Phật Thuyết Kinh đại Bảo Tích - Pháp Hội Thứ Bốn Mươi Chín - Pháp Hội Quảng Bác Tiên Nhân - Phần Một

Kinh Đại thừa   •   Thứ hai, 25/12/2023, 22:18 PM

Hán dịch: Ngài Tam Tạng Pháp Sư Nan Liên Đề Gia Xá, Đời Cao Tế

PHẬT THUYẾT 

KINH ĐẠI BẢO TÍCH

Hán dịch: Ngài Tam Tạng Pháp Sư

Nan Liên Đề Gia Xá, Đời Cao Tế  

PHÁP HỘI THỨ BỐN MƯƠI CHÍN

PHÁP HỘI QUẢNG BÁC TIÊN NHÂN  

PHẦN  MỘT  

Như vậy tôi nghe, một lúc Phật ở tại thành Vô Cấu Chiến trên bờ Sông Hằng, có vô lượng Chúng Tỳ Kheo như các Tôn Giả A Nan, Ma Ha Ca Diếp, Xá Lợi Phất, Bạc Câu La, Ly Bà Đa, A Nhã Kiều Trần Như v.v...

Các Tôn Giả này việc được làm đã xong, rời các trần nhiễm, phiền não đã hết, chẳng còn thối chuyển.

Các Tôn giả luôn Tọa Thiền tụng niệm kinh hành không tạm lười nghỉ, hoặc như bầy nai đi đứng yên lặng, hoặc ở trong rừng thường nhập thiền định.

Các Tôn Giả này an trụ nơi giáo pháp sáng suốt của Đức Như Lai, điều phục sáu căn được vô sở úy.

Bấy giờ rừng Ta La nhánh lá rậm rợp, hoa thơm trải đất.

Những chim Câu Chỉ La, chim Ca Lăng Tần Già, nga vương, bầy ong bay đậu kêu hót hòa nhã có thể làm cho các chúng sanh rời lìa hôn trầm giải đãi.

Lúc đó Đức Như Lai bảo các Tỳ Kheo: Này Chư Tỳ Kheo! Các thầy phải siêng thật hành việc được làm, lấy giới luật oai nghi để tự ấp che. Liền lúc ấy phương Tây bỗng nhiên chói sáng như ánh sáng mặt Trời.

Vì chưa ly dục nên Tôn Giả A Nan bạch rằng: Bạch Đức Thế Tôn! Ánh sáng này là tướng gì?

Đức Phật dạy: Này A Nan! Đây là pháp tử của Hắc Hương bậc tối thắng thượng ngũ thông tiên, tên là Quảng Bác. Tiên Nhân này tiết thực xấu gầy thân thể không nhuần sáng cùng chung với năm trăm người đồng hành như là Tiên Bất Bạch, Tiên Thiên Nhân, Tiên Chiêm Ba Dã Na, Tiên Đơn Trà Dã Na, Tiên Ca Ma Dã Na, Tiên Mê Khư Na Tư, Tiên Nghi Vị, Tiên Độ La v.v... trước sau vây quanh sẽ đến chỗ ta.

Bấy giờ, Quảng Bác Tiên Nhân từ xa thấy Đức Thế Tôn thân tâm tịch tĩnh ở tại rừng rậm được Chư Tỳ Kheo hầu hạ, liền tự nghĩ rằng: Lạ thay bậc tôn quí nhất thiết trí thân tướng đầy đủ, bỏ ngôi Vua Chuyển Luân cùng các quan và sáu vạn cung nữ, như bỏ món ăn độc, mà tu khổ hạnh nơi núi rừng, lìa những dục lạc, tiếng đồn khắp nơi thiệt chẳng hư dối.

Trong chúng ấy có một Tiên Nhân tên Na Thích Đà từ xa nhìn Đức Thế Tôn sanh lòng vui mừng liền nói kệ rằng:

Nhìn kia hoa xanh dưới rừng cây

Như khối vàng tía là người nào

Bảo châu Di Lâu chiếu sáng ngời

Cũng như trăng thu không mây khuất.

Các tiên đều vui sướng chắp tay cung kính đi lần đến chỗ Đức Phật.

Đức Thế Tôn bảo Chư Tỳ Kheo: Các thầy xem kia các tiên trong châu Diêm Phù, tóc xỏa tung lên, ở rừng hoang, thoa tro, tịch cốc, hoặc một tháng hoặc nửa tháng nhịn ăn gầy xấu, mặc da nai vỏ cây, tóc móng không cạo không cắt, ngồi xổm trên đất trống. 

