Phật Thuyết Kinh đồng Tử Thiện Tư - Phần Năm

Kinh Đại thừa   •   Thứ hai, 25/12/2023, 22:17 PM

Hán dịch: Ngài Tam Tạng Pháp Sư Xà Na Quật Đa, Đời Tùy

PHẬT THUYẾT

KINH ĐỒNG TỬ THIỆN TƯ

Hán dịch: Ngài Tam Tạng Pháp Sư

Xà Na Quật Đa, Đời Tùy  

PHẦN NĂM  

Bồ Tát không biếng trễ

Không bị người hủy nhục

Đó là tinh tấn nhất

Gọi là không lấy, bỏ.

Thân tâm thiện chất trực

Có thể hành hạnh này

Đó là tinh tấn nhất

Vì các Bồ Tát nói.

Bồ Tát nếu lười biếng

Không phát khởi các hành

Không lấy cũng không bỏ

Trụ đó tinh tấn nhất.

Cõi tâm không thủ đắc

Hoặc ngoài hoặc ở trong

Nên gọi tâm tịch định

Tâm ấy không xứ sở.

Duyên dựa và tâm hành

Trong chân như không có

Tam muội ấy khó bàn

Thị hiện định như vậy.

Ta nói tam muội này

Tu Già Đà tự tại

Có thể hành hạnh ấy

Ta nói đạt định ấy.

Không dùng trí biết được

Có các pháp chân như

Chân như và trí tuệ

Hai biên này không có.

Pháp này không thủ đắc

Đó là cảnh giới thức

Pháp không do thức biết

Tịch xứ ấy chân thể.

Người biết được như vậy

Người ấy đạt chân niệm

Bồ Tát hành chân như

Người đời không thể hành.

Thù thắng tất cả chúng

Vì chúng sinh thuyết pháp

Đã không tướng chúng sinh

Huống là có đồ chúng.

Chúng sinh như huyễn hóa

Huyễn hóa cũng không có

Người hay nói như vậy

Là người không sợ hãi.

Hoặc ta, hoặc thân khác

Cả hai đều không có

Có thể đạt trí này

Không hề có kinh sợ.

Ở trong và ở ngoài

Hữu tướng rốt ráo không

Tâm không chỗ khiếp nhược

Vượt hẳn tất cả đời.

Các pháp không tự thể

Giống như hành hư không

Đã như hành hư không

Pháp chân như cũng vậy.

Trí này khéo biết rõ

Bồ Tát không chỗ sợ

Khéo biết tất cả pháp

Là biết hành chúng sinh.

Đã biết không chúng sinh

Tất cả pháp cũng vậy

Biết rõ về trí, cõi

Cõi ấy không thủ đắc.

Nếu vào pháp môn này

Đường ấy là tối thắng

Có thể từ đường này

Liền biết hành chúng sinh.

Cảnh giới và chúng sinh

Cả hai không có vật

Muốn biết các pháp môn

Cần biết thắng trí này.

Hoặc trong, hoặc ở ngoài

Trí tuệ không xứ tập

Trong các pháp vô ngại

Nên gọi là thật tế.

Các pháp khó nghĩ bàn

Nên gọi là pháp Phật

Kia không có nơi chốn

Chỗ ấy lại cũng không.

Nếu có thể hành vậy

Thế gian không chướng ngại

Trí đã không có ngại

Nên gọi là trí Phật.

Các pháp khó nghĩ bàn

Chúng kia không chân chánh

Các pháp đã không thể

Là biết pháp Chư Phật.

Phật và pháp Chư Phật

Cả hai đều không có

Vì không có bồ đề

Đó gọi là Phật Đạo.

Người nương đại thừa này

Đến chỗ pháp an lạc

Đời này là tối thắng

Người đời không thủ đắc.

Phàm chỗ có thế gian

Chúng sinh tất cả chốn

Bồ Tát là hơn hết

Người hành thắng trí này.

Hay cầu các pháp ấy

Pháp Phật khó nghĩ bàn

Đạt được các pháp này

Ấy liền gần bồ đề.

Bồ đề và các pháp

Cả hai rốt ráo không

Có thể hành như vậy

Liền gần pháp Chư Phật.

Hành giả có thể hành

Không nhiễm các thế gian

Đã không có tâm nhiễm

Thì gần đến bồ đề.

Đức Thế Tôn nói kệ này rồi lại bảo Đồng Tử Thiện Tư: Này Thiện Tư!

