Phật Thuyết Kinh Chánh Pháp Niệm Xứ - Phẩm Sáu - Phẩm Quán Thiên Dạ Ma Thiên - Tập Ba Mươi Chín

Kinh Đại thừa   •   Thứ hai, 25/12/2023, 22:18 PM

Hán dịch: Ngài Tam Tạng Pháp Sư Bát Nhã Lưu Chi, Đời Nguyên Ngụy

PHẬT THUYẾT

KINH CHÁNH PHÁP NIỆM XỨ

Hán dịch: Ngài Tam Tạng Pháp Sư

Bát Nhã Lưu Chi, Đời Nguyên Ngụy  

PHẨM SÁU

PHẨM QUÁN THIÊN

DẠ MA THIÊN  

TẬP BA MƯƠI CHÍN  

Bấy giờ, Đức Thế Tôn thuyết pháp tùy theo căn cơ, có mười ngàn người thường gần Vua, thường đi chung với Vua, là bạn đồng hành trước đây được sạch hết lậu, hoặc, Thiên Chủ Dạ Ma Mâu tulâu đà lần lượt thấy tất cả đời vị lai như Đức Thế Tôn Ca Na Ca Mâu Ni đã hóa hiện trên vách.

Các việc hiếm có mà bậc Nhất thiết trí hóa ra gồm có vô lượng loại, các cảnh giới khác Cõi Trời, cõi ma và các Sa Môn, Bà La Môn không thể thấy được ngoại trừ người gần gũi bậc chân chánh, sống gần Như Lai, gần thiện tri thức, trong việc ra khỏi sinh tử đó là điều tốt nhất.

Bấy giờ, tất cả Thiên Chúng đều sinh tâm vui vẻ, sinh tâm kính trọng đối với Phật, Pháp, Tăng. Lúc này Thiên Vương ấy cùng với Thiên Chúng đảnh lễ Phật rồi ra khỏi Tháp Phật.

Kinh thứ năm trong sáu Kinh mà Đức Thế Tôn Ca Na Ca Mâu Ni hóa hiện ra đã nói xong.

Bấy giờ, Thiên Vương Dạ Ma Mâu Tu Lâu Đà sinh tâm hoan hỷ, thấy tai họa của sự dục lạc liền sinh lo sợ. Thiên Chủ cùng Thiên Chúng quan sát lại vùng đất có đầy đủ cây cối. Thiên Chúng ra đi một cách hoan hỷ. Nơi ấy có đủ hạng Thiên Chúng, có nhiều khu vườn, ao sen đầy khắp, có vô lượng loại hoa sen nơi các ao, có đủ loại chim với âm thanh đáng ưa, người nghe âm thanh ấy liền thọ an lạc.

Vùng đất có đầy đủ cây cối, có vô lượng trăm ngàn Thiên Nữ, ca múa vui cười, nô đùa đủ cách, họ có đầy đủ vô lượng công đức, có cây bảy báu vi diệu trang sức khắp vùng đất ấy. Quả báo của tự nghiệp có các bậc thượng, trung, hạ. Tự nghiệp của Thiên Chúng là ưa thích dục lạc.

Ở khắp vùng đất ấy, họ là đồng bạn của nhau, không làm trở ngại nhau, tin tưởng lẫn nhau, có nhiều Thiên Tử và Thiên Nữ yêu mến nhớ nghĩ lẫn nhau, có nhiều con sông bên trong có nước uống mùi vị rất ngon, lại có đủ loại cung điện bằng châu báu vi diệu, có đủ màu đáng yêu và đầy đủ công đức nơi năm dục. Chúng được trang sức bằng các ánh sáng báu. Các bảo điện ấy tranh nhau phát ra ánh sáng thù thắng, như lửa luyện vàng, san hô, xa cừ.

Có nhiều ngọn núi và châu báu xanh trang điểm vùng đất ấy.

Vùng đất có đầy đủ cây cối được tô điểm đáng yêu như vậy.

Thiên Vương Dạ Ma Mâu Tu Lâu Đà đã quan sát rồi bảo Thiên Chúng: Thiên Chúng các ông đã xem Thiên Chúng ấy sống vui vẻ như vậy, đi chơi vui vẻ từ núi này đến núi khác, từ một ngọn núi đến một ngọn núi, ca múa vui đùa bằng năm loại âm nhạc.

