Phật Thuyết Kinh Chánh Pháp Niệm Xứ - Phẩm Sáu - Phẩm Quán Thiên Dạ Ma Thiên - Tập Sáu Mươi

Kinh Đại thừa   •   Thứ hai, 25/12/2023, 22:18 PM

Hán dịch: Ngài Tam Tạng Pháp Sư Bát Nhã Lưu Chi, Đời Nguyên Ngụy

PHẬT THUYẾT

KINH CHÁNH PHÁP NIỆM XỨ

Hán dịch: Ngài Tam Tạng Pháp Sư

Bát Nhã Lưu Chi, Đời Nguyên Ngụy  

PHẨM SÁU

PHẨM QUÁN THIÊN

DẠ MA THIÊN  

TẬP SÁU MƯƠI  

Lại nữa, Vua Sát Đế Lợi cần siêng năng tu tập thành tựu pháp thứ mười bảy để tạo lợi ích cho hai đời hiện tại và vị lai. Pháp thứ mười bảy là nếu không có lý do thì không được nâng hoặc giáng chức các bề tôi. Vị Vua đó coi trọng ý chí, nếu không biết hình tướng và ý chỉ của người khác thì không dám tin tưởng.

Phép làm Vua là phải suy nghĩ kỹ càng rồi mới làm. Nếu không suy nghĩ kỹ mà nâng hoặc hạ chức bề tôi thì đó chẳng phải là Vua, hoặc chỉ có tên là Vua mà thôi, nếu là Vua thì không bao lâu sẽ bị diệt. Làm mà không suy nghĩ thì tâm trí ít hoạt động, ý chí hời hợt không chắc chắn, nếu nói pháp xưa thì mọi người không tin cho là Vua nói láo vì vậy không yêu mến Vua hoặc là đưa người khác lên làm Vua thay thế Vua đó.

Vì vậy đã biết tai họa này rồi nhà Vua không được nói dối. Nói dối thì đời hiện tại và vị lai không được lợi ích, vì thế hiện đời có vô lượng tai họa. Biết tai họa này rồi thì không nên nói dối. Người khác mà như vậy còn không thích hợp huống gì là Vua.

Nếu làm như vậy sẽ mất pháp Vua và mất luôn thế gian. Nếu Vua có phước hơn người thế gian thì mọi thứ đều thù thắng. Vua thường nói thật thì bảo vệ được thế gian. Do bảo vệ thú vui ấy nên pháp Vua không bị ngăn ngại. Trong tất cả các pháp thiện thật ngữ là cội gốc. Nếu nói không chân thật thì sẽ nâng hoặc giáng chức bề tôi mà không có lý do. Nếu thường nói thật thì không có nâng hoặc giáng chức các quan khi không có lý do.

Nếu Vua được như vậy thì ngôi Vua vững vàng không mất. Biết Vua như vậy, hết thảy các quan không bỏ đi đến nước khác và rất kính trọng Vua như là kính trọng cha mẹ. Vị Vua ấy được vui vẻ trong mọi lúc, có tâm ý an trụ vững chắc và thường quan tâm vui vẻ với bề tôi.

Nếu Vua không nâng hoặc hạ chức bề tôi khi không có lý do như vậy, thì nhờ công đức đó hiện đời thường được an lạc, thường có lợi ích, có thể bảo vệ đất nước, bảo vệ bản thân, được người lành khen ngợi, khi chết sinh lên Trời làm Thiên Vương Dạ Ma. Đó là nhờ nghiệp lành không nâng hoặc không giáng chức các quan mà không có lý do.

Lại nữa, Vua Sát Đế Lợi phải siêng năng tu tập thành tựu pháp thứ mười tám, để tạo lợi ích cho hai đời hiện tại và vị lai. Pháp thứ mười tám là có thể biết được người lành người dữ. Đó là do thường tu tập trí tuệ lớn. Ai có thể biết việc đó liền trở thành vị Vua thù thắng nhất, biết được người khác có trí hay không có trí.

