Phật Thuyết Kinh đại Bảo Tích - Pháp Hội Thứ Mười Hai - Pháp Hội Bồ Tát Tạng - Phẩm Thứ Bảy - Phẩm Thi La Ba La Mật - Phần Bốn

Kinh Đại thừa   •   Thứ hai, 25/12/2023, 22:19 PM

Hán dịch: Ngài Tam Tạng Pháp Sư Nan Liên Đề Gia Xá, Đời Cao Tế

PHẬT THUYẾT

KINH ĐẠI BẢO TÍCH

Hán dịch: Ngài Tam Tạng Pháp Sư

Nan Liên Đề Gia Xá, Đời Cao Tế  

PHÁP HỘI THỨ MƯỜI HAI

PHÁP HỘI BỒ TÁT TẠNG  

PHẨM THỨ BẢY

THI LA BA LA MẬT  

PHẦN BỐN  

Này Xá Lợi Phất! Lúc thật hành Thi La Ba la mật, Đại Bồ Tát phát tâm thứ mười rồi vì muốn cần cầu Bồ Tát tạng nên đối với thuyết Pháp Sư càng thêm kính thờ cúng dường nhẫn đến bố thí đồ dùng đựng nước.

Lại này Xá Lợi Phất! Lúc thật hành Thi La Ba la mật, do thành tựu sức thiện căn như vậy, Đại Bồ Tát được bốn pháp xứ quảng đại thù thắng:

Một là nơi các pháp lành hay khéo thẳng vào.

Hai là được thuyết Pháp Sư ngợi khen.

Ba là tu hành thành tựu viên mãn không có hủy phạm.

Bốn là nơi chánh pháp của Phật giữ gìn vững chắc chẳng hư.

Lại này Xá Lợi Phất! Do sức thiện căn ấy, Đại Bồ Tát ở trong Cõi Trời lại được bốn pháp xứ quảng đại thù thắng:

Một là vì các chúng sanh mà tu học mãi, trụ vững nơi các pháp lành.

Hai là Chư Thiên hội họp chiêm ngưỡng dung nhan Bồ Tát và đồng nghĩ rằng hôm nay Bồ Tát sẽ giảng pháp gì?

Ta nghe rồi sẽ được tỏ ngộ.

Ba là được Thiên Đế Thích và Chư Thiên tham kiến thỉnh pháp giải quyết chỗ nghi, mà Bồ Tát ấy không qua chỗ Chư Thiên.

Bốn là Chư Thiên hiện cung điện lớn cho Bồ Tát ấy ở.

Này Xá Lợi Phất! Lúc thật hành Thi La Ba la mật, Đại Bồ Tát ấy hoặc sanh trong người, hoặc ở trên Trời được vô lượng vô biên trăm ngàn muôn ức pháp môn vi diệu, đều vì thành tựu viên mãn Thi La Ba la mật vậy.

Đức Thế Tôn muốn tuyên lại nghĩa ấy mà nói kệ rằng:

Bồ Tát ngồi tòa cao

Được Chư Thiên lễ kính

Chiêm ngưỡng tôn nhan Ngài

Sẽ giảng diệu pháp gì

Chư Thiên đều cung kính

Bậc trí huệ vô tham

Ở cung điện vui đẹp

Đế Thích đến thỉnh pháp

Trên Trời mạng hết rồi

Sanh vào trong loài người

Là Vua chuyển luân Thánh

Oai lực lớn không tham

Lúc mạng người hết rồi

Trở lại sanh Cõi Trời

Không bao giờ bị khổ

Do thờ cúng Pháp Sư

Luôn được nhiều bốn thứ

Pháp xứ rộng thù thắng

Do không lòng hạ liệt

Cung kính thầy thuyết pháp

Nếu lòng kính thờ thầy

Cúng dâng đồ đựng nước

Thì Trời, Rồng và người

Đều nên dâng cúng dường.

Lại này Xá Lợi Phất! Lúc thật hành Thi La Ba la mật, Đại Bồ Tát do thành tựu các thiện căn ấy nên ở Cõi Trời lại được bốn pháp:

Một là biết rõ những nghiệp đã tạo ở đời trước.

Hai là biết rõ nhân nghiệp lành ấy được sanh Cõi Trời, cũng biết rõ thối thất pháp lành.

Ba là biết rõ từ đây mạng chung đến sanh chỗ nào.

