Phật Thuyết Kinh Chứng Khế đại Thừa - Phần Sáu
Hán dịch: Ngài Tam Tạng Pháp Sư Địa Bà Ha La, Đời Đường
PHẬT THUYẾT
KINH CHỨNG KHẾ ĐẠI THỪA
Hán dịch: Ngài Tam Tạng Pháp Sư
Địa Bà Ha La, Đời Đường
PHẦN SÁU
Chắp tay hướng về Đức Phật nói kệ:
Hiện ra các tướng đẹp thù thắng
Thân trang nghiêm viên mãn ai bằng
Búi tóc trên đầu xoắn bên phải
Giống như Khổng Tước Hắc phong quang.
Trán rộng bằng thẳng tươi nhuận sáng
Lông dài trắng đẹp mọc đều đặn
Đôi mày cong như trăng đầu tháng
Tướng mũi thẳng cao đẹp tuyệt vời.
Mắt như cánh sen xanh mới nở
Tai dài mềm mại như ba tiêu
Răng đẹp trắng bóng đều và khít
Sáng sủa giống như hoa mới nở.
Lưới rộng dài đỏ như đồng đỏ
Hưởng vị ngon nhất trong các vị
Mặt như trăng tròn chiếu ánh sáng
Môi màu đỏ như trái Tần Bà.
Má, cằm đầy đặn lại cân phân
Cánh tay dài xuống như Sa La
Ngón tay dài đẹp và có màng
Móng tay đẹp sáng như đồng đỏ.
Lòng bàn tay có tướng bánh xe
Chứa ức công đức bố thí lớn
Phần trước Mâu Ni như Sư Tử
Cổ cao xinh đẹp tướng trang nghiêm,
Lưng cứng chắc che sóng bụng
Tướng nam căn ẩn kín không hiện
Đùi chân thẳng dài như vòi voi
Ngón chân dài đẹp có màng mỏng,
Dưới chân bằng có tướng bánh xe
Thánh Tôn bước đi như Sư Tử
Đủ các tướng đẹp thành Chánh Giác
Nay con đảnh lễ đức tướng Phật.
Bấy giờ, Đại Bồ Tát Hải Thắng Trì Thâm Du Hý Trí Thần Thông nói kệ ca tụng Đức Phật xong, rồi bạch: Bạch Thế Tôn! Con có điều muốn hỏi, xin Đức Như Lai Ứng Cúng Chánh Đẳng Giác thương xót cho phép.
Đức Phật nói: Này Chánh Sĩ! Tùy ý ông cứ hỏi, theo câu hỏi ấy ta giảng giải để cho ông hiểu.
Bồ Tát Hải Thắng Trì Thâm Du Hý Trí Thần Thông, được Đức Phật cho phép, liền bạch: Bạch Thế Tôn! Có bao nhiêu ngôi vị của Như Lai mà tất cả Bồ Tát không thực hành được, không phải là cảnh giới của hàng Thanh Văn và Độc Giác?
Đức Phật khen Bồ Tát Hải Thắng Trì Thâm Du Hý Trí Thần Thông: Lành thay! Lành thay! Này Chánh Sĩ! Hôm nay ông hỏi Như Lai về ý nghĩa này?
Vì các Bồ Tát nên mới phát ra ánh sáng lớn khai bày trí chân thật của Phật, làm lợi ích lớn, an vui lớn.
Hãy lắng nghe! Lắng nghe! Suy nghĩ kỹ, ta sẽ giải rõ cho ông.
Này Chánh Sĩ! Ngôi vị của Như Lai có mười, tất cả Đại Bồ Tát còn không thể thực hành, huống chi các hàng Thanh Văn và Độc Giác.
