Phật Thuyết Kinh đại Phương Quảng Bảo Khiếp - Phần Ba
Hán dịch: Ngài Tam Tạng Pháp Sư Cầu Na Bạt Ma, Đời Tống
PHẬT THUYẾT KINH
ĐẠI PHƯƠNG QUẢNG BẢO KHIẾP
Hán dịch: Ngài Tam Tạng
Pháp Sư Cầu Na Bạt Ma, Đời Tống
PHẦN BA
Này Bồ Tát Văn Thù Sư Lợi!
Như trong rừng sâu co cây thuốc lớn không thể làm lợi ích cho nhiều chúng sinh.
Cũng vậy, này Bồ Tát Văn Thù Sư Lợi! Nếu người được điều phục theo pháp Thanh Văn thì không thể làm lợi ích cho tất cả chúng sinh.
Này Bồ Tát Văn Thù Sư Lợi! Như trong thành lớn sinh ra cây thuốc lớn tất rất hữu ích cho nhiều người.
Cũng vậy, này Bồ Tát Văn Thù Sư Lợi! Bồ Tát được sinh ra từ trong đại từ, đại bi, không bỏ tâm như châu báu Nhất thiết trí, có thể làm lợi ích cho tất cả chúng sinh.
Này Bồ Tát Văn Thù Sư Lợi! Như trận mưa lớn, thế nước chảy của nó không tồn tại được lâu.
Cũng vậy, này Bồ Tát Văn Thù Sư Lợi! Thanh Văn giảng nói pháp, sự tự tại không tồn tại được lâu.
Này Bồ Tát Văn Thù Sư Lợi! Như dòng nước mùa Xuân chảy qua thời gian lâu dài.
Cũng vậy, này Bồ Tát Văn Thù Sư Lợi! Bồ Tát giảng nói pháp được tồn tại lâu dài ở đời.
Này Bồ Tát Văn Thù Sư Lợi! Như cây ở núi Tuyết, tuy bị chặt đứt nhưng không bao lâu sẽ sống lại được.
Cũng vậy, này Bồ Tát Văn Thù Sư Lợi! Như Lai thực hành các Phật sự rồi liền nhập Niết Bàn, nhưng hạt giống Tam Bảo thì không đoạn dứt.
Bấy giờ, Đại Đức Tu Bồ Đề bạch Phật: Thật hiếm có thay! Bạch Thế Tôn! Hôm nay Thế Tôn đã diễn nói về công đức nơi các pháp vô lượng, vô biên của các Bồ Tát, là các công đức chân thật.
Bạch Thế Tôn! Lại càng hiếm có thay! Bồ Tát nghe công đức chân thật này mà không vui, cũng chẳng cao ngạo.
Đức Phật nói: Này Tu Bồ Đề! Vì các căn của các Bồ Tát vốn tự thanh tịnh, nên các vị nghe các công đức không vui cũng không cao ngạo.
Tu Bồ Đề thưa: Bạch Thế Tôn! The nào là các căn của các Bồ Tát vốn tự thanh tịnh?
Đức Phật nói: Này Tu Bồ Đề! Đó là căn vô ngã thanh tịnh, căn không chúng sinh thanh tịnh, căn không thọ mạng thanh tịnh, căn không trượng phu thanh tịnh, căn không người khác thanh tịnh, căn không kiến chấp về thân thanh tịnh, căn không có vô minh, hữu ái thanh tịnh, căn không có ngã và ngã sở thanh tịnh.
Đại Đức Tu Bồ Đề thưa: Thế nào là thanh tịnh?
Đức Phật nói: Không trói buộc cũng không giải thoát, đó là thanh tịnh. Không sinh, không diệt, không đến, không đi, đó là thanh tịnh. Không vọng tưởng, không phân biệt, không cao, không thấp, không tạo tác, chẳng phải là không tạo tác, không tối tăm, không sáng suốt, không phiền não, chẳng phải là không phiền não, không sinh tử, không Niết Bàn… đó gọi là thanh tịnh.
Đại Đức Tu Bồ Đề thưa: Bạch Thế Tôn! Nếu không sinh tử, không Niết Bàn thì thế nào là thanh tịnh?
Đức Phật nói: Này Tu Bồ Đề! Sự thanh tịnh này là không nhớ nghĩ, phân biệt về sinh tử và Niết Bàn, cũng không chấp thủ, đắm nhiễm.
Này Tu Bồ Đề! Ví như nói Làm thanh tịnh hư không, thật ra không có vật gì phải được trừ bỏ để khiến cho hư không thanh tịnh.
