Phật Thuyết Kinh đại Bảo Tích - Pháp Hội Thứ Bốn Mươi Ba - Pháp Hội Phổ Minh Bồ Tát - Phần Hai
Hán dịch: Ngài Tam Tạng Pháp Sư Nan Liên Đề Gia Xá, Đời Cao Tế
PHẬT THUYẾT
KINH ĐẠI BẢO TÍCH
Hán dịch: Ngài Tam Tạng Pháp Sư
Nan Liên Đề Gia Xá, Đời Cao Tế
PHÁP HỘI THỨ BỐN MƯƠI BA
PHÁP HỘI PHỔ MINH BỒ TÁT
PHẦN HAI
Lại này Đại Ca Diếp! Chư Bồ Tát phải thường cầu lợi ích cho chúng sanh và chánh tu tập, tất cả thiện căn phước đức đã có đều bình đẳng ban cho tất cả chúng sanh, trí dược đã có mang đến khắp mười phương chữa trị cho chúng sanh khiến đều cứu cánh.
Những gì gọi là trí dược cứu cánh?
Đó là dùng bất tịnh quán trị tham dâm, dùng từ bi quán trị sân khuể, dùng nhân duyên quán trị ngu si, dùng không quán trị các kiến chấp, dùng vô tướng quán trị các ức tưởng phân biệt duyên niệm, dùng vô nguyện xuất ly Tam Giới, dùng tứ phi đảo trị tất cả đảo.
Dùng nghĩa các pháp hữu vi đều vô thường để trị quan niệm điên đảo chấp thường trong vô thường, dùng nghĩa hữu vi đều khổ để trị quan niệm điên đảo chấp vui trong các khổ, dùng nghĩa vô ngã để trị quan niệm điên đảo chấp ngã trong vô ngã, dùng Niết Bàn tịch diệt để trị quan niệm điên đảo chấp tịnh trong bất tịnh. Dùng tứ niệm xứ để trị những chấp kiến dựa nương thân thọ tâm pháp.
Hành giả quán thân, thuận theo thân tướng mà quán chẳng sa vào ngã kiến, thuận theo thọ tướng mà quán chẳng sa và ngã kiến, thuận theo tâm tướng mà quán chẳng sa vào ngã kiến, thuận theo pháp tướng mà quán chẳng sa vào ngã kiến. Tứ niệm xứ ấy hay chán tất cả thân thọ tâm pháp mà mở cửa Niết Bàn.
Dùng Tứ Chánh Cần hay dứt các pháp bất thiện đã sanh và ngăn các pháp bất thiện chưa sanh, hay khiến các thiện pháp chưa sanh thì xuất sanh và các pháp thiện đã sanh thì hay khiến tăng trưởng. Tóm lại, hay dứt tất cả pháp bất thiện và thành tựu các thiện pháp.
Dùng Tứ Như Ý Túc hay trị tất cả thân tâm trầm trọng khiến được như ý thần thông.
Dùng Ngũ Căn trị các chúng sanh bất tín giải đãi thất niệm loạn tâm không trí huệ.
Dùng Ngũ Lực chướng ngăn sức lực của các phiền não.
Dùng Thất giác phần trị sự ngu si nghi hối sai lầm ở trong các pháp.
Dùng Bát Chánh Đạo trị tất cả chúng sanh sa vào tà đạo.
Đây là cứu cánh trí dược của Bồ Tát mà Chư Bồ Tát phải thường siêng tu tập vậy.
Lại này Đại Ca Diếp! Trong hàng Y Sư nơi Diêm Phù Đề, Kỳ Vức Y Vương là tối đệ nhất. Giả sử tất cả chúng sanh trong tam thiên đại thiên Thế Giới đều như Kỳ Vức, nếu có người hỏi thuốc trị bệnh kiết sử phiền não tà kiến nghi hối trong tâm thì họ còng chẳng đáp được huống là chữa trị được.
Bồ Tát ở trong đây phải quan niệm rằng: Tôi chẳng nên lấy thế dược làm đầy đủ mà phải cầu học tu tập thuốc trí xuất thế, cũng tu tất cả thiện căn phước đức. Bồ Tát như vậy được trí dược rồi đến khắp mười phương cứu cánh chữa lành cho tất cả chúng sanh.
Những gì gọi là Bồ Tát trí dược?
Đó là biết các pháp không có ngã nhân chúng sanh thọ mạng tri kiến, không có tác không có thọ, tin hiểu thông đạt không có ngã sở. Ở trong pháp không vô sở đắc ấy không có kinh sợ siêng năng tinh tiến mà suy tìm tâm tướng.
Bồ Tát suy tìm tâm như vậy: Gì là tâm?
Là tham dục hay sân khuể ngu si ư?
