Phật Thuyết Kinh Chánh Pháp Niệm Xứ - Phẩm Sáu - Phẩm Quán Thiên Dạ Ma Thiên - Tập Hai Mươi Bảy
Hán dịch: Ngài Tam Tạng Pháp Sư Bát Nhã Lưu Chi, Đời Nguyên Ngụy
PHẬT THUYẾT
KINH CHÁNH PHÁP NIỆM XỨ
Hán dịch: Ngài Tam Tạng Pháp Sư
Bát Nhã Lưu Chi, Đời Nguyên Ngụy
PHẨM SÁU
PHẨM QUÁN THIÊN
DẠ MA THIÊN
TẬP HAI MƯƠI BẢY
Lại nữa, Thiên chủ Mâu Tu Lâu Đà là Thiên Vương Dạ Ma ấy giúp đỡ tất cả Chư Thiên ở Sơn Thọ Cụ túc, dù họ có tâm tu hay không có tâm tu. Thiên chủ làm cho họ siêng năng tu tập, tạo lợi ích cho người khác, trừ bỏ sự biếng nhác, khiến họ thấy rõ nghiệp, quả và tâm trở nên nhu hòa. Do tâm nhu hòa, lòng tin to lớn được phát sinh.
Lòng tin đã phát sinh rồi, Thiên chủ mới chỉ cho họ tội lỗi của dục. Chỉ cho thấy tội lỗi của dục rồi, Thiên chủ mới dạy về sự vô thường của mạng sống. Nói về sự vô thường rồi, lại giảng nói về nỗi khổ sinh tử. Chư Thiên nghe rồi, tâm trở nên nhu hòa.
Do tâm họ đã nhu hòa, Thiên Vương mới dạy: Này Chư Thiên các ông, tất cả hãy xem tháp Phật lớn lao ấy. Đó là tháp của Ca Ca Thôn Đà Như Lai, Ứng Cúng Chánh Biến Tri, Minh Hạnh Túc, Thiện Thệ, Thế Gian Giải, Vô Thượng Sĩ, Điều Ngự Trượng Phu, Thiên Nhân Sư, Phật, Thế Tôn.
Tháp Phật quý báu kỳ diệu, ánh sáng đầy khắp, lan can kết bằng vàng ngọc, cao vút lên trên như xuyên qua hư không, mọi người đều thấy rất là đáng yêu. Nó trong sạch vào bậc nhất, tất cả Chư Thiên ai thấy cũng ưa thích. Nơi Cõi Trời này, tháp ấy cao vút như tấm cờ phướn, chắc chắn không lay động như trong thiền định, có đủ loại châu báu tốt, ánh sáng rất đẹp đẽ, giống như giảng nói về chánh pháp rất là đáng ưa, Chư Thiên đều thấy như vậy.
Này Chư Thiên! Các ông hãy đi theo ta đến tháp ấy để cúng dường, lễ bái, hoặc thoa hương, rải hoa để cúng dường.
Tháp của bậc Đại tiên này có gì hy hữu mà nay chúng ta cùng nhau đến chiêm ngưỡng?
Đó là nó làm cho chúng ta được lợi ích, kể cả lợi ích cao nhất là nhập Niết Bàn, làm cho thân mạng đều được an lạc.
Vì sao?
Vì pháp mà Như Lai, Thế Tôn Giảng nói tuy chỉ có chút ít cũng có thể làm cho chúng sinh được an lạc, được lợi ích. Tất cả chúng sinh đều được lợi ích, điều đó không có gì nghi ngờ.
Nay để được thêm lợi ích, chúng ta nên cùng nhau đến đó.
Bấy giờ, sau khi nghe Thiên Vương nói như vậy, tâm Chư Thiên đều trong sạch, tin lời Thiên Vương và bạch: Chúng ta cùng nhau đi cúng dường, lễ bái để được lợi ích an lạc.
Khi ấy, Chư Thiên ở Sơn Thọ cụ túc cùng Thiên Vương đi đến tháp của Thế Tôn. Thiên Vương đi trước, Thiên Chúng đi sau. Đến nơi, thấy tháp của Như Lai Ca Ca Thôn Đà, họ sinh tâm kính trọng, lễ bái cúng dường và đi nhiễu quanh tháp.