Bốn là vì Chư Thiên mà giảng Diệu Pháp dạy bảo cho họ vui mừng, đã lợi ích Chư Thiên rồi bèn bỏ thân Trời.

Lại này Xá Lợi Phất! Lúc thật hành Thi La Ba la mật, Đại Bồ Tát do thành tựu các căn lành nên lại được bốn pháp viên mãn thù thắng: Một là khi bỏ thân Trời, Đại Bồ Tát sanh trong loài người được sanh chung với giới.

Hai là ở trong người được năm pháp sanh thành tựu thù thắng: Đó là được sanh vào nhà thù thắng, được sắc thân thắng diệu, được quyến thuộc thù thắng, được giới thanh tịnh thù thắng và đối với chúng sanh được tu đức từ thù thắng.

Ba là ở trong người lại được năm pháp thành tựu bất hoại: Đó là được thiện tri thức không ai phá hoại được, thân mạng không yểu thọ, của cải đã được không bị mất, được tâm bồ đề không hề hư hoại và lúc thiếu pháp lành thì tự được đầy đủ.

Bốn là ở trong người lại được năm pháp hi hữu viên mãn. Đó là trong nhà để những chậu thùng không, tùy tay Bồ Tát rờ đến chỗ nào, thì chỗ ấy đều đầy châu báu, đây là pháp hi hữ thứ nhất.

Lúc Bồ Tát khát thì trước mặt tự nhiên có nước đủ tám đức hiện ra, đây là pháp hi hữu thứ hai.

Do phước đức giữ gìn thân thể nên chẳng bị ngoại vật làm tổn hại, như độc, như dao, hoặc lửa hoặc nước, hoặc ác quỷ đều chẳng làm tổn hại được. Đây là pháp hi hữu thứ ba.

Những thời kỳ mà Địa Cầu bị những tai kiếp như là cơ cẩn tai, tật dịch tai, đao binh tai, hỏa tai, thủy tai, phong tai, khát kiếp, hỏa quang kiếp, dạ xoa kiếp, Đại Bồ Tát ấy chẳng sanh trong người mà ở cung Trời vui sướng, đây là pháp hi hữu thứ tư.

Đại Bồ Tát ấy vĩnh viễn chẳng sanh vào các chỗ nạn hoặc các ác đạo, nếu có tâm niệm sai lầm thì liền tự giác ngộ mau dứt lìa, đây là pháp hi hữu viên mãn thứ năm.

Lại này Xá Lợi Phất! Lúc thật hành Thi La Ba la mật, Đại Bồ Tát do thành tựu các căn lành ấy nên thường chẳng rời xa bốn pháp vi diệu:

Một là khi thấy có chúng sanh khổ thì tự nhiên được tâm đại từ.

Hai là quyến thuộc của Bồ Tát đều kính thuận đối với Bồ Tát.

Ba là Đại Bồ Tát có thể chế phục sự suy già không để nó xâm tổn.

Bốn là làm ăn sanh lợi thì được lợi gấp trăm gấp ngàn.

Lại này Xá Lợi Phất! Lúc thật hành Thi La Ba la mật, Đại Bồ Tát do thành tựu các căn lành ấy nên chẳng bị ba thứ nó cướp đoạt:

Một là chẳng bị tham dục cướp đoạt.

Hai là chẳng bị sân khuể cướp đoạt.

Ba là chẳng bị ngu si cướp đoạt.

Lại này Xá Lợi Phất! Lúc thật hành Thi La Ba la mật, Đại Bồ Tát do thành tựu các thiện căn nên lại được bốn pháp không bệnh:

Một là chẳng bị bệnh dây dưa lâu ngày làm khổ.

Hai là thân thể nhuần sáng chẳng hề gầy ốm tiều tụy.

Ba là đồ dùng sanh sống chẳng tổn giảm.

Bốn là chẳng bị quan pháp cướp trộm kẻ ác và chúng sanh khác não hại.

Lại này Xá Lợi Phất! Lúc thật hành Thi La Ba la mật, Đại Bồ Tát do thành tựu các thiện căn nên lại được bốn tướng tôn quí:

Một là làm Chuyển Luân Vương oai đức khắp bốn châu cai trị đúng pháp, đủ bảy thứ báu là xe báu, voi báu, ngựa báu, ngọc nữ báu, châu Ma Ni báu, chủ tạng thần báu và chủ binh thần báu.

