Phật Thuyết Kinh đại Bảo Tích - Pháp Hội Thứ Bảy - Pháp Hội Mặc Giáp Trang Nghiêm - Phần Mười Một
Hán dịch: Ngài Tam Tạng Pháp Sư Nan Liên Đề Gia Xá, Đời Cao Tế
PHẬT THUYẾT
KINH ĐẠI BẢO TÍCH
Hán dịch: Ngài Tam Tạng Pháp Sư
Nan Liên Đề Gia Xá, Đời Cao Tế
PHÁP HỘI THỨ BẢY
PHÁP HỘI MẶC GIÁP TRANG NGHIÊM
PHẦN MƯỜI MỘT
Bạch Đức Thế Tôn! Chư Đại Bồ Tát ở nơi pháp lý thú khéo an lập chẳng cùng với chút pháp hoặc tương ưng hoặc chẳng tương ưng, hoặc hòa hiệp hoặc chẳng hòa hiệp, hoặc nhiếp thủ hoặc chẳng nhiếp thủ, hoặc có sở quy hoặc không có sở quy, hoặc tham hoặc ly tham, hoặc sân hoặc ly sân.
Bạch Đức Thế Tôn! Chư Đại Bồ Tát ở trong tất cả pháp lý thú thiện xảo an lập. Giả sử có chúng sanh dúng dường cung kính, Đại Bồ Tát ấy chẳng có lòng tham ái. Chúng sanh hủy nhục bức não, Đại Bồ Tát ấy cũng chẳng sân hận.
Chư Đại Bồ Tát ấy không có các thứ tưởng, rời tất cả pháp, chẳng thấy có chút pháp có thể cùng với chút pháp tương ưng hoặc chẳng tương ưng, vì siêu quá tương ưng và chẳng tương ưng vậy.
Các Ngài rời xa tưởng tương ưng chẳng tương ưng, biết rõ tương ưng chẳng tương ưng, siêu quá biết rõ, chắng ở nơi chút pháp hoặc tiến hoặc thối hoặc có chỗ hướng đến hoặc không có chỗ hướng đến mà làm tương ưng.
Ở trong tất cả pháp lý thú, các Ngài không có vọng niệm cũng không có sở thủ, dùng thiện phương tiện chẳng hoại pháp tánh.
Bạch Đức Thế Tôn! Lúc an trụ nơi tất cả pháp như vậy, Chư Đại Bồ Tát có thể dùng thiện xảo tuyên nói tất cả pháp giới lý thú, tất cả Phật Pháp mau được viên mãn.
Đức Thế Tôn phán với Ngài Vô Biên Huệ Đại Bồ Tát rằng: Này Vô Biên Huệ! Ở trong Phật Pháp, lúc Chư Đại Bồ Tát không chỗ an lập không chỗ an trụ thì thấy Phật Pháp, không có an lập không có sở trụ, cũng không thắng trụ, cũng không biến trụ, thấy Phật Pháp trụ.
Tại sao vậy?
Vì chẳng khuynh động, vì chẳng lưu chuyển vì chẳng biến dị vậy. Tương ưng với tất cả pháp giới mà an trụ mới gọi là tất cả pháp giới lý thú thiện xảo an lập.
Này Vô Biên Huệ! Ở trong Phật Pháp, Chư Đại Bồ Tát không trụ, không thắng trụ, không biến trụ, không Phi Xứ trụ, cũng không sở động, không biến phân biệt, mới gọi là tất cả pháp giới lý thú thiện xảo an lập.
Này Vô Biên Huệ! Chư Đại Bồ Tát chẳng thấy chút pháp có thể cùng chút pháp mà làm an lập, cũng chẳng thấy có tất cả pháp xứ làm thắng an lập, cũng không phân biệt, không thắng phân biệt, không biến phân biệt, mới gọi là tất cả pháp giới lý thú thiện xảo an lập.
Này Vô Biên Huệ! Chư Đại Bồ Tát chẳng thấy chút pháp hoặc trụ hoặc khứ, cũng không phân biệt, không thắng phân biệt, không biến phân biệt. Các Ngài thấy tất cả pháp như tịnh hư không ánh sáng chiếu suốt rời xa phiền não, vì ánh sáng chiếu tất cả pháp, nên mới gọi là được thiện xảo phương tiện nơi tất cả pháp giới lý thú, chẳng dùng an lập để quán pháp giới.
Tại sao vậy?
Vì chẳng ở nơi pháp giới có chút an lập vậy. Ví như hư không và phong giới không có xứ sở cũng không thấy được, không chỗ an lập không chỗ y chỉ, không hiện bày được.
