Phật Thuyết Kinh Chuyển Thân Nữ - Phần Một
Hán dịch: Ngài Tam Tạng Pháp Sư Đàm Ma Mật Đa, Đời Lưu Tống
PHẬT THUYẾT
KINH CHUYỂN THÂN NỮ
Hán dịch: Ngài Tam Tạng Pháp Sư
Đàm Ma Mật Đa, Đời Lưu Tống
PHẦN MỘT
Như vậy tôi nghe!
Một thời Đức Phật ở trong núi Kỳ Xà Quật, thành Vương Xá cùng chúng đại Tỳ Kheo một ngàn người, tám ngàn Bồ Tát đều là những bậc tri thức.
Trong chúng cũng có những vị từ Cõi Phật khác đến hội và Chư Thiên, Rồng, Dạ Xoa, Càn Thát Bà, A Tu La, Khẩn Na La, Ma Hầu La Già, với trăm ngàn quyến thuộc đến hội rất đông đủ.
Bấy giờ, tứ chúng vây quanh nghe Đức Thế Tôn Thuyết Kinh. Văn nghĩa cao siêu đầu, giữa, cuối đều thiện, nói rõ đầy đủ tướng phạm hạnh.
Trong hội có một người Bà La Môn tên Tu Đạt Đa vợ ông ấy tên là Tịnh Nhật. Nàng đang mang thai một bé gái và nàng cũng có mặt trong chúng hội.
Tuy người con gái còn ở trong thai nhưng căn đầy đủ không dơ bẩn ô uế, chắp tay nhất tâm hướng về Phật nghe pháp và có điều muốn hỏi.
Bấy giờ, Tôn Giả A Nê Lô Đậu đắc được thiên nhãn minh tịnh bất tăng giảm hơn mắt người đời. Ngài thấy nàng Tịnh Nhật mang thai một bé gái, các căn đầy đủ không dơ bẩn ô uế, đang chắp tay nhất tâm hướng về Phật nghe pháp và có điều muốn hỏi.
Tôn Giả A Nê Lô Đậu thấy sự việc ấy rồi bạch Phật: Kính thưa Thế Tôn! Nàng Tịnh Nhật mang thai một bé gái, các căn đầy đủ không dơ bẩn tạp nhiễm, nhất tâm chắp tay hướng về Phật nghe pháp và có điều muốn hỏi.
Phật bảo A Nê Lô Đậu: Ta đã thấy trước bé gái trong thai ấy nhưng không nói đó thôi.
Vì sao?
Vì sợ nếu có chúng sanh nào không tin lời nói chân thật của Như Lai thì người đó mãi mãi lãnh thọ nhiều khổ não. Bấy giờ, Thế Tôn phóng ánh hào quang lớn chiếu khắp cả tam thiên đại thiên Thế Giới, lại dùng thần lực làm cho mọi người trong hội đều thấy bé gái trong thai của mẹ, các căn đầy đủ không dơ bẩn ô uế đang chắp Tay nhất tâm hướng về Phật nghe pháp và có điều muốn hỏi.
Đức Thế Tôn xuất ra các tiếng âm nhạc thanh tịnh của chúng sanh như: Âm thanh dễ hiểu, âm thanh chơn chất, âm thanh diệu tịnh, âm thanh vừa tai người nghe không có tiếng lỗi lầm, âm thanh làm cho thân tâm được an lạc, âm thanh xa lìa những nhiễu loạn phiền não như Trăng sáng, âm thanh dịu dàng liên tiếp không dứt.
Âm thanh không ồn ào, âm thanh khi vào tâm người có thể từ bỏ tham dục, sân nhuế, ngu si, âm thanh giúp mọi người tin vui hoan hỷ, âm thanh vượt quá phạm âm, âm thanh như sấm chớp, âm thanh như nhạc trời, âm thanh như tiếng rống sư tử diễn pháp, âm thanh tích chứa quả thiện căn quá trăm ngàn vạn ức a tăng kỳ na do tha kiếp.
Đức Thế Tôn dùng những âm thanh hòa nhã như vậy nói với bé gái: Ngươi vì chuyện gì mà đến nghe pháp lại có điều muốn hỏi?