Có đủ ngàn con trai, thân hình đoan nghiêm oai thế hùng mạnh hàng phục oán địch. Chuyển Luân Vương này được bốn đại châu khâm phục, lại được tất cả nhân dân các quan và chư tiểu Quốc Vương đồng tôn kính tuân lệnh. Đây là tướng tôn quí thứ nhất.

Hai là đối với ngũ dục như mắt thấy sắc, tai nghe tiếng, mũi ngửi mùi, lưỡi nếm vị, thân chạm xúc, Bồ Tát chẳng hề tham mê nhiễm đắm, do lòng tin thanh tịnh xuất gia tu hành mau được ngũ thông, người và quỉ thần cung kính. Đây là tướng tôn quí thứ hai.

Ba là Đại Bồ Tát sanh tại xứ nào tự nhiên thường được tối thượng giác, tối thượng huệ, tối thượng biện, được các Quốc Vương tôn kính thỉnh lên ngự tọa như thuở quá khứ ông Đại Ô Mạt Đồ được vua kính trọng, lại được các quan chức và nhân dân đồng tôn ngưỡng. Đây là tướng tôn quý thứ ba.

Bốn là Đại Bồ Tát ấy tỏ ngộ vô thượng bồ đề rồi thì oai đức thù thắng viên mãn đệ nhất được Thiên, Long, Dạ Xoa, Càn Thát Bà, A Tu La, Câu Lâu La, Khẩn Na La, Ma Hầu La Già, Nhân, Phi Nhân, tất cả chúng sanh đồng quy kính.

Tại sao?

Vì Bồ Tát này thành tựu phẩm Giới, Định, Huệ, giải thoát, giải thoát tri kiến vậy. Đây là tướng tôn quí thứ tư.

Lại này Xá Lợi Phất! Lúc thật hành Thi La Ba la mật, do Đại Bồ Tát ấy dùng lòng tin thanh tịnh đem bình đựng nước dâng cho Hoà Thượng và A Xà Lê hai Tôn Sư nên được vô lượng vô biên công đức Diệu Pháp như vậy. Vì cầu pháp mà Bồ Tát đi đứng luôn tùy thuận nơi Thầy, chẳng trái lời dạy.

Do Thiện căn ấy nên lại được bốn thứ của cải tối thắng:

Một là được của cải Vua chúa dùng.

Hai là sanh chỗ nào đều thọ pháp ly dục được tiên tài tín tâm xuất gia gọi là thánh tài.

Ba là sanh chỗ nào đều được trí nhớ đời trước gọi là được niệm tài. Do niệm tài ấy nên đời đời chẳng quên mất tâm bồ đề.

Bốn là Đại Bồ Tát chứng vô thượng bồ đề rồi gọi đó là bồ đề tài thường được tứ chúng và Thiên Long Bát Bộ cung kính vây quanh.

Lại này Xá Lợi Phất! Lúc thật hành Thi La Ba la mật, Đại Bồ Tát nhẫn đến thọ trì bốn câu kệ nơi thuyết Pháp Sư, đến đi đều tùy thuận lời dạy của thầy, như là thiện bất thiện, hữu tội vô tội, nên to chẳng nên tu.

Hoặc là thầy dạy rằng làm việc ấy sẽ mãi mãi bị các báo khổ não vô nghĩa vô lợi, làm việc ấy sẽ mãi mãi được báo an vui có nghĩa có lợi. Bồ Tát ấy thuận lời thầy dạy chẳng làm điều bất thiện mà tu tập pháp lành.

Do thiện căn ấy lại được bốn pháp cao thắng:

Một là được đầy đủ Thi La cao thắng.

Hai là cảm được thân thể viên mãn tất cả thân phần.

Ba là được đại huệ, dũng huệ, cao huệ, quảng huệ, tiệp huệ, lợi huệ, tốc huệ, thâm huệ, quyết trạch huệ.

Bốn là khi lâm chung sanh lên Cõi Trời.

Lại này Xá Lợi Phất! Lúc thật hành Thi La Ba la mật, Đại Bồ Tát do thành tựu các thiện căn nên lại được bốn pháp không thể thấy được.

Một là sanh chỗ nào đều cảm được tướng ẩn mật âm tàng.