Lúc này ở trong tháp, các châu báu rực sáng đến nỗi ánh sáng của mặt trời giống như là ánh sáng đom đóm, ánh sáng của các châu báu ấy kỳ diệu lạ thường như vậy. Trong tháp ấy có treo một tấm bảng báu rất sáng. Bảng này có chép kinh. Đó là do thần thông của Chư Thiên làm ra nên không bị mất, không bị phá, không bị hư và không thể xóa sạch.
Vì sao không mất?
Vì để làm lợi ích cho Cõi Trời người, Như Lai Ca Ca Thôn Đà Mâu Ni đã dạy Kinh Điển này, nói pháp như vậy cho hàng Trời, người.
Vì sao?
Vì Cõi Trời chính là đường lành của con người. Cõi người chính là đường lành của Chư Thiên. Lúc Chư Thiên thoái đọa thì mong cầu đường lành là sinh làm người. Con người chết thì mong cầu được sinh vào đường lành là Cõi Trời. Như vậy, Trời và người đổi nhau làm đường lành. Trời cùng với người ưa thích lẫn nhau. Ai giữ giới đầy đủ thì sinh lên Cõi Trời.
Người giữ năm giới gồm có hai hạng. Người giữ giới ấy do ngu si, nên sống mà không chín, chỉ làm một cách ngu si, nhưng người ấy có lòng tin. Do lòng tin đối với Phật, họ tu tập khiến cho thân, khẩu, ý đều thiện chứ không theo tà kiến. Cho đến khi mạng căn chấm dứt họ vẫn tin quả báo của nghiệp.
Họ làm ăn, sinh sống theo chánh pháp, không làm người khác buồn bực, kính trọng cha mẹ, cúng dường cha mẹ, gần gũi Sa Môn, Bà La Môn, thường nghe chánh pháp. Người ngu si ấy chỉ làm theo lòng tin. Tuy ngu si chậm lụt nhưng người ấy tu tập thân, khẩu, ý theo nghiệp lành một cách đầy đủ. Họ có tánh như thế, không chịu thọ giới cấm. Người như vậy khi chết sẽ sinh vào đường lành là Cõi Trời.
Người ấy cuối cùng được sinh Thiên là do tâm lành. Nếu được sinh ở Cõi Trời Dạ Ma thì họ sẽ thua kém các vị Thiên khác. Màu sắc của thân, quần áo và các đồ trang sức, các Thiên Nữ, sức phi hành, thức ăn, tất cả đều thua kém. Do vậy, họ sinh hổ thẹn. Ánh sáng và tất cả những điều mong cầu đều thua kém. Do không có trí tuệ, không biết giữ giới nên họ thua kém những vị Thiên có giới, có trí tuệ và biết giữ giới.
Lại nữa, do ngu si họ không biết giữ giới và tu tập giới. Tuy có lòng tin trong sạch đối với Phật, Pháp, Tăng nhưng họ không thể giữ giới được một ngày. Mặc dù thân làm việc lành, miệng nói điều lành, ý nghĩ điều lành nhưng không được hoàn toàn về thân, khẩu, ý. Việc thiện của thân là không sát sinh, không tà dâm, không trộm cắp, họ không thể thực hành tất cả.
Các điều lành về khẩu thì họ chỉ thực hành việc không nói dối, còn các lỗi khác thì họ đều vi phạm. Như vậy, họ chỉ thực hành được một phần chớ không thể thực hành đầy đủ tất cả các hạnh lành. Về điều thiện của ý, họ có lòng tin cho đến trọn đời.
Nhờ nghiệp lành còn sót lại, hoặc là nhờ niềm tin, họ được sinh vào Cõi Trời Dạ Ma nhưng thấp kém hơn những Chư Thiên đã ở đó trước. So với Chư Thiên có tu hành, thọ giới, giữ giới đầy đủ thì hình dáng, sắc thân, đồ trang sức, thức ăn, sức phi hành, Thiên Nữ, tuổi thọ, thanh, xúc, sắc, hương của họ tất cả đều kém. Do thấy mình kém, họ rất hổ thẹn đối với các vị Thiên khác là những vị có giữ giới.
Lại có người ngu si, không biết giữ giới, không thích hợp với việc trì giới. Tuy có chánh kiến, được nghe Phật Pháp, tin Tam Bảo là Phật, Pháp, Tăng một cách cung kính, nhưng họ không giữ giới được một ngày. Nghe người trì giới đến, hoặc là bạn bè đến chỉ dạy, hoặc do sợ hãi, họ không dám trộm cắp.
