Phật Thuyết Kinh Tiểu Bộ - Tập Mười - Chuyện Tiền Thân đức Phật - Chương Mười - Phẩm Mười Bài Kệ - Chuyện Kê Vương Tiền Thân Kukuta
Hán dịch: Ngài Tam Tạng Pháp Sư An Thế Cao, Đời Hậu Hán
PHẬT THUYẾT KINH TIỂU BỘ
Hán dịch: Ngài Tam Tạng Pháp Sư
An Thế Cao, Đời Hậu Hán
TẬP MƯỜI
CHUYỆN TIỀN THÂN ĐỨC PHẬT
CHƯƠNG MƯỜI
PHẨM MƯỜI BÀI KỆ
CHUYỆN KÊ VƯƠNG
TIỀN THÂN KUKUTA
Chớ đặt lòng tin bọn dối lừa. Chuyện này bậc Ðạo Sư kể tại Veluvana Trúc Lâm về vấn đề mưu toan sát hại.
Trong Chánh Pháp đường, các Tỳ Kheo đang bàn luận bản chất độc ác của Đề Bà Đạt Đa: Này các Hiền Giả, lạ quá, Đề Bà Đạt Đa đang mưu toan sát hại đấng Thập Lực bằng cách mua chuộc đám xạ thủ và nhiều người khác.
Bậc Ðạo Sư bước vào hỏi: Này, các Tỳ Kheo, các ông đang nói chuyện gì trong lúc ngồi với nhau tại đây?
Tăng Chúng trình với Ngài.
Ngài đáp: Ðây không phải là lần đầu người ấy toan hành thích ta, mà đã có lần như vậy ngày xưa. Rồi Ngài kể cho Tăng Chúng một chuyện quá khứ.
Một thuở nọ, tại Kosambi Kiều Thường Di: Một Kinh Thành trên Sông Hằng, có một vị Vua cai trị mệnh danh là Kosambaka. Vào thời ấy, Bồ Tát đầu thai làm con của một gà mái sống trong một rừng tre, sau đó làm chúa cả đàn gà hàng trăm con trong rừng.
Không xa đó, có một con diều hâu tìm cơ hội bắt từng con gà trong đàn và ăn thịt, dần dần nó ăn hết mọi con gà, chỉ còn Bồ Tát một mình sống sót. Song Ngài rất thận trọng trong lúc kiếm mồi, và sống trong một rừng tre rậm. Tại đây diều hâu không thể nào đến gần được, vì thế nó bắt đầu suy tính lập mưu gì để dụ dỗ Ngài mà bắt lấy.
Sau đó nó đậu trên một cành cây gần đó, và gọi: Này Kê hiền hữu, chuyện gì khiến Ngài sợ ta?
Ta mong muốn kết bạn với Ngài. Giờ đây ở một nơi kia nó nói tên nơi đó có đầy thức ăn, chúng ta hãy cùng nhau đến đó ăn và sống bầu bạn với nhau.
Không, thưa Tôn ông tốt bụng!
Bồ Tát đáp: Giữa Ngài và ta không thể có tình bằng hữu được, xin hãy đi đi. Thưa Tôn giả, vì các tội ác trước đây của ta, nên Ngài không thể tin ta bây giờ, nhưng ta hứa với Ngài rằng ta sẽ chẳng bao giờ làm như vậy nữa. Không, ta không muốn có bạn như vậy, hãy đi nơi khác, ta nói rồi đấy.
Ðến lần thứ ba, Bồ Tát từ chối: Với một người hay vật có những đặc tính như vậy Ngài bảo chẳng bao giờ nên kết tình bằng hữu cả.
Rồi Ngài làm cho cả khu rừng rộng vang dội nên các vị Thần hoan nghênh trong lúc Ngài cảm hứng nói lên bài pháp này:
Ðừng đặt lòng tin bọn dối lừa,
Những ai chỉ biết lời riêng tư,
Hoặc người đã phạm nhiều điều ác,
Những kẻ tỏ ra quá phụng thờ.
