Phật Thuyết Kinh đại Bảo Tích - Pháp Hội Thứ Ba - Pháp Hội Mật Tích Kim Cang Lực Sĩ - Phần Bốn
Hán dịch: Ngài Tam Tạng Pháp Sư Nan Liên Đề Gia Xá, Đời Cao Tế
PHẬT THUYẾT
KINH ĐẠI BẢO TÍCH
Hán dịch: Ngài Tam Tạng Pháp Sư
Nan Liên Đề Gia Xá, Đời Cao Tế
PHÁP HỘI THỨ BA
PHÁP HỘI MẬT TÍCH KIM CANG LỰC SĨ
PHẦN BỐN
Này Tịch Ý! Sau khi rút thẻ, ngàn Thái Tử cùng nhau vui cười và nói rằng sau này tôi sẽ thành Phật, sẽ hàng phục quân ma, chuyển đại pháp luân, cứu độ vô lượng chúng sanh.
Lúc đó Thái Tử Ý Vô Lượng thấy mình rút được thẻ sau rốt, sẽ thành Phật cuối cùng, trong lòng sầu não tự gieo mình xuống đất lập thệ rằng: Đạo pháp của Chư Phật chẳng thể nghĩ lường, chúng sanh giới cũng là vô hạn, chí nguyện của tôi cũng bất tư nghì. Tôi nguyện khi các anh tôi thành Phật Giáo hóa đệ tử, thọ mạng dài ngắn, Thánh Chúng nhiều ít, lúc tôi thành Phật cũng đồng như vậy.
Nếu lời nguyện của tôi trên đây sau này được đúng như vậy, xin Cõi Đại Thiên vì tôi mà hiện điềm lành. Thái Tử Ý Vô Lượng vừa lập thệ xong, Đại Thiên Thế Giới liền chấn động sáu cách, Trời rưới các thứ hoa, tất cả nhạc khí tự nhiên hòa tấu.
Giữa hư không có tiếng khen rằng: Sẽ được như nguyện, về sau này thành Phật Hiệu là Lâu Chí Như Lai Đẳng Chánh Giác.
Thái Tử Ý Vô Lượng sau khi phát nguyện, được thấy điềm lành cùng nghe tiếng ca ngợi giữa hư không, liền nói kệ rằng:
Đạo Pháp của Chư Phật
Đồng như cõi hư không
Ý giác dường như huyễn
Chúng sanh giới vô tận
Phát nguyện hiện điềm lành
Giới cấm thành thanh tịnh
Các Ngài nên lóng nghe
Lời thệ nguyện của tôi.
Này Tịch Ý! Vương Tử Ý Vô Lượng sẽ là vị Phật cuối cùng trong hiền kiếp hiệu Lâu Chí Như Lai.
Cớ sao hiệu là Lâu Chí?
Vì lúc Vương Tử rút nhằm thẻ thứ một ngàn tự cảm thương buồn khóc, gieo mình xuống đất chí thành phát nguyện, do đó nên khi thành Phật Hiệu là Lâu Chí.
Này Tịch Ý! Ông xem Chư Bồ Tát thiện quyền phương tiện, thành tựu giới hạnh phát nguyện rộng lớn đi khắp trong Tam Giới không lúc nào ngừng nghỉ. Lâu Chí Như Lai riêng một mình giáo hóa chúng sanh cùng ngàn Phật ra đời chỗ độ chúng sanh đồng nhau không khác.
Này Tịch Ý! Hai vị Vương Tử nhỏ hơn hết trong ngàn vị Vương Tử tự lập thệ nguyện.
Vương Tử Pháp Ý nguyện rằng: Lúc các Vương huynh thành Phật, tôi sẽ làm Kim Cang Lực Sĩ hộ trì chánh pháp bí yếu của Như Lai.
Vương Tử Pháp Niệm phát nguyện rằng: Lúc các Vương huynh thành Phật, tôi sẽ là người thỉnh mời và hộ trợ Chư Phật chuyển pháp luân.
Này Tịch Ý! Vua Dũng Quận là tiền thân của Định Quang Như Lai.
Ngàn Vương Tử là tiền thân của ngàn Đức Phật trong hiền kiếp: từ Phật Câu Lưu Tôn thứ nhất đến Phật Lâu Chí thứ một ngàn.
