Phật Thuyết Kinh đại Tập Những điều Bồ Tát Hư Không Tạng Hỏi Phật - Phần Mười Ba
Hán dịch: Ngài Tam Tạng Pháp Sư Bất Không, Đời Đường
PHẬT THUYẾT
KINH ĐẠI TẬP NHỮNG ĐIỀU
BỒ TÁT HƯ KHÔNG TẠNG HỎI PHẬT
Hán dịch: Ngài Tam Tạng Pháp Sư
Bất Không, Đời Đường
PHẦN MƯỜI BA
Có tam muội tên là Vô lượng tạng, nghĩa là có thể thu phục được Phạm Vương.
Có tam muội tên là Vô sở hữu, vì có thể đạt được cảnh giới Vô Sắc.
Có tam muội tên là Cao tràng, vì không bị các chung sinh lấn áp.
Có tam muội tên là Cao đăng, tức có thể khéo quán xét về mười phương.
Có tam muội tên là Tuệ cự, vì có thể phá diệt mọi chướng ngại, ngăn che, trói buộc.
Có tam muội tên là Hải ấn, do có thể hiện ra vô số việc làm.
Có tam muội tên là Vô lượng toàn, vì có thể đoạn tất cả các ác kiến.
Có tam muội tên là Không tánh, do có thể xa lìa tất cả kiến chấp về các tướng.
Có tam muội tên là Vô tướng, do có thể đoạn trừ mọi phân biệt của biến kế sở chấp.
Có tam muội tên là Vô nguyện, vì có thể làm các tướng của nguyện được hoàn toàn thanh tịnh.
Có tam muội tên là Bất động, do có thể hủy hoại mọi sự loạn động của tâm ý.
Có tam muội tên là Cụ túc âm, vì có thể hoàn toàn đạt được biện tài vô ngại.
Có tam muội tên là Biến trì, do có thể giữ gìn tất cả các pháp đã được nghe.
Có tam muội tên là Tịnh niệm, vì có thể khéo thọ trì các pháp của Chư Phật.
Có tam muội tên là Vô tận, do đều khiến cho các loài hữu tình sinh tâm hoan hỷ.
Có tam muội tên là Bảo nghiêm, vì khiến cho tất cả chúng sinh có được đôi tay báu.
Có tam muội tên là Tùy khứ, có thể tùy thuận nơi chúng sinh để đạt được tâm trí.
Có tam muội tên là Tri sở thú, tức đối với trú xứ của các loài hữu tình khiến được giác ngộ.
Có tam muội tên là Ý nhập, do có thể khiến cho tâm ý của chúng sinh được thanh tịnh.
Có tam muội tên là Pháp vân, vì có thể tùy theo sự hiểu biết của đối tượng mà rưới mưa pháp.
Có tam muội tên là Niệm Phật, vì có thể chứng được pháp cam lộ thanh tịnh.
Có tam muội tên là Niệm pháp, có thể chứng được tất cả pháp thiện lìa dục.
Có tam muội tên là Niệm tăng, do đối với pháp Phật không còn thoái chuyển.
Có tam muội tên là Niệm xả, do đối với mọi vật dụng khiến được xả bỏ.
Có tam muội tên là Niệm giới, vì kiến lập nên các pháp Phật căn bản.
Có tam muội tên là Niệm thiên, do ở nơi pháp thanh tịnh không còn lỗi lầm.
Có tam muội tên là Nhập pháp giới vì biết rõ tất cả các pháp đều tương quan với nhau.
Có tam muội tên là Hư không tánh, do khiến cho tất cả các pháp được vô ngại.
Có tam muội tên là Vô sinh tánh, do có thể đạt được pháp nhẫn vô sinh.
Có tam muội tên là Loại bất loại, do đối với chỗ sai biệt của câu văn, khéo dùng trí thiện xảo để duy trì.
Có tam muội tên là Diệu thuyết vô cấu ấn, Bồ Tát do đạt được tam muội này, nên trong khoảng một sát na, có thể dùng trí tuệ chứng đạt đạo quả đại bồ đề.