Bé gái trong thai nương oai thần của Phật bạch với Đức Phật rằng: Kính thưa Thế Tôn! Có nhiều chúng sanh tham lam, đắm trước ngã kiến, sanh ra hư vọng phân biệt điên đảo. Không có chúng sanh tướng mà khởi kiến chấp chúng sanh tướng. Không có ngã tướng mà khởi kiến chấp ngã tướng.
Không có nhơn tướng, không có thọ mạng tướng, không có trưởng dưỡng tướng mà chấp có nhơn tướng, thọ mạng tướng, trưởng dưỡng tướng. Vì tất cả chúng sanh tham trước như vậy nên con có điều muốn hỏi.
Lại có chúng sanh tham trước ngã kiến đối với đạo nhất thừa không thể hiểu rõ vì muốn khai ngộ nhất thừa đạo. Lại có chúng sanh bị vô minh hữu ái che lấp trói buộc không thể hiểu biết rõ ràng pháp giải thoát, con muốn họ hiểu biết rõ ràng pháp giải thoát đó.
Lại có chúng sanh bị sự che lấp vi tế của tham dục, sân hận, ngu si, tối tăm ngu muội, không thể tiến cầu tam giải thoát môn không, vô tướng, vô tác, nên con muốn họ tu chứng Tam giải thoát môn.
Lại có chúng sanh rơi vào bốn thứ điên đảo: Vô thường cho là thường, khổ cho là vui, vô ngã thấy có ngã, bất tịnh thấy tịnh con muốn giải thích cho họ pháp Tứ Đế.
Đó là khổ, khổ tập, khổ diệt, đạo diệt khổ. Lại có chúng sanh bị ngũ cái che lấp không tu ngũ căn con muốn họ đầy đủ pháp ngũ căn. Lại có chúng sanh tham vào lục nhập không chứng lục thông nên con muốn giải thích pháp lục thông.
Lại có chúng sanh vui trụ vào bảy thức không thể hiểu bảy bồ đề phần. Con muốn vì họ giải nói bảy giác pháp. Lại có chúng sanh hành tám tà đạo không hiểu tám Thánh đạo phần nên con muốn giải thích cho họ tám Thánh đạo.
Lại có chúng sanh tâm ôm ấp chín ưu não không thể nhập vào chín thứ đệ định nên con muốn giải thích cho họ các thiền và giải thoát Tam ma đề.
Lại có chúng sanh làm mười nghiệp ác, không siêng năng tu mười nghiệp thiện nên con muốn họ đầy đủ mười thiện nghiệp.
Lại có chúng sanh rơi vào tà định tụ hoặc bất định tụ ở trong pháp vô lậu chẳng bỏ nên con muốn họ hiểu rõ pháp chánh định tụ, giúp chúng sanh thành tựu thiện căn tự điều phục, tùy theo sở nguyện mong cầu mà thuyết pháp.
Kính thưa Thế Tôn! Con nay vì tất cả những nhân duyên như vậy nên con hướng về Phật nghe pháp và có điều muốn hỏi.
Bấy giờ, đại chúng trong hội tán thán việc chưa từng có và thưa rằng: Pháp của Như Lai quá hy hữu. Bồ Tát tuy ở trong thai vì muốn lợi ích cho chúng sanh nói pháp không bỏ. Nếu thiện nam tử, thiện nữ nào có thấy nghe thì không ai mà không phát tâm Chánh Đẳng Chánh Giác.
Khi ấy, bé gái nương oai thần của Phật giống như hậu thân Bồ Tát bỗng nhiên sanh ra từ hông bên phải của mẹ. Bé gái ấy nhờ nhân duyên phước tuệ, lúc sanh thân người mẹ như bình thường, không có não phiền đau đớn.
Bé gái sinh chưa bao lâu đại địa chấn động, trên Trời mưa các loài hoa, tất cả nhạc cụ không đánh tự kêu. Lục địa sinh hoa lớn như bánh xe mỗi loại trang nghiêm sắc hương tuyệt hảo nhìn thấy an vui, có trăm ngàn lá, cánh bằng vàng ròng, lá làm bằng bạc, cọng nhụy bằng mã não, đài làm bằng chân trâu đỏ.
Bé gái đứng ở trên, thân hình như hài nhi hai, ba tuổi nhan sắc đoan chánh rất khả ái kính, nhờ đời trước quả báo thiện nên sanh ra được như vậy.
Bấy giờ, Thích Đề Hoàn Nhơn cầm áo trời anh lạc đến nói với bé gái: Này thiện nữ! Hãy mặc áo anh lạc này, chớ đứng khỏa thân.
