Phật Thuyết Kinh đại Bảo Tích - Pháp Hội Thứ Mười - Pháp Hội Văn Thù Sư Lợi Phổ Môn - Phần Hai
Hán dịch: Ngài Tam Tạng Pháp Sư Nan Liên Đề Gia Xá, Đời Cao Tế
PHẬT THUYẾT
KINH ĐẠI BẢO TÍCH
Hán dịch: Ngài Tam Tạng Pháp Sư
Nan Liên Đề Gia Xá, Đời Cao Tế
PHÁP HỘI THỨ MƯỜI
PHÁP HỘI
VĂN THÙ SƯ LỢI PHỔ MÔN
PHẦN HAI
Lại này Văn Thù Sư Lợi!
Thế nào là súc sanh tướng tam muội?
Như mây hiện hình sắc
Trong ấy không có thiệt
Làm cho người vô trí
Nơi ấy sanh mê hoặc
Nơi loài súc sanh kia
Thọ lấy các thứ thân
Như mây trong hư không
Hiện ra các sắc tượng
Biết rõ nghiệp như huyễn
Chẳng sanh lòng mê hoặc
Tướng ấy vốn tịch tịnh
Là súc sanh tam muội.
Lại này Văn Thù Sư Lợi!
Thế nào là Diêm Ma La Giới tướng tam muội?
Gây tạo thuần nghiệp ác
Và tạo các nghiệp tạp
Lưu chuyển cõi Diêm La
Thọ lấy các sự khổ
Thiệt không cõi Diêm La
Cững không người lưu chuyển
Tự tánh vốn vô sanh
Các khổ dường cảnh mộng
Nếu quán được như vậy
Diêm Ma La tam muội.
Lại này Văn Thù Sư Lợi!
Thế nào là tham tướng tam muội?
Tham từ phân biệt sanh
Phân biệt cũng chẳng có
Vô sanh cũng vô tướng
Trụ xứ bất khả đắc
Tham tánh như hư không
Cũng không có kiến lập
Phàm phu vọng phân biệt
Do đó sanh tham nhiễm
Pháp tánh vốn vô nhiễm
Thanh tịnh như hư không
Tìm cầu khắp mười phương
Tánh nó bất khả đắc
Vì chẳng biết tánh không
Thấy tham sanh lòng sợ
Không có sợ sanh sợ
Ở đâu đươc an vui
Ví như kẻ ngu si
Sợ sệt cõi hư không
Vì sợ mà rong chạy
Lánh không chẳng muốn thấy
Hư không khắp tất cả
Chỗ nào rời nó được
Vì kẻ ngu mê hoặc
Sanh điên đảo phân biệt
Tham vốn không tự tánh
Vọng sanh tâm nhàm lìa
Như người muốn lánh không
Trọn không thoát khỏi được
Các pháp tánh tự lìa
Dường như là Niết Bàn
Chư Phật trong ba đời
Biết tham tánh là không
Ở trong cảnh giới ấy
Chưa lúc nào bỏ lìa
Người kinh sợ nơi tham
Suy gẫm cầu giải thoát
Tham tự tánh như vậy
Rốt ráo thường thanh tịnh
Lúc ta chứng Bồ Đề
Rõ thấu đều bình đẳng
Nếu chấp tham là có
Sẽ bỏ lìa nơi tham
Do hư vọng phân biệt
Mà nói bỏ lìa tham
Đây là tâm phân biệt
Thìệt không gì để bỏ
Tánh nó bất khả đắc
Cũng không có diệt hoại
Trong bình đẳng thiệt tế
Không giải thoát phân biệt
Nếu giải thoát nơi tham
Nơi không cũng giải thoát
Hư không cùng với tham
Vô tận vô sai biệt
Nếu ai thấy sai biệt
Phật bảo phải bỏ rời
Tham thiệt không có sanh
Vọng khởi sanh phân biệt
Tham ấy bổn tánh không
Chỉ có danh tự giả
Chẳng nên do giả danh
Mà sanh lòng chấp trước
Vì biết tham không nhiễm
Thì là rốt ráo không
Chẳng do diệt hoại tham
Mà được nơi giải thoát
Pháp tham ở Phật Pháp
Bình đẳng tức Niết Bàn
Người trí phải nên biết
Rõ tham tịch tịnh rồi
Nhập vào cõi tịch tịnh
Đó tên tham tam muội.
