Phật Thuyết Kinh đại Bảo Tích - Pháp Hội Thứ Chín - Pháp Hội đại Thừa Thập Pháp - Phần Hai

Kinh Đại thừa   •   Thứ hai, 25/12/2023, 22:18 PM

Hán dịch: Ngài Tam Tạng Pháp Sư Nan Liên Đề Gia Xá, Đời Cao Tế

PHẬT THUYẾT

KINH ĐẠI BẢO TÍCH

Hán dịch: Ngài Tam Tạng Pháp Sư

Nan Liên Đề Gia Xá, Đời Cao Tế  

PHÁP HỘI THỨ CHÍN

PHÁP HỘI ĐẠI THỪA THẬP PHÁP  

PHẦN HAI  

Này thiện nam tử! Bồ Tát thành tựu những hạnh như vậy, gọi đó là hạnh thành tựu.

Vì hiển thị nghĩa ấy, Đức Thế Tôn nói kệ rằng:

Hạnh là tăng thượng của

Phật Thừa và nhị thừa

Vì thế nên người trí

Tu những hạnh vi diệu

Bồ Tát tiếng tăm lớn

Thành tựu hạnh vô úy

Nên chứng được bồ đề

Của Chư Phật đã nói.

Này thiện nam tử! Thế nào là Đại Bồ Tát tánh thành tựu?

Này thiện nam tử! Đại Bồ Tát tánh tự ít tham dục sân hận ngu si, chẳng tiếc lẫn chẳng rít rắm, chẳng thô bạo, chẳng ngã mạn, chẳng nóng vội, điều hòa nhu nhuyến, lời lành dịu dàng, dễ cùng ở chung.

Bồ Tát ấy đối với tất cả sự cúng dường thượng thắng đúng như tâm dâng hiến, những vật sở hữu y phục uống ăn chia cấp cho người. Thí xả xong liền sanh lòng vui mừng hớn hở, nhẫn đến xả thí những phần trên than thể. Thật hành hạnh ấy, Bồ Tát thấy Như Lai hoặc hàng Thanh Văn long rất hoan hỷ. Đại Bồ Tát thành tựu pháp như vậy gọi đó là tánh thành tựu.

Vì muốn hiển thị nghĩa ấy, Đức Thế Tôn nói kệ rằng:

Thấy khói liền biết lửa

Thấy uyên ương biết nước

Tướng lạ biết Bồ Tát

Bồ Tát đại trí huệ

Chẳng rít chẳng não chúng

Bỏ những hạnh dua vậy

Vì khéo tin chúng sanh

Đây gọi là Bồ Tát tánh.

Này thiện nam tử! Thế nào gọi là Đại Bồ Tát ưa thích tâm bồ đề?

Nầt thiện nam tử! Đại Bồ Tát vì có tướng bồ đề nên phát tâm bồ đề. Lúc chưa phát tâm bồ đề, hoặc Chư Phật Như Lai, hoặc Chư Thanh Văn khuyên phát tâm bồ đề. Đây là tướng sơ phát tâm của Bồ Tát.

Này thiện nam tử! Bồ át ấy nghe nói có bồ đề, nghe tâm bồ đề có công đức lớn, nghe rồi phát tâm vô thượng bồ đề. Đây là tướng thứ hai phát tâm bồ đề của Bồ Tát.

Này thiện nam tử! Bồ Tát ấy thấy các chúng sanh không có chủ không người than không ai cứu ai hộ không ai độ được khiến họ đến bỉ ngạn.

Bồ Tát liền vì các chúng sanh ấy mà sanh long từ bi mà nói rằng: Tôi sẽ làm người cứu hộ cho các chúng sanh bơ vơ ấy. Vì nhân ấy mà Bồ Tát phát tâm vô thượng bồ đề. Đây là tướng thứ ba Phát Tâm bồ đề của Bồ Tát.

Này thiện nam tử! Bồ Tát ấy vì thấy thân tướng đầy đủ của Như Lai mà sanh lòng vui mừng, sanh lòng phấn khởi. Do nhân duyên này mà Bồ Tát phát tâm vô thượng bồ đề. Đây là tướng thứ tư phát tâm bồ đề của Bồ Tát.

Này thiện nam tử! Bồ Tát ấy làm lợi ích cho các chúng sanh kia, cho họ được an ổn vui vẻ nên tu các hạnh bố thí trì giới nhẫn nhục tinh tiến thiền định và Bát Nhã.