Các ông đều thấy Thiên Chúng ấy rồi phải không?

Thiên chúng đã thấy đủ thứ ở Tháp Phật, trả lời Thiên Vương: Chúng con đã thấy.

Bấy giờ Thiên Vương Dạ Ma bảo Thiên Chúng: Như Lai đã giảng nói theo căn cơ.

Điều suy não trên Cõi Trời là: Chư Thiên sống phóng dật, khi mạng sắp dứt, nghiệp lành sắp hết, giờ thoái đọa sắp đến, quả báo của việc giữ giới sắp tan rã, hành nghiệp như huyễn hóa nhưng họ ngu si không biết, Chư Thiên sống phóng dật không hay, không biết, bị đọa vào địa ngục, ngạ quỷ, súc sinh. Vô lượng loại khổ suy não này và việc lưu chuyển trong sinh tử đều do nghiệp cũ.

Vì sao?

Đó là do trong cuộc sống, niệm niệm dời đổi không dừng lại và do nhiều nghiệp lực không thể lìa được.

Tất cả ba tướng hữu vi này do ba lỗi sinh, trụ, diệt nên có vô lượng các việc suy não. Nó không có một chút mùi vị vậy mà Thiên Chúng không hay, không biết, tự cho là thú vui lớn. Niệm niệm gần kề với cái chết, giờ chết sắp đến, đã vào cửa chết mà họ không hay không biết. Như tất cả các pháp hữu vi này, niệm niệm không dừng, tất cả vật có mạng sống đều bị vô thường hủy hoại, biến đổi mau chóng trong vài năm.

Lúc thoái đọa, vị Trời ấy mới hay biết khổ não, có vô lượng loại ân ái xa lìa.

Khi đó, đã thấy Thiên Vương, Thiên Chúng sinh tâm vui mừng, vội vàng trang điểm thân mình, Thiên y rủ xuống, họ dùng mũ báu, anh lạc, vòng hoa đẹp đẽ của Chư Thiên để trang điểm nơi thân.

Trong ánh sáng của tự thân có nhiều Thiên Nữ trang sức đủ cách, bao gồm trăm ngàn người vây quanh Thiên Tử. Họ vui chơi, ca múa, đủ loại âm nhạc và thọ hưởng niềm vui lớn nhất do nghiệp của mình. Sự trang sức rất đầy đủ như vậy gồm trăm ngàn loại màu sắc hướng đến Thiên Chủ Mâu Tu Lâu Đà.

Thấy như vậy rồi, Thiên Vương theo đó mà xem xét, liền đến gần hơn để xem họ vui chơi, thọ hưởng các dục lạc. Khi ấy, Thiên Vương tùy thuận với tâm của họ nên tạm thời gia nhập, vui chơi hưởng dục lạc. Thiên Vương đùa vui với Thiên Chúng trong chốc lát. Các vị Trời ấy động tâm, ưa thích dục lạc.

Vui chơi rồi, họ đến ngọn núi khác có đủ loại san hô, các cây bằng vàng bạc, vô lượng loại màu sắc vi diệu, trang sức, gồm có vô lượng loại tiếng hót của các loài chim, có vô lượng loại ánh sáng chiếu rực rỡ, có vô lượng loại ý niệm phân biệt khác nhau, có vô lượng loại châu báu kỳ diệu tô điểm ngọn núi này. Thiên Chúng đi đến ngọn núi như vậy.

Đến ngọn núi rồi, tâm thích thọ vui, Dạ Ma chủ ấy cùng với Chư Thiên đã từng thấy Tháp Phật. Họ cùng đi với nhau, cùng đến vô lượng cảnh giới vui vẻ.

Bấy giờ, Thiên Chủ Dạ Ma bảo Thiên Chúng: Ta cùng các ông theo nhau mà đi, làm lợi ích cho chính mình, nếu xả bỏ cảnh giới mới được lợi ích, không xả bỏ cảnh giới thì không có lợi ích. Chúng ta quyết định tùy thuận hành theo Phật Pháp cho đến rốt ráo, cho đến Niết Bàn.

