Phật Thuyết Kinh Chư Pháp Vô Hành - Phần Một
Hán dịch: Ngài Tam Tạng Pháp Sư Cưu Ma La Thập, Đời Diêu Tần
PHẬT THUYẾT
KINH CHƯ PHÁP VÔ HÀNH
Hán dịch: Ngài Tam Tạng Pháp Sư
Cưu Ma La Thập, Đời Diêu Tần
PHẦN MỘT
Tôi nghe như vậy!
Có một thời, tại núi Kỳ Xà Quật, trong thành Vương Xá. Đức Thế Tôn đang nhóm họp cùng năm trăm vị Tỳ Kheo, với chín vạn hai ngàn vị Đại Bồ Tát.
Những vị Bồ Tát này có tên như: Đại Bồ Tát Chúng Đức Trang Nghiêm, Bồ Tát Sư Tử Du Bộ, Bồ Tát Quang Vô Chướng Tịnh Vương, Bồ Tát Cao Sơn Đảnh Tự Tại Vương, Bồ Tát Ái Hỷ Tịnh Quang, Bồ Tát Quang Tế Nhật Nguyệt, Bồ Tát Diệu Tịnh Kế, Bồ Tát Thân Xuất Liên Hoa Quang, Bồ Tát Phạm Tự Tại Vương Âm.
Bồ Tát Du Hý Thế Sư Tử Vương Ý, Bồ Tát Kim Sắc Tịnh Quang Oai Đức, Bồ Tát Nhu Nhuyến Thân, Bồ Tát Kim Sắc Tướng Trang Nghiêm Thân, Bồ Tát Thập Quang Phá Ma Lực, Bồtát Chư Căn Oai Nghi Thiện Tịch, Bồ Tát Đức Như Cao Sơn, Bồ Tát Thiên Âm Thanh, Bồ Tát Pháp Lực Tự Tại Du Hành, Bồ Tát Sơn Đức Tịnh Thân, Đại Bồ Tát Diệu Đức. Những Bồ Tát như vậy, có đủ chín vạn hai ngàn vị.
Bấy giờ, thấy đại hội đông như vậy, Bồ Tát Sư Tử Du Bộ liền đứng dậy, trịch vai áo bên phải, gối phải chạm đất, chắp tay hướng Phật, mà nói kệ thưa hỏi:
Thế Tôn Đại Đạo Sư
Danh, đức thật vô lượng
Đại chúng, nay nhóm hội
Xin nói pháp tịnh diệt.
Tà kiến, sai, ái, mạn
Tánh ganh ghét, giận dữ
Đạo là như thế nào?
Đại âm phương tiện nói.
Tướng Niết Bàn thế nào?
Không khác với thế pháp
Các pháp tánh không hai?
Xin đại bi diễn nói.
Tánh các pháp là gì?
Rốt ráo không ngăn ngại
Tánh ấy như Niết Bàn
Cũng đồng với giải thoát,
Không buộc, cũng không mở
Cũng như tướng hư không
Âm Ca Lăng Tần Già tiếng
Đại Phạm trong sạch.
Sắc thân tựa vàng trời
Mạng sáng vô lượng đức
Diễn nói pháp thật tướng
Cứu cánh không buộc, mở.
Thế nào là năm cái?
Ngang bằng với bồ đề
Thế nào là bồ đề?
Tức đồng các nghiệp tánh.
Là pháp là chẳng pháp
Đồng một tướng là gì?
Rốt ráo sạch như vậy
Cúi xin Phật diễn nói.
Vô số, vô phi số
Các pháp rốt ráo diệt
Tướng tất cả các trí
Và cả đạo bồ đề
Nhị pháp, thế nào không
Cúi xin Phật diễn nói.
Vô tác, vô phi tác
Vô trước, vô phi trước
Rốt ráo không chúng sinh
Không ngại trong các pháp
Không giới, không nhẫn nhục
Cũng không người hủy giới
Không trí cũng không tuệ
Cũng chẳng không trí tuệ
Pháp này thường thanh tịnh
Cúi xin Phật diễn nói.
