Phật Thuyết Kinh Chiêm Sát Thiện ác Nghiệp Báo - Phần Hai

Kinh Đại thừa   •   Thứ hai, 25/12/2023, 22:17 PM

Hán dịch: Ngài Tam Tạng Pháp Sư Bồ Đề Đăng, Đời Tùy

PHẬT THUYẾT KINH

CHIÊM SÁT THIỆN ÁC NGHIỆP BÁO

Hán dịch: Ngài Tam Tạng Pháp Sư

Bồ Đề Đăng, Đời Tùy  

PHẦN HAI  

Lại nữa, chiêm nghiệm trong luân tướng ban đầu chỉ có nghiệp thiện của thân, thì ở trong luân thứ hai này là việc ác của thân nghĩa là không có chí tâm không được tương ứng gọi là nói trống rỗng. Lại nữa, không tương ứng là chiêm nghiệm trong luân tướng ban đầu đắc được nghiệp không giết hại và nghiệp không trộm cắp, quán xét về nghiệp không giết hại, trước hết, ý làm chủ mà trong luân tướng thứ hai thấy bị ác của thân thì gọi là không tương ứng.

Lại nữa, nếu quán hiện tại từ khi sinh đến về sau không thích giết hại, không tạo tội giết hại nhưng ý làm chủ nghĩ nghiệp giết hại, nhưng ở trong luân tướng thứ hai, thân mắc nhiều tội ác, gọi là không tương ứng, ngoài thân ra, nghiệp trong miệng, nghĩa không tương ứng cũng lại như vậy.

Thiện Nam nên biết! Nếu đời vị lai, các chúng sinh muốn mong cầu giải thoát sinh, lão, bệnh thì ban đầu học phát tâm, tu tập thiền định, trí tuệ vô tướng thì trước hết phải chiêm nghiệm nghiệp ác đã tạo đời trước nhiều, ít cho đến nhẹ hay nặng, nếu nghiệp ác nhiều thì không được học thiền định trí tuệ, nên biết trước phải thực hành pháp sám hối.

Vì sao?

Vì người này đã tích chứa tâm ác rất mạnh mẽ. Hiện tại chắc chắn tạo nhiều tội ác, hủy phạm giới cấm, do phạm giới trọng, nếu không sám hối để được thanh tịnh mà tu tập trí tuệ thiền định thì có nhiều chướng ngại không thể đạt được, hoặc tâm bị tán loạn, hoặc vị ngoại đạo tà kiến làm não hại, hoặc lãnh thọ pháp tà kiến, tăng trưởng ác kiến.

Vì thế trước phải thực hành pháp sám hối. Nếu giữ giới căn bản thanh tịnh tội trọng đời trước rất ít thì xa lìa các chướng ngại.

Này Thiện Nam! Người muốn tu tập pháp sám hối nên an trú nơi vắng lặng, tùy theo năng lực có thể tôn nghiêm Đức Phật ở trong phòng và trang trí Kinh Pháp, treo cờ lụa, lọng, tìm những hương hoa để cúng dường, tắm tẩy thân thể và mặc y phục giặt sạch chớ để mùi hôi xông lên. Ở trong thất này ngày đêm chia ra ba thời đọc tụng danh hiệu.

Nhất tâm đảnh lễ bảy Đức Phật ở quá khứ và năm mươi ba Đức Phật, lại quay mặt về mười phương, mỗi một phương tâm đều suy nghĩ, đảnh lễ khắp tất cả sắc thân, xá lợi, hình tượng, nơi tháp miếu của Chư Phật, tất cả những việc của Phật.

Lại nữa, đảnh lễ tất cả Chư Phật trong ba đời mười phương, tâm nghĩ đảnh lễ hết Tạng pháp ở mười phương, tâm nên nghĩ đảnh lễ tất cả Hiền Thánh khắp mười phương. Sau đó, càng biết rõ tụng danh hiệu, lễ bái Đại Bồ Tát Địa Tạng ta, đảnh lễ như vậy rồi nên nói những tội đã làm, nhất tâm cầu khẩn.

Nguyện xin chư đại bi mười phương tôn chứng biết cứu giúp, hôm nay, con xin sám hối lại không dám tạo tội nữa, nguyện con và chúng sinh mau chóng diệt trừ mười ác, bốn tội trọng, năm tội nghịch điên đảo hủy báng Tam Bảo, tội Nhất xiển đề đã gây từ vô lượng kiếp đến nay.

Lại nên suy nghĩ tánh tội như vậy, chỉ theo vọng tưởng hư dối, tâm điên đảo khởi, không có thật nhất định mà có thể đạt được bản tánh vắng lặng của hư không.