Pháp giới cũng như vậy, không chỗ vào được, không chỗ thấy được, không chỗ an lập, không chỗ y chỉ, không hiện bày được. Pháp giới cũng như vậy, không chỗ vào được, không chỗ thấy được, không chỗ an lập, không chỗ y chỉ, cũng không liễu tri cũng không hiện bày.
Chư Đại Bồ Tát vì không hiện bày nên tương ưng với như như giới mà an trụ.
Này Vô Biên Huệ! Tất cả pháp giới không sanh không mạng, không lão không tử, không thăng không trầm, không hiện bày giới đó là pháp giới, không biến dị giới đó là pháp giới, mà pháp giới ấy khắp tất cả chỗ.
Này Vô Biên Huệ! Pháp giới không khứ, cũng không chỗ khứ?
Vì không chỗ khứ nên mới gọi là tương ưng với pháp giới mà an trụ. Trong như như pháp giới không có xứ cũng không có phi xứ.
Tại sao vậy?
Vì như như pháp giới như như tự tánh vô sở hữu vậy.
Này Vô Biên Huệ! Chư Đại Bồ Tát nghe ta nói đây thì ở nơi tất cả pháp giới lý thú được vô biên ánh sáng đại pháp. Do ánh sáng pháp được vô sanh nhẫn, chóng viên mãn Phật Thập lực mười tám pháp bất cộng.
Vì muốn thành thục tất cả chúng sanh thiện căn rộng lớn tư lương thù thắng vì muốn chủng tánh Như Lai không đoạn tuyệt nên mau đến Đạo Tràng chuyển pháp luân, che khuất cung ma, xô dẹp dị luận, làm Đại Sư tử hống mà vì chúng sanh diễn thuyết diệu pháp tùy theo sở thích của họ, tùy theo chí nguyện của họ, tùy theo chỗ hướng đến chánh giải thoát của họ, đếu làm cho tất cả đều đến vô thượng bồ đề.
Đức Thế Tôn nói kệ rằng:
Tất cả Chư Bồ Tát
Chẳng trụ ở các pháp
Ở nơi trong Phật Pháp
Không có chỗ an lập
Tất cả Chư Bồ Tát
Vì không chỗ an lập
Nên ở trong Phật Pháp
Vô úy mà hướng đến
Tất cả Chư Bồ Tát
Thấy tất cả Phật Pháp
Không có trụ không xứ
Là diệu thiện an lập
Tất cả Chư Bồ Tát
Chẳng an trụ ở xứ
Có thể thấy các pháp
Không an trụ không thối
Tất cả Chư Bồ Tát
Thấy pháp không an trụ
Nơi Phật Pháp chẳng động
Nơi Phật Pháp chẳng cầu
Tất cả Chư Bồ Tát
Thấy pháp không biến dị
Nơi Phật Pháp chẳng động
Cũng chẳng có suy tầm
Tất cả Chư Bồ Tát
Thấy các pháp như vậy
Ở nơi pháp thiện xảo
Phương tiện mà an trụ
Tất cả Chư Bồ Tát
Thấy pháp thường bình đẳng
Nơi Phật Pháp chẳng trụ
Cũng chẳng phải chẳng trụ
Thường không có Trụ xứ
Cũng chẳng phải không xứ
Thường chẳng có phân biệt
Chẳng phải chẳng phân biệt
Tất cả những phân biệt
Thường là vô sở hữu
Tất cả Chư Bồ Tát
Tương ưng với vô trụ
Nơi những thời những xứ
Mà không có sở động
Tất cả Chư Bồ Tát
Ở trong pháp lý thú
Lúc an trụ bình đẳng
Thì gọi là thiện trụ
Tất cả Chư Bồ Tát
Ở trong pháp lý thú
Chẳng thấy có chút pháp
Có thể bình đẳng trụ
Tất cả Chư Bồ Tát
Có thể thấy các pháp
Đều không có xứ sở
Cũng chẳng rời xứ
Được không có sở động
Cũng chẳng có thân cận
Tất cả Chư Bồ Tát
Ở trong tất cả pháp
Lý thú được thiện xảo
Phương tiện mà an trụ
Thì gọi là Bồ Tát
Tất cả Chư Bồ Tát
Chẳng ở nơi chút pháp
Hoặc khứ hoặc là lai
Phân biệt mà an trụ
Bấy giờ mới an trụ
Tất cả pháp lý thú
Tất cả Chư Bồ Tát
Nơi các pháp lý thú
Tất cả thứ an trụ
Có thể khởi vô biên
