Phật Thuyết Kinh đại Bát Niết Bàn - Phẩm Hai Mươi - Phẩm Phạm Hạnh - Phần Bốn
Hán dịch: Ngài Tam Tạng Pháp Sư Đàm Vô Sấm, Đời Bắc Lương
PHẬT THUYẾT
KINH ĐẠI BÁT NIẾT BÀN
Hán dịch: Ngài Tam Tạng Pháp Sư
Đàm Vô Sấm, Đời Bắc Lương
PHẨM HAI MƯƠI
PHẨM PHẠM HẠNH
PHẦN BỐN
Này thiện nam tử! Vị Đại Bồ Tát trụ nơi Đại Thừa Đại Niết Bàn tu tâm từ như vậy, dầu lại an trụ trong thùy miên mà chẳng thùy miên, do vì siêng năng tinh tấn.
Dầu thường thức giấc cũng không thức giấc, vì không có ngủ. Ở trong thùy miên Chư Thiên dầu hộ vệ cũng không hộ vệ, vì chẳng làm việc ác. Thùy miên chẳng ác mộng, không có việc chẳng lành vì rời thùy miên. Sau khi mạng chung dầu sanh lên Phạm Thiên cũng không sanh vì đặng tự tại.
Này thiện nam tử! Luận về người tu từ có thể đặng thành tựu vô lượng vô biên công đức như vậy.
Này thiện nam tử! Kinh Điển Đại Niết Bàn vi diệu này cũng có thể thành tựu vô lượng vô biên công đức như vậy. Chư Phật Như Lai cũng đặng thành tựu vô lượng vô biên công đức như vậy.
Ca Diếp Bồ Tát bạch Phật: Thế Tôn! Phàm Bồ Tát tư duy đều là chân thật. Hàng Thanh Văn, Duyên Giác chẳng phải là chân thật. Tất cả chúng sanh cớ chi chẳng nhờ oai lực của Bồ Tát đồng thọ khoái lạc. Nếu các chúng sanh thiệt chẳng đặng khoái lạc, nên biết tâm từ của Bồ Tát tu tập là không lợi ích.
Phật nói: Này thiện nam tử! Tâm từ của Bồ Tát chẳng phải không lợi ích. Có những chúng sanh hoặc quyết định thọ khổ. Hoặc có chúng sanh chẳng quyết định thọ khổ. Nếu có chúng sanh quyết định thọ khổ, lòng từ của Bồ Tát là không lợi ích, vì đó là hàng nhất xiển đề.
Nếu có chúng sanh chẳng quyết định thọ khổ thời lòng từ của Bồ Tát là lợi ích, làm cho chúng sanh đó đều thọ khoái lạc.
Này thiện nam tử! Ví như có người từ xa thấy sư tử, cọp, beo, chó sói, quỷ La Sát v.v… tự nhiên sanh sợ sệt. Ban đêm thấy gốc cây trụi cũng sanh sợ sệt. Những người như vậy tự nhiên sợ sệt, cũng thế, chúng sanh thấy người tu tâm từ tự nhiên thọ khoái lạc. Do nghĩa đó nên Bồ Tát tu tâm từ là tư duy chân thật chẳng phải không lợi ích.
Này thiện nam tử! Ta nói tâm từ này có vô lượng môn, chính là những thần thông.
Này thiện nam tử! Như Đề Bà Đạt Đa xưa kia bảo Vua A Xà Thế làm hại Đức Như Lai. Lúc đó ta cùng Chúng Tăng vào thành Vương Xá thứ đệ khất thực.
Vua A Xà Thế liền thả voi say để hại ta cùng Chư Tăng. Lúc đó voi say đạp chết trăm ngàn chúng sanh. Voi ấy ngửi hơi máu, nên hung tợn càng thêm hung tợn, nhắm ngay đoàn của ta mà chạy thẳng đến. Các đệ tử Chư A ly dục kinh sợ chạy tứ tán chỉ một mình A Nan ở lại.
