Phật Thuyết Kinh đại Bảo Tích - Pháp Hội Thứ Mười Hai - Pháp Hội Bồ Tát Tạng - Phẩm Thứ Bốn - Phẩm Như Lai Bất Tư Nghì Tánh - Phần Ba

Kinh Đại thừa   •   Thứ hai, 25/12/2023, 22:19 PM

Hán dịch: Ngài Tam Tạng Pháp Sư Nan Liên Đề Gia Xá, Đời Cao Tế

PHẬT THUYẾT

KINH ĐẠI BẢO TÍCH

Hán dịch: Ngài Tam Tạng Pháp Sư

Nan Liên Đề Gia Xá, Đời Cao Tế  

PHÁP HỘI THỨ MƯỜI HAI

PHÁP HỘI BỒ TÁT TẠNG  

PHẨM THỨ BỐN

PHẨM NHƯ LAI BẤT TƯ NGHÌ TÁNH  

PHẦN BA  

Này Xá Lợi Phất! Đại Bồ Tát nghe trí lực nghiệp báo của Chư Như Lai bất tư nghị như hư không rồi tin nhận vâng thờ thanh tịnh không nghi càng thêm hớn hở vui mừng phát ý tưởng hy kỳ.

Đức Thế Tôn muốn tuyên lại nghĩa ấy mà nói kệ rằng

Như Lai khéo biết nhân khác quả

Mắt sáng thấy rõ nghiệp như thiệt

Thấu suốt ba đời đều vô ngại

Biết như thiệt nghiệp của hữu tình

Tất cả hàm linh trong năm loài

Sẽ được thành các nhân vui khổ

Nếu chuyển được nhân thì khổ chuyển

Đức Phật soi tỏ biết như thiệt

Dị báo thiện ác tất cả nghiệp

Theo đúng cho nên nhân khác báo

Dường như viên ngọc nằm trong tay

Đức Phật nhìn rõ biết như thiệt

Các báo nghiệp nhân dầu là ít

Được quả vô lượng ở vị lai

Hoặc vô lượng nhân cảm quả ít

Đức Phật thấy khắp biết như thiệt

Hoặc nhân sẽ chứng quả Thanh Văn

Hoặc hạnh sẽ chứng quả Độc Giác

Hoặc nghiệp sẽ cảm quả vô thượng

Đức Phật biết rõ không sót thừa

Hoặc có nghiệp lúc nhân thì khổ

Nghiệp ấy sẽ cảm được báo vui

Hoặc nghiệp lúc tạo nhân thì vui

Sẽ mắc quả khổ Phật đều biết

Hoặc nghiệp nhân quả đề khổ cả

Hoặc nghiệp đều vui cả quả nhân

Hoặc nghiệp tự thể nhơ tự thể

Như Lai đều biết rõ như thiệt

Quả khổ xoay vần cả ba đời

Hữu tình trôi lăn trong năm nẻo

Trí lực nghiệp báo của Như Lai

Đều biết như thiệt không sai sót.

Này Xá Lợi Phất! Đây gọi là trí lực nghiệp báo thứ hai của Đức Như Lai. Do thành tựu trí lực này nên Đức Phật ở giữa đại chúng chánh sư tử hống tự xưng rằng ta ở bực Đại Thánh chuyển pháp luân rộng lớn thanh tịnh, mà thế gian những Sa Môn, Bà La Môn, Chư Thiên, Ma Vương, Phạm Vương v.v... đều chẳng chuyển được đúng pháp.

Lại này Xá Lợi Phất! Thế nào gọi là chủng chủng giải trí lực của Đức Như Lai?

Này Xá Lợi Phất! Đức Như Lai Đẳng Chánh Giác dùng trí lực vô thượng biết được như thiệt các loài hữu tình kia chẳng phải là một dục giải, là nhiều thứ dục giải.