Hai là từ lúc sơ sanh, hoặc cha mẹ quyến thuộc, hoặc Thiên, Long Bát Bộ, Nhân, Phi Nhân và tất cả chúng sanh không ai thấy được đỉnh đầu của Bồ Tát.

Ba là từ lúc sơ sanh, hoặc cha mẹ quyến thuộc, hoặc Thiên, Long đến tất cả chúng sanh, hoặc tịnh tâm, hoặc nhiễm tâm, không ai có thể sửa soạn nhìn ngắm gương mặt của Bồ Tát. Nếu có ai khởi tâm nghĩ rằng tôi sẽ nhìn xem gương mặt của Bồ Tát, thì bóng mặt Ngài liền hiện ra nơi sau chân Ngài.

Tại sao?

Do Đại Bồ Tát thành tựu pháp hy kỳ như vậy gọi là thiện trượng phu, lại thành tựu từ biện đệ nhất tối thắng trượng phu. Bốn là lúc sơ sanh không ai đỡ dắt, tự đứng nơi đất nhìn khắp bốn phương, liền được trí huệ minh lợi.

Tại sao?

Do Đại Bồ Tát ấy nơi đời quá khứ dùng tâm không dua dối mà cầu nghe pháp. Đại Bồ Tát này lại được đôi mắt không dua tà nên thành thiên nhãn thanh tịnh vượt hơn người, có thể xem thấy tất cả chúng sanh trong cõi Đại Thiên. Đại Bồ Tát này lại được trí tốc tật quảng đại có thể biết rõ hết tâm niệm quá hiện vị lai của tất cả chúng sanh.

Tại sao?

Vì thuở xưa lúc cầu pháp, Đại Bồ Tát chú ý nhiếp tâm cần cầu cung kính, đối với chánh pháp tưởng là lương dược, là trân bảo, là khó gặp, là diệu thiện, được nghe rồi liến thọ trì.

Do đó Bồ Tát lại được trí thiệp tật giản trạch hay cân lường tất cả chánh giới của các chúng sanh nhẫn đến chánh văn, chánh định, chánh huệ, chánh giải thoát, chánh giải thoát tri kiến.

Lại cân lường đồng tánh Thi La của tất cả chúng sanh nhẫn đến đồng tánh chánh văn, định huệ, giải thoát giải thoát tri kiến.

Lại hay cân lường giới đẳng lưu của tất cả chúng sanh nhẫn đến đẳng lưu chánh văn, định, huệ, giải thoát giải thoát tri kiến.

Lại hay cân lường tướng đẳng lưu siêu thắng Thi La của tất cả chúng sanh nhẫn đến tướng đẳng lưu siêu thắng chánh văn, định, huệ, giải thoát giải thoát tri kiến.

Lại hay cân lường tướng tiến chỉ oai nghi dũng mãnh tu hành chánh hạnh của tất cả chúng sanh.

Này Xá Lợi Phất! Đại Bồ Tát lần lượt cân lường suy xét các công đức của tất cả chúng sanh rồi nghĩ rằng tất cả chúng sanh ấy chỗ có chánh giới, chánh văn, chánh định, chánh huệ, chánh giải thoát, chánh giải thoát tri kiến, chỗ có giới đồng tánh đến giải thoát tri kiến đồng tánh.

Chỗ có giới đẳng lưu đến giải thoát tri kiến đảng lưu, chỗ có tướng giới đẳng lưu siêu thắng đến tướng giải thoát tri kiến đẳng lưu siêu thắng, chỗ có tướng tiến chỉ oai nghi tu hành chánh hạnh dũng mãnh.

Những tướng như vậy đều là công đức của chúng sanh có. Nay ta quan sát cân lường trong ấy chẳng thấy có công đức nào bằng công đức của ta, căn bổn vững chắc của tất cả chúng sanh đem so sánh đều không bằng ta cả.

Này Xá Lợi Phất! Lúc sơ sanh trong khoảng sát na Đại Bồ Tát mau phát khởi diệu trí biết rõ nghiệp báo. Do trí ấy trong khoảng thời gian đàn chỉ khéo biết rõ bao nhiêu thứ tâm tướng của tất cả chúng sanh rồi đem cân lường so sánh đều chẳng thấy có bằng với ta.

Do đó Đại Bồ Tát biết đúng rằng nay đây ta một mình ở ngôi tôn quí tối thượng, như sư tử chúa ở bậc vô úy, như đại Long Vương có oai đức lớn, chân Bồ Tát chẳng chạm đất bốn phương đều đi bảy bước mà tuyên xướng lên rằng ở thế gian ta là tối tôn đại, ở thế gian ta là tối thù thắng.

