Phật Thuyết Kinh Chánh Pháp Niệm Xứ - Phẩm Sáu - Phẩm Quán Thiên Dạ Ma Thiên - Tập Bảy Mươi Mốt
Hán dịch: Ngài Tam Tạng Pháp Sư Bát Nhã Lưu Chi, Đời Nguyên Ngụy
PHẬT THUYẾT
KINH CHÁNH PHÁP NIỆM XỨ
Hán dịch: Ngài Tam Tạng Pháp Sư
Bát Nhã Lưu Chi, Đời Nguyên Ngụy
PHẨM SÁU
PHẨM QUÁN THIÊN
DẠ MA THIÊN
TẬP BẢY MƯƠI MỐT
Lại nữa, này Chư Thiên khổ do phải gặp kẻ oán ghét thứ sáu là có người tâm ý lăng xăng, bất chánh, thường tán loạn, thường nghĩ về việc ác, không thích pháp lành, không làm được việc gì lợi ích. Do đó khi chết họ bị đọa vào địa ngục. Này các Thiên Tử, đó là khổ do phải gặp kẻ oán ghét của loài người. Ngoài ra con người còn thọ nhận vô lượng loại khổ khác.
Lại có ba loại khổ do phải gặp kẻ oán ghét khác là: Ở gần kẻ thù mà bị hại như cây gai trong mắt thường làm xốn mắt. Đó là khổ do phải gặp kẻ oán ghét đầu tiên.
Khổ do phải gặp kẻ oán ghét thứ hai là làm việc chung với bạn ác.
Khổ do phải gặp kẻ oán ghét thứ ba là do ôm lòng sân hận nên lập tức bị tổn hại. Này Chư Thiên, đó là vô lượng loại khổ của loài người.
Để Chư Thiên sinh tâm nhàm chán, Vua Trời Dạ Ma Mâu Tu Lâu Đà lại nói về nỗi khổ thứ sáu của loài người.
Đó là nỗi khổ vì xa lìa người mình thương. Thương yêu là lợi ích của hai đời. Xa cách bạn lành là nỗi khổ lớn. Nếu xa lìa cha mẹ, anh chị em, bà con và những người có ân nghĩa với ta thì ta sẽ rất đau khổ giống như bị rơi xuống đao lửa, bị thiêu đốt thân tâm, chịu khổ não lớn. Đó là nỗi khổ phải xa người mình thương. Để làm lợi ích cho Chư Thiên, Vua Trời Dạ Ma đã nói pháp này.
Vua Trời Dạ Ma lại nói về nỗi khổ thứ bảy trong loài người. Đó là hai thứ khổ về lạnh và nóng.
Thế nào là hai thứ khổ về lạnh và nóng của con người?
Do con người ăn uống không điều hòa, cơ thể cần thức ăn lạnh lại ăn thức ăn nóng, hoặc cơ thể cần thức ăn nóng lại ăn thức ăn lạnh, ngồi lâu thì khổ, đứng lâu cũng khổ, ăn nhiều cũng khổ, không ngủ cũng khổ, lúc ngủ nếu chỉ nằm nghiêng về một phía mãi cũng khổ, ban đầu vui về sau khổ. Do ham vui, người đời bị dục lạc lừa dối không tạo nghiệp lành nên bị đọa vào địa ngục.
Này Chư Thiên, thú vui của loài người không khác gì khổ.
Để làm lợi ích cho Chư Thiên, Vua Trời Dạ Ma Mâu Tu Lâu Đà dạy: Này Chư Thiên! Các ông chớ sinh ý nghĩ đó và nên nhàm chán lạc thú của loài người để thoát khỏi sinh tử. Thiên Chủ đã Thuyết Pháp lợi ích để trừ bỏ phóng dật cho Chư Thiên.
Vua Trời Dạ Ma lại nói về nỗi khổ lớn thứ tám cho Chư Thiên nghe. Đó là khổ vì bệnh. Có vô số loại bệnh khác nhau như là bệnh nóng sốt, kiết lỵ, ho, khó thở, tất cả gồm bốn trăm lẻ bốn bệnh làm hại chúng sinh. Lại có bệnh khổ làm hại chúng sinh là bệnh buồn rầu, áo não. Đó là nỗi khổ lớn của con người.