Vương Tử Pháp Ý chính là Mật Tích Kim Cang Lực Sĩ đây. Vương Tử Pháp Niệm hiện nay là Thức Kỳ Phạm Thiên. Phu nhân, thể nữ trong cung Vua thuở trước là những người đến dự Pháp Hội hôm nay.
Những người ngày trước được các Vương Tử khuyên xuất gia làm Sa Môn và những người được các Vương Tử giáo hóa, trong hiền kiếp này họ sẽ lần lượt thọ ký thành Phật.
Này Tịch Ý! Ông xem Chư Bồ Tát chí thành phát tâm công đức không bao giờ mất. Chư Bồ Tát sẽ được đầy đủ mười trí lực viên mãn hạnh nguyện của mình.
Do đây nên có Bồ Tát nào muốn được sớm thành Phật phải học đòi theo hạnh nguyện của ngàn Vương Tử Bồ Tát, siêng năng phụng hành Phật Đạo.
Những gì là Phật Đạo?
Chẳng nên có tâm tổn hại chúng sanh, thêm lớn lòng từ thật hành Lục Độ, thường tu phạm hạnh, tu tập bốn ân, thật hành các phẩm trợ đạo đầy đủ thần thông, phương tiện quyền xảo để trọn nên cội công đức. Các hạnh trên đây chính là Phật Đạo.
Này Tịch Ý! Đạo đó tâm thanh tịnh thì thấu đạt bổn tánh.
Đạo đó hòa nhã chí ý an ổn.
Đạo đó chất phác mà không dua nịnh.
Đạo đó rộng khắp không chỗ chướng ngại.
Đạo đó bình đẳng không lòng bè đảng thiên lệch.
Đạo đó vô úy chẳng phạm các điều ác.
Đạo đó giàu có bố thí Ba la mật.
Đạo đó đầy đủ giới Ba la mật.
Đạo đó chẳng tranh luận được nhẫn Ba la mật.
Đạo đó lìa chấp trước thành tinh tấn Ba la mật.
Đạo đó không tán loạn là thiền định Ba la mật.
Đạo đó khéo quyết trạch là bát nhã Ba la mật.
Đạo quy về nơi trí huệ của mình phụng hành đức đại từ.
Đạo đó chẳng có ý vạy vò đến nơi đại bi.
Đạo đó cảm thọ vui vẻ thật hành lòng đại hỷ.
Đạo đó trụ nơi vi diệu đến bậc đại xả.
Đạo đó trừ các khổ não, diệt bỏ những vọng tưởng tham hại sân hận.
Đạo đó đến chỗ an lành không có lòng nguy hại.
Đạo đó giáo hóa kẻ khó đều phục dứt trừ sự đắm mê nơi sắc, thinh, hương, vị, xúc.
Đạo đó hàng phục Ma Vương cùng quyến thuộc của ma khiến họ bỏ tâm ngạo mạn và trừ dẹp những giặc oán thù.
Đạo đó tiêu trừ các ấm các nhập, không chỗ chấp trước.
Đạo đó bỏ việc ma, ở trong trần lao mà được tự tại.
Đạo đó đem tâm hướng về vô thượng, lìa tâm niệm Nhị Thừa.
Đạo đó huân tập các công hạnh thành trí giác bình đẳng.
Đạo đó ngự nơi đại bảo tòa thuận nhất thiết trí.
Đạo đó thường phân biệt trí huệ sáng suốt vô ngại.
Đạo đó tuyên thị hạnh lành nhiếp các thiện hữu.
Đạo đó bỏ hầm hố tiêu các kiết sử.
Đạo đó bỏ trần lao vượt khỏi sự sân hận tranh đấu.
Đạo đó về nơi an ổn hết những điều quấy ác.
Đạo đó về nơi cát tường hướng đến nghiệp Niết Bàn.
Trên đây là Bồ Tát thật hành ba mươi hai điều Phật Đạo. Trụ nơi Phật Đạo này, Bồ Tát sẽ được mau thành quả vô thượng bồ đề.
Lúc bấy giờ Tịch Ý Bồ Tát lại hỏi Mật Tích Kim Cang Lực Sĩ: Đức Như Lai có bao nhiêu sự bí yếu?