Nói với Thiên Chúng như vậy rồi, Thiên Chủ Dạ Ma cùng Thiên Chúng đi đến vùng đất có đầy đủ cây cối với tâm vắng lặng.

Đến nơi, họ ở trong một chỗ có đủ loại dòng nước, có ao sen vi diệu, có rừng hoa sen, có nhiều loại chim làm đẹp ao ấy, lại có đủ loại ong bằng châu báu trang sức nơi ấy, khắp nơi đều sáng rực.

Vùng đất đáng yêu ấy có Tháp của vị Phật thứ sáu hiệu là Ca Diếp. Thấy cảnh ấy rồi, Thiên Chủ sinh tâm thán phục. Trong số ánh sáng của tất cả châu báu, ánh sáng của Tháp Phật là hơn hết, nó vọt lên tận hư không, có đủ loại châu báu kỳ diệu trang sức. Ánh sáng của châu báu ấy hơn cả ánh sáng của trăm ngàn Mặt Trời. Ánh sáng ấy trong lặng khiến Tháp Phật được thấy ở một nơi rộng rãi.

Khi ấy, thấy như vậy rồi, Thiên Chúng bạch với Thiên Chủ Mâu Tu Lâu Đà: Đây là ánh sáng của những thứ châu báu kỳ diệu gì mà giống như đã thấy lúc trước.

Sau khi nghe hỏi, Thiên Chủ Dạ Ma bảo: Thiên chúng hãy lắng nghe, cái mà các ông đang thấy là ánh sáng thù thắng, vi diệu của đủ loại châu báu như đã thấy lúc trước. Đó là Tháp của Phật Ca Diếp, bậc Thiên Trung Thiên, Như Lai, Ứng Cúng Chánh Biến Tri, Minh Hạnh Túc, Thiện Thệ, Thế Gian Giải, Vô Thượng Sĩ, Điều Ngự Trượng Phu, Thiên Nhân Sư, Phật Thế Tôn, là bậc Đại tiên thứ sáu.

Tháp Phật này tạo lợi ích cho Chư Thiên đã từng tu phạm hạnh, đã từng tu tâm tịnh. Trên vách báu trong Tháp Phật này hóa hiện rõ ràng các hình ảnh để làm lợi ích cho Chư Thiên, như các Đức Phật khác đã làm. Ta và Chư Thiên các ông hãy sinh tâm kính trọng đối với Chánh Pháp của Phật để tự làm lợi ích.

Nói như vậy rồi, Thiên Chủ Dạ Ma cùng Thiên Chúng đi đến Tháp Phật. Đến nơi, họ thấy đầy đủ các loại ánh sáng báu, vi diệu như đã nói ở trước.

Bấy giờ, Thiên Chủ Dạ Ma cùng với Thiên Chúng tiến vào Tháp Phật liền thấy tượng Phật Ca Diếp. Tượng này làm bằng vàng Diêmphù na đà, có y phục bằng châu báu vi diệu và ánh sáng trùm khắp. Tượng Phật ngồi trên tòa Sư tử, làm bằng châu báu Tỳ Lưu Ly, trông giống như đang thuyết pháp không khác. Tượng ấy có hình sắc đẹp không thể ví dụ. Thân sắc của Chư Thiên so với thân sắc ấy cũng giống như lửa đom đóm so với ánh sáng Mặt Trời. Hình sắc, oai đức của Phật thù thắng vi diệu như vậy.

Thấy tượng Phật rồi, Thiên Vương và Thiên Chúng tâm rất vui mừng, kính trọng và tin tưởng sâu xa, kính cẩn đảnh lễ, cởi bỏ thiên quan, chuỗi anh lạc và các đồ trang sức. Họ xa lìa các sự kiêu mạn về sắc, chấm dứt sự ưa thích về sắc, lìa bỏ sự ngạo mạn về ánh sáng, tất cả kiêu mạn đều được xả bỏ. Tâm họ xa lìa sự cấu uế của dục, cung kính đảnh lễ sát chân Phật, dần dần lìa bỏ ngạo mạn, rồi trở lại đảnh lễ Phật. Lễ xong, tất cả Thiên Chúng đều nhất tâm bất động.

