Phật Thuyết Kinh đại Bảo Tích - Pháp Hội Thứ Bốn Mươi Bốn - Pháp Hội Bảo Lương Tụ - Phẩm Thứ Năm - Phẩm A Lan Nhã Tỳ Kheo

Kinh Đại thừa   •   Thứ hai, 25/12/2023, 22:18 PM

Hán dịch: Ngài Tam Tạng Pháp Sư Nan Liên Đề Gia Xá, Đời Cao Tế

PHẬT THUYẾT 

KINH ĐẠI BẢO TÍCH

Hán dịch: Ngài Tam Tạng Pháp Sư

Nan Liên Đề Gia Xá, Đời Cao Tế  

PHÁP HỘI THỨ BỐN MƯƠI BỐN

PHÁP HỘI BẢO LƯƠNG TỤ  

PHẨM THỨ NĂM

PHẨM A LAN NHÃ TỲ KHEO  

Trưởng Lão Ma Ha Ca Diếp lại bạch rằng: Bạch Đức Thế Tôn!

Ngang chỗ nào gọi là Tỳ Kheo A Lan Nhã?

Ngang chỗ nào gọi là Tỳ Kheo khất thực?

Ngang chỗ nào gọi là Tỳ Kheo chứa y phấn tảo?

Ngang chỗ nào gọi là Tỳ Kheo ngồi dưới cội cây?

Ngang chỗ nào gọi là Tỳ Kheo ở gò mả?

Ngang chỗ nào gọi là Tỳ Kheo ở gò mả?

Ngang chỗ nào gọi là Tỳ Kheo ở đất trống?

Đức Phật dạy: Này Đại Ca Diếp! Gọi là Tỳ Kheo A Lan Nhã tức phải là người ưa chỗ A Lan Nhã và ở chỗ A Lan Nhã. Chỗ A Lan Nhã là chỗ không có tiếng lớn, không có tiếng chúng ồn náo, lìa cheo, nai, cọp, sói và các chim chóc, xa trộm cướp và kẻ chăn súc vật, chỗ thuận với hạnh Sa Môn. Chỗ A Lan Nhã như vậy nên ở trong đó tu hành.

Tỳ Kheo kia lúc muốn đến chỗ A Lan Nhã phải tư duy tám pháp:

Một là tôi nên xả thân.

Hai là tôi nên xả mạng.

Ba là tôi nên xả lởi dưỡng.

Bốn là rời lìa tất cả chỗ yêu thích.

Năm là tôi ở trong núi chết sẽ như con nai chết.

Sáu là tôi ở chỗ A Lan Nhã sẽ thọ hạnh A Lan Nhã.

Bảy là tôi sẽ dùng pháp để tự sống.

Tám là tôi chẳng dùng phiền não để tự sống.

Đây là tám Pháp A Lan Nhã mà Tỳ Kheo phải tư duy, tư duy rồi sẽ đi đến chỗ A Lan Nhã.

Này Đại Ca Diếp! A Lan Nhã Tỳ Kheo đến chỗ A Lan Nhã rồi hành pháp A Lan Nhã, dùng tám pháp hành từ sanh lòng thương với tất cả chúng sanh:

Một là dùng từ tâm làm lợi ích.

Hai là dùng từ tâm an vui.

Ba là dùng từ tâm không sân hận.

Bốn là từ tâm chân chánh.

Năm là từ tâm không dị diệt.

Sáu là từ tâm thuận tùy.

Bảy là từ tâm quán tất cả các pháp và tám là từ tâm tịnh như hư không.

Tỳ Kheo dùng tám pháp hành này sanh từ tâm đối với chúng sanh.

Này Đại Ca Diếp! A Lan Nhã Tỳ Kheo đến chỗ A Lan Nhã rồi phải tư duy như vậy: Tôi dầu đến nơi xa ở một mình không bè bạn, nếu tôi làm lành hay làm chẳng lành không người dạy răn.

Rồi lại nghĩ rằng: Nơi đây có Thiên, Long, Quỷ, Thần, Chư Bồ Tát, Chư Phật Thế Tôn biết tôi chuyên tâm. Các Ngài sẽ chứng cho tôi, nay tôi ở tại đây tu Pháp A Lan Nhã tâm bất thiện của tôi chẳng được tự tại phát sanh.

