Phật Thuyết Kinh đại Bảo Tích - Pháp Hội Thứ Bốn Mươi - Pháp Hội Tịnh Tín đồng Nữ - Phần Một
Hán dịch: Ngài Tam Tạng Pháp Sư Nan Liên Đề Gia Xá, Đời Cao Tế
PHẬT THUYẾT
KINH ĐẠI BẢO TÍCH
Hán dịch: Ngài Tam Tạng Pháp Sư
Nan Liên Đề Gia Xá, Đời Cao Tế
PHÁP HỘI THỨ BỐN MƯƠI
PHÁP HỘI TỊNH TÍN ĐỒNG NỮ
PHẦN MỘT
Như vậy, tôi nghe một lúc Đức Phật ở nước Xá Vệ tại vườn Kỳ Thọ Cấp Cô Độc cùng Chúng Đại Tỳ Kheo năm trăm người câu hội.
Đại Bồ Tát tám ngàn người, tất cả đều là tri thức của mọi người. Các Ngài đã được Đà La Ni vô ngại biện tài, có đủ các nhẫn hàng phục ma oán đến các pháp đã được của Như Lai.
Danh Hiệu của các Ngài là: Trì Thế Bồ Tát, Trì Đạo Bồ Tát, Trì Địa Bồ Tát, Trì Đại Địa Bồ Tát, Lạc Ý Bồ Tát, Linh Tín Lạc Bồ Tát, Diệu Sắc Trang Nghiêm Bồ Tát, Bảo Diệm Bồ Tát, Bảo Tràng Bồ Tát, Bảo Tư Bồ Tát, Bảo Xứ Bồ Tát, Bảo Huệ Bồ Tát, Bảo Đức Bồ Tát.
Bảo Quang Bồ Tát, còn có Chư Bồ Tát hiền kiếp mà Di Lặc Bồ Tát làm thượng thủ, còn có sáu mươi vô đẳng dụ tâm Chư Bồ Tát mà Văn Thù Sư Lợi Bồ Tát làm thượng thủ, còn có mười sáu Đại Sĩ mà Hiền Hộ Bồ Tát làm thượng thủ, còn có hai vạn Thiên Tử Đâu Suất đều ở trong Pháp Hội.
Bấy giờ Đức Thế Tôn ngồi Tòa Sư Tử Đại Trang Nghiêm Tạng, vô lượng trăm ngàn đại chúng vây quanh, quang minh chiếu sáng như nhật nguyệt, oai đức thù thắng như Đế Thích Phạm Vương, cao vọi vượt chúng như núi Tu Di, tia sáng chói rực như lửa đuốc lớn, nhìn ngó an tường như đại tượng vương, thuyết pháp vô úy như sư tử hống.
Che trùm đại chúng như La Hầu La Vương, tướng hảo trang nghiêm oai quang xí thạnh, phát xuất phạm âm vang khắp Tam Thiên Đại Thiên Thế Giới, vì muốn giác ngộ tất cả chúng sanh khiến đều an trụ thắng nghĩa quyết định nên ở giữa đại chúng rộng tuyên pháp yếu.
Ái nữ của Vua Ba Tư Nặc tên Tịnh Tín tuổi còn ấu trĩ, dung mạo đoan nghiêm được mọi người ưa nhìn, đời trước gieo trồng gốc lành tu tập Đại Thừa, cùng năm trăm Đồng Nữ sau trước vây quanh tay cầm vòng hoa xuất thành Xá Vệ tiến đến rừng Kỳ Đà đảnh lễ chân Phật hữu nhiễu ba vòng đứng qua một phía.
