Phật Thuyết Kinh Chánh Pháp Niệm Xứ - Phẩm Sáu - Phẩm Quán Thiên Dạ Ma Thiên - Tập Bốn Mươi Bốn
Hán dịch: Ngài Tam Tạng Pháp Sư Bát Nhã Lưu Chi, Đời Nguyên Ngụy
PHẬT THUYẾT
KINH CHÁNH PHÁP NIỆM XỨ
Hán dịch: Ngài Tam Tạng Pháp Sư
Bát Nhã Lưu Chi, Đời Nguyên Ngụy
PHẨM SÁU
PHẨM QUÁN THIÊN
DẠ MA THIÊN
TẬP BỐN MƯƠI BỐN
Khi ấy Đức Phật Ca Diếp nói kệ:
Lìa tọa thiền, đọc tụng
Thường ưa thích xem tướng
Người ấy bỏ pháp lành
Không thể đắc Niết Bàn.
Nếu xả bỏ việc mình
Mà ưa thích việc người
Hai pháp ấy hoại mất
Sẽ đi vào đường ác.
Người nào bỏ nhà mình
Mà ưa thích nhà người
Sẽ bị người chê cười
Mau chóng bị bần cùng.
Ý ngu ác như vậy
Tự cho mình hơn hết
Xả bỏ pháp của mình
Để tu tập pháp khác.
Xuất gia mà tà mạng
Mất pháp mất danh xưng
Bị người khinh như cỏ
Vị lai đọa đường ác.
Xả bỏ pháp tịch tĩnh
Mà thực hành nghiệp ác
Người ấy không bao lâu
Do đây mất Phật Pháp.
Tâm mong mỏi lìa dục
Không mong cầu gì khác
Siêng năng và biết đủ
Như vậy là hành thiền.
Nếu tâm thích dục lạc
Thường tham ăn và uống
Là giặc đắp Ca Sa
Không gọi là Tỳ Kheo.
Nếu Tỳ Kheo nói tướng
Thường tư duy sao hạn
Gần Vua, sống phóng dật
Chẳng thích hợp Tỳ Kheo.
Làm thầy thuốc thợ vẽ
Nghe pháp ác tán, vịnh
Sống chung với người ác
Liền mất pháp Tỳ Kheo.
Ghét ngồi thiền, đọc tụng
Ưa thích việc nói nhiều
Ham của cải cúng dường
Liền mất pháp Tỳ Kheo.
Tìm cầu các vật báu
Ưa thích hiểu biết nhiều
Lại tham của cải khác
Thoái thất pháp Tỳ Kheo.
Chỉ tham đồ ăn uống
Ngã mạn không hỏi người
Mong được người ca ngợi
Đánh mất pháp Tỳ Kheo.
Nếu không gần tất cả
Lìa bỏ chúng ác độc
Ăn rau cỏ đạm bạc
Là Tỳ Kheo chân thật.
Đạt các cảnh giới rồi
Bỏ chúng như bỏ lửa
Trừ bỏ lỗi ngã mạn
Là Tỳ Kheo chân thật.
Trong ngoài đều tịch tĩnh
Ánh sáng trí trang nghiêm
Y trì giới che thân
Là Tỳ Kheo chân thật.
Lìa bỏ pháp thế gian
Như Tu Di không động
Thương tất cả thế gian
Là Tỳ Kheo chân thật.
Ở trong thành ba đêm
Nơi đông người đều vậy
Chỉ ở trong hang núi
Là Tỳ Kheo giải thoát.
Sợ ác không gần người
Hạnh chánh tâm không động
Trí xét kỹ vắng lặng
Là Tỳ Kheo độc hành.
Không đọa thường ái ngữ
Lìa bỏ bạn bè ác
Không thích làm lăng xăng
Là Tỳ Kheo giải thoát.
Tỳ Kheo ấy như vậy
Được thoát khỏi các cõi
Biết thế gian, Niết Bàn
Tâm bình không mong cầu.
Tâm thường ưa trí tuệ
Và do khéo tịch tĩnh
Nên thoát nỗi lo sợ
Là sinh lão bệnh tử.
Tỳ Kheo này đắc A La Hán, nếu không như vậy thì chỉ có tên là Tỳ Kheo vì tự làm ngăn ngại, rơi xuống bờ hiểm. Pháp thứ sáu này gây chướng ngại như vậy, nếu là Sa Môn lành thì không nên làm.
Lại nữa, Sa Môn nào thật là Sa Môn thì không nên phạm pháp thứ bảy.