Bé gái đáp với Thích Đề Hoàn Nhơn: Ta là Bồ Tát không trang nghiêm bằng y phục anh lạc.
Vì sao?
Vì Bồ Tát thường lấy tâm bồ đề làm áo anh lạc tự trang nghiêm thì mới thắng tất cả trang nghiêm của trời, người, thế gian.
Lại nữa này Kiều Thi Ca! Bồ Tát có mười loại áo anh lạc tự trang nghiêm.
Những gì là mười?
Là không mất bồ đề tâm, không bỏ phế thâm tâm, luôn đem lòng đại từ cứu hộ tất cả chúng sanh nào mong cầu. Thường lấy đại bi làm gốc cần hành tinh tấn độ tất cả không bỏ một chúng sanh nào, thành tựu tất cả chúng sanh. Thường đem tàm quí trang nghiêm thân khẩu ý.
Tất cả vật thí ban bố không mong cầu đền đáp. Suốt đời giữ giới, hành hạnh đầu đà công đức không trái phạm, chịu sức nhẫn nhục có thể nhẫn những gì khó nhẫn. Lấy chánh phương tiện cầu thắng thiện căn. Tâm ấy tuy trụ trong thiền vô lượng tam muội nhưng không mong cầu tu chứng giải thoát.
Này Kiều Thi Ca! Đó là mười loại y phục anh lạc trang nghiêm của Bồ Tát, bất cứ khi nào cũng không xa lì.
Lại nữa, này Kiều Thi Ca! Bồ Tát lấy tướng hảo trang nghiêm thân, thắng hơn các thứ anh lạc mà tướng hảo ấy từ phước huệ sinh ra.
Phước huệ là những gì?
Nghĩa là bố thí những gì mình yêu thích, có thể xả bỏ cùng nhiều thứ khác đối với tất cả chúng sanh tâm không sân hận, thường cầu hạnh thiện bố thí vô số, để người khác đầy đủ, quán tất cả chúng sanh đều là phước điền.
Này Kiều Thi Ca! Đó gọi là đệ nhất y phục anh lạc trang nghiêm của Bồ Tát. Nếu Bồ Tát muốn chứng Thanh Văn, Bích Chi Phật không gọi là trang nghiêm, nếu còn có chúng sanh tâm keo kiệt, tâm phá giới, tâm sân hận, tâm giải đãi, tâm loạn tưởng ác tuệ, tâm hèn hạ tạp nhiễm các phiền não thì tôi không chứng Chánh Đẳng Chánh Giác.
Kinh sợ, hối hận thì chẳng phải Bồ Tát Trang Nghiêm là vì xa lìa pháp Bồ Tát Trang Nghiêm. Khi ấy, trong chúng hội nghe nói các pháp trang nghiêm của Bồ Tát, có một vạn hai ngàn Chư Thiên và người trước có gieo trồng thiện căn đều phát tâm Chánh Đẳng Chánh Giác.
Bấy giờ Đức Thế Tôn bảo bé gái ấy: Ngươi có thể nhận y phục anh lạc của Thích Đề Hoàn Nhơn.
Bé gái bạch Phật: Kính thưa Thế Tôn! Con không thể nhận bởi vì y phục anh lạc trang nghiêm phải thích ứng và đồng chí hướng với con mà Đế Thích này nguyện cầu tiểu trí, mong muốn thấp kém, nhàm chán sinh tử thường ôm lòng lo sợ muốn mau nhập Niết Bàn.
Thường theo Thế Tôn thính thọ giáo pháp duy chỉ mong cầu trí tuệ sáng suốt cho bản thân không vì người khác. Như kết bè cỏ muốn mau qua sống không vì người làm tịnh phước điền, xa lìa trí nhẫn thanh tịnh của Chư Phật không hiểu rõ căn tánh chúng sanh.
Thưa Thế Tôn! Con nay mặc áo giáp kiên cố cầu đại thừa muốn lợi ích cho tất cả, làm chiếc thuyền pháp lớn độ những người chưa độ, cầu trí tuệ tự nhiên chuyển bánh xe chánh pháp, không vì người khác mong cầu, lấy trí Như Lai mà tự trang nghiêm làm cho tất cả được trí nhãn thanh tịnh của Chư Phật.