Lúc đó nhân dân trong thành Vương Xá đều cả tiếng kêu khóc, hôm nay Đức Như Lai có thể bị hại, cớ sao đấng chánh giác lại vội sẽ diệt mất.
Còn Điều Đạt trong lòng hớn hở. Sa Môn Cù Đàm bị hại chết thời là rất tốt, kế của ta rất hay, ta sắp sẽ được toại nguyện.
Này thiện nam tử! Lúc đó ta vì muốn hàng phục voi say liền nhập từ tâm tam muội, sè bàn tay chỉ voi, năm đầu ngón tay ta hiện năm sư tử. Voi say thấy sư tử, lòng nó quá sợ, phẩn tiểu vảy ra, gieo mình mọp xuống kính lễ dưới chân ta.
Này thiện nam tử! Lúc đó năm đầu ngón tay của ta thiệt không sư tử, đó là do sức thiện căn tu tâm từ làm cho voi say được điều phục.
Thiện Nam Tử! Vừa rồi lúc ta muốn nhập Niết Bàn, mới khởi sự đi đến thành Câu Thi Na. Giữa đường có năm trăm lực sĩ dọn quét đường sá có một hòn đá to, bọn họ muốn khiêng bỏ nhưng sức họ chẳng khiêng nổi. Lúc đó ta xót thương liền khởi tâm từ.
Bọn lực sĩ kia liền thấy ta lấy ngón chân cái hất hòn đávăng lên hư không, rồi lấy tay hứng bắt để hòn đá trên bàn tay mặt, thổi nát ra rồi ráp liền lại làm cho bọn lực sĩ hết cao mạn. Ta liền vì họ nói các pháp yếu làm cho họ đồng phát tâm vô thượng bồ đề.
Này thiện nam tử! Lúc đó Như Lai thiệt chẳng dùng ngón chân hất văng hòn đá, cho đến chẳng thổi nát và ráp lại.
Này thiện nam tử! Nên biết chính là sức thiện căn của tâm từ làm cho bọn lực sĩ thấy như vậy.
Này thiện nam tử! Xứ Nam Thiên Trúc này có một thành lớn Thủ Ba La. Trong thành đó có một Trưởng Giả tên Lưu Chí, được đại chúng kính trọng. Ông này đã vun trồng cội lành từ vô lượng Đức Phật thuở quá khứ. Nhân dân trong thành đó tin theo đạo tà, phụng sự phái Ni Kiền Tử. Ta muốn độ ông Trưởng Giả Lưu Chí, liền từ Vương Xá thành đến thành Thủ Ba La.
Phái Ni Kiền Tử nghe ta sắp đến thành liền bàn với nhau: Sa Môn Cù Đàm nếu đến thành này, nhân dân chắc sẽ bỏ ta chẳng còn cung cấp, chúng ta lấy gì sanh sống. Bàn xong, chúng Ni Kiền Tử chia ra loan báo với người trong thành. Sa Môn Cù Đàm sắp đến thành này. Nhưng Sa Môn đó lìa bỏ cha mẹ du phương các xứ, ông đến đâu thời làm cho xứ đó mất mùa đói khát nhân dân bị bệnh Trời, bệnh dịch không thể cứu chữa.
Cù Đàm là hạng vô lại dắt theo toàn những quỉ La Sát hung ác, là kẻ cô cùng không cha không mẹ đi theo làm môn đồ. Giáo thuyết của ông toàn là hư vọng. Ông đến nơi nào thời xứ đó không an vui.
Nhân dân trong thành nghe những lời đó kinh sợ quá lạy mọp dưới chân bọn Ni Kiền Tử thưa rằng: Đại Sư! Nay chúng tôi phải thiết kế gì?
Bọn Ni Kiền Tử đáp: Tánh của Sa Môn Cù Đàm ưa lùm rừng, suối chảy nước trong. Các ngươi nên ra ngoài thành, chỗ nào có rừng suối phải đốn hết cây cối đem phẩn dơ rảy xuống giếng, ao, khe, suối. Rồi đóng chặt cửa thành võ trang phòng vệ.