Rồi ở trước Phật, nàng nói kệ rằng:
Lâu tích phước thiện nghiệp thanh tịnh
Đầy đủ vô biên biển công đức
Khiến chúng tin ưa đều vui mừng
Nên tôi đảnh lễ Đấng Mâu Ni
Hiển hiện oai quang tướng kỳ đặc
Khai thị pháp môn tạng trân bảo
Thân quang một tấm thường chiếu sáng
Tôi lễ Đại Huệ ao thanh lương
Cây to công đức phước vô tận
Tối tôn trong người đời khen ngợi
Bổn nguyện giới hạnh đã viên mãn
Nên tôi đảnh lễ Đấng Ứng Cúng
An trụ Diệu Pháp thường yên lặng
Lòng thương chúng sanh như con một
Trí huệ thiện xảo biết các hành
Chỉ đường bình thản như Đạo Sư
Nếu có người kiên cố dũng mãnh
Từ bi lợi ích loài chúng sanh
Bồ Tát như vậy chánh tu hành
Duy nguyện Như Lai tuyên dạy họ
Thế nào sẽ được sức vững chắc
An trụ sanh tử hàng phục ma
Thế nào sẽ được pháp bình đẳng
Thế nào thành thục các chúng sanh
Thế nào như địa như hư không
Như phong như thủy cũng như hỏa
Thế nào tín tâm ở nơi pháp
Như Tu Di Vương Sư Tử Vương
Thế nào xa rời lòng ghét thương
Tâm sạch trách trực không siểm khúc
Thế nào xuất sanh thí giới nhẫn
Tinh tiến thiền định và giải thoát
Trí huệ phá các phiền não tối
Mà thường an lạc đại phương tiện
Tam muội tổng trì vô ngại biện
Trụ tứ vô lượng ngũ thần thông
Thế nào được ở gần Chư Phật
Thường thọ hóa sanh hóa túc mạng
Đầu đà vô tránh ở Lan Nhã
Điều phục tâm mình dứt phiền não
Trì giới tu tập Đạo Bồ Đề
Chứng đạo Cam Lồ hàng ma oán
Thí chúng an lạc chuyển pháp luân
Chánh đạo như vậy nguyện tuyên nói.
Đức Thế Tôn bảo Tịnh Tín Đồng Nữ rằng: Bồ Tát nếu thành tựu được tám sức lực thì ở trong sanh tử kiên cố dũng mãnh không mỏi mệt.
Một là sức chí nguyện vì không dua dối.
Hai là sức thắng giải vì lìa các ác.
Ba là sức gia hạnh vì thường tu điều lành.
Bốn là sức tịnh tín thâm tín nghiệp báo.
Năm là sức Bồ Đề Tâm vì chẳng cầu Tiểu Thừa.
Sáu là sức đại từ vì chẳng hại chúng sanh.
Bảy là sức đại bi và kham nhẫn các ác.
Tám là sức thiện hữu vì luôn luôn cảnh giác.
Này Đồng Nữ! Đây gọi là tám sức lực, nếu Bồ Tát thành tựu sức lực này thì kiên cố dũng mãnh ở trong sanh tử không nhiễm trước.
Đức Thế Tôn lại nói kệ rằng:
Chí nguyện dũng mãnh
Rời lìa siểm cuống
Thường hành chất trực
Đúng đường Bồ Đề
Dùng sức thắng giải
Xa lìa các ác
Thuần tu hạnh lành
An trụ chánh cần
Gia hạnh đầy đủ
Hằng khéo quan sát
Tinh tiến kiên cố
An lạc chúng sanh
Do sức tịnh tín
Biết rõ nghiệp báo
Tin nơi Phật trí
Nhiếp thọ thế gian
Sức tâm Bồ Đề
Xa lìa Tiểu Thừa
Chẳng dứt Phật chủng
An trụ pháp tánh
Do sức đại từ
Bình đẳng chúng sanh
Không yêu không ghét
Chẳng làm giận hại
Do sức đại bi
Chịu được các ác
Chẳng nhiễm sanh tử
Cũng không mỏi mệt
Do sức thiện hữu
Thường cảnh tỉnh nhau
Lòng chẳng thối chuyển
An trụ bồ đề
Người tinh tiến tu
Được tám sức này
Sẽ ngồi Đạo Tràng
Phá các chúng ma.
Lại này Đồng Nữ!