Lại này Văn Thù Sư Lợi!
Thế nào là sân tướng tam muội?
Do nhân duyên hư vọng
Mà khởi lòng giận dữ
Không ngã chấp làm ngã
Và do tiếng thô ác
Khởi lòng sân quá mạnh
Dường như là ác độc
Âm thanh và giận dữ
Rốt ráo vô sở hữu
Như dùi gỗ ra lửa
Cần nhờ sức các duyên
Nếu duyên chẳng hòa hiệp
Thì lửa chẳng sanh được
Âm thanh chẳng đẹp ý
Rốt ráo vô sở hữu
Biết thanh tánh là không
Sân cũng chẳng còn sanh
Sân chẳng ở nơi thanh
Cũng chẳng ở trong thân
Nhân duyên hòa hiệp khởi
Rời duyên chẳng sanh được
Như nhân sữa làm duyên
Hòa hiệp sanh tô lạc
Sân tự tánh không khởi
Nhân nơi tiếng thô ác
Người ngu chẳng biết được
Nhiệt não tự đốt cháy
Phải nên biết như vậy
Rốt ráo vô sở hữu
Sân tánh vốn tịch tịnh
Chỉ có nơi giả danh
Giận dữ tức thiệt tế
Bởi nương chân như khởi
Biết rõ như pháp giới
Thì gọi sân tam muội
Lạy này Văn Thù Sư Lợi!
Thế nào là si tướng tam muội?
Vô minh thể tánh không
Vốn tự không sanh khởi
Trong ấy không chút pháp
Mà nói được là si
Phàm phu nơi vô si
Hư vọng sanh lòng si
Nơi vô trước sanh trước
Dường như gút hư không
Lạ thay cho kẻ ngu
Chẳng nên làm mà làm
Các pháp đều chẳng có
Do nhiễm phân biệt sanh
Như muốn lấy hư không
An trí ở một chỗ
Dầu trải ngàn muôn kiếp
Không hề tích tụ được
Kẻ ngu từ hồi nào
TrảI bất tư nghị kiếp
Vọng khởi gút ngu si
Mà không chút phần tăng
Như người lấy hư không
Không bao giờ tăng giảm
Nhóm ngu si nhiều kiếp
Không tăng giảm cũng vậy
Lại như ống bễ kia
Rút gió không hạn lượng
Ngu si mê dục lạc
Không lúc nào chán đủ
Si ấy vô sở hữu
Không căn không trụ xứ
Vì căn chẳng phải có
Cũng không si để tận
Bởi vì si vô tận
Biên tế bất khả đắc
Thế nên các chúng sanh
Ta chẳng thể làm tận
Dầu ta trong một ngày
Độ được Cõi Đại Thiên
Có bao nhiêu chúng sanh
Đều khiến nhập Niết Bàn
Trải qua bất tư nghì
Vô lượng ngàn muôn kiếp
Ngày ngày độ như vậy
Chúng sanh giới chẳng tận
Si giới chúng sanh giới
Cả hai đều vô tướng
Nó đều như huyễn hoá
Nên chẳng làm tận được
Si tánh với Phật Tánh
Bình đẳng không sai khác
Nếu phân biệt nơi Phật
Người ấy ở ngu si
Si và nhất thiết trí
Tánh đều bất khả đắc
Nhưng các chúng sanh ấy
Với si đều bình đẳng
Chúng sanh bất tư nghị
Si cũng bất tư nghị
Do vì bất tư nghị
Chẳng nên khởi phân biệt
Tâm tư duy như vậy
Suy lường bất khả đắc
Si cũng chẳng thể lường
Vì nó không biên tế
Đã không có biên tế
Từ đâu mà sanh được
Vì tự tánh vô sanh
Tướng cũng bất khả đắc
Biết si không có tướng
Quán Phật cũng như vậy
Phải nên biết như vậy
Tất cả pháp không hai
Tánh si vốn tịch tịnh
Chỉ có danh tự giả
Lúc ta chứng Bồ Đề
Cũng rõ si bình đẳng
Quán sát được như vậy
Gọi là si tam muội.