Này thiện nam tử! Thế nào là Bồ Tát tu hạnh bố thí?

Này thiện nam tử! Bồ Tát suy nghĩ rằng: Tôi phải bố thí thế nào?

Tôi phải làm như vậy: Cần ăn cho ăn, cần uống cho uống, cần giường nệm cho giường nệm, cần y phục nón mũ giầp dép đồ trang sức v.v… đều cho tất cả, nhẫn đến cắt thịt thân mình mà bố thí. Bố thí như vậy nguyện lấy vô thượng bồ đề, mà chẳng cầu lấy phước báo tài vật, chẳng an trụ nơi sự tướng. Đây gọi là Bồ Tát thật hành bố thí.

Này thiện nam tử! Thế nào là Bồ Tát tu trì giới hạnh?

Này thiện nam tử! Bồ Tát ấy trước tiên tự điều thuận than nghiệp, điều thuận khẩu nghiệp, điều thuận ý nghiệp. Tất cả ác nghiệp đều bỏ rời. Giữ gìn giới hạnh chẳng khuyết giảm chẳng sót chẳng tạp. Trì giới như vậy hồi hướng vô thượng bồ đề, mà tâm Bồ Tát ấy chẳng hề nắm lấy giới. Đây gọi là Bồ Tát tu hạnh trì giới.

Này thiện nam tử! Thế nào là Bồ Tát tu hạnh nhẫn nhục?

Này thiện nam tử! Bồ Tát nếu nghe hoặc kẻ đạo người tục hoặc mắng nhiếc nói xấu, hoặc đánh đập trói trăn, hoặc chặt tay chân v.v… đều nhẫn được cả. Tu hạnh nhẫn nhục như vậy, Bồ Tát hồi hướng vô thượng bồ đề, chẳng vì nhẫn như vậy mà sanh long kiêu mạn. Đây gọi là Bồ Tát tu hạnh nhẫn nhục.

Này thiện nam tử! Thế nào là Bồ Tát tu hạnh tinh tiến?

Này thiện nam tử! Bồ Tát suy nghĩ rằng hư không giới vô lượng vô biên, chúng sanh giới cũng vô lượng vô biên, chỉ tôi một người riêng không đồng bạn làm cho nhập vào Vô Dư Niết Bàn giới.

Vì nhân duyên ấy mà Bồ Tát phát khởi hạnh tinh tiến: Ban đầu nhiếp trì tự than. Nhiếp trì tự than rồi quán thọ quán tâm quán pháp. Chánh quán nơi thọ tâm và pháp rồi hành trì tâm hạnh.

Đã hành trì tâm hạnh rồi kế đến tu hành các hạnh thấy pháp v.v… trì tâm ý như thế xong, vì làm cho những ác bất thiện chưa sanh phải dứt diệt chẳng sanh nên Bồ Tát phát khởi dục cần tinh tiến.

Vì làm cho những thiện pháp chưa sanh được phát sanh nên Bồ Tát phát khởi dục cần tinh tiến. Kế đến Bồ Tát lại tu hành sơ như ý túc, đệ nhị đệ tam và đệ tứ như ý túc. Tu Hành như vậy chẳng sanh tâm kiêu mạn. Đây gọi là Bồ Tát tu hành tinh tiến.

Này thiện nam tử! Thế nào gọi là Bồ Tát tu hạnh thiền định?

Này thiện nam tử! Bồ Tát vì chẳng tham trước nơi dục, chẳng tham trước nơi diệt, chẳng tham trước nơi ly dục, chẳng tham trước tự thân, chẳng tham trước tha thân, chẳng tham trước sắc thọ tưởng hành thức, chẳng tham trước Dục Giới, chẳng tham trước sắc giới, chẳng tham trước nơi không vô tướng nơi vô nguyện, chẳng tham trước Thế Giới hiện tại này, chẳng tham trước Thế Giới vị lai mà làm hạnh bố thí.

Chẳng y chỉ nơi thí nơi giới nơi nhẫn nhục nơi tinh tiến nơi thiền định. Bồ Tát tu hạnh thiền định như vậy hồi hướng vô thượng bồ đề mà chẳng sanh phân biệt. Đây gọi là Bồ Tát tu hạnh thiền định.