Tất cả pháp là gì?
Vắng lặng như hư không
Vô tâm, tâm số pháp
Vô kiến đoạn chứng tu
Tất cả loài chúng sinh
Giống như tướng hư không
Một tướng pháp, cũng không
Tâm hành đều chẳng được
Các pháp không sinh diệt
Không học, không La Hán
Cũng không Bích Chi Phật
Cũng không cầu Bồ Tát
Không trụ, không nương tựa
Không đến, cũng không đi
Các pháp không tướng động
Thường trụ như Tu Di
Không tướng cũng không sắc
Tánh sắc tức là đạo
Tánh sắc là Đạo Phật
Pháp như vậy, xin nói.
Không Phật Pháp là gì?
Và cả không Chúng Tăng
Tam bảo là một tướng
Cúi xin Phật diễn nói.
Vô không vô vô tướng
Và cả không vô tác
Không hợp cũng không tan
Danh tướng pháp, cũng không
Các pháp cứu cánh, không
Như tiếng vang, ai tạo
Vô sinh, vô vô sinh
Không diệt, không qua lại
Không Trời, Rồng, Quỷ Thần
Cả Dạ Xoa, Khẩn Na
Không người, không địa ngục
Không ngạ quỷ, súc sinh
Không chúng sinh năm đường
Cúi xin nói pháp này.
Đạo Sư, Phật, Thế Tôn
Những ngoại đạo, tà kiến
Được nghe lời diễn nói
Đẳng, không hai là gì?
Những văn tự ngôn ngữ
Pháp này đều một tướng
Thế Tôn, đại từ bi
Xin mở pháp môn này.
Bấy giờ, Đức Thế Tôn khen ngợi Đại Bồ Tát Sư Tử Du Bộ: Thật lành thay! Này Thiện nam! Những lời ông hỏi, thật là hiếm có, là những điều, mà tất cả thế gian, khó có thể tin được.
Thiện nam! Hãy thôi chớ có hỏi nữa.
Tại sao vậy?
Bởi vì đối với pháp: Không kiến, vô tướng kiến, vô sinh kiến, vô sở hữu kiến, vô thủ tướng kiến, Phật kiến, bồ đề kiến này. Hàng Bồ Tát mới phát khởi ý, không có khả năng theo kịp.
Thiện nam! Do đó, không nên nói pháp này, trước hàng Bồ Tát mới học.
Vì sao?
Vì nếu như nghe được pháp này, họ có thể cắt đứt nghiệp lành, ở trong Phật Đạo, họ sẽ đi vào con đường tà. Còn nếu như đọa vào đoạn diệt, hoặc đọa vào kế thường. Thì họ sẽ không biết được Như Lai dùng phương pháp gì, để tùy nghi thuyết pháp.
Khi đó, Đại Bồ Tát Sư Tử Du Bộ bạch Phật: Bạch Thế Tôn! Cúi xin Phật thương xót thế gian mà nói pháp này.
Trong đời sau, nếu có vị Bồ Tát nào đối với pháp không kiến, vô tướng kiến, vô tác kiến, vô sinh kiến, vô sở hữu kiến, vô thủ tướng kiến, Phật kiến, bồ đề kiến này, mà phân biệt được, đâu là không, là vô tướng, là vô tác, ưa chuộng việc đọc học, chăm chỉ lo sự nghiệp, thích câu nệ vào văn từ, coi việc biện thuyết là tốt, coi trọng danh lợi, … những người như vậy, nghe Như Lai nói về pháp vô văn tự, cứu cánh thanh tịnh, thì sẽ bỏ được các kiến này.
Đó là các hàng Bồ Tát, tùy theo khả năng tin giải, tùy vào lòng tin và sự hiểu biết của chúng sinh mà dùng sức phương tiện, vì họ thuyết pháp. Tuy nói là ít ham muốn, biết vừa đủ, nhưng không vì thế, mà cho là hơn hết. Tuy nói Kinh Giới, cũng không vì thế mà cho là hơn hết.