Lại này Văn Thù Sư Lợi!
Thế nào là Bất Tiện tam muội?
Biết tham sân si ấy
Tất cả các phiền não
Có bao nhiêu hành tướng
Hư vọng không chân thật
Quan sát được như vậy
Là bất thiện tam muội.
Lại này Văn Thù Sư Lợi!
Thế nào là thiện pháp tam muội?
Các ông phải nên biết
Những người sở thích thiện
Tâm niệm đều sai khác
Đều đồng nơi một hạnh
Dùng một tướng xuất ly
Mà biết rõ tất cả
Vì thảy đều tịch tịnh
Gọi là thiện tam muội.
Lại này Văn Thù Sư Lợi!
Thế nào là hữu vi tam muội?
Các ông phải nên biết
Tất cả pháp hữu vi
Chẳng phải sở tạo tác
Cũng không cân lường được
Ta biết rõ các hành
Tánh nó không chứa họp
Tất cả đều tịch tịnh
Gọi hữu vi tam muội.
Lại này Văn Thù Sư Lợi!
Thế nào là vô vi tam muội?
Tánh vô vi tịch tịnh
Trong ấy không sở trước
Cũng lại chẳng xuất ly
Chỉ có danh tự giả
Vì chúng sanh chấp trước
Mà nói danh tự ấy
Biết rõ được như vậy
Là vô vi tam muội.
Lúc Đức Thế Tôn nói kệ bất tư nghị vi diệu như vậy, có chín muôn hai ngàn Bồ Tát được vô sanh pháp nhẫn. Ba muôn sáu ngàn Tỳ Kheo dứt hết phiền não tâm được giải thoát. Bảy mươi hai muôn ức na do tha Chư Thiên, sáu ngàn Tỳ Kheo Ni, một trăm tám mươi muôn Ưu Bà Tắc, hai ngàn hai trăm Ưu Bà Di đều phát tâm vô thượng bồ đề.
Ngài Văn Thù Sư Lợi Bồ Tát lại bạch rằng: Bạch Đức Thế Tôn! Mong Đức Thế Tôn vì Chư Bồ Tát mà diễn nói danh tự của các môn tam muội. Làm cho người nghe các căn thông lợi được trí huệ sáng đối với các pháp, chẳng bị khuất phục bởi những chúng sanh tà kiến, cũng là cho họ chứng được bốn vô ngại biên tài, nơi một văn tự mà biết được các thứ văn tự, nơi các thứ văn tự.
Lại dùng vô biên biện tài và các chúng sanh mà khéo thuyết pháp, cũng làm cho chứng được thậm thâm pháp nhẫn, trong một sát na biết tất cả hành, tất cả hành ấy mỗi hành lại có vô biên hành tướng đều biết rõ được cả.
Đức Phật dạy: Này Văn Thù Sư Lợi!
Có tam muội tên Vô Biên Ly Cầu. Nếu Bồ Tát được tam muội ấy thì hiện được tất cả các sắc thanh tịnh.
Có tam muội tên Khả Úy Diện. Bồ Tát được tam muội ấy có oai quang lớn chói che nhật nguyệt.
Có tam muội tên Xuất Diệm Quang. Bồ Tát được tam muội ấy thì chói che được ánh sáng của tất cả Đế Thích và Phạm Thiên.
Có tam muội tên Xuất Ly. Bồ Tát được tam muội ấy làm cho chúng sanh xuất ly tất cả tham sân si.
Có tam muội tên Vô Ngại Quang. Bồ Tát được tam muội ấy thì chiếu sáng được tất cả Phật Quốc.
Có tam muội tên Vô Vong Thất. Bồ Tát được tam muội ấy thì thọ trì được giáo pháp của Chư Phật nói, và cũng có thể vì người khác mà diễn nói nghĩa Phật pháp.
Có tam muội tên Lôi Âm. Bồ Tát được tam muội ấy thì khéo có thể hiển thị tất cả ngôn âm lên đến Trời Phạm Thiên.
Có tam muội tên Hỉ Lạc. Bồ Tát được tam muội ấy có thể làm cho chúng sanh đầy đủ hỷ lạc.