Cũng vậy, này Tu Bồ Đề! Điều được gọi là thanh tịnh ấy thật ra không có pháp nào được gọi là thanh tịnh. Nếu có người nghe đến mà không sợ hãi, thì đó gọi là thanh tịnh.
Này Tu Bồ Đề! Lúc này, ông có thanh tịnh không?
Đại Đức Tu Bồ Đề đáp: Bạch Thế Tôn! Con thanh tịnh vì không có cấu uế.
Nếu không có cấu uế thì ông thanh tịnh như thế nào?
Bạch Thế Tôn! Pháp tánh thanh tịnh, con đã biết rõ.
Hôm nay, ông đã có thể biết pháp tánh thanh tịnh rồi chăng?
Bạch Thế Tôn! Nếu có pháp khác xa lìa khỏi pháp giới thì có thể biết được pháp giới, không có pháp giới thì có thể biết được pháp giới.
Đức Phật hỏi: Này Tu Bồ Đề! Nếu không có một pháp nào xa lìa khỏi pháp giới thì ai là người có thể biết được pháp giới?
Khi ấy, Đại Đức Tu Bồ Đề im lặng không đáp.
Bấy giờ, Bồ Tát Văn Thù Sư Lợi nói với Đại Đức Tu Bồ Đề: Thưa Đại Đức! Sao Đại Đức không đáp lời Đức Như Lai?
Đại Đức Tu Bồ Đề nói: Thưa Nhân Giả! Vì tôi vốn không phát tâm cầu đạo quả Chánh Đẳng Chánh Giác Vô Thượng.
Vì sao?
Vì tôi vốn không tu tập pháp biện tài vô ngại, vô tan. Như vậy, biện tài vô ngại, vô tận là pháp biện tài của Bồ Tát, còn biện tài có chướng ngại, có cùng tận là pháp biện tài của hàng Thanh Văn.
Vậy trong pháp giới này là có chướng ngại hay sao?
Trong pháp giới này không có chướng ngại, vì không chướng không ngại là tướng của pháp giới.
Thưa Đại Đức! Nếu pháp giới ấy là không chướng không ngại, thì vì sao Đại Đức lại nói là có chướng ngại?
Thưa Nhân Giả! Vì tôi đã chứng đắc pháp gián đoạn nên biện tài có chướng ngại, nếu biết pháp giới mà không chứng đắc thì biện tài mới không chướng ngại.
Thưa Đại Đức! Ở trong pháp giới lại có pháp có thể gián đoạn sao?
Thưa Nhân Giả! Pháp giới này là không thể gián đoạn vì tất cả các pháp môn đều là pháp giới.
Nếu tất cả các pháp môn đều là pháp giới thì vì sao Đại Đức lại nói mình chứng đắc pháp gián đoạn?
Vì cảnh giới của hàng Thanh Văn là có giới hạn nên tôi nói là có gián đoạn. Cảnh giới của Phật là không có hạn lượng nên nói là không chướng ngại, không ngưng trệ.
Bồ Tát Văn Thù Sư Lợi hỏi: pháp giới có sinh khởi hay không?
Đại Đức Tu Bồ Đề đáp: pháp giới là không có cảnh giới, diệt hết các cảnh giới thì gọi là pháp giới.
Thưa Đại Đức! Nếu không có cảnh giới, diệt hết các cảnh giới thì vì sao Đại Đức lại ở trong chỗ không có cảnh giới mà giảng nói về cảnh giơi, vì sao lại nói có nhiều loại cảnh giới?
Đại Đức Tu Bồ Đề nói: Trước đây, tôi không nói về biện tài có chướng ngại, có ngưng trệ là của Thanh Văn. biện tài không chướng ngại, không ngưng trệ là pháp biện tài của Bồ Tát.
Bồ Tát Văn Thù Sư Lợi hỏi: Thưa Đại Đức! Hôm nay Đại Đức không đạt được biện tài vô ngại phải không?
Thưa Bồ Tát Văn Thù Sư Lợi! Tôi đã đạt được biện tài vô ngại.
Đại Đức đã đạt biện tài vô ngại, vì sao lại im lặng không đáp lời Phật?
Đại Đức Tu Bồ Đề đáp: Vì tôi không biết căn cơ của tất cả chúng sinh nên biện tài còn ngưng trệ, chướng ngại. Nếu biết rõ về căn cơ của tất cả chúng sinh thì đó là biện tài cua Bồ Tát. Vì vậy, khi Bồ Tát giảng nói pháp không hề bị chướng ngại.
