Phật Thuyết Kinh Chánh Pháp Niệm Xứ - Phẩm Sáu - Phẩm Quán Thiên Dạ Ma Thiên - Tập Năm Mươi Năm
Hán dịch: Ngài Tam Tạng Pháp Sư Bát Nhã Lưu Chi, Đời Nguyên Ngụy
PHẬT THUYẾT
KINH CHÁNH PHÁP NIỆM XỨ
Hán dịch: Ngài Tam Tạng Pháp Sư
Bát Nhã Lưu Chi, Đời Nguyên Ngụy
PHẨM SÁU
PHẨM QUÁN THIÊN
DẠ MA THIÊN
TẬP NĂM MƯƠI NĂM
Lại có Chư Thiên khác hướng đến rừng hoa sen, trong cánh sen có chứa nhiều rượu Trời, đầy đủ vị, hương, xúc ngon nhất Cõi Trời, có vị ngon tùy theo ý niệm, Chư Thiên và Thiên Nữ mặc sức cùng nhau uống rượu ca múa, vui cười, đồng lòng với nhau, làm thỏa mãn ý dâm dục.
Các vị Trời ấy vui chơi thọ hưởng dục lạc ở trong khu rừng thù thắng, tâm không hề biết chán cảnh giới và lại hướng đến núi có châu báu Tỳ Lưu Ly trang nghiêm.
Núi ấy có nhiều ngỗng, vịt, uyên ương. Bóng núi màu xanh che khắp một vạn do tuần. Núi ấy cao khoảng ba trăm do tuần, có nhiều vườn cây, nhiều ao sen, sông suối tràn ngập, có những con chim hạng nhất, ai thấy cũng ưa thích.
Ở trong vùng đất ấy, có khu đất bằng phẳng tốt đẹp, có khe núi xinh đẹp, có hang xinh đẹp, có nguồn sông suối, có nhiều rừng biến đổi, có ao sen đầy đủ hoa lá, có ba loại ngỗng.
Loại ngỗng thứ nhất phát ra âm thanh ở trên bờ, có con màu châu báu pha lê, bảy báu xen lẫn nhau, hoặc là thân màu trắng. Ngỗng này ở trong núi rất nhiều, trang nghiêm núi ấy. Núi Tỳ Lưu Ly có suối chảy, màu nước trong sạch, giống như châu báu.
Núi ấy có nhiều hương hoa đủ loại, có nhiều đến vô lượng trăm ngàn chim đủ loại. Các chim này được dùng để trang điểm ao sen. Nơi ấy có vô lượng vật thù thắng hiếm có vào bậc nhất, màu dịu dàng đáng yêu trang nghiêm núi ấy.
Có vô lượng vật như thanh, sắc, hương… trang nghiêm núi ấy. Thú vui mà sáu căn thọ hưởng trang nghiêm khắp núi. Vì muốn thọ hưởng dục lạc, Chư Thiên đến núi ấy, ca múa vui chơi ở khắp mọi nơi, dùng chuỗi ngọc hoa sen trang điểm thân, tâm thường hoan hỷ trong tất cả các thời.
Giặc năm cảnh giới như năm ngọn lửa thiêu đốt, tham ái trói buộc cổ họng. Họ hướng lên đỉnh núi ấy là để thọ hưởng dục lạc. Họ mong muốn được thấy, nhớ, nghĩ đủ thứ, phân biệt đủ thứ, dần dần họ đến gần núi ấy, thấy có hang núi bằng Tỳ Lưu Ly. Hang ấy có ánh sáng màu xanh có khoảng một vạn tia sáng vi diệu, thù thắng, tươi vui bậc nhất trang điểm núi ấy. Chư Thiên đã ở trên núi, vào trong hang vui chơi đủ kiểu.
Những vị Trời vào trong hang thấy hang ấy rộng ra dần dần theo tâm của Chư Thiên. Như vậy, như vậy họ nhớ tưởng đủ thứ và được đầy đủ mọi thứ ở trong hang ấy. Hang ấy tên là hang được như ý niệm. Các vị Trời ở trong hang thường thọ hưởng hoan lạc cùng Thiên Nữ không hề biết chán. Do nghiệp thiện, các Thiên Nữ ấy trang điểm đủ kiểu.