Là quá khứ vị lai hiện tại ư! Nếu là tâm quá khứ thì đã dứt mất hết rồi, nếu là tâm vị lai thì chưa sanh chưa đến, nếu là tâm hiện tại thì không có an trụ. Tâm này chẳng phải tội ngoại trung gian. Tâm này không có sắc không có hình không có đối không có thức không có tri không có an trụ không có xứ sở. Tâm ấy như vậy, tam thế thập phương Chư Phật đều chẳng có đã thấy đang thấy sẽ thấy.
Nếu tất cả Chư Phật quá khứ vị lai hiện tại mà chẳng thấy được tâm ấy thì nó làm sao có được?
Chỉ do nơi điên đảo tưởng nên tâm sanh các pháp nhiều thứ sai biệt. Tâm này như ảo huyễn do ức tường phân biệt mà khởi các thứ nghiệp và thọ các thứ thân.
Lại này Đại Ca Diếp! Tâm đi như gió vì chẳng nắm bắt được, tâm như nước chảy vì sanh diệt chẳng ngừng, tâm như ngọn đèn vì các duyên mà có, tâm như ánh chớp vì niệm niệm diệt dứt, tâm như hư không vì khách trần ô nhiễm, tâm như khỉ vượn vì tham lục dục, tâm như họa sư vì hay khởi các nghiệp nhân.
Tâm chẳng nhất định vì theo dõi các thứ phiền não, tâm như Đại Vương vì là chủ tăng thượng các pháp, tâm thường độc hành không hai không bạn vì không có hai tâm đồng thời, tâm như voi cuồng đạp ngả các nhà đất vì hay phá hoại tất cả các thiện căn.
Tâm như nuốt lưỡi câu vì trong khổ mà tưởng là vui, tâm này như mộng vì trong vô ngã mà sanh ngã tưởng, tâm như lằn xanh vì trong bất tịnh mà sanh tịnh tưởng, tâm như ác quỉ vì tìm dịp hại người, tâm thường cao hạ vì tham và sân làm hư hại.
Tâm như trộm cướp vì cướp mất tất cả thiện căn, tâm thường tham sắc như bướm đáp lửa, tâm thường tham thanh như quân đi lâu thích tiếng trống trận, tâm thường tham hương như heo thích nằm trong chỗ bất tịnh, tâm thường tham vị như cô gái nhỏ ham ưua ăn ngon, tâm thường tham xúc như ruồi ưa dầu.
Như vậy, này Đại Ca Diếp! Suy tìm tâm tướng ấy trọn bất khả đắc.
Nếu bất khả đắc thì chẳng phải quá khứ vị lai hiện tại.
Nếu chẳng phải quá vị hiện tại thì ra ngoài tam thế.
Nếu ngoài tam thế thì phi hữu phi vô.
Nếu phi hữu phi vô thì bất khởi.
Nếu bất khởi thì vô tánh.
Nếu vô tánh thì vô sanh.
Nếu vô sanh thì vô diệt.
Nếu vô diệt thì vô sở ly.
Nếu vô sở ly thì vô lai vô khứ vô thối vô sanh.
Nếu vô lai khứ thối sanh thì không có hành nghiệp.
Nếu không có hành nghiệp thì vô vi.
Nếu là vô vi thì là căn bổn của tất cả Chư Thánh, trong ấy không có trì giới phá giới.
Nếu không trì phá thì vô hành cũng vô phi hành.
Nếu không có hành không có phi hành thì không có tâm không có tâm số pháp.
Nếu không có tâm tâm sở thì không có nghiệp không có nghiệp báo.
Nếu không có nghiệp không có nghiệp báo thì không có khổ lạc.
Nếu không khổ lạc là Thánh tánh, trong ấy không có nghiệp không có người khởi nghiệp, không có thân nghiệp khẩu nghiệp và ý nghiệp, trong ấy không có thượng trung hạ sai biệt, vì thánh tánh bình đẳng như hư không vậy.
Tánh ấy không sai biệt vì các pháp bình đẳng nhất vị.
Tánh ấy viễn ly vì lìa tướng thân tướng tâm.
Tánh ấy lìa tất cả pháp vì tùy thuận Niết Bàn tịch diệt vậy.
Tánh ấy thanh tịnh vì lìa các phiền não cấu uế vậy.
Tánh ấy vô ngã vì lìa ngã ngã sở vậy.
Tánh ấy không cao hạ vì từ bình đẳng sanh vậy.
Tánh ấy là Chân Đế vì là đệ nhất nghĩa đế vậy.
Tánh ấy vô tận vì cứu cánh bất sanh vậy.
Tánh ấy thường trụ vì các pháp thường như vậy.
Tánh ấy an lạc vì Niết Bàn là đệ nhất vậy.
Tánh ấy thanh tịnh vì lìa tất cả tướng vậy.
