Phật Thuyết Kinh đại Bảo Tích - Pháp Hội Thứ Ba - Pháp Hội Mật Tích Kim Cang Lực Sĩ - Phần Mười Hai
Hán dịch: Ngài Tam Tạng Pháp Sư Nan Liên Đề Gia Xá, Đời Cao Tế
PHẬT THUYẾT
KINH ĐẠI BẢO TÍCH
Hán dịch: Ngài Tam Tạng Pháp Sư
Nan Liên Đề Gia Xá, Đời Cao Tế
PHÁP HỘI THỨ BA
PHÁP HỘI MẬT TÍCH KIM CANG LỰC SĨ
PHẦN MƯỜI HAI
Bấy giờ Đức Thế Tôn khen Mật Tích Kim Cang Lực Sĩ: Lành thay, lành thay! Đó gọi là hộ trì chánh pháp. Hộ trì chánh pháp ấy, là không chỗ hộ trì, không chỗ quên mất. Lại người hộ trì chánh pháp là thọ trì tất cả, nơi tất cả tưởng mà không vọng tưởng. Đã không có tưởng thì nơi các vọng tưởng không để phóng túng. Đây gọi là ở trong tất cả pháp mà không phóng dật, mới gọi là đạo pháp.
Lúc ấy trong Pháp Hội có một Thiên Tử tên là Hiền Vương tiến lên bạch Phật: Bạch Đức Thế Tôn! Ngôn từ của Chư Phật rất là vắng bặt.
Người được thấy, thế nào là phải?
Đức Phật phán: Này Hiền Vương! Nghĩa vắng bặt của ngôn từ chánh giáo, tất cả chỗ lãnh hội cùng công hạnh đều vắng bặt vậy. Người ấy nhẫn thọ được chánh giáo.
Vì đã hay nhẫn thọ được nên hay phừng cháy. Vì đã hay phừng cháy nên hay chói sáng. Vì đã hay chói sáng nên vắng bặt thành là lặng lẽ. Đây là hộ trì chánh pháp của Như Lai. Mới gọi là chúng của Chư Như Lai tổng trì Phật Đạo.
Chỗ trì như vậy: Chẳng trì pháp lại chẳng xả pháp. Lúc Đức Phật đáp lời Thiên Tử Hiền Vương, có một ngàn Tỳ Kheo được lậu tận ý giải thành A La Hán. Một ngàn Thiên Tử xa trần lìa cấu được pháp nhãn thanh tịnh.
Tịch Ý Bồ Tát hỏi Thiên Tử Hiền Vương: Ngài từ đâu được biện tài ấy?
Thiên Tử Hiền Vương nói: Thưa Ngài Tịch Ý! Nếu ai có thể dứt trừ tất cả chướng ngại đều vô sở đắc được đệ nhất nghĩa không y ỷ vào đâu thì gọi là biện tài. Tự mình hiểu rõ, thần thức chẳng chuyển đổi, chẳng do người mà biết, cũng không chỗ lập, đây mới gọi là biện tài. Tâm ý chẳng thả theo chỗ chấp trước, nếu có thể phụng hành pháp không chỗ chấp trước mới được biện tài này.
Nếu do suy gẫm tất cả các pháp qua lại hiển bày đều phải biết rõ nhận biết tin chắc mới được biện tài.
Thưa Ngài Tịch Ý! Hành giả như vậy được biện tài này, họ không chỗ trụ, không chỗ hành, vượt qua khỏi dòng sóng bốn nạn sanh lão binh tử. Họ không chỗ sanh không chỗ khởi cũng không chỗ diệt. Không bị ai diệt được mới gọi là vượt qua khỏi, là được biện tài vậy.
Tịch Ý Bồ Tát tiến lên bạch Đức Phật: Bạch Đức Thế Tôn! Hiền Vương Bồ Tát này từ cõi nào đến cõi này mà có biện tài như vậy?
Đức Phật phán: Này Tịch Ý! Hiền Vương Thiên Tử từ nước của Đức Phật A Súc mà đến, chết kia sanh về đây, vì muốn được nghe Kinh Điển bí yếu của Như Lai.
Tịch Ý nên biết rằng Hiền Vương Thiên Tử được chứng nhập nhà pháp tổng trì. Giả sử một kiếp hoặc hơn một kiếp tuyên nói công đức của ông ấy cũng chẳng hết được ngằn mé biện tài.
Tịch Ý Bồ Tát lại bạch: Bạch Đức Thế Tôn! Sao gọi là nhà pháp tổng trì?
