Phật Thuyết Kinh Chánh Pháp Niệm Xứ - Phẩm Sáu - Phẩm Quán Thiên Dạ Ma Thiên - Tập Chín Mươi

Kinh Đại thừa   •   Thứ hai, 25/12/2023, 22:18 PM

Hán dịch: Ngài Tam Tạng Pháp Sư Bát Nhã Lưu Chi, Đời Nguyên Ngụy

PHẬT THUYẾT

KINH CHÁNH PHÁP NIỆM XỨ

Hán dịch: Ngài Tam Tạng Pháp Sư

Bát Nhã Lưu Chi, Đời Nguyên Ngụy  

PHẨM SÁU

PHẨM QUÁN THIÊN

DẠ MA THIÊN  

TẬP CHÍN MƯƠI  

Lúc ấy, ta sinh làm con một đại trưởng giả ở Diêm Phù Đề và mang tên là Ưu Bát La Đạt đa. Vị Phật đó biết sau khi chết ta sẽ theo nguyện lực sinh làm ngỗng chúa ở vùng Lạc hành thuộc Trời Dạ Ma để thuyết pháp của Phật cho Chư Thiên phóng dật nghe. Nay đã đến lúc phải thuyết pháp ấy. Sau khi đã tư duy, ngỗng chúa làm lợi ích cho Chư Thiên với tâm trong sạch.

Do tâm từ bi và mong cầu quả Vô thượng Bồ Đề Bồ Tát đã đến nơi Chư Thiên đang hưởng năm dục và sống ở đó với các con ngỗng vây quanh. Bồ Tát thấy Chư Thiên đi chơi trong núi rừng, hoặc dạo trong vườn hoa, hoặc đi trong cung điện tạo bằng bóng râm của cành lá, hoặc ngồi trong cung báu ở trên hư không, hoặc có Thiên Tử cùng các Thiên Nữ ăn thức ăn tu đà.

Khi ấy, ngỗng chúa suy nghĩ: Nay đã đến lúc ta phải nói pháp cho các vị Trời phóng dật. Ta phải nói kệ bằng âm thanh thật hay lấn át tiếng ca của Thiên Tử và Thiên Nữ. Thiên Tử Thiên Nữ phóng dật, say đắm dục lạc, không được nghe pháp, nay nghe âm thanh của ta sẽ thích thú và tìm đến gặp ta.

Suy nghĩ xong, Bồ Tát phát âm thanh vi diệu, nhớ nghĩ công đức của Phật phát sinh tâm từ bi và bay lên núi báu với các con ngỗng vây quanh khắp mười do tuần. Bồ Tát đã nói kệ với âm thanh vi diệu không gì sánh bằng.

Lúc giờ chết chưa đến

Nên tu tập phước đức

Đừng có tiếc thân mạng

Về sau sẽ hối hận.

Nếu ai sống phóng dật

Là đi vào chỗ chết

Nếu không sống phóng dật

Là con đường bất tử.

Còn ai sống phóng dật

Đi đường không tịch diệt

Dựa vào không phóng dật

Người trí đạt Niết Bàn.

Chư Thiên chớ phóng dật

Phóng dật không vắng lặng

Làm việc không vắng lặng

Liền đọa vào địa ngục.

Ai chịu nhiều mất mát

Trong quá khứ, hiện tại

Đều là do phóng dật

Như Lai nói như vậy.

Vì vậy trong mọi lúc

Phải siêng năng tinh tấn

Xa lìa sự phóng dật

Liền được pháp tịch diệt.

Bồ Tát Ngỗng chúa bay lên núi nói kệ bằng âm thanh vi diệu lấn át tiếng ca của Thiên Nữ. Nghe âm thanh của Ngỗng chúa, Chư Thiên đều ưa thích. Tất cả Chư Thiên trên khắp quả núi đều cho đó là tiếng ca vi diệu chưa từng có. Do tâm tham đắm chớ không phải do kính trọng pháp, tất cả đều hướng đến ngọn núi nơi Ngỗng chúa ở.