Tánh ấy vô ngã bất khả đắc vậy.
Tánh ấy chân tịnh vì từ bổn lai cứu cánh tịnh vậy.
Lại này Đại Ca Diếp! Các ông nên tự quán bên trong chớ duyên theo bên ngoài.
Như vậy, này Đại Ca Diếp! Các Tỳ Kheo đời sau như chó đuổi theo khối đất.
Thế nào là Tỳ Kheo như chó đuổi theo khối đất?
Ví như có người lấy khối đất ném chó, nó liền bỏ người mà đuổi theo khối đất. Cũng vậy, có các Sa Môn Bà La Môn sợ tục lụy mà ưa sắc thanh hương vị xúc, họ đến ở chỗ không nhàn không bè bạn rời chúng ồn náo, thân họ rời ngũ dục mà lòng họ chẳng bỏ.
Có lúc hoặc họ nhớ sắc thanh hương vị xúc tốt rồi sanh lòng tham muốn mà chẳng quán bên trong, họ chẳng biết thế nào là rời sắc thanh hương vị xúc.
Vì chẳng biết nên có lúc họ đi vào tụ lạc thành ấp ử trong nhân chúng, rồi họ lại bị sắc, thanh, hương, vị, xúc tốt trói chặt. Do họ trì tục giới nên sau khi chết được sanh cõi trời rồi lại bị ngũ dục lạc trói chặt.
Sau thân trời họ chẳng khỏi được bốn ác đạo: Địa ngục, ngạ quỉ, súc sanh và A tu la. Đây gọi là Tỳ Kheo như chó đuổi theo khối đất.
Thế nào là Tỳ Kheo chẳng như chó đuổi theo khối đất?
Nếu có Tỳ Kheo bị người mắng chẳng mắng lại, bị người đánh chẳng đánh lại, bị người giận hại chẳng giận hại lại, chỉ tự quán bên trong cầu điều phục tâm mình mà suy nghĩ như vậy: Kẻ mắng kẻ đánh kẻ hại là ai?
Người thọ chịu là ai?
Đây gọi là Tỳ Kheo chẳng như chó đuổi theo khối đất. Ví như người chăn ngựa giỏi, tùy con ngựa ngang chứng thế nào đều có thể điều phục. Cũng vậy, hành giả giỏi tùy tâm mình hướng nơi đâu liền có thể thâu nhiếp, chẳn cho nó phóng dật.
Ví như bệnh nghẹt yết hầu liền có thể chết. Cũng vậy trong tất cả kiến chấp, duy có ngã kiến có thể tức thì đoạn mạng trí huệ.
Ví như có người bị trói, họ tùy chỗ bị trói mà cầu được mở. Cũng vậy, tùy tâm tham chấp chỗ nào, hành giả phải cầu tháo mở.
Này Đại Ca Diếp! Người xuất gia có hai tâm bất tịnh: Một là đọc tụng các Kinh Sách ngoại đạo như Lộ Già Gia v.v... hai là chứa nhiều y bát tốt.
Người xuất gia còn có hai sự cột chặt: Một là kiến phược và hai là lợi dưỡng phược.
Người xuất gia còn có hai pháp chướng: Một là thân cận bạch y, hai là ghét bỏ người thiện.
Người xuất gia còn có hai thứ cấu uế: Một là chịu đựng phiền não, hai là tham các Đàn Việt.
Người xuất gia còn có hai thứ mưa đá phá nát thiện căn: Một là trái chê chánh pháp, hai là phá giới mà thọ của tín thí.
Người xuất gia còn có hai nhọt ghẻ: Một là tìm thấy lỗi người, hai là tự che lỗi mình.
Người xuất gia còn có hai pháp thiêu đốt: Một là tâm cấu uế mà thọ mặc pháp y, hai là thọ sự cúng dường của người lành trì giới.
Người xuất gia còn có hai thứ bệnh: Một là ôm lòng tăng thượng mạn mà tâm chẳng phục, hai là phá hoại người phát tâm đại thừa.
Lại này Đại Ca Diếp! Hàng Sa Môn có bốn hạng: Một là hình phục Sa Môn, hai là oai nghi khi dối Sa Môn, ba là tham cầu danh văn Sa Môn, bốn là thiệt hành Sa Môn.
Có hạnh Sa Môn hình dạng và y phục đầy đủ: Cạo bỏ râu tóc đắp Tăng Già Lê cầm bát mà thành tựu thân nghiệp bất tịnh, khẩu nghiệp bất tịnh, ý nghiệp bất tịnh, chẳng khéo giữ mình tham xan tật đố giải đãiphá giới làm ác, đây gọi là hình phục Sa Môn vậy.
