Phật Thuyết Kinh Chánh Pháp Niệm Xứ - Phẩm Sáu - Phẩm Quán Thiên Dạ Ma Thiên - Tập Hai Mươi Ba
Hán dịch: Ngài Tam Tạng Pháp Sư Bát Nhã Lưu Chi, Đời Nguyên Ngụy
PHẬT THUYẾT
KINH CHÁNH PHÁP NIỆM XỨ
Hán dịch: Ngài Tam Tạng Pháp Sư
Bát Nhã Lưu Chi, Đời Nguyên Ngụy
PHẨM SÁU
PHẨM QUÁN THIÊN
DẠ MA THIÊN
TẬP HAI MƯƠI BA
Người ngu si không gì
Hoặc làm kinh động người
Người tương ứng nghiệp ác
Cách địa ngục không xa.
Nghiệp có quả tương tợ
Vì sao lại không biết
Do ngu tự gây họa
Mà đắm trong vui đùa.
Ngày ngày thường tăng trưởng
Không thể qua sông ác
Sóng khổ dâng ào ạt
Làm trôi các chúng sinh.
Người ấy chẳng làm thiện
Người ấy không tâm lành
Nếu người lìa pháp thiện
Thì làm theo pháp ác.
Nếu thâu giữ pháp lành
Là đường lành bậc nhất
Người thực hành điều ấy
Liền đến chỗ bất thoái.
Người đọc kinh giữ giới
Ưa thích các pháp lành
Hạnh chánh thường điều phục
Liền xa lìa khổ não.
Bụi không giữ giới này
Hay khiến cho cấu uế
Họ không học việc ấy
Nên thuộc về địa ngục.
Biết hết thảy như vậy
Nên siêng năng giữ giới
Tất cả biển sinh tử
Không giới là nhân duyên.
Như đã nói, tất cả mọi người do không có giới nên làm chướng ngại đạo xuất thế gian.
Vì sao trong Chư Thiên không giữ giới là chướng ngại?
Vì ở lãnh vực nghiệp quả trong thế gian này, trong ấy giữ bảy chi giới, giữ gìn gom góp, thọ vui trong Cõi Trời, nếu hành động phóng dật lâu dài, cho đến khi chấm dứt lạc thú, sau đó bị thoái đọa, như đèn hết dầu, do tim đèn hết, ánh sáng cũng tắt.
Cái gì làm trở ngại đạo xuất thế gian?
Đó là không giữ giới. Người giữ giới ấy, sinh trong Cõi Trời.
Sinh nơi ấy rồi, họ nghĩ như vậy: Ta ở trong loài người, giữ bảy chi giới, nên được sinh vào đây, ngang hàng với Chư Thiên. Người ấy vừa sinh Thiên, do tham đắm cảnh giới, ưa thích dục lạc nên quên hết tất cả.
Những vị Thiên khác không quên giữ giới, liền chỉ cho vị Thiên này nghiệp quả giữ giới, nói với vị ấy: Trước kia, ở trong loài người, ông giữ giới đầy đủ, nên được sinh ở đây. Ông vừa mới sinh Thiên, do tâm lay động, tham đắm cái vui của cảnh giới.
Ông ta không chịu nghe lời nói này, không tiếp nhận, không giữ gìn, không tin giữ giới cho nên không thể nhận lấy quả báo của nghiệp thiện.
Do sức mạnh của cảnh giới làm lay động ý nên ông ấy không giữ giới, không thực hành theo pháp, vị Thiên ấy hủy hoại pháp lành nên bị thoái đọa.
Người trì giới như vậy, sinh ở trong Chư Thiên, hoặc sinh ở thế gian, hoặc ra khỏi thế gian. Người sinh ở thế gian là nhờ giữ giới.
Người ra khỏi thế gian tức là Bồ Đề. Đây là pháp thứ ba là sự chướng ngại của việc không giữ giới.
Pháp chướng ngại nơi hàng Trời, người thứ tư là gì?
Đó là biếng nhác, người thích biếng nhác, hoặc người đắm nhiễm. Hạng người như vậy không thể thành tựu đối với hết thảy các pháp thông thường thuộc tất cả các loại ở khắp các thế gian. Người biếng nhác ấy có bảy pháp hèn kém.
Những gì là bảy?
Nếu người biếng nhác thì không có quả tăng thượng, nên là hai sự hèn kém. Do sự hèn kém này, việc cúng dường liền kém đi, của cải, sự giàu có cũng kém, cảnh giới trí cũng kém. Do sự hèn kém như vậy, những bậc chánh sĩ trong tất cả thế gian không thân cận.
Người thế gian cũng ít hỏi thăm. Do tất cả các việc ở thế gian đều kém cỏi như vậy cho nên người ấy ngu tối, chậm chạp. Tất cả việc làm đều bị hư hoại. Như vậy, trong loài người, biếng nhác làm trở ngại pháp lành thế gian.