Đức Phật phán: Này Tịch Ý! Trước kia nói được nhập nhà pháp tổng trì đó là nhập nơi trí huệ văn tự vô tận, tất cả pháp đều vào trong nhà này. Ở nơi tất cả pháp đều không chỗ làm, hiểu rõ nhà pháp phụng hành nhà pháp. Với các văn tự dùng âm thanh để tuyên bày.
Những lời từ miệng thốt ra làm thành sự pháp, chẳng nghĩ niệm sự pháp cũng chẳng phân biệt đó mà tuyên bố tất cả sự âm thanh. Đây gọi là nhập vào công hạnh nhà pháp tổng trì vậy.
Lại này Tịch Ý! Pháp mà nhập vào được đó lại là pháp vô sở đắc. Chỗ được gọi là nhập. Phát ra trí huệ. Văn tự kia không từ đâu đến nhập vào trong nhà. Lại văn tự ấy chẳng hiện trong nhà cũng chẳng hiện ra ngoài.
Lại không chỗ hướng đến cũng không có phương diện. Lại văn tự ấy xoay vần trình bày cũng chẳng tưởng niệm. Văn tự chẳng thuận với pháp cũng chẳng trái với pháp, không các tưởng niệm.
Văn tự ấy đều không có ngôn thuyết, cũng không tăng không tổn. Lại văn tự ấy chẳng thấy có khởi, không chỗ hoại diệt, không làm văn tự cũng không chỗ mất.
Lại này Tịch Ý! Như số văn tự, tâm số cũng vậy. Tất cả đều như vậy. Số của các pháp có chỗ quy thú. Nếu là số của các pháp thì kia là vô số.
Tại sao vậy?
Chẳng về nơi pháp số, không có số mới gọi là pháp số vậy. Tùy thuận pháp số như vậy mới gọi là nhập vào nhà pháp. Chẳng nhập vào quá khứ, nhập vào pháp vô sanh không chỗ đến.
Kia không chỗ sanh bởi không chỗ đến thì nhập vào chỗ nào. Do vô sở nhập mà nhập vào các số như vậy mới đến được pháp môn. Tự thấy bổn lai không có thì được an trụ nhập vào hạnh nghiệp nhà pháp tổng trì. Nhập vào tâm chúng sanh.
Do nhập vào tâm chúng sanh mà tùy theo tâm chúng sanh chỗ đáng được độ mà vì họ thuyết pháp. Nếu lãnh thọ tổng trì mới gọi là ý vắng lặng.
Thưa Ngài Tịch Ý! Do tâm ly cấu nên tâm được thanh tịnh nghiêm trang hòa nhã sáng suốt, tánh ấy siêu việt, đi đứng an tường, trí huệ không mất, chí nguyện kiên cố, chỗ nên độ ấy mà chẳng phá hoại được, các tà ngoại khác không ai chẳng bị dẹp phục.
Tiêu trừ trần lao, diệt các oán tặc, thân lực rất mạnh, tâm không khiếp nhược, biện tài vô tận, chỗ nói vô lượng, chỗ quy vô hạn, trí huệ vô ngại nhập vào giác ý rất sáng suốt, ban tuyên lời chánh chân thâm diệu.
Chỗ được nghe rộng như sông như biển. Tam muội chánh định vững như núi Tu Di ở tại giữa biển lớn. Ở trong đại chúng như Vua sư tử. Chẳng nhiễm thế tục như hoa sen chẳng dính bùn nước.
Chẳng có ghét thương, lòng mở rộng như mặt Đại Địa lúa đậu cỏ cây nhân nơi đó mà sanh trưởng, muôn dân được an vui. Rửa sạch bụi dơ như nước trong, khai hóa chúng sanh.
Đốt các nạn độc như ngọn lửa hừng đốt cháy cỏ rác. Dạy dỗ khắp chúng sanh như luồng gió lớn thổi không sót chỗ. Tâm hành bình đẳng như Mặt Trăng tròn chiếu các tinh tú.
Tiêu trừ tham sân si như ánh nắng soi bóng tối. Phục tâm ý thức như dũng tướng đè bẹp cường địch. Điều hòa tâm mình như Long Vương thuần thục theo đúng thời tiết.
Như thuần âm sấm nổ rồi mới mưa, cũng vậy, Bồ Tát điều hòa tâm mình, diễn bày pháp vũ nhuần thấm ba cõi. Tuyên nước pháp Cam Lộ trừ sạch tâm nhơ uế, như Trời mưa rửa sạch bụi trần. Chữa lành các bệnh tật tham sân si như lương y trị bệnh mọi người.
