Phật Thuyết Kinh Văn Thù Sư Lợi Phổ Siêu Tam Muội - Phẩm Bốn - Phẩm đồng ấu

Kinh Đại thừa   •   Thứ hai, 25/12/2023, 22:04 PM

Hán dịch: Ngài Tam Tạng Pháp Sư Trúc Pháp Hộ, Đời Tây Tấn

PHẬT THUYẾT KINH

VĂN THÙ SƯ LỢI PHỔ SIÊU TAM MUỘI

Hán dịch: Ngài Tam Tạng Pháp Sư

Trúc Pháp Hộ, Đời Tây Tấn  

PHẨM BỐN

PHẨM ĐỒNG ẤU  

Bấy giờ, Thế Tôn bảo Xá Lợi Phất: Giả sử có thiện nam, thiện nữ nào muốn được mau diệt độ thì phải nên phát khởi ý đạo vô thượng chánh chân.

Vì sao?

Nay ta nhìn thấy họ sợ tai nạn từ vô thỉ đến nay mà chẳng chịu phát khởi ý đạo vô thượng chánh chân, chí họ nguyện theo Thanh Văn, muốn được mau diệt độ, do đó họ tiếp tục ở trong vòng sinh tử mà còn ưa thích nữa. Nhưng các Bồ Tát thì thông đạt, tinh tấn, trụ bình đẳng nơi pháp, thành tựu được các thông tuệ, tu nhất thiết trí.

Vì sao?

Về thuở quá khứ xa xưa, số kiếp nhiều không kể xiết, không thể nghĩ bàn, có một vị Như Lai hiệu là Nhất Thiết Đạt Như Lai, Chí Chân, Đẳng Chánh Giác, Minh Hạnh Thành, Thiện Thệ, Thế Gian Giải, Vô Thượng Sĩ, Đạo Pháp Ngự, Thiên Nhân Sư, Phật Chúng Hựu ra đời.

Phật bảo Xá Lợi Phất: Đức Nhất Thiết Đạt Như Lai Chánh Giác có chúng hội Thanh Văn có đến hàng trăm ức tuổi thọ, Đức Phật ấy trụ thế đến trăm ngàn năm. Đức Phật có vị đệ tử Thanh Văn đứng đầu trí tuệ cao vời tên là Siêu Thù, có thần túc siêu tuyệt tên là Đại Đạt.

Thuở đó, Đức Như Lai ra đời trong đời năm trược. Sáng sớm, Đức Phật đắp y chỉnh tề, mang bát cùng Thánh Chúng quyến thuộc vây quanh đi vào thành của một nước lớn tên là Văn Vật để khất thực. Vị đại Thanh Văn trí tuệ tối tôn kia hầu bên phải Đức Phật.

Những vị trí tuệ học rộng hiểu nhiều tối cao thù thắng thì làm tùy tùng sau Đức Phật. Tám ngàn vị Bồ Tát đi trước dẫn đường, hóa hiện hoặc thân như Đế Thích, hoặc thân như Phạm Thiên, như Tứ Thiên Vương, hoặc như hình dạng Thiên Tử, nghiêm trang trên đường đi.

Phật bảo Xá Lợi Phất: Khi Đức Như Lai sắp vào thành thì thấy có ba đứa trẻ trang sức các loại báu và chuỗi ngọc. Chúng nô đùa tự nhiên giữa đường đi.

Có một đứa trẻ trông thấy Đức Như Lai sáng rỡ, uy thần hiển hách, cao vời lồng lộng, đoan nghiêm không ai bằng, chí tánh Ngài thanh tịnh đạt được sự điều thuận tuyệt vời, tịch mịch đệ nhất, các căn đã hàng phục như là rồng, voi nhân từ, như việc lớn lắng trong, không chút bợn nhơ.

Ngài có ba mươi hai tướng của bậc đại nhân, tám mươi vẻ đẹp trang nghiêm thân thể như khi mặt trời mọc, ánh sáng chiếu ngời ngời. Ngài cùng đi với đại chúng giống như mặt trăng giữa ngàn vì sao.

Một đứa trẻ bảo hai đứa kia: Các ngươi không thấy Đức Như Lai đến ư?

Đây đúng là Đấng Như Lai chí tôn vô thượng của tất cả, là ruộng phước của thế gian, ánh sáng rực rỡ, huy hoàng khó ai sánh nỗi. Chúng ta đây đều nên cúng dường Ngài sẽ được lợi ích rộng lớn.