Nhan sắc như khói than ong đen, Chú Thuật cúng thờ lửa cho là cát tường, ở ngoài trống hay dưới cây, hoặc té từ gộp đá cao, hoặc nhảy xuống vực sâu, dùng lửa đốt thân hay phơi nắng cho phỏng đau, ỷ thị dòng họ lìa xa trí huệ vô thượng.

Các thầy Tỳ Kheo nên biết các Tiên Nhân này kiến thức chằng thanh tịnh mê say ba cõi luân hồi sanh tử chẳng ra khỏi được.

Các Tỳ kheo nghe Đức Phật Thế Tôn dạy bảo như vậy rồi liền đồng thanh bạch rằng: Nay chúng tôi nương Đức Như Lai mà siêng tu phạm hạnh, với ba cõi sẽ được ra khỏi hẳn. Quảng Bác Tiên Nhân cùng các tiên lần đến chỗ Đức Phật, thấy các A La Hán oai đức tôn nghiêm liền có lòng e sợ.

Họ khom mình ngó xuống đều tự cột tóc xõa, thân đeo dây trắng. Dung nhan họ đen tối, hai mắt xanh vàng, đầu tóc khô khan thân hình xấu xí, tay cầm ba khúc cây to, hoặc đi trên hư không, hoặc đàm luận sách thế tục.

Quảng Bác Tiên Nhân đến trước Đức Phật thưa rằng: Bạch Đức Thế Tôn! Nay chúng hội này xin Đức Phật biết cho.

Đức Phật phán dạy: Này Quảng Bác! Ta đã biết rõ sự thọ sanh trong các cõi hữu lậu và tự tánh.

Tôn Giả A Nan bạch rằng: Bạch Đức Thế Tôn! Đây là Tiên Nhân nào được chư tiên bao quanh, trí sáng lời hay, đầu tóc tung lên.

Đức Phật dạy: Này A Nan! Đây là Quảng Bác Tiên Nhân, người sáng tác sách Vi Đà phụng trì tu tập theo Xa Yết La Giáo làm ra các thứ văn tự thế tục.

Chư A La Hán cùng bảo nhau: Tiên Nhân này có sở đắc gì mà khổ hạnh như vậy nhưng vẫn không giải thoát được sanh tử.

Các A La Hán lại tự nghĩ rằng các Tiên Nhân này nay đến chỗ Đức Phật sẽ thưa hỏi điều gì, hỏi nhân duyên hay hỏi vô ngã?

Quảng Bác Tiên Nhân chắp tay hướng về Đức Phật bạch rằng: Bạch Đức Thế Tôn! Đức Phật xuất hiện khó, Pháp Hội Thánh Chúng cũng khó. Nay tôi có chút ít điều nghi muốn hỏi, xin Đức Phật thương dạy cho.

Đức Phật bảo: Này Đại Tiên! Cho ông hỏi, ta sẽ giải bày.

Quảng Bác Tiên Nhân hỏi: Bạch Đức Thế Tôn!

Thế nào là bố thí?

Gì là nghĩa bố thí?

Thế nào là thí chủ?

Thí chủ có nghĩa là gì?

Thế nào là người bố thí chẳng gọi là thí chủ?

Thế nào là thí chủ chẳng gọi là người bố thí?

Bố thí thế nào để được phước báu nơi người thọ lãnh?

Thế nào bố thí rồi, hoặc hiện đời hoặc đời sau phước bố thí đi theo làm chứa làm nhóm?

Bạch Đức Thế Tôn! Sau khi Đức Phật nhập diệt, cúng dường Tháp Miếu thì ai là người nhận thọ để được phước báu?

Đức Phật bảo: Này Đại Tiên! Những điều ông hỏi rất là hi hữu, đó là ông muốn giác ngộ hàng mới phát tâm.

Bấy giờ Tôn giả Xá Lợi Phất ở trong đại chúng, tóc bạc mặt nhăn, lấy tay mặt đỡ lông mày nhìn hồi lâu rồi nói rằng: Xưa kia tôi từng nghe người đời khen ngợi Quảng Bác Tiên Nhân, sao hôm nay chẳng biết hỏi han như trẻ nít. Sao không hỏi những nghĩa thâm diệu về nhân duyên vô ngã, mà lại hỏi quả báo của sự bố thí.