Mười ngôi vị của Như Lai:
1. Ngôi vị ánh sáng trí tuệ thù thắng sâu xa rộng lớn khó biết.
2. Ngôi vị ánh sáng oai lực vô cấu thân trang nghiêm không thể nghĩ bàn.
3. Ngôi vị hải tạng nguyệt tràng bảo sí ánh sáng vi diệu.
4. Ngôi vị trí thần thông công đức có ánh sáng vàng vi diệu thanh tịnh.
5. Ngôi vị vi tràng oai tạng ánh sáng chiếu soi khắp.
6. Ngôi vị đem ngọn đuốc thắp sáng khắp hư không thanh tịnh vô cấu.
7. Ngôi vị ánh sáng pháp giới tạng rộng lớn.
8. Ngôi vị ánh sáng của tạng Phật thanh tịnh tối thắng chiếu khắp làm thanh tịnh các chướng ngại do trí thông.
9. Ngôi vị ánh sáng vô biên trang nghiêm ức nguyện Tỳ Lô Giá Na.
10. Ngôi vị biển trí giúp Tỳ Lô Giá Na.
Này Chánh Sĩ! Đó là mười ngôi vị của Như Lai trí không thể nêu bày.
Ngôi vị đầu tiên của Như Lai tập khí vi tế đều đã đoạn tuyệt, đối với tất cả các pháp tự tại vô ngại. Ngôi vị thứ hai của Như Lai chuyển bánh xe chánh pháp hiển hiện pháp sâu xa. Ngôi vị thứ ba của Như Lai trình bày giáo giới Thanh Văn và an lập ba thừa.
Ngôi vị thứ tư của Như Lai giảng nói tám vạn bốn ngàn pháp môn, hàng phục bốn ma. Ngôi vị thứ năm của Như Lai bẻ gãy các luận thuyết đạo khác và pháp tà vạy của họ, điều phục tất cả những người đi theo con đường ác.
Ngôi vị thứ sáu của Như Lai là an lập vô biên chúng sinh nơi sáu thần thông và sáu đại thông, nghĩa là thị hiện ra vô biên Cõi Phật, dùng công đức trang nghiêm thanh tịnh của Phật.
Thị hiện vô biên Bồ Tát hầu cận vây quanh, thị hiện Cõi Phật rộng lớn vô biên, thị hiện tự thân ở trong vô biên Cõi Phật, thị hiện diệt độ cho đến hiện pháp ẩn một, thị hiện vô biên thần lực, thần thông biến hóa. Ngôi vị thứ bảy của Như Lai đối với bảy phần pháp Bồ Đề không có tự tánh, không còn chấp trước, vì các Bồ Tát diễn rõ như thật.
Ngôi vị thứ tám của Như Lai dùng bốn pháp thọ ký cho tất cả Bồ Tát chứng đắc Vô Thượng, Chánh Đẳng, Chánh Giác. Ngôi vị thứ chín của Như Lai dùng phương tiện thiện xảo chỉ bày cho Bồ Tát. Ngôi vị thứ mười của Như Lai là dùng tất cả pháp vô tánh dạy cho các Bồ Tát khai mở tiếng đại Bát Niết Bàn, giảng nói tất cả các pháp rốt ráo Bát Niết Bàn.
Khi Phật nói tên mười ngôi vị của Như Lai, từ Cõi Phật Ta Bà, cho đến vô số cõi nước của Chư Phật trong mười phương đều hiện ra mười tám tướng lớn, đó là chấn động, chấn động lớn và chấn động khắp, lay, lay lớn và lay khắp, chuyển, chuyển lớn và chuyển khắp, kêu, kêu lớn và kêu khắp, rống, rống lớn và rống khắp, va chạm, va chạm lớn, va chạm khắp, tất cả Cõi Phật, hiện bên Đông ẩn bên Tây.
Hiện bên Tây ẩn bên Đông, hiện bên Nam ẩn bên Bắc, hiện bên Bắc ẩn bên Nam, hiện chính giữa ẩn một bên, hiện một bên ẩn chính giữa, các Cõi Phật đều hiện mười hai tướng chuyển mà các chúng sinh không có lo sợ, đều được an ổn. Tất cả Cõi Phật phóng ánh sáng lớn, tất cả Thế Giới tối tăm nhất cho đến Thế Giới tối tăm vừa đều chiếu sáng rõ ràng.
