Phật Thuyết Kinh đại Thừa Bảo Vân - Phẩm Năm - Phẩm An Lạc Hạnh - Tập Hai

Kinh Đại thừa   •   Thứ hai, 25/12/2023, 22:18 PM

Hán dịch: Ngài Tam Tạng Pháp Sư Mạn Đà La Tiên, Đời Lương

PHẬT THUYẾT

KINH ĐẠI THỪA BẢO VÂN

Hán dịch: Ngài Tam Tạng Pháp Sư

Mạn Đà La Tiên, Đời Lương  

PHẨM NĂM

PHẨM AN LẠC HẠNH  

TẬP HAI  

Này thiện nam! Đại Bồ Tát lại có mười pháp không trụ nơi cao thấp.

Những gì là mười?

Đó là:

1. Không theo tham dục, không theo sân hận, không theo ngu si. An ổn mà trụ. Đây gọi là không trụ nơi cao thấp.

2. Không trụ nơi oán hận.

3. Không trụ nơi ganh ghét.

4. Không trụ nơi keo kiệt.

5. Không trụ nơi kiêu mạn.

6. Không nêu bày công đức mình.

7. Không trụ chỗ cầu danh tiếng.

8. Không trụ nơi tham lợi dưỡng.

9. Không trụ nơi khinh chê người.

10. Không trụ nơi tự cao.

Thiện nam! Đó là Đại Bồ Tát đầy đủ mười pháp không trụ nơi cao thấp.

Này thiện nam! Đại Bồ Tát lại có đủ mười pháp hành khất đoàn thực.

Những gì là mười?

Đó là:

1. Phát tâm làm lợi ích chúng sinh.

2. Đi xin theo thứ lớp.

3. Không khát ái mong cầu.

4. Đã tự biết đủ.

5. Tánh ưa đem cho.

6. Không tưởng tham lam.

7. Tự biết hạn lượng trong việc khất thực.

8. Hướng đến trợ đạo.

9. Khéo léo nắm giữ thiện căn.

10. Lìa xa tưởng nắm giữ.

Thiện nam! Thế nào là Bồ Tát làm lợi ích cho chúng sinh, cho đến lìa xa tưởng nắm giữ?

Thiện nam! Đại Bồ Tát thấy các chúng sinh bần cùng khốn khổ, công đức mỏng manh, không trồng thiện căn, vì tạo lợi ích cho chúng sinh nên Bồ Tát đi khất thực.

Khi đi xin, hoặc vào thành ấp, hoặc vào làng xóm… phải khéo thâu tóm niệm, tâm tư duy thiện. Đối với các cảnh giới chớ để tâm giong ruổi, oai nghi rõ nét, các căn không động, thận trọng không phóng dật. Nhìn đất cách bảy thước, cúi đầu mà đi.

Đối với các pháp thiện chớ để tâm tán loạn. Dùng pháp như vậy mà đi xin theo thứ lớp. Không đưa tay ra dài, nên ôm bát tại ngực. Nếu vào nhà trưởng giả giàu sang, cũng không cầu nhiều, luôn biết lượng thọ thực, đầy đủ ngày ăn một lần. Chớ hại pháp sự.

Nếu chỗ có nhiều chó dữ, bò dữ, ngựa dữ, voi dữ, các loại cầm thú qua lại xúc não, hoặc nam hoặc nữ, hoặc nhỏ hoặc lớn… ác khẩu trêu chọc, hoặc cùng nhau hủy báng, chê bai, bàn luận phải trái…

những chỗ như vậy, Bồ Tát đều nên tránh xa.

Tu pháp đi xin, chớ khao khát tham cầu, chớ cưỡng bức mà cầu. Đối với các đàn việt, chớ khởi tâm ái luyến, cũng không sân hận. Không mong cầu món ngon, tùy nghi xin được, tự biết đủ ôm bát trở về. Về đến trú xứ, an trí y bát, rửa tay chân. Nếu thấy tượng Phật thì liền cung kính cúng dường, lễ bái, sau đó mới vào Chùa.

Đem vật khất thực ấy chia làm bốn phần: Một phần cho bạn đồng học, một phần cho người bần cùng, một phần cho súc sanh và một phần mình ăn. Sử dụng thức ăn như vậy, tâm không tham đắm, tâm không mong cầu, tùy nghi uống ăn chỉ để nuôi thân. Chớ ăn quá ít, chớ ăn quá nhiều. Ăn nhiều ít phải trù lượng biết đủ.

Vì sao?

