Phật Thuyết Kinh Chánh Pháp Niệm Xứ - Phẩm Sáu - Phẩm Quán Thiên Dạ Ma Thiên - Tập Tám Mươi Sáu

Kinh Đại thừa   •   Thứ hai, 25/12/2023, 22:18 PM

Hán dịch: Ngài Tam Tạng Pháp Sư Bát Nhã Lưu Chi, Đời Nguyên Ngụy

PHẬT THUYẾT

KINH CHÁNH PHÁP NIỆM XỨ

Hán dịch: Ngài Tam Tạng Pháp Sư

Bát Nhã Lưu Chi, Đời Nguyên Ngụy  

PHẨM SÁU

PHẨM QUÁN THIÊN

DẠ MA THIÊN  

TẬP TÁM MƯƠI SÁU  

Khi ấy, Bồ Tát Khổng Tước Chúa nói kệ:

Phá hoại ở thế gian

Già, bệnh, chết không dứt

Là do nơi ba độc.

Giặc lớn năm cảnh giới

Cướp bóc của cải thiện

Giặc đó giả thân thuộc

Đi ở nơi hiểm ác.

Tâm phóng dật bất thiện

Vướng chặt vào cảnh giới

Có thể dắt chúng sinh

Mau đến ba đường ác.

Người nào có thể biết

Bốn Thánh đế chân thật

Người ấy mau đến được

Nơi an ổn tịch tĩnh.

Dứt trừ gốc rễ độc

Làm tăng thêm công đức

Lìa bỏ tâm biếng nhác

Đừng gần gũi bạn ác.

Tỳ Kheo nào tinh tấn

Siêng tu quán sự chết

Liền được nơi vô thượng

Lìa hẳn già, bệnh, chết.

Người nào biết căn, trần

Đúng như thật về nó

Nương tựa chánh trí tuệ

Liền vượt được biển hữu.

Niệm sự chết sinh sợ

Lìa kiêu mạn, biếng nhác

Gần gũi người trí tuệ

Không bị ác nhiễm tâm.

Siêng năng, tâm mềm dẻo

Tu tập lìa việc ác

Chánh kiến, tâm không động

Nên gần gũi người này.

Ai gần gũi bạn ác

Thì không được pháp lành

Nếu gần người thù thắng

Thì không sợ tai họa.

Một niệm và khoảnh khắc

Ngày đêm thường không lìa

Người trí thường niệm chết

Không có nơi trốn thoát.

Niệm sự chết hơn hết

Các niệm khác không bằng

Tu hành được tịch diệt

Lìa hẳn bụi cấu nhiễm.

Nếu có niệm sợ chết

Thì không sinh tâm ác

Tâm lìa mọi lỗi lầm

Sẽ được nơi tịch diệt.

Thắng quả không phóng dật

Thế Tôn nói như vậy

Ai thường sợ cái chết

Thì lìa các điều ác.

Khi ấy, Bồ Tát Khổng Tước Chúa đã nói pháp này cho Chư Thiên. Pháp thứ mười bảy có nhiều lợi ích cho Sa Môn, Bà La Môn là xa lìa sự ngạo mạn về sắc đẹp, dòng họ và sự giàu có. Người nào kiêu mạn về nhan sắc, dòng họ và sự giàu có là người ngu si, thân, miệng, ý đều gây nghiệp ác.

Do nhân duyên đó, khi chết họ bị đọa vào địa ngục, ngạ quỷ, súc sinh, luân chuyển khắp nơi, chịu vô số lần chết đi sống lại rất khổ não, không thể nói hết. Đã biết tai họa của nó, ta không nên kiêu mạn về sắc đẹp, dòng họ và sự giàu có.

Người nào lìa bỏ kiêu mạn này thì không gây nghiệp ác nơi thân, miệng, thấy như thật sắc là vô thường, khổ, không, vô ngã, không có thật, không chắc chắn, là vật bất tịnh, do tóc, lông, móng, răng, da, thịt hòa hợp với vô số xương, tủy, thịt mỡ, phân, nước tiểu, máu, mủ đầy trong đó. Sắc thân này đầu, giữa, cuối đều bất tịnh, do vô số phiền não sinh ra, vô thường, không chắc chắn, không thật, không có ngã.