Nay ta nêu rõ: Nếu có Đại Bồ Tát nào khéo mặc áo giáp, ở trong Kinh Điển sâu xa như vậy có thể khéo thuyết giảng. Khi khéo giảng nói pháp tối diệu, vi mật, người ấy nghe rồi không kinh hãi, không sợ sệt, không hối hận, không chìm đắm.

Đại Bồ Tát như vậy liền được trú nơi Đạo Tràng Bồ Đề, liền được nhập vào cảnh giới của Chư Phật, liền chứng vô ngại, liền trụ trong pháp môn giải thoát vô vi.

Lại nữa, có thể khéo trụ trong hành vô đắc, tức có thể quán sát tất cả mười phương, tức có thể chứng được đại từ, đại bi, liền đắc mười tám pháp bất cộng của Chư Phật, liền đắc bậc quán đảnh tối đại vô thượng.

Lúc giảng nói pháp sâu xa vi diệu này, có thể có người tin làm, có thể có người tư duy về pháp như vậy. Chư Phật đã quán sát thấy những vị Bồ Tát ấy, tất cả Chư Phật đã hộ trì họ.

Hoặc co Bồ Tát có thể tin hành, hoặc có người không tin hành, thì tất cả Chư Phật cũng đều thấu rõ. Nếu người nào có thể nhập nơi pháp môn ấy thì Chư Phật cũng đã biết rõ. Nếu người nào có thể tin làm pháp môn ấy thì ta sẽ vì các người ấy mà làm thầy, tất cả họ đều theo ta xuất gia.

Bấy giờ, Đức Thế Tôn vì Đồng Tử Thiện Tư, nhằm nêu rõ lại nghĩa này nên nói kệ:

Bậc này chứng Đạo Tràng

Đạo Tràng tức là không

Nếu không thủ bồ đề

Bac kia liền trụ trí.

Các pháp không có ngại

Rốt ráo không thủ đắc

Pháp đã không thủ đắc

Giải thoát cũng như vậy.

Người hành trí Chư Phật

Nơi tất cả các pháp

Và với các pháp hành

Thế Tôn nói như vậy.

Chỗ có ngại, không ngại

Ngu si khởi tâm ấy

Phật cùng Đại Bồ Tát

Không phân biệt như vậy.

Tuy quán pháp thế gian

Thế gian rốt ráo không

Trí hay quán thế gian

Trí ấy cũng không có.

Chúng sinh và Chư Phật

Một loại không phân biệt

Đã không chỗ phân biệt

Từ bi là tối thắng.

Tánh Pháp Giới rộng lớn

Chúng sinh giới cũng vậy

Các Bồ Tát đại trí

Không tư duy như vậy.

Tuy muốn khởi tâm từ

Từ ấy không tự thể

Thể từ và vô tánh

Phi cảnh giới chúng sinh.

Năm ngón lường hư không

Trước không nay cũng không

Các thế gian cũng vậy

Từ bi là tối thắng.

Bậc vô thượng các pháp

Gọi là pháp Chư Phật

Chư Phật không chỗ đắc

Đó tức là chân thể.

Thế Tôn đại từ bi

Không có hình và sắc

Pháp không sắc như vậy

Hành ấy gọi thế gian.

Hư không không bờ bến

Cảnh giới không thể nắm

Pháp Chư Phật như vậy

Người trí hành thuận theo.

Đó là trí vô thượng

Mà trí không thủ đắc

Trí đã không chỗ đắc

Chỗ ấy thật không có.

Bờ này và bờ kia

Hoặc tư duy, hoặc thấy

Bậc ấy không hành này

Thâm diệu là gọi tướng.

Nếu rõ pháp bình đẳng

Tất cả chỗ bình đẳng

Trong pháp hành của ta

Không nhờ cầu tri thức.

Nếu tâm có lấy, bỏ

Phân biệt nơi hai kiến

Người nói có việc này

Chẳng phải tri thức thiện.

Nếu nói pháp này thành

Hoặc nói pháp này diệt

Thiện Tư, Tỳ Kheo ấy

Chẳng phải đệ tử ta.

Người nói chứng khổ diệt

Rốt ráo không thủ đắc

Pháp Sư nói như vậy

Không thể nói pháp ta.

***

icon

Tổng hợp

Cùng chủ đề

Phật Thuyết Kinh đại Bát Nhã Ba La Mật đa - Hội Thứ Ba - Phẩm Ba Mươi Mốt - Phẩm Tuyên Hóa - Phần Ba

Kinh Đại thừa   •   25.12.2023
Hán dịch: Ngài Tam Tạng Pháp Sư Cưu Ma La Thập, Đời Diêu Tần