Ông ấy đến thời đừng cho vào. Ông ấy không vào thành được thời các người sẽ được an ổn. Chúng ta cũng sẽ dùng pháp thuật làm cho ông Cù Đàm phải rút lui.
Nhân dân trong thành liền thật hành theo: Đốn hết cây cối, làm nhơ đục hết các giòng suối, võ trang phòng vệ.
Này thiện nam tử! Lúc ta đến ngoài thành kia chẳng thấy rừng cây, chỉ thấy người trên mặt thành võ trang giữ gìn chặt chẽ, ta liền thương xót khởi tâm từ.
Những cây cối mọc lên như cũ mà còn có phần tươi tốt hơn. Nước trong sông, ao giếng, suối đều trở nên sạch sẽ, đầy tràn trong như lưu ly, nhiều thứ hoa đẹp thơm mọc lan tràn mặt đất. Vách thành biến làm lưu ly xanh.
Nhân dân trong thành đều thấy đặng ta và đại chúng. Cửa thành tự mở toang, không ai kềm ngăn được. Võ khí của nhân dân biến thành cành hoa đẹp.
Lúc đó Trưởng Giả Lưu Chí dẫn nhân dân hiệp đoàn đến chỗ Phật. Ta liền vì họ nói các pháp yếu làm cho mọi người đều phát tâm vô thượng bồ đề.
Này thiện nam tử! Lúc đó ta thiệt chẳng hoá những rừng cây, cũng chẳng làm cho nước trong sạch đặng đầy tràn, cũng chẳng biến thành đó làm lưu ly xanh để cho nhân dân kia thấy suốt ta và đại chúng, cũng chẳng mở cửa thành, biến võ khí làm cành hoa. Nên biết những việc ấy đều do sức căn lành của lòng từ làm cho nhân dân thành Thủ Ba La thấy việc như vậy.
Này thiện nam tử! Thành Xá Vệ có nàng Bà Tư Tra, giòng Bà La Môn, chỉ sanh một trai, nên nàng yêu quí lắm.
Một hôm đứa trẻ bệnh chết, nàng quá tiếc thương, buồn rầu đến mất trí, như điên như cuồng, xé nát quần áo, thân thể lõa lồ, đi rong khắp thành ấp tìm con, miệng luôn kêu khóc: Ôi! Con ôi! Con bỏ mẹ đi đâu?
Nàng Bà Tư Tra này đời trước đã từng gieo trồng căn lành ở nơi Chư Phật quá khứ.
Này thiện nam tử! Ta nghe việc như vậy động lòng xót thương. Bà Tư Tra liền thấy được ta, nàng ngỡ là con trai của nàng, chạy vội đến ôm như cách yêu con, tâm trí tỉnh lại.
Ta liền bảo A Nan mang y phục đến cho nàng mặc, rồi ta vì nàng mà giảng giải pháp yếu. Được nghe pháp, nàng Bà Tư Tra vui mừng hớn hở phát tâm vô thượng bồ đề.
Này thiện nam tử! Lúc đó thiệt ra ta không phải là con của nàng ấy, nàng ấy không phải là mẹ ta, cũng không có việc ôm ẵm. Nên biết đều do sức căn lành của lòng từ làm cho nàng Bà Tư Tra thấy việc như vậy.
Này thiện nam tử! Có cô Ưu Bà Di Ma Ha Tư Na Đạt Đa ở tại thành Ba La Nại. Cô này đã từng gieo trồng căn lành từ vô lượng Đức Phật thuở quá khứ.
Một mùa hạ kia, cô nguyện dâng thuốc men cho Chư Tăng. Trong Chư Tăng, bỗng có một Tỳ Kheo mang bệnh nặng. Y sĩ điều trị bảo phải dùng thịt tươi làm thuốc. Ngoài thịt tươi ra không gì trị được, và sẽ nguy đến tánh mạng.
Nhằm ngày quốc pháp cấm giết thịt, nên không tìm đâu ra thịt tươi để mua mặc dầu cô muốn đem vàng ròng trọng lượng bằng thịt để đổi.
