Phật Thuyết Kinh đại Bát Niết Bàn - Phẩm Hai Mươi - Phẩm Phạm Hạnh - Phần Chín

Kinh Đại thừa   •   Thứ hai, 25/12/2023, 22:18 PM

Hán dịch: Ngài Tam Tạng Pháp Sư Đàm Vô Sấm, Đời Bắc Lương

 PHẬT THUYẾT

KINH ĐẠI BÁT NIẾT BÀN

Hán dịch: Ngài Tam Tạng Pháp Sư

Đàm Vô Sấm, Đời Bắc Lương  

PHẨM HAI MƯƠI

PHẨM PHẠM HẠNH  

PHẦN CHÍN  

Này Kỳ Bà! Nay ta mang bệnh nặng này chính vì ta nghịch lại Vua cha. Cha ta trị nước đúng pháp thật không tội lỗi mà ta lại giết hại. Vì thế nên tất cả lương y diệu dược chú thuật đều không thể trị lành bệnh ta. Lòng ta khổ sở như cá mắc cạn, như nai mắc bẩy v.v…

Ta từng nghe người trí bảo rằng người phạm tội nghịch ắt đọa địa ngục. Ta làm sao ngủ yên ổn được. Lại không bậc vô thượng đại y sĩ dùng pháp dược để dứt trừ bệnh khổ cho ta.

Kỳ Bà tâu cùng Vua: Lành thay! Lành thay! Vua dầu tạo tội nhưng có lòng ăn năn hổ thẹn.

Tâu Đại Vương! Chư Phật thường nói rằng có hai pháp lành có thể cứu chúng sanh. Một là tàm, hai là quý. Tàm là tự chẳng phạm tội. quý là chẳng bảo người phạm. Tàm là trong lòng tự hổ thẹn.

Quí là đối người Phát lồ. Tàm là hổ cùng người. Quý là thẹn với trời. Kẻ không tàm, quý thời chẳng gọi là người, nên gọi là súc sanh. Vì có tàm quý thời có thể cung kính cha mẹ Sư Trưởng. Người có tàm quý thời gọi là có cha mẹ anh em chị em.

Lành thay! Đại Vương có lòng tàm quý. Xin Đại Vương nghe hạ thần trình bày.

Hạ thần từng nghe Đức Phật nói:

Có hai hạng người trí: Một là người chẳng tạo điều ác, hai là tạo điều ác rồi biết sám hối.

Cùng có hai hạng nguời ngu: Một là người tạo tội, hai là người tạo tội rồi che giấu.

Dầu trước tạo tội lúc sau phát lồ ăn năn hổ thẹn chẳng dám tái phạm, như đem Minh Châu để trong nước đục, do thế lực của Minh Châu nước liền trong. Như khói mây tan thời mặt trăng chói sáng. Người tạo tội ác có thể sám hối cũng như vậy.

Đại Vương nếu sám hối có lòng tàm quý thời tội chướng sẽ trừ diệt, trong sạch như xưa.

Tâu Đại Vương! Giàu có hai hạng: Một là nhiều voi ngựa, lục súc. Hai là nhiều vàng bạc các thứ châu báu. Voi ngựa nhiều chẳng sánh được một hột châu.

Cũng vậy, chúng sanh có hai hạng giàu: Một là giàu điều ác, hai là giàu điều lành.

Tạo nhiều điều ác chẳng bằng một điều lành. Hạ thần nghe Phật nói tu một tâm lành phá tâm điều ác. Như chút Kim Cang có thể hoại núi Tu Di.

Cũng như chút lửa có thể đốt cháy tất cả. Như chút thuốc độc có thể hại chúng sanh. Cũng vậy, chút ít điều lành có thể phá nghiệp ác lớn. Dầu gọi là chút lành nhưng kỳ thật là lớn, vì phá được nghiệp ác lớn.

Tâu Đại Vương! Như lời Phật nói che dấu là hữu lậu, chẳng che dấu là vô lậu. Phát lồ sám hối tội lỗi thời là vô lậu. Nếu tạo tội mà chẳng che chẳng dấu thời tội mỏng ít. Nếu có lòng tàm quý thời tội tiêu diệt. Giọt nước dầu nhỏ nhưng lần đầy lu lớn.

Cũng vậy, mỗi mỗi tâm lành có thể phá điều ác lớn. Nếu người che dấu tội lỗi thời tội lỗi thêm lớn, còn phát lồ hổ thẹn thời tội lỗi tiêu diệt. Vì thế nên Chư Phật nói người có trí chẳng che dấu tội lỗi.

Lành thay! Đại Vương có thể tin nhân quả tin nghiệp báo. Xin Đại Vương chớ ôm lòng sầu khổ sợ sệt. Nếu có chúng sanh tạo các tội ác rồi che dấu chẳng sám hối, không lòng hổ thẹn, chẳng thấy nhân quả cùng nghiệp báo, chẳng thể học hỏi nơi người trí, chẳng gần bạn lành, tất cả lương y không thể trị lành bệnh người này, như bệnh Ca Ma La, y sĩ trong đời đều khoanh tay.

Người tội này gọi là Nhất Xiển Đề chẳng tin nhân quả, không biết hổ thẹn, chẳng tin nghiệp báo, chẳng thấy hiện tại cùng vị lai, chẳng gần bạn lành, chẳng thuận theo lời dạy của Phật, Chư Phật Thế Tôn không thể chữa trị bệnh này. Như tử thi, y sĩ chẳng chữa được.

