Phật Thuyết Kinh Chư Pháp Vô Hành - Phần Ba

Kinh Nguyên thủy   •   Thứ hai, 25/12/2023, 22:04 PM

Hán dịch: Ngài Tam Tạng Pháp Sư Cưu Ma La Thập, Đời Diêu Tần

PHẬT THUYẾT

KINH CHƯ PHÁP VÔ HÀNH

Hán dịch: Ngài Tam Tạng Pháp Sư

Cưu Ma La Thập, Đời Diêu Tần  

PHẦN BA  

Khi đó, Bồ Tát Sư Tử Du Bộ bạch Phật: Bạch Thế Tôn! Nay Thế Tôn nói kệ này, sẽ có bao nhiêu người, tự mình đạt được sự lợi ích?

Phật đáp: Này thiện nam! Ông thấy đại chúng ở đây không?

Dạ, đã thấy.

Phật tiếp: Nay, khi ta nói pháp này, có cả vô lượng, vô số chúng sinh, ở trong chúng hội, cùng với các hàng Trời, Rồng, Dạ Xoa, Càn thát bà, A Tu La, Khẩn Tu La, Ca Lầu La, Ma Hầu La Già, đầy khắp cả hư không, do nghe lời pháp mà được sáng suốt. Cho đến các Thế Giới ở phương khác, cũng đều được lợi ích.

Chín vạn hai ngàn Dạ Xoa thần, đều phát tâm Vô Thượng, Chánh Đẳng, Chánh Giác. Có năm trăm vị Tỳ Kheo tăng thượng mạn chưa đắc nói là đắc, nay nghe được pháp này, không còn tăng thượng mạn nữa, đạt được sự tín giải về lòng tin và sự hiểu biết đối với pháp chân chánh, về tất cả các pháp đều là một tướng. Do không thọ nhận các pháp, nên các lậu chấm dứt, liền được giải thoát.

Thế rồi, trong hàng Bồ Tát, cũng có sáu vạn hai ngàn vị, tin hiểu được các pháp là không có tướng chướng ngại và đạt được vô sinh pháp nhẫn.

Tại sao vậy?

Bởi, đây là bài pháp cao tột nhất, trong tất cả bài pháp được nói.

Này Thiện Tử! Như khi xưa, ở chỗ Phật Nhiên Đăng, ta tin hiểu được các pháp là một tướng không ngại, rồi sau đó, ta mới đạt được vô sinh pháp nhẫn, đầy đủ sáu pháp Ba la mật.

Vì sao?

Vì trong hằng hà sa kiếp, nếu có Bồ Tát nào, thực hành bố thí, trì giới, nhẫn nhục, tinh tấn, thiền định, trí tuệ mà lại không thể biết được tướng các pháp là như vậy.

Thì vị ấy, sẽ bị mất sạch tất cả các căn lành.

Thiện nam! Ông thấy chăng, Đề Bà Đạt Đa có căn lành và đức lớn, được thành tựu ba mươi tướng của bậc Đại nhân. Có công đức như vậy, thế mà do không biết tướng các pháp này, nên đã mất sạch căn lành, đọa vào địa ngục lớn.

Thiện nam! Ông nên biết, dù phát tâm đã lâu, có công đức lớn. Nhưng nếu không nhập vào Pháp Môn này, thì đều có thể bị mất sạch các công đức và căn lành.

Thiện nam! Như vô lượng, vô biên, không thể nghĩ bàn, A tăng kỳ kiếp, ở quá khứ.

Có vị Phật, tên là Cao Tu Di Sơn Vương Như Lai, là Bậc Ứng Cúng, Chánh Biến Tri, Minh Hạnh Túc, Thiện Thệ, Thế Gian Giải, Vô Thượng Sĩ, Điều Ngự Trượng Phu, Thiên Nhân Sư, Phật, Thế Tôn. Thọ mạng chín ngàn chín trăm ngàn vạn ức na do tha năm.