Này Xá Lợi Phất! Ta sẽ vì ông mà phân biệt nói rộng ra. Các loài hữu tình kia, hoặc có kẻ ở nơi tham dục mà phát sanh quan niệm sân hận, hoặc có kẻ ở nơi sân hận mà phát sanh quan niệm tham dục, hoặc ở nơi ngu si mà phát sanh quan niệm tham dục hay sân hận, các tướng như vậy Đức Phật đều biết rõ như thiệt.

Lại này Xá Lợi Phất! Hoặc có chúng sanh ở nơi pháp bất thiện phát sanh quan niệm bất thiện, hoặc ở nơi pháp thiện phát sanh quan niệm thiện, Đức Phật đều biết rõ như thiệt.

Hoặc có những hữu tình ở nơi phương tiện hạ liệt phát sanh hiểu biết rộng lớn, hoặc ở nơi phương tiện rộng lớn phát sanh hiểu biết hạ liệt, hoặc do sự hiểu phương tiện hạ liệt ấy sẽ ở nơi thắng tiến, hoặc do sự hiểu phương tiện thắng tiến ấy sẽ ở nơi hạ liệt, hoặc do sự hiểu ấy sẽ gieo giống tà định.

Hoặc do sự hiểu ấy sẽ gieo giống chánh định, hoặc do sự hiểu biết ấy sẽ gieo giống chánh định giải thoát, Đức Phật đều biết rõ như thiệt.

Hoặc do sự hiểu ấy sẽ đến nơi Cõi Dục, hoặc sẽ đến Cõi Sắc, hoặc sẽ đến Cõi Vô Sắc, hoặc sẽ đến khắp ba cõi, Đức Phật đều biết rõ như thiệt.

Hoặc do sự hiểu ấy thuận phần hạ liệt sẽ được thắng tiến, hoặc được thắng tiến sẽ ở nơi hạ liệt, Đức Phật đều biết rõ như thiệt.

Lại này Xá Lợi Phất! Hoặc do sự hiểu ấy mà đời sau sẽ thọ nhiều đời sống, sẽ thọ nhiều loài, nhiều sự thọ dụng, Đức Phật đều biết rõ như thiệt.

Hoặc do sự hiểu ấy mà thối đọa, hoặc do sự hiểu ấy mà gieo giống giải thoát, Đức Phật đều biết rõ như thiệt. Đã biết rõ rồi, theo chỗ đáng nên, Đức Phật rộng vì các hữu tình mà diễn thuyết đúng như pháp.

Này Xá Lợi Phất! Chủng chủng giải trí lực của Đức Như Lai chẳng thể nghĩ bàn vô biên vô tế như hư không. Chư Đại Bồ Tát ấy nghe chủng chủng giải trí lực bất tư nghị như hư không của Đức Như Lai rồi tin nhận vâng thờ thanh tịnh không nghi càng thêm hớn hở vui mừng phát ý tưởng hy kỳ.

Đức Thế Tôn muốn tuyên lại nghĩa ấy mà nói kệ rằng:

Thế gian nhiều loài nhiều hiểu biết

Quá khứ hiện tại nhiều vô lượng

Tâm hiểu biết của các chúng sanh

Đấng Đạo Sư đều hay biết rõ

Hoặc có kẻ phát quan niệm tham

Lại sẽ an trụ nơi sân hận

Hoặc có kẻ hiện ở sân hận

Mà sanh hiểu si Phật biết rõ

Ở nơi si mà sanh hiểu tham

Tâm phân biệt chẳng thể nghĩ bàn

Xen lộn lẫn nhau lưu chuyển khởi

Đấng Đại Đạo Sư đều biết rõ

Hoặc có các phương tiện hạ liệt

Mà có thể sanh hiểu rộng lớn

Hoặc làm thêm lên những phương tiện

Đấng Đại Đạo Sư đều biết rõ

Tùy nhập vào nơi các tà tánh

Rồi lại nhập vào chỗ phi đạo

Hoặc nhận hiểu giải thoát ba cõi

Đức Như Lai đều có thể biết

Những đời sống và các chúng sanh

Những sự thọ dụng đều sai biệt

Hoặc lại có thối thất đọa lạc

Đấng Lưỡng Túc Tôn đều biết rõ

Biết rõ các thứ nhận hiểu rồi

Đấng Đạo Sư phương tiện thuyết pháp

Đấy là Phật trí lực thứ ba

Bồ Tát mới có thể tin được.