Chí gìn vô vi phụng hành chánh pháp, đây là Pháp Vương trị dạy mười phương. Cũng như Quốc Vương cai trị muôn dân bảo hộ khai hóa tất cả sanh già bệnh chết. Như Tứ Thiên Vương trị tứ thiên hạ, cũng như Thiên Đế Thích Vua Trời Đao Lợi dạy dỗ Chư Thiên.
Cũng vậy, Bồ Tát ở tại Cõi Dục giáo hóa chúng sanh, với sắc thanh hương vị xúc pháp, sạch như minh châu. Điều phục tâm ý luôn được tự tại, như Phạm Thiên Vương chúa tể Trời người.
Tâm Bồ Tát thanh tịnh không hề dính mắc, như chim bay trong hư không không bị chạm đụng. Hành động đúng pháp an tường, như lộc Vương đi theo bầy nai, kính vâng pháp giáo mến các chân hạnh. Như mẹ thương con làm cho được an ổn. Dạy chúng sanh các kỹ thuật như nghiêm phụ dạy bảo con cháu.
Đức lớn tự trang nghiêm dùng ba mươi hai tướng đại nhân, phước tướng xen đẹp có tám mươi tùy hình hảo và bao nhiêu vẻ tốt. Được tất cả thế gian cùng kính ngưỡng, chẳng bị tà kiến ràng buộc. Có đủ bảy Thánh tài chẳng bị nghèo thiếu.
Được mười phương Chư Phật hộ niệm.
Được bậc minh trí ngợi khen, được hàng thông đạt ca tụng và Chư Thiên đều thủ hộ cúng dường.
Được các thiện hữu luôn tiếp trợ. Là tối thượng trong hàng thuyết pháp, đủ sáu thần thông tự tại.
Lại thấu nhập tánh hạnh và căn trí của tất cả chúng sanh để ban tuyên Kinh Pháp chưa hề lười mỏi. Không bao giờ mong mỏi lợi dưỡng. Chỉ thích đem chánh pháp ban bố chẳng hề lẫn tiếc. Trong lòng thanh tịnh không có sai phạm, nhẫn nhục sáng suốt không có lầm lỗi.
Sự nghiệp được làm đều có thể đến trọn vẹn cả. Thanh tịnh tinh tiến tâm tánh an hòa, nhất tâm thanh tịnh trừ bỏ cội cấu, giác ý thản nhiên trí huệ thanh tịnh, tu bốn phạm hạnh không hề buông lung để thành tựu công nghiệp độ thế.
Thiền định Tam Muội được nên chánh thọ đến Bồ Tát đạo và Phật Đạo Vô Thượng. Có thể thành tựu được khắp những hành nghiệp được làm, chẳng giữa chừng biếng nghỉ, đến bậc Bất Thối Chuyển.
Này Tịch Ý! Bồ Tát Đại Sĩ nhập vào nhà pháp tổng trì công đức vô lượng vòi vọi như vậy. Giả sử có vị Bồ Tát ở thế gian trăm ngàn năm chẳng làm việc gì khác, chỉ chuyên khen ngợi hạnh tổng trì ấy cũng chẳng thể tuyên nói hết được.
Bấy giờ Tịch Ý Bồ Tát nói với Hiền Vương Thiên Tử: Ngài được lợi lành rất lớn vô cùng. Hôm nay Đức Như Lai khen ngợi công đức của Ngài rõ ràng như vậy.
Hiền Vương Thiên Tử nói với Tịch Ý Bồ Tát: Thưa Ngài Tịch Ý! Ở nơi các pháp ấy thiệt ra không thể được công đức để ngợi khen. Lại các pháp ấy không có sắc, không có tượng, không có hình mạo, công hạnh như vậy không thể tuyên xướng ngợi khen hết được.
Hiền Vương Thiên Tử tiến lên bạch Đức Phật: Bạch Đức Thế Tôn! Tất cả các pháp chẳng nhận lấy được, không có ngô ngã cũng không ngã sở. Vì thế nên chẳng thể truyền thọ cho người cũng chẳng thể tập họp lại được.
Bạch Đức Thế Tôn! Nếu có người thích tu hành pháp này thì nên hành bình đẳng, hoặc siêng phụng hành tu pháp bình đẳng thì đến được Pháp Môn này.