Những ánh sáng đại pháp
Do ánh sáng đại pháp
An trụ bình đẳng kiến
Thấy tất cả các pháp
Và các pháp lý thú
Như hư không trong sạch
Như bóng cũng như tượng
Bình đẳng không cấu nhiễm
Tất cả Chư Bồ Tát
Ở nơi thấy biết rõ
Cũng không có biết rõ
Xa rời nơi tự tánh
Tất cả Chư Bồ Tát
Hay quán sát như vậy
Ở trong tất cả pháp
Lý thú mà an trụ
Có thể ở pháp giới
Kiên cố siêng tu tập
Thì gọi là pháp giới
Lý thú thiện phương tiện
Tất cả Chư Bồ Tát
Chẳng an trụ pháp giới
Quan sát các pháp giới
Rốt ráo chẳng phải có
Tất cả Chư Bồ Tát
Quyết liễu nơi các pháp
Thấy tất cả các pháp
Như hư không như phong
Dầu không có an lập
Mà khắp tất cả chỗ
Pháp giới cũng như vậy
Khắp ở tất cả chỗ
Pháp giới khó nghĩ bàn
Không thể hiện bày được
Ở nơi các người trí
Chẳng có làm thân cận
Giới không có thị hiện
Mới gọi là pháp giới
Không có chỗ trụ xứ
Mới gọi là an trụ
Pháp giới không có sanh
Không mạng không lão
Không tử không thăng trầm
Cũng không có xuất ly
Pháp giới chẳng nghĩ bàn
Không lai không có khứ
Pháp giới chẳng phải uẩn
Chẳng phải giới và xứ
Cũng chẳng rời giới xứ
Mà không có sở động
Pháp giới thường như như
Tự tánh chẳng phải có
Tất cả Chư Bồ Tát
Hay biết rõ như vậy
Pháp giới khó nghĩ bàn
Được ánh sánh đại pháp
Do đây mà hướng đến
Qua đến tại Đạo Tràng
Mà ở nơi các pháp
Không còn có nghi hoặc
Chẳng có bị sở động
Dùng ánh sáng đại pháp
Làm cho các chúng sanh
Đều được đại an lạc.
Đức Thế Tôn phán tiếp: Này Vô Biên Huệ! Chư Đại Bồ Tát có thể ở nơi pháp thậm thâm như vậy mà siêng tu tập, thì được ánh sáng đại pháp như vậy. Dùng trí huệ ấy hướng đến vô thượng bồ đề.
Lại này Vô Biên Huệ! Ta nhớ thuở xưa quá hai A tăng kỳ kiếp, lúc ấy có Đức Phật xuất thế hiệu là Nguyệt Đăng Vương Như Lai, Ứng Cúng, Chánh Biến Tri, Minh Hạnh Túc, Thiện Thệ, Thế Gian Giải, vô thượng Sĩ, Điều Ngự Trượng Phu, Thiên Nhân Sư, Phật, Thế Tôn. Kiếp ấy tên Cam Lộ, Quốc Độ tên Thanh Tịnh.
Cõi nước ấy bằng pha lê thường có ánh sáng chiếu khắp nơi. Nếu có chúng sanh nào gặp ánh sáng ấy thì được sạch sẽ đẹp đẽ đoan nghiêm, vì thế nên cõi nước ấy có tên là Thanh Tịnh, không có tên thành ấp tụ lạc riêng. Trong nước ấy đường sá rất đẹp, dây vàng ngăn lối.
Khoảng cách giữa các con đường tất cả đều đồng nửa câu lô xá. Trụ báu sáng chói, cây Đa La đẹp đều số tám mươi bốn bày hàng trong mỗi khoảng cách ấy.
Trong đó lại có bốn ao nước, quanh ao có lâu đài bảy báu là chỗ ở của nhân dân. Che trên thì có linh võng, treo rũ thì xó dải lụa, đồ trân ngoạn đẹp lạ như Thiên Cung.
Chúng sanh ở nước ấy tịch tịnh an lạc, đều đã thành tựu mười nghiệp đạo lành, dung mạo đoan nghiêm, thọ mạng dài lâu, tham sân si mỏng dễ khai ngộ, dùng chút ít phương tiện đã biết rộng các pháp.
Đức Phật Nguyệt Đăng Vương trụ thế mười câu chi tuổi. Sau khi Đức Phật ấy diệt độ, chánh pháp trụ thế một câu chi năm.
Có mười hội Thuyết Pháp. Mỗi Pháp Hội đếu có hai mươi câu chi na do tha Chúng Thanh Văn ở bậc học địa, các Chúng Bồ Tát hướng đến Nhất Thừa số đến vô lượng.
