Phật Thuyết Kinh Chánh Pháp Niệm Xứ - Phẩm Sáu - Phẩm Quán Thiên Dạ Ma Thiên - Tập Hai Mươi Bốn
Hán dịch: Ngài Tam Tạng Pháp Sư Bát Nhã Lưu Chi, Đời Nguyên Ngụy
PHẬT THUYẾT
KINH CHÁNH PHÁP NIỆM XỨ
Hán dịch: Ngài Tam Tạng Pháp Sư
Bát Nhã Lưu Chi, Đời Nguyên Ngụy
PHẨM SÁU
PHẨM QUÁN THIÊN
DẠ MA THIÊN
TẬP HAI MƯƠI BỐN
Vào lúc ấy, Như Lai Thi khí nói kệ:
Người hành động dối trá
Bày cách lấy vật người
Đó là tâm rất tham
Thường làm việc bất thiện.
Người ấy suốt ngày đêm
Tâm thường không thanh tịnh
Bị tham che lấp tâm
Thường mong vật của người.
Người ấy như lửa dữ
Tự thể bản tánh ác
Làm tất cả sợ hãi
Giống như là rắn độc.
Nếu người bị tham lam
Thường che lấp tâm mình
Đọa mãi trong địa ngục
Và trong loài ngạ quỷ.
Đã thoát khỏi chỗ nóng
Là lửa địa ngục rồi
Nếu sinh trong loài người
Năm trăm đời nghèo nàn.
Mặt hư và miệng méo
Thường bị các khổ não
Tham lam hủy hoại tâm
Đều chịu khổ như vậy.
Nếu người lìa bỏ tham
Thường mong cầu trí tuệ
Thường có sức thần thông
Đi trên con đường lành.
Trừ bỏ tham trong tâm
Giống như lấp hang rắn
Nếu bị rắn tham cắn
Nhất định chịu khổ não.
Nếu người ôm lòng tham
Tăng lên trong từng niệm
Như lửa gặp củi khô
Bùng cháy ngày càng mạnh.
Người ham thích của cải
Thường mong cầu vật chất
Lúc giờ chết đã đến
Tài sản đều bỏ hết.
Nghiệp ác đã làm rồi
Không sao lìa bỏ được
Người ấy bị tham trói
Bắt đem vào địa ngục.
Của cải thuộc về người
Bị nghiệp ác làm bẩn
Không của thấy là của
Chẳng vui cho là vui.
Tham ác ở trong tâm
Coi giặc như bạn lành
Lửa tham hay đốt người
Người trí không chứa tham.
Người bị tham thiêu đốt
Về sau đọa địa ngục
Tài sản chất như núi
Tất cả đều vô thường.
Tại sao vì của cải
Gây nghiệp ác như vậy
Chỉ có người ngu si
Hay làm ác như vậy.
Tham lam xấu xa như vậy đều không được tự làm, không khiến người làm. Sự tham lam như thế làm trở ngại thế gian. Người tích chứa tham lam ngày càng tăng trưởng như lửa được củi, như vậy như vậy cháy ngày càng mạnh. Tham ái như vậy do được của cải tăng lên như vậy cùng tham lam keo kiệt, ganh ghét tăng trưởng mạnh mẽ.
Vì vậy, những người có phước đức phải nên lìa bỏ. Chư Thiên các ông nên biết, có người làm ăn sinh sống, mua rẻ đồ ăn uống, hoặc của cải còn thừa, hoặc lập trai đàn cúng dường Sa Môn, hoặc Bà La Môn, vì muốn cho người biết mình là người có phước, chân thật đáng tin.
Biết người tin rồi, sau đó đem đồ vật của mình bán mắc cho người. Người này tuy bố thí, chẳng phải với tâm trong sạch mà là muốn người khác tin tưởng để làm ăn cầu lợi mua rẻ, bán mắc. Phương tiện như vậy, dùng vật ít ỏi bố thí, vật thu được lại nhiều hoặc được gấp mười, hoặc được gấp tám. Việc tham lam xấu xa như thế người lành liền xả bỏ.
Lại nữa, người nói về việc xả bỏ tham lam, xấu xa mà họ lại là tham ác, đó là pháp sư nói pháp để lấy vật. Lấy được vật rồi, họ không dùng cho Tam bảo. Tham ác ấy cần phải được xả bỏ.
Lại nữa, người tham ác, nói về việc bỏ tham ác là người xuất gia, dùng ngà voi trắng làm tượng Phật, hoặc tượng thêu bằng chỉ năm sắc, tượng Phật vẽ trên tấm thảm, hoặc tượng khắc bằng gỗ, hoặc tượng đồng, người ấy bán tượng như vậy. Đó là tham ác. Khi đã được vật rồi, họ dùng trong phi pháp. Tham ác như vậy ở trong loài người làm trở ngại pháp thế gian và pháp xuất thế gian. Đó là điều người trí quở trách, người trí lìa bỏ.