Có hạng Sa Môn đầy đủ bốn oai nghi nơi thân Sa Môn đi đứng ngồi nằm nhất tâm an tường, dứt các mùi ngon tu bốn thánh chủng, xa rời chúng hội và nhà ồn náo, nói năng dịu dàng, thật hành các pháp như vậy đều là để dối trá chớ chẳng phải là vì đạo thiện tịnh.
Nơi pháp không họ có chỗ thấy được, với pháp vô sở đắc họ sanh lòng e sợ như sợ rơi xuống hố sâu, với Tỳ Kheo luận đàm pháp không họ quan niệm như oán tặc, đây gọi là oai nghi khi cuống Sa Môn vậy.
Có hạng Sa Môn do nhân duyên hiện tại thật hành trì giới mà muốn khiến người biết, tự lực đọc tụng muốn khiến người biết mình đa văn, tự lực ở một mình nơi nhàn tĩnh muốn khiến người biết mình là a lan nhã, thiểu dục tri túc hành viễn ly hạnh chỉ vì muốn người biết chớ chẳng vì chán lìa, chẳng vì đạo thiện tịch chẳng vì đắc đạo chẳng vì bốn quả Sa Môn chẳng vì Niết Bàn, đây gọi là tham cầu danh văn Sa Môn vậy.
Có hạng Sa Môn chẳng tham thân mạng huống là lựi dưỡng, nghe các pháp không vô tướng và vô nguyện thì tâm thông đạt tùy thuận thật hành đúng như lừi, họ chẳng vì Niết Bàn mà tu phạm hạnh huống là tam giới, họ còn chẳng ưa khởi khiến chấp không vô ngã huống là kiến chấp ngã nhân chúng sanh thọ giả, họ lìa pháp y chỉ mà cầu giải thoát phiền não.
Họ thấy tất cả pháp bổn lai vô cấu cứu cánh thanh tịnh mà tự y chỉ, cũng chẳng y chỉ nơi người, do chánh pháp thân còn chẳng thấy Phật huống là hình sắc khác, do không viễn ly nên còn chẳng thấy pháp huống là tham trước âm thanh ngôn thuyết.
Do pháp vô vi nên còn chẳng thấy Tăng huống là thấy có hòa hiệp chúng, mà nơi các pháp không chỗ đoạn trừ không chỗ tu hành, chẳng an trụ sanh tử chẳng tham trước Niết Bàn, biết tất cả pháp bổn lai tịch diệt, chẳng thấy hệ phược chẳng cầu giải thoát, đây gọi là thiệt hành Sa Môn vậy.
Như vậy, này Đại Ca Diếp! Các ông nên tập làm thiệt hành Sa Môn, chớ bị danh tự nó làm hư hoại.
Này Đại Ca Diếp! Ví như người nghèo cùng hèn hạ giả danh giàu sang, ý ông thế nào, có xứng với danh chăng?
Bạch Đức Thế Tôn! Không.
Cũng vậy, này Đại Ca Diếp! Người chỉ có danh tự Sa Môn Bà La Môn mà không có công Đức Hạnh chân thiệt của Sa Môn Bà La Môn thì cũng như kẻ nghèo hèn kia mang danh giàu sang giả.
Ví như có người trôi chìm giữa dòng sông lớn đói khát mà chết. Cũng vậy, có các Sa Môn đọc tụng nhiều Kinh Điển mà chẳng thể ngăn được sự thiếu khát tham sân si nên trôi chìm trong pháp thủy mà chết vì phiền não.
Ví như dược sư tay cầm túi thuốc đi mà tự thân bệnh lại chẳng trị được. Cũng vậy người đa văn có phiền não, dầu có đa văn mà chẳng ngăn phiền não thì chẳng được tự lợi ích.
Ví như có người uống thuốc quí của Nhà Vua mà chẳng thích hớp nên bị thuốc làm hại. Cũng vậy, người đa văn có bệnh phiền não được thuốc pháp tốt mà chẳng thể tu tập thì tự hại thiện căn.
Ví như Ma Ni bảo châu rơi vào chỗ bất tịnh thì không thể đeo vào mình. Cũng vậy, người đa văn tham trước lựi dưỡng thì chẳng còn lợi ích được cho Trời Người.
Ví như thây người chết đeo chuỗi vàng, Tỳ Kheo đa văn phá giới đắp pháp y thọ người cúng dường cũng như vậy.
Ví như trưởng giả tử cắt móng tắm gội sạch thoa xích chiên đàn mặc y phục trắng mới đội vòng hoa trong ngoài tương xứng. Tỳ Kheo đa văn trì giới mặc pháp y thọ người cúng dường cũng như vậy.
Lại này Đại Ca Diếp! Có bốn hạng Tỳ Kheo phá giới mà tợ trì giới tốt.