Lúc ấy, Bồ Tát Ngỗng chúa lại nói pháp bằng hình thức đã kể ở trước. Nghe âm thanh đó, Chư Thiên, Thiên Tử, Thiên Nữ đều sinh tâm tùy thuận. Lúc làm người, Ngỗng chúa tên Ưu Bát La Đạt Đa là con một đại trưởng giả đã nghe Phật Ca Na Ca Mâu Ni thuyết pháp và sinh đến nơi đây. Nay Bồ Tát đã dùng âm thanh vi diệu diễn thuyết pháp thù thắng không gì bằng. Thiên Tử, Thiên Nữ nhất tâm lắng nghe lời dạy của Ngỗng chúa.

Khi ấy, Ngỗng chúa bảo Chư Thiên hãy thường lắng nghe pháp chớ có sống phóng dật, phải thường gần gũi bạn lành là người có thể làm lợi ích cho người khác để nghe chánh pháp. Nhờ lòng kính trọng nên sau khi nghe pháp người ấy dứt hết lậu hoặc và đạt được thú vui Niết Bàn.

Có hai hạng người được phước sinh Cõi Trời Phạm Thiên:

1. Người khéo quan sát giữ gìn.

2. Người mong diệt sạch phiền não.

Lại có hai hạng khác:

1. Thường nói pháp.

2. Thường nghe pháp.

Pháp Sư giống như cha mẹ nói pháp để cứu người khác thoát khỏi sinh tử, đạt đến pháp lành rốt ráo. Người thuyết pháp đem pháp bố thí cho người khác nghe pháp và tâm được thanh tịnh.

Người nghe pháp với lòng kính trọng, ngay thẳng có được ba mươi hai công đức. Ba mươi hai công đức của việc nghe pháp là: Đối với người nghe pháp, Pháp Sư giống như cha mẹ hoặc như chiếc cầu bắt qua biển sinh tử. Nhờ Pháp Sư giảng nói ta được nghe những điều chưa từng nghe, nghe xong, ta được giác ngộ, hiểu biết rồi lần lượt tư duy, tu hành.

Sau khi tu hành, ta được an trụ và giúp người khác an trụ, cùng họ lường xét, nhờ đó nếu ai chịu khổ não thì tâm không lay động, ai chưa trồng căn lành thì có thể trồng căn lành, gia thêm sự suy xét làm các căn thành thục và được giải thoát. Nhờ Pháp Sư, tà kiến chuyển thành chánh kiến, các ý nghĩ bất thiện vừa phát sinh liền bị diệt trừ, tâm thiện được tăng trưởng, các nhân duyên bất thiện liền bị cắt đứt.

Người ấy không sống phóng dật, gần gũi bạn lành, lìa tham lam keo kiệt dối trá, cúng dường cha mẹ, tin quả báo của nghiệp, tích tụ nghiệp trường thọ, được người đời khen ngợi, được Chư Thiên hộ trì, nghĩ gì cũng đều được như ý, được thú vui theo pháp, xa lìa sự biếng nhác, siêng năng tinh tấn, biết ơn, báo ơn, thường nghĩ đến cái chết, lúc chết không hối tiếc, cuối cùng được Niết Bàn. Đó là ba mươi hai công đức của việc nghe pháp.

Pháp Sư giống như cha mẹ thuyết pháp làm lợi ích cho người, Pháp Sư thuyết pháp với tâm thanh tịnh, không chút cấu uế để làm lợi ích cho chúng sinh, giúp họ thông đạt trí tuệ. Sau khi nghe pháp, họ được lợi ích như thật, được giải thoát khỏi sinh tử.

Người nghe pháp này từ vô thỉ đến nay bị trôi lăn trong đường sinh tử chưa từng được nghe pháp và đây là lần đầu tiên được nghe Pháp Sư thuyết pháp nên sinh tâm thán phục.