Tôn giả A Nan đến lạy chân Đức Phật bạch rằng: Bạch Đức Thế Tôn! Tiên Nhân ấy ham thích nơi bố thí, tôi xin được giải nói nghĩa bố thí cho ông ấy.

Đức Phật phán dạy: Này A Nan! Nếu hỏi nơi Đức Như Lai mà hàng Thanh Văn giải đáp thì chẳng phải là lời dạy của Như Lai.

Tôn giả Xá Lợi Phất lại bạch rằng: Bạch Đức Thế Tôn! Nay Tiên Nhân này có điều nghi ngờ ấy, tôi xin giải đáp.

Đức Phật phán dạy: Không được, trong hàng Thanh Văn ông là bậc thượng thủ nhất, nếu ở trước ta mà ông giải đáp sẽ khiến các chúng sanh phải sa đọa ác thú, vì họ sẽ hủy báng rằng Đức Như Lai chẳng phải bậc có trí huệ quyết định, hoặc cho rằng Đức Như Lai giác ngộ trọn vẹn rồi mà còn có ngã mạn.

Chư Tỳ Kheo nghe Đức Phật nói như vậy rồi đều sanh lòng tin thanh tịnh bạch rằng: Bạch Đức Thế Tôn! Quảng Bác Tiên Nhân có chỗ nghi hỏi, xin Đức Phật giải đáp cho.

Đức Phật hỏi Quảng Bác Tiên Nhân: Đại Tiên nay lắng nghe quả báo của bố thí và nghiệp nhân sai khác. Nếu người thọ có thể khiến thí chủ sanh được quả báo đó là nghĩa của bố thí.

Nếu có chúng sanh nào tâm thanh tịnh đem của cải mình giao cho người chấp sự đem ra bố thí, người chủ của cãi gọi là thí chủ, còn người chấp sự gọi là người bố thí. Nếu có người tâm thanh tịnh tự đem của cải ra bố thí, người này gọi là thí chủ mà cũng gọi là người bố thí.

Lại này Đại Tiên! Có ba mươi hai hạng bố thí chẳng thanh tịnh, nay ông nên lắng nghe: Nếu có người thấy biết điên đảo mà bố thí thì chẳng gọi là tịnh thí vì báo ơn, bố thí chẳng có lòng thương, bố thí vì sắc dục, đều chẳng gọi là tịnh thí.

Hoặc bố thí trong lửa, bố thí trong nước cũng chẳng gọi là tịnh thí. Hoặc đe dọa mà bố thí, bố thí cho năm nhà, đem món độc bố thí, đem dao gậy binh khí bố thí, giết hại mà bố thí, đều chẳng gọi là tịnh thí.

Hoặc để nhiếp phục người mà bố thí, vì khen ngợi mà bố thí, vì xướng kỹ mà bố thí, vì xem tướng mà bố thí, cầu trang sức đẹp mà bố thí, vì kết bằng hữu mà bố thí, đều chẳng gọi là tịnh thí.

Hoặc chim thú vào nhà ăn mà chủ nhà không vui lòng thì chẳng gọi là tịnh thí. Vì học nghề mà bố thí, vì bệnh mà bố thí cho thầy thuốc, trước đánh mắng sau đem của cải bố thí, đều chẳng gọi là tịnh thí. Bố thí mà nghi ngờ được báo hay không được báo thì chẳng gọi là tịnh thí.

Hoặc bố thí rồi mà trong lòng bậc bội hối tiếc thì chẳng gọi là tịnh thí. Bố thí mà nói người thọ lãnh sau sẽ làm trâu ngựa súc vật cho tôi thì chẳng gọi là tịnh thí.

Hoặc bố thí mà nói phước báu đây tôi tự thọ lấy thì chẳng gọi là tịnh thí. Hoặc người trẻ mạnh không lòng tin thanh tịnh, lúc sau bị bệnh khổ, hoặc sắp phải chết, thân thể đau khổ tay chân rời rã, sứ Diêm La Vương đùa cợt trước mặt, quyến thuộc nhìn ngó khóc than, bấy giờ mới bố thí thì chẳng gọi là tịnh thí.

Hoặc bố thí mà nghĩ rằng khiến các thành ấp khác biết tôi bố thí thì chẳng gọi là tịnh thí. Hoặc có lòng ganh ghét ngạo nghễ mà bố thí thì chẳng gọi là tịnh thí. Ham mộ nhà giàu sang vì cầu hôn nhân nên đem vàng bạc lụa là bố thí thì chẳng gọi là tịnh thí.