Dần dần, khi nghe Phật dạy, do nghiệp xấu còn sót lại sẽ sinh nghèo nàn, vì lo sợ cho đời hiện tại, lo sợ cho đời vị lai, nên họ không trộm cắp, miệng không nói lời hủy hoại, không hủy hoại nhau. Đối với người đang phá hoại thì họ khiến cho hòa hợp lại, vì ưa thích việc lành bằng cách truyền những lời Phật đã dạy.
Người ấy do dư nghiệp của lời nói hủy hoại, nên những người bạn thân, vợ con, nô tỳ, tất cả đều bị hủy hoại. Do nhân này, khi chết sẽ đọa vào cõi ác, sinh vào trong địa ngục. Do hai nhân duyên ấy, người đó không nói hai lưỡi nữa.
Do nghiệp nhân này, do có lòng tin hoặc do nghiệp đời trước, hoặc do nghiệp đời này, hoặc do tin ruộng phước nên khi chết người ấy sinh lên Cõi Trời Dạ Ma, nhưng sắc đẹp và hình tướng đều thấp kém, Thiên Nữ cũng kém. Sức phi hành, đồ ăn uống, sắc, thanh, hương, vị, xúc, tuổi thọ tất cả đều kém so với các vị Thiên khác. Người ấy liền sinh hổ thẹn. Đó là do phóng dật, không giữ giới mà ra.
Ba hạng như vậy đều được sinh lên Cõi Trời, nhưng có sự buồn rầu về việc bị thua kém.
Đó là nhờ tin Phật hoặc suy nghĩ như vậy, nhờ công đức thù thắng, hoặc nhờ bản tánh tốt đẹp, hoặc do tâm thể rất nhu hòa, hoặc do rất chánh kiến, hoặc do lòng tin sâu sắc không dối trá, không làm buồn bực người khác, do những điều tốt đẹp hơn như vậy, hoặc do nuôi dưỡng cha mẹ, kính trọng cha mẹ, do nghiệp tốt đẹp hơn như vậy, hoặc do nguyện lực thù thắng.
Người ấy như vậy nên tâm cũng theo nghiệp nối tiếp không ngừng.
Người ấy rất tin tưởng đối với ruộng phước nên ý suy nghĩ về cách tạo công đức.
Với nghiệp tốt đẹp có các bậc thượng, trung, hạ như vậy nên khi được sinh lên Trời, người ấy quyết định nhận quả báo tương tự với nghiệp. Điều đó trọn không hư dối, không thể nghi ngờ mà chắc chắn phải như vậy, huống hồ là người giữ giới, cho đến khi đạt Niết Bàn thì chắc chắn được, không có hư vọng.
Có mấy loại giữ giới. Tóm lược mà nói, bốn chúng đệ tử của Phật, mỗi chúng đều có bốn cách thọ giới. Chúng đều tạo ra quả báo.
Bốn chúng đệ tử là Tỳ Kheo, Tỳ Kheo Ni, Ưu Bà Tắc, Ưu Bà Di là bốn chúng thọ giới.
Mỗi chúng có mấy loại thọ giới khác nhau?
Trước hết, xét về Ưu Bà Tắc, tóm lược mà nói thì gồm có bốn loại.
Đó là bốn loại gì?
1. Hành một phần.
2. Hành nửa phần.
3. Hành luôn luôn.
4. Thực hành tất cả.
Hành một phần là chỉ giữ một giới.
Hành nửa phần là chỉ thọ ba giới và giữ ba giới.
Hành luôn luôn là thọ giới không thường chỉ thọ giới một lần.
Hành tất cả là giữ trọn năm giới.
Lại có bốn loại trì giới.
Những gì là bốn?
1. Hi trì giới.
2. Bán trì giới.
3. Hối trì giới.
4. Hợp trì giới.
Ưu Bà Tắc ấy lần lượt giữ gìn đối với biển học giới. Đầu tiên là giữ tam quy làm Ưu Bà Tắc. Người ấy tu tâm, trải qua một thời gian quán xét kỹ lưỡng, họ giữ một học giới. Họ giữ học giới ấy một cách kiên trì, không khiếm khuyết, không rò rỉ và không thất thoát.