Nay Đại Vương chẳng phải hạng Nhất Xiển Đề, sao lại nói rằng không thể cứu lành. Như lời Đại Vương nói không người nào chữa trị được.

Xin Đại Vương nên biết rằng: Con Vua Tịnh Phan ở thành CA tỳ La họ Cù Đàm tên Tất Đạt Đa, tự giác ngộ thành bậc Vô Thượng, Chánh Giác, thân trang nghiêm đủ ba mươi hai tướng tốt, tám mươi vẻ đẹp, đầy đủ mười trí lực, bốn vô sở úy, thấy tất cả, đại từ đại bi thương xót chúng sanh như La Hầu La.

Tùy thuận chúng sanh như nghé theo trâu mẹ, thuyết pháp đúng thời, lời Phật chân thiệt, thanh tịnh, vi diệu, đúng nghĩa đúng pháp, duy nhất, có thể làm cho chúng sanh lìa hẳn phiền não khéo biết căn tánh của chúng sanh, tùy nghi phương tiện không gì chẳng thông đạt.

Trí của Phật cao lớn như núi Tu Di, thâm thúy rộng xa như biển cả. Đức Phật có trí Kim Cang phá tất cả tội ác của chúng sanh. Đức Phật cách đây mười hai do tuần trong rừng Ta La Song Thọ nơi thành Câu Thi Na, đương vì vô lượng vô số Bồ Tát đại chúng mà thuyết pháp.

Nếu Đại Vương được nghe Phật dạy về nghĩa vô tác, vô thọ thời bao nhiêu trọng tội sẽ được tiêu trừ.

Xưa kia Thích Đề Hoàn Nhân lúc sắp chết có năm tướng hiện: Một là áo xiêm nhơ nhớp, hai là hoa trên đầu héo, ba là thân thể hôi dơ, bốn là dưới nách ra mồ hôi, năm là chẳng thích chỗ mình ở. Lúc đó Thiên Đế Thích, hoặc nơi chỗ vắng vẻ thấy Sa Môn, hoặc thấy Bà La Môn, liền đi đến kính ngưỡng như Phật.

Các Sa Môn cùng Bà La Môn thấy Thiên Đế Thích đến rất vui mừng nói rằng: Thưa Thiên Chúa! Nay tôi quy y với ngài.

Thiên Đế biết chẳng phải Phật, nghĩ rằng: Người đó nếu không phải là Phật thời không thể chửa trị năm tướng suy của ta.

Thiên tử theo hầu tên Bát Giá Thi tâu cùng Thiên Đế: Vua Càn Thát Bà tên Đôn Phù Lâu có công chúa hiệu là Tu Bạt Đà, Thiên Vương nếu ban công chúa này cho hạ thần, hạ thần sẽ chỉ người có thể trừ tướng suy cho Thiên Vương.

Thiên Đế đáp rằng: Này Thiên Tử! Nếu được như lời khanh vừa tâu, công chúa Xá Chỉ, con gái của Vua A Tu LA tỳ Ma Chất Đa hiện ta đương kính ái, nếu khanh muốn ta cũng sẽ ban cho, huống là công chúa Tu Bạt Đà.

Tâu Thiên Vương, hiện tại có Đức Phật Thế Tôn hiệu Thích Ca Mâu Ni đương ở thành Vương Xá, Thiên Vương nếu đến cầu pháp nơi Phật thời tướng suy chắc chắn sẽ trừ diệt. Thiên Đế liền khiến xa giá đến núi Kỳ Xà Quật.

Thiên Đế đầu mặt đảnh lễ chân Phật, rồi ngồi qua một bên bạch cùng Phật rằng: Thế Tôn! Trong hàng Thiên Nhân những gì là trói buộc?

Phật nói: Này Kiều Thi Ca! Chính là xan tham và tật đố.

Bạch Thế Tôn! Xan tham tật đố nhân đâu mà sanh?

Do vô minh mà sanh.

Bạch Thế Tôn! Vô minh lại do đâu mà sanh?

Do phóng dật mà sanh.

Bạch Thế Tôn! Phóng dật lại do đâu mà sanh?

Do điên đảo mà sanh.

Bạch Thế Tôn! Điên đảo lại do đâu mà sanh?

Do lòng nghi mà sanh.

Bạch Thế Tôn! Đúng như lời Phật dạy, vì tâm tôi nghi nên sanh điên đảo, đối với người chẳng phải Phật mà tưởng là Phật. Giờ đây tôi được thấy Thế Tôn, lưới nghi của tôi liền trừ. Vì lưới nghi trừ nên điên đảo cũng hết. Vì điên đảo hết nên không có tâm xan tham tâm tật đố.

Phật nói: Ông nói rằng không có tâm xan tham tật đố, thời ông đã đặng quả A Na Hàm chăng?

Bậc A Na Hàm không có tâm tham. Nếu không tâm tham sao lại vì mạng sống mà tìm đến ta. Mà bậc A Na Hàm thật chẳng cầu sống.

Bạch Thế Tôn! Người có điên đảo thời có cầu mạng sống, người không điên đảo thời chẳng cầu mạng sống. Nay tôi thật chẳng cầu mạng sống, tôi chỉ cầu pháp thân cùng trí huệ của Phật.

Này Kiều Thi Ca! Người cầu pháp thân cùng trí huệ của Phật, thời tương lai quyết định sẽ được. Nghe lời Phật nói xong năm tướng suy của Thiên Đế liền tiêu diệt.