Như Đại Địa đây, đất ở trên nước, nước ở trên gió. Khắp trong thiên hạ trên mặt đất này, giả sử có người đào đất ra công gắng sức thì được có nước để uống dùng không cần phải tìm ở phương xa.
Trí huệ Như Lai vào khắp trong tánh hạnh của tất cả chúng sanh. Như Lai giải thoát, tùy theo pháp môn mà tu tinh tiến, do phương tiện này thành đại huệ quang minh.
Bạch Đức Thế Tôn! Vì thế nên thiện nam thiện nữ muốn cầu Phật Đạo phải thường tu hành tinh tiến.
Lấy gì để tinh tiến?
Phải dùng các pháp môn ấy.
Bạch Đức Thế Tôn! Như kẻ sanh manh không thấy được màu sắc bao giờ. Giả sử có người chẳng tu hành tinh tiến thì gọi là kẻ ngu tối manh minh chẳng thấy các pháp hoặc gốc hoặc ngọn.
Bạch Đức Thế Tôn! Như người mắt sáng nhờ ánh sáng mà được thấy. Chẳng có ánh sáng thì tăm tối không thấy, ngoại trừ tiên nhân Thiên nhãn. Cũng vậy, người rời xa bạn lành không được khai hóa chẳng hiểu được các pháp quán để thấy những pháp được thọ. Như Thiên nhãn thấy chẳng cần ánh sáng, nếu có Thiện Nam được trí huệ tự nhiên thành đại trí đức.
Bạch Đức Thế Tôn! Như chim bay trong đồng trống ngang qua đầm rộng chẳng thấy hư không cùng đồng ruộng có thêm có bớt. Cũng vậy, tất cả Bồ Tát tinh tiến tu hành nhập vào đạo phẩm chẳng thấy Phật Đạo có tăng có giảm.
Bạch Đức Thế Tôn! Như núi tuyết kia, mưa tuyết rơi sương sanh trưởng cây cối chẳng bị các cơn gió làm tai hại. Cũng vậy, Bồ Tát theo đúng thời tu hành phát sanh trí huệ sáng soi thấu cả chúng sanh không có số lượng, đi ở chỗ nào không có quên mất.
Bạch Đức Thế Tôn! Như Chuyển Luân Thánh Vương sanh trong dòng quý tộc đủ bảy báu xuất hiện.
Những gì là bảy báu?
Một là xe tử kim có ngàn căm.
Hai là voi trắng có sáu ngà.
Ba là ngựa thần nhiều màu: Đầu đen bờm đỏ.
Bốn là châu minh nguyệt có tám cạnh.
Năm là vợ ngọc nữ miệng thơm hoa sen thân thơm Chiên Đàn.
Sáu là Đại Thần chủ tạng linh như thánh.
Bảy là chủ binh đại tướng coi binh bốn cõi.
Cũng vậy, Bồ Tát Đại Sĩ lúc bảy báu xuất hiện thì tự nhiên đạo bảo xuất hiện thế gian.
Những gì là bảy báu?
Đó là báu bố thí Ba la mật, trì giới Ba la mật, nhẫn nhục Ba la mật, tinh tiến Ba la mật, thiền định Ba la mật, bát nhã Ba la mật và báu thiện quyền phương tiện Ba la mật xuất hiện thế gian cứu độ tất cả. Như Vua Chuyển Luân đi khắp bốn cõi nước chẳng tính đếm được nhân dân có bao nhiêu tâm niệm.
Cũng vậy, Bồ Tát Đại Sĩ dùng pháp tứ ân nhiếp cứu chúng sanh chẳng tưởng chúng sanh có bao nhiêu phẩm loại hiểu nó là bổn lai không có.
Như Vua Chuyển Luân cai trị bốn cõi, ngồi yên trên ngai, không người đấu tranh, không xử phải quấy, mà dân chúng tự nhiên thuận theo mạng lệnh của Nhà Vua. Cũng vậy, Bồ Tát ngồi tòa Phật Pháp không kẻ đấu tranh, các bè đảng ma dầu cưu lòng ác mà tự nhiên đến hàng phục.
Bạch Đức Thế Tôn! Như Cõi Đại Thiên này trước nhất thiết lập núi Thiết Vi, núi Đại Thiết Vi, núi Tu Di. Cũng vậy, Bồ Tát trước nhất gây dựng Đại Thừa, kế lập đại bi, chí tánh nhân hòa là vô thượng hơn cả.
