Phật Thuyết Kinh đại Bảo Tích - Pháp Hội Thứ Mười Bảy - Pháp Hội Phú Lâu Na - Phẩm Thứ Bảy - Phẩm đáp Nạn

Kinh Đại thừa   •   Thứ hai, 25/12/2023, 22:18 PM

Hán dịch: Ngài Tam Tạng Pháp Sư Nan Liên Đề Gia Xá, Đời Cao Tế

PHẬT THUYẾT

KINH ĐẠI BẢO TÍCH

Hán dịch: Ngài Tam Tạng Pháp Sư

Nan Liên Đề Gia Xá, Đời Cao Tế  

PHÁP HỘI THỨ MƯỜI BẢY

PHÁP HỘI PHÚ LÂU NA  

PHẨM THỨ BẢY

PHẨM ĐÁP NẠN  

Bấy giờ trong Pháp Hội có một Tỳ Kheo tên Tượng Thủ rời chỗ ngồi trịch y vai hữu gối hữu chấm đất chắp tay bạch Đức Phật: Bạch Đức Thế Tôn! Tôi nghe Đức Phật nói sự khó như vậy cả mình rởn ốc, nước mắt nước mũi chảy tuôn. Nay tôi muốn hỏi một việc. Đức Thế Tôn tự nói lúc tu hạnh Bồ Tát việc làm đúng như lời và lời nói đúng như việc làm. Lúc ban sơ Đức Thế Tôn nguyện độ tất cả chúng sanh.

Nếu đã nguyện như vậy mà hiện nay chúng sanh được độ chưa hết Đức Thế Tôn lại sẽ nhập Niết Bàn. Sau khi Đức Thế Tôn diệt độ, hoặc có người đến chất vấn các Tỳ Kheo rằng Đại Sư của các thầy bổn nguyện sẽ độ tất cả chúng sanh. Chúng sanh chưa hết mà đã tự diệt độ.

Nếu họ hỏi như vậy thì phải đáp thế nào?

Đức Phật bảo Tỳ Kheo Tượng Thủ:

Nếu có người chất vấn như vậy thì nên hỏi lại họ: Ngài lấy pháp gì làm chúng sanh?

Nếu họ đáp là ấm nhập giới là chúng sanh thì lại hỏi họ là ấm nhập giới hoà hiệp là chúng sanh hay ấm nhập giới ly tán là chúng sanh?

Nếu họ nói họ hiệp là chúng sanh thì lại nên bảo họ rằng Ngài đã tự trả lời rồi.

Tại sao?

Vì hoà hiệp là chúng sanh, ấm nhập giới chẳng phải chúng sanh. Pháp của Phật nói là để vì ly tán chớ chẳng phải để vì hoà hiệp. 

Đức Phật thích hạnh ly tán mà chẳng thích hoà hiệp. Trong hoà hiệp không có chúng sanh. Nếu họ lại nói chỉ ấm nhập giới là chúng sanh thì nên hỏi lại họ rằng nếu như vậy thì tất cả cỏ cây ngói đá đều là chúng sanh cả vì trong ấy cũng có ấm nhập giới.

Nếu họ nói trong các thứ ấy không có tâm, không có tâm sở nên chẳng phải là chúng sanh, thì nên hỏi lại họ rằng nếu như vậy thì tất cả chúng sanh lẽ ra là một chúng sanh.

Tại sao?

Vì Đức Phật chẳng nói ấm nhập giới có khác. Nếu họ lại nói trong Kinh Phật nói có chúng sanh vì vậy nên có chúng sanh, thì nên bảo lại họ rằng Ngài đã tự đáp rồi.

Tại sao?

Vì trong Kinh Đức Phật nói ly hữu ly vô.

Nếu họ nói rằng như thế thì không có đạo quả, thì nên hỏi lại họ Ngài lấy gì làm quả?

Nếu họ nói là lấy quyết định đệ nhất nghĩa làm đạo quả thì nên hỏi lại họ trong quyết định đệ nhất nghĩa không có âm thanh ngữ ngôn.

Trong không có âm thanh ngữ ngôn chẳng được nói quyết định có không có. Ngài nói quyết định đệ nhất nghĩa là quả, trong quyết định đệ nhất nghĩa ấy không có chúng sanh không có danh tự chúng sanh. Thế nên Ngài nói có chúng sanh thì lời nói ấy tự phá rồi.