Thiên Đế đứng dậy đảnh lễ rồi đi nhiễu Phật ba vòng chắp tay cung kính bạch Phật: Thế Tôn! Nay tôi sắp chết được sống, sắp mất mạng được mạng, lại được Phật thọ ký sẽ thành Vô Thượng, Chánh Giác.

Bạch Thế Tôn! Tất cả nhân thiên thế nào được tăng ích?

Lại do nhân duyên gì mà phải tổn giảm?

Này Kiều Thi Ca do đấu tránh nên nhân duyên tổn giảm. Khéo tu hòa kính thời đặng tăng ích.

Bạch Thế Tôn! Nếu do đấu tránh mà tổn giảm, từ nay trở đi tôi chẳng cùng A tu la đánh nhau nữa.

Lành thay! Lành thay! Này Kiều Thi Ca Chư Phật Thế Tôn đều nói hạnh nhẫn nhục là nhân vô thượng bồ đề.

Thích Đề Hoàn Nhân lễ tạ Phật trở về Thiên Cung. Tâu Đại Vương vì Đức Như Lai có thể trừ những tướng ác, nên gọi Phật là chẳng thể nghĩ bàn. Nếu Đại Vương ra mắt Phật chắc chắn sẽ trừ được trọng tội.

Ngày trước thanh niên dòng Bà La Môn, tên là Bất Hại, vì giết hại nhiều người nên hiệu là Ương Quật Ma La. Thanh niên này lại muốn hại mẹ, lúc tâm ác nổi lên cầm gươm tìm mẹ, vì thân tâm ác nên thành nhân tội nghịch, tất phải đọa địa ngục. Lát sau thấy Phật thân tâm khởi ác muốn hại Phật, đây cũng là nhân tội nghịch sẽ đọa địa ngục.

Thanh niên này được Đức Như Lai giáo hoá, tâm ác liền trừ, nghiệp nhân địa ngục tiêu diệt, phát tâm vô thượng bồ đề. Vì thế nên Đức Phật hiệu là Y Vương Vô Thượng, chẳng phải như hàng lục sư ngoại đạo kia.

Tâu Đại Vương lại có Vương Tử Tu Tỳ La, Vua cha giận chặt cả tay chân xô xuống giếng sâu. Vương mẫu thấy xót thương sai người đem Vương Tử đến trước Phật. Lúc Vương Tử thấy Phật, tay chân đầy đủ lại như cũ, liền phát tâm vô thượng bồ đề.

Vì Vương Tử được thấy Phật nên đặng quả báo hiện tại. Do đây nên Đức Phật hiệu là Y Vương Vô Thượng, chẳng phải như hàng lục sư ngoại đạo.

Tâu Đại Vương ngày trước trên bờ Sông Hằng có năm trăm ngạ quỷ đã nhiều năm chẳng thấy nước, chẳng được uống, dầu họ đến bên sông nhưng họ thấy thuần là lửa, vì quá đói khát nên họ kêu la than khóc. Lúc đó Đức Như Lai ngồi dưới bóng cây ở rừng Uất Đàm Bát cạnh bờ sông.

Các ngạ quỷ đến bạch Phật: Thế Tôn! Chúng tôi đói khát sắp chết đến nơi.

Phật nói: Sao các người chẳng uống nước sông Hằng?

Các ngạ quỷ thưa: Đức Như Lai thấy nước còn chúng tôi thấy là lửa.

Phật nói: Trong Sông Hằng tòan nước trong mát thật chẳng phải lửa. Vì nghiệp ác nên các người sanh tâm điên đảo cho là lửa. Phật sẽ trừ tâm điên đảo cho các người, để các người thấy được nước. Như Lai liền vì các ngạ quỷ giảng nói tội lỗi của tâm xan tham.

Các ngạ quỷ thưa: Nay chúng tôi đang đói khát, dầu nghe lời thuyết pháp nhưng đều chẳng nhập tâm.

Phật nói: Các người nếu đói khát có thể vào Sông Hằng tha hồ uống đó. Nhờ công đức của Phật các ngạ quỷ uống đặng nước. Uống nước xong họ trở về chỗ Phật ngồi. Đức Như Lai vì họ thuyết pháp, tất cả đều phát tâm vô thượng bồ đề. Lúc đó năm trăm ngạ quỷ đều đặng sanh lên Cõi Trời.

Do cớ đây nên Đức Phật hiệu là Y Vương Vô Thượng, chẳng như hàng lục sư ngoại đạo.

Tâu Đại Vương! Nước Xá Bà Đề có đảng cướp năm trăm người, bi Vua Ba Tư Nặc bắt được khoét cả đôi mắt bỏ trong rừng sâu. Đảng cướp khổ sở khóc than tưởng niệm đến Phật.

Đức Phật xót thương hiện thân trước đảng cướp khuyên bảo rằng: Các người phải khéo giữ gìn nhân khẩu, chớ gây tạo nghiệp ác nữa. Đảng cướp nghe tiếng Phật dịu dàng trong trẻo, đôi mắt sáng trở lại.

Đồng chắp tay đảnh lễ Phật bạch rằng: Thế Tôn! Nay chúng tôi biết rõ Phật có lòng đại từ che chở tất cả chúng sanh, chẳng phải riêng là nhân thiên. Đức Như Lai vì họ thuyết pháp tất cả đều được phát tâm vô thượng bồ đề. Do đây nên Đức Như Lai thật là lương y vô thượng trong thế gian, chẳng phải như hàng lục sư ngoại đạo.