Lắm kẻ bản tâm giống lũ bò,
Tràn đầy khao khát với tham ô,
Nói lời thành thật nâng niu bạn,
Song chẳng hề hành động thế mà.
Bọn chúng chìa tay lạnh trống trơn,
Nói lời che dấu cả tâm hồn,
Bọn người phù phiếm, ta nên tránh,
Những kẻ không hề biết nhớ ơn.
Nam nữ nào tâm chóng đổi thay,
Ðừng tin tưởng các bọn người này,
Cũng đừng tin kẻ theo chiều hướng
Làm hiệp ước rồi lại phá ngay.
Người bước theo đường ác vẫn đi
Ðến làm mọi việc cực gian nguy,
Liều thân, vô định, đừng tin nó,
Kiếm sắc trong bao có khác gì?
Nhiều kẻ nói năng thật dịu lành,
Những lời không phải tự tâm thành,
Lòng tin chớ đặt vào trong chúng,
Cố lấy lòng nên giả thật tình.
Khi kẻ ác tâm ấy ngắm xem
Thức ăn hoặc lợi nhuận kề bên,
Nó hành động ác và đi mất,
Nhưng nó làm nguy bạn trước tiên.
Bảy vần Kệ này được vị Kê Vương ngâm lên.
Rồi vần kệ tiếp theo được vị Pháp Vương đọc, đây là những lời phát xuất từ trí tuệ của bậc Chánh Ðẳng Giác:
Lắm kẻ thù ra vẻ thiết thân,
Ra tay giúp đỡ sẵn sàng luôn,
Như gà rời bỏ diều hâu ấy,
Tốt nhất nên lìa những ác nhân.
Người nào không nhạy bén nhìn xa
Ý nghĩa việc làm diễn biến ra,
Phải chịu bao cừu nhân chế ngự,
Ăn năn hối hận buổi sau mà.
Nhanh trí, người nào nhận thấy ngay
Việc làm mang ý nghĩa nào đây,
Như gà tránh bẫy diều hâu ấy,
Vậy tránh cừu nhân, phải chạy bay.
Bẫy đó thông thường lại dối gian,
Giết người, dấu kín giữa rừng hoang,
Như gà xa lánh diều hâu ấy,
Người có nhãn quan phải kiếm đàng.
Và một lần nữa, sau khi ngâm các vần Kệ này, gà gọi diều hâu lại khiển trách nó và bảo: Nếu Ngài tiếp tục ở chốn này, ta sẽ biết việc cần phải làm. Do đó diều hâu đành bay đến nơi khác.
Sau khi chấm dứt pháp thoại này, bậc Ðạo Sư bảo: Này các Tỳ Kheo, ngày xưa cũng như bây giờ, Đề Bà Đạt Đa đã mưu toan sát hại ta.
Rồi Ngài nhận diện tiền thân: Vào thời ấy Đề Bà Đạt Đa là diều hâu và ta chính là Kê Vương.
***
Phật Thuyết Kinh đại Bát Nhã Ba La Mật đa - Hội Thứ Năm - Phẩm Mười Bảy - Phẩm Tham Hành - Phần Hai
Phật Thuyết Kinh đại Bát Nhã Ba La Mật đa - Hội Thứ Ba - Phẩm Ba Mươi Mốt - Phẩm Tuyên Hóa - Phần Ba
Phật Thuyết Kinh Chánh Pháp Niệm Xứ - Phẩm Bảy - Phẩm Thân Niệm Xứ - Tập Mười Ba
Phật Thuyết Kinh Trung Bộ - ðại Kinh Sakuludayi - Phần Mười Tám - Thân Do ý
Phật Thuyết Kinh Tạp A Hàm - Kinh Thuận Lưu Nghịch Lưu
Phật Thuyết Kinh đại Bảo Tích - Pháp Hội Thứ Chín - Pháp Hội đại Thừa Thập Pháp - Phần Ba
Phật Thuyết Kinh đại Bát Nhã Ba La Mật đa - Hội đầu - Phẩm Bốn Mươi Bốn - Phẩm Chúng Dụ - Phần Một