Này thiện nam tử! Thế nào là Bồ Tát tu hạnh bát nhã?

Này thiện nam tử! 

Bồ Tát thường suy nghĩ rằng: Tôi hóa độ chúng sanh.

Hóa độ rồi lại nghĩ rằng: Tôi hóa độ vô lượng vô biên chúng sanh giới khiến họ nhập vào Vô Dư Niết Bàn giới mà không có một chúng sanh nhập vào Niết Bàn giới.

Tại sao vậy?

Như Đức Phật đã dạy rằng tất cả các pháp không có ngã, không có nhân, không có chúng sanh, không có thọ mạng. Bồ Tát Tu Huệ như vậy hồi hướng vô thượng bồ đề. Nguyện như vậy mà ở nơi trí huệ chẳng sanh phân biệt. Đây gọi là Bồ Tát tu hạnh bát nhã.

Này thiện nam tử! Đại Bồ Tát Phát Tâm bồ đề như vậy, gọi là Bồ Tát ưa thích tâm bồ đề.

Vì hiển thị nghĩa ấy, Đức Thế Tôn lại nói kệ rằng:

Dường như chân bửu châu

Chẳng bỏ rời ánh sáng

Lại như vàng trong mỏ

Luyện xong càng thêm sáng

Bồ Tát tánh như vậy

Càng sáng tâm bồ đề

Nhi biên thanh tịnh rồi

Ma chẳng quấy hại được.

Này thiện nam tử! Thế nào là Bồ Tát ưa thích nơi pháp?

Này thiện nam tử! Đại Bồ Tát tánh tự ưa thích nơi pháp, vui mừng nơi pháp và thấm nhuần nơi pháp. Nếu thấy người biết nơi pháp, hoặc Sa Môn hoặc Bà La Môn, tùy vật sở hữu đều đem dâng cúng và chắp tay cung kính.

Cung kính cúng dường rồi, từ nơi người biết pháp ấy mà được nghe pháp chưa từng được nghe. Cầu được chánh pháp như thế rồi, Bồ Tát như thiệt tu hành. Đối với người biết pháp trì pháp ấy.

Bồ Tát tưởng là Tôn Trưởng, là Hòa Thượng, là A Xà Lê, quan niệm rằng từ lâu tôi mất bậc Đạo Sư nay bỗng được gặp nên tưởng là bậc Đạo Sư.

Bồ Tát lại nghĩ rằng tôi thường bị hệ phược tại ngục tù thế gian không hiểu biết không ai cứu, chẳng biết hỏi ai, nay bỗng gặp Đạo Sư.

Bồ Tát lại nghĩ rằng: Từ lâu tôi mãi ngủ ở thế gian ngu si như người mù, nay bỗng nhiên được người mở mắt cho.

Bồ Tát lại nghĩ rằng: Từ lâu tôi chìm sâu trong bùn không ai cứu vớt, nay bỗng được người vớt lên.

Bồ Tát lại nghĩ rằng: Từ lâu tôi mất bậc Đạo Sư dẫn đạo chúng sanh, nay bỗng được gặp bậc Đạo Sư.

Bồ Tát lại nghĩ rằng: Từ lâu tôi bị nhốt ở chỗ nghèo khổ hoạn nạn thế gian không ai cứu tiếp, nay được gặp người cứu tiếp. Bồ Tát lại nghĩ rằng từ lâu tôi mắc bệnh khó lành không có lương y điều trị được, nay gặp đươc lương y. Bồ Tát lại nghĩ rằng từ lâu tôi bị lửa tham dục đốt cháy chưa nhờ mây lành mưa tưới, nay bỗng được mây lành tuôn mưa.

Vì nhân duyên thích pháp mến thầy như vậy, nên Bồ Tát nhẫn chịu đựng sự khổ não như lạnh nóng, các chúng sanh hay làm não hại người như muỗi nòng v.v… đều nhẫn chịu được, cũng nhẫn chịu được sự đói khát v.v… thấy chúng sanh vui sướng chẳng sanh lòng ham muốn.

Bồ Tát nghĩ rằng dầu tôi hưởng thọ sự khoái lạc thế gian, không bằng nếu tôi được nghe một câu chánh pháp. Nghe xong có thể thành Văn Huệ, sanh ý tưởng Văn Huệ.