Rồi lại tự suy rằng: Tôi đến chỗ rất xa không bạn bè này, không người thân cận không có sở hữu, tôi nên cảnh giác lòng tham lòng sân lòng si, các pháp bất thiện khác cũng phải cảnh giác.

Nay tôi chẳng nên chẳng khác với người thích ở chúng đông, chẳng nên chẳng khác với người ưa gần tụ lạc. Nếu chẳng khác mà xưng A Lan Nhã thì là khi dối Chư Thiên, Long, Quỷ, Thần. Chư Phật thấy tôi, chính tôi cũng chẳng vui vẻ.

Nếu tôi hành đúng pháp A Lan Nhã tất Chư Thiên, Long, Quỷ, Thần chẳng quở trách tôi. Chư Phật thấy tôi liền vui mừng.

Này Đại Ca Diếp! A Lan Nhã Tỳ Kheo ở chỗ A Lan Nhã hành pháp A Lan Nhã nhất tâm giữ chắc giới giải thoát, khéo hộ giới chúng, tịnh khẩu thân ý, không làm siểm khúc, tịnh nơi chánh mạng, tâm hướng đến các chánh định, pháp được nghe nên ghi nhớ, siêng chánh tư duy hướng đến ly dục tịnh diệt Niết Bàn, sợ các sanh tử quán ngũ ấm như oan gia.

Quán Tứ Đại như độc xà, quán lục nhập như nhà hoang, khéo phương tiện quán mười hai nhân duyên, lìa rời kiến đoạn chấp thường, quán không có ngã, nhân, chúng sanh, thọ mạng, hiểu pháp không đạt vô tướng lần bớt sở tác mà hành vô tác, lòng thường kinh sợ đi trong Tam Giới thường xuyên tu hành như cứu đầu cháy, thường tinh tiến trọn không thối chuyển, quán thân thiệt tướng, nên suy nghĩ rằng:

Quán pháp như vậy phải biết gốc khổ dứt tất cả tập nhân chứng nơi diệt tận siêng tu chánh đạo hành từ tâm an trụ tứ niệm xứ, lìa pháp bất thiện vào môn thiện pháp, an trụ tứ chánh cần nhập tứ như ý túc, hộ tứ thiện căn tự tại nơi ngũ lực, tỏ bảy Bồ Đề phần siêng hành bát Thánh đạo phần, thọ trì thiền định dùng huệ phân biệt các pháp tướng.

Này Đại Ca Diếp! Nói pháp như vậy để nghiêm sức A Lan Nhã. Tỳ Kheo nghiêm sức như vậy rồi an trụ núi rừng, đầu hôm cuối đêm siêng tu các công hạnh chớ nên ngủ nghỉ, thường nhớ muốn được pháp xuất thế.

Này Đại Ca Diếp! A Lan Nhã Tỳ Kheo khi ở chỗ nào đều thường thành đạo mà chẳng trang sức thân thể và các y phục, lượm cỏ khô trải làm chỗ ngồi, tự dùng tọa cụ của mình mà lìa vật của thường trụ Tăng và tứ phương Tăng. Ở nơi A Lan Nhã, với y phục, Tỳ Kheo tri túc vừa đủ che thân để hành Thánh đạo.

Này Đại Ca Diếp! A Lan Nhã Tỳ Kheo khi khất thực vào thành ấp tụ lạc phải suy nghĩ như vậy: Tôi từ chỗ A Lan Nhã đến thành ấp tụ lạc, hoặc được vật thực hay chẳng được lòng tôi vẫn không ưu hỉ. Nếu khất chẳng được nên sanh lòng vui nhớ nghiệp báo đời trước, nay tôi nên siêng tu tập phước nghiệp.

Lại nhớ Đức Như Lai khất thực cũng chẳng luôn luôn được. A Lan Nhã Tỳ Kheo vào thành khất thực phải dùng pháp trang nghiêm. Dùng pháp trang nghiêm xong rồi sau mới vào thành khất thực.

Thế nào là pháp trang nghiêm?