Bồ Tát Văn Thù Sư Lợi hỏi: Thưa Đại Đức! Khi biết rõ pháp giới và đạt được biện tài, Đại Đức có biết cảnh giới có tướng chướng ngại hay không?
Thưa không, Nhân Giả! Tôi chỉ biết cảnh giới là tướng không chướng ngại, không biết cảnh giới có tướng chướng ngại.
Bồ Tát Văn Thù Sư Lợi hỏi: Nếu đã biết rõ cảnh giới không có tướng chướng ngại thì sao Đại Đức không nói mà lại im lặng?
Đức Phật thường khen ngợi Đại Đức Xá Lợi Phất là bậc trí tuệ đệ nhất, Nhân Giả hãy thưa hỏi Đại Đức ấy, Đại Đức ấy sẽ trả lời cho Nhân Giả.
Khi đó, Đại Đức Xá Lợi Phất nói: Xin Đại Đức hãy giảng nói! Hôm nay, tôi muốn được nghe pháp từ Đại Đức và Bồ Tát Văn Thù Sư Lợi.
Đại Đức Tu Bồ Đề nói: Hôm nay, tôi không giảng nói.
Vì sao?
Vì tôi đã từng được thấy Bồ Tát Văn Thù Sư Lợi này đến các Cõi Phật, ở trước trăm ngàn vạn ức Đức Phật mà giảng nói chánh pháp, khiến cho tất cả các hàng Thanh Văn đều im lặng. Vậy thì hôm nay, làm sao tôi có thể ở trước Bồ Tát Văn Thù Sư Lợi mà nói lời gì.
Thưa Đại Đức Xá Lợi Phất! Về phương Đông, có nước tên là Đoan Nghiêm, ở đó có Đức Phật hiệu là Quang Tướng Như Lai Ứng Cúng Chánh Biến Giác, hiện đang thuyết pháp, có vị Đại Thanh Văn tên là Trí Đăng đạt trí tuệ bậc nhất.
Bấy giờ, Đức Như Lai Quang Tướng nhập định tĩnh lặng, đại Thanh Văn Trí Đăng liền đến cõi Phạm Thiên, dùng âm thanh lớn để giảng nói pháp, tiếng vang khắp tam thiên đại thiên Thế Giới. Tôi theo Bồ Tát Văn Thù Sư Lợi đến Thế Giới ấy, lúc đó cũng có vô số Bồ Tát và trăm ngàn Thiên Tử theo hầu Bồ Tát Văn Thù Sư Lợi để nghe pháp.
Khi ấy, Bồ Tát Văn Thù Sư Lợi ở Cõi Trời Quang âm phát ra âm thanh lớn nghe vang khắp tam thiên đại thiên Thế Giới. Đại Thanh Văn Trí Đăng nghe âm thanh lớn này, vị ấy không thể chịu nổi, từ trên tòa ngã xuống, vô cùng kinh hãi, lông tóc đều dựng đứng.
Trí Đăng liền đi đến chỗ Đức Phật Quang Tướng, đến nơi, đảnh lễ ngang chân Phật, nhiễu quanh Phật ba vòng rồi chắp tay thưa hỏi việc ấy: Bạch Thế Tôn! Ai đã phát ra âm thanh đáng kính sợ như vậy?
Con nghe âm thanh ấy không thể nào chịu nổi, từ trên tòa ngã xuống như con chim nhỏ bị trận cuồng phong thổi đến.
Đức Phật Quang Tướng nói với Thanh Văn Trí Đăng: Có vị Bồ Tát không còn thoái chuyển tên là Văn Thù Sư Lợi, hiện thần thông lớn đi đến cõi này, vì muốn gặp Như Lai để cúng dường, cung kính, tôn trọng ngợi khen, nên ở Cõi Trời Quang âm phát ra âm thanh lớn, âm thanh này vang xa khắp tam thiên đại thiên Thế Giới, tất cả cung điện của các Ma đều bị ẩn mất.
Bấy giờ, Thanh Văn Trí Đăng bạch Phật Quang Tướng: Con rất muốn được nhìn thấy Bậc Trượng Phu Đại Thiện Văn Thù Sư Lợi.