Để làm lợi ích cho Chư Thiên, Vua Trời Dạ Ma Mâu Tu Lâu Đà lại nói về nỗi khổ lớn thứ chín. Vì muốn cho họ xa lìa sinh tử, Thiên Chủ đã chỉ cho họ thấy nỗi khổ lớn trong đường sinh tử của con người là bị người khác sai khiến.
Tuy cùng một loài, một thời, một giới tính, tuổi tác, sức lực nhưng nghiệp của người nào thấp kém thì người ấy bị người khác sai khiến cả ngày lẫn đêm không được tự do, thường chịu khổ não. Đó là nỗi khổ vì bị sai khiến của con người.
Lại nữa, nỗi khổ bị người khác sai khiến là có người thuộc dòng họ lớn có sắc đẹp và sức khỏe, siêng năng học hỏi, đầy đủ trí tuệ nhưng do nghèo nàn nên bị người hạ tiện sai khiến.
Vua Trời Dạ Ma Mâu Tu Lâu Đà lại tiếp tục Thuyết Pháp làm lợi ích cho Chư Thiên.
Do nghiệp thấp kém, không làm việc bố thí nên họ bị người khác khinh chê, ngày đêm chịu cay đắng, bị người sai khiến. Do không bố thí nên họ thường khổ não, tay chân nứt nẻ, nghèo nàn thiếu ăn, quần áo dơ bẩn rách rưới, bị đói khát nóng lạnh làm khổ não. Họ phải chịu vô lượng khổ não không thể chịu nổi, ngày đêm bị người sai khiến không ngớt.
Lại có dòng họ tuy nhan sắc thế lực hèn kém nhưng giàu có, có dòng họ tuy nhan sắc, sức mạnh, trí tuệ thù thắng nhưng thường nghèo nàn. Do nghèo nàn nên họ gần gũi những người hèn hạ và bị nghiệp lừa dối, phải chịu khổ nặng nề.
Này Chư Thiên! Đó là nỗi khổ bị sai khiến của con người.
Nỗi khổ vì bị sai khiến khác là: Có người nghèo nàn sống thuận theo pháp. Do nghèo nàn, họ gần gũi người ác và cùng người đó làm việc ác. Tuy không thích thú nhưng họ bị người khác sai khiến gây nghiệp ác, nên khi chết họ bị đọa vào địa ngục. Do bị người khác sai khiến nên họ phải chịu khổ hai đời.
Này Chư Thiên! Nỗi khổ thứ mười của con người là nỗi khổ vì tìm cầu. Nỗi khổ này gồm vô số loại như do mong cầu của của phải vào biển lớn, chiến đấu với quân địch, kinh doanh, nói năng biện bác, gần người hạ tiện, cày ruộng gieo trồng, mua đi bán lại, chăn nuôi súc vật, đi buôn bán ở khắp mọi nơi, phải lên núi cao lệ thuộc vào người khác.
Họ phải làm những việc đó là vì muốn tìm kiếm của cải, quần áo đẹp, hoặc là vì nghèo nàn, hoặc do tham đắm của cải, bị lưới tham trói buộc nên cả đời họ tạo nghiệp ác hoặc nói láo lừa dối người khác, dùng cân non đấu nhỏ mua bán rượu, thóc, mè và thuốc độc. Họ làm các luật nghi ác như vậy.
Để mua bán kiếm sống, họ hủy hoại đất nước, thành ấp, xóm làng, quân đội, dân chúng và gây ra đủ loại nghiệp ác khác. Vì phải lo cho vợ con về việc ăn uống, giường nằm, đồ đạc nên nỗi khổ này gồm vô lượng thứ, kể đến ngàn năm cũng không hết.
Này Chư Thiên! Đó là nỗi khổ tìm cầu của con người. Để làm lợi ích cho Chư Thiên, giúp cho họ nhàm chán các cõi, Vua Trời Dạ Ma đã nói pháp rốt ráo.