Như người mù từ lúc mới sinh nay được lương y chữa lành nên được thấy đủ loại hình sắc của thế gian, do thấy đủ loại hình sắc vi diệu xưa kia chưa từng thấy nên người đó rất hoan hỷ, cũng giống như vậy, từ vô thỉ đến nay, chúng sinh bị trôi lăn trong sinh tử.

Bị si mê làm mù nay được nghe chánh pháp mà trước đó họ chưa từng được nghe là các căn lành và bốn Thánh Đế đáng yêu ở giác phần địa và được thấy ánh sáng kinh nghĩa nên họ rất hoan hỷ. Như người mù được thấy hình sắc thì hoan hỷ, thấy giác phần địa họ sinh tâm hoan hỷ cũng như vậy. Đó là công đức thứ nhất của việc nghe pháp.

Công đức thứ hai của việc nghe pháp là: Nhờ nghe pháp nên liền suy nghĩ xem pháp có nghĩa gì. Nếu không hiểu thì thưa hỏi người khác về ý nghĩa của pháp đó. Người nghe pháp, theo người khác nghe pháp rồi lại tự tư duy, nhờ tư duy nên tu tập ngày càng tiến bộ, do nói nghĩa của pháp trước sau tương ưng nên hết lòng thọ trì và thường quan sát nghĩa lý của nó. Do quan sát như vậy nên tâm thường hoan hỷ. Nhờ tư duy, nhớ nghĩ, quan sát nên họ thông đạt ý nghĩa sâu xa. Đó là công đức thứ nhì của việc nghe pháp.

Lại nữa, công đức thứ ba của việc nghe pháp là: Nhờ nghe pháp và tư duy xem pháp ấy muốn nói gì, do nhân duyên gì Phật nói pháp ấy nên họ biết vì muốn điều phục chúng sinh nên Phật nói pháp này. Họ liền cùng những người đồng tâm, đồng hạnh suy xét tư duy trước sau, được lợi ích lớn và cuối cùng đạt được Niết Bàn. Đó là công đức thứ ba của việc nghe pháp.

Công đức thứ tư của việc nghe pháp là: Suy xét về ý nghĩa trước sau của bài thuyết pháp để hiểu rõ rồi mới ghi nhận. Việc hiểu rõ rồi mới ghi nhận có ý nghĩa như sau: Thâu giữ tu hành ba nghiệp thân, miệng, ý, tạo ba nghiệp lành, thúc đẩy việc tu tập, giữ gìn việc thuyết pháp.

Do đã thọ trì bằng tâm thanh tịnh, suy xét từng câu, tìm hiểu nhân duyên của nó và nhờ tư duy họ thấy được những nghĩa lý chưa từng có. Do đạt được nghĩa lý nên họ có thể diệt trừ các kết sử phiền não và có thể giữ gìn vô số công đức có được nhờ tu tập bố thí, trì giới và trí tuệ với tâm thù thắng. Đó là công đức thứ tư của việc nghe pháp, cần phải ưa thích tu tập và làm tăng trưởng công đức này.

Công đức thứ năm của việc nghe pháp là: Khéo nghe, khéo giữ ba loại nghiệp, giữ vững việc tu tập, an trụ vào việc nghe pháp.

Nếu Sa Môn, Bà La Môn hoặc người tại gia nói người Thiện Nam nào an trụ trong chánh pháp, tu hành đúng pháp thì người tu hành như vậy có thể tự đứng vững và giữ gìn chánh pháp. Do đứng vững như vậy, họ có thể diệt trăm ngàn ức na do tha kiếp và trăm ngàn vạn ức ức sinh tử. Đó là công đức lớn của việc nghe pháp.

Gần gũi người thuyết pháp để tu tập sẽ được lợi ích lớn. Người thuyết pháp giống như Đức Phật chỉ bày cho ta con đường Niết Bàn, làm họ đứng vững trong pháp. Đó là công đức thứ năm của việc nghe pháp.

