Phật Thuyết Kinh Chánh Pháp Niệm Xứ - Phẩm Sáu - Phẩm Quán Thiên Dạ Ma Thiên - Tập Sáu Mươi Sáu

Kinh Đại thừa   •   Thứ hai, 25/12/2023, 22:18 PM

Hán dịch: Ngài Tam Tạng Pháp Sư Bát Nhã Lưu Chi, Đời Nguyên Ngụy

PHẬT THUYẾT

KINH CHÁNH PHÁP NIỆM XỨ

Hán dịch: Ngài Tam Tạng Pháp Sư

Bát Nhã Lưu Chi, Đời Nguyên Ngụy  

PHẨM SÁU

PHẨM QUÁN THIÊN

DẠ MA THIÊN  

TẬP SÁU MƯƠI SÁU  

Lúc ấy, Chư Thiên ở cung điện trên hư không hoặc ở trên cánh sen rộng lớn, đùa giỡn, ca múa vui chơi với Thiên Nữ, Chư Thiên này tạo vô số cách để vui chơi hưởng lạc không thể ví dụ. Họ cất lên đủ loại tiếng ca vang khắp năm trăm do tuần. Họ có đầy đủ công đức của năm dục, nghe năm loại âm nhạc, hưởng vô lượng thú vui.

Nghiệp lành tích tụ được đã hết mà họ vẫn không hay biết.

Nghiệp lành sắp hết, giờ thoái đọa sắp đến, phải đi nơi khác, sẽ sinh vào đường nào chịu nỗi khổ gì và hưởng những thú vui gì?

Nghiệp thiện và ác dẫn ta đến những nơi nào, chỉ cho ta con đường gì, là đường địa ngục, ngạ quỷ, súc sinh hay nhân đạo là đường đáng sợ hay không đáng sợ?

Do bị chìm trong bóng tối phóng dật nên họ không hay không biết về những việc này. Đến lúc biết thì nghiệp lành đã hết, bị gió lớn vô thường thổi rơi rớt.

Thiên Chúng thường sống phóng dật thì giống như giặc giả làm người thân, chẳng phải lợi ích chân thật giả làm lợi ích.

Nghiệp lành đã hết sắp nhận quả báo khác, đến lúc ấy họ mới biết và nghĩ rằng: Ta làm việc chẳng lành thường sống phóng dật đến lúc chết mới hay biết.

Do đã quen thói nên họ không sợ kẻ thù phóng dật này và lại vui chơi ca múa ở ao hoa. Do nghiệp lành, họ rất ưa thích việc đó, thích quan sát Chư Thiên vui chơi trên cánh hoa sen và Chư Thiên sống trong cung điện trên hư không hòa hợp với nhau để thọ lạc.

Khi ấy, có chim tên Thủy Ba Luân nói kệ cho Chư Thiên sống phóng dật nghe:

Mạng chúng sinh không dừng

Giống như là sóng cả

Dễ vỡ như bọt nước

Nhưng Trời không hay biết.

Nếu gió không thổi, vỗ

Bọt nước còn dừng lâu

Vô thường phước Trời hết

Chóng diệt không dừng lâu.

Giống như đèn hết dầu

Ánh sáng cũng không còn

Cũng như vậy nghiệp hết

Thiên lạc liền diệt theo.

Không có loại nghiệp gì

Mà không bị hư hoại

Các chúng sinh như vậy

Ngu si không hay biết.

Tất cả các hữu tình

Có sinh phải có diệt

Tất cả pháp hữu vi

Cũng đều như vậy cả.

Chúng sinh do tự nghiệp

Trôi lăn trong sinh tử

Vì sao thế gian này

Bị phóng dật phá hoại?

Phóng dật mất pháp lành

Phóng dật bị trói chặt

Do phóng dật nên họ

Thoái đọa xuống địa ngục.

Nguyên nhân của việc đó

Sinh ra từ phóng dật

Người nào muốn an vui

Nên lìa bỏ phóng dật.

Ai lìa bỏ phóng dật

Liền đến chỗ bất tử

Do không sống phóng dật

Liền đến gần Niết Bàn.

Nhờ không còn phóng dật

Được nhập vào Niết Bàn

Vì vậy bậc trí nói

Phóng dật là nhân khổ.

Tất cả người phóng dật

Giống như người bệnh cuồng

Hiện đời bị người khinh

Chết liền vào đường ác.

Hết thảy người phóng dật

Ở trong nghiệp quả báo

Và nẻo đường sinh tử

Không đâu không điên đảo.

Lửa địa ngục hừng cháy

Thiêu chúng sinh địa ngục

Nếu muốn thoát địa ngục

Phải lìa bỏ phóng dật.

Nếu muốn lìa phóng dật

Phải thích tu trí tuệ

Thoát dây trói phiền não

Thường được nơi an lạc.

Năm căn sinh ba độc

Tâm trôi lăn ba cõi

Người đã lìa phóng dật

Nói phóng dật như vậy.

Kho phóng dật rất khổ

Không phóng dật thì vui

Nếu ai muốn an lạc

Phải lìa bỏ phóng dật.