Này thiện nam! Có tám mươi pháp tam muội như thế, mỗi mỗi tam muội đều có năm trăm môn tam muội làm quyến thuộc, hợp lại thành bốn vạn pháp môn gồm đủ. Thanh tịnh và tạp nhiễm nên là tám vạn pháp môn tam muội.
Khoảng trước, sau và giữa của tam muội đó cùng với trí vô tận, mỗi mỗi thứ đều có năm trăm môn tam muội, cùng với thanh tịnh, tạp nhiễm nên hợp thành tám vạn bốn ngàn pháp môn tam muội, cho đến từng ấy pháp môn tam muội như vậy là có ngần ấy pháp cú.
Lại thành tựu tám vạn bốn ngàn pháp uẩn sai biệt của Như Lai, là do tám vạn bốn ngàn thứ sai biệt nơi tâm hành của chúng sinh.
Này thiện nam! Căn bản nơi pháp cú là khiến cho các loài hữu tình sinh thức tỉnh, giác ngộ để hội nhập nơi trí hành của Phật.
Lại nữa, trí của tất cả Chư Phật đều hội nhập nơi tâm hành của hết thảy hữu tình, pháp tạng được thuyết giảng là vô lượng, vô biên không thể nghĩ bàn, chẳng phải trong trăm ngàn kiếp có thể nói hết. Tôi nay đối với pháp môn tam muội ấy chỉ nói một ít.
Khi giảng nêu pháp này, trong chúng hội có một vạn sáu ngàn Bồ Tát, ở nơi môn tam muội chứng được pháp nhẫn vô sinh. Có tám vạn bốn ngàn hàng Trời, người phát tâm cầu đạo quả vô thượng bồ đề.
Bấy giờ, Đức Thế Tôn khen ngợi Bồ Tát Đại Hư Không Tạng: Lành thay, lành thay! Này thiện nam! Ông đã khéo giảng nói về công đức của pháp môn tam muội như vậy, tuyên dương trí tối thắng vi diệu của Đức Như Lai mà bản thân ông cũng đã chứng đắc được pháp môn ấy, không nhờ vào người khác để giác ngộ.
Khi đó, Bồ Tát Bảo Cát Tường thưa Phật: Bạch Thế Tôn do nhân duyên gì mà Bồ Tát Đại Hư Không Tạng ở chỗ Đức Như Lai từ hư không có thể mưa xuống các thứ báu?
Phật bảo Bồ Tát Bảo Cát Tường: Này thiện nam! Ta nhớ về vô lượng, vô biên kiếp thời quá khứ, bấy giờ có Đức Phật ra đời hiệu là Như Lai Vô Cấu Viêm Vô Lượng Quang Vương, gồm đủ mười tôn hiệu: Như Lai, Ứng Cúng, Chánh Biến Tri, Minh Hạnh Túc, Thiện Thệ, Thế Gian Giải, Vô Thượng Sĩ, Điều Ngự Trượng Phu, Thiên Nhân Sư, Phật Thế Tôn. Thế Giới của Đức Phật ấy gọi là Di Khư La, kiếp tên là Công Đức Quang.
Này thiện nam! Quốc Độ nơi Thế Giới Di Khư La kia, muôn dân luôn đông đúc, an lạc, đất đai đều bằng bảy báu, phẳng như bàn tay, sạch sẽ, mềm mại, giống như lụa Ca chỉ lật đa, mỗi khi bước đi mọi xúc chạm đều tạo ra cảm giác thích thú, lại dùng vàng Phù đàn phủ che ở trên, với vô số châu báu dùng để điểm tô càng tăng thêm vẻ tráng lệ.
Các hàng cây báu phân chia thành tám con đường đi, giống như Cõi Trời Tha Hóa, tùy chỗ thọ dụng đều được vừa ý. Chư Thiên, nhân ở trong những cung điện, lầu gác, thuận theo ý niệm của họ các vật dụng ăn uống tức thì hiện ra.
Này thiện nam! Đức Như Lai Vô Cấu Viêm Vô Lượng Quang ấy có sáu mươi na do tha chúng Đại Bồ Tát. Thời này có Chuyển Luân Thánh Vương tên là Phước Báo Trang Nghiêm, gồm đủ bảy báu, thành trì, Kinh Đô của Vua Chuyển Luân Thánh Vương đó giống như cung điện của Châu Thiệm Bộ.