Tất cả Thế Giới hoặc thành, hoặc hoại, có Phật hay không Phật, đều hiện ở cõi này. Các hoa Trời xinh đẹp rơi xuống khắp vô biên Cõi Phật không thể nói trong mười phương, đó là hoa Mạn Đà La, hoa Ma Ha Mạn Đà La, hoa Mạn Thù Sa, hoa Ma Ha Mạn Thù Sa, hoa ánh sáng, hoa ánh sáng lớn, hoa Mặt Trăng, hoa Mặt Trăng lớn, cho đến tất cả các dụng cụ âm nhạc của Cõi Phật, không thổi mà tự kêu đều hiện ra pháp lớn chưa từng có.
Tất cả thị giả của Phật trong các Cõi Phật đều từ chỗ ngồi đứng dậy, thưa hỏi Phật của mình về pháp rất đặc biệt chưa từng có này. Chư Phật đều theo câu hỏi mà giảng giải rộng rãi.
Khi ấy, Bồ Tát Hải Thắng Trì Thâm Du Hý Trí Thần Thông đang ngồi trên cung điện báu trang nghiêm, các Bồ Tát trong hội đều khen ngợi. Sở hành của Chư Phật là cảnh giới thâm sâu của Như Lai, vi diệu tối thượng khó biết khó thấy. Các Bồ Tát không thể làm được, huống là các hàng Thanh Văn và Độc Giác.
Vì sao?
Vì mười ngôi vị của Như Lai không thể nghĩ bàn này, chúng ta từ xưa chưa từng nghe đến, hôm nay cùng nhau thưa Đức Như Lai Ứng Cúng Chánh Đẳng Giác giải rõ ý nghĩa này.
Lúc ấy, các Bồ Tát đều từ chỗ ngồi đứng dậy, cúi đầu chắp tay, bằng kệ thưa:
Thế Tôn không ai bằng
Nói tên ngôi vị Phật
Từ xưa chưa từng nghe
Vô thượng không sánh kịp
Tâm vui mừng thưa hỏi,
Mong giảng ý nghĩa ngôi vị
Như đói nghĩ ăn ngon
Khát mong uống nước mát
Nguyện Phật rủ lòng thương
Nói ngôi vị Như Lai.
Các chúng Bồ Tát nói kệ thưa Đức Phật xong, đi quanh bên phải ba vòng đảnh lễ nơi chân Phật, đều lui về ngồi trên tòa hoa sen.
Bấy giờ, Đức Thế Tôn như Sư Tử duỗi mình ngó khắp mười phương, bảo Đại Bồ Tát Hải Thắng Trì Thâm Du Hý Trí Thần Thông: Này Chánh Sĩ! Ý nghĩa ngôi vị của Như Lai vi diệu sâu xa vô cùng, khó hiểu, khó nhập, khó ngộ, chẳng phải là cảnh giới của ngôn ngữ, vượt qua tất cả âm thanh bàn luận.
Vì sao?
Vì ngôi vị của hàng Thanh Văn, Độc Giác còn không thể bàn luận, huống chi ngôi vị của Bồ Tát và ngôi vị của Như Lai mà có thể trình bày được.
Bồ Tát Hải Thắng Trì Thâm Du Hý Trí Thần Thông bạch: Bạch Thế Tôn! Hàng Thanh Văn có mấy ngôi vị?
Đức Phật đáp: Hàng Thanh Văn có mười ngôi vị.
Đó là:
1. Ngôi vị An trụ tam quy hành.
2. Ngôi vị Tùy tín hành.
3. Ngôi vị Tùy pháp hành.
4. Ngôi vị Thiện phàm phu.
5. Ngôi vị Học giới.
6. Ngôi vị Bát nhân.
7. Ngôi vị Tu Đà Hoàn.
8. Ngôi vị Tư Đà Hàm.
9. Ngôi vị A Na Hàm.
10. Ngôi vị A La Hán.
Bạch Thế Tôn!