Lại này Tượng Thủ! Trong Kinh của Phật nói trong các pháp không có cái gì diệt chỉ dứt diệt khổ não thôi. Phật thông đạt thiệt tướng các pháp như vậy. Theo pháp của mình được mà đem dạy chúng sanh. Pháp của Phật nói là để vì không tham lấy, vì viễn ly, vì không hí luận, vì không tác khởi.

Này Tượng Thủ! Nếu người nào biết pháp nghĩa của Phật như vậy thì có thể chẳng bị sự có không có mà khởi sanh hành nghiệp. Nếu người đã chẳng vì có không có mà khởi hành nghiệp thì người ấy đâu còn thấy có chúng sanh thấy không có chúng sanh.

Này Tượng Thủ! Đây gọi là thường an trụ thiệt tướng các pháp. Trong ấy không có ức tưởng phân biệt không cấu không tịnh không lai không khứ không đạo không đạo không đạo quả không trường không đoản không tròn không vuông không hình không sắc. Thế nên nói các pháp nhất ngôn đó là định môn vậy.

Này Tượng Thủ! Đây gọi là kiến pháp môn. Nhập vào kiến pháp môn này thì có thể gọi là thấy Phậy vậy.

Này Tượng Thủ! Ý ông thế nào, tuỳ theo dùng pháp nào thấy Phật, pháp ấy có phải là tướng diệt đã diệt nay diệt sẽ diệt chăng?

Bạch Thế Tôn, không.

Này Tượng Thủ! Ý ông thế nào, tuỳ theo dùng pháp nào thấy Phật, pháp ấy có tướng sanh đã sanh nay sanh sẽ sanh chăng?

Bạch Thế Tôn, không.

Này Tượng Thủ! Nếu vậy thì Phật chẳng gọi là diệt độ. 

Bạch Thế Tôn, đúng như vậy.

Này Tượng Thủ! Nếu người ấy lại nói rằng tôi chỉ căn cứ nơi thân tướng mà nói Phật diệt độ. Phật nhập Niết Bàn rồi không còn trở lại. Chỉ thấy thân tướng chẳng cón trở lại mà tôi nói Phật diệt độ.

Nếu họ nói như vậy thì nên hỏi họ rằng Ngài nói thân tướng thành tựu là Phật chăng?

Nếu họ nói phải thì nên bảo họ rằng trong Kinh Phật chẳng nói thân tướng gọi là Như Lai. Nếu nói thân tướng là Phật thì tất cả ngói đá núi sông cỏ cây đều là Phật cả.

Nếu họ lại nói tất cả thứ ấy không có đủ ba mươi hai tướng Đại Nhân nên chẳng được gọi là Như Lai, thì nên bảo họ rằng Ngài nói có đủ ba mươi hai tướng nên gọi là Phật, như vậy Chuyển Luân Thánh Vương là Phật rồi. Tại sao, vì thân Chuyển Luân Thánh Vương có ba mươi hai tướng.

Nếu họ lại nói rằng cứ theo tướng pháp, Bà La Môn biết tướng pháp nói sẽ làm Phật, sự ấy là thiệt. Nên bảo họ rằng nếu có đủ ba mươi hai tướng chính là Phật, sao ngài lại tự nói rằng tướng sư thấy có ba mươi hai tướng thì ghi nhận sẽ được làm Phật.

Nay Ngài nên nói tướng cuả Phật. Nếu họ nói rằng tôi nói, Phật thập lực, tứ vô uý, thập bát bất cộng pháp, vô lậu, căn lực, giác đạo, thiền định, giải thoát. Tam Muội v.v… là tướng của Phật, thì nên bảo họ rằng Ngài nói thập lực v.v… là tướng của Phật nay nên nói Phật thể tánh thì phải hơn.

Nếu họ nói rằng Phật cùng với tướng ấy khác nhau chăng?

Thì nên bảo họ rằng Ngài tự nói là tướng của Phật. Tướng của Phật chẳng phải Phật.

Nếu họ lại nói rằng còn có pháp không hình không sắc là tướng của Phật Thập lực v.v… chăng?

Thì nên bảo họ rằng pháp không hình không sắc sao lại dùng pháp có hình có sắc làm tướng?