Bốn phương Đông, Tây, Nam, Bắc đều cách nhau bốn do tuần, ở khoảng giữa đều dùng bảy báu xen lẫn nhằm tạo nên vẻ trang nghiêm. Lại có năm trăm vườn hoa, ánh sáng màu sắc luôn chan hòa, rực rỡ.
Này thiện nam! Vua Phước Báo Trang Nghiêm ấy có tám vạn bốn ngàn thể nữ xinh đẹp, có bốn vạn người con trai đều là hạng tuấn tú, sức mạnh vô địch, có hai bảo nữ, một tên là Cát Tường Oai, hai tên là Cát Tường Quang. Vua cùng các thể nữ và các Vương Tử trước sau vây quanh thường đi đến vườn Ái trang nghiêm kia để dạo chơi, ca hát, tự thọ hưởng hoan lạc.
Hai bảo nữ ấy, mỗi người đều hóa sinh một đứa con, tướng tốt đẹp đẽ không ai sánh bằng, do đã từng gieo trồng căn lành từ đời trước, nên mọi nguyện lực đều thành tựu, dốc cầu đạo quả vô thượng bồ đề.
Hai người con kia, một tên là Sư Tử, hai tên là Sư Tử Dũng Bộ, vừa mới hóa sinh đã cùng hướng đến Vua cha nói kệ:
Xưa tạo thiện ác đều không mất
Cúng dường Như Lai cũng thường còn
Không bỏ bồ đề, được an lạc
Kiến văn kiên cố cũng chẳng quên.
Không mất Đàn na và tịnh giới
Thành tựu hạnh nhẫn nhục nhu hòa
Biết ân, báo ơn làm việc lành
Tinh tấn không bỏ nguyện bồ đề.
Nhất tâm thiền định đạt giải thoát
Định, tuệ cùng tâm không mê lầm
Thường tu trí tuệ nghiệp không động
Nên mau chứng đắc quả giác ngộ.
Diệt trừ phiền não, đều không vướng
Do đấy không sinh theo bào thai
Mà hoa sinh ở trên hoa sen
Như hoa sen trong bùn, không nhiễm.
Phương Đông có Phật hiệu Y Vương
Chúng ta đến vị ấy cầu pháp
Gần gũi cúng dường Phật Vô Cấu
Thành tựu trí vô ngại ba đời.
Phụ vương nên đến cúng dường Phật
Phụng sự, kính lễ để tu tập
Như Lai ra đời thật khó gặp
Như hoa Ưu Đàm Bát xuất hiện.
Vua nghe lời ấy rất vui mừng
Cùng với vợ con và người hầu
Đủ một ngàn ức các quyến thuộc
Đi đến chỗ ấy gặp Như Lai.
Ân cần kính lễ Đấng Thế Tôn
Hoa đẹp hương thơm đem cúng dường
Cúi đầu đảnh lễ, nhiễu bên phải
Chắp tay trang nghiêm đứng trước Phật.
Sư Tử và vị Dũng Bộ kia
Cũng đều đảnh lễ nơi chân Phật
Lễ Phật xong dùng kệ tán thán
Vì cầu chánh pháp, lợi hữu tình.
Xin cứu vớt, làm nơi nương tựa
Tạo đèn đuốc, soi đường tăm tối
Khiến chúng sinh đạt được an vui
Theo chỗ hiểu biết được tỏ ngộ.
Nay phụ vương ta cậy quyền uy
Bị trói buộc trong năm thứ dục
Không đến, gần gũi Đức Như Lai
Mất sự cúng dường và nghe pháp.
Lành thay! Thế Tôn sinh thương xót
Xin nói đạo bồ đề tối thắng
Khiến các chúng sinh được nghe pháp
Đối với Phật thừa không thoái chuyển.
Lúc ấy Phật vút lên hư không
Cao đến tám mươi cây Đa La
Vua nghe pháp tối thắng của ta
Nghe rồi theo đấy mà tu hành.