Cõi nước tên Kim diệm minh. Ở nước ấy, đất được làm bằng vàng ròng, pháp vị Phật ấy nói, cũng dùng ba thừa, để độ thoát chúng sinh. Chúng hội hội ban đầu, của vị Phật ấy, có tám mươi trăm ngàn vạn ức na do tha đệ tử Thanh Văn.

Chúng hội lần hai, có bảy mươi trăm ngàn vạn ức na do tha đệ tử Thanh Văn. Chúng hội lần ba, có sáu mươi trăm ngàn vạn ức na do tha đệ tử Thanh Văn. Chúng hội lần bốn, có năm mươi trăm ngàn vạn ức na do tha đệ tử Thanh Văn. Các chúng đệ tử Thanh Văn này, đều đắc quả vị A La Hán, đã vứt bỏ được gánh nặng, tìm được sự lợi ích cho bản thân, đã dứt sạch mọi trói buộc, biết chắc được giải thoát.

Chúng Tỳ Kheo Ni, có gấp đôi số trên và cả các chúng như: Chúng Ưu Bà Tắc, chúng Ưu Bà Di, chúng Bồ Tát, mỗi chúng, đều gấp đôi số lượng chúng ở trên. Đều đạt được Vô sinh pháp nhẫn đều đạt được vô lượng vô biên Đà la ni môn, tam muội môn.

Đều có khả năng chuyển bánh xe pháp không thoái, huống gì là những vị Bồ Tát mới phát tâm?

Lại nữa, những vị phát đạo tâm Bích Chi Phật cũng có vô lượng, vô biên.

Thiện nam! Bấy giờ, trong chúng hội của vị Phật ấy, chúng đệ tử có đến vô lượng, vô biên. Trong nước Kim diễm kia, cây cối được làm bằng bảy báu.

Các cây báu ấy thường phát ra âm của các pháp đó là: Âm thanh tất cả các pháp không, âm thanh không tướng âm thanh không tạo ra âm thanh không sinh, âm thanh không chỗ có, âm thanh tướng không nắm giữ.

Những người dân trong nước ấy, nghe pháp âm này, tự nhiên đều đạt được thật tướng của các pháp, tâm được giải thoát. Sau khi vị Phật ấy diệt độ, giáo pháp tồn tại được ngàn năm, thì các cây báu ấy, không còn phát ra âm thanh nữa.

Thiện nam! Vị Phật Cao Tu Di Sơn Vương này, đem giáo pháp giao phó cho Bồ Tát Tịnh Oai Nghi, khiến phải giữ gìn.

Sau khi phó thác, Đức Phật liền vào cõi Vô dư Niết Bàn. Lúc đó, có một vị Tỳ Kheo, tên là Hữu Oai Nghi, giữ giới trong sạch, đạt được bốn thiền bốn vô sắc định và năm thần thông, khéo tụng tạng Tỳ ni, thích việc khổ hạnh, không hay khéo biết lòng người khác. Vị đệ tử này cũng đều khổ hạnh, rất coi trọng pháp Đầu Đà. Vị Pháp Sư Tịnh Oai Nghi này, cũng giữ giới trong sạch.

Ở trong vô sở hữu pháp, đạt được phương tiện khéo léo. Sau đấy, Pháp Sư Tịnh Oai Nghi dẫn các đệ tử cùng đến ở chung chỗ với Tỳ Kheo Hữu Oai Nghi. Bởi lòng thương xót chúng sinh, Pháp Sư Tịnh Oai Nghi rồi chỗ ở, vào các xóm làng khất thực, dùng xong rồi trở về, giáo hóa cho trăm ngàn vạn nhà đều trở thành đệ tử, khiến cho họ phát tâm Vô Thượng, Chánh Đẳng, Chánh Giác.