Này Vô Biên Huệ! Cây Bồ Đề báu của Đức Nguyệt Đăng Vương Như Lai cao một trăm do tuần, chu vi năm mươi do tuần, góc bằng ngọc san hô, thân bằng ngọc lưu ly, nhánh bằng hoàng kim, lá bằng ngọc mã não. Đạo Tràng dọc ngang đều một trăm do tuần, khắp vòng có bệ nền, bao quanh có lan can.
Cây Đa La đẹp bày ngay thẳng, linh vàng lưới báu giăng che trang nghiêm. Tòa Đại Bồ Đề cao ba do tuần trải nệm êm nhuyễn, trăm ngàn diệu y xen rũ, hai mươi tràng phan dựng bày một bên.
Đức Phật Nguyệt Đăng Vương ngồi trên tòa Đại Bồ Đề ấy mà chứng vô thượng bồ đề. Thuở ấy nước Thanh Tịnh không có ba ác đạo và tên ác đạo, cũng không có các nạn và tên các nạn.
Đức Phật Nguyệt Đăng Vương thường ở trong tất cả các Thế giới hóa hiện thân Phật chuyển chánh pháp luân.
Này Vô Biên Huệ! Đức Phật Nguyệt Đăng Vương có hai vị Bồ Tát: Một tên là Vân Âm, một tên là Vô Biên Âm.
Hai vị Bồ Tát ấy bạch Đức Phật Nguyệt ĐăngVương rằng: Bạch Đức Thế Tôn! Thế nào Chư Đại Bồ Tát ở trong các tất cả pháp lý thú mà được thiện xảo phương tiện an lập?
Vì muốn Chư Đại Bồ Tát ở trong tất cả pháp lý thú mà được thiện xảo phương tiện an lập nên Đức Phật Nguyệt Đăng Vương vì hai vị Bồ Tát mà nói rộng pháp ấy. Chư Đại Bồ Tát nghe pháp ấy xong, ở trong tất cả pháp lý thú được thiện xảo phương tiện an lập.
Hai vị Bồ Tát Vân Âm và Vô Biên Âm sau đó hai muôn năm không ngủ nghỉ, không tham dục, không sân não, chẳng tưởng đến ăn đến nằm, cũng không tưởng đến bệnh hoạn thuốc thang, chẳng thích vui chơi du ngoạn trong thế gian. Lúc Đức Phật Nguyệt Đăng Vương thuyết pháp, liền trên pháp tòa, hai vị Bồ Tát ấy được vô sanh nhẫn.
Đức Như Lai ấy hỏi hai vị Bồ Tát rằng: Này thiện nam tử! Ở trong tất cả pháp lý thú thiện xảo phương tiện an lập như vậy, các ông có cầu chăng?
Hai vị Bồ Tát ấy bạch rằng: Bạch Đức Thế Tôn! Con còn chẳng thấy có danh từ tất cả pháp lý thú thiện xảo an lập, huống là tất cả pháp lý thú thiện xảo phương tiện an lập.
Bạch Đức Thế Tôn! Con cũng chẳng được tất cả pháp, con cũng chẳng được tất cả pháp an lập. Nơi tất cả pháp không có trụ không có chẳng trụ.
Bạch Đức Thế Tôn! Con thấy như vậy đâu còn nên hỏi rằng: Ở trong tất cả pháp lý thú thiện xảo phương tiện an lập như vậy, ông có cầu chăng?
Hay là chẳng cầu chăng?
Bạch Đức Thế Tôn! Con cũng chẳng thấy ở trong tất cả pháp lý thú thiện xảo phương tiện an lập như vậy mà làm người cầu. Con cũng chẳng thấy có hoặc trong hoặc ngoài, hoặc trung gian, hoặc tất cả pháp, hoặc pháp lý thú thiện xảo phương tiện mà an lập, con cũng chẳng thấy có pháp hoặc trong hoặc ngoài, hoặc trung gian, hoặc tất cả pháp, hoặc pháp lý thú thiện xảo phương tiện mà có thể an lập được.
Bạch Đức Thế Tôn! Con cũng chẳng thấy nhẫn đến có chút pháp trong ngoài trung gian lý thú thiện xảo phương tiện an lập mà có thể thân cận được.
Bạch Đức Thế Tôn! Đã không có chút pháp hướng đến được thân cận ở trong ấy con sẽ an lập cái gì?
Bạch Đức Thế Tôn! Vì không có an lập nên chẳng phải tương ưng với an trụ hay chẳng an trụ, chẳng phải tương ưng với vô tận, vô sanh.
Bạch Đức Thế Tôn! Con cũng chẳng thấy từ ai do ai chỗ nào lúc nào tâp ý thức của con hoặc sanh hoặc diệt.