Có tam muội tên Hỷ Vô Yểm. Bồ Tát được tam muội ấy, có ai thấy nghe Ngài đều không chán đủ.
Có tam muội tên Chuyên Nhất Cảnh Nan Tư Công Đức. Bồ Tát được tam muội ấy có thể thị hiện tất cả thần biến.
Có tam muội tên Giải Nhất Thiết Chúng Sanh Ngữ Ngôn. Bồ Tát được tam muội ấy thì khéo tuyên nói được tất cả ngữ ngôn. Trong một chữ nói tất cả chữ biết tất cả chữ đồng như một chữ.
Có tam muội tên Siêu nhất thiết Đà La Ni Vương. Bồ Tát được tam muội ấy thì khéo biết rõ được các Đà La Ni.
Có tam muội tên Nhất Thiết Biện Tài Trang Nghiêm. Bồ Tát được tam muội ấy thì khéo phân biệt được tất cả văn tự và các thứ ngôn âm.
Có tam muội tên Tích Tập Nhất Thiết Thiện Pháp. Bồ Tát được tam muội ấy có thể làm cho chúng sanh đều nghe tiếng Phật, tiếng pháp, tiếng Tăng, tiếng Thanh Văn, tiếng Duyên Giác, tiếng Bồ Tát, tiếng Ba La Mật. Lúc Bồ Tát trụ tam muội như vậy thì làm cho các chúng sanh nghe tiếng ấy không dứt.
Ngài Văn Thù Sư Lợi Bồ Tát bạch rằng: Mong Đức Thế Tôn gia hộ cho tôi được vô ngại biện tài để nói công đức thù thắng của pháp môn ấy.
Đức Phật nói: Lành thay, lành thay! Tùy ý nguyện của ông.
Ngài Văn Thù Sư Lợi Bồ Tát lại bạch rằng: Bạch Đức Thế Tôn! Nếu có Bồ Tát nơi pháp môn ấy mà thọ trì đọc tụng không có nghi hoặc, thì nên biết rằng người này ở trong thân hiện tại được bốn thứ biện tài là thiệp tật biện tài, quảng đại biện tài, thậm thâm biện tài và vô tận biện tài.
Tâm Ngài thường hộ niệm các chúng sanh tùy chỗ tu hành của họ. Người nào sắp thối thất hư hoại, Ngài đều có thể giác ngộ họ cho họ không thối hoại.
Đức Thế Tôn khen: Lành thay, lành thay! Văn Thù Sư Lợi có thể khéo phân biệt được nghĩa ấy. Như người bố thí được báo giàu có lớn, người trì cấm giới quyết định sanh Thiên, người có thể thọ trì được Kinh Điển này thì hiện đời được biện tài quết không hư vọng.
Như ánh sáng mặt trời chiếu ra thì trừ được tối tăm, như Bồ Tát ngồi tòa Bồ Đề thành Đẳng Chánh Giác quyết định không nghi, người thọ trì đọc tụng Kinh Điển này thì hiện đời được biện tài cũng như vậy.
Này Văn Thù Sư Lợi! Nếu có người ở hiện đời muốn cầu biện tài thì nơi Kinh Điển này phải tin ưa thọ trì đọc tụng vì người mà giảng rộng chớ sanh lòng nghi hoặc.
Bấy giờ Ngài Vô Cấu Tạng Bồ Tát bạch rằng: Bạch Đức Thế Tôn! Sau khi Đức Phật nhập Niết Bàn, nơi pháp môn này, nếu Chư Bồ Tát tâm không nghi hoặc mà thọ trì đọc tụng rộng giảng thuyết cho người, thì tôi sẽ nhiếp thọ thêm biện tài cho họ.
Lúc ấy Ma Vương Ba Tuần lo rầu khổ não rơi lệ đến chỗ Đức Phật mà bạch rằng: Ngày xưa lúc Đức Như Lai chứng vô thượng bồ đề, tôi đã lo rầu rồi. Hôm nay Như Lai lại nói pháp môn này càng thêm khổ não nhiều như trúng phải tên độc.
Nếu chúng sanh nghe Kinh Điển này quyết định không thối chuyển nơi vô thượng bồ đề mà Bát Niết Bàn, làm cho Thế Giới tôi phải trống rỗng.