Chúng đệ tử của vị Pháp Sư ấy, cũng khéo giáo hóa, nên thường vào các xóm làng Thuyết Pháp, khiến cho bao nhiêu là trăm ngàn chúng sinh đều phát tâm tâm Vô Thượng, Chánh Đẳng, Chánh Giác.

Trong khi ấy, Tỳ Kheo Hữu Oai Nghi, lại thường vui ở nơi Tháp Chùa. Chúng đệ tử của ông không giữ sạch giới, nhưng lại ưa thích thực hành Đầu Đà. Tỳ Kheo Hữu Oai Nghi, siêng năng chăm chỉ, lòng đã quyết định. Lấy việc làm của chính mình dạy dỗ các đệ tử, phải đam mê pháp lành để có được những kiến đắc sự chứng ngộ cho rằng, tất cả pháp hữu vi đều vô thường, khổ. Tất cả pháp vô ngã.

Nhưng lại không hay khéo hành các pháp thiền định, không hay khéo thực hành đạo Bồ Tát nên gốc tâm tán loạn. Pháp Sư Tịnh Oai Nghi khéo biết, căn tánh chúng sinh có nhanh chậm, biết tâm ý của Tỳ Kheo Hữu Oai Nghi, không thường vào xóm làng và các đệ tử của ông cũng vậy.

Tỳ Kheo Hữu Oai Nghi, thấy Pháp Sư Tịnh Oai Nghi cùng chúng đệ tử thường đi vào xóm làng, sinh tâm không sạch, liền đánh bảng họp chúng, đặt ra điều lệ: Các ngươi, từ nay trở về sau, không được vào xóm làng, không thể một lòng tu hành vắng lặng, đi vào xóm làng, được lợi ích gì chứ?

Đức Phật thường khen ngợi, ở nơi yên vắng, các vị đã một lòng ưa thích hành thiền, chớ nên vào nhà người khác. Đệ tử của Pháp Sư Tịnh Oai Nghi, không chịu nghe lời của Tỳ Kheo Hữu Oai Nghi, nên vẫn đi vào xóm làng.

Sau đấy, Tỳ Kheo Hữu Oai Nghi, thấy các đệ tử của Pháp Sư Tịnh Oai Nghi, từ trong xóm làng đi ra, lại liền đánh bảng họp chúng, nói những lời như vậy: Nếu ai vẫn tiếp tục vào xóm làng, thì không được ở đây.

Khi ấy, Pháp Sư Tịnh Oai Nghi, vì muốn che chở cho Tỳ Kheo Hữu Oai Nghi, nên bảo với các đệ tử của mình, là từ nay trở về sau, chớ nên vào xóm làng.

Các đệ tử của Pháp Sư nghe theo lời thầy dạy, không đi vào xóm làng nữa. Lúc bấy giờ, mọi người dân, không thấy vị Pháp Sư, cùng chúng đệ tử của ông vào xóm làng, nên ôm lòng buồn rầu, căn lành lui mất. Trải qua ba tháng tự sám hối đã xong, Pháp Sư Tịnh Oai Nghi đến ở Tăng phường khác, nơi ở chỗ ở mới, thầy trò Pháp Sư lại đi vào xóm làng, thành, ấp nói pháp cho mọi người.

Lâu sau, Tỳ Kheo Hữu Oai Nghi, thấy Pháp Sư Tịnh Oai Nghi, tiếp tục đi vào nhà người, thấy các đệ tử của Pháp Sư phá hủy phép tắc thường dùng, liền sinh ác tâm, nghĩ thầm: Tỳ Kheo này, phá giới hủy giới, sao có Bồ Đề?

Liền nói với mọi người rằng: Tỳ Kheo này, có hạnh bậy bạ, cách Phật rất xa. Tỳ Kheo Hữu Oai Nghi đã gây ra tội vậy rồi, về sau mất đi, liền phải chịu hậu quả của việc chính mình đã gây ra, đọa vào địa ngục lớn A tỳ, chín trăm ngàn vạn ức kiếp, phải chịu các khổ não.