Nay ta sẽ chứng mé sanh lão tử, ta sẽ độ tất cả chúng sanh khỏi sanh già bệnh chết lo buồn khổ não, ta sẽ vì chúng sanh mà tuyên nói chánh pháp vi diệu quảng đại tối thắng vô thượng.

Này Xá Lợi Phất! Lúc Đại Bồ Tát phát ngữ như vậy, âm thanh liền nối không hở cáo tri khắp cả Cõi Đại Thiên. Chúng sanh trong ấy nghe âm thanh ấy xong đều kinh sợ rởn lông, Thiên cổ nổi vang, toàn Thế Giới đều chấn động. Chỉ có chỗ Bồ Tát đứng chừng bằng bánh xe là an tĩnh, nguồn nước ngay dưới chỗ đất ấy cũng bất động.

Đại Bồ Tát ấy quan sát thân mình thấy có vô lượng tia sáng bao trùm. Sau khi chứng vô thượng bồ đề rồi, được vô lượng chúng sanh đồng chiêm ngưỡng. Đây gọi là pháp không ai nhìn thấy được thứ tư.

Này Xá Lợi Phất! Đây gọi là Đại Bồ Tát được bốn pháp không ai nhìn thấy được. Đó là do thuở quá khứ Đại Bồ Tát đối với thuyết Pháp Sư luôn kính thuận cúng dường.

Lại này Xá Lợi Phất! Lúc thật hành Thi La Ba la mật, Đại Bồ Tát do thành tựu các căn lành ấy nên lại được bốn pháp tấn tốc: Lúc thành Phật, Đại Bồ Tát đầy đủ chánh pháp của Chư Phật Như Lai đã nói không giảm thiếu và pháp được nói không hư thiết. Đây là pháp tấn tốc thứ nhất.

Lúc thành Phật, Đại Bồ Tát ấy thành tựu đầy đủ những mạng lệnh của Chư Phật Như Lai.

Như Bảo Tỳ Kheo đến đây! Chúng sanh được bảo liền tiến đến chỗ Phật, tóc họ tự rụng, thân mặc Ca Sa, tay cầm bát Đa la. Đây là pháp tấn tốc thứ hai.

Lúc thành Phật, Đại Bồ Tát ấy đầy đủ trí khéo biết tâm quá vị hiện tại của tất cả chúng sanh như Chư Phật Như Lai. Đây là pháp tấn tốc thứ ba.

Lúc thành Phật, Đại Bồ Tát ấy đầy đủ trí biết bệnh cho thuốc đối với tất cả chúng sanh như Chư Phật Như Lai. Đây là pháp tấn tốc thứ tư.

Lại này Xá Lợi Phất! Lúc thật hành Thi La Ba la mật, Đại Bồ Tát do thành tựu thiện căn ấy nên khi thành Phật lại được bốn pháp chẳng bị làm hại: Đó là lửa, dao, độc dược và vật khác không bao giờ làm tổn hại được.

Tại sao?

Vì thân Như Lai không sở y, không sở thọ vậy.

Lại này Xá Lợi Phất! Lúc thật hành Thi La Ba la mật, Đại Bồ Tát do thành tựu các thiện căn ấy nên khi thành Phật lại được bốn pháp không ai hơn:

Một là vì Phật không sở y không sở thọ nên chẳng có chúng sanh nào có thể ở trước Như Lai mà nói được rằng ta là Như Lai nói pháp chưa từng nghe nhẫn đến một câu.

Hai là vì Phật không sở y không sở thọ nên chẳng có chúng sanh nào có thể ở trước Như Lai mà lập luận được đúng pháp đến một câu.

Ba là vì Phật không sở y không sở thọ nên chẳng có chúng sanh nào có thể tìm được ở Như Lai một chút tâm bất định.

Tại sao?

Vì Chư Phật Như Lai luôn an trụ trong từ bi hỉ xả các đại định.

Bốn là vì Phật không sở y không sở thọ nên chẳng có chúng sanh nào có thể thấy rõ được các sắc tướng trên thân của Như Lai.