Vì sao trong loài người có thể làm trở ngại pháp xuất thế gian?
Đó là do biếng nhác. Người biếng nhác này đối với tất cả việc nhà, việc làm đều tránh né.
Cho nên xuất gia, người ấy nói: Ta xuất gia rồi, có nhiều vật dụng, thuốc chữa bệnh, ăn uống thỏa thích, suốt ngày đêm ta không phải làm gì.
Do xuất gia rồi với tâm biếng nhác như vậy, đã xuất gia rồi, người ấy không đọc tụng Kinh Điển, không thể dứt ác, không thực hành pháp lành, không tu thiền định, không giữ giới cấm, thường bị che đậy dưới sự biếng nhác. Người ấy được nhiều tài lợi, được nhiều của cúng dường, ăn dùng đầy đủ, không thích giữ giới, không ưa trí tuệ. Do thiếu trí tuệ, khi chết bị đọa vào đường ác, sinh trong địa ngục.
Lúc ấy, Như Lai Thi khí nói kệ:
Biếng trễ thiếu phước đức
Si hay phá hoại tâm
Mọi người thân coi khinh
Không thể được đường lành.
Biếng trễ và nghiệp ác
Hoặc bị si che lấp
Ngăn ngại đạo Niết Bàn
Nhân quả ác chẳng lành.
Không xấu hổ, hổ thẹn
Bị bạn ác tác động
Đều là nhân khổ não
Người trí thì lìa bỏ.
Tà và mạn đại mạn
Những ngã mạn như vậy
Thường bỏ những nhân duyên
Tạo ra khổ não này.
Ai bị biếng trễ che
Không ghi nhớ, lười biếng
Khi cái chết ập đến
Uổng đời không kết quả.
Người bị bệnh biếng trễ
Còn sống cũng như chết
Người biếng nhác như vậy
Thà rằng chết còn hơn.
Lún trong bùn biếng trễ
Chìm mãi trong biển khổ
Nếu siêng năng tinh tấn
Liền vượt biển sinh tử.
Người biếng trễ lười nhác
Thích ăn uống như dê
Tuy sống mà như chết
Nếu chết vào địa ngục.
Nghèo khổ, ngu như dê
Hoặc chìm trong khổ não
Thích ăn của người khác
Nguyên nhân do biếng trễ.
Nếu có người biếng trễ
Sống dựa vào người khác
Tham đắm nhiều vị ngon
Tâm mê thường ưa dục.
Người kia không biết đúng
Chỉ tham vị thức ăn
Khi giờ chết đã đến
Lửa hối hận đốt tâm.
Các loài chịu lạnh nóng
Cho đến bị đói khát
Phải chịu khổ như vậy
Sau mới được yên thân.
Chớ có ý biếng trễ
Biếng nhác thì khiếp nhược
Sinh tử chịu không nổi
Không thoát được khổ não.
Biếng nhác uổng một đời
Kẻ hèn trong người lành
Đời vị lai cũng vậy
Không đạt được tịch tĩnh.
Người biếng trễ ngoài cái lỗi này, lại có lỗi khác, đó là xa lìa đạo xuất thế gian. Người biếng nhác là người bất thiện, là người chìm đắm.
Vì sao Chư Thiên làm mất pháp luật Tỳ Ni thế gian và xuất thế gian?
Vì sao Chư Thiên làm trở ngại đạo thế gian?
Đó là do biếng trễ.
Lại có nghiệp khác, nếu nhờ nhân duyên được sinh trong Chư Thiên, vị Thiên ấy lại bị biếng nhác làm hủy hoại, không còn ưa thích sắc, thanh, hương, vị, xúc, không còn ưa thích các khu vườn, không còn chạy nhảy ở các nơi Chư Thiên ưa thích, không nghe tiếng ca, bản thân cũng không ca hát, không bay lên hư không, không từ ngọn núi này bay đến ngọn núi khác, không ở giữa sông, không vượt trên ngọn sóng hoặc cỡi chim đi chơi.
Thiên Vương Dạ Ma có những việc vui như vậy, vị Thiên biếng trễ kia cũng không tìm đến. Tất cả những thú vui về cảnh giới mà Thiên Vương Dạ Ma có được ông đều không thọ hưởng, xem tất cả những việc ấy như chất độc, như oán hận. Tất cả đều là cấu bẩn. Đó là biếng trễ làm chướng ngại thế gian.
Thế nào là biếng trễ ngăn ngại đạo xuất thế gian?