Kính thưa Thế Tôn! Con từ nước kia đến và sanh ra ở đó, muốn diện kiến Thích Ca Như Lai để lễ bái cúng dường và nghe thuyết pháp. Đức Thế Tôn phải cho con y phục anh lạc để con mặc.
Bấy giờ, trong hội Chư Thiên, người đều suy nghĩ: Thế Giới của bé gái này tên là gì, cách đây bao xa, ở tại phương nào.
Như Lai ở nước đó tên là gì, hiện nay nói pháp gì?
Biết tâm niệm của đại chúng trong hội, Thế Tôn bảo Xá Lợi Phất: Đến Thế Giới đó là hướng đông nam, qua ba mươi sáu na do tha Cõi Phật, có Thế Giới tên là Tịnh Trú. Đức Phật Hiệu là Vô Cấu Xưng Vương Như Lai Ứng Đẳng Chánh Giác hiện đang nói pháp.
Này Xá Lợi Phất! Bé gái này mất ở Thế Giới Tịnh trú, sanh ở cõi này vì muốn thành tựu chúng sanh và cũng muốn lễ bái cúng dường, nghe ta thuyết pháp.
Phật thuyết Kinh xong thời gian chưa bao lâu. Đức Phật Vô Cấu Xưng Vương Như Lai khởi lòng thương xót dùng thần lực sai các Bồ Tát đem y phục anh lạc trang nghiêm đến cho bé gái.
Họ đến đứng giữa hư không trước bé gái và nói: Này thiện nữ! Đức Phật Vô cấu xưng vương Như Lai ở Thế Giới Tịnh trú sai đem chiếc áo anh lạc này cho ngươi, vậy ngươi hãy mặc vào. Nơi đó Chư Bồ Tát khi mặc y phục anh lạc trang nghiêm đều đắc ngũ thần thông, ngươi cũng sẽ được như vậy.
Bấy giờ, bé gái đón nhận y phục anh lạc xuất ra hào quang diệu sắc. Ngoài ánh hào quang của Như Lai, còn ánh sáng Mặt Trời, Mặt Trăng, Phạm Thiên Đế Thích, Hộ Thế Thiên Vương biến mất. Bé gái ấy liền đủ ngũ thần thông, bước xuống đài sen đi đến chỗ Phật. Từng bước, từng bước làm mặt đất chấn động sáu cách.
Bé gái đến trước Đức Phật đảnh lễ sát chân Phật, nhiễu quanh Phật bảy vòng và bạch với Đức Phật: Kính thưa Thế Tôn! Nguyện Thế Tôn vì các Đại Bồ Tát nói pháp bồ đề tăng trưởng, để Chư Đại Bồ Tát vào Vô Thượng đạo mà không thối chuyển, thắng các hạnh ma, mau chóng thành Chánh Đẳng Chánh Giác.
Đức Phật nói với bé gái: Nếu Bồ Tát thành tựu Tứ Pháp có khả năng giữ gìn bồ đề làm cho tăng trưởng: Một là tịnh tâm, hai là thâm tâm, ba là phương tiện tâm, bốn là bất xả bồ đề Tâm, đó gọi là bốn.
Lại có bốn pháp: Một thường muốn lợi ích tất cả chúng sanh, hai thường khởi tâm từ thương xoát tất cả chúng sanh, ba dùng đại bi độ thoát tất cả chúng sanh, bốn đem tâm kiên cố tinh tấn đầy đủ tất cả Pháp Phật. Gọi là bốn.
Lại có bốn pháp: Một phân biệt các pháp sanh nhiều tín tâm, hai là xa lìa Thanh Văn, Bích Chi Phật, ba ưa quán thắng pháp muốn viên mãn tất cả Pháp Phật, bốn siêng năng tinh tấn phải thành tựu quả ấy. Gọi là bốn.
Lại có bốn pháp: Một xa lìa kiêu mạng, hai trừ tâm tự tại, ba kính trọng Tôn Trưởng, bốn nghe lời chỉ dạy, gọi là bốn.
Lại có bốn pháp: Một đến cầu người không sanh sân hận, hai bố thí mọi thứ không cầu đền đáp, ba đã bố thí không hối tiếc, bốn có thiện căn hết lòng hồi hướng bồ đề. Gọi là bốn.