Có hạng Tỳ Kheo trì giới đầy đủ, trong các tội lớn nhỏ lòng thường e sợ, giới pháp được nghe đều có thể làm theo, thân nghiệp, khẩu nghiệp và ý nghiệp đều thanh tịnh, chánh mạng thanh tịnh, mà Tỳ Kheo này lại tuyên nói hữu ngã luận. Đây là tợ trì giới tốt thứ nhất.
Có hạng Tỳ Kheo tụng trì giới luật thật hành theo lời mà thân kiến chẳng diệt. Đây là tợ trì giới tốt thứ hai.
Có hạng Tỳ Kheo trì giới đầy đủ chấp lấy tướng chúng sanh mà hành từ tâm, nghe nói tất cả pháp bổn lai vô sanh thì rất kinh sợ. Đây là trợ trì giới tốt thứ ba.
Có hạng Tỳ Kheo thật hành đủ mười hai đầu đà hạnh thấy co sở đắc. Đây là tợ trì giới tốt thứ tư.
Này Đại Ca Diếp! Người thiệt trì giới tốt thì không có ngã ngã sở, không có tác phi tác, không có sở tác, cũng không có tác giả, không hành phi hành, không sắc không danh, không có tướng phi tướng, không có diệt phi diệt, không có thủ xả, không có khả thủ khả khí.
Không có chúng sanh cũng không có danh tự chúng sanh, không có tâm không có danh tự tâm, không có thế gian phi thế gian, không có y chỉ phi y chỉ, không lấy giới đức để tự cao cũng chẳng chê giới người, cũng chẳng ức tưởng phân biệt giới ấy.
Đây gọi là giới hạnh được Chư Thánh thọ trì, vô lậu chẳng hệ phược chẳng thọ tam giới xa rời tất cả các pháp y chỉ.
Đức Thế Tôn muốn sáng tỏ nghĩa này nên nói kệ rằng:
Người trì giới thanh tịnh
Vô cấu vô sở hữu
Trì giới không kiêu mạn
Cũng không chỗ y chỉ
Trì giới không ngu si
Cũng không có hệ phược
Trì giới không trần ô
Cũng không có trái lỗi
Trì giới lòng lành mềm
Rốt ráo thường tịch diệt
Xa rời tất cả niệm
Ức tưởng và phân biệt
Giải thoát các động niệm
Là tịnh trì giới Phật
Chẳng dùng sanh Tam Giới
Tu tập các chánh hạnh
An trụ trong chánh đạo
Đây gọi là Phật Pháp
Chân thiệt trì tịnh giới
Trì giới chẳng nhiễm thế
Cũng chẳng nương thế pháp
Thành tựu sáng trí huệ
Không tối không sở hữu
Không tưởng ngã tưởng bỉ
Đã thấy biết các tướng
Đây gọi là Phật Pháp
Chân thiệt trì tịnh giới
Không thử ngạn bỉ ngạn
Cũng không có trung gian
Nơi không thử bỉ trung
Cũng không có sở trước
Không hệ phược không lậu
Cũng không có khi dối
Đây gọi là Phật Pháp
Chân thiệt trì tịnh giới
Tâm chẳng trước danh sắc
Chẳng chấp ngã ngã sở
Đây gọi là an trụ
Chân thiệt trì tịnh giới
Dầu hành trì tịnh giới
Mà lòng chẳng tự cao
Cũng chẳng cho là hơn
Gặp giới cầu Thánh đạo
Đây gọi là chân thiệt
Thanh tịnh tì giới tướng
Chẳng cho giới tối thượng
Cũng chẳng quý tam muội
Quá hai sự này rồi
Tu tập chánh trí huệ
Không tịch vô sở hữu
Tánh thể của Hiền Thánh
Trì tịnh giới như vậy
Được Chư Phật ngợi khen
Tâm giải thoát thân kiến
Trừ diệt ngã ngã sở
Tin hiểu nơi Chư Phật
Sở hành pháp không tịch
Trì thánh giới như vậy
Thì không gì sánh bằng
Y giới được tam muội
Do định tu trí huệ
Nhân nơi tu trí huệ
Bèn được thanh tịnh trí
Người đã được tịnh trí
Thì đủ giới thanh tịnh.
Đức Phật nói kệ xong, có năm trăm Tỳ Kheo chẳng thọ các pháp tâm được giải thoát ba vạn hai ngàn người xa trần lìa cấu được pháp nhãn tịnh. Có năm trăm Tỳ Kheo nghe thâm pháp này lòng họ chẳng thông đạt chẳng tin hiểu, họ rời chỗ bỏ đi.
Trưởng Lão Đại Ca Diếp bạch rằng: Bạch Đức Thế Tôn! Năm trăm Tỳ Kheo ấy đều đã được thiền định mà vì chẳng thể tin hiểu nhập vào pháp thậm thâm nên họ đứng dậy bỏ đi.