Nếu thấy sắc vừa ý chẳng nên tham trước, nếu thấy sắc chẳng vừa ý chẳng nên sanh giận ghét. Với thanh, hương, vị, xúc và pháp cũng chẳng sanh tham sân như vậy, luôn nhiếp hộ các căn nhìn kỹ một tầm, điều phục tâm mình chẳng cho pháp mà mình suy niệm rời khỏi tâm, chẳng để vật thực nhiễm ô tâm mà hành khất thực, nên thứ đệ khất thực.

Nơi khất thực được chẳng sanh lòng mừng, nơi khất thực chẳng được cũng chẳng sanh lòng sân. Nếu đến mười nhà hoặc quá mười nhà mà chẳng được vật thực chẳng nên sanh lòng ưu phiền mà nên nghĩ rằng các Trưởng Giả, các Bà La Môn Cư Sĩ có nhiều duyên sự nên chẳng rảnh đem vật thực cho tôi, vả lại các người tại gia ấy chưa từng nhớ đến tôi huống là cho vật thực.

Nếu có thể suy nghĩ như vậy thì Tỳ Kheo A Lan Nhã đi khất thực không hề kinh sợ.

Này đại Ca Diếp! A Lan Nhã Tỳ Kheo đi khất thực trong thành ấp tụ lạc nếu thấy nam nữ, đồng nam đồng nữ, nhẫn đến súc sanh nên phát tâm từ bi đối với tất cả chúng sanh phát nguyện tu hành tinh tiến cầu mong chúng sanh ai thấy tôi cho tôi vật thực đều được sanh lên Cõi Trời.

Này Đại Ca Diếp! A Lan Nhã Tỳ Kheo đi khất thực được ngon được dở xem bốn phương mà nghĩ rằng nơi đây ai là kẻ nghèo cùng, tôi sẽ bớt phần ăn cấp cho họ.

Nếu thấy kẻ nghèo cùng liền chia nửa phần ăn cấp cho, nếu không thấy thì nên nghĩ rằng: Chúng sanh mà mắt tôi không thấy, trong thức ăn này chỗ ngon tôi xin thí cho họ, tôi làm thí chủ, họ làm người thọ.

Này Đại Ca Diếp! A Lan Nhã Tỳ Kheo khất thực được rồi mang về chỗ A Lan Nhã, rửa sạch tay chân, tịnh nghi thức Sa Môn, đủ tất cả tịnh pháp, đúng pháp lấy cỏ trải chỗ ngồi rồi kiết già phu tọa mà ăn, lòng không ái trước cũng không sân hận cũng không cống cao không trược loạn.

Lúc sắp ăn suy nghĩ rằng: Nay trong thân thể này có tám vạn hộ trùng, nó được ăn chắc sẽ an vui. Nay tôi dùng món ăn nhiếp các hộ trùng ấy, lúc tôi thành Phật sẽ dùng pháp để nhiếp chúng nó.

Này Đại Ca Diếp! Có lúc ăn chẳng đủ A Lan Nhã Tỳ Kheo nên quan niệm: Nay thân thể nhẹ nhàng có thể tu nhẫn nhục dứt các điều ác, lại ít tiểu ít đại tiện, thân thể nhẹ nhàng rồi cũng được tâm nhẹ nhàng, được ít ngủ cũng chẳng khởi dục.

Này Đại Ca Diếp! Nếu khất thực được nhiều, A Lan Nhã Tỳ Kheo nên quan niệm tri túc, nên giảm lấy một vắt để trên phiến đá sạch và suy nghĩ rằng: Có chim muông nào có thể ăn được tôi xin bố thí, chúng nó là kẻ thọ nhận.

Này Đại Ca Diếp! Ăn xong, A Lan Nhã Tỳ Kheo rửa bát lau chùi sạch khô, súc miệng rửa tay, cất Tăng Già Lê, đúng hạnh A Lan Nhã chẳng rời bổn sở suy gẫm pháp tướng.

Này Đại Ca Diếp! Lúc hành công hạnh A Lan Nhã, nếu Tỳ Kheo ấy là phàm phu chưa được quả Sa Môn, có lúc hổ lang đến thì chẳng nên có lòng hãi sợ mà nên quan niệm rằng: Từ trước lúc tôi đến chỗ A Lan Nhã vốn đã có tâm xả bỏ thân mạng nên tôi chẳng kinh sợ, mà nên phát tâm từ bi trừ tất cả ác.