Vì nếu ăn quá ít không thể hành đạo, nếu ăn quá nhiều thì thân nặng, mê ngủ, cũng chẳng thể học vấn, tọa thiền.

Xét người cầu đạo phải nên siệng năng chân chánh mà nghĩ rằng: Bê trễ, biếng nhác làm sao được pháp trợ đạo một cách viên mãn?

Nếu có khả năng tu tập pháp trợ đạo rồi thì không còn chấp ngã. Nếu không chấp ngã thì có khả năng tự cắt thịt mình cho chúng sinh ăn.

Thiện nam! Đó là Bồ Tát đầy đủ mười pháp hành khất đoàn thực.

Này thiện nam! Đại Bồ Tát lại có mười pháp nhất tọa thực.

Những gì là mười?

Đó là:

1. Bồ Tát ngồi nơi Bồ Đề Đạo Tràng, tất cả binh ma gây sự khủng bố nhưng vẫn an tọa bất động.

2. Nơi tòa xuất thế, Bồ Tát ngồi bất động.

3. Nơi tuệ xuất thế, Bồ Tát ngồi bất động.

4. Nơi trí xuất thế, Bồ Tát ngồi bất động.

5. Nơi tam muội không, Bồ Tát ngồi bất động.

6. Bồ Tát thông suốt các pháp mà ngồi bất động.

7. Nơi tám chánh đạo, Bồ Tát ngồi bất động.

8. Nơi chân thật tế, Bồ Tát ngồi bất động.

9. Nơi như như, Bồ Tát ngồi bất động.

10. Nơi nhất thiết trí, Bồ Tát ngồi bất động. Nói nhất tọa, đó là tọa pháp, cho nên gọi là nhất tọa thực.

Thiện nam! Đó là Bồ Tát đẩy đủ mười pháp nhất tọa thực.

Này thiện nam! Đại Bồ Tát lại có đủ mười pháp thọ trì không ăn lại.

Những gì là mười?

Đó là: Sau một bữa ăn, không mong chờ ăn nữa, không tham đắm, mời ăn cũng không ăn, đúng thời hay phi thời cũng không thọ lại.

Nếu như vì thân bệnh thì có thể dùng các loại thuốc như bơ, dầu, thạch mật, bạch mật, đường cát, rễ cây, trái cây… giả sử thấy người khác ăn cũng không sinh sân, cũng không tham luyến, cũng không thèm tiếc. Nếu sau giữa ngày, Bồ Tát không ăn mà bệnh khốn khổ, hoặc do bệnh mà sợ mất mạng, sợ bỏ hành đạo thì dùng tâm không nghi, xét biết thuốc này có khả năng trị bệnh, được phép thọ dụng.

Thiện nam! Đó là Bồ Tát đầy đủ mười pháp thọ trì không ăn lại.

Này thiện nam! Đại Bồ Tát lại có đủ mười pháp trụ nơi A Lan Nhã.

Những gì là mười?

Đó là:

1. Tu tập phạm hạnh đã lâu.

2. Thông hiểu Tỳ Ni.

3. Các căn không khuyết.

4. Hiểu biết rộng khắp.

5. Trì nghiệp giới đức.

6. Lìa sự chấp ngã.

7. Thâu giữ thân theo oai nghi ví như hươu nai.

8. Tu thân khinh nhàn.

9. Hướng đến tịch tĩnh.

10. Tâm không sầu não.

Thiện nam! Bồ Tát từ lâu tu tập phạm hạnh, cho đến tâm không sầu não như thế nào?

Thiện nam! Đại Bồ Tát từ khi xuất gia cho đến nay, đối với chánh pháp và luật luôn đầy đủ giới phẩm, ba luận thanh tịnh, thông hiểu pháp tướng, oai nghi gồm đủ, ra vào đúng thời.

Các loại đạo pháp thượng, trung, hạ Như Lai đã chỉ dạy, Bồ Tát đều thông đạt, không cầu nơi người khác, chẳng dời đổi lay động, chẳng chấp vào các pháp của tà luận, biết đủ tất cả, lìa xa những người sai phạm, cung kính chánh pháp, thường luôn sám hối, phát lồ sửa bỏ tất cả pháp ác.

Thông đạt và lìa xa tất cả nguyên nhân gây ra tội này. Cũng biết rõ nghiệp thượng, trung, hạ và quả báo thượng, trung, hạ. Nhờ tin hiểu nên dốc sức giữ gìn chánh pháp. Mắt, tai,… các căn đầy đủ, toàn thân không khiếm khuyết.