Công đức thứ sáu của việc nghe pháp là: Tự mình an trụ trong pháp và xây dựng người khác làm họ trở thành pháp khí, giúp họ nhàm chán sinh tử, chỉ bày cho họ nơi an ổn, nói cho họ nghe về khổ, tập, diệt làm cho cả mình lẫn người đều sinh phước đức.

Do làm lợi ích cho người khác nên họ được công đức lớn và họ tu tập ngày càng tinh tấn theo pháp đã được nghe để diệt trừ phiền não. Do phiền não bị diệt sạch họ đạt được Niết Bàn. Nhờ nghe chánh pháp mà họ đạt được công đức này. Đó là công đức thứ sáu của việc nghe pháp.

Công đức thứ bảy của việc nghe pháp là: Nếu gặp khổ não thì không bị thoái lui. Nhờ nghe giảng về nghiệp báo nên tuy gặp khổ não họ không thoái lui, không tạo nghiệp ác, không nói lời ác, không suy nghĩ ác, không phá hoại sự mạnh mẽ. Đó là công đức thứ bảy của việc nghe pháp.

Công đức thứ tám của việc nghe pháp là: Khi có người khác đến cầu pháp, mong nghe pháp hoặc theo cầu giới, cầu trí tuệ thì lìa bỏ kiêu mạn để giải thích, phân biệt rõ ràng làm cho họ dễ hiểu. Đó là công đức thứ tám của việc nghe pháp.

Công đức thứ chín của việc nghe pháp là: Nghe chánh pháp là gieo hạt thiện căn.

Giống như ruộng đất phì nhiêu có bờ ngăn chắc chắn cho nước chảy vào rồi gieo giống xuống thì sẽ nẩy mầm non, cũng vậy khi gặp Pháp Sư nghe chánh pháp, đem hạt giống lành gieo vào ruộng tâm vững chắc thì đến lúc nó chín sẽ thâu được nhiều kết quả, cứu ta thoát khỏi sự lo sợ về đói khổ nơi địa ngục, ngạ quỷ, súc sinh. Do nó cứu ta thoát ba đường ác nên tất cả các khổ đều được diệt sạch.

Do sống ở đồng trống, thoát khỏi tất cả các sự lo sợ nên ta đến được nơi tịch diệt không gì bằng. Nhờ thuyết pháp nên ta được nhập Niết Bàn. Người thuyết pháp giống như Thế Tôn. Vì vậy công đức của việc nghe pháp là bậc nhất trong việc ra khỏi sinh tử. Ta phải thường gần gũi Pháp Sư, chú ý nghe pháp và tu tập theo. Đó là công đức thứ chín của việc nghe pháp.

Công đức thứ mười của việc nghe pháp là: Sau khi đã gieo hạt giống Phật Pháp rồi, phải khéo giữ gìn cho nó được kết quả. Người nào nghe pháp là đã có hạt giống thiện căn lại thường xuyên tu tập thì sẽ đạt được kết quả.

Như theo thời vụ gieo giống vào ruộng lúa, do Mặt Trời chiếu nên đến thời thì có kết quả, cũng như vậy, người nghe pháp gieo các căn lành nhờ Mặt Trời trí tuệ làm cho thành tựu. Do đó thường phải đến nơi thuyết pháp, ghi nhận chánh pháp. Đó là công đức nghe pháp thứ mười.

Công đức thứ mười một của việc nghe pháp là: Do căn lành, họ thường đến pháp hội để nghe pháp. Sau khi nghe xong họ thọ trì, tư duy, gìn giữ. Nhờ đó, tâm họ được điều phục có thể diệt trừ phiền não. Do phiền não bị diệt sạch nên họ được giải thoát và nhàm chán hữu vi.

Họ nghĩ như vậy: Ta không còn sinh tử, phạm hạnh đã lập, việc cần làm đã làm xong, không còn nhận thân sau. Tất cả là nhờ công đức nghe pháp. Vì vậy chúng ta phải thường nghe chánh pháp. Đó là công đức thứ mười một của việc nghe pháp.