Thế nào là không khiếm khuyết, không rò rỉ và không thất thoát?
Không khiếm khuyết là cho đến trọn đời, giữ gìn không bỏ, không khởi một tâm niệm phá giới, không tùy hỷ đối với người phá giới, ngăn cản không cho họ phá giới và khiến cho người khác sống yên ổn trong chánh pháp nên gọi là không khiếm khuyết.
Không rò rỉ là như có người thọ một học giới. Về sau họ xả học giới ấy, sau đó giữ trở lại, vài lần xả vài lần giữ. Như vậy gọi là rò rỉ. Còn người giữ giới không rò rỉ thì giữ kỹ lưỡng chứ không phải như vậy.
Thế nào là không thất thoát?
Thế nào là thất thoát?
Đó là ban đầu, với tâm thanh tịnh, thọ trực tiếp với bậc thiện tri thức. Sau đấy sinh tâm hối hận không thể giữ gìn, tâm sinh nghi ngờ. Điều nghi ngờ ấy dẫn dắt tâm khiến người đó làm theo tâm vẩn đục chớ không làm theo sự suy nghĩ chín chắn. Người đó về sau bị lửa hối hận thiêu đốt. Sau khi bị thiêu như vậy, họ liền xả bỏ học giới. Xả bỏ như vậy rồi, họ không giữ trở lại. Đó gọi là thất thoát. Nếu người nào không có như vậy thì gọi là không thất thoát.
Ưu Bà Tắc hi hành là người giữ giới bị khiếm khuyết, bị rò rỉ và bị thất thoát.
Thế nào là khiếm khuyết?
Đó là người có tâm bình thường, không bị mất trí, thần kinh không bị hư hoại, do tâm hành phát sinh nên giữ học giới nhưng việc ấy giống như là bẹ chuối, hoặc giống như là ánh chớp.
Với tâm như vậy, người ấy hoan hỷ giữ giới và rất kính trọng, tin tưởng chánh pháp. Sau đó, nghe pháp của ngoại đạo, tâm liền sinh hối hận, bị bụi ngu si làm cho tâm vẩn đục nên người ấy xả giới. Về sau, lại được nghe chánh pháp mới giữ giới trở lại. Đó gọi là khiếm khuyết.
Thế nào là rò rỉ?
Đó là Ưu Bà Tắc nghi ngờ học giới. Người trì giới như vậy vừa cúng dường Chư Thiên, vừa nhớ nghĩ chánh pháp.
Họ nghĩ như vậy: Nay ta nhờ lời dạy của Phật mà được thanh tịnh, nhờ sức hộ trì của Chư Thiên mà được ơn ích. Do nghĩ như vậy, họ cúng dường cả hai. Với tâm nghi như vậy mà giữ giới theo chánh pháp gọi là rò rỉ.
Còn thất thoát là gì?
Đó là trong tâm thì hư dối mà bên ngoài thì giả bộ làm lành. Người này giữ gìn học giới là vì muốn người khác thấy và vì muốn được lợi dưỡng. Điều này gọi là thất thoát.
Tất cả những điều đó người trí đều nên bỏ.
Bây giờ ta nói về hạnh Ưu Bà Tắc hy trì giới.
Thế nào là Ưubà tắc hành hi trì giới?
Đó là Ưu Bà Tắc giữ một học giới trong một thời gian rồi mới giữ học giới khác. Lần lượt như vậy chứ không phải là cùng một lúc, không chịu chuyên tâm, không theo một thầy. Trải qua một thời gian lâu dài người ấy giữ giới như vậy. Đó gọi là Ưu Bà Tắc hi hành học giới.
Điều thứ hai là Ưu Bà Tắc bán trì giới?
Đó là người giữ giới từng nửa phần một, hoặc là giữ hai giới sau đó liền giữ ba giới còn lại, hoặc là giữ ba giới sau đó liền giữ hai giới còn lại. Hoặc là về sau mới giữ ba giới còn lại, hoặc là sau một thời gian lâu mới giữ hai giới còn lại. Đó gọi là bán trì giới ở trong từng nửa phần họ tăng thêm phần còn lại để thực hành.
Vì sao?
Vì họ gom từng nửa phần học giới lại là để giữ gìn. Người gom từng nửa phần học giới lại để giữ, gọi là loại trì giới thứ hai Ưu Bà Tắc gom từng nửa phần lại mà giữ gìn.