Pháp thứ bảy là gì?
Đó là chỉ chuyên ăn uống đầy bụng. Việc này gây ra nhiều tham, sân khiến xả bỏ tất cả việc tọa thiền, đọc tụng, chỉ ngồi không trên giường lớn mà thôi, thọ dụng một cách uổng phí đồ đạc, giường nằm, tọa cụ, thuốc trị bệnh thuộc về Chúng Tăng.
Lúc ở nhà, người này bê trễ, biếng nhác, sợ phải làm việc cho nên xuất gia, người này chỉ tham mùi vị thức ăn, thường tìm đến nơi hội hè để tìm xin đồ ăn uống hoặc cảnh giới vui.
Tỳ Kheo này là Tỳ Kheo tuy sống mà coi như đã chết, tuy được gọi là Tỳ Kheo nhưng không thể tọa thiền, đọc tụng Kinh Luật, phá hủy tịnh giới. Những người khác khi chết chỉ bỏ xác thân còn Tỳ Kheo hủy giới thì phá hủy tất cả pháp lành.
Tỳ Kheo này chỉ hay ngồi trên giường, tâm sinh kiêu mạn, tự cho là tốt, chỉ là Tỳ Kheo trên hình dáng và y phục mà thôi. Người ấy thực chất không có giới, lìa bỏ giới chân chánh.
Điều được gọi là giới đó là tâm giới thì người này không thể thọ trì, không thể làm theo.
Giới có bảy loại.
Những gì là bảy?
Đó là khẩu giới. Tỳ Kheo giữ khẩu giới không nói chuyện với Tỳ Kheo hoặc người đời trừ khi có pháp sự.
Trừ lúc khất thực, Tỳ Kheo giữ giới không nói chuyện với phụ nữ, hoặc chú nguyện rằng: Cầu cho cô được an lạc, được Niếtbàn.
Khi gặp mẹ hay chị em gái, Tỳ Kheo này chỉ dòm chân họ, chớ không dòm mặt, y phục và đồ trang sức.
Bấy giờ, Đức Thế Tôn Ca Diếp nói kệ:
Tay rờ hoặc gió thổi
Lửa này đốt rất chậm
Thấy phụ nữ lửa phát
Đốt liền không đợi lâu.
Vì vậy Tỳ Kheo nào sợ bị lửa dục thiêu thì không được nói chuyện với tất cả các phụ nữ. Đó là giới thứ nhất.
Lại nữa, giới thứ hai là không gần gũi bạn ác, không ở lâu tại một chỗ, không nhận nhiều tài lợi, xả bỏ đồ cúng dường dư thừa, không bỏ người bệnh, không gặp vợ con, chỗ nào có nhiều lợi dưỡng liền bỏ mà đi vì sợ sinh tâm tham, lìa bỏ không ở cùng chỗ với người phá giới.
Bảy loại như vậy Tỳ Kheo ấy không giữ gìn, chỉ tham ăn uống, nếu thấy hoặc nghe đến của cải hoặc đồ cúng dường của người khác liền sinh buồn rầu và nghĩ như vậy: Nay ta phải làm gì để được các lợi dưỡng ấy.
Tư duy như vậy, tâm họ liền sinh tham đắm, tâm cấu uế như vậy làm tâm tham sinh trưởng.
Sa Môn ác ấy hủy hoại tất cả pháp lành, ngày đêm thường buồn không được yên ổn. Tỳ Kheo ấy, thấy các Tỳ Kheo trì giới khéo thực hành.
Được người khác cúng dường liền sinh lòng ganh ghét tham lam và liền đi đến nhà người Đàn việt, cải trang hình dáng, y phục, ít nói và đi từ từ, tâm không yên tĩnh nhưng bên ngoài trá hiện oai nghi và tướng yên tĩnh, thân mặc y vá, lại kết bạn cùng với nhiều người không trì giới, chỉ có tiếng rỗng, thực hành pháp ác. Họ cùng bạn bè theo nhau đến nhà Đàn việt hiện tướng trì giới như vậy tùy theo chỗ toan tính của tâm.
Người Đàn việt ấy cho rằng Tỳ Kheo này là người giữ giới mới nghĩ: Những Tỳ Kheo này giữ giới bậc nhất. Các Tỳ Kheo ác trá hiện tướng trì giới này khiến người Đàn việt sinh tâm tin tưởng kính trọng rồi cùng với bè bạn thường đến nhà người Đàn việt.
