Phật Thuyết Kinh Chánh Pháp Niệm Xứ - Phẩm Sáu - Phẩm Quán Thiên Dạ Ma Thiên - Tập Bảy Mươi Bảy

Kinh Đại thừa   •   Thứ hai, 25/12/2023, 22:18 PM

Hán dịch: Ngài Tam Tạng Pháp Sư Bát Nhã Lưu Chi, Đời Nguyên Ngụy

PHẬT THUYẾT

KINH CHÁNH PHÁP NIỆM XỨ

Hán dịch: Ngài Tam Tạng Pháp Sư

Bát Nhã Lưu Chi, Đời Nguyên Ngụy  

PHẨM SÁU

PHẨM QUÁN THIÊN

DẠ MA THIÊN  

TẬP BẢY MƯƠI BẢY  

Khi ấy, Vua Trời Dạ Ma Mâu Tu Lâu Đà nói kệ của Đức Phật Ca Diếp đã thuyết:

Đa dục như dao bén

Làm hại người ngu si

Chặt chém như đao kiếm

Giết hại người đui mù.

Đa dục là ghẻ lở

Sinh ở trong tâm người

Do người ấy tham dục

Ngày đêm không được vui.

Lửa dục, củi nhớ nghĩ

Được gió tham ái thổi

Lửa dữ cháy hừng hực

Thiêu đốt tâm chúng sinh.

Do tham che lấp tâm

Làm tâm bị chao đảo

Do tham đắm của cải

Nên bị mất thân mạng.

Người nào ở thế gian

Tạo ra các nghiệp ác

Do tham lam, ngã mạn

Bậc trí nói như vậy.

Người nào dùng hết sức

Đi vào trong lửa lớn

Đều do tâm tham lam

Tự làm việc vô ích.

Hoặc bị đao làm hại

Hoặc sinh chuyện tranh chấp

Đều do tâm làm nhân

Gần gũi với người ngu.

Nên biết suy não này

Đều do lỗi tham lam

Không nên gần tham dục

Bậc trí nói như vậy.

Mâu Tu Lâu Đà nói cho ngỗng chúa Thiện Thời, các loài chim thuyết pháp, nhóm đại thần phóng dật nghe về tai họa lớn này và cách trừ bỏ là dùng bạch pháp ít ham muốn.

Người nào ít muốn thì được tất cả sự an lạc. Người ấy không sợ Vua giặc lửa nước. Vì ưa thích của cải nên người nhiều ham muốn lân la nơi nhà người ác và những kẻ tiểu nhân để cầu xin của cải.

Người nào ít tham dục thì không đến nhà người ác, không nói dối, không ca múa, vui cười, dối trá, không nói thêu dệt, không gây nghiệp ác, không bị lửa ham muốn của cải thiêu đốt, không buồn rầu khi thấy người khác được vui sướng, không gần bạn ác vì tham của cải, không nghi ngờ lo lắng, khi đi đường thì không sợ trộm cướp.

Không có kẻ thù, không bị người làm hại, không sợ chém giết, người tại gia mà được như vậy thì không có lo sợ gì, được luôn luôn yên ổn, huống gì là người xuất gia xa lìa lỗi lầm, sợ hãi, lìa bỏ pháp tại gia, sống trong rừng mà lại đến nhà người tại gia cầu xin nhiều thứ, thì nên biết người ấy giống như kẻ ăn lại thức ăn vừa nôn ra.

Việc đáng quý nhất của Sa Môn là ít ham muốn. Tỳ Kheo nào ít muốn, biết đủ, trong sạch thì tiếng lành vang xa. Người ấy chỉ nhận một bữa ăn, chỉ mặc áo phấn tảo, sống một mình không bè bạn, du hành ở núi, hang, đồng cỏ, sống ở gò mả, chỉ ăn hai phần ba số thức ăn xin được.