Này Xá Lợi Phất! Đây gọi là chủng chủng giải trí lực thứ ba của Đức Như Lai. Do thành tựu trí lực ấy nên Đức Như Lai Chánh Đẳng Giác ở giữa đại chúng chánh sư tử hống tự xưng rằng ta ở bậc Đại Thánh hay chuyển pháp luân thanh tịnh mà các thế gian, Sa Môn, Bà La Môn, Chư Thiên, Ma Vương, Phạm Vương v.v... đều chẳng thể chuyển đúng pháp được.

Này Xá Lợi Phất! Thế nào là chủng chủng giới trí lực của Đức Như Lai?

Này Xá Lợi Phất! Đức Như Lai Chánh Đẳng Giác dùng trí lực vô thượng như thiệt biết rõ các thứ cảnh giới ấy mà các chúng sanh gây tạo hành nghiệp phước, gây tạo hành nghiệp phi phước, hành nghiệp bất động, hoặc do cảnh giới ấy mà gieo giống xuất ly. Các cảnh giới ấy, Đức Như Lai ở nơi đây biết rõ như thiệt.

Này Xá Lợi Phất! Đức Như Lai như thiệt biết rõ nhãn giới, sắc giới và nhãn thức giới, nhẫn đến ý giới, pháp giới và ý thức giới.

Các giới như vậy biết rõ như thế nào?

Đó là như thiệt biết rõ nội không, ngoại không, nội ngoại không vậy.

Đức Như Lai lại như thiệt biết rõ địa giới, thủy giới, hỏa giới và phong giới.

Biết rõ các giới ấy như thế nào?

Đó là biết rõ hư không giới vậy. Những Dục Giới, Sắc Giới và Vô Sắc Giới đều biết rõ như thiệt, vì khắp phân biệt chỗ phát khởi vậy.

Lại như thiệt biết rõ hữu vi giới, vì là tướng tạo tác vậy. Như thiệt biết rõ vô vi giới, vì là tướng không có tạo tác vậy. Biết rõ tạp nhiễm giới, vì là tướng nó do phiền não dẫn phát ra. Biết rõ thanh tịnh giới, vì tướng nó tự thể sáng sạch vậy.

Lại như thiệt biết rõ các hành giới, vì là tướng vô minh chẳng thuận lý vậy. Biết rõ Niết Bàn giới, vì là tướng sáng thuận lý vậy.

Này Xá Lợi Phất! Vì thế nên hoặc là giới có thể an lập thế gian, giới này được thế gian y cứ mà an trụ như vậy. Hoặc là giới hay phát khiên dẫn, hoặc là giới hay hưng kiến lập, hoặc giới hay khởi phương tiện, hoặc là giới hay sanh ý dục, hoặc là giới hay khởi phiền não, hoặc là giới hay làm y chỉ, các giới như vậy có vô lượng vô biên cũng đều được Đức Như Lai biết rõ như thiệt.

Đã biết rõ rồi theo chỗ đáng nên mà vì chúng sanh giảng thuyết đúng như pháp.

Này Xá Lợi Phất! Trí lực chủng chủng giới bất tư nghị của Đức Như Lai không có biên tế như hư không. Nếu có ai muốn tìm cầu biên tế của trí lực chủng chủng giới ấy, thì không khác gì người muốn cầu tìm biên tế của hư không.

Chư Đại Bồ Tát nghe chủng chủng giới trí lực bất tư nghị như hư không của Đức Như Lai rồi tin nhận vâng thờ thanh tịnh không nghi càng thêm hớn hở vui mừng phát ý tưởng hy kỳ.