Lúc ta chết, thân này không làm bạn với ta cho đến một bước. Nó bị đem bỏ ở gò mả hoặc bị lửa thiêu, hoặc bị chim cắt, chim thứu, quạ, diều hâu, chồn, chó ăn thịt. Người nào tư duy nhớ nghĩ như vậy thì sự kiêu ngạo về sắc đẹp sẽ bị tiêu diệt hoặc giảm bớt.

Sa Môn, Bà La Môn nào kiêu ngạo về dòng họ thì tự nói dòng họ ta là hơn hết. Nếu quan sát như thật về chân đế thì không có dòng họ, đó chỉ là sự phân biệt hư dối. Do ngu si, họ sinh ra phân biệt dòng họ này thù thắng, dòng họ kia hạ tiện. Nhưng thực tế thì không phải như vậy, bởi vì do có sinh nên mới có dòng họ và nó thay đổi luôn luôn.

Người nào thật có công đức trì giới, bố thí, trí tuệ định tâm, điều phục thì người ấy tuy sống trong dòng họ hạ tiện cũng được gọi là dòng họ lớn nhờ họ có công đức thù thắng. Công đức đó chẳng phải công đức do dòng họ sinh ra, chẳng phải do sinh mà có, nếu không có công đức thì không có nhân duyên sinh trong dòng họ lớn. Vì vậy Sa Môn, Bà La Môn không nên kiêu ngạo về dòng họ.

Lại quan sát sự kiêu ngạo về sắc. Sa Môn, Bà La Môn và người khác quan sát sắc thân ta lúc mới đẻ tuy có sắc mạo nhưng chỉ nghểnh mặt không động đậy, chẳng phải là sắc thân lúc cử động được, sắc thân lúc cựa quậy được chẳng phải là sắc thân lúc bò lổm ngổm.

Cho đến sắc thân lúc thiếu niên chẳng phải là sắc thân lúc trung niên, sắc thân lúc trung niên chẳng phải là sắc thân lúc già, sắc thân lúc già chẳng phải là sắc thân lúc chết, sắc thân lúc chết chẳng phải là sắc thân đã chết lâu, tử thi ta bị các con ruồi rúc rỉa, bị giòi bọ đục khoét, bị gió thổi, bị phơi nắng, bị ngâm nước mưa ẩm ướt thối rữa, tất cả bị phá hoại phân tán khắp nơi trong nghĩa địa.

Thân này bị phân ra thành vô số phần, các đốt xương rã rời, đầu lâu lìa khỏi thân, cổ, họng, vai, cánh tay, ngón tay, móng tay, xương hông, xương chậu, xương chân, xương mắt cá, xương bàn chân, xương ngón tay, mỗi thứ một nơi. Sau khi quan sát như thật về sắc thân ta sẽ lìa bỏ sự kiêu ngạo về sắc.

Làm sao để quan sát như thật về sự kiêu ngạo do giàu có và sau khi quan sát xong sẽ xa lìa tất cả thế gian?

Ta phải quán thấy như thật tất cả thế gian đều không tự tồn tại, vô số pháp đều không tự tồn tại thì pháp này làm sao tự tồn tại. Tất cả pháp hữu vi đều do nhân duyên trói buộc, không được tự chủ, chúng do nhân duyên sinh. Giống như cái nhà do ván, cây ràng buộc nương tựa lẫn nhau nên gọi là nhà.

Thân cũng như vậy, do da, thịt, mỡ, gân, tủy, xương hòa hợp gọi là thân chớ không tự tồn tại. Tướng sắc thân này không có người làm ra.

Sau khi Sa Môn, Bà La Môn quan sát như thật thì sự kiêu ngạo về sắc thân, dòng họ và sự giàu có đều bị tiêu diệt hoặc giảm bớt.

Lại nữa, có người do không quan sát như thật nên phát sinh kiêu ngạo về dòng họ. Nếu người đó quan sát như thật thì thấy dòng họ này chỉ do phân biệt mà có, do người ngu si nhớ nghĩ một cách hư dối.

