Phật Thuyết Kinh Cựu Tạp Thí Dụ - Phần Sáu

Kinh Đại thừa   •   Thứ hai, 25/12/2023, 22:04 PM

Hán dịch: Ngài Tam Tạng Pháp Sư Khương Tăng Hội, Đời Ngô

PHẬT THUYẾT

KINH CỰU TẠP THÍ DỤ

Hán dịch: Ngài Tam Tạng Pháp Sư

Khương Tăng Hội, Đời Ngô   

PHẦN SÁU  

Ngày xưa có một vị A La Hán, cùng đệ tử là chú Sa Di ở trong núi hành đạo. Sa Di hằng ngày đến nhà thí chủ nhận cơm phải băng qua bờ đê gồ ghề nguy hiểm, thường bị trợt té đổ cơm trên đất dơ. Sa Di lấy cơm còn sạch bỏ vào bình bát của thầy, còn cơm dơ rửa sạch để ăn. Việc ấy thường xảy ra như vậy, chẳng phải chỉ một ngày.

Thầy hỏi: Vì sao phải rửa bỏ hương vị của cơm?

Thưa: Khi con đi nhận cơm trời đang tạnh, lúc về thì lại có mưa, làm cho con phải té đổ cơm! Thầy lặng yên để thiền tư, biết đó là rồng giỡn Sa Di. Thầy liền đứng dậy, đến bờ đê, cầm gõ mạnh lên đó, rồng phải hóa làm một ông già, đầu mặt lạy sát đất.

Thầy Sa Môn nói: Ngươi vì nhân duyên gì mà quấy rối Sa Di của ta?

Thưa: Không dám quấy rối. Sự thật là mến dung mạo của chú ấy mà thôi.

Rồng liền thưa: Bạch ngài, chú ấy ngày nào cũng đi đâu vậy?

Thầy dạy: Chú ấy đi khất thực.

Rồng thưa: Xin ngài hoan hỷ, từ nay, cứ đến giờ xin mời ngài đến nhà con thọ trai, để con được tăng tuổi thọ. Sa Môn im lặng thọ thỉnh.

Khi trở về vị thầy nói với Sa Di: Từ nay ngươi đến nhà thí chủ nhận cơm và ăn tại đó, đừng mang cơm về đây nữa.

Chú Sa Di ngày ngày đến nhà thí chủ thọ trai, khi trở về rửa bát cho thầy, gặp vài ba hạt cơm hương vị không phải là cơm của thế gian có được.

Sa Di hỏi Hòa Thượng: Con có gặp mấy hạt cơm trong bát của thầy, thưa cơm ấy có phải là của Cõi Trời không?

Vị thầy im lặng không đáp. Vì chú ấy muốn tìm hiểu xem cơm kia ai cúng cho thầy nên vào nằm ôm chặt chân giường.

Đã đến giờ thọ trai, Hòa Thượng lên giường ngồi thiền, định ý, mang cả giường bay đến cung điện bảy báu của Long Vương. Rồng cùng tất cả quyến thuộc đến đảnh lễ Sa Môn và cũng vì Sa Di làm lễ. Khi thầy biết, gọi chú bước ra và khuyên Sa Di giữ gìn chánh tâm chớ động, vì tất cả cảnh tượng đều là vô thường, chớ vì huyễn cảnh mà ô nhiễm tâm ý.

Khi thọ trai xong đã trở về, thầy lại gọi chú dạy thêm: Loài rồng kia, tuy có cung điện bằng bảy báu cùng với vợ con, thể nữ, nhưng họ cũng chỉ là loài súc sinh mà thôi. Ngươi làm Sa Di, tuy chưa được đạo cũng có thể sinh lên Cõi Trời Đao Lợi thù thắng hơn cõi Long Cung gấp trăm lần. Ngươi chớ vướng bận mà làm nhơ bẩn tâm ý.

Thầy lại dạy tiếp: Đồ ăn trăm vị của loài rồng kia, khi họ ăn vào miệng liền hóa thành con ễnh ương. Nếu họ khởi ác ý liền mửa ra, rồi phải ăn trở lại, nếu bỏ cơm ấy thì không có trở lại nữa. Đó là nỗi khổ thứ nhất.

Thứ hai, Long Nữ tuy đoan chánh không ai sánh bằng, nhưng khi dục tâm sinh khởi liền phải biến thành hai con rắn giao nhau.

Thứ ba, loài rồng đều có vảy mọc ngược, cát đá sinh nằm ở trong đó, đau nhói thấu tâm can.

Loài rồng có ba nỗi khổ như đã kể trên, vì sao ngươi còn để tâm ham muốn! Chú Sa Di không chịu nghe, cứ đêm ngày tư tưởng đến cảnh giới kia, không chịu ăn uống, bị bệnh mà chết, thần thức liền thác sinh làm con của loài rồng, có oai thần rất lớn. Còn Long Vương khi thọ mạng hết, được thác sinh trong loài người.

Thầy dạy: Người chưa được đạo quả, không nên cho họ đến cung điện của hàng vương giả.

***

icon

Tổng hợp

Cùng chủ đề

Phật Thuyết Kinh đại Bát Nhã Ba La Mật đa - Hội Thứ Ba - Phẩm Ba Mươi Mốt - Phẩm Tuyên Hóa - Phần Ba

Kinh Đại thừa   •   25.12.2023
Hán dịch: Ngài Tam Tạng Pháp Sư Cưu Ma La Thập, Đời Diêu Tần