Như mặt nhật mới mọc trước tiên chiếu ánh sáng đến núi Thiết Vi, núi Đại Thiết Vi, núi Tu Di rồi sau đó mới chiếu đến các chỗ khác.
Cũng vậy, Bồ Tát phóng sáng trí huệ chiếu khắp ba cõi, dùng tâm nhân hòa trước soi đến chúng sanh, ánh sáng Đại Thừa trừ tối ba độc đều được thần thông.
Bạch Đức Thế Tôn! Tất cả cây cối quận huyện thôn ấp đều y cứ trên đất liền. Trăm giống cỏ cây đều nhờ nương nơi đất mà sanh trưởng. Từ mặt đất, muôn vật sanh ra mà được tự tại. Cũng vậy, tất cả cội công đức của Bồ Tát đều nhân nơi đạo tâm nuôi lớn Thánh huệ mà thành Chánh Giác vậy.
Đức Phật khen Hiền Vương Thiên Tử: Lành thay, lành thay! Thiện Nam Tử khéo dẫn ví dụ để nói lên công hạnh Bồ Tát.
Lại này Thiện Nam Tử! Như chúng sanh giới cùng với pháp giới được đến tổng trì. Trí huệ của Bồ Tát cũng như vậy, được biện tài vô ngại lời nói không cùng tận không bị ngăn che không ngớt không nghĩ.
Với Kinh Pháp của Chư Phật tuyên thuyết chẳng khiếp chẳng sợ. Vì Bồ Tát đã được môn tổng trì nên chỗ nói ra chẳng có lòng khiếp sợ.
Bồ Tát như vậy được ba vô ngại:
Một là tổng trì vô ngại.
Hai là biện tài vô ngại.
Ba là đạo pháp vô ngại.
Bồ Tát lại có ba sự được vào hạnh nghiệp thanh tịnh:
Một là tự nhiên thanh tịnh.
Hai là bổn vô thanh tịnh.
Ba là bổn tế thanh tịnh.
Lại có ba sự Bồ Tát được vào vô tận:
Một là Kinh pháp không cùng tận.
Hai là nghĩa văn tự không cùng tận.
Ba là tuyên lời dạy bảo không cùng tận.
Bồ Tát lại được vào ba chỗ vô trụ xứ:
Một là thánh huệ vô trụ xứ.
Hai là ngôn từ văn nghĩa vô trụ xừ.
Ba là chỗ tu kiến lập cũng vô trụ xứ.
Bồ Tát lại có ba quyết định:
Một là ứng theo cơ mà tuyên bày.
Hai là liền phát biện tài.
Ba là trí huệ đúng thời.
Bồ Tát lại được có ba trí huệ giải quyết nhanh:
Một là giải quyết nghi ngờ khiến không còn thắc mắc.
Hai là dứt hẳn dụ dự khiến không còn trầm ngâm.
Ba là làm vui đẹp lòng tất cả chúng sanh.
Lúc Đức Phật nói lời trên đây, trong đại hội có tám ngàn Bồ Tát được môn tổng trì.
Bấy giờ Mật Tích Kim Cang Lực Sĩ tiến lên bạch Đức Phật: Bạch Đức Thế Tôn! Cúi mong Đức Thế Tôn kiến lập Pháp Điển, sau Đức Thế Tôn diệt độ, trong thời mạt thế sau cùng, chánh pháp lưu bố khắp Diêm Phù Đề được còn lâu chẳng dứt mất.
Đức Thế Tôn quan sát khắp bốn phương xong nói kệ rằng:
Nhiếp căn thì được thắng
Dứt căn không bị hại
Không vốn đã dứt không
Phục bè đảng binh ma.
Giải thoát biết thanh tịnh
Vô úy biết chỗ sợ.
Vất bỏ cả gánh nặng
Là Thần Chú y sư.
Hàng phục ngoại dị học
Dùng pháp để cứu nhiếp
Hộ trì người hành pháp
Thần Chú của Phật nói.
Vô ngã để trừ ngã
Nghĩa ấy phải vượt qua
Đối với Tứ Thiên Vương
Nói câu không nhuần thấm.
Mạnh siêng giữ chương cú
Tịnh lại tịnh Chánh Giác
Phạm Thiên Thiên Đế Thích
Làm nên thừa như đây.
Từ thị thông nhẫn kia
Bởi quán sát đại bi
Được Phạm Thiên ái kính
Người ấy không chỗ phạm.