Đức Phật nói: Này Đại Ca Diếp! Các Tỳ Kheo ấy đều là hạng tăng thượng mạn, họ nghe giới tướng thanh tịnh vô lậu này chẳng tin hiểu được chẳng thông đạt được Kệ của Đức Phật nói ý nghĩa thậm thâm, tại sao?
Vì Chư Phật Bồ Đề rất thậm thâm vậy. Nếu là người trồng thiện căn chẳng dày bị ác tri thức nắm giữ sức tin hiểu ít thì khó tín thọ được.
Này Đại Ca Diếp! Thuở Phật Ca Diếp quá khứ, năm trăm Tỳ Kheo ấy làm đệ tử ngoại đạo, họ đến chỗ Phật Ca Diếp muốn tìm hay dở.
Họ nghe Phật Thuyết Pháp được chút ít lòng tin mà suy nghĩ rằng: Đức Phật đây hy hữu lời nói lành tốt vi diệu. Do tâm lành ấy nên sau khi chết họ được sanh Trời Đao Lợi. Mãn thọ Trời Đao Lợi, họ sanh làm người Diêm Phù Đề được xuất gia trong pháp của ta.
Các Tỳ Kheo ấy chấp sâu các kiến chấp, họ nghe nói pháp thậm thâm chẳng tin hiểu được chẳng tùy thuận thông đạt được. Các Tỳ Kheo ấy dầu chẳng thông đạt nhưng do nhân duyên nghe pháp thậm thâm này họ được lợi ích lớn chẳng sanh ác đạo. Họ sẽ ở thân hiện tại được nhập Niết Bàn.
Đức Phật bảo Trưởng Lão Tu Bồ Đề: Ông qua nơi kia đem các Tỳ Kheo ấy đến đây.
Trưởng Lão Tu Bồ Đề bạch rằng: Bạch Đức Thế Tôn! Họ còn chẳng tin được lời Phật dạy, huống là Tu Bồ Đề này. Đức Phật liền hóa làm hai Tỳ Kheo đi trên đường mà năm trăm Tỳ Kheo ấy đang hướng đến.
Chư Tỳ Kheo ấy gặp Hóa Tỳ Kheo liền hỏi: Hai Đại Đức muốn đi về đâu?
Hóa Tỳ Kheo đáp: Chúng tôi muốn đến chỗ ở riêng để tu Thiền định lạc.
Tại sao?
Vì chẳng tin hiểu được pháp của Phật nói.
Các Tỳ Kheo nói: Này hai Đại Đức! Chúng tôi nghe Phật thuyết pháp cũng chẳng tin hiểu được nên muốn đi ở riêng tu hạnh thiền định.
Hóa Tỳ Kheo nói: Chúng ta phải rời lìa lòng tự cao nghịch tranh chấp, phải cầu tin hiểu nghĩa của Phật nói.
Tại sao?
Vì không cao không tranh chấp là pháp Tỳ Kheo vậy.
Niết Bàn được nói gọi là diệt ấy là diệt những gì?
Trong thân này có ngã để diệt chăng?
Có nhân, có tác giả, có thọ giả, có mạng giả để diệt chăng?
Chư Tỳ Kheo đáp: Trong thân này không có ngã, nhân tác giả, thọ giả, mạng giả để diệt, chỉ vì tham dục sân khuể ngu si diệt mà gọi là Niết Bàn.
Hóa Tỳ Kheo nói: Tham sân si của các Ngài có tướng nhất định diệt hết được chăng?
Chư Tỳ Kheo đáp: Tham sân si chẳng ở tại nội chẳng ở tại ngoại chẳng ở tại trung gian, lìa các ức tưởng thì nó chẳng sanh.
Hóa Tỳ Kheo nói: Vì thế nên các Ngài chớ có ức tưởng. Nếu các Ngài chẳng khởi ức tưởng phân biệ nơi pháp, thời ở nơi các pháp không nhiễm không lìa. Không nhiễm không lìa thì gọi là tịch diệt.
Giới phẩm được có cũng chẳng vãng lai cũng chẳng diệt tận. Định phẩm huệ phẩm giải thoát phẩm giải thoát tri kiến phẩm cũng chẳng vãng lai cũng chẳng diệt tận. Do pháp như vậy nên gọi là Niết Bàn.
Pháp ấy đều không đều viễn ly cũng chẳng thủ lấy được. Các Ngài xả ly tưởng niệm Niết Bàn ấy, chớ theo tưởng chớ theo Phi Tưởng, chớ dùng tưởng để xả bỏ tưởng, chớ dùng tưởng để quán nơi tưởng. Dùng tưởng xả bỏ tưởng thì bị tưởng hệ phược.
Các Ngài chẳng nên phân biệt tất cả thọ tưởng diệt định, vì tất cả các pháp vô phân biệt vậy. Nếu có Tỳ Kheo diệt dứt các thọ tưởng mà được diệt định thì là mãn túc không còn có trên.