Nếu biết như vậy tất cả người tài trên thế gian đều tín nhiệm vị Vua ấy nên tất cả Vua khác không thể phá hoại, nếu siêng năng làm việc gì thì đều thành tựu như mong muốn, không bị mất của cải, các công việc đều trôi chảy.

Nhà Vua không chấp nhận những hạng người sau: Người sống phi pháp, người tham ăn, người không biết ơn nghĩa, người bị nhiều người ghét, người tà kiến, người không biết thương xót, người nói láo, người bị Vua khác ghét, người giữ giới ác, người không biết thời, người khó điều phục.

Người thường gây nghiệp ác, người tham đắm cảnh giới, người nói sai nhân quả, người có tánh không biết đủ, người không thường làm việc lợi ích, người thường gây điều xấu cho người khác, người có tâm kiêu mạn, người hay thù oán, người bồng bột, người có lời nói không chắc thật, người có tâm ý rối loạn, những người như vậy nhà Vua không chấp nhận.

Vua chỉ chấp nhận những người sau: Người tu hành theo pháp, người không dối nịnh, người không ngã mạn, người nói thật, người thông minh trí tuệ, người có tâm mềm dẻo, người không làm khổ não người khác, người không lừa dối người khác, người hay cúng dường Tam Bảo, người được tin cậy, người biết đủ, người đã được điều phục, người không biếng nhác.

Người thường tạo nghiệp lành, người ít ăn, người được mọi người yêu mến, người có tâm từ bi, người tinh tấn, người có cái nhìn chân chánh, người có trí tuệ, người sống theo pháp luật, người từ xưa nay có thân, khẩu, ý trong sạch, người tin nhân duyên, người biết nghiệp báo, người không uống rượu, người không ngủ nhiều, người gần bạn lành, người thích bố thí, người có giới, người có trí tuệ. Những hạng người này nhà Vua nên thu nhận.

Vua phải lường xét xem những người đó có thể làm được việc gì để phân bổ công việc cho họ làm. Nếu Vua làm vậy thì không có Vua nào khác có thể phá hoại, được giàu có vui vẻ, đầy đủ vô lượng của báu, sống thuận theo pháp. Do sống thuận theo pháp nên có thể bố thí, tạo phước đức, cúng dường Tam Bảo.

Nếu Vua biết người tốt, người xấu thì nhờ công đức đó hiện đời thường an lạc, thường có lợi ích, có thể bảo vệ đất nước, bảo vệ bản thân, được người lành khen ngợi, khi chết sinh lên Cõi Trời làm Vua Trời Dạ Ma. Đó là nhờ nghiệp lành biết phân biệt người tốt kẻ xấu.

Lại nữa, Vua Sát Đế Lợi phải siêng năng tu tập thành tựu pháp thứ mười chín, để tạo lợi ích cho hai đời hiện tại và vị lai. Pháp thứ mười chín là thường định thời gian để quan sát muôn dân.

Nếu thường định thời gian để quan sát muôn dân thì sẽ làm Vua lâu dài, mọi người trong nước đều không ganh ghét, có thể biết sự thiện ác của mọi người, khiến cho mọi người trong nước đều sống theo pháp, mạnh không hiếp yếu, mọi người trong nước đều có thể gặp Vua bất cứ lúc nào. Nhà Vua có đầy đủ của cải và dùng phương tiện này phát triển mạnh mẽ.

Do giàu có về của cải và pháp nên không bị lệ thuộc vào Vua khác, do được yên ổn nên sống thuận theo pháp, cúng dường Sa Môn, Bà La Môn, theo họ nghe pháp, đã nghe pháp rồi pháp hành càng thù thắng. Do định thời gian quan sát người dân nên các phép tắc Vua đưa ra ngày càng tốt đẹp hơn. Do sống theo pháp nên họ càng giàu có an vui, có thể bố thí rất nhiều, gây rất nhiều phước nghiệp, siêng năng giữ giới.