Hoặc cầu con trai con gái và các duyên tạp khác mà bố thí thì chẳng gọi là tịnh thí. Hoặc suy nghĩ nay tôi bố thí đời sau sẽ được phước báu thì chẳng gọi là tịnh thí. Thấy người nghèo củng chẳng thương xót, trái lại đem tiền của bố thí người giàu sang thì chẳng gọi là tịnh thí. Hoặc tham hoa quả mà bố thí cho thì chẳng gọi là tịnh thí.

Này Đại Tiên! Ba mươi hai loại bố thí ái nhiễm ấy, dường như có người đem hạt giống tốt gieo trồng trên ruộng hoang xấu, nương nơi đất gặp mưa ướt chắc chắn sẽ nẩy mầm lên cây, nhưng thu hoạch ít về bông trái.

Quảng Bác Tiên Nhân lại bạch rằng: Bạch Đức Thế Tôn! Thế nào là bố thí cho người trì giới người phá giới mà chẳng hư mất?

Đức Phật phán: Này Đại Tiên! Nếu có người tịnh tín nhân quả phát lòng vui mừng vì các chúng sanh mà bố thí không hề hối tiếc cũng chẳng phân biệt là trì giới hay phá giới.

Lại nữa này Đại Tiên! Có năm loại bố thí gọi là bố thí lớn. Đó là bố thí đúng lúc, bố thí cho người hành đạo, người bệnh và người khán bệnh, người giảng thuyết chánh pháp, người đến nước khác. Còn có năm loại, đó là bố thí chánh pháp, bố thí món ăn, chỗ ở, đèn sáng, hương hoa.

Quảng Bác Tiên Nhân lại thưa: Bạch Đức Thế Tôn! Những gì là thanh tịnh?

Đức Phật phán: Này Đại Tiên! Nếu người phát lòng tin vì các chúng sanh có lòng thương xót hồi hướng vô thượng bồ đề khắp thanh tịnh giải thoát thì được gọi là thanh tịnh.

Còn có năm loại bố thí vô thượng, đó là bố thí nơi Đức Như Lai, nơi Chúng Tăng, nơi người thuyết chánh pháp, nơi cha, nơi mẹ. Bố thí năm nơi ấy đều gọi là bố thí vô thượng.

Còn có các loại bố thí gọi là bố thí lớn, đó là bố thí cho quốc vương mất ngôi, người bị quan quyền bức bách không nơi nương cậy, người bị bệnh tật đau khổ, đều gọi là bố thí lớn.

Nếu gặp người bị tội sắp hành hình và người bị nạn nguy đến tánh mạng mà chịu bỏ mạng mình để cứu mạng sống cho kia, đều gọi là bố thí lớn.

Hoặc nơi người tật bệnh mà bố thí thuốc men thì cũng gọi là bố thí lớn. Hoặc nơi Chúng Tăng đủ giới mà bố thí đúng lúc cũng gọi là bố thí lớn. Hoặc bố thí cho người cầu trí huệ cũng gọi là bố thí lớn.

Hoặc bố thí cho súc sanh, chim thú, các loài ếch nhái cũng gọi là bố thí lớn. Hoặc bố thí cho kẻ thiếu kém khiến cho họ được no đủ cũng gọi là bố thí lớn. Hoặc khuyên người khác bố thí thanh tịnh cùng tùy hỉ cũng gọi là bố thí lớn.

Lại này Đại Tiên! Trước đây ông có hỏi sau khi Đức Phật diệt độ, gieo trồng thế nào mà được phước báu?

Này Đại Tiên! Chư Phật Như Lai đều là Pháp Thân mà chẳng phải sắc thân, hoặc Phật ở tại thế gian hay sau khi diệt độ, nếu có người cúng dường thì phước báu không khác.

Như Chuyển Luân Vương truyền lệnh khắp cõi nước chẳng cho giết hại các chúng sanh chẳng cho vọng ngữ. Người trong nước hoặc chưa được thấy vua cũng chưa từng hầu gần, họ chỉ nghe lịnh Vua truyền mà tuân hành, Nhà Vua đối với những người này ắt có lòng vui mừng nên được sanh lên Cõi Trời. Còn những kẻ trái lệnh Vua truyền thì đọa vào ác thú.