Sao lại còn nói rằng dùng tâm ý thức ở nơi tất cả pháp lý thú thiện xảo phương tiện an lập?
Này Vô Biên Huệ! Lúc hai vị Bồ Tát Vân Âm và Vô Biên Âm ở trước đức Nguyệt Đăng Vương Như Lai bạch như vậy, có một ngàn Bồ Tát được vô sanh nhẫn, một ngàn câu chi Bồ Tat phát tâm Bô Đề.
Lúc ấy Đức Phật Nguyệt Đang Vương lại bảo hai vị Bồ Tát rằng: Này thiện nam tử! Ông dùng vô trụ mà trụ, vô xứ mà trụ, ở nơi tất cả pháp lý thú, thiện xảo phương tiện an lập.
Này thiện nam tử! Tất cả các pháp cũng lại như vậy. Vì tùy thuận thế tục đạo mà Đức Như Lai hiện chứng vô thượng bồ đề. Nếu là ở nơi Đức Như Lai thì chẳng theo thế Tục Đế cũng lại như vậy.
Này thiện nam tử! Các pháp không có xứ cũng chẳng phải không có xứ. Nếu là xứ và không có xứ đều là theo thế tục. Nếu theo thế tục thì ở trong ấy không có chút pháp để có thể sanh, để có thể thấy được.
Này thiện nam tử! Vì thế nên phải siêng năng tu tập ở nơi các pháp được chứng giải thoát.
Hai vị Bồ Tát ấy ở trước Đức Nguyệt Đăng Vương Như Lai nghe pháp ấy rồi, hai Ngài bay lên hư không nói kệ khen ngợi Đức Phật:
Pháp Vương bất tư nghì
Được pháp vị tằng hữu
Đấng Biến Tri Lưỡng Túc
Phật Pháp không quá trên
Do vì pháp vô thượng
Như Lai đời không bằng
Tất cả pháp vô sanh
Nay con được nhẫn ấy
Con thường chẳng phân biệt
Hoặc sanh hoặc vô sanh
Cũng chẳng niệm như vậy
Tất cả vô phân biệt
Pháp Vương Đại Mâu Ni
Công đức rời ngôn niệm
Xin nói pháp thanh tịnh
Khiến chúng đều hoan hỉ
Nơi thắng đức của Phật
Muốn biết vi tế ấy
Dầu trải vô lượng kiếp
Cũng chẳng thể biết được
Vì công đức vô biên
Tối thắng không quá trên
Tất cả pháp vô sanh
Con cũng chẳng phân biệt
Con ở trong Phật Pháp
Chưa từng có hủy hoại
Chẳng nói các thiện căn
Thế nào có thể được
Các pháp không thị hiện
Không sanh cũng không tướng
Vô tướng nhẫn như vậy
Ở đây cũng đều chứng
Nay nhẫn của con được
Rốt ráo không thối chuyển
Nên ở nhất thiết trí
Do đây sanh hoan hỷ
Nơi pháp của Như Lai
Con quyết định không nghi
Cũng nơi tất cả pháp
Rời xa những nghi hoặc
Trong Phật Pháp vô thượng
Nay con được nhẫn ấy
Con cũng chẳng phân biệt
Cũng không chẳng phân biệt.
Hai vị Bồ Tát ấy nói kệ xong, đi nhiễu bên hữu Đức Nguyệt Đăng Vương ba vòng, đem hoa Trời hương Trời rải trên Đức Phật.
***
Phật Thuyết Kinh đại Bát Nhã Ba La Mật đa - Hội Thứ Năm - Phẩm Mười Bảy - Phẩm Tham Hành - Phần Hai
Phật Thuyết Kinh đại Bát Nhã Ba La Mật đa - Hội Thứ Ba - Phẩm Ba Mươi Mốt - Phẩm Tuyên Hóa - Phần Ba
Phật Thuyết Kinh Tạp A Hàm - Kinh Ca Ma - Phần Năm
Phật Thuyết Kinh Ngũ Khủng Bố Thế
Phật Thuyết Kinh Tạp A Hàm - Kinh Thiên Nữ
Phật Thuyết Kinh Chánh Pháp Niệm Xứ - Phẩm Sáu - Phẩm Quán Thiên Dạ Ma Thiên - Tập Mười Bốn
Phật Thuyết Kinh đại Bảo Tích - Pháp Hội Thứ Nhất - Pháp Hội Tam Tụ Luật Nghi - Phần Hai
Phật Thuyết Kinh Bồ Tát Anh Lạc Hiện Tại Báo - Phẩm Bốn Mươi Mốt - Phẩm Thuận Hợp Thời