Lại này Xá Lợi Phất! Lúc thật hành Thi La Ba la mật, Đại Bồ Tát do thành tựu các thiện căn ấy nên khi thành Phật lại được đầy đủ năm pháp vô lượng:

Một là Chư Phật Như Lai Thi La vô lượng.

Hai là Chư Phật Như Lai chánh văn vô lượng.

Ba là Chư Phật Như Lai chánh định vô lượng.

Bốn là Chư Phật Như Lai chánh huệ vô lượng.

Năm là Chư Phật Như Lai giải thoát tri kiến vô lượng.

Lại này Xá Lợi Phất! Chư Phật Như Lai đầy đủ Thi La Ba la mật rồi, do thành tựu các thiện căn ấy nên được bốn trí vô chướng vô ngại:

Một là trí biết đời quá khứ vô chướng vô ngại.

Hai là trí biết đời vị lai vô chướng vô ngại.

Ba là trí biết đời hiện tại vô chướng vô ngại.

Bốn là do tâm bình đẳng nên biết tánh ba đời bình đẳng.

Lại này Xá Lợi Phất! Chư Phật Như Lai thành tựu chánh trí. Do chánh trí ấy nên chẳng nương gá gì khác mà đều biết rõ tất cả các pháp. Chư Phật Như Lai lại thành tựu trí bất tư nghị. Do trí ấy mà biết rõ tướng mưa gió.

Này Xá Lợi Phất! Như Lai biết rõ thế gian có gió lớn tên ô lô bác ca, cho đến bao nhiêu sự giác thọ của chúng sanh đều do gió ấy dao động. Lượng của ngọn gió ấy cao ba câu lô xá.

Không gian trên ngọn gió ấy lại có ngọn gió tên vân phong, lượng cao năm câu lô xá.

Không gian trên ngọn gió vân phong lại có ngọn gió cao mười do tuần tên chiêm bạc cao.

Không gian phía trên lại có ngọn gió lượng cao ba mươi do tuân tên phệ sách phược ca.

Không gian phía trên lại có ngọng gió lượng cao bốn mươi do tuần tên thứ lai.

Này Xá Lợi Phất! Cứ như vậy tuần tự lên trên có sáu muôn tám ngàn tướng phong luân, do đại huệ Đức Như Lai Ứng Cúng Đẳng Chánh Giác đều biết rõ cả.

Này Xá Lợi Phất! Ngọn gió trên cùng tên châu biến thượng giới là nơi y chỉ của thủy luân. Thuỷ luân ấy lượng cao sáu trăm tám mươi vạn do tuần, là chỗ y chỉ của Đại Địa trên ấy. Đại Địa ấy lượng cao sáu vạn tám ngàn do tuần.

Mặt ngoài Đại Địa ấy có một tam thiên đại thiên Thế Giới. Trong ấy có Phật Hiệu Hoằng Uẩn Như Lai đầy đủ mười hiệu đang hiện tại giáo hóa.

Phật Hoằng Uẩn thọ ba mươi câu chi tuổi, có ba mươi câu chi na do tha Thanh Văn đệ tử đều là bậc đại A La Hán và trăm câu chi Đại Bồ Tát.

Này Xá Lợi Phất! Sau khi ta nhập Niết Bàn đủ một ngàn năm, Đức Phật Hoằng Uẩn mới nhập diệt, chánh pháp trụ thế đầy một ngàn năm, Xá Lợi lưu bố lợi ích thế gian như là vậy.

Này Xá Lợi Phất! Trí vô chướng ngại của Như Lai lại biết rõ quá trên thế giới của Phật Hoằng Uẩn vô lượng vô biên tướng phong luân và các Phật Độ.

Này Xá Lợi Phất! Quá trên nữa lại có Thế Giới khác hiện không có Phật xuất thế mà có trăm ngàn vị Độc Giác ở, chúng sanh nơi ấy gieo trồng căn lành từ chư vị Độc Giác ấy.

Này Xá Lợi Phất! Nương trí vô chướng ngại ấy, Đức Như Lai lại biết rõ trên Thế Giới ấy có hằng hà sa Chư Phật xuất thế hiện đang độ chúng sanh.

Mười phương vô lượng vô số bất khả tư nghị bất khả xưng lượng Chư Phật Như Lai xuất thế hiện đang độ chúng sanh như vậy, Đức Như Lai dùng diệu trí vô chướng ngại đều biết rõ cả. Cũng biết rõ tất cả những Thế Giới ấy hoặc thành hoặc hoại.