Nếu thực hành bố thí, trì giới, trí tuệ, tịnh hạnh, chánh kiến, hòa hợp thì đó là dòng họ thù thắng, không phải như người ngu si sinh tâm kiêu ngạo khi nghĩ về dòng họ thù thắng một cách hư dối. Sa Môn, Bà La Môn và người khác nếu có thể biết như thật về dòng họ thì tất cả sự kiêu ngạo về dòng họ đều bị tiêu diệt hoặc giảm bớt.

Khi ấy, Bồ Tát Khổng Tước Chúa nói kệ mà Phật Ca Ca Thôn Đà đã nói:

Ai thường kiêu ngạo về

Sắc, dòng họ, tài sản

Người đó như voi say

Không thấy bờ nguy hiểm.

Tất cả các kiêu mạn

Phóng dật loạn các căn

Hiện đời bị người khinh

Khi chết đọa đường ác.

Người nào sinh kiêu mạn

Bị sắc, giàu làm mù

Người đó không được vui

Khi chết vào đường ác.

Kiêu mạn về sắc, giàu

Chẳng phải thấy như thật

Ngu si không trí tuệ

Không thể vượt biển khổ.

Sắc, dòng họ, của cải

Và đủ các thú vui

Tất cả đều vô thường

Người trí không nên tin.

Ai lìa thí, giới, trí

Thì không có dòng họ

Ai có thí, trí, giới

Là dòng họ tối thắng.

Ngu chẳng phải là giàu

Chẳng họ hàng đường lành

Vì vậy trí là nhân

Vô trí không dòng họ.

Ai giữ gìn tịnh giới

Giống như ao trong mát

Ấy là dòng họ lớn

Là chủng tử thù thắng.

Bố thí, giới và trí

Dũng mãnh thật tinh tấn

Tương ưng những pháp đó

Là dòng họ thù thắng.

Ai lìa bỏ chánh pháp

Chẳng phải dòng xuất gia

Không gọi là Sa Môn

Không gọi bậc phạm hạnh.

Nếu tu tập chánh pháp

Có thí, giới, trí tuệ

Mới gọi là Sa Môn

Mới gọi bậc phạm hạnh.

Già cướp đoạt tuổi trẻ

Chết cắt đứt mạng căn

Của cải ắt tan rã

Tất cả pháp như vậy.

Bệnh hủy hoại sức mạnh

Làm chúng sinh trôi lăn

Người trí tuệ nên lìa

Kiêu mạn sắc, của cải.

Đã biết việc ác này

Còn ai sinh kiêu ngạo

Người trí cần xả bỏ

Kiêu ngạo về sắc của

Do tu tập pháp lành

Nên không có khổ não.

Bồ Tát Khổng Tước Chúa thuyết pháp như vậy cho Chư Thiên.

Sa Môn, Bà La Môn lại có pháp hành thứ mười chín là phát sinh tâm bình đẳng đối với tất cả chúng sinh. Nếu Sa Môn, Bà La Môn và những người khác có tâm bình đẳng thì sẽ đạt được thú vui bậc nhất, được tất cả mọi người kính yêu, khi chết sinh vào đường lành là Cõi Trời.

Làm sao để sinh tâm bình đẳng đối với tất cả chúng sinh?

Sa Môn, Bà La Môn nào xả bỏ tranh luận, không tranh cãi với người khác thì sẽ có được tâm bình đẳng đối với tất cả chúng sinh. Vì vậy muốn đạt được tâm bình đẳng đối với tất cả chúng sinh ta phải xả bỏ tranh luận.

***

icon

Tổng hợp

Cùng chủ đề

Phật Thuyết Kinh đại Bát Nhã Ba La Mật đa - Hội Thứ Ba - Phẩm Ba Mươi Mốt - Phẩm Tuyên Hóa - Phần Ba

Kinh Đại thừa   •   25.12.2023
Hán dịch: Ngài Tam Tạng Pháp Sư Cưu Ma La Thập, Đời Diêu Tần