Lúc khất thực họ tránh xa bà con, bè bạn, chỉ giữ một bình bát, tay cầm tích trượng, khi được cúng dường họ dùng trí tuệ tư duy rồi mới đi, khi đi trên đường họ nhìn xa một tầm về phía trước không có liếc nhìn hai bên, họ xả bỏ đồ ăn ngon.

Không ăn đồ ăn cách đêm, ở trong xóm làng không quá ba đêm và chỉ ở trong thành ấp đến bảy đêm, họ không ngồi trên ghế được trang sức quý báu, không sống với bà con quyến thuộc, không nhớ nghĩ đến đồ ăn ngon, giường nệm, ngọa cụ của Vua chúa, đàm luận với người cùng giới, Tỳ Kheo này lìa sự xấu xa nhơ bẩn, ít ham muốn, biết đủ, có thể chặt đứt sự trói buộc của ma.

Nếu có Tỳ Kheo nhiều ham thích phá giới mà mặc ca sa của hàng Trời, người cúng dường thì sẽ mắc tội vô gián.

Người ấy như người bệnh, như kẻ cướp, Tỳ Kheo biết đủ thì các căn không chạy theo sắc, thanh, hương, vị, xúc, đứng ở đất trống có thể làm lợi ích cho tất cả chúng sinh, thâu giữ tâm ý, tu tập quán niệm thân, thọ, tâm, pháp, giữ gìn các căn. Do biết đủ nên họ được gọi là Tỳ Kheo. Nếu Tỳ Kheo nào muốn sống thiểu dục thì nhờ không phóng dật liền được thiểu dục, nếu phóng dật liền sinh nhiều ham thích, tại gia xuất gia đều như vậy.

Khi ấy, Vua Trời Dạ Ma nói kệ:

Người nào không phóng dật

Thì đắc quả giải thoát

Còn ai sống phóng dật

Liền đọa vào địa ngục.

Phóng dật, không Phóng dật

Nay nói quả thù thắng

Hoặc sáng hoặc tối tăm

Giải thoát hoặc trói buộc.

Phóng dật, không phóng dật

Nghĩa nó cũng như vậy

Ít muốn được an vui

Đa dục thì khổ não.

Tướng khổ vui như vậy

Là điều người trí nói

Chúng sinh nào đa dục

Tâm họ giống như lửa.

Ít muốn như ao mát

Tắm gội người ly tham

Như lửa được củi khô

Thiêu đốt không biết đủ.

Người đa dục ham của

Không chán cũng như vậy

Người tham suốt ngày đêm

Thường không có an lạc.

Do họ nhiều ham muốn

Tên ái cắm vào tâm

Vô số Vua đời trước

Tham của không biết chán.

Vị lai cũng như vậy

Tất cả đều bị diệt

Vì vậy người trí nói

Ít muốn là vui nhất.

Ở trên đài hoa, Vua Trời Dạ Ma nói cho ngỗng chúa Thiện Thời, các loài chim thuyết pháp, nhóm đại thần phóng dật nghe pháp thứ sáu của Đức Phật Ca Diếp.

Vì muốn điều phục nhóm đại thần phóng dật của Ma Vương nên Vua Trời Dạ Ma, ngỗng chúa Thiện Thời, chim thuyết pháp đã thuyết sáu pháp trong kinh mà trước kia Đức Phật Ca Diếp đã dạy cho vị Trời Trưởng Lão và nay dạy lại cho họ.

Nay họ lại nói đến pháp cấu nhiễm thứ bảy cần phải dùng pháp trong sạch để diệt trừ.

Pháp cấu nhiễm thứ bảy là thấy quê nhà liền sinh ưa thích, thích gặp lại bà con, bè bạn mà mình xa cách đã lâu, suốt ngày đêm tâm thường thích gặp gỡ và nghĩ đến việc gần gũi họ, không thích tu tập thiền quán, không thân cận minh sư, không cúng dường Tam Bảo, không nghĩ đến nghiệp quả trong đời vị lai, không nói cho người khác nghe về ba nghiệp, không thực hành ba nghiệp, chỉ nghĩ đến việc gặp gỡ bà con bạn bè thân thích để xem họ làm ăn, sinh sống như thế nào.