Nếu Ngài lại nói pháp không hình không sắc gọi là Phật thì các pháp không hình không sắc khác cũng đều có thể là Phật cả.

Nếu các pháp ấy cũng là Phật thì thập lực, tứ vô uý, thập bát bất cộng pháp, vô lậu, căn lực, giác đạo, thiền định, giải thoát Tam Muội v.v… cũng lẽ ra cùng tương ưng với nó.

Này Tượng Thủ! Bổn nguyện của ta được vô thượng bồ đề độ thoát tất cả chúng sanh. Ta ngồi Đạo Tràng được vô thượng bồ đề rồi chẳng được chúng sanh chẳng được danh tự chúng sanh.

Ta ngồi Đạo Tràng chỉ thông đạt pháp mười hai nhân duyên: Vì sự này có nên có sự này, vì sự này không nên không sự này, vì sự nào có nên có sự nào, vì sự nào không nên không sự nào. Đó là do vô minh nhân duyên nên có các hành, do các hành nhân duyên nên có thức, do thức nhân duyên nên có danh sắc, do danh sắc nhân duyên nên có lục nhập, do lục nhập nhân duyên nên có xúc, do xúc nhân duyên nên có thọ.

Do thọ nhân duyên nên có aí, do aí nhân duyên nên có thủ, do thủ nhân duyên nên có hữu, do hữu nhân duyên nên có sanh, do sang nhân duyên nên có lão tử ưu bi khổ não, xoay vần như vậy chỉ là khối đại khổ tập hợp.

Vì vô minh diệt nên các hành diệt, vì các hành diệt nên thức diệt, vì thức diệt nên danh sắc diệt, vì danh sắc diệt nên lục nhập diệt, vì lục nhập diệt nên xúc diệt, vì xúc diệt nên thọ diệt, vì thọ diệt nên ái diệt, vì ái diệt nên thủ diệt, vì thủ diệt nên hữu diệt, vì hữu diệt nên sanh diệt, vì sanh diệt nên lão tử ưu bi khổ não diệt, trong ấy chỉ là khối đại khổ diệt.

Trong ấy ta phát sanh mắt trí huệ thấy rõ thông đạt giải thoát không trung không hậu không hoại. Vì Phật thông đạt giải thoát ấy nên chẳng được pháp nào khác, mà chỉ được pháp các nhân duyên sanh.

Này Tượng Thủ! Đức Như Lai là bậc thông đạt các pháp, theo đó mà giảng nói cho chúng sanh.

Này Tượng Thủ! Hoặc Chư Phật xuất hiện hay chẳng xuất hiện, tánh tướng các pháp luôn thường trụ bất hoại. Nghĩa là danh sắc chẳng mất chẳng chống trái nhau chẳng sanh chẳng khởi.

Phật thường Thuyết pháp như vậy, các ông cũng phải hiểu biết theo ý của Phật. Phật vì các ông mà nói pháp như vậy, các ông chỉ nên siêng năng tu hành như vậy.

Này Tượng Thủ! Các sự việc mà bậc Đại Sư phải làm cho đệ tử thì ta đã làm xong. Các ông theo lời dạy mà thật hành, ở trong các pháp sẽ được trí huệ sáng suốt.

Tượng Thủ lại bạch Đức Phật: Bạch Thế Tôn! Nếu có người nói vì chánh pháp của Đức Như Lai nói diệt thì ai sẽ chỉ dạy. Vì không ai chỉ dạy nên gọi là chánh pháp diệt. Vì chánh pháp diệt nên nói là Như Lai diệt. Như vậy cũng gọi là chẳng độ tất cả chúng sanh.

Đức Phật dạy: Này Tượng Thủ! Nếu có người chất vấn như vậy thì nên đáp thế này: Đức Phật là người Nhất Thiết trí biết hết thấy hết, thường chờ thời tiết chúng sanh có thể được độ. Dầu nhập Niết Bàn mà vẫn còn lợi ích.

Lại nay Phật thọ ký Phật đời vị lai thì Phật chủng nối nhau chẳng tuyệt, tất cả Phật Pháp là một Phật Pháp, thế nên gọi là Như Lai pháp.

Như Lai pháp là Phật Pháp. Do đó nên biết Đức Như Lai lúc hành Bồ Tát Đạo việc làm đúng như lời, lời nói đúng như việc làm vậy.