Năm dục vô thường, mạng khó giữ
Thân như sương mai, tợ bọt nước
Dục lạc như mộng, như cảnh đùa
Ai người có trí sinh tham đắm?
Người tham dục không biết nhàm chán
Khiến hừng hực tăng thêm khát ái
Người ngu theo cảnh không dừng nghỉ
Chỉ có Bậc Thánh mới biết đủ.
Năm uẩn như huyễn, không bền chắc
Mê hoặc thế gian nên xét kỹ
Các giới như loài ran độc kia
Sáu xứ như thôn xóm rỗng không.
Không Vua không nước không vợ con
Bạn bè giúp đỡ chỉ vô thường
Chỉ có thí, giới, định, tinh tấn
Đời này, đời khác làm bạn bè.
Thấy lực oai đức thần thông ta
Tướng tốt trang nghiêm, đủ biện tài
Ông thích, đời sau được như vậy
Nên phát tâm bồ đề vô thượng.
Đại Vương phước báo nghe pháp rồi
Và cùng bảy mươi ức chúng sinh
Vợ con, tùy tùng, các quyến thuộc
Đều phát tâm bồ đề vô thượng.
Cùng nói đã phát tâm tối thắng
Nguyện độ khắp các loài chúng sinh
Thệ làm hạnh bồ đề thù thắng
Nguyện được thành Phật nơi thế gian.
Này thiện nam! Khi Vua Phước Báo Trang Nghiêm nghe Đức Phật nói kệ xong thì cùng với hàng quyến thuộc chắp tay cung kính, cúi đầu làm lễ, thưa Phật: Bạch Thế Tôn! Xin thương xót nhận sự cúng dường của chúng con.
Lúc đó, Đức Thế Tôn sinh tâm thương xót, liền nhận lời thỉnh cầu của nhà Vua. Vua Phước Báo Trang Nghiêm bèn đem vô số y phục, đồ nằm, thuốc men, đều là những phẩm vật thù thắng, thượng diệu, quý giá khác lạ hơn hết, suốt tám vạn bốn ngàn năm đều thực hiện việc cúng dường.
Bấy giờ, Sư Tử và Sư Tử Dũng Bộ cùng với hai vạn Vương Tử khác, phát tâm với niềm tin thanh tịnh, lìa bỏ ngôi vị vinh hoa nơi thế gian, ở trong pháp của Đức Phật xuất gia học đạo. Hai Vương Thái Tử ấy tu hành tinh tấn, đối với pháp phần bồ đề dốc sức tu tập.
Nên không bao lâu đạt được năm thứ thần thông, nhờ diệu lực của thần thông như ý và diệu lực của trí nguyện do đó có thể ở trong tất cả Thế Giới của Chư Phật làm các Phật Sự, vì mọi chúng sinh thuyết giảng pháp vi diệu, khiến vô lượng, vô số A tăng kỳ hữu tình an trụ nơi đạo quả vô thượng bồ đề.
***
Phật Thuyết Kinh đại Bát Nhã Ba La Mật đa - Hội Thứ Năm - Phẩm Mười Bảy - Phẩm Tham Hành - Phần Hai
Phật Thuyết Kinh đại Bát Nhã Ba La Mật đa - Hội Thứ Ba - Phẩm Ba Mươi Mốt - Phẩm Tuyên Hóa - Phần Ba
MỘT LỜI ÁC Ý, TRĂM NĂM CHỊU KHỔ
Phật Thuyết Kinh độ Thế Phẩm - Phần Ba Mươi
Phật Thuyết Kinh Tạp A Hàm - Kinh Tỳ Kheo Bệnh
Phật Thuyết Kinh Ba Pháp Quán Bảy Xứ - Kinh Số Bốn Mươi Ba
Phật Thuyết Kinh Chánh Cung Kính
Phật Thuyết Kinh Cha Con Gặp Nhau - Phẩm Mười Một - Thọ Ký Dược Xoa Vương
Phật Thuyết Kinh đại Bát Nhã Ba La Mật đa - Hội đầu - Phẩm Mười Năm - Phẩm Biện đại Thừa - Phần Chín