Phật Thuyết Kinh Chánh Pháp Niệm Xứ - Phẩm Sáu - Phẩm Quán Thiên Dạ Ma Thiên - Tập Bốn Mươi Mốt

Kinh Đại thừa   •   Thứ hai, 25/12/2023, 22:18 PM

Hán dịch: Ngài Tam Tạng Pháp Sư Bát Nhã Lưu Chi, Đời Nguyên Ngụy

PHẬT THUYẾT

KINH CHÁNH PHÁP NIỆM XỨ

Hán dịch: Ngài Tam Tạng Pháp Sư

Bát Nhã Lưu Chi, Đời Nguyên Ngụy  

PHẨM SÁU

PHẨM QUÁN THIÊN

DẠ MA THIÊN  

TẬP BỐN MƯƠI MỐT  

Lại nữa, nếu người này sinh trong gia đình hèn hạ, hoặc hết sức bần cùng mà thường thực hành bố thí, giữ gìn giới cấm thì màu nghiệp đen của người ấy giảm đi, màu nghiệp trắng tăng thêm.

Nếu người sinh trong dòng họ bậc trung, có sắc đẹp dịu dàng và tạo nghiệp trung bình, ông thợ vẽ là tâm dùng màu sắc trắng, đỏ của nghiệp vẽ ra. Như vậy vô lượng nghiệp đủ loại màu của thợ vẽ. Người ở thế gian này do đủ loại nghiệp có màu sắc khác nhau vẽ ra nên khác hẳn nhau.

Người xuất gia lại quán đường khác đó là quán lại người thợ vẽ địa ngục, súc sinh. Nó do nghiệp có hai loại màu họa ra. Đó là màu vàng và màu đen. Màu vàng là lửa, màu đen là ganh ghét, sinh ở trong địa ngục bậc trung, bậc dưới là do hai loại màu này họa ra.

Tỳ Kheo quán màu sắc của địa ngục rồi, lại quán nghiệp có màu đen của ngạ quỷ bị đói khát thiêu thân, tất cả quỷ đều do màu sắc của nghiệp họa ra.

Lại quan sát nghiệp có màu gì họa ra súc sinh?

Đó là màu đen, màu đỏ. Nếu chúng thọ chịu khổ não bậc nhất, sự lo sợ nhất là do màu đen họa ra. Nếu chúng giết hại lẫn nhau là do màu đỏ họa ra.

Màu sắc này là do tâm làm thợ vẽ họa ra.

Lại nữa, nói lược qua súc sinh ở ba chỗ, sợ hãi lẫn nhau, sợ bị giết, bị trói, bị loài khác ăn thịt. Loài bay trên hư không là khổng tước, trĩ, ngỗng… loài trên mặt đất là trâu, bò, chó, ngựa. Loài ở dưới nước là cá…, chúng do màu đen họa ra, hoặc không sợ bị giết. Chúng do màu đỏ họa ra, nếu là voi trên Cõi Trời.

Người ấy không thể tư duy như vậy về năm đường này và năm loại màu.

Năm tướng trên Trời, hành vi trong loài người, súc sinh giết nhau, ngạ quỷ đói khát, chúng sinh ở trong địa ngục chịu khổ não lớn. Nghiệp đủ loại màu sắc được họa ra như vậy.

Người ngu si ít trí ấy không ghi nhớ, không suy nghĩ, do đó biếng nhác, không hay ngồi thiền, không thể giữ giới, không thể đọc tụng và không thể biết tâm là thợ vẽ tạo các bức họa khác. Bức họa thứ nhất là sinh, già, bệnh, chết, oán ghét găp nhau, thương yêu xa lìa, lạnh nóng đói khát, hủy hoại lẫn nhau, chê bai việc cúng dường, trẻ con, nô lệ, chủ nhân, khổ não, an lạc.

Màu sắc của nghiệp địa ngục, ngạ quỷ, súc sinh, Trời, Người xen lẫn nhau, họa nên sinh tử. Các hạng người không thể tu hành, không thể tư duy, tâm niệm biết điều đó rồi không sinh nhàm chán. Tỳ Kheo ấy xả bỏ việc tọa thiền, đọc tụng. Nếu muốn có tâm khác vẽ ra pháp Sa Môn, phải lấy thiền, tụng làm gốc.

Lại có pháp khác họa nên nẻo sinh tử, không thể tư duy mà liền tư duy, lại tạo bức họa khác. Đó là các loại nguồn gốc của cảnh giới. Nếu có chúng sinh ưa thích cảnh giới, trôi lăn nơi địa ngục, ngạ quỷ, súc sinh trong thời gian lâu dài.

