Phật Thuyết Kinh ưu Bà Tắc Giới - Phẩm Hai Mươi Sáu - Tinh Tấn Ba La Mật
Hán dịch: Ngài Tam Tạng Pháp Sư Đàm Vô Sấm, Đời Bắc Lương
PHẬT THUYẾT
KINH ƯU BÀ TẮC GIỚI
Hán dịch: Ngài Tam Tạng Pháp Sư
Đàm Vô Sấm, Đời Bắc Lương
PHẨM HAI MƯƠI SÁU
TINH TẤN BA LA MẬT
Thiện Sinh bạch Phật: Bạch Đức Thế Tôn! Nhân chính để tu hạnh sáu Ba la mật của bậc Đại Bồ Tát là gì?
Thiện nam tử! Nếu có thiện nam tử, thiện nữ nhân, chuyên tâm cần mẫn trừ diệt điều ác đã sinh, ngăn chặn điều ác chưa sinh, điều thiện chưa sinh làm cho sinh, điều thiện đã sinh làm cho tăng trưởng. Đây gọi là tinh tấn. Sự tinh tấn như vậy là nhân chính của sự tu hành Lục Độ.
Sự tinh tấn như vậy, có thể làm cho hành giả thoát ly mọi cảnh giới phiền não.
Thiện nam tử! Nếu như có thể nhẫn thọ sự khổ ở ba đường ác, nên biết người đó thực sự có thể tu tập Tinh Tấn Ba la mật, bình đẳng tu tập, không gấp rút, không hoãn đãi.
Tinh tấn có hai loại: Chánh, tà. Bồ Tát sau khi xa lìa tà tinh tấn, tu tập chánh tinh tấn. Tu tập tín, thí, giới, văn tuệ, từ bi, gọi là chánh tinh tấn. Thường chí tâm tu tập, mỗi ngày ba thời tâm không hối tiếc, đối với việc tu pháp lành, không bao giờ cảm thấy thỏa mãn.
Tất cả sự học hỏi pháp thế gian và xuất thế gian đều gọi là tinh tấn. Bồ Tát tuy không còn tham tiếc thân mệnh, nhưng vì muốn hộ trì chánh pháp, thành thử phải trân trọng bảo hộ thân mệnh của mình.
Thường tu bốn uy nghi đúng như pháp, lúc tu pháp lành tâm không lười nghỉ. Dù mất thân mạng, cũng không đi ngược với chánh pháp. Sự thành tựu của sáu Ba la mật đều do nhân duyên tinh tấn.
Nếu tự mình đọc tụng, biên chép, suy ngẫm nghĩa lý của mười hai phần giáo, đây gọi là tự mình vì pháp mà siêng cần tu tập. Nếu có thể đem những sự việc này, giáo hóa điều phục chúng sinh, đây gọi là vì người mà siêng cần tu tập.
Nếu vì giác ngộ mà tu tập đạo bồ đề, bố thí, trì giới, đa văn, trí tuệ, tu học pháp thế gian, cúng dường cha mẹ, Sư Trưởng, những bậc đức hạnh, tu pháp Xa Ma Tha, Tỳ Bà Xá Na, đọc tụng, biên chép mười hai phần giáo, lại có thể xa lìa tham lam, giận dữ, ngu si, v.v... đây gọi là vì đạo Bồ Đề mà siêng cần tinh tấn. Đây đều gọi là chánh tinh tấn, gọi là chánh nhân của sáu Ba la mật.
Thiện nam tử! Những người lười biếng, không thể trong một lúc bố thí tất cả, không thể trì giới, siêng cần tinh tấn, nhiếp tâm an định, nhẫn nhục việc ác, phân biệt thiện ác. Cho nên ta nói thành tựu sáu Ba la mật là do bởi sự tinh tấn.
Thiện nam tử! Có tinh tấn mà không phải Ba la mật, có Ba la mật mà không phải tinh tấn, có tinh tấn mà là Ba la mật, có vừa không tinh tấn vừa không phải Ba la mật.
Tinh tấn mà không phải Ba la mật, chẳng hạn như tà tinh tấn, tinh tấn làm việc thiện thế gian, tinh tấn của Thanh Văn, Duyên Giác. Ba la mật mà không phải tinh tấn, chẳng hạn như Bát Nhã Ba la mật.
Có tinh tấn vừa là Ba la mật, chẳng hạn như năm Ba la mật: Bố thí, trì giới, nhẫn nhục, tinh tấn, thiền định. Vừa không phải tinh tấn vừa không phải Ba la mật, chẳng hạn như sự bố thí, trì giới, nhẫn nhục, thiền định, trí tuệ và tất cả việc thiện của tất cả phàm phu, Thanh Văn, Duyên Giác.
Thiện nam tử! Bồ Tát có hai hạng:
Một là tại gia.
Hai là xuất gia.
Bồ Tát xuất gia tu tập tinh tấn, điều này không khó. Bồ Tát tại gia tu tập tinh tấn, điều này mới khó.
Vì sao?
Vì người tại gia bị nhiều ác duyên ràng buộc.
***
Phật Thuyết Kinh đại Bát Nhã Ba La Mật đa - Hội Thứ Năm - Phẩm Mười Bảy - Phẩm Tham Hành - Phần Hai
Phật Thuyết Kinh đại Bát Nhã Ba La Mật đa - Hội Thứ Ba - Phẩm Ba Mươi Mốt - Phẩm Tuyên Hóa - Phần Ba
Phật Thuyết Kinh Diệu Pháp Liên Hoa - Phẩm Hai Mươi Bốn - Phẩm Diệu âm Bổ Tát
Phật Thuyết Kinh Tạp A Hàm - Kinh Bạt đà La
Phật Thuyết Kinh Phật Danh - Phần Mười Bảy
Phật Thuyết Kinh Tạp A Hàm - Kinh Thánh đệ Tử - Phần Hai
Phật Thuyết Kinh ưu Bà Tắc Giới - Phẩm Hai Mươi Sáu - Tinh Tấn Ba La Mật
Phật Thuyết Kinh Tăng Chi Bộ - Chương Chín - Chín Pháp - Phẩm Bốn - ðại Phẩm - Phần Bảy - Chư Thiên
Phật Thuyết Kinh Phương đẳng Bát Nê Hoàn - Phẩm Bốn - Phẩm Chúc Lụy