Cô Ưu Bà Di Ma Ha Tư Na Đạt Đa bèn tự cắt thịt bắp vế, chế nấu theo lời Y Sĩ, rồi đem dâng cho Tỳ Kheo bệnh dùng. Nhờ đó Tỳ Kheo được lành mạnh.
Vết thương nơi bắp vế hành quá đau nhức, cô rên rỉ niệm Phật: Nam Mô Phật! Nam Mô Phật! Bấy giờ ta đương ở tại thành Xá Vệ, nghe tiếng niệm Phật của cô, động lòng đại từ. Liền đó, cô thấy ta đem thuốc đến đắp lên vết thương, hết đau nhức, thịt lành như cũ. Rồi ta vì cô mà giảng giải pháp yếu. Cô được nghe pháp vui mừng hớn hở phát tâm vô thượng bồ đề.
Này thiện nam tử! Lúc đó thiệt ra ta không đem thuốc đến thành Ba La Nại đắp cho cô Ma Ha Tư Na Đạt Đa, nên biết đó là do sức căn lành của lòng từ khiến cô Ưu Bà Di ấy thấy những việc như vậy.
Này thiện nam tử! Ông Điều Đạt tham uống quá nhiều chất tô, nên nhức đầu đau bụng.
Quá khốn khổ chịu không nổi, ông liền niệm: Nam Mô Phật! Nam Mô Phật!
Bấy giờ ta đương ở tại thành Ưu Thiền Ni, nghe tiếng niệm động lòng đại từ. Điều Đạt liền thấy ta đem thuốc đến cho uống, cùng dùng tay xoa đầu xoa bụng, do đó ông được hết bệnh.
Này thiện nam tử! Thiệt ra ta không có đến chỗ Điều Đạt để xoa đầu xoa bụng và cho ông ấy uống thuốc. Đó là do sức căn lành của lòng từ khiến ông Điều Đạt thấy việc như vậy.
Này thiện nam tử! Nước Kiều Tát La có đảng cướp năm răm người, lộng hành làm hại dân chúng. Vua Ba Tư nặc sai binh vây đánh bắt sống được trọn đảng cướp. Vua truyền khoét mắt cả năm trăm tên cướp, rồi thả trong rừng sâu.
Đảng cướp này đã từng gieo trồng căn lành nơi Chư Phật thuở quá khứ, nên khi đau đớn khốn khổ quá bèn đồng xướng rằng: Nam Mô Phật! Nam Mô Phật! Chúng con nay không người cứu hộ. Cùng nhau khóc than thê thảm.
Bấy giờ ta đương ở tại Kỳ Hoàn tinh xá, nghe tiếng kêu cầu, động lòng đại từ. Lúc đó có gió mát thổi chất thuốc từ núi hương sơn đến tụ đầy lỗ mắt của năm trăm người, biến thành tròng mắt, bọn họ đều được thấy tỏ như xưa.
Mở mắt ra, bọn họ thấy Đức Như Lai đứng trước mặt họ giảng pháp yếu. Sau khi nghe pháp, cả bọn đều phát tâm vô thượng bồ đề.
Này thiện nam tử! Lúc đó thiệt ra ta không làm gió thổi thuốc đến cứu mắt họ, cũng không có đến thuyết pháp cho họ. Đó là do sức căn lành của lòng từ, khiến họ thấy những việc như vậy.
Này Thịện Nam Tử! Vì ngu si, Thái Tử Lưu Ly phế Phụ Vương lập mình làm Vua, lại nhớ đến sự hiềm oán ngày trước giết hại giòng họ Thích. Vua Lưu Ly bắt hai ngàn phụ nữ họ Thích cắt tai thẻo mũi, chặt đứt tay chân, rồi bỏ xuống hầm.
Các phụ nữ họ Thích quá đau khổ bèn niệm rằng: Nam Mô Phật! Nam Mô Phật! Chúng tôi ngày nay không ai cứu vớt. Cùng nhau khóc than thê thảm. Các phụ nữ này đã từng trồng căn lành nơi Chư Phật thuở quá khứ.