Khoáng dã rời không trống
Không căn gọi là tịnh
Hàng phục binh tướng ma
Nên nói Thần Chú này.
Đấng Thế Tôn kiến lập
Kinh lời nghĩa hay này
Bấy giờ lưu bố khắp
Tùy cơ hay lãnh thọ.
Bởi nói chú thuật này
Trời Đất đều chấn động
Chư ma thảy đều đến
Đều tuyên nói như vậy:
Dùng lời giữ đầu cổ
Đây gọi là Pháp Sư
Nếu tay được Kinh này
Về đến chỗ Phật nói.
Lúc ấy Đức Phật bảo Mật Tích Kim Cang Lực Sĩ: Đã kiến lập Kinh Điển này rồi, nay kiến lập không ai làm loạn động được.
Tại sao vậy?
Ta nhớ lại thuở quá khứ có Đức Phật ra đời hiệu là Bảo Nguyệt Như Lai, Ứng Cúng, Chánh Biến Tri, Minh Hành Túc, Thiện Thệ Thế Gian Giải, Vô Thượng Sĩ, Điều Ngự Trượng Phu, Thiên Nhân Sư, Phật, Thế Tôn. Thế Giới ấy tên là Vô Duyệt.
Trong đời Đức Phật Bảo Nguyệt ấy có hai Tỳ Kheo làm Pháp Sư. Một vị tên là Trí Tịch, một vị tên là Trì Chí Thành. Hai vị đều có oai thần biến hóa đức cao vòi vọi. Hai vị lãnh thọ chương cú Thần Chú này nơi Phật Bảo Nguyệt mà phụng trì.
Sau khi Phật Bảo Nguyệt diệt độ, hai vị ấy trì pháp nửa kiếp. Sau đó trăm ngàn ức loài ma trong Cõi Đại Thiên đều được khai hóa tuân theo đạo vô thượng chánh chân.
Này Mật Tích! Ông muốn biết hai vị Tỳ Kheo Pháp Sư thuở xưa ấy là ai chăng?
Trí Tịch Pháp Sư là tiền thân của ta, Thích Ca Mâu Ni Phật vậy. Còn Trì Chí Thành Pháp Sư là tiền thân của Mật Tích Kim Canh Lực Sĩ vậy. Các chương cú ấy làm cho Kinh Pháp này được nhiều sự lợi ích hộ trì thành tựu chánh pháp.
Bấy giờ Đức Thế Tôn nhìn xem tất cả chúng hội bốn phía mà tuyên bố rằng: Chư vị Chánh Sĩ! Ai là người có thể gánh vác được đạo tổng trì vô thượng chánh chân mà Đức Như Lai đã từ trăm ngàn ức triệu vô số kiếp chứa công tích đức, tất cả chúng sanh nhờ đây mà được tế độ, Chư Phật quá khứ, vị lai, hiện tại đều do đây mà sanh.
Trong chúng hội có ba vạn hai ngàn vị Bồ Tát rời chỗ ngồi đứng dậy vòng tay cúi đầu lễ Phật rồi nói kệ rằng:
Xả bỏ thân mạng mình
Tư duy khéo vắng lặng
Thọ trì Kinh Pháp này
Được Chư Phật khen ngợi.
Kinh Điển này như thuốc
Chữa trị tất cả bệnh
Thọ trì ngôn giáo này
Phát sanh tâm ý Phật.
Liền đó Hiền Vương Thiên Tử cùng năm trăm Thiên Tử nói kệ rằng:
Tất cả chúng sanh
Siêng quán tưởng chứa đức
Thọ trì Kinh Điển này
Được tối thắng thâm diệu.
Mật Tích Kim Cang Lực Sĩ cũng nói kệ rằng:
Nghĩa ấy không văn tự
Mà lại tuyên văn tự
Đức Thế Tôn ban tuyên
Tôi nay phải phụng trì.
Lúc bấy giờ Đức Như Lai bảo Phạm Thiên và Thiên Đế Thích: Như Lai có ba điều chẳng thể hạn lượng được, nên thành bậc cúng dường vô thượng công đức vô cùng cực.
Những gì là ba?
Một là chí tâm nhân hòa phát đạo tâm mình.
Hai là đem đạo tâm đã được phát mà hộ trì chánh pháp.
Ba là đúng như pháp được nghe mà giảng giải cho mọi người.
Đích thân thật hành ba điều như vậy nên được đến công đức chẳng thể tính lường được.