Những gì là tham ác trong hàng Trời?
Trong Chư Thiên các ông, tuy có nhiều hoan lạc lớn nhưng vẫn còn tham ác như là hiện thấy núi kim ngân, núi Tỳ Lưu Ly, núi châu báu xanh, núi châu báu rất xanh, núi pha lê, các ông vui chơi thọ lạc trong những núi đó. Đã thọ vui trong một núi rồi, lại hướng đến núi khác thọ đủ thứ hoan lạc cùng với các Thiên Nữ, Thiên Chúng vây quanh. Tất cả như vậy đều do tham lam mà ra, không phải do thứ khác tạo nên.
Thiên Chúng các ông bị tham ái trói buộc, đọa vào đường ác mà không hay biết, không sinh lo sợ, không sợ chết khổ, không sợ xa lìa quyến thuộc yêu dấu, không biết các loại khổ về suy tàn, lúc thoái đọa.
Thiên Chúng các ông do tâm tham mà không hay không biết, Thiên Chúng các ông có vô lượng vô biên tâm tham như vậy. Nghiệp ma nơi tâm tham không biết chán, biết đủ, không sợ ly biệt, không sợ khổ nơi sinh tử. Tham lam xấu xa như vậy làm chướng ngại đạo thế gian.
Vì sao trong Cõi Trời, tâm tham làm chướng ngại đạo xuất thế gian?
Do sự ưa thích sắc, thanh, hương, vị, xúc, ưa thích thọ vui, các vị Thiên có tâm tham không thành tựu được việc gì khác. Hơn nữa, các vị Thiên tham lam này đối với việc nghe pháp, cầu pháp, học pháp, họ không muốn nghe pháp khiến tâm trong sạch.
Tất cả pháp thiện, nguồn gốc của sự thù thắng được gọi là giác pháp. Tất cả pháp được giác ngộ, chủ yếu là do nghe pháp. Nếu không nghe pháp thì sẽ không giác ngộ pháp. Vì sao không giác ngộ, đó là do phóng dật.
Lại nữa, pháp gì là căn bản của phóng dật?
Đó là tâm tham. Nếu bỏ tâm tham liền đến Niết Bàn. Người bị tham che lấp sẽ lưu chuyển trong sinh tử, Thiên Chúng nên biết ở trong hàng Trời, người, đạo xuất thế gian bị sự tham lam, xấu xa làm trở ngại. Vì vậy người trí phải thường siêng năng xả bỏ tham ác mà bố thí.
Bố thí có ba loại: Một là bố thí của cải, hai là bố thí vô úy, ba là bố thí pháp. Người bố thí của cải, được quả báo sinh Thiên, lại không thể bố thí. Điều này chứng tỏ con người hơn Chư Thiên, chớ không phải Chư Thiên hơn con người.
Như vậy, thân người là khó được nhất. Nếu được thân người mà không thực hành bố thí thì thật uổng một đời. Cũng như người buôn bán gặp được đảo châu báu, không biết nhặt lấy vật báu mà trở về tay không. Nếu được thân người, không biết xả bỏ của cải đem bố thí cũng lại như vậy.
Thế nào là bố thí vô úy?
Bố thí vô úy gồm có mấy loại?
Bố thí vô úy gồm ba loại.
Một là cứu mạng làm cho không sợ hãi.
Hai là vợ con họ bị người bắt, ta tạo phương tiện cứu giúp khiến họ không còn lo sợ.
Ba là bảo vệ cho người sợ bị mất đồ vật, khiến họ dứt hết lo sợ. Người cứu mạng sinh trong Cõi Trời người được quả báo thọ mạng lâu dài. Người bảo vệ của cải cho người sinh ra liền giàu có, của cải của họ không bị các thứ giặc, Vua, nước, lửa cướp đoạt, hủy hoại.
Nếu làm Vua hoặc đại thần, do nghiệp ấy, có oai lực lớn, có tiếng tăm lớn. Người này thường sinh ở nơi giàu có. Người cứu vợ con của người, sinh trong loài người khéo được vợ con giúp đỡ, lúc ở trên Cõi Trời bị thoái đọa, Thiên Nữ không lìa bỏ. Đó là ba loại bố thí vô úy.
Thế nào là pháp thí?
Bố thí pháp có hai loại: Một là bố thí pháp thế gian, hai là bố thí pháp xuất thế gian. Bố thí pháp thế gian là đem kiến thức về bốn Thiền của thế gian để bố thí, ở trong Cõi Trời, người thọ dục lạc của thế gian. Người này sinh trong hàng Trời, người liền sinh tà kiến.
Người bố thí pháp xuất thế gian, do không sân hận sinh trong hàng Trời, người, sinh vào cõi dục, hoặc sinh nơi cõi sắc. Nếu sinh cõi dục, tùy theo nguyện sinh ở một trăm chín mươi tám cõi nước. Nếu sinh ở cõi sắc liền được giải thoát. Do quả báo thù thắng, do trí tuệ lớn, do chỗ nương tựa thù thắng, liền được giải thoát. Sinh nơi cõi Tịnh Cư.