Tâu Đại Vương! Nước Xá Bà Đề có người Chiên Đà La tên là Khí Hứ giết hại nhiều mạng người, gặp được đệ tử của Phật là Ngài Ma Ha Mục Kiền Liên, liền phá được nhân địa ngục sanh lên Cõi Trời Đao Lợi. Vì có hàng Thánh đệ tử như vậy nên Đức Như Lai hiệu là Y Vương Vô Thượng chẳng phải như hàng lục sư ngoại đạo.

Tâu Đại Vương thành Ba La Nại có trưởng giả tử tên là A Dật Đa, dâm bà mẹ, giết chết ông cha. Bà mẹ lại tư thông với người khác, trưởng giả tử bèn lại giết mẹ. Có vị A La Hán là thân hữu của nhà này. Vì hổ thẹn nên trưởng giả tử lại giết A La Hán.

Sau đó trưởng giả tử đến Kỳ Hoàn Tinh Xá cầu xuất gia. Các Tỳ Kheo rõ biết người này phạm ba tội nghịch, nên không vị nào dám nhận. Trưởng giả tử oán gận, giữa đêm phóng lửa đốt phòng của Chư Tăng, giết hại nhiều người vô tội.

Lúc sau đó trưởng giả tử qua thành Vương Xá cầu xin Đức Như Lai cho xuất gia. Đức Như Lai liền nhận lời rồi giảng nói pháp yếu khiến tội nghịch nặng lần lần giảm nhẹ, trưởng giả tử phát tâm vô thượng bồ đề. Do đây nên Đức Phật hiệu là Y Vương Vô Thượng.

Đại Vương bổn tánh bạo ác nghe lời người ác là Đề Bà Đạt Đa, thả voi say để chà Phật, voi thấy Phật liền tỉnh ngộ, Phật lấy tay xoa đầu voi, nói pháp yếu voi phát tâm vô thượng bồ đề.

Tâu Đại Vương! Súc sanh thấy Phật còn phá được nghiệp quả súc sanh, huống là loài người ư! Đại Vương nếu gặp được Phật, bao nhiêu trọng tội tất sẽ tiêu trừ. Đức Thế Tôn lúc chưa thành vô thượng bồ đề, Ma Vương dẫn vô lượng quyến thuộc đến chỗ Bồ Tát ngồi, Bồ Tát dùng sức nhẫn nhục phá tan ác tâm của ma, làm cho ma thọ pháp phát tâm vô thượng bồ đề.

Tâu Đại Vương có Khoáng Dã quỷ giết hại nhiều người. Vì cứu Thiện Hiền Trưởng Giả, Đức Như Lai đến thôn Khoáng Dã hiện thân thuyết pháp, Khoáng Dã quỷ nghe pháp vui mừng, bèn đem Thiện Hiền trưởng giả trao cho Như Lai, rồi sau bèn phát tâm vô thượng bồ đề.

Tâu Đại Vương Nước Ba La Nại có người hàng thịt tên là Quảng Ngạch, mỗi ngày giết hại cả trăm ngàn con dê, gặp Ngài Xá Lợi Phất liền thọ Bát Quan Trai một ngày một đêm. Nhờ công đức này, sau khi chết Quảng Ngạch sanh là con trai củA tỳ Sa Môn Thiên Vương. Đệ tử của Đức Như Lai còn có công đức lớn như vậy huống là Phật.

Tâu Đại Vương Thành Tế Thạch ở bắc Thiên Trúc, có Vua Long ẩn vì tham ngôi Vua mà giết hại Vua cha, về sau sanh lòng ăn năn bỏ nước đến xin Đức Phật xuất gia, làm Tỳ Kheo, tội nặng tiêu diệt phát tâm vô thượng bồ đề. Đức Phật có vô lượng vô biên công đức như vậy.

Tâu Đại Vương! Phật có một người em họ là Đề Bà Đạt Đa, ông này phá tăng, làm thân Phật chảy máu, giết chết A La Hán Liên HoA tỳ Kheo Ni, phạm cả ba tội nghịch, đưc Như Lai vì ông giảng nói pháp yếu làm cho tội nghịch nặng của ông được giảm nhẹ, nên Đức Như Lai là Y Vương Vô Thượng chẳng phải như hàng lục sư ngoại đạo.

Đại Vương nếu có thể tin lời của hạ thần xin Đại Vương mau đến Đức Như Lai. Nếu Đại Vương chưa tin, hạ thần cũng mong Đại Vương suy nghĩ kỹ lại.

Tâu Đại Vương! Chư Phật có lòng đại bi che chở tất cả, chẳng hạn cuộc nơi một người. Chánh pháp của Phật rộng rãi, bao gồm chẳng sót với kẻ oán người thân Phật xem bình đẳng lòng không ghét không yêu.

Đức Như Lai chẳng phải là thầy riêng của bốn bộ chúng, mà là thầy của tất cả Trời, Người, Rồng, Thần, địa ngục, súc sanh, ngạ quỷ.

Tất cả chúng sanh cũng nên xem Phật như cha mẹ. Đức Như Lai chẳng riêng vì người sang giàu như Vua Bạt Đề Ca mà thuyết pháp, cũng thuyết pháp cho cả người hạ tiện như U Ba Ly. Chẳng riêng thọ xứ cúng dàng của trưởng giả tu Đạt Đa, Trưởng Giả A Na Bân Kỳ mà cũng nhận lấy đồ ăn của người nghèo.

Đức Phật chẳng riêng vì hạng trí huệ như Ngài Xá Lợi Phất mà thuyết pháp, cũng giáo hóa cả người ngu tối như Châu Lợi Bàn đặc.