Nếu Vua ít đi xét xem muôn dân thì sẽ không biết công đức này, vì vậy Vua nên thường xuyên định thời gian để gặp dân chúng. Nếu thường làm vậy Vua liền có thể thực hành chánh pháp. Người thực hành chánh pháp thì có phước đức lớn.

Nếu Vua thường định thời gian để quan sát muôn dân thì nhờ công đức này hiện đời thường được an lạc, thường có lợi ích, có thể bảo vệ đất nước, bảo vệ bản thân, được người thiện khen ngợi, khi chết sinh lên Cõi Trời làm Thiên Vương Dạ Ma. Đó là nhờ nghiệp lành thường định thời gian để gặp gỡ mọi người.

Lại nữa, Vua Sát Đế Lợi cần phải siêng năng tu tập thành tựu pháp thứ hai mươi để đời hiện tại và vị lai được lợi ích. Đó là ít ngủ nghỉ. Do ít ngủ nghỉ nên tâm khéo tư duy, ý không lẫn lộn, không ngu si đần độn, khiến kẻ thù không thể lợi dụng.

Đã quyết định là không đổi ý. Do đã quyết định nên khi làm có suy nghĩ kỹ. Nếu Vua làm việc có suy nghĩ kỹ thì làm việc gì đều mau thành tựu, không tốn nhiều thời giờ. Vào sáng sớm vị Vua ấy không phóng dật nên tuổi thọ dài.

Nhờ khéo tư duy nên mọi người trong nước đều mến mộ, không chán ghét, dân chúng trong nước, tất cả quân binh, tất cả nô bộc, bá quan, tả hữu, các đại thần đều tăng lên, của cải rất dồi dào. Do có nhiều thần dân nên có nhiều của cải. Do có nhiều của cải nên có oai đức lớn. Do có oai đức lớn nên có thể bố thí, tu hành phước nghiệp, có thể khéo giữ giới.

Nếu Vua ít ngủ nghỉ như vậy thì nhờ công đức đó hiện đời thường được an lạc, thường có lợi ích, có thể bảo vệ đất nước, bảo vệ bản thân, được người thiện khen ngợi, khi chết sinh lên Cõi Trời làm Thiên Vương Dạ Ma. Đó là nhờ nghiệp lành ít ngủ.

Lại nữa, Vua Sát Đế Lợi cần siêng năng tu tập thành tựu pháp thứ hai mươi mốt, để đời hiện tại và vị lai được lợi ích. Pháp thứ hai mươi mốt là thường không biếng nhác trong tất cả các thời, vị Vua không biếng nhác thì siêng năng bền bĩ, tu tập như pháp, làm bất cứ việc gì đều thành tựu rốt ráo, muốn chế ngự ai thì người đó đều lệ thuộc vào mình, người khác không thể hủy hoại, không thể cướp đoạt, mọi người trong nước đều mến tâm ý của Vua nên sinh kính trọng.

Ở đất nước của vị Vua này mọi thứ đều tốt và đầy đủ, hoặc thành, hoặc thôn, hoặc nơi nhiều người, đầy khắp trong nước không có chỗ trống. Vua không biếng nhác mà rất siêng năng, có uy lực lớn, làm việc gì cũng thành tựu.

Vì sao?

Vì không biếng nhác và đầy đủ các phương tiện thời gian, nơi chốn, phương pháp.

Vị Vua không bê trễ có thể thành tựu nghiệp thế gian và xuất thế gian, thậm chí nghiệp Niết Bàn cũng có thể thành tựu huống gì là nghiệp khác, nếu siêng năng không lười biếng đầy đủ cả thời gian, nơi chốn, phương pháp để hành động, thì Vua ấy hơn tất cả mọi người, được đầy đủ mọi thứ. Vua ấy thành tựu được mọi việc ở thế gian. Trí tuệ như vậy mà họ có thể tạo ra thì nghiệp xuất thế gian đều được thành tựu.