Những bí yếu của Như Lai, tất cả hàng Thanh Văn và bậc Duyên Giác chẳng thể bằng được, nói gì đến kẻ phàm phu là hạng mê tối.
Lành thay, Ngài Mật Tích! Xin Ngài vui lòng ban tuyên những bí yếu của Như Lai. Tất cả chúng hội đều muốn được nghe.
Mật Tích Kim Cang Lực Sĩ nói: Thưa Ngài Tịch Ý! Lắng nghe cho kỹ và khéo suy nghĩ ghi nhớ.
Nay tôi sẽ trình bày bí yếu của Như Lai có ba sự: Một là thân bí mật, hai là khẩu bí mật và ba là ý bí mật.
Sao gọi là thân bí mật?
Ở nơi thân, Đức Như Lai không tưởng nghĩ cũng không nhớ đến mà hiện đủ tất cả oai nghi lễ tiết. Nếu có hàng Trời hay người tự thích kinh hành, lúc họ thấy Đức Như Lai kinh hành, họ tự nghĩ rằng Đức Như Lai Thế Tôn là trên hết.
Những người và Trời ấy liền thấy thân mật của Như Lai. Tâm Đức Phật không hề suy nghĩ mong mỏi mà tất cả chúng sanh nhìn thấy oai nghi kinh hành diệu đức của Như Lai chí chân.
Nếu có hàng Trời hay người thích ngồi, thì họ thấy Đức Như Lai ngồi.
Nếu có hàng Trời hay người thích nằm, thì họ thấy Đức Như Lai nằm.
Nếu thích nghe Kinh, thì họ thấy Đức Như Lai thuyết Kinh.
Nếu thích yên lặng, thì họ thấy Đức Như Lai nín lặng.
Nếu thích thiền định, thì họ thấy Đức Như Lai nhập Tam Muội.
Nếu có hàng Trời hay người mắt nhìn chẳng nháy, thì hoặc là họ thấy mắt của Như Lai chưa lúc nào nháy.
Hoặc hạng ý tự tại có người thích ánh sáng thì họ thấy Đức Như Lai có ánh sáng vô ngại.
Có người thích màu tử kim, thì họ thấy màu vàng tử ma.
Nếu có hàng Trời hay người thích màu bạc, màu thủy tinh, màu lưu ly, màu mã não, màu xa cừ, màu hoàng kim, màu chân châu, các màu trắng, đỏ, vàng, hồng, tía, màu trăng sáng, màu châu ngọc, màu lửa, màu sáng mặt Trời, màu Tứ Thiên Vương, Đế Thích, Phạm Vương, A Tu La tạp loạn.
Hoặc màu trung phần, màu hoa tu di, hoặc có người nghĩ tưởng màu vi diệu, màu dược hình, màu bích ngọc, màu hoa vô ưu, màu hoa chiêm bái, màu hoa tư di, màu hoa sen xanh, màu hoa sen vàng, màu hoa sen hồng, màu hoa sen trắng, hoặc có người rõ biết màu Trời Đao Lợi, thân hình Tứ Thiên Vương, các vị thủ tạng: Thanh Đế, Hoàng Đế, Xích Đế, Bạch Đế.
Hoặc hàng Trời hay người tâm chí vô lượng, phẩm sắc đều riêng khác, thì họ cũng thấy Đức Như Lai có bao nhiêu những màu sắc phẩm lượng công đức.
Thưa Ngài Tịch Ý! Như vậy, giả sử tất cả chúng sanh đầy trong hằng sa Thế Giới, những loài có mạng sống luyến ái lẫn nhau, sanh sản lẫn nhau, đều hết tội ác được có thân người từ tư tưởng mà sanh.
Giả sử một người trong số đó chỗ sanh ra cũng như tất cả chúng sanh kia, Đức Như Lai cũng thấy họ có bao nhiêu phẩm sắc oai nghi lễ tiết và chỗ ưa thích nơi lòng họ chẳng thể hạn lượng, đều muốn xét biết hết ngôn hành bổn mạt của họ, và do nhân duyên này, Đức Như Lai chí chân đều riêng hiện hình Tượng Phật oai nghi lễ tiết ngôn hành ở nơi chúng sanh ấy.
Dường như một người tâm được giải thoát, chẳng cùng người thứ hai chung đồng, mà muốn tuyên bày chí thiệt tâm được giải thoát nhẫn đến nơi đạo.