Nếu hổ lang ấy giết tôi ăn thịt tôi, tôi sẽ được lợi ích lớn vì đem thân chẳng bền mà đổi thân bền. Hổ lang ấy ăn thịt tôi rồi vó sẽ được thân tâm an vui.

A Lan Nhã Tỳ Kheo hành pháp A Lan Nhã phải quan niệm xả thân mạng như vậy.

Này Đại Ca Diếp! A Lan Nhã Tỳ Kheo hành pháp A Lan Nhã, nếu có phi nhân đến hiện sắc đẹp hay sắc dữ, với phi nhân ấy Tỳ Kheo không nên sanh lòng yêu, không nên sanh lòng giận.

Nếu có chư Thiên đã từng thấy Phật đến vấn nạn, khi họ vấn nạn rồi, A Lan Nhã Tỳ Kheo tùy sức hiểu biết của mình mà vì họ thuyết pháp.

Nếu Chư Thiên hỏi thâm pháp không thể đáp được, A Lan Nhã Tỳ Kheo chẳng nên lòng kiêu mạn, mà nên nói rằng tôi học chẳng được nhiều, các Ngài chớ nên khinh tôi, nay tôi sẽ siêng tu học Phật Pháp, nếu lúc tôi được thông Phật pháp rồi sẽ xin giải đáp tất cả. Lại nên thỉnh Chư Thiên vì mình mà thuyết pháp để được lãnh thọ, và nên tạ rằng xin các Ngài chớ phiền tôi.

Lại này Đại Ca Diếp! A Lan Nhã Tỳ Kheo hành pháp A Lan Nhã khéo tu A Lan Nhã tưởng như cỏ cây ngói đá không có chủ không có ngã cũng không sở thuộc, thân thể này cũng vậy không có ngã, nhân, chúng sanh, thọ mạng không tranh tụng các pháp này đều từ duyên hiệp mà sanh, trong pháp này nếu khéo tư duy, tôi sẽ dứt được các kiến chấp, nên thường tư duy pháp không vô tướng vô tác.

Này Đại Ca Diếp! A Lan Nhã Tỳ Kheo lúc tu pháp A Lan Nhã suy nghiệm bông trái cỏ thuốc và những rừng cây hòa hiệp thế nào?

Tán diệt thế nào?

Các vật ngoài ấy không chủ không ngã không sở thuộc, không tranh tụng, nó tự sanh tự diệt không có ai sanh diệt.

Như cỏ cây không có chủ ngã ngã sở, thân thể này cũng không có ngã nhân chúng sanh thọ mạng không có tranh tụng, nó từ các duyên sanh, duyên tan thì nó diệt, trong lẽ như diệt ấy không có một pháp nào hoặc sanh hoặc diệt cả. Pháp như trên đây, A Lan Nhã Tỳ Kheo đến chỗ A Lan Nhã phải nên tu tập.

Này Đại Ca Diếp! A Lan Nhã Tỳ Kheo hành pháp như vậy nếu học Thanh Văn thừa thì mau chứng quả Sa Môn, nếu là người có tội chướng nên hiện đời chẳng được quả Sa Môn thì bất quá thấy một hai hoặc ba đứt Phật sẽ dứt hết tất cả lậu. Nếu là người học Bồ Tát thừa thì hiện đời được vô sanh pháp nhẫn được pháp vô chướng tất thấy vị lai Chư Phật mau thành vô thượng bồ đề.

Lúc Đức Phật nói pháp A Lan Nhã, có năm trăm Tỳ Kheo dứt tất cả lậu tâm được giải thoát.

***

icon

Tổng hợp

Cùng chủ đề

Phật Thuyết Kinh đại Bát Nhã Ba La Mật đa - Hội Thứ Ba - Phẩm Ba Mươi Mốt - Phẩm Tuyên Hóa - Phần Ba

Kinh Đại thừa   •   25.12.2023
Hán dịch: Ngài Tam Tạng Pháp Sư Cưu Ma La Thập, Đời Diêu Tần