Này Đại Tiên! Có người dầu thấy thân ta mà họ chẳng giữ giới của ta dạy thì có lợi ích gì. Như Đề Bà Đạt Đa dầu gặp được Phật mà ông ấy vẫn phải đọa địa ngục. Trong đời sau, có người siêng thật hành đúng giáo pháp của Phật, người này rất hi hữu như đã được thấy Phật không khác.

Này Đại Tiên! Như ông đã hỏi phước đức nhân duyên theo thí chủ làm chứa làm nhóm thế nào?

Này Đại Tiên! Như bó lau sậy vì đốt cháy mà có lửa sáng, ngọn lửa sáng ấy không thể nói là chứa nhóm trong bó lau sậy. Cũng vậy, thí chủ chứa họp phước đức như bóng theo hình, không thể thấy được.

Như trái nho, cây mía lúc chưa ép thì không thấy được nước mật của nó, nhưng nước mật của nó không phải có ở nơi khác. Cũng vậy, quả báo phước đức chẳng thấy ở trong thân trong tay trong tâm của thí chủ, nhưng nó không rời lìa thí chủ.

Như hột ni câu luật đà lúc chưa già chín thì không thấy có mộng mầm. Như người buôn mang hàng đến bán nơi ấp thành lớn được lời lãi nhiều, phước đức của thí chủ cũng vậy.

Như bầy ong lấy mật hoa, như mây trùm trên không, nào có thấy có chứa có nhóm, mà lúc kết quả thì thành mật ngon, mưa nhuần phước đức quả báo của thí chủ cũng vậy.

Quảng Bác bạch Phật: Nghĩa sai biệt của sự bố thí tôi đã được nghe Đức Thế Tôn Giả.

Bạch Đức Thế Tôn! Ở trong thân người, thần thức mến luyến như thế nào?

Đức Phật dạy: Này Đại Tiên! Như Quốc Vương ở trong thành lớn sợ có quân địch đến, nên lo đào hào đắp lũy tích tụ lương thực nuôi dạy quân tướng, dựng bày cờ xí tập luyện voi ngựa, dàn quân bày trận truyền lịnh dự bị chiến đấu, mặc giáp dày cầm dao bén nghiêm hờ. Ví phước Quốc Vương hết nên thế giặc mạnh sẽ bị bại vong.

Cũng vậy, thần thức ở trong thân người thấy sáu căn bị vô thường xâm hại, nên khởi tín tâm phát chánh niệm hành chánh pháp điều luyện ý tưởng tuyên cáo rằng: Nay có quân mạnh vô thường đến hại phải gấp mặc giáp bố thí, cầm gươm trí huệ, mang cung tàm quý dựng lũy cấm giới phòng ngăn. Quân mạnh vô thường lần lần bức bách sáu căn, thần thức ấy phải bỏ thân, như Quốc Vương hết phước phải bỏ thành đến ở thành khác.

Quảng Bác bạch rằng: Bạch Đức Thế Tôn! Làm thế nào biết là thành phước đức là thành chẳng phải phước đức mà tôi phải bỏ đi?

Đức Phật phán dạy: Này Đại Tiên! Như có người đi thuyền lớn tốt để qua đại hải, dầu gặp cuồng phong sóng to, cá kình hung dữ nhưng nhờ thuyền vững nên đến được bờ kia. Đã an ổn rồi, người ấy tế tự đi nhiễu thuyền ba vòng cung kính xướng rằng: Lành thay tôi nhờ thuyền này mà vượt được đại hải.

Này Đại Tiên! Cũng vậy, người có phước đức sau khi mạng chung tự suy nghĩ rằng: Nay tôi được sanh lên Cõi Trời, thân người trước kia thiệt là chẳng uổng, nhờ thân người ấy mà tôi được khỏi đọa vào ác thú, lành thay thân trước rất đáng kính yêu.

Này Đại Tiên! Như người đi thuyền xấu hư để qua biển lớn, ở giữa biển bị chìm bị lật, người ấy giận ghét nguyền rủa thuyền xấu. Cũng vậy, người tạo nghiệp ác không phước đức sau khi chết phải đọa ác thú, giận ghét mắng nhiếc thân trước, uổng công nuôi nấng nay phải khổ thế này, như đội cỏ dơ khô, như tằm làm kén tự vấn lấy thân tự chuốc lấy họa.

Này Đại Tiên! Người tạo phước đức ở thân kế sau, thần thức ở thai mẹ vừa được bảy ngày liền có thể nghĩ biết tôi từ nơi kia sanh vào đây.