Đức Như Lai Ứng Cúng Đẳng Chánh Giác hay làm cho tất cả chúng sanh khổ sở đều được an vui. Mong Đức Như Lai thương xót chẳng hộ niệm Kinh Điển này cho tôi được an ổn hết lo khổ.
Đức Thế Tôn bảo Ba Tuần rằng: Chớ cưu lòng lo khổ. Nơi pháp môn này ta chẳng gia hộ. Các chúng sanh cũng chẳng Niết Bàn. Thiên ma Ba Tuần nghe lời này vui mừng hết buồn lo liền ẩn mất.
Ngài Văn thù Sư Lợi Bồ Tát tiến lên bạch rằng: Có mật ý gì mà Đức Thế Tôn hôm nay bảo Ba Tuần rằng Phật chẳng gia Hộ pháp môn này?
Đức Phật phán: Này Văn Thù Sư Lợi! Dùng không gia hộ để gia hộ pháp môn này, vì thế nên ta nói với Ba Tuần như vậy. Bởi tất cả pháp bình đẳng thiệt tế đều quy nơi chân như đồng với pháp giới rời các ngôn thuyết, vì tướng bất nhị nên không có gia hộ. Do lời thành thiệt không có hư vọng của ta như vậy có thể làm cho Kinh Điển này rộng lưu truyền tại Diêm Phù Đề.
Phán dạy xong, Đức Thế Tôn bảo Ngài A Nan rằng: Này A Nan! Kinh này tên là Phổ Nhập Bất Tư Nghị pháp môn. Nếu ai thọ trì được Kinh Điển này là thọ trì tám muôn bốn ngàn pháp môn, hai sự thọ trì ấy đồng nhau không sai khác.
Tại sao vậy?
Ví ta ở nơi Kinh này thông đạt rồi mới có thể vì các chúng sanh mà diễn nói tám muôn bốn ngàn pháp môn.
Thế nên, này A Nan! Ông phải khéo hộ trì đọc tụng lưu thông pháp môn này chớ để quên mất. Đức Phật nói Kinh này rồi, Ngài Văn Thù Sư Lợi Bồ Tát, Ngài Vô Cấu Tạng Bồ Tát, Tôn Giả A Nan và các Thế Gian Thiên, Nhân, A Tu La v.v… tất cả chúng hội nghe lời Đức Phật dạy đều rất vui mừng tin thọ phụng hành.
***
Phật Thuyết Kinh đại Bát Nhã Ba La Mật đa - Hội Thứ Năm - Phẩm Mười Bảy - Phẩm Tham Hành - Phần Hai
Phật Thuyết Kinh đại Bát Nhã Ba La Mật đa - Hội Thứ Ba - Phẩm Ba Mươi Mốt - Phẩm Tuyên Hóa - Phần Ba
Phật Thuyết Kinh đại Thừa Nhập Lăng Già - Phẩm Mười Một - Phẩm Kệ Tụng Phần Thứ Nhì - Phần Năm
Phật Thuyết Kinh Tạp A Hàm - Kinh Sa Môn Bà La Môn - Phần Một
Phật Thuyết Kinh Thành Cụ Quang Minh định ý - Phần Một
Phật Thuyết Kinh Hoằng đạo Quảng Hiển Tam Muội - Phẩm Mười Một - Phẩm Thọ Phong Bái
Phật Thuyết Kinh Chánh Pháp Hoa - Phẩm Tám - Thọ Ký Năm Trăm đệ Tử - Phần Hai
Phật Thuyết Kinh Sinh - đức Phật Thuyết Giảng Về Việc Hỏi đáp Cho Trưởng Giả Hòa Lợi
Phật Thuyết Kinh Hoằng đạo Quảng Hiển Tam Muội - Phẩm Bốn - Phẩm Thỉnh Như Lai
Phật Thuyết Kinh Tối Thắng Vấn Bồ Tát Thập Trụ Trừ Cấu đoạn Kết - Phẩm Hai Mươi Chín - Phẩm Tam độc
Phật Thuyết Kinh Bát Nhã Ba La Mật - Phẩm Bảy Mươi Tám - Phẩm Tứ Nhiếp