Pháp này thế nào?

Đó là mắt thấy sắc, ưa thích cảnh giới mà sinh tâm ham muốn, vướng chặt vào trong sắc ấy. Người đó liền thâu tóm lấy nghiệp có màu đen là địa ngục, ngạ quỷ, súc sinh do màu ấy họa ra.

Nếu chúng sinh ấy mắt thấy sắc rồi, tư duy như vậy: Sắc này vô thường, chuyển động, biến đổi. Vì thế người này không ưa, không thích, không tham, không đắm. Như vậy là người ấy thuộc về nghiệp có màu trắng, được sinh trong Cõi Trời, Người cho đến Niết Bàn.

Có người mắt thấy sắc không thích, không duyên theo, không mong không nhớ, không có tâm thọ dụng, không sinh tâm ham muốn, người ấy là do nghiệp có màu trắng nhất họa ra, thọ an lạc ở trong loài người.

Do tâm si ấy, Tỳ Kheo ác này không tư duy, không nhớ nghĩ, không tọa thiền, không đọc tụng, nếu mắt thấy sắc liền ưa thích, đắm nhiễm cảnh giới. Người bị trói buộc như thế là do nghiệp có màu đen họa ra. Người có trí tuệ thì có thể xả bỏ nghiệp có màu đen ấy là nghiệp do ác ý họa ra và nên tọa thiền, đọc tụng Kinh Luật.

Lại quan sát thấy Sa Môn thợ vẽ, lúc tư duy để họa vẽ thành hình gì?

Đó là tai nghe tiếng hoặc thích, hoặc không thích.

Người ấy quán như thật, tiếng này là vô thường, không dừng trụ, không chắc chắn, bị phá hoại. Biết như vậy rồi, tâm không ưa thích, không sinh vui mừng, không nhớ, không ưa, không nghe, không quan sát. Như vậy là bức họa màu trắng ấy sinh trong hàng Trời, Người. Sinh lên Cõi Trời rồi, họ có đủ loại bức họa thù thắng bậc nhất như vậy.

Còn người Sa Môn thợ vẽ ác ý ấy, tự xưng là Sa Môn nhưng chưa từng khởi tâm tư duy về sự thật nơi bức họa âm thanh nên mãi mê vẽ thành bức họa khác mà không chịu tư duy, tọa thiền, đọc tụng, xả bỏ việc thiền, tụng, không tu nghiệp lành.

Lại nữa, người Sa Môn ngu si lắng nghe âm thanh ấy là chưa từng nghe đến, ngu si không trí, tư duy như vậy: Âm thanh này đáng ưa, có thể khiến tâm vui, có thể khiến ta vui. Sa Môn ác ấy không khéo quan sát cho nên quán âm thanh ấy tâm sinh mong cầu, nhân đó sinh ham muốn, tâm sinh ưa thích đối với âm thanh ấy. Tâm là người thợ vẽ dùng màu đen ấy họa ra địa ngục, ngạ quỷ, súc sinh.

Sa Môn ác ấy biết bức họa nghiệp rồi mà còn tạo các bức họa khác nên xả bỏ việc tọa thiền, đọc tụng…

Lại nữa, Tỳ Kheo ác, lìa bỏ các loại bức vẽ đủ màu rồi, lại tạo bức họa khác.

Bức họa khác là gì?

Chúng được gọi bức họa khác là vì cảnh giới của căn trói buộc chúng sinh trong vòng sinh tử. Các cảnh giới của căn ấy hoặc có thứ đáng yêu, hoặc có thứ không đáng yêu. Đó là khi mũi ngửi mùi thơm, người ấy quan sát rõ vật được mũi ngửi hoặc thơm, hoặc thối họ không thích mùi ấy, không quan tâm đến nó nên không bị nó phá hoại tâm.

Họ tư duy như vậy: Hương này vô thường, niệm niệm không dừng, không chắc chắn, bị hủy hoại. Thực chất của hương này trước không, sau có, đã có rồi trở lại không. Mùi ấy hôi hám không đáng ưa, không làm tâm lay chuyển. Do bức họa nghiệp có màu trắng này là bức họa nghiệp thiện, ta được sinh trong Cõi Trời, Người. Vậy mà người Sa Môn ác ý làm thợ vẽ ấy xả bỏ nghiệp này, xả bỏ nghiệp như vậy mà tạo bức họa khác, xả bỏ việc tọa thiền, đọc tụng.