Nguyện con và tất cả chúng sinh mau đạt được bản tánh của tâm, diệt trừ hoàn toàn nguồn gốc tội lỗi, lại thường nên phát nguyện, nguyện cho tất cả Bồ Tát mười phương chưa thành Chánh Giác thì mau chứng thành Chánh Giác, nếu chứng thành Chánh Giác rồi nguyện thường an trú ở đời để chuyển bánh xe chánh pháp, không nhập Niết Bàn, lại nữa nên phát nguyện tùy hỷ, nguyện con và tất cả chúng sinh trừ bỏ hoàn toàn tâm ganh ghét, ở tất cả cõi Phật trong ba đời thường tu học các công đức, tất cả thành tựu đều tùy hỷ.

Lại nữa phát nguyện hồi hướng, nguyện tất cả những công đức đã tu tập của con, các vật dụng đều ban cho hết thảy chúng sinh, cùng chứng được trí tuệ của Phật đến thành Niết Bàn.

Đã phát nguyện hồi hướng như thế rồi lại đến ngồi ngay thẳng giữa tịnh thất yên tĩnh, chú tâm hoặc đọc tụng hoặc nhớ nghĩ danh hiệu của ta thì sẽ giảm bớt ngủ nghỉ, nếu nhiều hôn mê mê tối nên ở trong tịnh thất Đạo Tràng đọc tụng liên tục.

Lại nữa, ban đêm phân chia từng thời, nếu có ánh sáng của đèn đuốc thì làm việc cũng chia ra ba thời, cung kính cúng dường, sám hối tội lỗi và phát nguyện.

Nếu không đủ ánh sáng để làm việc thì phải ngồi trong tịnh thất chú tâm tụng niệm, mỗi ngày thường thực hành pháp sám hối, chớ có biếng nhác. Nếu người đời trước từ bỏ các việc căn bản thiện thì tạm thời gặp phải nhân duyên ác nên tạo pháp ác, tội chướng có chút ít nhưng tâm người đó có năng lực rất mạnh mẽ, sau bảy ngày liền được thanh tịnh diệt trừ được chứng ngại.

Như vậy, những nghiệp của chúng sinh có dày nhiều mỏng ít, các căn lợi, độn sai khác vô lượng, hoặc trải qua mười bốn ngày mới được thanh tịnh, hoặc trải qua hai mươi mốt ngày, cho đến bốn mươi chín ngày mới được thanh tịnh. Nếu ở quá khứ, hiện tại đều tăng trưởng các tội trọng thì trải qua trăm ngày mới được thanh tịnh, hoặc trải qua hai trăm ngày cho đến ngàn ngày mới được thanh tịnh.

Nếu căn cơ quá thấp kém, tội chướng lại rất nặng thì phải nên phát tâm dũng mãnh không tiếc thân mạng, đêm ngày thường xuyên đọc tụng liên tục bỏ bớt ngủ nghỉ, làm lễ sám hối phát nguyện, thích tu tập cúng dường không lười biếng, không bỏ phế cho đến bỏ mất thân mạng cũng không thoái lui, tinh tấn như vậy ở trong ngàn ngày, chắc chắn được thanh tịnh.

Này Thiện Nam! Nếu muốn đạt được tướng trí tuệ thanh tịnh, thì tu tập thực hành qua bảy ngày mỗi một ngày vào buổi sáng sớm đem luân tướng thứ hai đặt ở trong bàn tay thường ném xuống ba lần, nếu thân, miệng, ý đều toàn thiện thì gọi là được thanh tịnh.

Như vậy các chúng sinh ở vị lai có thể tu tập sám hối từ quá khứ lâu xa đến nay, ở trong Phật Pháp đã thực hành điều thiện, tùy theo sự tu tập có những công đức gì, nghiệp có nhiều, ít, nhiều loại sai khác. Vì thế, những người đó được thanh tịnh thì tướng cũng không giống nhau.

Hoặc có chúng sinh ba nghiệp được thuần hoàn toàn thiện, liền được các tướng tốt khác, hoặc có chúng sinh ba nghiệp được tướng đẹp thì ở trong một ngày, một đêm lại thấy ánh sáng chiếu khắp cả tịnh thất, hoặc nghe những mùi hương thơm ngào ngạt lạ thường, thân ý vui vẻ, hoặc sinh mộng lành, trong mộng thấy sắc thân Đức Phật đến làm lễ ấn chứng, cầm tay, xoa đầu khen ngợi rằng:

Lành thay, hôm nay, ông được thanh tịnh ta đến ấn chứng cho ông, hoặc trong mộng thấy thân của Bồ Tát đến làm ấn chứng, hoặc mộng thấy hình tượng Đức Phật phóng hào quang làm ấn chứng.