Này các Thiên Tử! Chớ khởi tâm mong cầu làm người, phải nên nhàm chán nó. Nếu tham đắm các cõi thì sẽ không được lợi ích. Vì lý do đó ta đã nói tất cả những khổ não của loài người. Nếu sinh làm người do tìm cầu phương tiện sống gây ra nghiệp ác nên bị đọa vào địa ngục, ngạ quỷ, súc sinh. Khi đã sinh vào đường ác sẽ chịu đủ loại khổ.
Vua Trời Dạ Ma lại nói cho Chư Thiên nghe về nỗi khổ thứ mười một của con người, đó là nỗi khổ vì gần bạn ác. Gần bạn ác là nhân của tất cả khổ và không được lợi ích. Nó gây ra tất cả các nghiệp của thân, miệng, ý.
Do đó, khi chết họ sẽ bị đọa vào địa ngục, ngạ quỷ, súc sinh, chịu vô lượng khổ. Sau khi cho Chư Thiên quan sát tai họa sẽ sinh vào địa ngục, ngạ quỷ, súc sinh của loài người để ngăn không cho họ mong cầu làm người, Vua Trời nói về cõi Niết Bàn vắng lặng.
Để làm lợi ích cho Chư Thiên, Vua Trời Dạ Ma lại nói về nỗi khổ thứ mười hai của con người.
Đó là nỗi khổ khi thấy vợ con, họ hàng bị các loại khổ não như là: Bị giết, bị trói, bị đánh đập, đói khát, nghèo nàn… vì thấy người thân bị khổ não nên họ cũng khổ theo. Đó là nỗi khổ vì thấy vợ con họ hàng chịu khổ não của loài người. Do đó không nên ưa thích sinh làm người.
Tất cả mọi vật hễ có sinh thì phải có chết và đều là khổ não. Nỗi khổ lớn trong đường sinh tử là sinh, già, chết. Ba thứ khổ này loài người đều có đủ. Này Chư Thiên, đã biết nỗi khổ lớn không thể chịu đựng của loài người rồi, các người chớ có sinh ưa thích.
Vua Trời đã đem đạo nghĩa lành mạnh, trong sạch không gì sánh bằng dạy cho Chư Thiên, chỉ cho họ thấy ở trong cõi người không có việc gì lợi ích, chỉ toàn là lưới khổ không thể ví dụ. Cõi người còn vậy huống gì là ba đường ác là nơi có vô số nỗi khổ nặng nề không thể ví dụ, không thể so sánh với nỗi khổ của loài người.
Lúc Chư Thiên thoái đọa, các vị Trời ít phóng dật nói với vị ấy: Cầu cho ông sinh vào đường lành là cõi người.
Lúc con người chết, bà con bạn bè nói với người ấy: Cầu cho ông sinh vào đường lành là Cõi Trời. Hai đường lành còn vậy huống chi là ba đường ác là nơi chúng sinh phải chịu khổ não nặng nề. Để làm lợi ích cho Chư Thiên, giúp cho họ bớt phóng dật, Vua Trời Dạ Ma đã dùng vô số phương tiện, thuyết vô số pháp, vạch cho họ thấy pháp Niết Bàn thù thắng.
Sau khi nói về nỗi khổ vì thấy vợ con khổ, Vua Trời Dạ Ma lại nói về nỗi khổ thứ mười ba của con người đó là nỗi khổ vì đói khát. Do đói khát nên họ gây ra vô số tội ác. Đói khát là nỗi khổ nặng nề nhất, không nỗi khổ nào sánh bằng. Do đói khát họ phải vào nơi hung dữ. Để có đồ ăn uống, người thuộc dòng họ lớn phải vòng tay than khóc, gần gũi với người hạ tiện, van xin họ thương xót.
Vì sợ đói khát, họ không kể đến thân mạng, đi vào nơi nguy hiểm có nhiều đao kiếm mũi nhọn, voi dữ của quân địch, hoặc vào biển lớn vượt qua vô số do tuần đầy cá dữ như cá kình, cá niêm và lướt trên sóng cả bằng chiếc xuống con nên chìm xuống biển, tự xả bỏ thân mạng. Tất cả những việc đó đều do nỗi khổ vì sợ đói khát gây ra. Ngoài ra còn có vô số việc khác không thể nói hết. Tất cả nỗi khổ đó đều do bụng miệng mà ra.