Phạm Thiên nên biết do ba sự ấy mà chứa công tích đức, dầu cho ta ở đời một kiếp phân biệt rộng nói cũng chẳng thể nói hết được.
Này Phạm Thiên! Thế nên phải tùy thuận cung kính phụng sự ba điều của Như Lai. Phạm Thiên cúng dường Như Lai lãnh thọ bốn câu kệ tụng mà ba đời Chư Phật đã tuyên nói, lãnh thọ rồi ủng hộ.
Tại sao vậy?
Chư Phật Thế Tôn đều từ pháp này mà sanh. Vì thế nên cúng dường pháp. Cúng dường pháp chẳng cần đến áo cơm. Bởi pháp cúng dường là hơn hết trong những sự cúng dường.
Vì thế nên Phạm Thiên phải đem chánh pháp để cúng dường nhau, là cúng dường Chân Đế, không dùng áo cơm.
Đức Phật tự nhớ Phạm Thiên Vương thuở quá khứ từng sanh làm Vương Thái Tử tên là Ý Hành, mến ưa Đạo Pháp.
Một hôm nằm mơ nghe bốn câu kệ tụng này:
Nếu mãi buông lung không đường thoát
Vì chúng sanh nên phát đạo tâm
Ở rảnh rang tùy thuận siêng tu
Xả thí không tham mình người an.
Vương Thái Tử nghe dạy bài kệ tụng ấy, sau khi tỉnh giấc suy gẫm rành rẽ, trong lòng rất vui mừng, liền nói kệ ca ngợi lời kệ tụng ấy:
Mừng thay rất an vui
Được pháp tạng vô tận
Nên thí cho kẻ nghèo
Khiến mọi người no đủ.
Này Phạm Thiên! Khi ấy Vương Thái Tử được tạng an lập đế, hiểu văn tự vốn không, tự nghĩ rằng: Đem nghĩa bài kệ ấy làm cho chúng sanh nghèo thiếu được no đủ.
Vương Thái Tử đến thưa Vương Phụ và Vương Mẫu, chừng có kho bảy báu: Vàng, bạc, lưu ly, thủy tinh, xa cừ, mã não, san hô chăng?
Con rất vui mừng nếu được đem bố thí cho người nghèo khó.
Phụ Mẫu nên biết rằng tất cả của cải chẳng phải là vật báu bền chắc, thường bị nước lụt, hỏa hoạn, trộm cướp, oan gia trái chủ, quan quyền, con bất hiếu làm tiêu tan. Trí huệ nghe rộng học nhiều không cần áo cơm rất là khó được.
Vương phụ, Vương mẫu nói: Hay lắm, cho phép con lấy của kho bố thí, như lòng con muốn. Vương Thái Tử Vương liền bố thí khắp các người nghèo thiếu. Rõ biết ba cõi rỗng không làm cho họ được trí huệ vô tận khó được.
Vương Thái Tử nghe một bài kệ bốn câu mà giáo hóa được tám ngàn người khuyên phát đạo tâm Vô Thượng Bồ Đề, vô số chúng sanh được sanh Cõi Trời.
Thế nên, này Phạm Thiên! Người nào lãnh thọ pháp thâm diệu này, thọ trì, đọc tụng, vì người giảng nói, nghe đó vui mừng, thì được công đức vô lượng, được tạng Vô Thượng.
Này Phạm Thiên! Hành pháp đại thừa có ba sự pháp lợi ích rất nhiều cho Bồ Tát:
Một là giải và hạnh được lập nhẫn thọ không nhàm.
Hai là lấy giải để kiến lập, lấy hạnh làm trọng yếu, giữ gìn lời nói là thứ nhất, chẳng móng tâm tổn hại chúng sanh.
Ba là chẳng rời bỏ đại bi.
Đó là ba sự.
Vì thế nên, Phạm Thiên này! Muốn làm lợi ích cho chúng sanh thì phải siêng khuyến trợ Kinh Điển này.
Lại có hai sự mà Hạnh Nguyện được lập ra chẳng bị quên mất:
Một là lúc Phật mới thành đạo, đến thỉnh cầu Đức Phật chuyển chánh pháp luân.
Hai là Phạm Thiên phải thỉnh cầu, trong hiền kiếp này, một ngàn vị Phật đương lai chuyển chánh pháp luân giáo hóa những chúng xuất gia làm hạnh Bồ Tát, như Đức Phật Thế Tôn làm Pháp Vương tự tại khéo giáo hóa dạy dỗ ít ai bằng được.