Trụ nơi A Lan Nhã, A nghĩa là không, Lan nhã nghĩa là tranh. Ở trong chốn núi rừng không tranh với thế gian.

Ở trong chốn núi rừng ấy không xúc não thế gian, không gần không xa thế gian, thuận tiện nơi khất thực. Trong núi rừng này có nước thanh tịnh, không có các nạn, dễ dàng tắm rửa, cây cối rợp mát, hoa quả tốt tươi, không có cầm thú dữ, tịnh thất bằng đá tự nhiên, không quá cao hiểm trở, bước lên không khó. Ở chốn thanh vắng tịch tĩnh, một mình không bạn.

Đọc tụng, tu tập những pháp đã từng nghe. Ngày đêm sáu thời nhớ nghĩ không quên, âm thanh đọc tụng không cao, không thấp, chớ phế bỏ. Điều phục các căn, chớ để duyên dựa giong ruổi. Nhiếp tâm tư duy, chớ sinh tán loạn, điềm nhiên tự vui, thọ trì Kinh Điển. Chú tâm một trong ba tướng tức là ngưng phát xả tán loạn chớ rơi vào trạng thái mê ngủ.

Hoặc giả có Quốc Vương, đại thần, trưởng giả và dân chúng cố đến tìm Bồ Tát, Bồ Tát nên nói: Lành thay! Lành thay! Nếu Đại Vương… đến trú xứ thì mời Đại Vương ngồi chỗ ngồi thích hợp. Nếu Vua ngồi thì hai người cùng ngồi. Nếu Vua không ngồi, mình chớ tự ngồi.

Nếu Vua xao động, nóng nảy, không ngồi chỗ thô xấu, Bồ Tát nên nói lời ái ngữ: Thưa Đại Vương! Nơi núi rừng này rất có lợi ích. Các Sa Môn đa văn, đạo đức, trì giới an trụ trong này, không lo không sợ, không có giặc cướp, trộm cắp. Nếu Quốc Vương này an ổn, tịch tĩnh có thể nghe pháp thì Bồ Tát nên nói pháp.

Nếu Vua không ưa nói rộng, phân biệt thì nên nói tóm lược tùy thuận xuất ly. Nếu Vua không ưa nghe pháp xuất ly thì nên tán thán công đức vô thượng của Đức Phật. Nếu các trưởng giả và dân chúng đến, Bồ Tát nên tùy theo căn cơ mỗi người mà nói pháp yếu, làm cho tất cả đều được sinh tâm tin pháp. Cũng khiến cho họ thọ trì tam quy, giới…khiến họ sinh tâm hoan hỷ, lợi tha.

Bồ Tát diệt trừ các ác và các phiền não phát sinh, tu tập đa văn, không chấp vào ngã. Do không chấp ngã nên trụ nơi núi rừng mà không buồn, không sợ, không khiếp nhược, không sinh lo lắng, hướng đến tịch tĩnh, lìa xa ồn ào, độc cư như nai, ít muốn, biết đủ.

Thiện nam! Bồ Tát ở núi không giống như nai sợ hãi chạy trốn, không giữ cái có thể mất. Nói như nai nghĩa là lìa xa thành phố, làng xóm, nhà cửa.

Bồ Tát nên nghĩ: Gần người ác thì có thể mất mạng.

Do vậy Bồ Tát nên lìa xa những tạp loạn, hoặc nam nữ, hoặc nhỏ, hoặc lớn và nghĩ: Gần gũi những người này ta sẽ mất đi những thiện căn đã tu tập từ lâu. Chớ sinh tán loạn, thường sinh tâm lo sợ như vậy, nên hướng đến nơi tịch tĩnh mà trụ.

Ở trong thế gian, Bồ Tát sinh tâm nhàm chán, trụ trong núi rừng chỉ thấy công đức, chỉ thấy tịch tĩnh, chỉ thấy cứu cánh, chỉ thấy an lạc, tâm không ưu sầu, tâm không mê buồn, không gần bạn ác. Ở trong núi không chướng ngại, công đức tịch tĩnh, thọ trì tu hành tất cả pháp thiện.

Thiện nam! Đó là Bồ Tát đầy đủ mười pháp trụ nơi A Lan Nhã.

Này thiện nam! Đại Bồ Tát lại cỏ đủ mười pháp sống nơi gốc cây.

Những gì là mười?