Nếu nhờ nguyện lực, làm Chuyển Luân Vương, làm chủ bốn cõi, có kim luân làm bằng mười bốn loại châu báu là bảy báu và bảy báu tương tợ. Do nguyện lực lành, dứt sạch các lậu hoặc, đắc đạo Duyên Giác.
Do nguyện lực thù thắng ắt thành Như Lai, Ứng Cúng Chánh Biến Tri, Minh Hạnh Túc, Thiện Thệ, Thế Gian Giải, Vô Thượng Sĩ, Điều Ngự Trượng Phu, Thiên Nhân Sư, Phật, Thế Tôn. Do bố thí pháp, là nhân duyên thù thắng, nơi ba loại thí này, Thiên Chúng các ông không có cái nào.
Do ý nghĩa như vậy, con người là thù thắng. Cõi Trời là cõi quả báo, cõi người là cõi của nghiệp. Nghiệp là nhân, duyên là quả. Như vậy, loài người là nhân duyên sinh trong Chư Thiên, do nghiệp quả thù thắng. Người thù thắng như vậy, Chư Thiên cũng không bằng.
Lại nữa, về phần nghiệp, nếu người sinh Thiên chưa từng bố thí, chỉ nhờ trì giới mà được sinh Thiên thì chỉ có đầy đủ một loại công đức. Công đức năm dục kém hơn các vị Thiên khác. Do nhân duyên của nghiệp chứng tỏ con người hơn Chư Thiên.
Vào lúc ấy, Phật Tỳ Bà Thi nói kệ:
Con người bố thí rồi
Liền sinh vào đường lành
Thiên không thể bố thí
Vì đó là kết quả.
Con người là nghiệp nhân
Kết quả là sinh Thiên
Tất cả do nhân quả
Không nhân thì không quả.
Niệm niệm mãi không dừng
Chuyển rồi không trở lại
Khi nghiệp quả sắp hết
Phải nên làm phước đức.
Tất cả tâm lực ấy
Hay khiến mạng lưu chuyển
Cho nên người có trí
Không vì mình làm ác.
Nên không còn phải sợ
Các khổ trong vị lai
Người khổ não như vậy
Do dây si trói buộc.
Báu bố thí giữ giới
Ai có được trong tâm
Sinh vào Trời, vào người
Hoặc đến con đường lành.
Hữu vi sinh trụ diệt
Đều là do vô thường
Những cái vui hữu vi
Cũng vô thường như vậy.
Tuy hoại mà sinh tham
Niệm niệm động không dừng
Thích sống cũng như thế
Vì vậy nên xả ly.
Pháp như vậy, tất cả pháp hữu vi đều vô thường, khổ, không, vô ngã. Tất cả thế gian có vô lượng khổ não, đầy khắp mọi nơi, có năm loại trói buộc, trói buộc hàng Trời, người, khiến cho ngu si mù tối, ái dục hủy hoại, tâm chỉ ham ưa tham dục. Tất cả ngu si trói chặt phàm phu, luyến ái ràng buộc lẫn nhau như chim ở trong lồng. Tất cả hàng Trời, người trôi lăn thường xuyên trong đường sinh tử.
Do nghĩa ấy, hoặc người hoặc Trời, hoặc sống hoặc vui, đừng sinh trưởng thường còn, mà đối với tất cả các pháp ở thế gian không sinh tưởng thường còn, không làm vô lượng sự phân biệt, lại thực hành đầy đủ mười hai loại bố thí. Bố thí như vậy trong Chư Thiên không có, chỉ loài người mới có. Chư Thiên chỉ hưởng quả. Nếu hưởng hết sẽ mục rã, hư hoại, thoái đọa không còn ở Cõi Trời.
***
Phật Thuyết Kinh đại Bát Nhã Ba La Mật đa - Hội Thứ Năm - Phẩm Mười Bảy - Phẩm Tham Hành - Phần Hai
Phật Thuyết Kinh đại Bát Nhã Ba La Mật đa - Hội Thứ Ba - Phẩm Ba Mươi Mốt - Phẩm Tuyên Hóa - Phần Ba
Phật Thuyết Kinh Hiền Giả Ngũ Phước đức
Phật Thuyết Kinh Tạp A Hàm - Kinh Già ý
Phật Thuyết Kinh Nói Về Cây Chiên đàn
Phật Thuyết Kinh đại Bát Nhã Ba La Mật đa - Hội đầu - Phẩm Bốn Mươi Mốt - Phẩm Phật Mẫu - Phần Một
Phật Thuyết Kinh Ngũ Thiên Ngũ Bách Phật Danh Thần Chú Trừ Chướng Diệt Tội - Phần Mười Ba