Lại có bốn pháp: Một không phá giới, hai không làm giới lủng chảy, ba không tạp nhiễm giới, bốn không dơ bẩn giới. Gọi là bốn.
Lại có bốn pháp: Một tánh hòa giải có khả năng nhẫn, hai khéo hộ ý người, ba tự hộ thân mình không xúc phạm người khác, bốn hồi hướng bồ đề. Gọi là bốn.
Lại có bốn pháp: Một là tinh tấn kiên cố, hai là minh tịnh kiên cố, ba là tinh tấn không khiếp đảm, bốn là hồi hướng bồ đề. Gọi là bốn.
Lại có bốn pháp: Một thân cường tráng có thể chịu đựng, hai kiên cố có thể chịu đựng, ba khéo có thể tu tập các Thiền chi, bốn luôn luôn không quên mất bồ đề tâm. Gọi là bốn.
Lại có bốn pháp: Một là bố thí, hai là ái ngữ, ba là lợi ích, bốn là đồng sự. Gọi là bốn.
Lại có bốn pháp: Một tâm từ ban bố khắp nơi, hai đại bi không mỏi mệt, ba tâm tràn đầy niềm vui ái kính pháp, bốn tâm xả ly thương ghét. Gọi là bốn.
Lại có bốn pháp: Một nghe pháp không chán, hai chánh quán tư duy, ba theo pháp có thể hành, bốn hồi hướng bồ đề. Gọi là bốn.
Lại có bốn pháp: Một biết các hành vô thường, hai quyết định biết ấm là khổ, ba quyết định biết các pháp vô ngã, bốn quyết định biết Niết Bàn là pháp tịch diệt. Gọi là bốn.
Lại có bốn pháp: Một được lợi không vui, hai mất lợi không buồn, ba tuy có danh tiếng tâm vẫn bình thường, bốn tuy nghe tiếng hê tâm không phiền não. Gọi là bốn.
Lại có bốn pháp: Một người khác xúc phạm không sân, hai khen ngợi không vui, ba gặp khổ có thể nhẫn chịu, bốn tuy được vui không chạy theo cũng không chối bỏ. Gọi là bốn.
Lại có bốn pháp: Một quán nhân, hai biết quả, ba xa lìa nhị biên kiến, bốn biết pháp duyên khởi. Gọi là bốn.
Lại có bốn pháp: Một biết trong vô ngã, hai biết ngoài không có chúng sanh, ba biết trong lẫn ngoài không có thọ mạng, bốn mọi người thanh tịnh rốt ráo. Gọi là bốn.
Lại có bốn pháp: Một hành không không sợ, hai quán vô tướng không mất, ba không phân biệt vô nguyện, bốn vui quán các pháp vô tác. Gọi là bốn.
Lại có bốn pháp: Một không chứng khổ trí, hai không chứng tập trí, ba không chứng diệt trí, bốn không chứng đạo trí. Gọi là bốn.
Lại có bốn pháp: Một thâm quán bồ đề, hai không phỉ báng chánh pháp, ba trọn đời trong Chúng Tăng không thối chuyển, bốn đối với giáo pháp không thể tranh cãi. Gọi là bốn.
Lại có bốn pháp: Một có khả năng làm tham dục không khởi, hai không phan duyên, ba đoạn tham dục, sân nhuế ngu si, bốn đối với phiền não cũng lại như vậy. Gọi là bốn.
Lại có bốn pháp: Một ở trong chúng sanh tâm thường bình đẳng, hai quán tất cả chúng sanh đều là phước điền, ba tôn kính Phật và chúng sanh đều bình đẳng, bốn quán pháp và chúng sanh cũng bình đẳng. Gọi là bốn.
Lại có bốn pháp: Một không đề cao mình, hai không hạ thấp người khác, ba không khinh người chưa học, bốn ái kính người đã học như thầy. Gọi là bốn.
Lại có bốn pháp: Một xa lìa lời nói vô ích, hai thường cầu nhàn tĩnh, ba ưa thích nơi thanh vắng không nhàm chán, bốn cầu công đức lợi ích nơi thanh vắng. Gọi là bốn.
Lại có bốn pháp: Một thiểu dục, hai tri túc, ba biết ước chừng tịnh vật, bốn vui hạnh Đầu Đà, không tham trước y phục tốt, ăn uống ngon. Gọi là bốn.