Nghĩ như vậy xong, họ bị buồn rầu che phủ, tuy sống trong rừng để cầu giải thoát, nhưng không sống đúng pháp. Đó là người không có trí tuệ, để tâm rơi vào biển buồn rầu. Sau khi vào biển buồn rầu, họ lại vào biển sinh, lão, bệnh, tử rất đáng buồn.

Vì muốn gặp bà con, bè bạn nên họ rơi vào lưới ma. Do gặp bà con nên họ tăng thêm tham ái. Khi được từng nhà mời mọc ăn uống họ liền sinh tâm tham đắm và làm theo thế tục, nghe người tại gia nói điều gì họ liền sinh tâm ưa thích.

Do ưa thích họ liền làm theo và đánh mất sự lợi ích. Vì ngu si họ bị lùi bước và không biết sợ nỗi khổ trong đời vị lai, không nghĩ đến địa ngục, ngạ quỷ, súc sinh và các nơi khác, cũng không nghĩ đến các nỗi khổ đáng sợ trong hiện tại như lão, bệnh, tử, xa cách người thân, gặp mặt kẻ thù, không nghĩ đến việc tất cả các thứ mình yêu thích đều sẽ bị hư rã. Vì lo sợ cho bà con, bạn bè thân thích mà sau khi xuất gia người ấy trở lại gần gũi ưa thích họ, vì thích ăn uống nên thường đến nhà họ.

Khi chết người ấy bị đọa vào đường ác, sinh vào địa ngục, ngạ quỷ, súc sinh, đánh mất lợi ích của việc xuất gia. Khi đã đọa vào địa ngục, ngạ quỷ, súc sinh họ chịu khổ não lớn, bà con bạn bè không ai có thể cứu giúp. Vì vậy, Tỳ Kheo nào sợ địa ngục, ngạ quỷ, súc sinh thì không nên thích gặp bà con bè bạn ở quê nhà vì gần gũi họ thì sẽ gặp điều bất lợi.

Vì thấy tai hại của tham ái nên họ đi xuất gia, trừ bỏ lưới ái, sau đó, do ngu si họ lại đến gần lưới ái. Giống như người sợ lửa bỏ chạy để tránh nó rồi lại chui vào đám lửa lớn. Cũng vậy người này sợ sự ràng buộc của gia đình mới bỏ nhà xuất gia rồi trở lại nơi đáng sợ đó, bỏ bà con vào rừng sống rồi trở ra gần gũi họ.

Đó là người không có mắt, bị sự vô tri che lấp, các căn chưa được điều phục. Đó chính là pháp cấu uế. Làm sao để diệt trừ nó, ai không thể dùng trí tuệ đoạn trừ tham ái, hoặc không thể ngăn cản giữ gìn các căn thì nên tránh xa việc ấy trong thời gian lâu dài.

Người nào không có trí tuệ, không thể dùng phương tiện để đoạn trừ tham ái thì cần phải tránh xa việc ấy. Nhờ không gặp những người mình thương yêu nên ta dứt trừ tất cả pháp tham ái. Đến lúc chết không ai có thể cứu chúng ta, chỉ có nghiệp lành là cứu được. Dù ta sinh ở nơi nào, chỉ có pháp thiện là người cứu ta trước hết, còn bà con, anh em, bè bạn thì không ai cứu được.

Tỳ Kheo này bỏ bà con thân thuộc ở một mình nơi vắng vẻ có thể dứt trừ pháp cấu nhiễm. Khi già, bệnh, chết đến thì không có bà con nào có thể cứu giúp. Tỳ Kheo nào tư duy như vậy thì có thể diệt trừ hoặc làm giảm bớt tất cả tham ái. Đó là Tỳ Kheo đoạn trừ sự ưa thích gần gũi bà con.