Đức Thế Tôn muốn tuyên lại nghĩa ấy mà nói kệ rằng:

Thế gian các chúng sanh

Y chỉ chủng chủng giới

Tùy chỗ họ lưu chuyển

Như Lai đều biết rõ

Phước, phi phước, bất động

Và thuận với xuất ly

An trụ giới ấy rồi

Chứng tịch diệt Niết Bàn

Hoặc nhãn giới sắc giới

Và cùng nhãn thức giới

Nhĩ tỉ thiệt thân ý

Biết rõ các giới ấy

Lại biết rõ pháp giới

Và cùng ý thức giới

Nội ngoại giới đều không

Phật biết rõ như thiệt

Địa giới và thủy giới

Hỏa giới cùng phong giới

Bốn giới đồng không giới

Đều biết rõ như thiệt

Hoặc Dục Giới Sắc Giới

Và cùng Vô Sắc Giới

Khắp phân biệt chỗ khởi

Như hư không vô biên

Giới vô biên cũng vậy

Phật đều biết rõ cả

Mà chẳng nói ta biết

Các giới vốn vô sanh

Cũng vốn không có diệt

Đây gọi Niết Bàn giới

Đức Như Lai biết rõ

Như hư không vô biên

Trí của Phật cũng vậy

Do trí ấy biết rõ

Biến dị nơi các giới

Đã biết chủng chủng giới

Điều phục các chúng sanh

Phật trí lực thứ tư

Bồ Tát hay tin được.

Này Xá Lợi Phất! Đây gọi là chủng chủng giới trí lực của Đức Như Lai. Do thành tựu trí lực này mà Đức Như Lai Đẳng Chánh Giác ở giữa đại chúng chánh sư tử hống tự xưng rằng ta ở bậc Đại Thánh chuyển pháp luân thanh tịnh, các thế gian, Sa Môn Bà La Môn, Chư Thiên, Ma Vương, Phạm Vương v.v... đều không thể chuyển đúng pháp được.

Lại này Xá Lợi Phất! Thế nào là chủng chủng căn trí lực của Đức Như Lai?

Này Xá Lợi Phất! Đức Như Lai Đẳng Chánh Giác dùng trí lực Vô Thượng có thể biết rõ như thiệt về tướng các căn tánh sai biệt của tất cả chúng sanh.

Các tướng ấy Đức Như Lai biết rõ như thiệt thế nào?

Này Xá Lợi Phất! Đó là Như Lai biết rõ như thiệt độn căn, trung căn, lợi căn, thắng căn, liệt căn. Do khắp phân biệt theo các căn tánh mà Đức Như Lai biết rõ như thiệt chúng sanh khởi các thứ tham, khởi các thứ sân, khởi các thứ si, hoặc khởi giả lập tham sân si, hoặc khởi tham sân si nhỏ mỏng, hoặc khởi tham sân si điên đảo, hoặc khởi dẹp phục tham sân si.

Hoặc nhân bất thiện sanh ra các căn, hoặc các căn do nhân thiện sanh ra, Đức Như Lai đều biết rõ như thiệt. Cũng biết rõ các căn do nhân bất động sanh ra, hoặc các căn do nhân xuất ly sanh ra.

Này Xá Lợi Phất! Đức Như Lai biết rõ như thiệt nhãn căn, nhĩ căn, tỷ căn, thiệt căn, thân căn, ý căn, nam căn, nữ căn, mạng căn, lạc căn, khổ căn, ưu căn, hỷ căn, xả căn, tín căn, chánh cần căn, niệm căn, định căn, huệ căn, vị tri đương tri căn, tri căn, dĩ tri căn. Các tướng căn sai biệt như vậy Đức Như Lai đều biết rõ như thiệt.

Này Xá Lợi Phất! Hoặc các chúng sanh an trụ bố thí căn mà tu trì giới phương tiện, bấy giờ Đức Như Lai dùng trí thắng liệt căn mà vì họ nói pháp bố thí.