Lại có bốn pháp: Một biết mình, hai biết người, ba biết thời, bốn biết nghĩa. Gọi là bốn.
Lại có bốn pháp: Một vui với pháp, hai vui nghĩa lý, ba vui với Thánh Đế, bốn vui thành tựu chúng sanh. Gọi là bốn.
Lại có bốn pháp: Một trong tịnh có thể hộ tự tâm, hai ngoài tịnh có thể hộ chúng sanh, ba pháp tịnh nơi hành thiện, bốn trí tịnh có thể bỏ kiêu mạng. Gọi là bốn.
Lại có bốn pháp, Một xa lìa ngã, hai bỏ ngã sở, ba trừ chư kiến, bốn đoạn ái sân. Gọi là bốn.
Lại có bốn pháp: Một quyền xảo nhiếp lấy trí tuệ, hai trí tuệ nhiếp lấy quyền xảo, ba đại bi nhiếp lấy tất cả thí, bốn tinh tấn nhiếp giữ tất cả đạo phẩm của pháp. Gọi là bốn.
Này thiện nữ! Bồ Tát thành tựu bốn pháp như vậy, có thể nhiếp giữ bồ đề làm tăng trưởng.
Khi Đức Thế Tôn nói bốn pháp nhiếp thủ bồ đề khiến tăng trưởng, đồng thời trong hội có ba vạn hai ngàn Chư Thiên, người đều phát tâm Chánh Đẳng Chánh Giác.
Lúc đó, Tôn Giả Xá Lợi Phất hỏi bé gái: Cha mẹ đặt tên cho ngươi là gì?
Bé gái đáp: Thưa Tôn Giả Xá Lợi Phất! Tất cả Chư pháp vốn không tên tùy theo phân biệt mà lập tên, chẳng phải chân thật nên không định chủ, Thưa Tôn Giả Xá Lợi Phất! Đại Bồ Tát tùy theo sở hành đó mà lập tên.
Nếu được tịnh tâm gọi là người tịnh tâm, nếu được thâm tâm gọi là người thâm tâm, nếu hành phương tiện gọi là tịnh phương tiện, nếu hành bố thí thì gọi là người thiện năng thí, nếu tu Thi La gọi là người tịnh giới, nếu trụ nhẫn nhục gọi là người có sức nhẫn, nếu tinh tấn gọi là người mặc áo giáp tinh tấn.
Nếu trụ các thiền gọi là người trụ thiền Tam Muội, đắc được trí tuệ gọi là người đại trí tuệ, nếu trụ từ bi hỷ xả gọi là người đại từ, đại bi, đại hỷ, đại xả, nếu trụ nơi thanh vắng gọi là người nhàn cư vô sự, nếu không xả hạnh đầu đà gọi là người hành công đức thanh tịnh, nếu thích tập thiền pháp gọi là người hoan hỷ cầu pháp. Nói tóm lại tùy theo những thiện căn nào hướng đến Đại Thừa thì được đặt tên.
Bấy giờ, Thế Tôn bảo Xá Lợi Phất: Nên biết bé gái này khi mặc y phục anh lạc phóng ánh hòa quang lớn chiếu khắp đại chúng nên gọi bé gái này là Vô Cấu Quang, nhớ kỹ như vậy.
Xá Lợi Phất hỏi Nữ Vô Cấu Quang: Người ở Thế Giới Tịnh trú chỗ Phật Vô cấu xưng vương, thọ thân nữ cũng ở nơi đó phải không?
Nữ Vô Cấu Quang đáp: Thưa Tôn Giả Xá Lợi Phất! Thế Giới của Đức Phật đó không có người nữ.
Xá Lợi Phất hỏi: Vậy lúc đó ngươi là gì?
Mang thân nữ tại sao sanh ở đó?
Nữ Vô Cấu Quang đáp: Con nay không phải nam hay nữ cũng không phải sắc, thọ, tưởng, hành, thức sanh ở đó.
Vì sao?
Thưa Tôn Giả Xá Lợi Phất ý Ngài thế nào?
Như Lai hóa làm người từ nước Phật này đến nước Phật khác vì có thân nam thân nữ nhập các tướng sai biệt chăng?
Xá Lợi Phất nói: Không phải, vì sao?
Vì sự biến hóa của Như Lai không có sai biệt.