Lúc đó ta ở tại Trúc Lâm Tinh Xá nghe tiếng than của họ liền sanh lòng từ. Các phụ nữ khốn nạn kia bèn thấy ta đến thành Ca Tỳ La, lấy nước rửa vết thương cho họ rồi dùng thuốc đắp lên vết thương. Họ không còn đau nhức. Lỗ tai lỗ mũi và tay chân lành lại như cũ.
Ta liền vì họ giảng nói pháp yếu. Vừa hết đau khổ lại được nghe pháp, các phụ nữ ấy đều phát tâm Vô Thượng, Chánh Đẳng, Chánh Giác. Sau đó các phụ nữ ấy đến nơi Bà Đại Ái Đạo Tỳ Kheo Ni xuất gia thọ giới cụ túc.
Này thiện nam tử! Thật ra lúc đó Đức Phật không có đến thành Ca Tỳ La, cũng không có lấy nước rửa và đắp thuốc nơi vết thương. Phải biết đều là do sức căn lành của lòng từ làm cho các phụ nữ kia thấy những việc như vậy. Như căn lành của lòng từ, lòng bi, lòng hỷ cũng như vậy.
Này thiện nam tử! Do nghĩa này nên Đại Bồ Tát tu tập lòng từ là chân thật chẳng phải hư vọng.
Này thiện nam tử! Luận về vô lượng là chẳng thể nghĩ bàn. Công hạnh của Bồ Tát cũng chẳng thể nghĩ bàn, công hạnh của Phật và Kinh Đại Thừa Đại Niết Bàn cũng đều chẳng thể nghĩ bàn.
Này thiện nam tử! Đại Bồ Tát tu từ, bi, hỉ rồi đặng trụ nơi bậc rất yêu thương con một.
Này thiện nam tử! Thế nào là bậc?
Sao gọi là rất yêu thương.
Và sao gọi là con một?
Này thiện nam tử! Ví như cha mẹ thấy con an ổn lòng rất vui mừng. Đại Bồ Tát ở bậc này xem các chúng sanh đồng như con một, thấy người tu hạnh lành Bồ Tát rất vui mừng, vì thế nên bậc này gọi là rất yêu thương.
Này thiện nam tử! Ví như cha mẹ thấy con đau ốm lòng rất khổ não xót thương săn sóc không tạm rời. Cũng vậy, Đại Bồ Tát ở trong bậc này thấy các chúng sanh bị bệnh phiền não ràng buộc bức khổ, trong lòng rầu lo thương tưởng như con, đến nổi lỗ chân lông nơi thân đều rỉ máu ra. Vì thế nên gọi bậc này là con một.
Này thiện nam tử! Như người lúc bé thơ lượm đất cục, ngói đá, xương khô, nhánh cây đút vào miệng. Cha mẹ xem thấy sợ bị hại, tay tả nắm đầu con, tay hữu móc ra.
Cũng vậy, Đại Bồ Tát trụ nơi bậc này thấy các chúng sanh pháp thân chưa tăng trưởng, hoặc thân khẩu ý tạo nghiệp chẳng lành. Bồ Tát bèn lấy tay trí huệ cứu vớt đó, chẳng muốn chúng sanh lưu chuyển trong sanh tử mà phải thọ những khổ não. Vì thế nên bậc này lại gọi là con một.
Này thiện nam tử! Ví như đứa con thân yêu chết mất, thời cha mẹ buồn rầu muốn cùng chết theo con. Cũng vậy, Đại Bồ Tát thấy hạng nhất xiển đề đọa nơi địa ngục, cũng nguyện cùng họ sanh chung trong địa ngục.
Vì hạng nhất xiển đề này lúc bị khổ, hoặc sanh một niệm ăn năn chừa cải, Bồ Tát sẽ vì họ thuyết pháp làm cho họ sanh đặng một niệm căn lành. Vì thế nên bậc này gọi là con một.