Nếu người chưa được tướng lành của ba nghiệp, trước hết chỉ nghe thấy những việc này thì là nói hư dối vọng ngữ mê hoặc, lừa gạt chẳng phải tướng lành. Nếu người đã từng có căn lành xuất thế, giữ gìn tâm mạnh mẽ.

Bây giờ, ta tùy theo người đáng độ để thị hiện thân phóng ánh sáng đại bi khiến họ được an ổn, xa lìa các nghi ngờ, lo sợ, hoặc thị hiện các loại thần thông biến hóa, khiến cho họ tự nhớ lại những việc thiện ác đã làm đời trước, hoặc tùy theo sự ưa thích của họ để thuyết giảng những pháp căn bản sâu xa, người ấy liền hướng về đại thừa có lòng tin chắc chắn, hoặc dần dần chứng được quả đạo Sa Môn.

Lại nữa, những chúng sinh đó, tuy chưa thấy ta thị hiện thân thuyết pháp, nhưng phải tu học nhất tâm, khiến thân, miệng, ý đều được thanh tịnh: Ta cũng cứu giúp khiến chúng sinh đó nhanh chóng diệt trừ các chướng ngại, Thiên Ma Ba Tuần không đến phá hoại được. Cho đến làm thầy chín mươi ngoại đạo tà kiến, tất cả quỷ thần cũng không đến quấy nhiễu. Năm triền cái dần dần giảm đi, thật có khả năng tu tập các trí tuệ thiền định.

Lại nữa, nếu các chúng sinh ở đời vị lai tuy không vì cầu trí tuệ thiền định, phát ra từ đạo chính yếu, chỉ vì những người bị nguy hiểm, bần khổ, thiếu thốn, lo buồn, khổ não dày vò thì cũng nên cung kính lễ bái cúng dường, sám hối việc làm ác, thường phát nguyện, đối với tất cả thời, tất cả nơi, siêng năng nhất tâm đọc tụng danh hiệu của ta, làm thật chí thành cũng sẽ nhanh chóng thoát khỏi khổ não, xả bỏ thân mạng này rồi sinh vào nơi tốt lành.

Lại nữa, đời vị lai những chúng sinh tại gia hoặc xuất gia, muốn cầu thọ giới thanh tịnh vi diệu, nhưng trước đó đã phạm tội trọng quá nhiều thì không được thọ. Cũng phải như phương pháp sám hối trên, làm một cách chí tâm, thân, miệng ý đều lành, liền có thể thọ giới.

Nếu những chúng sinh đó muốn tu tập đạo đại thừa, mong cầu thọ giới trọng căn bản của Bồ Tát nguyện đều thọ tất cả giới cấm của tại gia và xuất gia, nghĩa là nhiếp luật nghi giới, nhiếp thiện pháp giới, nhiếp hóa chúng sinh giới, mà không thể gặp được thầy truyền giới hoàn hảo, giảng thuyết rộng rãi Tạng pháp của Bồ Tát, trước hết phải tu tập thực hành, phải chí tâm cung kính cúng dường trong Đạo Tràng.

ngưỡng mong Bồ Tát Chư Phật mười phương làm thầy chứng minh, nhất tâm lập nguyện ca ngợi giới tướng, trước hết nói về mười giới trọng căn bản, thứ đến nên thuyết hết ba loại tụ giới Tam tụ tịnh giới tự mình phát nguyện mà thọ giới, ở đây cũng được đắc giới.

Lại nữa, các chúng sinh ở đời vị lai muốn cầu xuất gia và đã xuất gia, nếu không thể gặp được thầy truyền giới hoàn hảo và Tăng Chúng thanh tịnh, tâm của người ấy nghi ngờ không được đúng như pháp thọ trì cấm giới, chỉ có thể học phát tâm đạo vô thượng, cũng đã làm cho thân, miệng, ý đều thanh tịnh.

Người đó chưa xuất gia mà phải cắt tóc mặc y pháp phục như đã lập nguyện trên, tự mình phát nguyện thọ trì ba loại tụ giới luật nghi của Bồ Tát thì gọi đắc được đầy đủ giới Ba la đề mộc xoa. Giới xuất gia gọi là Tỳ Kheo, Tỳ Kheo Ni, tức là tìm cầu Tạng luật Thanh Văn và Tạng luận, tu tập Bồ Tát, thọ trì, đọc tụng, quán xét tu hành.