Lúc Hóa Tỳ Kheo nói pháp ấy, năm trăm Tỳ Kheo chẳng thọ các pháp tâm được giải thoát, họ trở lại chỗ Đức Phật đầu mặt lạy chân Phật rồi đứng qua một bên.
Trưởng Lão Tu Bồ Đề hỏi các Tỳ Kheo: Các Ngài đi đến chỗ nào, nay từ đâu lại?
Các Tỳ Kheo đáp: Như Đức Phật thuyết pháp, không từ đâu lại, đi không đến đâu.
Hỏi: Ai là thầy các Ngài?
Đáp: Thầy chúng tôi từ trước chẳng sanh cũng không có diết.
Hỏi: Các Ngài từ đâu nghe pháp?
Đáp: Không có ngũ ấm, thập nhị nhập, thập bát giới từ đó nghe pháp.
Hỏi: Nghe pháp thế nào?
Đáp: Chẳng vì hệ phược chẳng vì giải thoát.
Hỏi: Các Ngài tu tập pháp gì?
Đáp: Chẳng vì được chẳng vì dứt.
Hỏi: Ai điều phục các Ngài?
Đáp: Thân không định tướng, tâm không sở hành, là điều phục tôi.
Hỏi: Làm sao tâm được giải thóat?
Đáp: Vì không dứt vô minh không sanh vô minh vậy.
Hỏi: Các Ngài là đệ tử ai?
Đáp: Người vô đắc vô tri kia.
Hỏi: Các Ngài chừng nào sẽ nhập Niết Bàn?
Đáp: Như hóa nhân của Đức Như Lai nhập Niết Bàn chúng tôi sẽ nhập.
Hỏi: Các Ngài đã được kỷ lợi chăng?
Đáp: Vì tự lợi bất khả đắc vậy.
Hỏi: Các Ngài chỗ làm đã xong chăng?
Đáp: Vì chỗ làm bất khả đắc vậy.
Hỏi: Các Ngài tu phạm hạnh chăng?
Đáp: Nơi tam giới chẳng hành cũng chẳng phải chẳng hành là phạm hạnh của chúng tôi vậy.
Hỏi: Các Ngài phiền não đã hết chăng?
Đáp: Tất cả các pháp cứu cánh không có tướng hết vậy.
Hỏi: Các Ngài đã phá ma chăng?
Đáp: Ấm ma bất khả đắc vậy.
Hỏi: Các Ngài phụng sự Đức Như Lai chăng?
Đáp: Chẳng do thân tâm vậy.
Hỏi: Các Ngài an trụ phước điền chăng?
Đáp: Không có an trụ vậy.
Hỏi: Các Ngài đã đoạn sanh tử qua lại chăng?
Đáp: Không có thường không có đoạn vậy.
Hỏi: Các Ngài tùy pháp hành chăng?
Đáp: Vô ngại giải thoát vậy.
Hỏi: Các Ngài cứu cánh sẽ đến chỗ nào?
Đáp: Tùy nơi chỗ đến của hóa nhân của Đức Như Lai. Lúc Trưởng Lão Tu Bồ Đề cùng các Tỳ Kheo hỏi đáp, trong đại chúng có năm trăm Tỳ Kheo chẳng thọ các pháp tâm được giải thoát. Ba vạn hai ngàn người xa trần lìa cấu được pháp nhãn tịnh.
Bấy giờ Phổ Minh Bồ Tát bạch Phật rằng: Bạch Đức Thế Tôn! Muốn học Kinh Bảo Tích này, Bồ Tát nên trụ thế nào nên học thế nào?
Đức Phật dạy: Bồ Tát học lời được nói trong Kinh này đều không có tướng nhất định, chẳng thủ lấy được cũng chẳng nên trước, tùy theo đây thật hành có lợi ích lớn.
Này Phổ Minh! Ví như có người ngồi thuyền bằng đất chưa hầm chín để qua Sông Hằng, họ dùng sức tinh tiến nào để ngồi thuyền ấy mà qua sông được?
Phổ Minh Bồ Tát bạch rằng: Bạch Đức Thế Tôn! Người ấy phải dùng sức đại tinh tiến mới qua sông được.
Tại sao?
Vì sợ giữa dòng thuyền rã.
Đức Phật dạy: Này Phổ Minh! Cũng vậy, Bồ Tát muốn tu Phật Pháp nên siêng tinh tiến còn hơn nữa.
Tại sao?
Vì thân này vô thường không quyết định, nó là tướng bại hoại chẳng dừng được lâu trọn về nơi dứt diệt, vì sợ chưa được pháp lợi mà giữa chừng hư hoại vậy.