Này thiện nam tử! Ví như cha mẹ chỉ có một đứa con, lúc đứa con ngủ, thức, đi, đứng, ngồi, nằm, lòng cha mẹ luôn luôn nhớ tưởng. Nếu con có lỗi lầm cha mẹ chỉ thương xót dạy dỗ chớ chẳng làm hại.
Cũng vậy, Đại Bồ Tát thấy các chúng sanh hoặc bị đọa địa ngục súc sanh ngạ quỉ, hoặc sanh trong loài người, trên trời, gây tạo những nghiệp lành nghiệp dữ, lòng Bồ Tát thường nhớ tưởng trọn không rời bỏ chúng sanh. Nếu có chúng sanh tạo ác, Bồ Tát trọn chẳng giận hờn, chẳng làm hại. Vì thế nên bậc này gọi là con một.
Ca Diếp Bồ Tát bạch Phật rằng: Thế Tôn! Như lời Phật đã nói ý rất sâu kín, nay tôi trí cạn cợt làm sao hiểu được. Nếu các vị Đại Bồ Tát trụ nơi bậc con một có thể được như thế, tại sao Đức Như Lai xưa kia là vị Quốc Vương thật hành đạo Bồ Tát mà lại giết hại giòng Bà La Môn.
Nếu đặng bậc này thời lẽ ra phải xót thương ủng hộ, còn nếu chẳng đặng bậc này, nhân duyên gì lại chẳng đọa vào địa ngục.
Nếu bình đẳng xem tất cả chúng sanh là con như La Hầu La, cớ sao Đức Phật lại quở Đề Bà Đạt Đa: Đồ ngu si không biết hổ thẹn ăn nước miếng nước mũi của người. Làm cho Đề Bà Đạt Đa sanh lòng giận hờn hại thân Phật ra máu. Đề Bà Đạt Đa tạo nghiệp ác này rồi, Đức Như Lai lại huyền ký cho ông ấy sẽ bị đọa địa ngục chịu khổ một kiếp.
Thế Tôn! Những lời như vậy làm thế nào chẳng trái nghịch với nghĩa lý.
Thế Tôn! Ông Tu Bồ Đề trụ bậc giải không, lúc muốn vào thành khất thực, trước hết ông quán sát nếu có người đối với ông sanh tâm ganh ghét thời ông thôi chẳng đi khất thực, dầu cho quá đói ông vẫn chẳng đi.
Vì ông Tu Bồ Đề thường nghĩ rằng: Tôi tự nhớ đời trước đối với phước điền sanh một niệm ác, do nhân duyên này tôi bị đọa địa ngục lớn chịu nhiều thống khổ.
Nay tôi thà đói trọn ngày chẳng ăn, quyết không khiến những người kia vì ganh ghét tôi mà phải đọa vào địa ngục chịu khổ.
Ông Tu Bồ Đề lại nghĩ rằng: Nếu có chúng sanh không bằng lòng cho tôi đứng, tôi sẽ trọn ngày ngồi yên chẳng đứng dậy.
Nếu có chúng sanh không bằng lòng cho tôi ngồi, tôi sẽ đứng trọn ngày chẳng dời chỗ. Đi cùng nằm nằm.
Ông Tu Bồ Đề vì hộ chúng sanh còn có tâm như vậy, hà huống là Đại Bồ Tát.
Bồ Tát nếu đặng bậc con một, có duyên cớ gì mà Đức Như Lai nói ra lời thô như vậy làm cho ông Đề Bà Đạt Đa sanh lòng giận ác?
Này thiện nam tử! Nay ông chẳng nên gạn như vậy. Chẳng nên nói rằng Đức Như Lai làm nhân duyên phiền não cho chúng sanh.
Giả sử vòi con muỗi có thể hút hết nước đến đáy biển, Đức Như Lai trọn chẳng làm nhân duyên phiền não cho chúng sanh.
Giả sử mặt đất đều thành không màu, nước thành tướng khô, lửa thành lạnh, gió đứng lại, giả sử Tam Bảo Phật Tánh nhẫn đến hư không thành tướng vô thường, Đức Như Lai cũng trọn chẳng làm nhân duyên phiền não cho chúng sanh.