Do vì ưa thích nơi chánh pháp như vậy, nên Bồ Tát làm việc bố thí chẳng có lòng ưu sầu nhẫn đến không hề có sự lo khổ.

Vì thế mà Bồ Tát nghĩ rằng: Tôi vì nghe một câu pháp của Đức Như Lai nói, dầu cho có vào ở A tỳ địa ngục từ một kiếp đến trăm ngàn kiếp cũng không thấy khổ nhọc, mà tu hành nhất thiết chủng trí. Nếu có người nào chưa được chánh pháp của Phật, tôi có thể làm cho họ được.

Này thiện nam tử! Bồ Tát ưa thích nơi pháp như vậy thì gọi là Bồ Tát ưa thích nơi pháp.

Vì muốn tuyên bày nghĩa ấy, Đức Thế Tôn lại nói kệ rằng:

Tất cả pháp như huyễn

Che đậy tâm chúng sanh

Hư vọng như chiêm bao

Phải thọ trì như vậy

Pháp như trăng trong nước

Vì bóng hình nổi lên

Pháp như tượng trong gương

Người trí phải xét biết.

Này thiện nam tử! Thế nào là Bồ Tát quán pháp thuận pháp?

Này thiện nam tử! Đại Bồ Tát dầu quán sắc vô thường mà chẳng do diệt sắc để chứng nhập pháp giới. Dùng như thiệt trí, nơi các pháp sở hữu ở trong pháp giới như thiệt biết rõ các pháp tướng rồi khéo ghi nhớ khéo tu tập.

Trong pháp giới ấy sở hữu các tướng, chỗ có thuyết giả tu giả và ký giả, tự nhiên nhập vào thuyết giới hạnh như vậy. Như với sắc,với thọ tưởng hành nhẫn đến thức, Bồ Tát dùng như thiệt quán chánh quán sát rồi mà chẳng diệt thức, chẳng chán lìa thức để chứng nhập pháp giới.

Tất cả pháp sở hữu trong pháp giới, dùng như thiệt trí như thiệt chứng biết. Trong các pháp ấy có những danh tự đều khéo nói khéo biết tu khéo ghi nhớ. Do vì khéo biết, khéo tu và khéo ghi nhớ nên tự nhiên nhập pháp giới hạnh như vậy. 

Như quán biết vô thường, quán biết khổ vô ngã và bất tịnh cũng như vậy. Quán sắc vô thường khéo biết như vậy, ở trong sắc ấy chẳng còn sanh tưởng khủng bố.

Tại sao vậy?

Vì như thiệt biết sắc hư vọng sanh ra, Bồ Tát khéo biết như thiệt như vậy. Thọ tưởng hành thức đều vô thường khổ vô ngã và bất tịnh, ở trong thọ tưởng hành và thức ấy chẳng sanh tưởng khủng bố.

Tại sao vậy?

Vì như thiệt biết thọ tưởng hành và thức là hư vọng, Bồ Tát khéo biết như thiệt như vậy.

Này thiện nam tử! Ví như nhà ảo thuật khéo giỏi và đồ đệ hóa thuật ra các sự bốn binh chủng, đó là tượng binh, mã binh, xa binh, bộ binh. Người có trí xem thấy chẳng kinh sợ.

Tại sao vậy?

Vì người trí biết đó là những thứ hư vọng do nhà ảo thuật hoá ra phỉnh gạt mọi người.

Này thiện nam tử! Bồ Tát quán sắc vô thường như vậy. Quán vô thường rồi ở trong sắc ấy chẳng sanh tưởng khủng bố.

Tại sao vậy?

Vì như thiệt biết sắc hư vọng sanh khởi, Bồ Tát khéo biết như thiệt như vậy.

Này thiện nam tử! Bồ Tát quán thọ đến thức vô thường như vậy. Quán vô thường rồi ở trong thọ đến thức chẳng sanh tưởng khủng bố.

Tại sao vậy?

Vì như thiệt biết thọ đến thức hư vọng sanh khởi, Bồ Tát khéo biết như thiệt như vậy.

Này thiện nam tử! Bồ Tát quán pháp thuận pháp như vậy.

Bấy giờ, Tịnh Vô Cấu Bửu Nguyệt Vương Quang Bồ Tát bạch rằng: Bạch Đức Thế Tôn! Thế nào là Bồ Tát quán sắc vô thường mà chẳng rời sắc nói nơi pháp giới chứng nơi pháp giới tập học pháp giới, dùng sức trí huệ như thiệt chứng biết tất cả các pháp?