Đức Như Lai chí chân mới có thể làm vui đẹp lòng tất cả chúng sanh. Vì vui đẹp lòng chúng sanh mà Đức Như Lai hiển thị sắc tượng oai nghi lễ tiết, về ngôn hành cũng như vậy.
Thưa Ngài Tịch Ý! Ví như tấm gương sáng, tùy đem hình sắc gì đến soi, thì hiện hình sắc ấy chẳng mất, chẳng sai, chẳng biến đổi. Gương sáng soi hình vẫn không có tưởng niệm.
Cũng như vậy, Đức Như Lai dầu đem chánh pháp cứu tế tất cả chúng sanh mà không có tưởng niệm, không tâm lợi dưỡng, có thể làm cho lòng chúng sanh vui đẹp. Tùy theo pháp cạn sâu cao thấp để khai hóa độ thoát ba cõi mê hoặc.
Đây là thân hành bí yếu của Đức Như Lai.
Mật Tích Kim Cang Lực Sĩ lại bảo Ngài Tịch Ý: Bí yếu của Đức Như Lai cũng chẳng phân biệt các ấm các nhập, chẳng thuộc tội phước, chẳng sanh trần lao, chẳng thành cha mẹ, không bào thai, cũng không xương thịt, đều không chỗ có, chẳng thuộc nơi sắc, không thở ra hít vào, thọ mạng diệt hết.
Muốn biết thân Phật, thì chính là Pháp Thân. Thân không hình sắc, không các vọng tưởng.
Thân sắc tướng Phật được hiện ra đó, là vì chúng sanh ham ưa xinh đẹp, cầu ngôi tôn sang mà hiện hình tướng ấy ra cho mắt họ được thấy. Pháp tướng vốn vắng bặt, vì khiến tất cả chúng sanh kính mộ trí huệ xu hướng thiên nhãn nên Đức Phật hiện tướng.
Thưa Ngài Tịch Ý! Nếu có các chúng sanh ở chung một Pháp Hội đều riêng thấy thân Phật. Có người do ý duyên nên họ thấy Phật ở xa, ngó lại chỗ cũ họ chẳng thấy Phật ở chỗ cũ. Thấy Phật ở xa mà chẳng thấy ở chỗ cũ ấy là vì không có ý duyên vậy.
Người ngó dùng loạn ý để duyên thì chẳng thấy.
Nếu đem thân mình để suy xét sự thấy ấy, vì bận thấy người khác nên chẳng thấy thân mình.
Người ngủ chiêm bao thấy cảnh vật, sau khi thức thì không còn thấy.
Những cảnh thấy trong định, lúc xuất định không còn thấy.
Những cảnh thấy lúc thường, lúc nhập định không còn thấy.
Những cảnh thấy nơi rỗng không yên tĩnh, lúc chẳng yên tĩnh thì chẳng thấy.
Ở nơi rỗng không yên tĩnh thì không gì chẳng thấy.
Sự thấy ấy không tạo tác, rời nơi không tạo tác thì không chỗ thấy.
Nếu rời nơi không tạo tác mới có chỗ thấy, thì là không thấy tất cả vậy.
Thưa Ngài Tịch Ý! Thân Phật ấy từ vô số sự đều theo duyên mà hiển hiện thấy khác.
Thân Phật ấy không có ngằn mé, cũng là vô hạn vô ngại, không vọng tưởng, chẳng thể tưởng được, chẳng thể hạn định được.
Thân Phật ấy không có ngần ấy hình tượng, không có chỗ nào chẳng khắp.
Ví như hư không, chẳng có vọng tưởng.
Cũng vậy, thân Phật vĩnh viễn không tư tưởng.
Ví như hư không vào khắp tất cả hình sắc.
Cũng vậy, thân Phật khắp soi tất cả chúng sanh.
Ví như hư không khắp vào các sắc, cùng khắp trong ấy.
Cũng vậy, thân Phật soi khắp chúng sanh, không chỗ nào chẳng khắp.
Ví như hư không, trưởng dưỡng tất cả cỏ cây trăm giống lúa.
Cũng vậy, thân Phật chí chân trưởng dục tất cả cội công đức.
Ví như hư không chẳng kể là thường hay vô thường, cũng không có ngày đêm.