Vì có thiện nghiệp nên lòng vui mừng hay làm cho mẹ hiện ra ba tướng lành: Mặt mẹ luôn vui vẻ tươi đẹp, chân phải giẫm đất mạnh vững hơn trước, tay thường xoa hông phải, thích mặc y phục sạch sẽ thêm vẻ xinh đẹp.

Thần thức người gây nghiệp ác cũng ở trong thai bảy ngày tự nhớ nghĩ tôi từ nơi kia đã từng tạo tội ác, nghĩ rồi sanh lòng sầu não hay làm cho mẹ có các hiện tượng xấu, như thân thể hôi dơ gầy gò vàng bủng, như thường buồn bậc choáng váng ói mửa, tai họa cả nhà hoạn nạn bức khổ, như lúc sanh nở hoặc mẹ chết hoặc con yểu.

Quảng Bác lại bạch Phật: Bạch Đức Thế Tôn! Lúc thần thức mới nhập thai nếu có trí huệ thì nghĩ nhớ biết những gì?

Đức Phật phán dạy: Này Đại Tiên! Thần thức ấy lúc mới nhập thai thấy châu Diêm Phù có nhiều cung điện ao hồ vườn tược rừng cây nơi nơi xinh đẹp, thân tộc tụ họp rất là vui vẻ. Nếu có trí huệ Cõi Trời thì tùy niệm nhớ biết vô lượng trăm ngàn đời trước.

Chỗ đó tôi sanh ra, người ấy là mẹ cả trăm lần sanh tôi, cả trăm đời nuôi nấng tôi, nghĩ như vậy rồi sanh lòng nhàm lìa, khổ thay, chết đi sống lại ở thế gian này như vậy đã đủ rồi, các cõi cực nhọc luôn được vĩnh viễn thoát khỏi.

Quảng Bác hỏi Đức Phật: Thần thức ấy có quan niệm nhàm lìa mong thoát ly như vậy, há lại chẳng ra khỏi vòng sanh tử ư?

Đức Phật phán dạy: Này Đại Tiên! Không thể được thần thức ấy không có tướng xuất ly mà được giải thoát thì không bao giờ có. Dầu thần thức ấy ở trong sanh tử có quan niệm nhàm chán mong xa lìa. Nhưng nó vẫn thọ sanh. Nếu không như vậy thí lẽ ra người tạo phước đức cùng kẻ tạo ác, tất cả đều hướng đến quả Niết Bàn.

Này Đại Tiên! Như lời ông nói về thần thức suy nghĩ nhớ biết đó, là thức hiện hành chớ chẳng phải trí hiện hành. Thức thì hay phân biệt, trí thì hay biết rõ. Thức cùng trí hòa hiệp nhau thì mới có khả năng như lời ông nói.

Muốn tuyên lại nghĩa này Đức Phật nói kệ rằng:

Hay ngừa các tội ác

Hoặc chứa nhiều phiền não

Biết là trí không trí

Là huệ hay ngu si

Thấy kiêu mạn vô minh

Thấy biết tất cả đó

Không bao giờ rời trí

Do trí nên biết rõ

Thức trí chẳng rời nhau

Phật thường nói hòa họp

Một bánh chẳng thành xe

Hai bánh cũng chẳng thành

Cũng chẳng ngoài bánh xe

Cần có người và trâu

Gồm đủ căm và trục

Cũng đủ hai càng gọng

Vòng ách và dây cương

Mới được gọi là xe

Thân thể cũng như vậy

Các giới hòa hợp sanh

Các căn đều đầy đủ

Do thức hay kéo dắt

Lóng đốt dính liền nhau

Gân mạch luôn khắp đủ

Sọ đầu trùm da tóc

Ruột phổi và tim gan

Tì vị hòa hợp nhau

Xây dựng nên thân giả

Vua thức ở trong đó

Ngự trị điều khiển thân

Rõ biết các thể tánh

Gọi là thức trí chung.

***

icon

Tổng hợp

Cùng chủ đề

Phật Thuyết Kinh đại Bát Nhã Ba La Mật đa - Hội Thứ Ba - Phẩm Ba Mươi Mốt - Phẩm Tuyên Hóa - Phần Ba

Kinh Đại thừa   •   25.12.2023
Hán dịch: Ngài Tam Tạng Pháp Sư Cưu Ma La Thập, Đời Diêu Tần