Nếu ai bị bắt trói dẫn ra khỏi cửa quan, đánh trống phát tiếng ghê rợn, bị cột vào vòng chết, giáo nhọn ở phía trước, sợ hãi khổ não vì sắp đến pháp trường mạng sống thật mỏng manh, thì người đó tuy rất khổ nhưng cũng không khổ bằng bị đói khát. Vì vậy ta phải bố thí của cải vào ruộng phước với tâm thanh tịnh. Vì sợ sinh tử nên khi có đủ thời giờ và phương tiện ta phải hết lòng bố thí.
Chư Thiên ít bị đói. Tất cả chúng sinh trong đường sinh tử đều nhờ ăn uống mà khỏi đói khát, vì vậy tất cả đều nên thực hành bố thí. Này Chư Thiên, đó là nỗi khổ vì đói khát của loài người.
Ở trên Trời, nỗi khổ đó nhỏ nhẹ nhàng lại bị thiên lạc che lấp, do có nhiều phước đức, dễ được đồ ăn thức uống nên Chư Thiên không biết rằng khắp Cõi Dục đều bị lửa đói khát vây kín, thật là đáng sợ. Này Chư Thiên, các ông đã thấy đủ loại khổ sinh, lão, bệnh, tử của loài người rồi vậy đừng mong ước sinh làm người nữa.
Thấy tâm Chư Thiên đã được điều phục trở nên nhu hòa, Vua Trời Dạ Ma Mâu Tu Lâu Đà lại nói cho họ nghe về nỗi khổ con người. Siêng năng làm lợi ích cho người khác là làm lợi ích cho chính mình. Để làm lợi ích cho Chư Thiên, Vua Trời Dạ Ma đã liên tục nói vô số pháp trong đó có nỗi khổ lớn mười bốn của con người. Đó là nỗi khổ vì bị người khinh rẻ, không thể chịu nỗi. Người nghèo nàn thì bị khinh chê càng nhiều.
Nỗi khổ này có mười loại là: Bị anh em, bà con giàu có khinh chê, do nghèo khổ phải đi ăn xin, nói những lời thêu dệt, không thật, những lời rỗng tuếch, vô nghĩa, sống nhờ người khác, quần áo dơ bẩn, bị người khinh chê, nếu vào thành ấp nhằm ngày lễ hội thì bị người khinh chê. Trong loài người có vô số sự khinh chê như vậy.
Người thế gian không bị lửa củi thiêu đốt trong lòng nhưng họ lại bị lửa khinh chê của anh em, bè bạn, bà con thiêu đốt rất dữ. Do không có phước nên họ bị mười loại khổ này thiêu khắp thân họ, bị nỗi lo dữ dội thiêu thân cháy khô làm hơi thở phun ra như khói.
Này Chư Thiên! Các ông nên biết vừa đủ, đừng vui thích sinh trong loài người. Loài người rất ít vui và chịu nhiều khổ não, tuổi thọ ngắn lại thường bị khinh chê. Chỉ loài người mới có việc khinh chê còn bốn đường kia thì không có. Ở trong loài người sự khinh chê rất nặng nề, khi bị người khác khinh chê, toàn thân ta giống như trúng độc, nhất là khi trước được cúng dường, sau lại bị khinh chê.
Người nào trước được cúng dường chu đáo, sau được lợi nhỏ trong một thời gian ngắn, sau đó lại bị khinh chê thì người ấy còn khổ hơn là bị chết.
Này Chư Thiên! Đó là nỗi khổ lớn khó chịu đựng của loài người.
Lại nữa, nỗi khổ lớn thứ mười lăm của con người là khổ vì già yếu. Già làm tất cả các bộ phận của thân thể gầy ốm, hao mòn, các căn rã rời hư hoại, yếu ớt, đi phải chống gậy, không có khí lực, không còn thích nghi với chỗ ở, lưng gù, mũi quặp, tóc bạc, sắp chết, thân tâm suy sụp, tuy chưa chết mà giống như súc sinh.