Cũng vậy, thân Phật chẳng thường, chẳng vô thường, chẳng ai thấy được đỉnh đầu Phật.
Thưa Ngài Tịch Ý! Đức Phật Thế Tôn hiện khắp trên Cõi Trời và trong thế gian.
Ma Vương và Phạm Thiên không ai dám đương diện với Phật để xem đỉnh đầu Ngài.
Chư Thiên, Long Thần, Càn Thát Bà, A Tu La, Ca Lâu La, Khẩn Na La, Ma Hầu La Già, người và phi nhân, cho đến bậc Thanh Văn, bậc Duyên Giác cùng Chư Bồ Tát không ai kham nhiệm thấy được đỉnh đầu Phật.
Do đâu biết được như vậy?
Sau khi thành đạo, Đức Phật đến thành Ba La Nại chuyển pháp luân.
Lúc ấy ở phương Đông cách đây rất xa có Thế Giới tên Hoài Điều, Phật cõi ấy hiệu Tư Di Hoa.
Trong Thế Giới Hoài Điều ấy có một vị Bồ Tát tên là Ưng Trì đến cõi Ta Bà này để kính cẩn cúng dường Đức Phật và thưa hỏi. Bồ Tát Ưng Trì lễ chân Đức Phật rồi đi nhiễu bảy vòng, xong Ngài đứng lại trước Đức Phật.
Lúc ấy Bồ Tát Ưng Trì nghĩ rằng tôi muốn đo biết thân lượng của Như Lai.
Bồ Tát Ưng Trì liền tự biến thân mình cao ba trăm ba mươi sáu muôn dặm, nhìn lên thân Đức Phật thấy cao năm trăm bốn mươi ba muôn triệu cai hai muôn ức dặm.
Ngài tự nghĩ tôi đã được Thần Túc Thông tự tại, tôi lại đo lường thân Đức Phật cao lớn thế nào?
Nương oai đức của Phật, Bồ Tát Ưng Trì dùng thần túc bay lên phương Trên cách đây trăm ức hằng hà sa Quốc Độ, đến Thế Giới Liên Hoa Nghiêm, cõi ấy có Phật Hiệu Liên Hoa Thượng, là Đấng Như Lai chí chân đẳng chánh giác hiện đương thuyết pháp.
Ưng Trì Bồ Tát dừng lại nơi ấy nhìn ra xa vẫn không thấy được đỉnh đầu của Thích Ca Mâu Ni Phật, chẳng biết được thân Phật cao lớn rộng xa bao nhiêu.
Lúc ấy Ưng Trì Bồ Tát đến đảnh lễ Phật Liên Hoa Thượng đi nhiễu ba vòng, ở trước Phật bạch rằng: Bạch Đức Thế Tôn! Tôi từ cõi Ta Bà đến đây, chẳng rõ xa gần bao nhiêu?
Đức Phật Liên Hoa Thượng nói: Cõi Ta Bà cách đây trăm ức hằng hà sa Thế Giới, ông từ cõi ấy mà đến đây.
Ưng Trì Bồ Tát thưa: Bạch Đức Thế Tôn! Tôi bay lên trên đến ngần ấy Thế Giới mà vẫn chẳng thấy đỉnh đầu của Đức Phật Thích Ca Mâu Ni.
Chẳng rõ thân Đức Phật ấy cao lớn bao nhiêu trăm ngàn ức hằng hà sa Thế Giới?
Đức Phật Liên Hoa Thượng nói: Này thiện nam tử! Ông dùng sức thần túc từ đây lại bay lên trên trải qua hằng hà sa kiếp vẫn còn chẳng thấy được đỉnh đầu Đức Phật Thích Ca Mâu Ni, cũng chẳng biết được ngằn mé của thân Phật ấy.
Này thiện nam tử! Phải biết thân Phật vô hạn vòi vọi như vậy chẳng ví dụ được. Vì không có gì so sánh nên nói là chẳng thể ví dụ được. Cấm giới của Như Lai cũng không thể ví dụ được. Tam muội chánh định, trí huệ, giải thoát, tri kiến giải thoát, thân, khẩu, và ý ba nghiệp cùng các tướng hảo của Như Lai đều chẳng ví dụ được.