Ra khỏi địa ngục, trải qua sáu mươi ba vạn đời, thường bị chê bai, thì tội ấy mới dần dần giảm đi. Sau đó, trải ba mươi hai vạn đời làm Tỳ Kheo, sau khi xuất gia, vì do nghiệp duyên này, nên phải trả giới, trở về đời.

Và cũng vì nghiệp duyên này, còn có những tội khác, nên gặp được Phật Tịnh Minh liền xuất gia, nhập đạo, siêng năng chăm chỉ, như cứu lửa cháy đầu, trong ngàn vạn ức năm vẫn không đạt được Nhu thuận pháp nhẫn, trong vô lưỡng ngàn vạn đời, các căn vẫn ám độn.

Này Sư Tử Du Bộ! Ông nghĩ như thế nào?

Lúc đấy, Tỳ Kheo Hữu Oai Nghi, có phải là ai khác đâu?

Đừng nghĩ gì khác, người ấy chính là thân ta đây. Do ta đã khởi lên tâm không sạch dù là rất nhỏ này, nên phải chịu cái khổ của tội gây ra, phải đọa vào địa ngục.

Này Sư Tử Du Bộ! Nếu ai không muốn khởi nghiệp tội này, thì đừng nên khởi ác tâm đối với vị Bồ Tát ấy.

Những việc làm của Bồ Tát, đều phải tin hiểu không nên khởi tâm sinh hận, nên nghĩ như vậy: Ta cũng không có khả năng khéo biết được tâm người khác, những việc làm của chúng sinh, cũng khó biết được.

Thiện nam! Như Lai thấy được ích lợi ấy, nên thường nói pháp này.

Thế nên, người tu hành, không nên bình luận người khác. Chỉ có Như Lai và những vị như Như Lai, mới có khả năng biết được mà thôi. Bởi thế, các vị tu hành, nếu muốn tự giữ gìn mình, thì phải cẩn thận, chớ bình luận người mà chống trái lẫn nhau.

Hàng Bồ Tát, nếu muốn tu tập Phật Pháp, ngày đêm, nên hết lòng nhớ nghĩ. Những vị đã phát tâm Bồ Tát sâu xa, thì không nên ưa tìm cầu cái tốt xấu của người. Bồ Tát nào có khả năng giáo hóa, khiến cho các chúng sinh trong tam thiên đại thiên Thế Giới, thực hành mười điều lành thì chẳng bằng vị Bồ Tát, chỉ trong khoảng thời gian một bữa ăn, ở nơi vắng lặng, một lòng nhập vào pháp môn nhất tướng.

Cho đến nghe, nhận lãnh, đọc tụng, giải nói. Thì phước đức của vị này, đã vượt trội hơn phước đức của vị kia rất nhiều.

Tại sao vậy?

Bởi vì, các hàng Bồ Tát, nên áp dụng pháp môn này, thì có thể diệt trừ tất cả nghiệp chướng trọng tội, cũng có thể ở trong tất cả chúng sinh mà vẫn xa lìa tâm ưa ghét và chóng đạt được Nhất thiết chủng trí.

Khi ấy, Văn Thù Sư Lợi Pháp Vương Tử, bạch Phật: Bạch Thế Tôn!

Như Thế Tôn nói, là diệt trừ nghiệp chướng tội, vậy thì, thế nào gọi là diệt trừ nghiệp chướng tội?

Phật bảo Văn Thù Sư Lợi: Nếu các Bồ Tát, thấy được tánh tất cả pháp, là không tạo tác, không quả báo thì có thể diệt trừ hết tội của nghiệp chướng.

Lại nữa, này Văn Thù Sư Lợi! Nếu các Bồ Tát, thấy được giới hạn của tham dục, tức là giới hạn của chân thực, thấy được giới hạn của sân giận tức là giới hạn của chân thật. Thấy được giới hạn của ngu si, tức là giới hạn của chân thật thì có thể diệt trừ hết tội của nghiệp chướng.