Đức Như Lai chẳng riêng cho người tánh không tham như Ngài Ca Diếp xuất gia mà cũng cho cả người rất tham như Bàn Đà xuất gia, Đức Phật chẳng riêng cho người ít phiền não như Ưu Lâu Tần Loa Ca Diếp xuất gia mà cũng cho người phiền não sâu nặng tạo trọng tội như ông Tu Đà Da em Vua Ba Tư Nặc xuất gia.

Đức Phật chẳng vì ông Tá Thảo cung kính cúng dàng mà nhổ từ gốc sân hận cho ông ấy cũng độ cả kẻ ác tâm muốn làm hại là Ương Quật Ma La.

Chẳng riêng độ người xuất gia làm cho chứng đặng bốn Thánh Quả, cũng làm cho hàng tại gia chứng đặng ba Thánh Quả, Đức Như Lai chẳng riêng vì người nhàn tịch như ông Phú Đa La mà thuyết pháp, cũng giảng thuyết cho Vua Tần Bà Ta La bận rộn việc nước.

Người nghiền rượu như ông Út Già Trưởng Giả Phật cũng giáo hóa chớ chẳng phải riêng vì những người kiêng rượu.

Đức Phật cũng giáo hóa nàng Bà Tư Tra là người mẹ cuồng tâm vì con chết, chớ chẳng phải riêng thuyết pháp cho bậc nhập thiền định như Ly Bà Đa.

Đức Phật chẳng riêng vì đệ tử của mình mà cũng thuyết pháp cho hàng ngoại đạo Ni Kiền Tử. Phật cũng giáo hóa cho người già suy tám mươi tuổi, cũng như với hạng trai trẻ hai mươi lăm. Người căn lành chưa thuần thục, cũng được Phật Giáo hóa như người đã thuần thục, Phật thuyết pháp cho người dâm nữ Liên Hoa cũng như vì Mạt Lợi phu nhân.

Phật nhận món ăn độc của trưởng giả thi Lợi Cúc Đa như lãnh thực phẩm thượng soạn của Vua Ba Tư Nặc.

Tâu Đại Vương trưởng giả thi Lợi Cúc Đa trước kia cũng tạo tội nghịch, nhờ đến Phật nghe thuyết pháp bèn phát tâm vô thượng bồ đề.

Giả sử trong một tháng thường đem y phục vật thực cung kính cúng dường cho tất cả chúng sanh, chẳng bằng người niệm Phật khoảng một niệm.

Giả sử đúc vàng làm người, xe ngựa chở đầy châu báu đến số trăm dùng để bố thí, chẳng bằng người phát tâm muốn đến Phật dở chân bước một bước.

Giả sử dùng trăm xe voi chở các thứ trân bảo của nước Đại Tần, cùng trăm người nữ nước ấy thân đeo đầy chuỗi ngọc dùng để bố thí, vẫn không bằng bước một bước hướng đến Phật.

Cho đến giả sử Đại Vương cung kính cúng dường hàng hà sa vô lượng chúng sanh, chẳng bằng một lần đến rừng Long Thọ thành tâm nghe Đức Như Lai thuyết pháp.

Vua A Xà Thế bảo rằng: Này Kỳ Bà Đức Như Lai tâm tánh đã điều nhu, thời quyến thuộc phải là người điều nhu, như rừng Chiên Đàn thời thuần cây Chiên Đàn, Đức Như Lai thanh tịnh quyến thuộc của Ngài cũng thanh tịnh, như Rồng thời thuần dùng Rồng làm quyến thuộc.

Đức Như Lai tịch tịnh không tham không phiền não, quyến thuộc của Ngài cũng không phiền não. Nay ta là người cực ác, thân thể hôi nhơ, thuộc hạng địa ngục, đâu đáng là người đến chỗ Đức Như Lai.

Giả sử ta có qua, e rằng Đức Như Lai chẳng đoái tới. Khanh dầu khuyên ta, nhưng ta xấu hổ sợ sệt không có lòng muốn đi.

Vua A Xà Thế nói vừa dứt, trên không bỗng có tiếng rằng: Phật Pháp vô thượng sắp suy mất, dòng sông pháp rộng sâu sắp cạn, đèn sáng đại pháp sắp tắt, núi pháp sắp lở, thuyền pháp sắp chìm, cầu pháp sắp hư, điện pháp sắp đổ, tràng pháp sắp ngã, cây pháp sắp gãy, bạn lành sắp đi, sự khủng bố sắp đến, chúng sanh sắp đói khát, bệnh dịch phiến não sắp lưu hành, sự tối tăm sắp đến, Ma Vương vui mừng cởi mở giáp trụ, mặt trời Phật sắp lặn nơi núi Đại Niết Bàn. Phật nếu diệt độ tội nghịch trọng của Đại Vương không còn ai trị được.

Nay Đại Vương đã tạo tội nghiệp A tỳ địa ngục, đã có tội nghiệp tất phải thọ báo.

Sao gọi là A tỳ địa ngục?

A là không, Tỳ là xen hở, tức là vô gián.

Người đọa trong đó luôn bị khổ không hở, một người tội thân lớn đầy khắp cả ngục tám muôn do tuần, nhiều người tội, thân mỗi người cũng đầy khắp cả ngục không chướng ngại nhau, do đây nên gọi là ngục Vô gián.

Trong địa ngục lạnh tạm thời có gió ấm nóng, trong địa ngục ấm nóng tạm thời có gió mát lạnh, địa ngục A tỳ toàn không có việc này.