Rồi dùng kệ tụng khen:

Bậc ấy chúng sinh kính

Ruộng phước không ai trên

Chúng ta phải dâng cúng

Cúng Ngài phước không lường

Đứa trẻ thứ hai nói kệ:

Ta nay không có hoa

Cũng không có các hương

Thánh ấy không ai sánh

Lấy gì mà cúng dường.

Đến đây, một đứa trẻ liền cởi vòng ngọc đeo cổ trị giá hàng trăm ngàn rồi dùng kệ tụng khen:

Dùng vật này hiến cúng

Đấng phước điền vô thượng

Người trí sáng ở đâu

Thấy Ngài đều cung kính.

Lúc ấy, hai đứa trẻ còn lại theo đứa trẻ kia, đều cởi chuỗi ngọc đeo cổ, cầm ở tay mà ca tụng:

Cúng dường Bậc Chánh Giác

Qua sóng nước sông sâu

Thoát vô lượng ý chí

Trụ trong pháp bình đẳng.

Bấy giờ, một đứa trẻ bảo hai đứa trẻ kia: Các ngươi dùng cội gốc đức ấy, chí muốn cầu điều gì?

Một đứa trẻ đáp:

Ở cạnh Đức Thế Tôn

Bên phải đại Thanh Văn

Thần tốc tối siêu việt

Ta nguyện được như ông.

Khi ấy hai đứa trẻ nói với đứa trẻ kia: Này ngươi dùng cội gốc đức ấy muốn được điều gì?

Đáp rằng:

Muốn như Đức Như Lai

Chí Chân, Chánh Đẳng Giác

Thấy rõ khắp tất cả

Giống như sư tử bước

Soi Thánh Chúng sáng rỡ

Ta nguyện được như thế

Bậc nhất ba cõi kính

Độ thoát cả mười phương.

Một đứa trẻ vừa nói lời này thì trong hư không, tám ngàn vị Thiên Tử đều khen ngợi: Hay thay! Hay thay! Chúng ta rất ưa thích lời nói này. Nay Nhân Giả đã phát ý thì Chư Thiên, thế gian đều được nhờ cứu giúp.

Phật bảo Xá Lợi Phất: Bên cạnh Nhất Thiết Đạt Như Lai Chánh Giác có vị thị giả tên là Hải Ý học rộng hiểu nhiều bậc nhất.

Ngài gọi mà bảo: Ông có thấy ba đứa trẻ đều cầm chuỗi ngọc đi đến chăng?

Bồ Tát Hải Ý thưa: Thưa Đấng Thiên Trung Thiên, con đã thấy.

Đức Thế Tôn bảo rằng: Này Tỳ Kheo! Ông nên biết, đứa trẻ ở giữa đã kiến lập cái chí tánh cao vời khó lường kia, cứ trong mỗi một bước vượt qua được hoạn nạn cả trăm kiếp từ vô thỉ đến nay, một lần cất bước cội gốc công đức thì sẽ lại làm Chuyển Luân Thánh Vương trăm lần, nhận địa vị Đế Thích cũng lại như thế… thăng lên cõi Phạm Thiên là Vua Trời Phạm cũng sẽ như vậy, mỗi lần cất một bước cội gốc công đức lại gặp trăm Đức Phật.

Ba đứa trẻ đến chỗ Đức Như Lai Nhất Thiết Đạt, cúi đầu dưới chân Ngài rồi tung chuỗi ngọc báu lên Đức Thế Tôn. Những đứa trẻ phát khởi ý nhỏ Thanh Văn thì tung chuỗi ngọc lên ngang tầm mi mắt Đức Phật, còn đứa trẻ phát khởi tâm thông tuệ thì chuỗi ngọc ấy tung lên giữa hư không trên Đức Phật.

Chúng biến thành đường sá, lầu đài, màn rủ, bốn bên che chắn trang nghiêm bằng phẳng. Ở trong đó hóa làm giường ngồi để Đức Như Lai dùng. Đến đây, Đức Nhất Thiết Đạt Như Lai liền vui cười.

Vị thị giả hỏi Đức Phật: Kính thưa Thế Tôn! Vì cớ gì Ngài cười?

Ngài cười chắc có ý gì?

Như Lai bảo: Này Hải Ý! Ông nhìn thấy hai đứa trẻ phát khởi ý Thanh Văn, tay cầm chuỗi ngọc tung lên cúng dường Như Lai chứ?

Tỳ Kheo Hải Ý đáp: Thưa Đại Thánh, con đã thấy.

Phật lại bảo: Này Tỳ Kheo! Ông nên biết hai đứa trẻ đó sợ nạn sinh tử, phát khởi ý khiếp nhược, lòng mong cầu cứu giúp. Do vậy, chẳng phát ý đạo vô thượng chánh chân mà muốn được Thanh Văn làm đệ tử tôn quý. Về đời sau đều sẽ chứng đắc, một người thì trí tuệ tối tôn, người thứ hai thì thần túc vô song.