Ta ở dòng nước lớn muốn độ chúng sanh dứt bốn dòng nước vậy, nên tu tập pháp thuyền rồi ngồi pháp thuyền ấy qua lại sanh tử độ thoát chúng sanh.
Thế nào là pháp thuyền được Bồ Tát tu tập?
Đó là tâm bình đẳng. Tất cả chúng sanh làm nhân duyên của thuyền, tu tập vô lượng phước để làm dây chắc, giới thanh tịnh làm ván, bố thí và quả để làm trang nghiêm, tịnh tâm Phật Đạo làm chất gỗ, tất cả phước đức để làm hoàn đủ, nhẫn nhục làm dây kiên cố mềm dài, chánh niệm là định.
Các Bồ Đề phần kiên cường tinh tiến tối thượng diệu thiện sản xuất trong rừng pháp, bất khả tư nghị vô lượng thiền định phước đức nghiệp thành, thiện tịch điều tâm để làm thợ giỏi, cứu cánh bất hoại được đại bi nhiếp lấy, dùng tứ nhiếp pháp rộng độ đến xa, dùng sức trí huệ phòng ngừa các oán tặc, sức thiện phương tiện nhiều thứ tập họp, dùng bốn phạm hạnh lớn để trang nghiêm.
Dùng tứ niệm xứ làm lầu vàng, dùng tứ cần tứ túc làm gió mạnh, ngũ căn khéo quan sát rời lìa hiểm trở, ngũ lực càng nhẹ nổi, thất giác thường giác ngộ hay phá giặc ma, vào đường bát chánh chân tùy ý đến bờ rìa mé ngoại đạo, chỉ làm điều ngự, quán làm lợi ích, chẳng dính mắc hai bên, có pháp nhân duyên để làm an ổn.
Đại Thừa rộng rãi biện tài vô tận tiếng tăm vang xa, hay tế độ thập phương tất cả chúng sanh mà tự xướng lên rằng: Đến đay lên pháp thuyền theo đường an ổn đến bờ Niết Bàn khỏi bến thân kiến mà đến bến Phật đạo rời tất cả kiến chấp.
Này Phổ Minh! Vì thế mà Bồ Tát phải tu tập pháp thuyền như vậy. Dùng pháp thuyền ấy trải vô lượng trăm ngàn vạn A tăng kỳ kiếp ở trong sanh tử độ thoát tất cả chúng sanh troi chìm trong dòng nước lớn.
Lại này Phổ Minh! Còn có pháp hành hay làm cho Bồ Tát mau được thành Phật. Đó là các việc được làm đều chân thiệt chẳng hư, tu tập thiện pháp sâu dày, thâm tâm thanh tịnh, chẳng bỏ tinh tiến, ưa muốn gần sáng suốt để tu tập tất cả các thiện căn, thường chánh ức niệm vì thích pháp lành, đa văn không chán vì đủ trí huệ, phá hoại kiêu mạn để tăng ích trí huệ.
Trừ diệt hý luận để đủ phước đức, thích an ở một mình vì thân tâm rời lìa, chẳng ở ồn náo vì xa kẻ ác, sâu cầu chánh pháp vì y đệ nhất nghĩa, cầu đại trí huệ vì thông đạt thiệt tướng, cầu nơi Chân Đế vì được bất hoại pháp, cầu nơi pháp không vì sở hành chân chánh, cầu nơi viễn ly vì được tịch diệt vậy.
Này Phổ Minh! Đây là pháp hành hay làm cho Bồ Tát mau thành Phật Đạo.
Đức Phật nói Kinh này rồi, Phổ Minh Bồ Tát, Trưởng Lão Đại Ca Diếp, Trưởng Lão Tu Bồ Đề v.v... tất cả Thế Gian Trời, Người, A Tu La đều rất hoan hỷ đảnh đới phụng hành.
***
Phật Thuyết Kinh đại Bát Nhã Ba La Mật đa - Hội Thứ Năm - Phẩm Mười Bảy - Phẩm Tham Hành - Phần Hai
Phật Thuyết Kinh đại Bát Nhã Ba La Mật đa - Hội Thứ Ba - Phẩm Ba Mươi Mốt - Phẩm Tuyên Hóa - Phần Ba
Phật Thuyết Kinh Pháp Vị Tằng Hữu Chánh Pháp - Phần Sáu
Phật Thuyết Kinh đại Bảo Tích - Pháp Hội Thứ Bốn Mươi Hai - Pháp Hội Di Lặc Bồ Tát Sở Vấn
Phật Thuyết Kinh Tối Thượng Căn Bản đại Lạc Kim Cang Bất Không Tam Muội đại Giáo Vương - Phần Năm
Phật Thuyết Kinh Tiểu Bộ - Tập Tám - Trưởng Lão Tăng Kệ - Chương Hai - Phẩm Hai Kệ - Phẩm Ba