Đó là:

1. Nương ở dưới cây.

2. Cách làng xóm không gần không xa.

3. Chỗ không uế tạp.

4. Không có gai gốc, cỏ cây độc.

5. Cây không trụi lá.

6. Chẳng phải chỗ của khỉ, vượn, chỗ có tổ chim.

7. Chẳng phải cây có cầm thú ác ở.

8. Chỗ không có người ác, nguy hiểm.

9. Nương ở nơi cây, thân an lạc.

10. Tâm không buồn, an tâm mà sống.

Thiện nam! Đó là Đại Bồ Tát đầy đủ mười pháp sống nơi gốc cây.

Này thiện nam! Đại Bồ Tát có đầy đủ mười pháp ngồi nơi chỗ đất trống.

Những gì là mười?

Đó là:

1. Trong ba mùa: Đông, Hạ, Xuân, Bồ Tát không được ở gần sân phơi giã gạo.

2. Không ở gần cây lớn.

3. Chẳng gần lùm cây.

4. Không ở nơi mé núi nguy hiểm.

5. Không sống gần sông, hồ.

6. Không ngăn lạnh, không ngăn gió, cũng không che mưa, cũng không che nắng, cũng không che sương, chỉ trừ bệnh tật.

7. Đại Bồ Tát nếu ngồi nơi đất trống, thân có bệnh tật, không thể hành pháp thì nên ở trong Chùa mà nghĩ: Chư Phật Như Lai chế pháp Đầu Đà chỉ vì đoạn trừ tất cả phiền não. Như pháp Phật dạy, ta nên phụng hành.

8. Ta tuy ở Chùa, phải tu học siêng năng chân chánh vì đoạn trừ phiền não, không được bê trễ, không tán loạn.

9. Tuy ở trong Chùa nhưng không sinh tham đắm và lại nghĩ: Nhà Chùa như vậy là do đàn việt tạo dựng, làm lợi ích cho tất cả người tu đạo. Do vậy, nay ta không nên ở Chùa mà sinh tâm ngã sở.

10. Tuy ở trong Chùa nhưng thường không lìa tưởng nơi đất trống.

Thiện nam! Đó là Bồ Tát đầy đủ mười pháp ngồi nơi đất trống.

Này thiện nam! Đại Bồ Tát lại có đủ mười pháp ở rừng thây chết.

Những gì là mười?

Đó là:

1. Như ở trong đây, luôn sinh nhàm chán, xa lìa, thường tác tưởng chết.

2. Tác tưởng đây là ổ của tám vạn con trùng đang đục khoét.

3. Tác tưởng máu đỏ.

4. Tác tưởng bầm tím.

5. Tác tưởng hôi thối.

6. Tác tưởng sình trướng.

7. Tác tưởng máu chảy.

8. Tác tưởng mủ hôi.

9. Tác tưởng tan rã.

10. Tác tưởng hài cốt.

Thiện nam! Đại Bồ Tát ở rừng thây chết phải thường khởi tâm từ bi thương xót chúng sinh, trì giới thanh tịnh, đầy đủ oai nghi, thường tập ăn chay để nuôi dưỡng thân mạng.

Vì sao?

Thiện nam! Vì rừng thây chết này có các phi nhân nương sống ở đây, ăn máu thịt người. Nếu thấy Bồ Tát ăn thịt, cá, họ sẽ khởi tâm ác đến não hại.

Thiện nam! Ở rừng thây chết, Bồ Tát nếu đi vào Chùa, trước phải lễ tháp Phật, thứ đến lễ bậc Đại Đức, thăm hỏi Thượng tọa. Cung kính thăm hỏi xong, Bồ Tát đứng qua một bên, không được ngồi chỗ của Chúng Tăng.

Vì sao?

Vì pháp của Bồ Tát là bảo hộ ý của những người ở thế gian.

Bồ Tát ở nơi rừng thây chết này, xét chúng sinh phàm ngu nơi thế gian không trái Thánh chúng. Nếu nơi tòa riêng thỉnh Bồ Tát ngồi, Bồ Tát xét tăng như vậy, tâm không biến đổi thì nên ngồi, chớ để trước mọi người mà sinh tâm hối tiếc. Bồ Tát dùng tâm khiêm tốn, tác tưởng mình như Chiên Đà La.

Thiện nam! Đó là Bồ Tát đầy đủ mười pháp ở rừng thây chết.

***

icon

Tổng hợp

Cùng chủ đề

Phật Thuyết Kinh đại Bát Nhã Ba La Mật đa - Hội Thứ Ba - Phẩm Ba Mươi Mốt - Phẩm Tuyên Hóa - Phần Ba

Kinh Đại thừa   •   25.12.2023
Hán dịch: Ngài Tam Tạng Pháp Sư Cưu Ma La Thập, Đời Diêu Tần