Nhìn các Thiên Nữ ấy ta sẽ rất ưa thích. Các Thiên Nữ ấy có hình dáng, trang phục xinh đẹp, dáng dấp rất tươi vui, ca múa vui cười, thọ hưởng thú vui Cõi Trời.
Để làm lợi ích cho Chư Thiên, Thiên Vương Dạ Ma Mâu Tu Lâu Đà đã chép bài kệ mà Phật dạy trên cửa hang báu của núi ấy.
Bài kệ rằng:
Thần chết ăn chúng sinh
Già suy uống tuổi trẻ
Bệnh tật diệt mạnh khỏe
Người thế gian không biết.
Có vô lượng loài sinh
Có vô lượng loài diệt
Như sinh, già cũng vậy
Người thế gian không biết.
Thần chết không thể đợi
Một giờ hay một ngày
Hoặc là trong một niệm
Người thế gian không biết.
Đã nhiều lần sinh ra
Cũng nhiều lần chết đi
Trời ngu mê cảnh giới
Người thế gian không biết.
Các cõi như cái lồng
Nhốt những người tham ái
Dây ái cột dắt đi
Người thế gian không biết.
Ái hơn là sóng dữ
Có nhiều chim phân biệt
Sông ái này rộng lớn
Người thế gian không biết.
Để làm lợi ích cho Chư Thiên, cửa hang báu ấy có chép bài kệ tụng của Phật. Pháp ấy như vậy, có vị Trời thấy nó liền tìm đọc. Đọc xong, nhớ lại đời trước của mình nên không sống phóng dật trong thời gian ngắn.
Do nghiệp lành, họ tư duy chân chánh trong chốc lát, làm tăng thêm thú vui trong vô lượng trăm ngàn đời ở vị lai, tăng thêm phần thanh tịnh, giảm bớt phần nhiễm ô. Nhờ suy nghĩ chân chánh trong thời gian ngắn, Chư Thiên ấy có thể giảm bớt vô lượng trăm ngàn kiếp tái sinh.
Người nào xem bài kệ chép trên cửa hang báu ấy liền sinh nhàm chán, không sống phóng dật. Nếu vị Trời nào vào hang mà không đọc bài kệ thì thật uổng phí. Tất cả những người vào trong hang ấy dù là thấy hoặc không thấy bài kệ đều sống buông lung.
Ở một nơi trong hang ấy có một đống châu báu, đó là Kim Cang và châu báu xanh, châu báu ma già la da, châu báu rất xanh. Hang báu ấy vốn đã tự sáng, nhờ châu báu ấy, ánh sáng càng rực rỡ hơn. Mặt khác là do Chư Thiên vào trong hang, ánh sáng trên thân Chư Thiên khiến ánh sáng hang báu ấy càng sáng hơn.
Như vậy hang ấy rất đáng yêu. Do nghiệp lành, Chư Thiên và Thiên Nữ ở trong hang ấy thọ hưởng dục lạc đầy đủ công đức của năm dục, an ổn, xa lìa phiền não, xa lìa buồn rầu, thọ hưởng vô lượng dục lạc thù thắng, vi diệu của Cõi Trời. Thấy vùng đất báu ấy rồi, các vị Trời ấy sinh tâm vui vẻ, ca múa vui cười, nghe năm loại âm nhạc để thọ hưởng hoan lạc.
Lại nữa, những người vào trong hang ấy thấy có sông tràn ngập rượu Trời, đầy đủ hương xúc bậc nhất. Hai bên bờ sông ấy có nhiều chim uống rượu trang nghiêm sông ấy.
Những con chim đó lần lượt có các tên là: Hoan Hỷ, Thường Lạc, Thường Hý, Vô Dị Vị, Kiến Khả Ái, Thẩm Đế Tâm, Dị Xứ Bất Lạc, Ẩm Hương Lạc.
Lại có các con khác uống rượu, vui chơi ở sông rượu đó.
Do nghiệp lành, chim nói kệ:
Mới uống, vị rượu ngon
Uống xong thường làm ác
Chịu quả ác về sau
Ở bên trong địa ngục.
Uống rồi bị si mê
Do si tạo nghiệp ác
Bởi gây tạo nghiệp ác
Nên đọa vào địa ngục.