Giả sử người phạm bốn tội nặng, hạng nhất xiển đề, hủy báng chánh pháp hiện thân đặng thành mười trí lực, bốn vô úy, ba mươi hai tướng, tám mươi thứ tốt, Đức Như Lai trọn chẳng làm nhân duyên phiền não cho chúng sanh.
Giả sử hàng Thanh Văn và Bích Chi Phật là thường trụ chẳng biến đổi, Đức Như Lai trọn chẳng làm nhân duyên phiền não cho chúng sanh.
Giả sử bậc Thập Trụ Bồ Tát phạm bốn tội nặng, làm nhất xiển đề hủy báng chánh pháp, Đức Như Lai trọn chẳng làm nhân duyên phiền não cho chúng sanh.
Giả sử vô lượng chúng sanh dứt mất Phật Tánh, Chư Phật rốt ráo nhập Niết Bàn, Đức Như Lai cũng trọn chẳng làm nhân duyên phiền não cho chúng sanh.
Giả sử vải chài có thể cột trói được gío, răng có thể nhai nát sắt, móng tay cào đổ núi Tu Di, Đức Như Lai trọn chẳng làm nhân duyên phiền não cho chúng sanh.
Thà ở chung với rắn độc, đút hai tay vào miệng sư tử đói, lấy than hồng dùng tắm rửa trọn chẳng nên nói rằng Đức Như Lai làm nhân duyên phiền não cho chúng sanh.
Này thiện nam tử! Đức Như Lai thiệt có thể làm cho chúng sanh dứt trừ phiền não, chớ trọn chẳng làm nhân duyên sanh phiền não.
Này thiện nam tử! Như ông vừa nói Đức Như Lai ngày xưa giết dòng Bà La Môn. Nên biết Đại Bồ Tát, còn không cố sát một con kiến, huống lại giết Bà La Môn.
Bồ Tát thường dùng mọi cách thức ban bố Vô Lượng Thọ mạng cho chúng sanh. Luận về bố thí thời là bố thí mạng sống, vật thực.
Đại Bồ Tát lúc thật hành Đàn Ba la mật, thường ban bố Vô Lượng Thọ mạng cho chúng sanh. Người giữ giới bất sát thời đặng sống lâu. Đại Bồ Tát lúc thật hành Thi La Ba la mật, thời là ban bố Vô Lượng Thọ mạng cho tất cả chúng sanh.
Này thiện nam tử! Giữ gìn miệng không lỗi thời đặng sống lâu.
Đại Bồ Tát lúc thật hành sằn đề Ba la mật, thường khuyên chúng sanh chớ ôm lòng oán thù những việc phải cho người đem sự quấy về mình, không cãi cọ kiện cáo thời đặng sống lâu. Vì thế nên Bồ Tát lúc thật hành sằn đề Ba la mật, thời đã ban bố Vô Lượng Thọ mạng cho chúng sanh.
***
Phật Thuyết Kinh đại Bát Nhã Ba La Mật đa - Hội Thứ Năm - Phẩm Mười Bảy - Phẩm Tham Hành - Phần Hai
Phật Thuyết Kinh đại Bát Nhã Ba La Mật đa - Hội Thứ Ba - Phẩm Ba Mươi Mốt - Phẩm Tuyên Hóa - Phần Ba
Phật Thuyết Kinh chánh Pháp Hoa - Phẩm Hai Mươi Năm - Tịnh Phục Tịnh Vương
Phật Thuyết Kinh đại Bảo Tích - Pháp Hội Thứ Hai Mươi Hai - Pháp Hội đại Thần Biến - Phần Hai
Phật Thuyết Kinh Cựu Tạp Thí Dụ - Phần Ba Mươi Năm
Phật Thuyết Kinh Tạp A Hàm - Kinh Bốn Quả - Phần Hai
Phật Thuyết Kinh Như Lai Giáo Thắng Quân Vương