Công đức thứ mười hai của việc nghe pháp là: Nhờ nghe pháp ta có phương tiện để giải thoát, làm cho người tà kiến có được chánh kiến, từ vô thỉ đến nay họ trôi lăn trong đường sinh tử, nghe pháp ác, chấp chặt tà kiến và do tà kiến nên bị đọa vào địa ngục, ngạ quỷ, súc sinh.

Nếu họ nghe chánh pháp, ưa thích gần gũi Pháp Sư, tu tập ngày càng tiến bộ thì có thể xả bỏ tà kiến, tu tập chánh pháp, phát triển trí tuệ, đạt được thú vui bậc nhất, thú vui không có sự lừa dối. Tất cả là do nghe pháp và tu tập. Đó là công đức thứ mười hai của việc nghe pháp.

Công đức thứ mười ba của việc nghe pháp là: Làm tăng trưởng việc tu tập. Đó là nếu sinh chút ít tâm niệm bất thiện thì họ liền trừ diệt.

Nếu ý nghĩ tham dục phát sinh thì họ dùng pháp quán bất tịnh để diệt trừ, nếu sân hận phát sinh thì tu tập quán từ bi để đoạn trừ, nếu ngu si phát sinh thì quán mười hai nhân duyên để diệt trừ. Nhờ nghe pháp, họ có thể diệt trừ ba pháp bất thiện này và những suy nghĩ vi tế huống gì là tùy phiền não. Vì vậy việc nghe pháp có công đức rất lớn. Đó là công đức thứ mười ba của việc nghe pháp.

Công đức thứ mười bốn của việc nghe pháp là: Do nghe pháp họ diệt trừ tất cả các suy nghĩ bất thiện. Giống như ánh sáng Mặt Trời diệt trừ tối tăm, cũng vậy trí tuệ có thể diệt trừ tất cả bóng tối bất thiện, làm chánh pháp tăng thêm, giảm bớt phiền não, nếu không nghe chánh pháp thì không thể diệt trừ phiền não. Đó là công đức thứ mười bốn của việc nghe pháp.

Công đức thứ mười lăm của việc nghe pháp là: Làm tăng trưởng tâm thiện, nhờ công đức của việc nghe pháp, họ không chỉ diệt trừ sự suy nghĩ bất thiện mà còn làm tăng những ý nghĩ thiện. Do tăng thêm suy nghĩ thiện nên họ liền có trí tuệ.

Như bỏ ít lửa vào củi và có gió thổi, lửa liền bùng cháy, cũng vậy nhờ trí tuệ nên căn lành được tăng thêm. Nếu nghe pháp và ghi nhận ý nghĩa của nó và sinh một ý niệm lành thì có thể diệt vô số kiếp sinh tử không phải sinh trở lại. Đã biết công đức của việc nghe pháp ta phải siêng năng nghe pháp. Không có pháp nào khác có thể giúp đỡ ta như vậy.

Nhờ nghe chánh pháp, ta làm đại thí chủ, thực hành bố thí, xả bỏ phi pháp, đạt được trí tuệ. Sau khi quan sát công đức của việc nghe pháp ta có thể ra khỏi sinh tử. Vì vậy, trọn đời ta phải siêng năng nghe chánh pháp. Việc nghe pháp là sự cứu giúp bậc nhất, là chỗ nương tựa bậc nhất giúp ta ra khỏi biên vực sinh tử. Đó là công đức thứ mười lăm của việc nghe pháp.

***

icon

Tổng hợp

Cùng chủ đề

Phật Thuyết Kinh đại Bát Nhã Ba La Mật đa - Hội Thứ Ba - Phẩm Ba Mươi Mốt - Phẩm Tuyên Hóa - Phần Ba

Kinh Đại thừa   •   25.12.2023
Hán dịch: Ngài Tam Tạng Pháp Sư Cưu Ma La Thập, Đời Diêu Tần