Pháp xuất thế gian là thí, giới, trí, nếu Vua thường không biếng trễ như vậy thì nhờ công đức ấy đời hiện tại thường được an lạc, thường có lợi ích, có thể bảo vệ đất nước, bảo vệ bản thân, được người thiện khen ngợi rằng thí, giới, trí như hương thơm, khi chết sinh lên Cõi Trời làm Thiên Vương Dạ Ma. Đó là nhờ nghiệp lành không biếng nhác.

Lại nữa, Vua thuộc dòng Sát Lợi phải siêng năng tu tập thành tựu pháp thứ hai mươi hai để tạo lợi ích cho hai đời hiện tại và vị lai. Pháp thứ hai mươi hai là gắn bó với bạn lành. Nhà Vua gắn bó với bạn lành, suy nghĩ chín chắn rồi mới làm thì làm Vua trong thời gian dài, xa lìa các tai họa, người khác không thể hủy hoại.

Như cây có nhiều rễ dài và sâu thì đứng rất vững không thể lay chuyển, gió không thể phá hoại. Nhà Vua cũng như vậy, nhờ gắn bó với bạn lành có tâm ý tốt nên mọi người đều yêu mến. Điều mà người đời kính trọng là gắn bó với bạn lành có đầy đủ công đức. Có mười ba hạng bạn lành đầy đủ công đức.

Mười ba hạng đó là:

1. Biết điều thiện: Nếu Vua có điều xấu thì có thể khiến cho Vua được trong sạch.

2. Chịu khó: Có thể giúp Vua làm công việc khó nhất.

3. Có trí: Nếu bạn lành ấy lại có bạn tốt thì tạo điều kiện cho người bạn kia làm bạn với người nọ luôn.

4. Tận tâm: Có của cải gì bạn lành đều biết.

5. Tận ý: Nhiệt tình làm giúp bạn những việc lợi ích.

6. Tâm thư thái: Thình lình gặp nhau thì rất cởi mở.

7. Rốt ráo: Gặp điều khổ não cho đến mất mạng cũng không bỏ bạn.

8. Ý cân nhắc: Làm những việc mà mình thấy cần thiết.

9. Không che giấu: Không cất giấu những thứ có trong nhà, ai xin gì cũng đều cho không tiếc.

10. Có tâm tùy hỷ: Nếu thấy bạn lành có đầy đủ mọi thứ thì vui mừng.

11. Nếu bị khổ não thì cùng chịu khổ, giả sử rất giận, tâm cũng không thay đổi, có thức ăn gì đều ăn chung và cùng nhau vui chơi.

12. Không nài nỉ xin vật gì của người, không đợi người năn nỉ khổ sở mới đem vật của mình cho họ.

13. Nếu biết tin tức tốt xấu trong nhà bạn cho đến việc tranh cãi thì đều nói hết, không kiêng kỵ, lúng túng, các việc trong nhà mình, cho đến việc tranh chấp đều nói với bạn.

Mười ba hạng bạn lành có đầy đủ công đức này giúp ta thành tựu đầy đủ công đức thế gian. Nếu Vua có được một trong số mười ba hạng bạn lành có đầy đủ công đức thì đã có sức mạnh lớn, huống gì là có nhiều hạng bạn như thế. Vì vậy, Vua có trí tuệ phải siêng năng chiêu tập bạn lành. Nếu Vua siêng năng chiêu tập bạn lành thì tất cả mọi việc đều thành tựu.

Lại nữa, nhờ bạn lành ta có thể thành tựu đường xuất thế gian. Tóm lược mà nói thì có mười hạng bạn lành có đầy đủ công đức giúp ta thành tựu đường xuất thế gian.