Có bao nhiêu ngôi vị của Độc Giác?
Đức Phật đáp: Độc Giác có mười ngôi vị.
Đó là:
1. Ngôi vị vốn liếng các thiện.
2. Ngôi vị tự giác ngộ duyên khởi sâu xa.
3. Ngôi vị hiểu rõ bốn Thánh đế.
4. Ngôi vị trí sắc bén thù thắng thâm diệu.
5. Ngôi vị con đường Thánh tám nhánh.
6. Ngôi vị biết pháp giới, hư không giới, chúng sinh giới.
7. Ngôi vị chứng diệt.
8. Ngôi vị tánh sáu thông.
9. Ngôi vị nhập vi diệu.
10. Ngôi vị tập khí mỏng.
Bạch Thế Tôn!
Bồ Tát có mấy ngôi vị?
Đức Phật trả lời: Bồ Tát có mười ngôi vị.
Đó là:
1. Ngôi vị Hoan hỷ.
2. Ngôi vị Vô cấu.
3. Ngôi vị Minh.
4. Ngôi vị Diệm.
5. Ngôi vị Cực nan thắng.
6. Ngôi vị Hiện tiền.
7. Ngôi vị Viễn hành.
8. Ngôi vị Bất động.
9. Ngôi vị Thiện tuệ.
10. Ngôi vị Pháp vân.
Bạch Thế Tôn! Tất cả ngôi vị từ đâu sinh ra?
Đức Phật nói: Này Chánh Sĩ! Từ ngôi vị Như Lai sinh ra ngôi vị ấy.
Bạch Thế Tôn! Những sự giải thoát khác nhau như thế nào?
Đức Phật nói: Nước sông và nước biển cả khác nhau thế nào?
Bạch Thế Tôn! Nước sông, nước biển có nhiều ít khác nhau.
Đức Phật nói: Đúng vậy! Đúng vậy!
Này Chánh Sĩ! Sự giải thoát của hàng Thanh Văn, Độc Giác như nước trong sông, sự giải thoát của Như Lai giải thoát như nước trong biển cả.
Bạch Thế Tôn! Sông lớn, sông nhỏ và tất cả các dòng, há không chảy vào trong biển chăng?
Đức Phật đáp: Đúng vậy! Đúng vậy! Như lời ông vừa nói, nếu pháp của Thanh Văn, hoặc pháp của Độc Giác, hoặc pháp của Bồ Tát, hoặc pháp của Phật, tất cả đều chảy vào trong biển trí Tỳ Lô Giá Na.
Bạch Thế Tôn! Xin nguyện Thế Tôn hiện trụ ngôi vị đầu tiên của Như Lai. Cảnh giới của Như Lai, tất cả Bồ Tát đều không biết, huống chi các hàng Thanh Văn, Độc Giác.
***
Phật Thuyết Kinh đại Bát Nhã Ba La Mật đa - Hội Thứ Năm - Phẩm Mười Bảy - Phẩm Tham Hành - Phần Hai
Phật Thuyết Kinh đại Bát Nhã Ba La Mật đa - Hội Thứ Ba - Phẩm Ba Mươi Mốt - Phẩm Tuyên Hóa - Phần Ba
Phật Thuyết Kinh Tăng Chi Bộ - Chương Ba - Ba Pháp - Phẩm Ba - Phẩm Người -phần Mười - Lộn Ngược
Phật Thuyết Kinh Năm Giới Tướng Của ưu Bà Tắc - Phần Bốn - Giới Vọng Ngữ
Phật Thuyết Kinh Trung Bộ - Kinh Hạnh Con Chó
Phật Thuyết Kinh Na Tiên đàm đạo - Phần Chín - Khoảnh Khắc Tái Sanh
Phật Thuyết Kinh Tiểu Bộ - Tập Bảy - Ngạ Quỷ Sự - Phẩm Một - Phẩm Con Rắn - Chuyện Con Bò