Lại nữa, khi ngửi mùi thơm khác, đối với mùi ưa thích, do tâm mê hoặc, bị sự mong cầu làm mê, không khéo quan sát, nên tâm liền bị phá hoại. Đó là nghiệp màu đen, ai thường tích tụ nghiệp có màu đen như vậy sẽ vẽ nên địa ngục, ngạ quỷ, súc sinh thọ các khổ não. Sa Môn ác ấy xả bỏ bức vẽ có màu sắc nghiệp như vậy mà còn không chịu tư duy lại tạo bức vẽ khác, nên phế bỏ việc tọa thiền và đọc tụng Kinh Luật.

Lại có bức vẽ bằng các màu sắc tạo do các nghiệp xen tạp. Đó là mùi vị mà lưỡi nếm hoặc có vị đáng ưa, hoặc có vị không đáng ưa.

Khi nếm vị đáng ưa, Tỳ Kheo thiện ấy không vui, không giận, không nhớ, không thích, thường quan sát vị ngon này, không lúc nào mà không khéo quan sát. Mùi vị như thế này trước không, sau có, đã có trở lại không. Tay cầm thức ăn ấy đưa vào miệng, nếm nó bằng lưỡi.

Lưỡi nếm thức ăn rồi, nếu thức ăn ấy ngọt, liền sinh vị ngon khiến nước miếng tươm ra từ má chảy xuống, từ sống mũi chảy ra. Đầu lưỡi nếm vị rồi, hòa trộn thức ăn với nước dãi, sau đó dùng răng nhai và nuốt. Sự trói buộc như vậy trói buộc kẻ phàm phu ngu si. Người ấy tư duy về thiệt vị như vậy, quan sát một cách đúng đắn là bức vẽ màu trắng. Bức vẽ màu trắng này sẽ khiến ta thọ hưởng thú vui bậc nhất ở trong loài người hoặc trên Cõi Trời.

Sa Môn ác ấy không thể quan sát bức vẽ nghiệp như vậy mà tạo bức vẽ khác, phế bỏ việc tọa thiền và đọc tụng Kinh Luật.

Khi lưỡi nếm thức ăn, nếm được vị ngon, vừa được mùi vị ấy, người ngu si đó bèn nghĩ như vậy: Thức ăn này có vị ngon, là vị ngon nhất, là vị thù thắng tốt đẹp, màu sắc và hương vị đều đầy đủ và trong sạch nhất. Do ăn với tâm ngạo mạn nên thân, miệng, ý đều hành động theo nghiệp ác. Bức vẽ hắc nghiệp này sẽ khiến ta sinh vào ba chỗ rõ ràng là địa ngục, ngạ quỷ, súc sinh.

Sa Môn ác ấy, tự xưng là Sa Môn, bị sự không quan sát chân chánh phá hoại, do tự gây rối loạn, xả bỏ bức vẽ nghiệp rồi, lại tạo bức vẽ khác, làm trở ngại việc tọa thiền, đọc tụng.

Lại có bức họa nghiệp, vẽ ra thế gian. Bức họa này chỉ có căn và cảnh giới tiếp xúc nhau, như là thân tiếp xúc với cảnh giới phát sinh ra thức. Tâm khéo quán xét về sự thật của sự xúc chạm ấy. Cảm giác do xúc sinh có ba tánh là không thường còn, không tồn tại và bị hủy hoại, chỉ có da mỏng nhưng khi thấy nó thì sinh tham ái.

Nó chỉ có căn, xứ, không phải là vật trong sạch, không thường còn, không vui, không có ngã pháp, chỉ là sự hòa hợp giả nên gọi là thân. Bốn đại giống như cái hòm nhỏ, như tên cắm vào thân, thường ngăn ngại, thường đau bệnh. Hành giả quan sát một cách chân thật tất cả các chỗ tai họa như vậy thì không bị sự tiếp xúc làm trở ngại.

Sự tiếp xúc này chỉ là khách, hay làm trở ngại, chẳng phải là vật của ta. Ai có thể khéo quán xét như vậy sẽ vẽ nên bức họa nghiệp màu trắng sạch để sinh trong Cõi Trời, Người.

Sa Môn ác ấy làm Sa Môn mà không tư duy quán xét như vậy, tâm nghiệp là thợ vẽ, vẽ ra thế gian gồm đủ loại nghiệp khác nhau. Tỳ Kheo ác ấy xả bỏ không quan sát, lại tạo bức vẽ khác, bỏ bê việc tọa thiền, đọc tụng Kinh Luật.