Tất cả chúng sanh dùng bao nhiêu phẩm loại ví dụ ca ngợi cấm giới, chánh định, trí huệ, giải thoát, tri kiến giải thoát, thân, khẩu, và ý cùng các tướng hảo của Như Lai thì cũng như là hư không, chẳng đến ngằn mé được.
Thân của Đức Như Lai vô hạn tế dường ấy. Lúc ấy Ưng Trì Bồ Tát nghe lời phán dạy của Đức Liên Hoa Thượng Như Lai rất đỗi vui mừng được sự chưa từng có, liền đảnh lễ chân Phật đi nhiễu bảy vòng, nương oai đức của Phật, dùng thần lực của mình, trong khoảng phát ý niệm, mất nơi cõi nước Liên Hoa Nghiêm kia mà hiện đến cõi Ta Bà này.
Qua chỗ Thích Ca Mâu Ni Phật, đảnh lễ chân Phật, đi nhiễu bảy vòng, rồi ở trước Phật nói kệ ca ngợi rằng:
Muốn biết rõ thân Phật
Ngằn mé là dường bao
Tôi bay lên phương Trên
Vô lượng hằng sa cõi
Muốn thấy đỉnh đầu Phật
Bay mãi lên phương Trên
Đến Thế Giới Liên Hoa
Vẫn chẳng thấy được đỉnh
Thế Giới kia có Phật
Hiệu là Liên Hoa Thượng
Biết ý muốn của tôi
Nên vì tôi giảng nói:
Nếu dẫn những ví dụ
Để luận Phật Thế Tôn
Thì chẳng thuận Phật Giáo
Là hủy báng Như Lai
Nếu muốn biết ví dụ
Như hư không vô hạn
Chư Phật Pháp bình đẳng
Thiệt không có ngằn mé
Giới, định, huệ của Phật
Giải thoát, trí giải thoát
Nghiệp sắc thân cũng vậy
Như hư không vô hạn
Muốn xem đỉnh đầu Phật
Đồng như xem hư không
Như hư không trùm khắp
Thân Phật khắp cũng vậy
Như hư không trùm khắp
Phật Quang chiếu khắp nơi
Phật Quang chiếu chỗ nào
Có ngôn từ cũng vậy
Ngôn từ đến chỗ nào
Tâm Phật khắp cũng vậy
Như tâm Phật khắp đến
Lòng từ ban khắp chốn
Như lòng từ khắp ban
Trí huệ cũng cùng khắp
Như trí huệ soi khắp
Thân Phật khắp dường ấy
Công đức cũng như vậy
Đạo tâm cũng chẳng khác
Như công đức đạo tâm
Biết sắc thân cũng vậy
Như tất cả chúng sanh
Hưởng thọ phước đức phẩm
Một người phát đạo tâm
Phước đức cũng ngần ấy
Như người phát tâm kia
Có công đức danh xưng
Nếu ai thọ chánh pháp
Công đức hơn phát tâm
Dầu tất cả Chư Phật
Trăm ức kiếp giảng nói
Chẳng hết được ngằn mé
Công đức trì chánh pháp
Có ai phát đạo tâm
Mà hộ trì chánh pháp
Người thích hiểu không vô
Công đức hơn người trên.
Vì thích hiểu không vô
Thì chẳng mất đạo tâm
Chấp trì pháp tôn thượng
Huệ này mới hòa đồng
Đến được pháp lý này
Bồ Tát dũng mãnh tu
Được đến công đức Phật
Phụng tu Phật Đạo Hạnh.
Lúc Ưng Trì Bồ Tát nói kệ, cả ức Thế Giới chấn động, trăm ngàn ức Chư Thiên trỗi ngàn ức kỹ nhạc. Vô số ngàn người phát tâm vô thượng bồ đề.
Mật Tích Kim Cang Lực Sĩ lại nói: Thưa Ngài Tịch Ý! Về thân Như Lại bí yếu ấy, nếu các chúng sanh đều họp chung một Pháp Hội, hoặc có người thấy được thân Như Lai, hoặc có người chẳng thấy được.
Người thấy được thì vui mừng nhìn xem thân Như Lai. Người chẳng được thấy thì nín lặng mà quán xét. Như Lai chẳng ăn mà chúng sanh đều thấy Đức Như Lai uống ăn.