Ngục A tỳ bốn phía có cửa, ngoài mỗi cửa đều có ngọn lửa rất mạnh cháy suốt cả bốn phương tám muôn do tuần, vách ngục bằng sắt, nền cũng bằng sắt, lưới phủ trùm ở trên lửa, dưới nền cháy suốt đến nóc ngục, lửa trên nóc cháy suốt đến nền ngục.

Người tội trong đó bị đốt cháy đau khổ như cá bị chiên trong chảo. Phạm một tội nghịch bị trọn sự khổ như vậy, nếu tạo hai tội nghịch, thời sự khổ gấp hai, nếu tạo đủ ngũ nghịch thời sự khổ gấp năm lần. Tôi biết chắc ác nghiệp của Đại Vương không thể thoát khỏi.

Mong Đại Vương mau đến gặp Phật, ngoài Phật ra không ai cứu Đại Vương được. Vì xót thương nên tôi có mấy lời khuyên Đại Vương.

Vua A Xà Thế trong lòng quá sợ, toàn thân run rẩy, ngước mặt lên hỏi rằng: Ngài là ai?

Sao chỉ nghe tiếng mà chẳng hiện thân?

Trên Hư Không có tiếng đáp: Tôi là Tần Bà Ta La, cha đẻ của Đại Vương. Nay Đại Vương phải nghe lời Kỳ Bà, chớ nghe lời tà kiến của sáu Đại Thần.

Nghe xong Vua A Xà Thế ngất xỉu trên đất, ghẻ nhọt thêm nhiều càng hôi nhơ hơn trước. Dầu ngự y đem thuốc đến thoa, nhưng ghẻ độc càng thêm nóng nhức.

Lúc bấy giờ Đức Thế Tôn ở trong rừng Song Thọ, Phật nhãn thấy Vua A Xà Thế ngất xỉu xuống đất, liền bảo đại chúng: Nay Phật sẽ vì Vua này ở lại đời đến vô lượng kiếp chẳng nhập Niết Bàn.

Ca Diếp Bồ Tát bạch Phật: Thế Tôn! Đức Như Lai nên vì vô lượng chúng sanh chẳng nhập Niết Bàn.

Cớ sao riêng vì Vua A Xà Thế?

Này thiện nam tử! Trong đại chúng đây không có một người nào cho rằng Phật quyết định sẽ nhập Niết Bàn. Vua A Xà Thế cho rằng Phật quyết định sẽ nhập Niết Bàn hẳn nên ngất xỉu.

Này thiện nam tử! Như Phật nói vì A Xà Thế chẳng nhập Niết Bàn ý nghĩa ấy rất sâu kín ông chưa hiểu được. Ta nói vì là vì tất cả phàm phu, A Xà Thế là khắp đến tất cả người tạo tội ngũ nghịch.

Lại: Vì chính là tất cả chúng sanh hữu vi. Ta trọn chẳng vì vô vi chúng sanh mà ở lại đời. Luận về vô vi thời chẳng phải là chúng sanh. A Xà Thế chính là người đầy đủ phiền não.

Lại Vì chính là chúng sanh chẳng thấy Phật Tánh. Nếu đã thấy Phật Tánh thời Phật trọn chẳng vì họ mà ở lâu nơi đời. Vì người thấy Phật Tánh thời chẳng phải là chúng sanh. A Xà Thế chính là tất cả người chưa phát tâm vô thượng bồ đề.

Lại vì là vì hai chúng Đại Ca Diếp và A Nan. A Xà Thế chính là phi hậu của nhà Vua và tất cả phụ nữ trong thành Vương Xá. Lại vì là nói Phật Tánh, A Xà là chẳng sanh thế là oán.

Bởi chẳng sanh Phật Tánh thời sanh phiền não oán thù. Vì sanh phiền não oán thù nên chẳng thấy Phật Tánh. Bởi chẳng sanh phiền não thời thấy được Phật Tánh. Do thấy Phật Tánh thời được an trụ Đại Niết Bàn. Đây gọi là bất sanh, đây gọi là vì A Xà Thế.

Này thiện nam tử! A Xà là chẳng sanh, chẳng sanh gọi là Niết Bàn. Thế là nói thế pháp. Vì nói là chẳng nhiễm ô. Bởi tám pháp trong đời chẳng ô nhiễm được, vô lượng vô biên vô số kiếp chẳng nhập Niết Bàn. Do đây nên Phật nói vì A Xà Thế vô lượng kiếp chẳng nhập Niết Bàn.

Này thiện nam tử! Lời nói sâu kín của Như Lai chẳng thể nghĩ bàn. Phật, Pháp, Tăng, Bồ Tát Ma Ha Tát đều chẳng thể nghĩ bàn. Kinh Đại Niết Bàn cũng chẳng thể nghĩ bàn.

Bây giờ Đức Thế Tôn vì Vua A Xà Thế mà nhập nguyệt ái tam muội, phóng ánh sáng lớn. Ánh sáng này mát mẻ chiếu đến thân Vua. Ghẻ lở trên thân liền lành, hết nóng hết nhức.

Vua bảo Kỳ Bà:

Ta từng nghe: Lúc sắp tận kiếp ba mặt trăng đồng hiện lên, do đó những khổ hoạn của chúng sanh đều trừ.

Nay chưa đến thời kỳ ấy, do đâu có ánh sáng mát mẻ chiếu đến thân ta làm cho thân ta được an ổn ghẻ lở đều lành?