Vì muốn điều phục Chư Thiên, khiến họ lìa bỏ phóng dật nên chim Thủy Ba Luân đã nói kệ như vậy, nhưng do ham phóng dật nên tuy nghe những lời chân thật đó Chư Thiên vẫn không thể ghi nhận và lại tiếp tục ở trên hư không, nơi cánh sen trong ao rộng vui vẻ với nhau, đi chơi thọ lạc, đánh đàn Cõi Trời phát ra âm thanh vi diệu Cõi Trời và các cảnh giới khác, vướng chặt vào sắc, thanh, hương, vị, xúc không biết nhàm chán.

Như uống nước mặn, tuy uống rất nhiều vẫn không hết khát, Chư Thiên này cũng như vậy, tuy hưởng vô lượng thú vui Cõi Trời mà không hề biết đủ.

Sau khi đã thọ hưởng dục lạc trong thời gian dài ở trên hư không, Chư Thiên lại vui chơi hưởng lạc cùng với Thiên Nữ trong cánh hoa sen lớn ở ao rộng, nghe năm loại âm nhạc. Họ hòa hợp, ân ái, vui vẻ với nhau, bám chặt vào cảnh giới sáu dục. Họ ở nơi đó trong một thời gian dài, ca múa vui cười, hưởng vô số thú vui khác nhau của Cõi Trời. Những thú vui này được thành tựu đầy đủ theo ý nghĩ.

Do nghiệp lành, tùy theo ý nghĩ khác nhau của họ, tất cả các thú vui khác nhau đều được thành tựu. Chư Thiên ấy bị sông lớn đầy sóng cuốn trôi, sóng đó chính là vô số ý nghĩ. Họ sinh tâm vui mừng. Tất cả Chư Thiên đã ở lâu trong hoa sen nơi ao rộng thành tựu thú vui Cõi Trời, hưởng vô lượng thú vui phóng dật của Cõi Trời.

Khi ấy, Vua Trời Dạ Ma Mâu Tu Lâu Đà biết Chư Thiên vướng mắc vào thú vui phóng dật nên sinh tâm thương xót, vì muốn trừ bỏ sự phóng dật và sự kiêu ngạo về sắc đẹp của họ, Thiên Chủ đã hóa ra núi lớn tên Thanh tịnh cách ao rộng không xa.

Núi đó giống như được trang sức bằng Tỳ Lưu Ly rất trong, vô số vàng bạc và đủ loại châu báu, khắp núi ấy có rừng vui chơi, có nhiều dòng suối bao bọc xung quanh nước rất trong mát.

Ngọn núi báu này có ánh sáng chiếu khắp, được trang hoàng bằng các rừng cây, có nhiều ao hoa được trang điểm bằng đủ loại hoa, có vô số bóng râm được cành lá che phủ giống thiên cung. Ngọn núi thù thắng như vậy được trang hoàng khắp nơi ở vùng Thường lạc trên Trời Dạ Ma. Tất cả Chư Thiên sống ở đó đều trông thấy.

Vua Trời Dạ Ma Mâu Tu Lâu Đà lại suy nghĩ hóa làm Thiên Chúng giống kẻ thù của Chư Thiên, nhan sắc xinh đẹp, đi rất mau lẹ, ca múa vui vẻ gấp mười lần Chư Thiên ở xứ Thường lạc, hoặc hóa làm Thiên Nữ xinh đẹp gấp mười lần Thiên Nữ ở vùng Thường lạc.

Tất cả mọi thứ của Thiên Nữ ở vùng Thường lạc đều không bằng. Tất cả những thứ đó là tướng mạo đoan nghiêm, nhan sắc xinh đẹp, ca múa vui cười, các cách giải trí đều thù thắng. Tất cả mọi thứ ở núi thanh lương đều như vậy, còn núi Tỳ Lưu Ly thì như đã nói ở trước.

Khi ấy, vị Trời thù thắng đứng trên ngọn núi cao nhất ở núi giả hóa ra Thiên Tử và Thiên Nữ, ca vịnh, trổi nhạc, âm thanh rất hay khiến người nghe say đắm. Thiên Chúng và Thiên Nữ giả ở trên ngọn núi từ từ đi xuống, vui chơi ca múa, đi về phía Chư Thiên thật.

Nghe tiếng ca vịnh của Chư Thiên giả có âm thanh hay gấp mười lần mình Chư Thiên thật vẫn cùng các Thiên Nữ vui chơi, ca vịnh. Lúc đó, Chư Thiên giả cũng ca vịnh giống vậy và từ từ đi xuống nơi Chư Thiên thật.

Khi hai nhóm thiên này gặp nhau, tiếng ca vịnh của Chư Thiên giả ngày càng hay hơn. Chư Thiên thật thấy nhan sắc thù thắng của Chư Thiên giả liền xa lìa sự kiêu ngạo về sắc đẹp của mình. Sau khi phá bỏ sự kiêu ngạo về sắc đẹp của Chư Thiên thật, Chư Thiên giả liền phát ra âm thanh ca vịnh lấn át tiếng ca vịnh của Chư Thiên thật.