Vì Bồ Tát đã thành tựu tám pháp nên an trụ nơi bình đẳng:
Một là tất cả chúng sanh bình đẳng vì bổn vô ngã.
Hai là tất cả pháp bình đẳng vì các pháp tịch tĩnh.
Ba là tất cả Thế Giới bình đẳng vì đều nhập vào không giới.
Bốn là tất cả trí bình đẳng vì bình đẳng thuyết pháp.
Năm là tất cả hành bình đẳng vì nhân duyên vô tánh.
Sáu là tất cả thừa bình đẳng vì đồng vô vi.
Bảy là tất cả tâm bình đẳng vì tâm như huyễn.
Tám là tất cả ma bình đẳng vì phiền não làm trước bất khả đắc.
Đây là tám pháp an trụ bình đẳng.
Đức Thế Tôn lại nói kệ rằng:
Chúng sanh bổn vô ngã
Niệm niệm bất khả đắc
Người an trụ bình đẳng
Phải quan sát như vậy
Tất cả pháp bình đẳng
Bổn tánh thường không tịch
Văn tự có phân biệt
Các pháp vốn không khác
Mười phương các Quốc Độ
Biên tế bất khả đắc
Tánh nó như hư không
Phật Quốc thường bình đẳng
Tam thế Chư Như Lai
Trụ pháp giới bình đẳng
Vô biên trí giải thoát
Chư Phật đều như vậy
Chúng sanh bổn duyên khởi
Tất cả đều bình đẳng
Khéo biết họ sở hành
Dùng chỗ khai ngộ họ
Chúng sanh bao nhiêu thứ
Biết rõ như huyễn hóa
Trong ngoài vô sở thủ
Tự tánh thường thanh tịnh
Các thừa nói các pháp
Tánh vô vi bình đẳng
Đạo Sư thiện phương tiện
Phân biệt nói Ba Thừa
Hiện ở phiền não ma
Phiền não vô sở hữu
Thiên ma uẩn tử ma
Cảnh giới nó đều không.
Lại này Đồng Nữ! Vì Bồ Tát đã thành tựu tám pháp nên rời lìa ghét thương:
Một là từ.
Hai là bi.
Ba là thường làm lợi ích.
Bốn là chẳng nhiễm thế pháp.
Năm là chẳng luyến thân mình.
Sáu là thường tu định tâm.
Bảy là xả ly thân mạng.
Tám là quan sát phiền não.
Tu tám pháp này thì có thể rời lìa ghét thương vậy.
Đức Thế Tôn lại nói kệ rằng:
Mặc vững giáp từ tâm
Thương xót tất cả loài
An trụ tâm bình đẳng
Thì chẳng sanh yêu ghét
Người trí làm lợi ích
Thường ban cho an vui
Được lợi chẳng tự cao
Bị khi chẳng sanh giận
Chẳng bị tám gió động
Thì chẳng sanh yêu ghét
Với mình và với người
Chẳng nghĩ tưởng ghét yêu
Đều bỏ lìa ý tưởng
không luyến trước cảnh giới
Thường tự xem thân mình
Chẳng luyến tiếc thân mạng
Người trí nơi khổ vui
Bất động như hư không
Khéo quan sát phiền não
Lìa cả ngã ngã sở
Gìn lòng hằng như đất
Thì chẳng sanh yêu ghét.
Lại này Đồng Nữ! Vì Bồ Tát thành tựu tám pháp nên ở trong sanh tử không có mỏi mệt:
Một là vì thiện căn quảng đại.
Hai là vì quan sát chúng sanh.
Ba là vì thường được thấy Phật sắm đồ cúng dường.
Bốn là vì được thấy vô lượng Phật Độ.
Năm là vì thường cầu Phật trí.
Sáu là vì biết rõ sanh tử như mộng.
Bảy là vì đối với pháp thù thắng không khiếp nhược.
Tám là quan sát tiền tế và hậu tế đồng như thiệt tế.