Kỳ Bà tâu: Đây không phải là tận kiếp, không phải ánh sáng của ba mặt trăng, cũng chẳng phải ánh sáng mặt trời, tinh tú bảo châu, dược thảo cũng chẳng phải ánh sáng Chư Thiên.

Vua lại hỏi như vậy thời là ánh sáng của ai?

Tâu Đại Vương! Đây là ánh sáng của đấng Thiên Trung Thiên. Ánh sang này chẳng có ngằn mé, chẳng nóng, chẳng lạnh, chẳng thường, chẳng diệt, chẳng phải sắc cùng vô sắc, chẳng phải tướng cùng vô tướng, chẳng phải xanh, vàng, đỏ, trắng. Vì độ chúng sanh nên hiện ra có tướng có thể thấy. Dầu thấy được nhưng thiệt ra ánh sáng này vốn không tướng.

Vua nói: Này Kỳ Bà! Đấng Thiên Trung Thiên do nhân duyên gì mà phóng ánh sáng này?

Tâu Đại Vương! Nay tướng lành này chính là vì Đại Vương. Bởi vừa rồi Đại Vương nói trong đời không có lương y trị được thân bệnh, tâm bệnh của Đại Vương, nên Đức Thế Tôn phóng ánh sáng này, trước chữa lành bệnh nơi thân của Đại Vương, rồi sau sẽ trị bệnh nơi tâm.

Này Kỳ Bà Đức Như Lai cũng nghĩ tưởng đến ta ư?

Tâu Đại Vương! Ví như một người mà có bảy đứa con, một đứa bị bệnh, lòng cha mẹ săn sóc đứa con bệnh tật nhiều hơn. Cũng vậy, Đức Như Lai chẳng phải là không bình đẳng đối với chúng sanh, nhưng với người có tội thời lòng Phật thiên trọng.

Với kẻ phóng dật lòng Phật thương tưởng, người chẳng phóng dật thời Phật phóng xả. Người chẳng phóng dật là bậc đệ lục trụ Bồ Tát.

Chư Phật đối với chúng sanh, chẳng nhìn ngó đến dòng họ, già trẻ, giàu nghèo, năm tháng ngày giờ, nghề nghiệp khéo vụng, tôi tớ hèn hạ, chỉ ngó đến chúng sanh có tâm lành. Nếu người có tâm lành thời Phật thương tưởng.

Tâu Đại Vương! Đây chính là Đức Như Lai nhập nguyệt ái tam muội phóng ra ánh sáng ấy.

Nhà Vua hỏi: Sao gọi là nguyệt ái tam muội?

Kỳ Bà tâu:

Ví như ánh sáng mặt trăng có thể làm cho tất cả hoa sen sanh nở xòe, cũng vậy, nguyệt ái tam muội có thể làm cho tâm lành chúng sanh nở xòe.

Ví như ánh sáng mặt trăng có thể làm cho tất cả người đi đêm vui mừng, cũng vậy, nguyệt ái tam muội có thể làm cho người tu tập đạo Niết Bàn vui mừng.

Ví như ánh sáng mặt trăng từ đêm mùng một đến rằm, hình sắc ánh sáng lần lần thêm đầy đủ, cũng vậy, nguyệt ái tam muội làm cho người mới phát tâm những căn lành lần lần thêm lớn đầy đủ Đại Niết Bàn.

Ví như ánh sáng mặt trăng từ đêm mười sáu đến đêm ba mươi hình sắc ánh sáng lần lần giảm bớt, cũng vậy, nguyệt ái tam muội có thể làm cho phiền não lần lần tiêu diệt.

Ví như đang lúc nắng nóng, tất cả chúng sanh thường nghĩ đến ánh sáng mặt trăng, lúc trăng sáng đã soi thời liền hết nóng bức, cũng vậy nguyệt ái tam muội có thể làm cho chúng sanh trừ được phiền não nóng bức.

Ví như mặt trăng tròn là Vua trong các tinh tú, là cam lộ vị, tất cả chúng sanh đều ưa thích, cũng vậy, nguyệt ái tam muội là Vua trong các pháp lành, là Cam Lộ vị chúng sanh đều ưa thích.

Vua nói: Ta nghe Đức Như Lai chẳng cùng người ác ở chung đàm luận. Như biển lớn chẳng chứa tử thi. Như chim Oan Ương chẳng đậu nhà xí. Thiên Đế Thích Đề Hoàn Nhân chẳng ở chung với quỷ. Chim Cưu Súy La chẳng đậu cây khô.

Cũng vậy, ta đâu có thể gần được Đức Như Lai. Theo ta xét Đức Như Lai thà gần voi say, sư tử, cọp, sói, lửa hừng, trọn chẳng gần gũi nơi người tạo tội ác quá nặng. Vì vậy nên ta không lòng nào dám đến gặp Phật.

Kỳ Bà tâu: Ví như người khát nước thời gấp đến suối trong, người đói cầu vật thực, người kinh sợ cầu cứu, người bệnh tìm lương y, người nóng bức tìm bóng mát, người lạnh tìm lửa.

Nay Đại Vương cũng nên cầu Phật như vậy. Đức Như Lai còn vì hạng Nhất xiển đề mà thuyết pháp huống là Đại Vương chẳng phải Nhất xiển đề.

Vua nói: Này Kỳ Bà! Ta từng nghe Nhất Xiển Đề là kẻ chẳng tin, chẳng nghe, chẳng thể quán sát, chẳng hiểu đặng nghĩa lý, tại sao Đức Như Lai lại thuyết pháp cho họ?