Do nghiệp nhân, trên vách báu trong Tháp Phật ở một góc nơi điện Phật, họ thấy có văn tự. Đó là Kinh do thần lực của Phật hóa hiện ra để làm lợi ích cho hàng Trời, Người. Tất cả thế gian đều được lợi ích. Từng chữ, từng câu đều có nghĩa thiện, vị thiện, dạy cho chúng sinh con đường tuần tự tiến đến Niết Bàn. Đó chính là bậc đại Hòa Thượng của tất cả người xuất gia.

Theo môn học về luật và Kinh, Tỳ Kheo bị mười ba pháp làm ngăn ngại, khiến không thể tọa thiền, đọc tụng Kinh Luật, ngăn trở việc tự làm lợi ích và không thể đạt đến Niết Bàn.

Nên các Tỳ Kheo không xả bỏ mười ba pháp như vậy thì không thể thoát được bệnh, già, chết, kêu gào, than khóc, buồn khổ rầu rỉ, là kẻ thấp kém chẳng phải là người xuất gia chân thật, thân, khẩu, ý thường hành động không chân chánh, không siêng năng tinh tấn. Tỳ Kheo như vậy nếu thọ nhận tọa cụ, thuốc men, đồ dùng của người khác trong một ngày cũng không thể tiêu. Vật như vậy làm ngăn ngại mình.

Ngăn ngại có nghĩa là khiến thân gầy ốm, biếng nhác, lo sợ không hiểu biết điều gì. Người như vậy thì không thể vượt được sông lớn rất sâu và chảy xiết. Người này có thân thể gầy ốm, không thể làm việc, tâm không được điều phục, thường hay lười biếng.

Người này không biết ngồi thiền, đọc tụng Kinh Luật, sợ sệt, không có trí tuệ, bị sự vô minh của chính mình che lấp, cho nên không thể vượt được năm sông ái dục. Do bám theo cảnh giới nên họ không thể vượt và bị cảnh giới làm trôi dạt trong sông ái. Bị trôi dạt trong sông ái rồi, họ trôi vào biển sinh tử, trôi lăn liên tục không có lúc dừng.

Mười ba pháp đó là gì?

Đó là thích nói nhiều, diễn thuyết, trị bệnh, làm họa sĩ, nghe việc tà ác, ca ngâm tán tụng, xem xét tinh tú, coi tướng lành dữ, chỉ tham ăn uống và mong cầu các vật báu, gần gũi Vua quan mong họ mời đến, không thưa hỏi người khác để mong được nhiều hiểu biết, ở cùng chỗ với điều ác…

Sa Môn nào vướng vào mười ba pháp này thì sẽ bị trở ngại trong việc tọa thiền, đọc tụng. Do sự trở ngại ấy, họ bị mất lợi ích hoặc chỉ còn lợi ích rất ít. Do bị mất lợi ích, họ sinh vào địa ngục, ngạ quỷ, súc sinh.

Người xuất gia hư dối như vậy chẳng phải là xuất gia, cũng chẳng phải tại gia. Họ xả bỏ pháp lành và bị những người có phạm hạnh khinh rẻ. Họ chỉ có hư danh, giống như tiếng ốc, không nghe không biết về hạnh Niết Bàn, có nhớ nghĩ điều gì đều không được theo ý, các vị Thiên hộ thân bỏ họ mà đi.

Sự ngăn ngại đầu tiên làm trở ngại việc tọa thiền vì khiến tâm rất loạn động. Việc thích nói nhiều, diễn thuyết ban đầu thì dễ ưa về sau thì hối tiếc, khó chịu. Tất cả người xuất gia nên xả bỏ pháp nói nhiều này. Người thích nói nhiều, do nói nhiều nên tâm không được điều phục, không thể làm việc chân chánh, không thể trì giới, tâm thường loạn động.

Do tâm loạn động nên có nhiều nghi ngờ. Người này thích gần kẻ ác. Kẻ ác ấy là tâm loạn động. Người này thường thích xem tài tử ca múa, từ nơi này đến nơi khác, từ xứ này đến xứ khác, đi chơi không nghỉ. Hoặc thành hoặc thôn, hoặc các xóm làng người này thường đi không nghỉ để xem các trò chơi của họ. Vào các ngày lễ hội vui chơi, người này thường đi dòm ngó khắp nơi, thường đến xem các nơi nhộn nhịp.