Hương thơm, sắc đẹp, tướng mạo của Chư Thiên giả và Thiên Nữ giả đều hơn Chư Thiên thật. Khi ấy cảnh giới nơi năm dục và tất cả dục lạc của Chư Thiên thật đều bị cảnh giới của năm dục và tất cả dục lạc của Chư Thiên giả lấn át.

Đó là do Vua Trời Dạma tạo phương tiện làm cho sự kiêu ngạo của Chư Thiên mỏng dần. Khi Chư Thiên giả và Chư Thiên thật tập trung lại một chỗ thì oai đức và ánh sáng của Chư Thiên thật đều ẩn mất. Giống như ở Diêm Phù Đề khi ánh sáng Mặt Trời xuất hiện thì ánh sáng của trăng, sao đều biến mất, oai đức của Chư Thiên giả khiến cho ánh sáng của Chư Thiên thật diệt mất cũng giống như vậy.

Khi ấy, Chư Thiên giả phát ra tiếng ca rất hay che lấp mất tiếng ca của Chư Thiên thật. Tiếng của Chư Thiên thật so với tiếng của Chư Thiên giả cũng giống như tiếng ca của loài người so với tiếng ca của Chư Thiên. Sắc đẹp và hình tướng của các vị Hóa Thiên so với Chư Thiên thật cũng giống như sắc đẹp và hình tướng của Trời Dạ Ma so với loài người.

Lúc đó Chư Thiên thật rất hổ thẹn đi về phía ao rộng. Ở trên hoa sen lớn trong ao, Chư Thiên giả ca múa vui đùa, đầy đủ công đức nơi năm dục của Chư Thiên, thành tựu các việc vui, ca múa vui cười ân ái với nhau. Tất cả thú vui của Chư Thiên giả đều hơn Chư Thiên thật.

Chư Thiên giả nói kệ cho Chư Thiên thật nghe bằng cách ca tụng:

Tất cả nghiệp giống nhau

Được thú vui Cõi Trời

Mạng Trời và thú vui

Nghiệp hết liền không còn.

Vì vậy người nào còn

Hưởng lạc thú Cõi Trời.

Đều là nhờ phước đức

Vô phước thì rất khổ.

Mạng sống không tạm dừng

Sắc đẹp cũng như vậy

Cái chết đến rất lẹ

Chớ có sống phóng dật.

phóng dật thường phá hỏng

Tất cả các thú vui

Mạng bị thần chết diệt

Chớ có sống phóng dật.

Các căn không thể kềm

Cảnh giới không thể ngăn

Người trí làm chủ được

Đối với các cảnh giới.

Vậy nên bỏ ngu si

Thường tu tập trí tuệ

Thường xa lìa các lỗi

Gốc của sự bất lợi.

Phóng dật sinh tham dục

Tham dục là nhân khổ

Sinh tử đều là khổ

Pháp sinh diệt như vậy.

Nếu lìa bỏ phóng dật

Thì không ưa cảnh giới

Xa lìa các lỗi lầm

Được thú vui giải thoát.

Phóng dật là cây khổ

Là gốc của khổ lớn

Phóng dật hay phá hoại

Tất cả các chúng sinh.

Sắc đẹp là vô thường

Chẳng vui chẳng hòa hợp

Được rồi lại bị mất

Hữu tình đều như vậy.

Việc ưa thích cảnh giới

Đều là nhân trói buộc

Hễ được liền lớn dần

Như lửa gặp củi khô.

Không biết đủ như vậy

Thì không gọi là vui

Nếu lìa được tham ái

Mới được gọi là vui.

Nếu lìa vui sinh tử

Mới chính là thường lạc

Nếu bị dục sai khiến

Thì không gọi là vui.

Vua Trời Dạ Ma Mâu Tu Lâu Đà dùng sức nơi phương tiện để dẹp bỏ sự ngã mạn của Chư Thiên, dùng lời ca vịnh này là âm thanh hay nhất trước đây chưa từng nghe để dẫn dụ Chư Thiên, làm cho các vị Trời thật nhờ nghe tiếng ca mà được nghe pháp.

Sau khi nghe xong, nhờ xưa kia đã từng tu tập nên Chư Thiên liền giác ngộ ý nghĩa của lời ca ấy, sinh tâm nhàm chán và nói: Chư Thiên ấy hơn ta về mọi thứ mà còn lìa bỏ phóng dật và nói kệ tụng huống gì là người hèn kém như ta sao lại sống phóng dật.

***

icon

Tổng hợp

Cùng chủ đề

Phật Thuyết Kinh đại Bát Nhã Ba La Mật đa - Hội Thứ Ba - Phẩm Ba Mươi Mốt - Phẩm Tuyên Hóa - Phần Ba

Kinh Đại thừa   •   25.12.2023
Hán dịch: Ngài Tam Tạng Pháp Sư Cưu Ma La Thập, Đời Diêu Tần