Ban đầu thì vui vẻ
Về sau chịu quả ác
Ban đầu trừ được khát
Về sau bị nóng sốt.
Ban đầu thỏa miệng ý
Về sau thì hết vui
Vì vậy người có trí
Thì không nên uống rượu.
Người thường hay uống rượu
Thì không khác gì chim
Uống rượu rất si mê
Nên nói rượu rất độc.
Ai coi rượu như độc
Ắt thấy chỗ bất thoái
Uống rượu không mùi vị
Là uống sắt nóng chảy.
Trong tất cả điều ác
Rượu chiếm hết một phần
Ai uống rượu thì sẽ
Phá hết thảy mọi giới.
Uống rượu tâm điên đảo
Không thể tư duy pháp
Tỳ Kheo do uống rượu
Đi ở nơi đông đúc.
Uống rượu khiến tâm loạn
Không biết thẹn, sửa chữa
Lỗi đạo không phước đức
Hiện tại và vị lai.
Không biết tu oai nghi
Không biết thời và xứ
Làm chướng ngại chánh pháp
Chỉ nói lời vô nghĩa.
Tự mình không thể biết
Là đã nói những gì
Miệng nói lời hôi thối
Cũng không thể hay biết.
Khiến người đời khinh rẻ
Làm tổn thương chánh pháp
Người ham thích uống rượu
Như ngọn lửa cháy hừng.
Quên hết việc quá khứ
Mê muội việc hiện tại
Lầm lẫn việc vị lai
Uống rượu hại ba thời.
Làm hủy hoại thân tâm
Hoặc hại thân chúng sinh
Khiến sinh vô lượng lỗi
Uống rượu chướng ngại pháp.
Do nghiệp lành, chim sống ở hang núi ấy có tâm thường hoan hỷ, nói kệ cho Chư Thiên.
Nghe xong Chư Thiên nào do nghiệp lành sống thuận theo pháp mà sinh đến đây, nhớ lại đời trước liền biết lỗi của rượu, vì biết lỗi của rượu nên không uống rượu, không sống phóng dật nữa.
Các vị Trời khác không ghi nhận bài kệ của chim, vẫn uống rượu như cũ, sinh tâm hoan hỷ, nghe năm thứ âm nhạc, ca múa vui cười, thọ hưởng đủ thứ dục lạc ở trong hang núi suốt một thời gian dài, thọ hưởng dục lạc xong họ lại trở ra theo con đường cũ, ra rồi họ vẫn không nhàm chán cảnh giới, thích phóng dật, thích ngắm vườn cây và các Thiên Nữ rồi lại vui chơi đủ kiểu ở tất cả vườn cây, bờ sông, hang núi. Do nghiệp lành, Chư Thiên ấy thọ hưởng hoan lạc như vậy.
Xứ ấy như vậy không thể ví dụ, có đầy đủ thú vui Cõi Trời. Các vị Trời thọ hưởng dục lạc ở trong cảnh giới ấy không hề biết chán, do tham ái nhiều và rộng… cái rộng đó là do tự thể rộng. Họ chưa từng thâu giữ mà thường khai mở nên gọi là rộng.
Lại nữa, do không biết chán cảnh giới là do các cảnh giới rộng vô lượng, do căn thường thèm khát chưa từng được đoạn trừ. Như vậy, công đức của năm dục của vị Trời ấy ngày càng tăng trưởng, không bị dứt đoạn. Vị ấy thường thọ hưởng dục lạc, tâm sinh khao khát. Công đức đáng ưa không thể ví dụ.
Vì vậy vị Trời ấy không biết chán. Như biển nuốt sông không có lúc đủ, Chư Thiên không biết đủ cũng như vậy, thường thọ hưởng dục lạc ở nơi ấy trong tất cả mọi lúc, đi đến đủ loại vườn cây bị nước tham dục cuốn trôi, vui chơi thọ hưởng dục lạc cùng Chư Thiên Nữ.
Cứ như vậy, cho đến khi nghiệp lành tích tụ trước kia đã hết, về sau vị Trời ấy bị thoái đọa khỏi Cõi Trời, sống theo nghiệp, bị dây nghiệp trói buộc.