Tỳ Kheo này, tùy theo chỗ hiểu biết ít nhiều về Phật Pháp của mình, cùng với bè bạn nói pháp mà mình biết cho Đàn việt ấy.
Với phương tiện như vậy, họ làm cho Đàn việt đem những lợi nhuận của mình cho các Tỳ Kheo ấy.
Tỳ Kheo như vậy, tuy hình tướng là Sa Môn nhưng thật ra là kẻ cướp lớn nhất, đến nhà Đàn việt tạo phương tiện để đoạt của cải nơi người khác dưới hình thức nhận cúng dường. Tỳ Kheo này thấy của cải của người khác, thấy đồ cúng dường của người khác liền sinh tham lam, ganh ghét chưa từng tạo pháp lành trong khoảnh thời gian nháy mắt.
Tỳ Kheo ác phá giới này xả bỏ việc tọa thiền, đọc tụng, chưa từng có một niệm nào không thuộc về địa ngục, ngạ quỷ, súc sinh.
Lại nữa, do tâm lừa dối, Tỳ Kheo ấy cùng với bạn bè của mình, nói lỗi xấu của Tỳ Kheo trì giới với nhà Đàn việt đã quen biết, hoặc do tâm ghen ghét nói rằng các vị kia phá giới, hoặc do tâm ganh ghét nói rằng các vị kia dốt nát, hoặc nói về hành tướng của các vị ấy với tâm ganh ghét.
Tỳ Kheo ấy nói với Đàn Việt: Thầy của các ông hủy phá giới cấm, hoặc nói là biếng nhác, không nghe, không trí, ngu si như chim, ít nghe, ít trí tuệ.
Tỳ Kheo ác này nói xấu như vậy với Đàn Việt, thường gần gũi, quen thuộc với cảnh giới phi pháp, làm sao có thể tu thiền, đọc tụng?
Người ấy trống rỗng, không chắc, không thật, khi chết bị đọa vào đường ác, sinh trong địa ngục.
Khi ấy, Đức Thế Tôn Ca Diếp Như Lai nói kệ:
Người nói lời vọng ngữ
Gây hại cho chúng sinh
Người ấy như bóng tối
Tuy sống mà như chết.
Nói tựa dao cắt lưỡi
Làm sao lưỡi không rơi
Ai nói lời vọng ngữ
Mất công đức chân thật.
Người nào nói vọng ngữ
Trong miệng có rắn độc
Dao nằm ở trong miệng
Lửa hừng cháy trong miệng.
Độc trong miệng mới độc
Nọc độc rắn không bằng
Miệng độc hại chúng sinh
Khi chết đọa địa ngục.
Ai nói lời vọng ngữ
Mủ từ miệng chảy ra
Lưỡi liền thành bùn nhơ
Lưỡi cũng như lửa hừng.
Dây trói này như vậy
Đẩy ta vào địa ngục
Cầu pháp bị phá hoại
Đều do lỗi vọng ngữ.
Người nói vọng ngữ ấy
Thì chẳng còn cha mẹ
Cũng không thể giữ giới
Đọa vào trong đường ác.
Người nào nói vọng ngữ
Liền bị người khinh rẻ
Bị người thiện tránh xa
Chư Thiên không hộ trì.
Ai không giữ lời nói
Dễ có nhiều sân hận
Tâm ai ưa nói nhiều
Sẽ thường chịu khổ não.
Thường ganh ghét người khác
Cùng với chúng sinh ác
Tìm cách gây rối người
Do đó đọa địa ngục.
***
Phật Thuyết Kinh đại Bát Nhã Ba La Mật đa - Hội Thứ Năm - Phẩm Mười Bảy - Phẩm Tham Hành - Phần Hai
Phật Thuyết Kinh đại Bát Nhã Ba La Mật đa - Hội Thứ Ba - Phẩm Ba Mươi Mốt - Phẩm Tuyên Hóa - Phần Ba
Phật Thuyết Kinh Nguyệt đăng Tam Muội - Phần Hai Mươi Chín
Phật Thuyết Kinh Tạp A Hàm - Kinh Giới Gì
Phật Thuyết Kinh Chư Pháp Tập Yếu - Phẩm Hai Mươi Chín - Tịch Tĩnh
Phật Thuyết Kinh đại Bảo Tích - Pháp Hội Thứ Năm Mươi Chín - Pháp Hội Hư Không Mục - Phần Chín
Phật Thuyết Kinh Văn Thù Sư Lợi Phật độ Nghiêm Tịnh - Phần Hai