Gần người như vậy để kết làm bè bạn theo sở thích của mình thì ý thường loạn động, thường thích nói năng không ngừng nghỉ cả ngày lẫn đêm. Ý người ấy rối loạn không nghe không biết. Người ấy thường bị các bạn đồng phạm hạnh khinh rẻ. Khi biết người khác khinh rẻ, người ấy nổi giận đối với những người trì giới. Do nghiệp này, khi chết, người ấy bị đọa vào địa ngục, ngạ quỷ, súc sinh.

Lại nữa, người thích nói nhiều ấy lại có lỗi lớn. Tỳ Kheo ác ấy chưa từng nghe pháp nhiều, phá hủy giới cấm, thích nói nhiều, tự cao, khinh động, tuy gặp Phật rồi nhưng tâm không biết hổ thẹn. Do không hổ thẹn nên không cung kính Phật. Vì vậy Đàn việt không kính trọng người này. Do bị người khác khinh rẻ nên người ấy xả giới, hoàn tục.

Người thích nói nhiều ấy lại có tai họa lớn.

Tai họa đó là gì?

Đó là do thích nói nhiều mà lại dạy người xuất gia khác bỏ chánh pháp. Người ấy tự phá hoại, lại hay phá hoại người khác. Do phá hoại cả mình lẫn người nên người ấy mang tiếng xấu. Tiếng xấu ấy vang xa khắp bốn hướng.

Chúng Tăng biết việc ấy nên xua đuổi, từ bỏ. Các Tỳ Kheo khéo trì giới sợ người ác này khiến họ phạm sai lầm nên tất cả đều xả bỏ Tỳ Kheo ấy và gọi Tỳ Kheo ấy là tri thức ác. Tỳ Kheo ấy bị các Tỳ Kheo đồng phạm hạnh chê khinh như vậy.

Lại nữa, người thích nói nhiều ấy, lại có lỗi lớn nói đủ thứ chuyện mà trước đây đã nghe. Tâm họ ưa thích và cho là vui. Đã được nghe rồi, Sa Môn ác ấy sinh tâm rất vui. Do tâm vui, người ấy tin các điều phi pháp, tin cái nghĩa phi pháp, pháp cho là phi pháp, phi pháp cho là pháp.

Người này cũng tin tưởng những người hành phi pháp khác. Do ưa thích nói nhiều, người này liền rơi vào tà kiến. Do tà kiến người này nói vọng động. Do nghiệp ác đó, khi chết người này bị đọa vào đường ác là địa ngục, ngạ quỷ, súc sinh. Từ lỗi lầm thích nói nhiều này lại có nhiều tai họa.

Bấy giờ, Đức Thế Tôn Ca Diếp Như Lai nói kệ:

Nói nhiều lời thêu dệt

Hay khiến tâm ý loạn

Làm hư hoại phạm hạnh

Ngăn ngại đường Niết Bàn.

Ai thường thích nói nhiều

Hèn hạ không giữ giới

Người ấy thường xả bỏ

Việc kiến đế tọa thiền.

Không điều phục là gốc

Khiến mất hết niệm lành

Cũng hay mất phạm hạnh

Bế tắt đường Niết Bàn.

Hay ngăn trở Thiên đạo

Lại hay mở đường ác

Khiến vào đường ngạ quỷ

Và vào đường súc sinh.

Cho nên việc nói nhiều

Chính là mẹ sinh tử

Tỳ Kheo nào thiền, tụng

Muốn an ổn phải bỏ.

Đức Phật Ca Diếp đã nói việc thích nói nhiều có lỗi lầm lớn như vậy.

***

icon

Tổng hợp

Cùng chủ đề

Phật Thuyết Kinh đại Bát Nhã Ba La Mật đa - Hội Thứ Ba - Phẩm Ba Mươi Mốt - Phẩm Tuyên Hóa - Phần Ba

Kinh Đại thừa   •   25.12.2023
Hán dịch: Ngài Tam Tạng Pháp Sư Cưu Ma La Thập, Đời Diêu Tần