Tượng Thủ Tỳ Kheo nói: Hy hữu Thế Tôn! Đức Như Lai khéo có thể thông đạt suy cầu tất cả các pháp. Vì khéo có thể thông đạt tất cả các pháp nên thân khẩu và ý được trí huệ dẫn đầu đều theo trí huệ. Đức Như Lai lúc hành Bồ Tát Đạo việc làm đúng như lời, lời nói đúng như việc làm.

Đức Phật phán: Đúng như vậy! Đúng như lời ông nói, lúc hành Bồ Tát Đạo, ta làm đúng như lời, lời nói đúng như việc làm.

Này Tượng Thủ! Nếu có người thành thiệt nói ai chẳng sai lầm xuất hiện thế gian lợi ích chúng sanh an lạc Trời, người, tất cả Đại Sư dạy nói Chánh Đạo chánh trí giải thoát không có hý luận đến bỉ ngạn, độ kẻ chưa độ Đấng Như Lai Thế Tôn thì nên nói chính là ta vậy. Đó là người nói thành thiệt.

Này Tượng Thủ! Nếu người thành thiệt nói ai là người chẳng dối phỉnh là người biết báo ơn?

Thì nên nói chính là ta đây vậy. Đó là lời nói thành thiệt.

Này Tượng Thủ! Nếu có chúng sanh nào phụng sự ta chút ít thì sự ấy chẳng mất.

Này Tượng Thủ! Từ lúc ta bắt đầu phát tâm vô thượng bồ đề đến nay, chẳng hề có lúc nào tâm ta thối chuyển, ta cũng chẳng nhớ có tham ưa Thanh Văn thừa hay Bích Chi Phật thừa cùng mong được pháp ấy. Chỉ có một lần ta muốn dạy đệ tử cầu Bích Chi Phật.

Này Tượng Thủ! Thuở quá khứ xa xưa, lúc ấy ta làm ngoại đạo tiên trí huệ sáng lẹ học rộng biện tài được thông pháp nhẫn. Bấy giờ có năm trăm Bà La Môn tuổi trẻ thấy lỗi họa ngũ dục tại gia và thấy sự lợi ích xuất gia nên đồng xuất gia học đạo đến chỗ ta nghe pháp được đạo quả Bích Chi Phật đủ lực thần thông tâm được tự tại thành tựu như ý túc, thường dùng thần lực bay vào thành ấp tụ lạc khất thực cúng dường ta.

Bấy giờ ta tự nghĩ rằng Chư Thánh Nhân đại trí thanh tịnh ấy ta chẳng nên thọ sự cúng dường của họ. Ta giáo hoá họ mà họ được đạo quả ấy còn ta thì chẳng được.

Này Tượng Thủ! Vì muốn chứng Đạo Pháp Bích Chi Phật ấy ta nên siêng tu tinh tiến. Trời Tịnh Cư liền hiện đến bảo ta rằng chớ tham quả Bích Chi Phật, Ngài nên được quả vô thượng bồ đề, Ngài phải độ vô lượng vô biên chúng sanh.

Ta nghe lời Trời Tịnh Cư dạy rồi chẳng tiếp tục hành đạo ấy, trong tâm được sự hoan hỉ khoái lạc đệ nhất, tịnh tọa suốt nửa tháng khoái lạc khắp toàn thân.

Này Tượng Thủ! Bồ Tát thành tựu bốn pháp Chư Thiên khai ngộ thì được tâm hoan hỷ tự biết mình sẽ được vô thượng bồ đề.

Những gì là bốn pháp?

Một là Bồ Tát tự thâm phát tâm vô thượng bồ đề và cũng dạy người thâm phát tâm vô thượng bồ đề.

Hai là thấy người thâm phát tâm Đại Thừa, Bồ Tát chẳng có lòng ganh ghét chẳng quan niệm chỉ riêng mình được vô thượng bồ đề.

Ba là Bồ Tát theo sở hành của chúng sanh mà tùy thời giảng dạy, có ý tốt cùng chuyện trò giúp gìn căn lành của họ.

Bốn là siêng cầu những chánh pháp rộng rãi vì người mà chỉ dạy chẳng bao giờ lẫn tiếc.