Đức Thế Tôn lại nói kệ rằng:
Nếu những người hành đạo
Tu lành không vết nhơ
Như không nguyệt thanh tịnh
Độ thoát khổ chúng sanh
Vì nhiếp các công đức
Ở sanh tử không mệt
Quan sát tánh chúng sanh
Bền vững tu tinh tiến
Nơi vô lượng Phật Độ
Cung kính cúng dường Phật
Thế nên bậc thập lực
Ở sanh tử chẳng mỏi
Vô lượng vô biên đời
Thuyết bất tư nghì pháp
Chẳng dứt giống Tam Bảo
Sẽ thành giống Pháp Vương
Người kiên trì cấm giới
Ở sanh tử chẳng mệt
Biết rõ tánh sanh tử
Như mộng như mây chớp
Nơi pháp được giải thoát
Ở sanh tử chẳng mỏi
An trụ nơi bồ đề
Lòng mừng luôn vui vẻ
Đến nơi bờ phương tiện
Ở sanh tử không mệt
Thường tu pháp thù thắng
Như không nguyệt thêm tròn
Ưa thích Phật công đức
Ở sanh tử chẳng mỏi
Sanh tử không biên tế
Thường an trụ thiệt tế
Một niệm huệ tương ưng
Ở sanh tử không mệt.
Lại này Đồng Nữ! Vì Bồ Tát thành tựu tám pháp nên tâm giới bình đẳng:
Một là tâm như địa.
Hai là tâm như thủy.
Ba là tâm như hỏa.
Bốn là tâm như phong.
Năm là tâm như hư không.
Sáu là tâm đồng pháp giới.
Bảy là tâm đồng giải thoát.
Tám là tâm đồng Niết Bàn.
Đây gọi là tám thứ tâm giới bình đẳng.
Đức Thế Tôn lại nói kệ rằng:
Tâm bình đẳng như đất
Gánh chở tất cả loài
Với thiện và với ác
Không có chỗ tăng giảm
Tâm bình đẳng như thủy
Rửa sạch các cấu dơ
Dưỡng dục các thế gian
Trừ khô khát phiền não
Tâm bình đẳng như hỏa
Đốt cháy tiêu phiền não
Ánh sáng như đuốc lớn
Không chỗ nào chẳng sáng
Tâm bình đẳng như phong
Không xứ sở không nương
Thổi bay hương giới văn
Khắp đến khứ lai kim
Tâm bình đẳng hư không
Lìa kiến chấp thanh tịnh
Khắp nhập vào tất cả
Mà chẳng theo chúng ma
Tâm bình đẳng pháp giới
Khéo được thường an trụ
Chẳng tăng cũng chẳng giảm
Thường nhập vào bình đẳng
Thanh Văn và Duyên Giác
Chỗ chứng được giải thoát
Không còn có trói buộc
Cũng không có cởi trói
Sanh tử và Niết Bàn
Không lai cũng không khứ
An trụ nơi tịch tĩnh
Đi khắp trong Tam Thế.
***
Phật Thuyết Kinh đại Bát Nhã Ba La Mật đa - Hội Thứ Năm - Phẩm Mười Bảy - Phẩm Tham Hành - Phần Hai
Phật Thuyết Kinh đại Bát Nhã Ba La Mật đa - Hội Thứ Ba - Phẩm Ba Mươi Mốt - Phẩm Tuyên Hóa - Phần Ba
Phật Thuyết Kinh chánh Pháp Hoa - Phẩm Hai Mươi Năm - Tịnh Phục Tịnh Vương
Phật Thuyết Kinh đại Bảo Tích - Pháp Hội Thứ Hai Mươi Hai - Pháp Hội đại Thần Biến - Phần Hai
Phật Thuyết Kinh Cựu Tạp Thí Dụ - Phần Ba Mươi Năm
Phật Thuyết Kinh Tạp A Hàm - Kinh Bốn Quả - Phần Hai
Phật Thuyết Kinh Như Lai Giáo Thắng Quân Vương