Mười loại đó là:

1. Có thể ngăn chận những việc phi pháp.

2. Có thể dạy tu hạnh bố thí.

3. Có thể dạy thọ giới, giữ giới.

4. Mở bày trí tuệ, có thể dạy tu luyện trí tuệ.

5. Có tâm tốt, ngăn không cho gần bạn ác.

6. Có lòng tin chân chánh chỉ bày nghiệp quả.

7. Nếu thấy bạn đi theo đường mê ác thì dạy trở về đường lành.

8. Nếu thấy bạn hủy phạm giới cấm thì có thể giúp bạn từ bỏ việc đó.

9. Dạy bạn cúng dường cha mẹ.

10. Thường xuyên khuyên răn chỉ dạy bạn.

Mười loại bạn lành xuất thế này có thể giúp ta vượt khỏi tất cả đường ác cũng như là cha mẹ. Bạn lành gắn bó thường không sinh tâm ngã mạn đối với bạn, hoặc bạn của bạn mình. Bạn lành chẳng những giúp ta trong đời hiện tại mà còn giúp ta trong đời sau. Vì vậy bậc Vua chúa cần gắn bó với bạn lành.

Nếu Vua gắn bó với bạn lành như vậy thì nhờ công đức lành này ở đời hiện tại thường được an lạc, thường có lợi ích, có thể bảo vệ đất nước, bảo vệ bản thân, được người thiện khen ngợi, khi chết sinh lên Cõi Trời làm Thiên Vương Dạ Ma. Đó là nhờ nghiệp thiện gắn bó với bạn lành.

Lại nữa, Vua Sát Đế Lợi cần siêng năng tu tập thành tựu pháp thứ hai mươi ba để đời hiện tại và vị lai được lợi ích.

Pháp thứ hai mươi ba là không gần người bạn vô ích, tức là tất cả những người lừa dối, không gần tất cả những người cờ bạc, người chỉ vẽ làm điều ác, hoặc suy nghĩ ác rồi làm theo suy nghĩ đó. Gần những người như vậy không được lợi ích và bị mất mát rất lớn. Việc mất mát lớn nhất là sự lừa dối. Lừa dối gồm hai thứ, một là bí mật, hai là công khai.

Công khai là các việc lừa dối như cờ bạc… bí mật là ngụy trang giống người lành nhưng thật ra là người ác để người không biết cho rằng họ là người tốt. Những người này bị lệ thuộc vào ngoại đạo hoặc chính là ngoại đạo bị gai ngoại đạo đâm, lừa dối cả mình lẫn người, không lo cho đời sau nên đã trá hiện hình tướng thiện, nhưng thật ra là tên giặc lớn.

Những người đó không đáng để ta nhìn mặt và nói chuyện, huống chi là gần gũi làm bạn. Người lành nên từ bỏ hạng bạn đó, bởi vì họ không thể làm lợi ích cho bản thân thì làm sao có thể làm lợi ích cho người khác. Vua chúa cũng nên từ bỏ bạn ác, vô ích, không gần tất cả những người lừa dối, những người cờ bạc. Không nên làm quen với những người như vậy.

Nếu Vua gần gũi với những người bạn lành, làm việc với chánh niệm, chánh tư duy, thì nhờ công đức được bạn lành huân tập, đời hiện tại thường được an lạc, lợi ích, có thể bảo vệ đất nước, bảo vệ bản thân, được người thiện khen ngợi, khi chết sinh vào Cõi Trời làm Thiên Vương Dạ Ma. Đó là nhờ nghiệp lành không gần gũi người bạn vô ích.

***

icon

Tổng hợp

Cùng chủ đề

Phật Thuyết Kinh đại Bát Nhã Ba La Mật đa - Hội Thứ Ba - Phẩm Ba Mươi Mốt - Phẩm Tuyên Hóa - Phần Ba

Kinh Đại thừa   •   25.12.2023
Hán dịch: Ngài Tam Tạng Pháp Sư Cưu Ma La Thập, Đời Diêu Tần