Nếu tuy xuất gia mà tuổi chưa đủ hai mươi, trước hết nên phải phát nguyện thọ mười giới căn bản và thọ giới khác là Sa Di và Sa Di Ni, đã thọ giới cũng gọi Sa Di, Sa Di Ni, tức cần thân cận cúng dường, thị giả những vị xuất gia trưởng thượng, học tâm đại thừa thọ giới cụ túc, tìm thầy nương tựa, thưa hỏi giáo giới thực hành oai nghi như pháp Sa Di, Sa Di Ni, nếu người không được như vậy thì nguyện được gần gũi Bồ Tát, thực hành Tạng luận, đọc tụng, suy nghĩ, quán xét, tu tập, siêng năng cúng dường ba ngôi báu Phật, Pháp, Tăng.

Nếu Sa Di Ni tuổi đã được mười tám cũng nên phát nguyện thọ sáu pháp giới Thức Xoa Ma Na trong Tạng luật và học hết tất cả giới tụ của Tỳ Kheo Ni.

Người ấy nếu đủ hai mươi tuổi, có thể như trên thọ tất cả ba loại giới tụ của Bồ Tát, sau đó được gọi Tỳ Kheo Ni. Nếu chúng sinh đó tuy học sám hối mà không thể chí tâm, không được tướng tốt, giả sử đã thọ giới đều không gọi đắc giới.

Bấy giờ, Đại Bồ Tát Kiên Tịnh Tín hỏi Đại Bồ Tát Địa Tạng: Tôn Giả thuyết giảng về sự sai khác của chí tâm có mấy loại?

Chí tâm đắc được tướng tốt là thế nào?

Đại Bồ Tát Địa Tạng bảo: Này thiện nam! Ta đã thuyết giảng tóm lược về chí tâm có hai loại.

Hai đó là:

1. Ban đầu mới tu tập chí tâm mong cầu.

2. Giữ gìn tâm ý thường tinh tấn, chí tâm tương ứng thành tựu mạnh mẽ.

Hoàn thành được hai loại chí tâm này thì có thể đắc được tướng tốt. Hai loại chí tâm này lại có ba hạng sai khác là thượng, trung, hạ.

Ba hạng là:

1. Nhất tâm, có nghĩa trói buộc vọng tưởng, tâm an trú không tán loạn.

2. Tâm dũng mãnh, nghĩa là thường mong cầu không lười biếng, không kể thân mạng.

3. Tâm sâu xa, nghĩa là cùng với pháp tương ứng hoàn toàn không thoái lui.

Nếu người tu tập pháp sám hối này mà không được chí tâm bậc hạ thì hoàn toàn không được tướng tốt thanh tịnh. Đây gọi là chiêm nghiệm pháp luân thứ hai.

Này Thiện Nam! Nếu muốn chiêm nghiệm bị sự sai khác của quả báo trong ba đời thì phải khắc vào bảng gỗ sáu luân vòng. Ở luân thứ sáu này dùng một số một, hai, ba, bốn, năm, sáu, bảy, tám, chín, mười, mười một, mười hai, mười ba, mười bốn, mười lăm, mười sáu, mười bảy, mười tám viết vào đó.

Mặt thứ nhất viết số một làm gốc, còn ba mặt khác, viết tuần tự không sai, không lẫn lộn, nên biết các số này đều từ một số mà phát sinh, dùng số một làm gốc, những số như vậy đều biểu thị tập hợp sáu căn của chúng sinh, tất cả từ một cảnh giới thật với tâm thanh tịnh, tự tánh tạng của Như Lai mà sinh khởi, nương vào một cảnh giới thật để làm căn bản gọi là nương vào cảnh giới thật.

Người bị vô minh không hiểu rõ một pháp giới, nhớ nghĩ sai lầm hiển bày cảnh giới vọng tưởng, phân biệt chấp trước nhân duyên của nghiệp tập, phát sinh sáu căn: Mắt, tai, mũi, lưỡi, thân, ý.

Vì do sáu căn bên trong tiếp xúc sáu trần sắc, thanh, hương, vị, xúc, pháp bên ngoài phát sinh sáu thức: Nhãn thức, nhĩ thức, tỷ thức, thân thức, ý thức, vì nương sáu thức nên đối với sắc, thanh, hương, vị, xúc, pháp sinh khởi tưởng trái nghịch, tưởng thuận, những tưởng chẳng trái, chẳng thuận, phát sinh mười tám thọ.

***

icon

Tổng hợp

Cùng chủ đề

Phật Thuyết Kinh đại Bát Nhã Ba La Mật đa - Hội Thứ Ba - Phẩm Ba Mươi Mốt - Phẩm Tuyên Hóa - Phần Ba

Kinh Đại thừa   •   25.12.2023
Hán dịch: Ngài Tam Tạng Pháp Sư Cưu Ma La Thập, Đời Diêu Tần