Lại nữa, này Văn Thù Sư Lợi! Nếu các Bồ Tát, thấy được tánh của tất cả các chúng sinh tức là tánh Niết Bàn, thì có thể diệt trừ hết tội của nghiệp chướng.

Vì sao?

Ví như có người, dựa vào những kiến chấp của mình, có thể khởi nghiệp không biết, không nghe. Kẻ ngu si phàm phu này, không biết tướng diệt rốt ráo của các pháp, tự thấy thân mình thế nào, nghĩ thấy thân người cũng vậy. Do đó, dựa vào cái thấy đấy, mà khởi lên nghiệp về thân, miệng, ý.

Người này, do có cái thấy sai lầm, nhớ nghĩ phân biệt, nên có suy nghĩ: Ta là kẻ tham dục, sân giận, ngu si.

Phân biệt như vậy rồi, người nọ, ở trong Phật Pháp, liền xuất gia học đạo, rồi lại suy nghĩ: Ta là người trì giới, tu phạm hạnh, ta phải vượt qua sinh tử, thoát mọi khổ não, nhập vào Niết Bàn.

Người này phân biệt: Các pháp là tốt là không tốt, là nên biết, là nên đoạn, là nên chứng, là nên tu, gọi đó là khổ nên phải biết, nên đoạn diệt, nên tu, nên chướng đạo.

Đã vậy, lại còn phân biệt: Tất cả các hành đều vô thường, tất cả các hành thảy đều là khổ, tất cả các hành đều là ba độc thiêu đốt. Do đó, ta phải mau chóng xả bỏ pháp hữu vi này. Nghĩ như vậy rồi, liền sinh tâm nhàm chán đối với mọi tướng thủ trong các hành.

Lúc đó, người này lại nghĩ: Nếu thấy các hành như vậy, thì gọi là đã thấy khổ ác nhàm chán các hành. Gọi là đoạn tập phân biệt các hành.

Nhưng khi thấy diệt đế, người nọ liền nghĩ: Nay ta thấy diệt, thì gọi là chứng diệt. Ta cần tu đạo, thì phải đến nơi yên vắng, nghĩ về pháp như vậy. Nghĩ vậy rồi, người nọ liền thâu tóm tâm, trụ vào yên lặng.

Người này, trước đạt được tâm nhàm chán, nay đạt được tâm an định, nên đối với các hành, tâm liền được xa lìa, rồi tự thấy hổ thẹn, nhàm chán, không vui, không mừng, rồi lại nghĩ: Nay đối với tất cả pháp, ta đã được giải thoát, không còn gì để làm nữa.

Thân ta đã đắc đạo quả A La Hán. Người này, khi chết, thấy nơi thọ sinh, Bồ Đề trong tâm liền sinh mối nghi hoặc. Do đó, sau khi chết rồi, người này bị đọa vào địa ngục lớn.

Tại sao?

Vì người này, đã có sự phân biệt, đối với pháp vô sinh.

Khi ấy, Văn Thù Sư Lợi Pháp Vương tử, bạch Phật: Bạch Thế Tôn! Nay vì sao phải quán bốn Thánh đế.

Phật bảo Văn Thù Sư Lợi: Nếu người tu hành nào có khả năng, thấy tất cả pháp, tức là tánh vô sinh. Thì gọi là thấy khổ. Nếu có khả năng, thấy tất cả pháp là không tập, không khởi. Thì gọi là đoạn tập. Nếu có khả năng, thấy tướng diệt rốt ráo của tất cả pháp. Thì gọi là chứng diệt. Nếu có khả năng, thấy tánh vô sở hữu của tất cả pháp. Thì gọi là tu đạo.