Do nghiệp hết, thoái đọa khỏi nơi vui vẻ ấy rồi đọa vào địa ngục, ngạ quỷ, súc sinh. Nếu có vị Trời khác do nghiệp thiện còn sót lại sinh trong loài người thì sinh vào dòng họ bậc nhất nơi rất giàu có vui vẻ ở cõi Diêm Phù Đề.
Họ ca múa vui cười, đùa giỡn đủ cách, thường thọ hưởng dục lạc, màu sắc của thân rất thù thắng vi diệu, hình dáng trang phục xinh đẹp, đầy đủ mọi thứ, làm Vua hoặc đại thần ở đất nước tốt đẹp như nước Ca sa, nước Kiều tát la ở nơi an ổn. Đó là do nghiệp còn sót lại.
Vùng đất thù thắng thứ chín ở Cõi Trời Dạ Ma có tên là vườn Quang minh đã được quan sát xong.
Lại nữa, Tỳ Kheo ấy biết quả báo của nghiệp thiện nhờ quan sát vùng đất thuộc Cõi Trời Dạ Ma. Do thấy, nghe, biết hoặc bằng Thiên nhãn vị ấy biết có vùng đất tên là Chánh hạnh.
Chúng sinh do nghiệp gì mà sinh ở nơi này?
Họ thấy có người nhờ làm việc chân chánh, sống theo pháp trong sạch bậc nhất, quả báo cũng trong sạch. Do nghiệp thanh tịnh, vị ấy thọ hưởng quả báo vui sướng, được Bậc Thánh ưa thích, vị ấy siêng bố thí nhưng thiếu trí tuệ. Nhờ bố thí, vị ấy sinh trong Cõi Trời, thọ hưởng quả báo đáng ưa của Cõi Trời.
Người nào được quả báo trong Cõi Trời ấy?
Đó là người tâm lành, thanh tịnh, sinh tâm kính trọng, tâm mềm dịu, không giết, không trộm, như đã nói ở trước. Vị ấy lại xả bỏ tà dâm, là tâm không vui thích khi nghe lúc trước có người từng làm việc dâm dục với phụ nữ, tâm không nhớ nghĩ tìm xét các việc dâm dục trước kia và ngăn cản người khác không cho nhớ nghĩ về nó.
Thành tựu nghiệp hạnh thanh tịnh như vậy, người ấy sinh vào đường lành là vùng đất chánh hạnh của Cõi Trời Dạ Ma, thọ hưởng quả báo nghiệp thiện đã tu tập đời trước.
Sinh ở nơi ấy rồi, thọ hưởng lạc thú gồm đủ loại hương vị xúc, có vô lượng cảnh giới, đi trong vườn, ao sen Cõi Trời, được trăm ngàn Thiên Nữ cúng dường, đi không tạm nghỉ trong vườn cây, ao sen, sông suối, những nơi trước đó chưa từng thấy không thể ví dụ, không thể nói hết các loại thú vui Cõi Trời, vị ấy thọ hưởng đầy đủ vô lượng thú vui Cõi Trời, tâm không biết đủ.
***
Phật Thuyết Kinh đại Bát Nhã Ba La Mật đa - Hội Thứ Năm - Phẩm Mười Bảy - Phẩm Tham Hành - Phần Hai
Phật Thuyết Kinh đại Bát Nhã Ba La Mật đa - Hội Thứ Ba - Phẩm Ba Mươi Mốt - Phẩm Tuyên Hóa - Phần Ba
Phật Thuyết Kinh Du Già đại Giáo Vương - Phẩm Chín - Phẩm Phật Nói Kinh Du Già đại Giáo Vương Hộ Ma
Phật Thuyết Kinh đại Thừa đại Tập địa Tạng Thập Luân - Phẩm Năm - Phẩm Sám Hối
Phật Thuyết Kinh Chúng Hứa Ma đế - Phần Mười Một
Phật Thuyết Kinh Bảo Võng - Phần Sáu
Phật Thuyết Kinh đà La Ni Tập - Phần Ba - Pháp Vẽ Tượng Nhất Thiết Phật đảnh - Tập Hai
Phật Thuyết Kinh Phật Bổn Hạnh - Phẩm Hai - Phẩm Khen Ngợi Như Lai