Này Phạm Thiên! Vì lẽ ấy nên Đức Phật làm cho tất cả mọi người trừ bỏ già bệnh chết đến quả vô vi, với sắc chẳng chấp trước.
Vì hiểu lẽ ấy nên chịu được các sự khổ, không vọng mong cầu, làm chúa tể Trời người, tạo lập ba pháp nhẫn, chấp trì chánh pháp thọ trì đọc tụng. Lãnh thọ Kinh này là rất khó.
Phải quan niệm rằng: Bồ Tát trong trăm ngàn ức triệu kiếp tu hạnh thanh tịnh, trang nghiêm thanh tịnh Phật Độ, ủng hộ chánh pháp, mau được thành bậc Chánh Giác.
Lúc bấy giờ Đức Phật phán bảo Ngài A Nan: Này A Nan! Ông phải lãnh thọ Kinh này, thọ trì, đọc tụng, giảng nói cho mọi người.
Ngài A Nan bạch Đức Phật: Thưa vâng! Bạch Đức Thế Tôn! Con sẽ thọ trì làm cho được kiên cố.
Đức Phật dạy: Này A Nan! Chớ đem pháp này truyền cho kẻ chẳng phải pháp khí, chớ trao cho ác tri thức. Nên truyền cho thiện hữu, những người mộ đạo thích học, những người này sẽ phụng trì thủ hộ.
Này A Nan! Kinh Điển này chẳng về nơi phi pháp mà sẽ về nơi người hạp căn khí, họ có thể phụng hành pháp này và thương cứu chúng sanh.
Lại Kinh này không có vọng tưởng. Tinh tiến hành trì thì có thoại ứng hiện tiền. Người hành trì Kinh này thì được nhiều phước báo.
Ngài A Nan thưa: Bạch Đức Thế Tôn! Con sẽ thọ trì Kinh này, nương oai thần của Đức Phật, con sẽ làm cho thường được lưu bố khắp nơi. Nếu ai lãnh thọ pháp này, thừa oai thần của Đức Phật, quang minh chiếu xa. Những người ấy chẳng còn theo nghiệp hạnh sái quấy.
Bạch Đức Thế Tôn! Kinh này Danh Hiệu là gì, phụng hành thế nào?
Đức Phật phán dạy: Kinh này tên là Lời Dạy của Đức Phật. Lại có tên là Pháp Nghĩa của Mật Tích Kim Cang Lực Sĩ tuyên bố. Lại tên là Công Huân Báo Ứng của Như Lai. Lại có tên là Phẩm pháp Bí Yếu của Như Lai.
Này A Nan! Ông phải phụng trì như vậy. Vì người khác phân biệt giảng nói chớ có mong cầu lợi dưỡng. Chỉ vì vô lượng công đức mà thuận theo pháp luật nên phụng trì vậy.
Tại sao?
Giả sử dùng Phật nhãn thấy khắp Phật Độ và cõi nước mười phương, từ mặt đất lên cao đến Trời Đao Lợi, trong đó đầy những bảy thứ châu báu và trăm thứ uống ăn đem cúng dường Đức Như Lai, nếu có người lãnh thọ Kinh này, thọ trì đọc tụng phụng hành, vì người mà giảng nói không có lòng cầu lợi dưỡng thì được công đức nhiều hơn.
Và có người nào đem y thực vật dùng cúng dường Kinh yếu này, tuyên công đức của Như Lai thì được phước vô lượng, không gì để ví dụ được.
Lúc Đức Phật nói Kinh này, có vô lượng chúng sanh phát tâm vô thượng bồ đề. Vô số Bồ Tát được vô sanh pháp nhẫn. Vô lượng Bồ Tát đến bậc nhất sanh bổ xứ.
Ngài A Nan, Mật Tích Kim Cang Lực Sĩ, Tịch Ý Bồ Tát và Chư Đại Thanh Văn, Chư Thiên, chúng Nhân cùng hàng A Tu La, Càn Thát Bà, tất cả chúng hội nghe lời Đức Phật phán dạy không ai chẳng vui mừng, cúi đầu đảnh lễ rồi lui ra.
***
Phật Thuyết Kinh đại Bát Nhã Ba La Mật đa - Hội Thứ Năm - Phẩm Mười Bảy - Phẩm Tham Hành - Phần Hai
Phật Thuyết Kinh đại Bát Nhã Ba La Mật đa - Hội Thứ Ba - Phẩm Ba Mươi Mốt - Phẩm Tuyên Hóa - Phần Ba