Thưa Ngài Tịch Ý! Như có Thiên Tử tên Tinh Lực mới được thọ đạo. Thiên Tử ấy lấy bát đựng cơm của Như Lai đem cấp cho những kẻ đói thiếu.
Mọi người đều đến ra mắt Đức Như Lai mà ăn, thấy Đức Như Lai cầm cơm lên đưa cơm vào trong miệng, cơm tự nhiên lại trở vào bát.
Thuở xa xưa, Đức Như Lai gieo trồng những cội công đức, sanh ở chỗ nào cũng bố thí cho những kẻ đói thiếu.
Những người đói khổ không được ăn, Đức Như Lai xót thương đem đồ ăn đến cho. Ăn xong những thức ăn ấy, họ đều được thân thể khỏe mạnh, tiêu trừ trần lao hết vọng tưởng, tâm họ nhân hòa, phát tâm vô thượng bồ đề.
Vì thế nên phải biết rằng Đức Như Lai chẳng ăn. Đức Như Lai chí chân lấy pháp làm món ăn.
Tại sao vậy?
Vì thân của Đức Như Lai là thân Kim Cương chẳng phá hoại được. Thân của Như Lai không có sanh tạng cũng không có thục tạng, không có đại tiện, tiểu tiện bất tịnh, cũng không có đàm dãi nhơ uế.
Thân của Như Lai như màu vàng tử ma, không khiếp không nhược, chẳng có kinh sợ. Ngài Tịch Ý thử xem xét thân của Như Lai không gì sánh bằng, rất đẹp lạ bền vững như chất Kim Cang, mà lại dịu mềm như thiên y mịn nhuyễn.
Có lúc thân của Như Lai hiển hiện sự vi diệu vô thượng. Chư Thiên Ngọc nữ đảnh lễ chân Đức Phật, chạm chân Đức Phật cảm thấy tột mền không gì ví dụ được, họ đều phát tâm vô thượng bồ đề xa rời trần cấu.
Hoặc có người tham dâm, người sân hận, người ngu si, người đẳng phần thấy thân của Như Lai. Mắt của họ vừa thấy thì những phiền não tham, sân, si và đẳng phần của họ đều được tiêu trừ, không còn trần cấu.
Hoặc có những người tham lam, phạm giới, sân hận, lười biếng, loạn tâm, ngu si được thấy thân của Như Lai thì khiến họ trở thành những người bố thí, trì giới, nhẫn nhục, tinh tiến, nhất tâm, trí huệ. Tóm lại, những người xa rời pháp lành mà thấy thân của Như Lai thì bỏ được tâm bất thiện mà tu công đức.
Lấy tâm chẳng vọng tưởng để nhìn xem nơi Đức Như Lai mới gọi là chân đạo.
***
Phật Thuyết Kinh đại Bát Nhã Ba La Mật đa - Hội Thứ Năm - Phẩm Mười Bảy - Phẩm Tham Hành - Phần Hai
Phật Thuyết Kinh đại Bát Nhã Ba La Mật đa - Hội Thứ Ba - Phẩm Ba Mươi Mốt - Phẩm Tuyên Hóa - Phần Ba
Phật Thuyết Kinh đại Bảo Tích - Pháp Hội Thứ Ba - Pháp Hội Mật Tích Kim Cang Lực Sĩ - Phần Bốn
Phật Thuyết Kinh chánh Pháp Hoa - Phẩm Hai Mươi Hai - Bồ Tát Diệu Hống
Phật Thuyết Kinh Chánh Pháp Niệm Xứ - Phẩm Bốn - Phẩm Ngạ Quỷ - Tập Năm
Phật Thuyết Kinh đại Bi - Phẩm Mười Hai - Phẩm Các Thí Dụ Phụ Thuộc Chánh Pháp
Phật Thuyết Kinh Bách Dụ - Kinh Thứ Chín Mươi Bốn - Kinh Lỗ Hổng Ma Ni
Phật Thuyết Kinh Dần đủ Tất Cả Trí đức - Phẩm Một - Trụ Duyệt Dự Sơ Phát ý - Tập Ba
Phật Thuyết Kinh đại Bát Nhã Ba La Mật đa - Hội đầu - Phẩm Hai Mươi Hai - Phẩm Thiên đế - Phần Một