Nữ Vô Cấu Quang nói: Thưa Tôn Giả Xá Lợi Phất! Như Như Lai chỗ biến hóa không có sai biệt, tất cả các pháp đều như hóa. Nếu biết tất cả các pháp đều đồng tướng hóa, từ nước Phật này đến nước Phật khác thì không thấy sai biệt.
Xá Lợi Phất: Ngươi ở trong các pháp thấy không sai biệt, làm thế nào thành tựu chúng sanh?
Nữ Vô Cấu Quang đáp: Thưa Tôn Giả Xá Lợi Phất! Nếu trong các pháp thấy sai biệt thì không thể thành tựu chúng sanh. Trong các pháp không thấy sai biệt thì có thể thành tựu chúng sanh.
Xá Lợi Phất hỏi Nữ Vô Cấu Quang: Vậy ngươi thành tựu bao nhiêu chúng sanh rồi.
Nữ Vô Cấu Quang đáp: Như Tôn Giả Xá Lợi Phất đã đoạn phiền não vậy.
Xá Lợi Phất nói: Phiền não mà ta đoạn tánh nó không có sở hữu.
Nữ Vô Cấu Quang nói: Tánh của chúng sanh cũng không có sở hữu.
Xá Lợi Phất nói: Chúng sanh không tánh lấy chỗ nào thành tựu?
Nữ Vô Cấu Quang hỏi lại: Phiền não không tánh vậy đoạn cái gì?
Xá Lợi Phất đáp: Không phân biệt nên gọi là đoạn.
Nữ Vô Cấu Quang nói: Như lời Tôn Giả Xá Lợi Phất nói nếu không phân biệt ngã kia thì gọi là thành tựu chúng sanh.
Xá Lợi Phất hỏi lại Nữ Vô Cấu Quang: Thế nào gọi là thành tựu chúng sanh?
Nữ Vô Cấu Quang đáp: Trong các hữu không khởi nhiễm ái thì gọi là thành tựu chúng sanh.
Xá Lợi Phất lại hỏi Nữ Vô Cấu Quang: Ngươi đối với Ba Thừa, lấy thừa nào thành tựu chúng sanh?
Nữ Vô Cấu Quang đáp: Thưa Tôn Giả Xá Lợi Phất! Ví như trong không trung mọi nơi, mưa xuống đúng thời trên giữa và dưới, vào những hạt giống lúa non, thảo dược, cây cối đều được sanh trưởng.
Như trận mưa đó có tướng phân biệt không?
Xá Lợi Phất nói: Nước tuy có thể làm sanh trưởng lúa mạ nhưng không phân biệt.
Nữ Vô Cấu Quang nói: Như vậy, thưa Tôn Giả Xá Lợi Phất! Chư Phật và Bồ Tát nói pháp cũng không phân biệt, tùy theo thiện căn thành thục tất cả chúng sanh ở trong ba thừa mà điều phục họ.
Xá Lợi Phất hỏi Nữ Vô Cấu Quang: Thế nào gọi là điều phục, nghĩa ấy ra sao?
Nữ Vô Cấu Quang đáp: Điều phục là có khả năng quán tà đạo tức chánh đạo gọi là điều phục.
Vì sao?
Vì phàm phu điên đảo không thể chánh quán nên không điều phục. Nếu quán tướng tà đạo bình đẳng không chạy theo, không dựa vào các tà đạo thì gọi là điều phục rốt ráo.
***
Phật Thuyết Kinh đại Bát Nhã Ba La Mật đa - Hội Thứ Năm - Phẩm Mười Bảy - Phẩm Tham Hành - Phần Hai
Phật Thuyết Kinh đại Bát Nhã Ba La Mật đa - Hội Thứ Ba - Phẩm Ba Mươi Mốt - Phẩm Tuyên Hóa - Phần Ba
Phật Thuyết Kinh Tạp A Hàm - Kinh Nhất Thiết - Phần Hai
Phật Thuyết Kinh Tạp A Hàm - Kinh Tự Tác
Phật Thuyết Kinh đẳng Tập Chúng đức Tam Muội - Phần Một
Phật Thuyết Kinh đại Bát Nhã Ba La Mật đa - Hội đầu - Phẩm Mười Năm - Phẩm Biện đại Thừa - Phần Sáu
Phật Thuyết Kinh đại Bát Nhã Ba La Mật đa - Hội Thứ Hai - Phẩm Sáu Mươi Mốt - Phẩm đồng Học