Thế nào là Ưu Bà Tắc hối trì giới là loại trì giới thứ ba?
Đó là người trước không giữ giới do tâm ngu si nhưng có lòng tin sâu xa đối với Phật, Pháp, Tăng.
Ưu Bà Tắc ấy đến gặp thầy Tỳ Kheo, nghe thầy Tỳ Kheo nói về quả báo của việc giữ giới là có công đức vô lượng cho đến có thể đạt được Niết Bàn.
Nghe rồi, lửa hối hận thiêu đốt tâm, người đó mới sinh kính trọng, giữ giới không xả cho đến lúc chết. Đó gọi là Ưu Bà Tắc hối trì giới là loại trì giới thứ ba.
Còn Ưu Bà Tắc hợp trì giới tức loại trì giới thứ tư là người giữ đầy đủ tất cả các giới.
Vì sao gọi là Ưu Bà Tắc hợp trì giới?
Vì Ưu bà tắc này nghe chánh pháp rồi, liền hiểu chánh pháp, hiểu từng câu, từng chỗ ở trong mỗi kinh, hiểu về mười hai nhân duyên.
Dựa vào giáo lý mười hai nhân duyên, người ấy thấy đúng như thật về pháp mười hai nhân duyên, trong tâm phát sinh ý niệm tin tưởng như vậy rồi, mới dùng miệng trì giữ tất cả các giới, giữ gìn đầy đủ năm giới, cùng một lúc một cách chắc chắn không bị khiếm khuyết, không rò rỉ và không thất thoát. Người ấy thường giữ gìn như vậy cho đến trọn đời.
Bốn hạng Ưu Bà Tắc đã nói như ở trước.
Còn về các bậc thượng, trung, hạ, theo thứ lớp như vậy, hạng thù thắng nhất là hạng giữ đủ năm giới, hạng kém nhất trong đó là hạng Hy trì giới. Hạng Ưu Bà Tắc giữ giới kém nhất chỉ cần hết lòng hộ trì giới trong một niệm thì Chư Thiên cũng không bằng, Thiên Ma, Ma Vương cũng không bằng.
Vì sao?
Vì người đó có thể bảo vệ thành trì Niết Bàn trong khi tất cả Chư Thiên không mong cầu đến.
Quỷ Dạ Xoa trên đất thấy người trì giới liền cúng dường lễ bái. Dạ Xoa trên hư không thấy như vậy cũng cúng dường, lễ bái. Do người đó thực hành theo chánh pháp, có thể báo ân và có thể điều phục nên Dạ Xoa nói với Chư Thiên về người đó.
Người đó được quả báo trong hiện tại là được Vua hoặc đại thần, hoặc chủ ruộng đất cúng dường của cải, đồ vật. Người đó được Chư Thiên có thần thông lớn, có uy lực mạnh theo ủng hộ nên các việc phi pháp và các Dạ Xoa hung ác không thể làm não loạn, không thể phá hoại.
Theo nhu cầu của tâm, các loại ý muốn đều được thỏa mãn đầy đủ, mặc tình thọ hưởng an lạc, các việc làm đều được thành tựu, không bị nhiều bệnh tật, sắc mặt thanh tịnh, ngủ nghỉ yên ổn, lúc thức thì vui sướng ổn định, vợ con, nô tỳ và người làm mướn luôn luôn bảo vệ, khi chết thì sinh vào đường lành.
***
Phật Thuyết Kinh đại Bát Nhã Ba La Mật đa - Hội Thứ Năm - Phẩm Mười Bảy - Phẩm Tham Hành - Phần Hai
Phật Thuyết Kinh đại Bát Nhã Ba La Mật đa - Hội Thứ Ba - Phẩm Ba Mươi Mốt - Phẩm Tuyên Hóa - Phần Ba
Phật Thuyết Kinh Tạp A Hàm - Kinh Kim Thương
Phật Thuyết Kinh Bách Dụ - Kinh Thứ Bốn Mươi Bảy - Kinh Giả Tiếng Uyên ương
Phật Thuyết Kinh Bát Nhã Ba La Mật - Phẩm Một - Phẩm Tự
Phật Thuyết Kinh Bách Dụ - Kinh Thứ Bảy Mươi Bảy - Kinh Tranh Vắt Sữa Lừa