề, được làm Vua loài người, có oai đức lớn, có thần thông lớn.

Sinh ở cõi ấy rồi, do sống phóng dật, bị dục lừa dối, do tâm lay động, họ tạo ba nghiệp ác là sát sinh, trộm cắp, tà dâm. Do tạo nghiệp ác như vậy, khi chết bị đọa vào địa ngục Thiêu đốt, nóng không thể tả, có vô lượng trăm ngàn nghiệp nhân của địa ngục khác nhau nên họ phải chịu các khổ não ở trong địa ngục, bị giặc tâm lừa dối như vậy.

Bấy giờ, Thiên Chúng lại thấy ở trong Cõi Trời có vô lượng sự đầy đủ, lại thấy sự thoái thất hoặc vui, hoặc khổ.

***

icon

Tổng hợp

Cùng chủ đề

Phật Thuyết Kinh đại Bát Nhã Ba La Mật đa - Hội Thứ Ba - Phẩm Ba Mươi Mốt - Phẩm Tuyên Hóa - Phần Ba

Kinh Đại thừa   •   25.12.2023
Hán dịch: Ngài Tam Tạng Pháp Sư Cưu Ma La Thập, Đời Diêu Tần