Đó là nếu các vị Thiên khác thường nghe chánh pháp, vui thọ chánh pháp thì họ không gần gũi, họ xa lìa chánh pháp, không có tâm muốn nghe đối với pháp chưa nghe, nếu nghe rồi thì không thọ trì, cũng không tu tập, không gần gũi tôn trưởng, không học với bậc trí, lìa hết thảy pháp, bỏ tất cả việc lành, thường ưa sinh tử, luôn chịu khổ não.
Vì sao?
Do vị ấy xa lìa chánh đạo, liền ở trong ba cõi không thể thoát được. Vị ấy bị biếng nhác hủy hoại, sinh ở địa ngục, ngạ quỷ, súc sinh. Vị ấy thường bị sinh, lão, tử… giam giữ, lưu chuyển trong thế gian, chịu các khổ não. Người biếng trễ ấy, do biếng trễ như vậy, không làm lợi ích cho người, là gốc của tất cả đường ác, là hạt giống của sinh tử. Cho nên tất cả khổ não ở thế gian do đó mà phát sinh.
Thế nên người nào trong thế gian muốn thoát khỏi dây trói sinh tử phải nên siêng năng lìa bỏ biếng trễ. Tất cả các việc không được lợi ích của hữu tình đều lấy đây làm gốc. Tất cả những ai biếng trễ như vậy đều không thể vượt qua biển khổ. Người biếng trễ này có vô lượng lỗi.
Lại nữa, ngoài bốn lỗi này còn có lỗi thứ năm. Khiến các Trời, người làm chướng ngại đạo thế gian và xuất thế gian. Đó là việc tham lam. Nó làm chướng ngại tất cả pháp thế gian và xuất thế gian.
Vì sao thiên, nhân bị tham lam làm chướng ngại đạo thế gian và đạo xuất thế gian?
Đó là người phàm tục, do tâm tham làm điều phi pháp, thường ưa của cải vật chất. Tâm họ ưa thích vật chất như loài thủy tộc ưa sông, cũng như khỉ vượn. Do tâm ưa vật chất và muốn lấy vật, họ bày các phương tiện như vậy… như vậy… tham ác tăng trưởng.
Họ suy nghĩ như vậy: Nay ta phải bày ra những phương pháp và những sự lừa dối gì để đánh lừa người khác?
Tâm họ thường lừa đảo dối trá như vậy, lại dạy người khác dối trá, lừa đảo.
Người ấy làm việc phi pháp và dạy người khác làm việc phi pháp.
Người như vậy tâm tham rất nặng, tư duy như vậy: Những đồ vật của người làm sao đều thuộc về ta?
Người ấy suy nghĩ như vậy rồi lại dạy người khác. Dạy người rồi, họ liền cùng nhau lừa đảo, dối trá, bày các phương pháp lừa dối người khác để lấy tài sản của họ.
Lừa dối như vậy rồi, với tâm hoan hỷ họ lại suy nghĩ: Ta làm thật khéo léo, có thể lừa dối người khác, lấy được của cải của họ, cho nên vui mừng vì được sự thú vị như thế.
Lần lượt như vậy, họ thích làm nhiều việc khiến người đau khổ, bị sự tham lam che đậy tâm ý, họ phá hoại thành quách, thôn ấp, xóm làng, nơi nhiều người ở. Họ bị tất cả mọi người lìa bỏ, bị tất cả những người lương thiện nghi ngờ, coi rẻ. Họ là gai góc của các nước, gai góc của thành quách, gai góc của xóm làng.
Họ phá hoại các nước, phá hoại thành quách, phá hoại xóm làng, phá hoại nhà cửa, làm tan nát dòng họ của người khác, thường ưa thích việc ác như vậy trong tất cả các thời, khiến cho người khác đau khổ. Người ác như vậy lúc chết đọa vào đường ác, sinh vào địa ngục, là người tham lam xấu xa trong thế gian.
Người tham lam này làm chướng ngại thế gian. Sự tham lam đã tích tụ, lại phát triển thêm như lửa được củi, như vậy như vậy sự tham lam tăng trưởng, như vậy như vậy sự tham lam làm phương tiện, như vậy như vậy thu được của cải người, như vậy như vậy dần dần tăng trưởng. Vì thế người tu hành phước đức phải siêng năng xả bỏ sự tham.
Vì sao?
Vì sự nhơ bẩn bậc nhất là tâm tham, lấy của cải của người. Người nhơ nhuốc bại hoại ấy phải bị đọa vào địa ngục.
***
Phật Thuyết Kinh đại Bát Nhã Ba La Mật đa - Hội Thứ Năm - Phẩm Mười Bảy - Phẩm Tham Hành - Phần Hai
Phật Thuyết Kinh đại Bát Nhã Ba La Mật đa - Hội Thứ Ba - Phẩm Ba Mươi Mốt - Phẩm Tuyên Hóa - Phần Ba