Phật bảo Xá Lợi Phất: Ý ông nghi ngờ gì chăng?

Vị đồng tử ở giữa phát khởi ý thông tuệ là bản thân ta đó. Vị đồng tử nguyện đứng bên phải chính là ông. Vị đồng tử nguyện đứng bên trái chính là Đại Mục Kiền Liên.

Này Xá Lợi Phất! Ta quán sát các ông khi ấy vốn sợ nạn sinh tử, tuy có trồng cội gốc đức mà không thể phát khởi ý đạo vô thượng chánh chân, tâm chí khiếp nhược, muốn mau diệt độ thì chẳng thể mau chóng được.

Ông nương nơi pháp của ta mà đạt được vô vi, nay ông nhìn thấy các thông tuệ của ta chăng?

Bằng hữu của các ông làm đệ tử Đức Phật mới được giải thoát. Do nhân này nên ta mới quán sát như vậy. Giả sử có người muốn mau chóng diệt độ thì phải phát khởi ý đạo vô thượng chánh chân.

Vì sao?

Đã nói là nhanh chóng, đã gọi là các thông tuệ thì không có gì có thể vượt qua, chắc thật mà không lừa dối. Thừa đó là bậc nhất, yên ổn khắp các chúng sinh thì đó là các thông tuệ vậy, là vi diệu tôn quý vô thượng, là không ai sánh bằng, là so sánh vô song, không ai có thể vượt qua, là Thừa vô quái ngại, tất cả thừa Thanh Văn, Duyên Giác đều chẳng bì kịp, đó gọi là các Thừa thông tuệ.

Khi Phật nói pháp điển Đại Thừa ấy, một vạn người phát khởi đạo ý vô thượng chánh chân.

Ngay khi ấy các vị đại Thanh Văn như: Hiền Giả Xá Lợi Phất, Đại Mục Kiền Liên, Đại Ca Diếp, Ly Việt, A Nan, Luật Hòa Lợi, Phân Nậu Văn Đà Ni Tử, Tôn Giả Tu Bồ Đề… tự gieo mình xuống đất, cúi đầu dưới chân Phật.

Bạch Thế Tôn: Kính thưa Đại Thánh! Nếu có thiện nam, thiện nữ nào phát khởi ý chí lớn, nên cúng dường, sẽ được đạo giải thoát vi diệu ở hạnh chí chân.

Vì sao?

Vì giả sử trăm ngàn các Đức Phật Thế Tôn vì chúng con thuyết giảng các hạnh thông tuệ nhưng chúng con chẳng thể kham nhận vì không có thế lực. Nếu phát tâm thông tuệ đối với nhất thiết tuệ ấy thì không chỗ ngăn ngại thù thắng khó bì kịp. Chúng con thà phạm tội ngũ nghịch đọa vào địa ngục vô gián mà chẳng dừng lại, chứ chẳng bỏ đi ý đạo vô thượng chánh chân để làm Thanh Văn.

Vì sao?

Vì giả sử phạm ngũ nghịch, tội đọa vào địa ngục, chịu các khổ độc, khi khổ đau kia hết rồi, từ địa ngục thoát ra mà chẳng xa lìa, tâm không chỗ ngăn ngại các thông tuệ.

Xét như hôm nay phải làm gì để không kham chịu?

Thiêu đốt chánh chân, bại hoại nguồn gốc đối với Phật tuệ, đối với trí vô quái ngại thì chẳng phải pháp khí của Phật, ví như người đã chết không còn lợi ích cho thân thuộc, chúng ta dùng thừa Thanh Văn để lập chí giải thoát cũng giống như vậy. Như thế là bỏ tất cả, không lợi ích cho chúng sinh. Ví như đất này làm sung túc cho tất cả chúng sinh hai chân, bốn chân hoặc nhiều chân.

Bạch Thế Tôn! Cũng giống như thế những ai phát khởi ý đạo vô thượng chánh chân thì chúng sinh ở trên Chư Thiên, thế gian đều nhờ ân đức được độ cả.

***

icon

Tổng hợp

Cùng chủ đề

Phật Thuyết Kinh đại Bát Nhã Ba La Mật đa - Hội Thứ Ba - Phẩm Ba Mươi Mốt - Phẩm Tuyên Hóa - Phần Ba

Kinh Đại thừa   •   25.12.2023
Hán dịch: Ngài Tam Tạng Pháp Sư Cưu Ma La Thập, Đời Diêu Tần