Này Chư Thiên! Đó là nỗi khổ vì già của loài người. Khi danh và sắc đùa cợt nhau thì người ấy không bao lâu sẽ chết. Ai thấy nỗi khổ vì già mà không lo sợ thì đó thật là người vô tâm, giống như gỗ đá. Do vô tâm nên tuy là người mà họ giống như Súc Sinh.
Này Chư Thiên! Trong loài người sinh là nỗi khổ lớn. Do có sinh nên có nỗi khổ vì già. Đã biết nỗi khổ này rồi, các ông đừng mong ước sinh làm người.
Nỗi khổ thứ mười sáu là phải sinh vô số lần trong loài người và hễ có sinh thì phải có khổ, nỗi khổ đó là khổ vì chết, chết rồi sinh trở lại. Khi chết thân căn hư rã, mạng căn chấm dứt, không còn gặp lại anh em, bạn bè. Sau khi sắc thân diệt mất, họ lại đi nơi khác lấy nghiệp quả làm tư lương.
Tất cả chúng sinh cuối cùng đều sẽ chết. Mạng sống chấm dứt, bỏ thân này nhận lấy thân trung ấm, đó gọi là chết. Hễ có sinh thì phải có chết, không có chuyện chết mà không sinh, hoặc sinh mà không chết. Này các Thiên Tử, đừng nên ưa thích làm người.
Khi ấy, Trời Dạ Ma Mâu Tu Lâu Đà nói kệ:
Trong Thế Giới loài người
Có thân đều chịu khổ
Có sinh thì có chết
Có chết thì có sinh.
Nếu mang thân trung ấm
Chịu khổ não theo nghiệp
Khổ mãi trong đêm dài
Không thể nói hết được.
Chìm trong phân nước tiểu
Bị hơi nóng thiêu đốt
Sự khổ ở trong thai
Không thể nói hết được.
Tham đắm vị thức ăn
Tâm luôn luôn mong cầu
Chịu khổ vì mùi vị
Không thể nói hết được.
Tâm nhỏ nhen mong cầu
Tham dục không biết đủ
Phải chịu các khổ não
Không thể nói hết được.
Phải gặp người mình ghét
Như gặp lửa, chất độc
Sinh ra các khổ não
Không thể nói hết được.
Phải xa người mình thương
Chúng sinh rất khổ não
Đau đớn không chịu được
Khổ này thật khó tả.
Nỗi khổ vì lạnh nóng
Sinh vô số loại khổ
Rất khổ, rất bạo ác
Không thể nói hết được.
***
Phật Thuyết Kinh đại Bát Nhã Ba La Mật đa - Hội Thứ Năm - Phẩm Mười Bảy - Phẩm Tham Hành - Phần Hai
Phật Thuyết Kinh đại Bát Nhã Ba La Mật đa - Hội Thứ Ba - Phẩm Ba Mươi Mốt - Phẩm Tuyên Hóa - Phần Ba
Phật Thuyết Kinh Trung A Hàm - Phẩm Năm - Phẩm Tập Tương ưng - Kinh Niệm
Phật Thuyết Kinh Bảo Vũ - Phần Mười Một
Phật Thuyết Kinh chánh Pháp Hoa - Phẩm Một - ánh Sáng điềm Lành - Phần Hai
Phật Thuyết Kinh đại Bảo Tích - Pháp Hội Thứ Ba Mươi Tám - Pháp Hội đại Thừa Phương Tiện - Phần Một
Phật Thuyết Kinh Tăng Chi Bộ - Chương Ba - Ba Pháp - Phẩm Tám - Phẩm Ananda - Phần Mười - Abhibhù
Phật Thuyết Kinh Tạp A Hàm - Kinh Liên Hoa Sắc
Phật Thuyết Kinh Tam Mạn đà Bạt đà La Bồ Tát - Phẩm Một - Phẩm Năm Sự Che Lấp