Kỳ Bà tâu: Như có người mang bệnh nặng, đêm ngủ mơ thấy lên trên điện một cột, uống chất tợ dầu mỡ và lấy thoa nơi thân, nằm trên tro ăn tro, leo lên cây khô hoặc thấy cùng khỉ vượn làm bạn, chìm dưới nước, lún trong bùn, té rơi xuống điện lầu, hoặc thấy núi cao, rừng rậm, voi, ngựa, trâu, dê, thân mặc y phục xanh, vàng, đỏ, đen, vui cười ca múa.

Hoặc thấy kên kên, chồn, cáo, rụng răng, rụng tóc, trần truồng, gối đầu trên mình chó, nằm trên phẩn nhơ, hoặc thấy cùng người đã chết đi đứng nằm ngồi dắt tay ăn uống, đi trong đường đầy rắn độc, hoặc mơ thấy ôm ẵm người nữ trùm tóc, y phục bằng lá Đa La, ngồi xe lừa hư gãy qua hướng chánh Nam. Người này tỉnh dậy lòng buồn rầu bệnh nơi thân càng thêm. Vì bệnh thêm nên thân thuộc sai người mời y sĩ.

Người đi mời này lùn thấp tàn tật, đầu đầy bụi bặm, y phục rách nát, ngồi xe hư cũ, đến nói với y sĩ: Xin mau qua thăm bệnh.

Y sĩ tự nghĩ: Người đến mời này tướng mạo chẳng lành, bệnh chắc khó trị. Lại coi ngày, thấy nhằm ngày bệnh khó trị tức là ngày mùng bốn, mùng sáu, mùng tám, mười hai, mười bốn.

Lại coi sao cũng nhằm sao khó trị, tức là hỏa tinh, khuê tinh, mão tinh, Diêm La Tinh, thấp tinh, mãn tinh.

Lại coi nhằm mùa thu, mùa đông, giờ mặt trời lặn nửa đêm, giờ mặt trăng lặn, nhằm những giờ này bệnh cũng khó trị.

Y Sĩ lại nghĩ rằng: Dầu tất cả đều chẳng lành, nhưng xem người bệnh nếu có phước đức thời trị được, bằng không phước đức dầu lành tốt có ích gì! Y Sĩ liền cùng đi với người đến mời, giữa đường nghĩ rằng: Nếu người bệnh có tướng trường thọ thời trị được, nếu là tướng đoản thọ thời chẳng thể trị. 

Dọc đường thấy hai đứa trẻ đánh lộn, thấy người cầm lửa tự nhiên tắt, thấy có người đốn cây, lại thấy người kéo tấm da đi trên đường, lại thấy trên đường có vật bỏ rơi, hoặc thấy người xách thùng không, hoặc thấy Sa Môn đi một mình, lại thấy cọp, sói, chồn, kên kên.

Y Sĩ suy nghĩ từ người mời này đến ngày giờ thời tiết cùng những việc dọc đường đều là điềm bất tường, người bệnh chắc khó trị, nhưng nếu ta không đến thời chẳng phải Y Sĩ.

Dọc đường lại nghe có tiếng khóc than người chết, tiếng sụp, bể, gãy, tiếng té ngã. Lại nghe phương Nam có tiếng kên kên, có tiếng chim Xá Lợi, tiếng chó, tiếng chuột, tiếng chồn, tiếng thỏ, tiếng heo.

Y Sĩ tự nghĩ: Toàn là những điềm bệnh khó trị. Sau khi đến nhà, thấy người bệnh lúc lạnh lúc nóng, gân xương nhức, mắt đỏ lưu lệ, tiếng lỗ tai nghe đến ngoài, cổ họng nghẹn đau, trên lưỡi nức nở, sắc mặt đen tối, cất đầu không nổi, mình khô không mồ hôi, đại tiện tiểu tiện bế tắc, cả thân sưng phù đỏ hồng dị thường, giọng nói chẳng đều, bụng đầy, nói không rõ.

Y Sĩ xem xong hỏi người khán bệnh: Từ qua đến nay ý chí người bệnh thế nào?

Người khán bệnh nói: Thưa Y Sĩ! Người này trước kia vốn kính tin Tam Bảo, và Chư Thiên, nay bỗng đổi khác không còn tin. Trước kia ưa bố thí nay thời bỏn xẻn, trước kia ăn ít nay thời quá nhiều, tánh vốn hào tốt nay thời tệ ác. Tánh vốn nhân từ hiếu thuận, nay thời không cung kính cha mẹ.

Y Sĩ nghe xong đến ngửi người bệnh và rờ bóp trên thân, biết người bệnh quyết định sẽ chết, nhưng chẳng nói ra, bảo người khán bệnh rằng: Nay tôi có việc gấp ngày mai tôi sẽ trở lại, người bệnh cần dùng thứ gì cứ tha hồ chớ ngăn cản. Dặn xong Y Sĩ trở về nhà.

Rạng ngày người bệnh đến rước, Y Sĩ bảo rằng: Việc tôi chưa xong thuốc cũng chế chưa rồi.

Nếu là người trí, thấy cử chỉ của Y Sĩ thời biết rằng: Người bệnh ấy chắc chết.

*** 

icon

Tổng hợp

Cùng chủ đề

Phật Thuyết Kinh đại Bát Nhã Ba La Mật đa - Hội Thứ Ba - Phẩm Ba Mươi Mốt - Phẩm Tuyên Hóa - Phần Ba

Kinh Đại thừa   •   25.12.2023
Hán dịch: Ngài Tam Tạng Pháp Sư Cưu Ma La Thập, Đời Diêu Tần