Thành tựu bốn pháp này, được Chư Thiên khai ngộ, Bồ Tát tự biết sẽ thành Phật.

Đức Thế Tôn muốn thuyết minh sự ấy mà nói kệ rằng:

Bồ Tát lòng vững chắc

An trụ Vô Thượng thừa

Hay giáo hoá chúng sanh

Khiến an trụ thừa ấy

Lúc hành đạo Bồ Tát

Không có lòng tật đố

Siêng tu phát tinh tiến

Lòng hoan hỉ càng thêm

Thấy các chúng sanh ác

Theo thời mà khuyên dạy

Thường dùng lòng từ bi

Không hề có hờn giận

Thường siêng tu cầu pháp

Lưu bố cho chúng sanh

Đem pháp đầy cho tất cả

Như mưa chảy ướt khắp

Người tu bốn pháp này

Được Chư Thiên khai ngộ

Ngài sẽ được làm Phật

Chớ sanh lòng nghi hoặc

Bồ Tát nghe lời này

Dũng mãnh thêm tinh tiến

Việc ấy quyết phải đúng

Tôi chắc sẽ làm Phật

Chư Bồ Tát như vậy

Dùng tinh tiến và nguyện

Chánh niệm tri và huệ

Tự mình càng cao đại

Nếu có Chư Như Lai

Xuất hiện tại thế gian

Thì Chư Bồ Tát này

Có công đức như vậy

Trời người đều cung kính

Vua chúa và quan dân

Đều sanh lòng hoan hỉ

Biết là người có đạo

Kinh Sách chương cú nghĩa

Văn kệ môn toán số

Thảy đều giỏi thông đạt

Bậc tối thượng trong người

Thông suốt có trí huệ

Làm việc chẳng tốn sức

Chỉ dùng những mưu sách

Mà thành công cả thảy

Dẹp tan các trận chiến

Chẳng dùng sức chân tay

Chỉ dùng sức trí huệ

Tự nhiên giặc hàng phục

Vua chúa và quan dân

Đều khen rất hi hữu

Vì thương xót chúng sanh

Mà sanh ở thế gian

Mọi người đều biết rõ

Bảo chuyện trò với Trời

Cớ sao lại sáng suốt

Biết rõ tâm của tôi

Bồ Tát này thường được

Gần gặp gỡ Chư Phật

Hầu kề thưa thỉnh pháp

Lợi ích lớn cho người

Thưa học nơi Phật rồi

Dứt hết những nghi lầm

Hay lợi ích chúng sanh

Làm mọi người vui mừng

Phật hiện sức thần thông

Thọ ký sẽ làm Phật

Do đó Bồ Tát này

Lòng rất là hoan hỷ

Những của vật quý trọng

Trong ngoài đều không tiếc

Do đó rất hoan hỷ

Tự biết sẽ thành Phật

Từ bi che trùm khắp

Không hề có sân hận

Do đó rất hoan hỷ

Tự biết sẽ thành Phật

Được Chư Phật ngợi khen

Đã được trí thâm diệu

Do đó rất hoan hỷ

Tự biết sẽ thành Phật

Chẳng y chỉ các pháp

Biết pháp chẳng y được

Được trí huệ như trên

Thân có thể bay lên

Tâm ấy chẳng ở trong

Cũng chẳng ở tại ngoài

Ra khỏi các tưởng niệm

Nên được nhẫn vô thượng

Đêm trường dùng từ bi

Nhớ thương khắp chúng sanh

Do nơi phước đức này

Được thấy vô lượng Phật

Tất cả thân Bồ Tát

Cùng thân Phật không khác

Được trí nhẫn như vậy

Dùng pháp tự tăng trưởng

Người phát tâm bồ đề

Ai chẳng theo để học

Ở bền nơi chánh pháp

Được công đức như vậy

Vì thế người cầu pháp

Dùng pháp cầu tự lợi

Thì thêm lớn bồ đề.

***

icon

Tổng hợp

Cùng chủ đề

Phật Thuyết Kinh đại Bát Nhã Ba La Mật đa - Hội Thứ Ba - Phẩm Ba Mươi Mốt - Phẩm Tuyên Hóa - Phần Ba

Kinh Đại thừa   •   25.12.2023
Hán dịch: Ngài Tam Tạng Pháp Sư Cưu Ma La Thập, Đời Diêu Tần