Đức Thế Tôn nói lời trên đây rồi, Ngài Xá Lợi Phất bạch rằng Đức Như Lai thành tựu những thiện căn gì mà được trí vô chướng vô ngại vô lượng bất tư nghị ấy?

Đức Phật phán: Này Xá Lợi Phất! Do Đức Như Lai an trụ Thi La Ba la mật, có trí huệ đối với chánh pháp phát khởi ý tưởng cung kính tôn trọng, tưởng là thuốc hay, là trân bửu, là khó gặp, là thiện căn, lại có thể an trụ nơi ý tưởng nhiếp chánh pháp. Do đó mà Như Lai được trí lớn lẹ sáng như vậy và còn có thể biết rõ vô lượng vô số quá hơn trên nữa.

Này Xá Lợi Phất! Trí vô đoạn của Chư Phật Như Lai vô lượng vô số bất khả tư nghị, bất khả xung lượng, bất khả thuyết tướng vãng lai.

Này Xá Lợi Phất! Chư Phật Như Lai đầy đủ Thi La Ba la mật lại được sức tự tại, trong khoảng thời gian đàn chỉ, Như Lai qua đến hằng sa Thế Giới Chư Phật rồi trở lại bổn xứ.

Này Xá Lợi Phất! Như Lai đối với chánh pháp Thi La Ba la mật do tín giải thanh tịnh mà lắng nghe thọ trì nên được mau chóng giải thoát. Do giải thoát ấy mà ta khéo giải thoát.

Ở trong pháp gì mà được khéo giải thoát?

Đó là nơi tất cả sự khổ mà khéo được giải thoát.

Lại này Xá Lợi Phất! Nếu có Đại Bồ Tát ở nơi bốn thứ cung kính ấy, nghe pháp ấy rồi được lòng tin thanh tịnh vì thật hành Thi La Ba la mật mà phát tâm như vậy: Ta an trụ như vậy, ta an trụ nơi ấy. Do ta thường an trụ như vậy nên ta thường chẳng rời chánh pháp Chư Phật.

Này Xá Lợi Phất! Đại Bồ Tát thọ trì chương cú pháp môn của Kinh này, do sức thiện căn như vậy nên lại được bốn thứ pháp do huệ mà thành tựu:

Một là do đủ huệ mà hay phát khởi đại huệ.

Hai là do đủ huệ nên gặp Chư Phật gần gũi kính thờ.

Ba là do đủ huệ nên có lòng tin thanh tịnh xuất gia vào đạo.

Bốn là do đủ huệ nên mau chứng vô thượng bồ đề.

Lại này Xá Lợi Phất! Lúc thật hành Thi La Ba la mật, do thành tựu sức thiện căn ấy nên Đại Bồ Tát lại được bốn thứ pháp làm nên nhiều:

Một là được thọ thân người gọi là pháp làm nên nhiều.

Hai là gặp Phật xuất thế gọi là pháp làm nên nhiều.

Ba là dùng lòng tin thanh tịnh xuất gia nhập đạo gọi là pháp làm nên nhiều.

Bốn là mau chứng vô thượng bồ đề gọi là pháp làm nên nhiều.

Lại này Xá Lợi Phất! Lúc thật hành Thi La Ba la mật, Đại Bồ Tát do thành tựu sức thiện căn ấy nên lại được bốn thứ pháp chi phần:

Một là được chi chuyển luân, tức là làm Chuyển Luân Vương trong loài người.

Hai là sanh trời Phạm Thiên làm Đại Phạm Vương.

Ba là ở trong chúng Chư Thiên mà làm Thiên Đế.

Bốn là chứng vô thượng bồ đề rồi đủ tất cả pháp hiệu là Pháp Vương giáo hóa thế gian.

Đức Như Lai lại được các năng lực cát tường, trí thanh tịnh chúng sanh, cảnh giới thần thông, làm mắt sáng cho Trời, người tất cả thế gian.

***

icon

Tổng hợp

Cùng chủ đề

Phật Thuyết Kinh đại Bát Nhã Ba La Mật đa - Hội Thứ Ba - Phẩm Ba Mươi Mốt - Phẩm Tuyên Hóa - Phần Ba

Kinh Đại thừa   •   25.12.2023
Hán dịch: Ngài Tam Tạng Pháp Sư Cưu Ma La Thập, Đời Diêu Tần