Tuy nói ở giữa các lỗi ác, nhưng cũng biết được tướng xa lìa của tất cả pháp. Thường khen ngợi việc ở một mình, không ở nơi ồn ào, náo nhiệt, nhưng không vì thế, mà cho là hơn hết. Tuy khen ngợi việc phát tâm bồ đề, nhưng biết tánh của tâm, tức là bồ đề. Tuy ca ngợi Kinh Đại Thừa, nhưng biết tất cả các pháp đều là đại tướng. Tuy nói Bồ Tát đạo mà không phân biệt được A La Hán, Bích Chi Phật, Chư Phật.
Tuy khen ngợi việc bố thí, nhưng vẫn hiểu rõ bố thí có tướng bình đẳng. Tuy khen ngợi việc trì giới, những vẫn hiểu rõ các pháp cùng là tánh giới. Tuy khen ngợi việc nhẫn nhục, nhưng vẫn biết tướng các pháp là vô sinh, vô diệt, vô tận. Tuy khen ngợi tinh tấn, nhưng vẫn biết tướng các pháp là không phát, không hành.
Tuy thường khen ngợi thiền định, nhưng vẫn biết được tướng của tất cả pháp là thường định, tuy mỗi mỗi khen ngợi trí tuệ, những vẫn hiểu được thật tánh của trí tuệ. Tuy nói tham dục là tội lỗi, nhưng vẫn không thấy pháp có chỗ, để đáng tham. Tuy nói tức giận là tội lỗi, nhưng không thấy pháp có chỗ để có thể giận. Tuy nói ngu si là tội lỗi, nhưng biết tướng các pháp là vô si, vô ngại.
Tuy chỉ cho chúng sinh, sự khổ đau, sợ hãi, khi đọa trong ba đường ác. Nhưng không đạt được cái tướng của địa ngục, ngạ quỷ, súc sinh.
Như vậy, này các Bồ Tát! Tuy tùy theo lòng tin và hiểu biết của chúng sinh, dùng sức phương tiện Thuyết Pháp cho họ, nhưng vẫn tự mình tín giải, pháp của một tướng.
Đó chính là những điều gọi là không, vô tướng, vô tác, vô sinh, vô sở hữu, vô thủ tướng.
Bạch Thế Tôn! Cúi xin Thế Tôn, hãy vì sự tín giải về pháp một tướng sâu xa, mà nói pháp phương tiện không thể nghĩ bàn này.
Pháp, mà tất cả các hàng Thanh Văn, Bích Chi Phật và cả hàng Bồ Tát mới phát ý, không thể theo kịp!
Khi ấy, Đức Phật bảo đại Bồ Tát Sư Tử Du Bộ: Thiện nam! Nay ta sẽ vì ông mà giải nói nghĩa này. Vậy, ông phải cố gắng, lắng lòng mà nghe và suy nghĩ cho thật khéo.
Thưa vâng, bạch Thế Tôn! Con sẽ cố gắng lãnh thọ.
***
Phật Thuyết Kinh đại Thừa Mật Nghiêm - Phẩm Tám - Phẩm A Lại Da Vi Mật - Tập Sáu
Phật Thuyết Kinh đại Thừa Mật Nghiêm - Phẩm Tám - Phẩm A Lại Da Vi Mật - Tập Năm
Phật Thuyết Kinh đại Thừa Mật Nghiêm - Phẩm Tám - Phẩm A Lại Da Vi Mật - Tập Bốn
Phật Thuyết Kinh đại Thừa Mật Nghiêm - Phẩm Tám - Phẩm A Lại Da Vi Mật - Tập Ba
Phật Thuyết Kinh đại Thừa Mật Nghiêm - Phẩm Tám - Phẩm A Lại Da Vi Mật - Tập Hai
Phật Thuyết Kinh đại Thừa Mật Nghiêm - Phẩm Tám - Phẩm A Lại Da Vi Mật - Tập Một