Lại nữa, người phàm phu ngu si ấy không khéo quan sát, không quan sát chân chánh về xúc này nên sinh tâm như vậy: Sự tiếp xúc này của ta là sự tiếp xúc vui nhất, thân thể mập mạp liền tụ tập các nhân vui, được sự tiếp xúc dễ chịu này, ta liền thọ vui.

Người phàm phu ngu si như vậy, không khéo tư duy, quan sát đối với xúc này. Bức họa nghiệp màu đen ấy tạo nên địa ngục, ngạ quỷ, súc sinh.

Sa Môn ác ấy làm Sa Môn xả bỏ bức họa nghiệp, không tư duy lại tạo bức họa khác, phế bỏ việc tọa thiền, đọc tụng Kinh Luật.

Lại nữa, Sa Môn ác ấy, tuy làm thầy Sa Môn nhưng thích pháp thế gian, chẳng phải là pháp xuất thế gian, không tư duy, không nhớ nghĩ đến pháp xuất thế. Pháp xuất thế là bốn Thánh Đế. Họ không tu tập diệt đế và đạo đế, mười sáu pháp quán hơi thở, hơi thở ra, hơi thở vào, bốn thiền, bốn loại phạm hạnh, bốn quả Sa Môn.

Bỏ pháp này rồi, họ làm các việc làm hèn mọn khác, tâm không yên lặng, chỉ vì sự vui chút ít là bức họa ít màu sắc mà phế bỏ việc tọa thiền, đọc tụng Kinh Luật, lại cầu màu khác là bức họa không tịch tĩnh.

Do không khéo quan sát nguyên nhân ấy, khi chết người này bị đọa vào đường ác là địa ngục.

Người thợ vẽ ấy lại có lỗi lớn, tạo nhân duyên đọa vào đường ác là địa ngục, đó là vẽ người phụ nữ xinh đẹp, trang điểm bằng đủ loại màu rực rỡ. Do ngu si, tâm sinh ưa thích và khiến người khác thấy cũng sinh ưa thích, lòng dục phát ra làm loạn tâm, huống gì là người vẽ. Người như vậy hay muốn cho lòng dục của cả mình lẫn người phát khởi nên khi chết sẽ bị đọa vào đường ác, sinh trong địa ngục.

Khi ấy, Đức Thế Tôn Ca Diếp Như Lai nói kệ:

Không nghĩ bức họa nghiệp

Mà tạo bức họa khác

Bị lửa bức họa thiêu

Đọa vào trong địa ngục.

Không nghĩ pháp vô lậu

Mà thích pháp hữu lậu

Người ấy nhiễm tâm si

Đến bờ hiểm sắp rơi.

Người siêng năng thiền, tụng

Thường sống ở trong rừng

Bỏ chỗ ấy do si

Liền đọa vào địa ngục.

Vì si nên nghĩ ác

Tạo dây trói chặt cứng

Bị bức vẽ lừa dối

Dẫn nhập vào địa ngục.

Tranh vẽ không tạp nhạp

Bức họa tâm tạp nhạp

Tranh vẽ mưa liền phai

Bức họa tâm không phai.

Nếu tâm người không vẽ

Tranh ấy không như tâm

Tranh nghiệp là tranh lớn

Vẽ ở trong ba cõi.

Chúng sinh đủ loại màu

Lưu chuyển trong năm đường

Tất cả là tranh nghiệp

Thợ vẽ tâm tạo ra.

Cái tâm thợ vẽ này

Vẽ vời ra lưới nghiệp

Trói tất cả chúng sinh

Trôi lăn trong ba cõi.

Mưa, lửa, bụi và khói

Khiến tranh vẽ hư mất

Còn bức vẽ tâm nghiệp

Ngàn ức kiếp không phai.

Tất cả đất hoại mất

Nước biển cũng cạn khô

Pháp do tâm vẽ ra

Rốt cuộc không hư hoại.

Người si không quán xét

Đủ loại tranh tự nghiệp

Nên vì mạng, của cải

Mà tạo bức họa khác.

***

icon

Tổng hợp

Cùng chủ đề

Phật Thuyết Kinh đại Bát Nhã Ba La Mật đa - Hội Thứ Ba - Phẩm Ba Mươi Mốt - Phẩm Tuyên Hóa - Phần Ba

Kinh Đại thừa   •   25.12.2023
Hán dịch: Ngài Tam Tạng Pháp Sư Cưu Ma La Thập, Đời Diêu Tần