Đức Phật Quang Tướng liền vì Bồ Tát Văn Thù Sư Lợi mà hiện tướng, làm cho Văn Thù Sư Lợi và đại chúng gồm các Bồ Tát cùng các vị Trời quyến thuộc đều đến chỗ Đức Phật. Đến nơi, các vị đảnh lễ ngang chân Phật, đi nhiễu quanh bên phải ba vòng, biến hóa ra cùng ngồi trên các tòa hoa sen ở một bên.
Lúc ấy, đại Thanh Văn Trí Đăng hỏi Bồ Tát Văn Thù Sư Lợi: Vì lợi ích gì mà Nhân Giả đến cõi này?
Bồ Tát Văn Thù Sư Lợi nói với Đại Đức Trí Đăng: Hôm nay, tôi muốn gặp Đức Như Lai Quang Tướng để cung kính đảnh lễ, hầu thăm và thưa hỏi chánh pháp, nên đã đến đây.
Đại Đức Trí Đăng hỏi: Thưa Nhân Giả! Như thế nao thì được gọi là thanh tịnh gặp Phật?
Thế nào là đảnh lễ Phật?
Thế nào là gần gũi Phật?
Thế nào là hầu thăm Phật?
Thế nào là thưa hỏi Phật?
Bồ Tát Văn Thù Sư Lợi đáp: Thưa Đại Đức! Nếu thấy pháp thanh tịnh gọi là thanh tịnh thấy Phật.
Cả thân lẫn tâm không thấp không cao mà đứng ngay ngắn, không lay không động, tâm ý tịch tĩnh thực hành hạnh tịch tĩnh, thưa Đại Đức! Như vậy gọi là đảnh lễ Đức Phật.
Không quan sát mình, không quan sát người khác, không quan sát Phật, không quan sát Pháp, không quan sát Tăng, không thấy dễ, không thấy khó, không thấy tạo tác cũng không thấy không tạo tác, một lạy, một thân, tất cả các thân Phật đều thể nhập vào pháp thân, thấy thân mình cùng thể nhập vào pháp tánh, thấy cũng như không thấy, không gần, không xa, này Đại Đức, như vậy gọi là gần gũi Đức Phật.
Nếu ở chỗ Đức Như Lai, vì thưa hỏi việc tu hành nên không gì là không tu hành, không thấy có pháp, không thấy người tu hành, thấy tự mình và pháp đều nhập vào sự tu hành, thăm hỏi về tâm định tĩnh, không tán loạn, người thăm hỏi, nơi thăm hỏi và pháp thăm hỏi đều không thật có, không hề tham chấp, ở trong ba đời mong cầu đều không thể nắm bắt, ba phạm trù thanh tịnh để thưa hỏi như vậy, thì này Đại Đức, đó gọi là thăm hỏi Đức Phật.
Nếu hỏi đáp qua lại không tìm tòi lỗi lầm, tùy theo điều được thưa hỏi mà Như Lai ấn chứng và khen ngợi, đại chúng hoan hỷ, không ganh ghét điều thưa hỏi của người khác, khi có điều gì được thưa hỏi đều khiến cho vô lượng chúng sinh phát khởi đạo trang nghiêm cho đến Đạo Tràng, này Đại Đức, đó là thưa hỏi Đức Phật.
Khi ấy, Đức Như Lai Quang Tướng khen ngợi Bồ Tát Văn Thù Sư Lợi: Lành thay! Lành thay! Này Bồ Tát Văn Thù Sư Lợi! Hãy nên gặp Như Lai như vậy, nên đảnh lễ như vậy, nên gần gũi như vậy, nên thăm hỏi như vậy, nên thưa hỏi Như Lai như vậy.
Lúc ấy, Bồ Tát Văn Thù Sư Lợi hỏi Tỳ Kheo Trí Đăng: Thưa Đại Đức!
Thế nào là gặp Phật?
Thế nào là đảnh lễ Phật?
Thế nào là gần gũi Phật?
Thế nào là thăm hỏi Phật?
Thế nào là thưa hỏi Phật?
Đại Đức Trí Đăng đáp: Thưa Nhân Giả! Những điều Nhân Giả hỏi không phải là cảnh giới của tôi. Tôi tùy theo âm thanh mà được nghe người khác giảng nói.
***
Phật Thuyết Kinh đại Bát Nhã Ba La Mật đa - Hội Thứ Năm - Phẩm Mười Bảy - Phẩm Tham Hành - Phần Hai
Phật Thuyết Kinh đại Bát Nhã Ba La Mật đa - Hội Thứ Ba - Phẩm Ba Mươi Mốt - Phẩm Tuyên Hóa - Phần Ba