Lại nữa, người tại gia, xuất gia phải đoạn trừ pháp cấu nhiễm thứ tám. Đó là đoạn trừ việc nói lời vô nghĩa bằng lời nói chân chánh. Người tại gia nào nói lời vô nghĩa thì bị mọi người khinh rẻ như cỏ rác. Lời nói có ý nghĩa là của cải quý nhất, không thứ của cải nào sánh bằng.

Ai nói lời vô nghĩa thì tuy giàu có nhưng vẫn là người nghèo nàn. Người nói lời vô nghĩa hư dối không thật thì bị người khinh chê như con dê trắng. Đó không thể gọi là của cải. Người trí coi người đó như súc sinh và rất xem thường.

Để diệt trừ lời nói vô nghĩa ta phải dùng lời nói chân chánh.

Lời nói chân chánh gồm hai loại: Một là im lặng. Hai là bốn loại chánh ngữ.

Bốn loại chánh ngữ là:

1. Không nói dối.

2. Không nói lời hung ác.

3. Không nói hai lưỡi.

4. Không nói lời phá hoại.

Người tại gia, xuất gia nào được như vậy thì không bị khinh chê.

Có sáu nguyên nhân làm người tại gia, xuất gia bị người khác khinh chê.

Sáu nguyên nhân đó là:

1. Nói lời vô nghĩa.

2. Thình lình đi vào nhà người khác.

3. Tham đắm thức ăn của người khác.

4. Ngồi ở nơi sang trọng.

5. Nói dối.

6. Không chân thật.

Đó là sáu pháp làm ta bị chê cười. Vì vậy người xuất gia nên lìa bỏ pháp này.

Pháp cấu nhiễm thứ chín cần phải dùng pháp trong sạch để diệt trừ là trạo cử. Pháp này cần phải dùng chánh định để diệt trừ. Trạo cử làm chướng ngại tất cả pháp, làm cho tâm tánh xao động.

Do trạo cử, họ không tin, không hiểu, không biết công việc của thế gian, không biết ăn nói, không biết thời tiết, không gần bạn lành, do phóng dật trạo cử nên họ không thông suốt pháp thế gian. Sự trạo cử cấu uế này có thể làm hư hỏng đời hiện tại và vị lai, làm cho không được lợi ích.

Người tại gia lẫn xuất gia cần phải dùng bạch pháp chánh định để dứt bỏ trạo cử. Ai giữ thân, miệng, ý trong chánh định, xa lìa trạo cử thì được mọi người cúng dường, có được giới luật trí tuệ và ý nghĩa chân chánh, xa lìa cảnh giới ma, đầy đủ pháp lành, cuối cùng được Niết Bàn.

Về pháp thế gian họ được người trí ca ngợi và có thể thành tựu mọi việc ở thế gian, được mọi người cúng dường, đến đâu cũng được an lạc, làm việc gì cũng thành công. Người tại gia, xuất gia nào lìa bỏ trạo cử thì được mọi người ca ngợi.

Vua Trời Dạ Ma nói cho chim thuyết pháp, Ngỗng chúa Thiện Thời, nhóm đại thần phóng dật và Thiên Chúng nghe Kinh mà Đức Phật Ca Diếp đã dạy cho vị Trời Trưởng Lão và vị Trời đó dạy lại cho Vua Trời.

***

icon

Tổng hợp

Cùng chủ đề

Phật Thuyết Kinh đại Bát Nhã Ba La Mật đa - Hội Thứ Ba - Phẩm Ba Mươi Mốt - Phẩm Tuyên Hóa - Phần Ba

Kinh Đại thừa   •   25.12.2023
Hán dịch: Ngài Tam Tạng Pháp Sư Cưu Ma La Thập, Đời Diêu Tần