Đức Phật phán dạy: Này thiện nam tử! Vì ông hỏi nên nay ta nói ví dụ.

Này thiện nam tử! Ví như trong thế gian, người có trí lấy các chất độc, lấy chất độc rồi hoặc nấu hoặc cao hoặc hiệp với chất thuốc khác. Hiệp với các chất thuốc khác rồi, vì tài lợi mà đem bán thuốc độc ấy, nhưng người trí này chẳng tự uống.

Tại sao vậy?

Vì người trí ấy suy nghĩ rằng chớ để thân tôi do thuốc độc này mà phải chết mất.

Này thiện nam tử! Đại Bồ Tát tâm thuận hướng đến Niết Bàn, tâm nhuần hướng đến Niết Bàn, tâm nhuần chảy về Niết Bàn, tâm chánh lấy Niết Bàn, mà Đại Bồ Tát chẳng chứng Niết Bàn.

Tại sao vậy?

Bồ Tát suy nghĩ: Chớ để thân tôi do nhân duyên ấy mà thối chuyển bồ đề.

Lại này thiện nam tử! Ví như có người phụng thờ lửa. Họ tôn trọng cung kính gìn giữ ngọn lửa, mà họ chẳng có tâm niệm dùng hai tay nắm bốc lửa.

Tại sao vậy?

Vì họ tâm niệm rằng chớ để thân tôi vì nhân duyên ấy mà phải thân đau tâm khổ.

Này thiện nam tử! Đại Bồ Tát dầu tâm thuận hướng đến bờ Niết Bàn, mà Đại Bồ Tát suy nghĩ rằng: Chớ để thân tôi do nhân duyên ấy mà thối bồ đề trí.

Ngài Tịnh Vô Cấu Bửu Nguyệt Vương Quang Đại Bồ Tát bạch rằng: Bạch Đức Thế Tôn! Như chỗ tôi hiểu pháp nghĩa được Đức Phật nói thì Bồ Tát phải thường ở thế gian.

Đức Phật phán: Đúng như vậy. Bồ Tát phải thường ở tại thế gian.

Ngài Tịnh Vô Cấu Bửu Nguyệt Vương Quang Đại Bồ Tát bạch rằng: Bạch Đức Thế Tôn! Bồ Tát ở tại thế gian phải thế nào để khỏi bị thế gian ô nhiễm?

Đức Phật dạy: Này thiện nam tử! Nay tôi vì ông mà nói ví dụ.

Này thiện nam tử! Ví như có người khéo hiểu phương tiện bắt các cầm thú. Người ấy dùng sức Chú thuật cùng đùa với rắn độc, nắm rắn độc hoặc ngậm hoặc rờ vuốt. Đùa giỡn với rắn độc như vậy mà trọn chẳng bị nhân duyên ấy làm mất mạng.

Tại sao vậy?

Vì có sức chú thuật thiện xảo vậy.

Này thiện nam tử! Đại Bồ Tát ở tại thế gian hành thế gian pháp, vì có sức đại trí phương tiện thiện xảo cùng các thuốc độc phiền não ác đùa giỡn, mà chẳng bị nhân duyên kia làm thối bồ đề.

Tại sao vậy?

Vì Đại Bồ Tát đã thành tựu sức trí huệ phương tiện thiện xảo vậy.

Ngài Tịnh Vô Cấu Bửu Nguyệt Vương Quang Đại Bồ Tát bạch rằng: Đức Thế Tôn rất lạ lùng, rất lạ lùng thay! Đấng Thiện Thệ rất ít có rất khó có!

Bạch Đức Thế Tôn! Đại Bồ Tát tâm hướng đến Niết Bàn mà chẳng chứng Niết Bàn, dầu ở tại thế gian mà chẳng bị thế gian ô nhiễm. Nay tôi quy y Chư Bồ Tát.

***

icon

Tổng hợp

Cùng chủ đề

Phật Thuyết Kinh đại Bát Nhã Ba La Mật đa - Hội Thứ Ba - Phẩm Ba Mươi Mốt - Phẩm Tuyên Hóa - Phần Ba

Kinh Đại thừa   •   25.12.2023
Hán dịch: Ngài Tam Tạng Pháp Sư Cưu Ma La Thập, Đời Diêu Tần