Văn Thù Sư Lợi này! Nếu người tu hành nào, có khả năng, thấy bốn Thánh Đế như vậy mà người ấy không khởi lên sự phân biệt như vậy: Pháp này tốt, pháp này không tốt, pháp này nên biết, pháp này nên dứt, pháp này nên chứng, pháp này nên tu. Đó gọi là khổ, nên biết tập, nên đoạn diệt, nên chứng đạo, nên tu.

Vì sao?

Bởi những việc làm của hàng phàm phu, đều là tham dục, sân nhuế, ngu si. Người tu hành thấy pháp này, đều là không, là không sinh, là không chỗ có, là không thể phân biệt. Chỉ gồm toàn là giả dối. Khi đó, đối với pháp. Không có gì để nắm giữ, không có gì để lìa bỏ, tâm hoàn toàn không bị ngăn ngại trong ba cõi.

Thấy ba cõi tất cả rốt ráo, không sinh. Thấy tất cả pháp tốt, không tốt, điên cuồng, giả dối, không thật đều như huyễn, như mộng, như ảnh, như tiếng vang, như sóng nắng. Người tu hành, thấy tánh tham dục tức là tánh Niết Bàn, tánh sân giận tức là tánh Niết Bàn, tánh ngu si tức là tánh Niết Bàn. Nếu có thể thấy, tánh của tất cả pháp là như vậy. Thì không còn khởi lên sự yêu ghét, đối với tất cả chúng sinh.

Tại sao?

Đó là vì, người tu hành không đạt được pháp này, hoặc sinh chỗ yêu, hoặc sinh chỗ ghét. An trụ ở trong tâm hư không, cho đến không thấy Phật, không thấy Pháp, không thấy Tăng.

Tức là không thấy tất cả pháp. Nếu không thấy tất cả pháp, thì không sinh sự hoài nghi hoặc đối với các pháp. Nếu không sinh nghi hoặc, thì không thọ tất cả pháp. Không thọ tất cả pháp, thì trụ vào sự vắng lặng.

***

icon

Tổng hợp

Cùng chủ đề

Phật Thuyết Kinh đại Thừa Mật Nghiêm - Phẩm Tám - Phẩm A Lại Da Vi Mật - Tập Sáu

Kinh Nguyên thủy   •   25.12.2023
Hán dịch: Ngài Tam Tạng Pháp Sư Địa Bà Ha La, Đời Đường

Phật Thuyết Kinh đại Thừa Mật Nghiêm - Phẩm Tám - Phẩm A Lại Da Vi Mật - Tập Năm

Kinh Nguyên thủy   •   25.12.2023
Hán dịch: Ngài Tam Tạng Pháp Sư Địa Bà Ha La, Đời Đường

Phật Thuyết Kinh đại Thừa Mật Nghiêm - Phẩm Tám - Phẩm A Lại Da Vi Mật - Tập Bốn

Kinh Nguyên thủy   •   25.12.2023
Hán dịch: Ngài Tam Tạng Pháp Sư Địa Bà Ha La, Đời Đường

Phật Thuyết Kinh đại Thừa Mật Nghiêm - Phẩm Tám - Phẩm A Lại Da Vi Mật - Tập Ba

Kinh Nguyên thủy   •   25.12.2023
Hán dịch: Ngài Tam Tạng Pháp Sư Địa Bà Ha La, Đời Đường

Phật Thuyết Kinh đại Thừa Mật Nghiêm - Phẩm Tám - Phẩm A Lại Da Vi Mật - Tập Hai

Kinh Nguyên thủy   •   25.12.2023
Hán dịch: Ngài Tam Tạng Pháp Sư Địa Bà Ha La, Đời Đường

Phật Thuyết Kinh đại Thừa Mật Nghiêm - Phẩm Tám - Phẩm A Lại Da Vi Mật - Tập Một

Kinh Nguyên thủy   •   25.12.2023
Hán dịch: Ngài Tam Tạng Pháp Sư Địa Bà Ha La, Đời Đường