Hoặc có chúng sanh an Trụ Trì giới căn mà tu bố thí phương tiện thì vì họ nói về trì giới.

Hoặc có chúng sanh an trụ nhẫn nhục căn mà tu tinh tiến phương tiện, thì vì họ nói về pháp nhẫn nhục.

Hoặc có chúng sanh an trụ tinh tiến căn mà tu nhẫn nhục phương tiện, thì vì họ nói về pháp tinh tiến.

Hoặc an trụ thiền định căn mà an trụ tu huệ phương tiện thì vì họ nói về pháp thiền.

Hoặc an trụ huệ căn mà tu thiền phương tiện thì vì họ nói về chánh trí huệ. Các căn sai biệt về tất cả phần Bồ Đề như vậy, Đức Như Lai đều biết rõ như thiệt.

Này Xá Lợi Phất! Hoặc có chúng sanh an trụ căn Thanh Văn mà lại tu độc giác phương tiện, thì Đức Như Lai dùng chủng chủng chư căn trí vì họ mà nói hạ thừa.

Người an trụ độc giác căn mà tu Thanh Văn phương tiện thì vì họ mà nói trung thừa. Người an trụ Đại Thừa căn mà tu Nhị Thừa phương tiện, thì Đức Như Lai dùng chư căn trí vì họ nói Đại Thừa.

Nếu có các chúng sanh không có căn kham nhậm, không có tướng kham nhậm, Đức Như Lai biết họ là phi pháp khí không kham nhậm rồi bèn bỏ để đó.

Nếu các chúng sanh có căn kham nhậm có tướng kham nhậm, Đức Như Lai biết rõ như thiệt là người pháp khí có kham nhậm liền ân cần trịnh trọng vì họ thuyết pháp cho họ được ngộ nhập.

Như vậy, này Xá Lợi Phất! Đức Như Lai biết rõ các hữu tình các căn thuần thục và chẳng thuần thục, các căn xuất ly và chẳng xuất ly. Căn tánh của các hữu tình, Đức Như Lai đúng như thiệt biết rõ tất cả. An trụ tướng như vậy, phương tiện như vậy, tín giải như vậy, bổn nhân như vậy, sở duyên như vậy, đẳng lưu như vậy, cứu cánh như vậy.

Này Xá Lợi Phất! Chủng chủng căn trí của Đức Như Lai chẳng thể nghĩ bàn vô biên vô tế chư căn trí lực của Đức Như Lai thì chẳng khác gì người muốn tìm cầu biên tế của hư không.

Chư Đại Bồ Tát nghe căn lực như hư không ấy rồi tin nhận vâng thờ thanh tịnh không nghi càng thêm hớn hở vui mừng phát ý tưởng hy kỳ.

Đức Thế Tôn muốn tuyên lại nghĩa ấy mà nói kệ rằng:

Đấng đến tột mé căn chúng sanh

Khéo thấu tánh hạnh của hữu tình

Tùy theo căn tánh có thể kham

Đức Như Lai vì họ thuyết pháp

Căn Hạ Trung thượng kham nhậm được

Trí lực của Phật Pháp trong ấy

Xem tâm giải thoát của họ rồi

Đấng Lưỡng Túc Tôn liền thuyết pháp

Nếu người các căn hay phát khởi

Phiền não mỏng nhẹ tương tục ít

Khéo thấu căn tánh của người ấy

Đức Phật tùy thuận vì thuyết pháp

Nếu các trượng phu có thiện căn

Tùy chỗ siêng tin mà khai thị

Lại theo căn hành tướng sai biệt

Nói các thắng nghĩa định huệ thảy

Nếu người phát khởi siêng tín nguyện

Như Lai tùy thuận nói tịnh đạo

Biết họ có đủ công hạnh rồi

Dạy họ thắng pháp siêu các khổ

Có căn quyết định Phật Bồ Đề

Mê lầm tu theo hạnh nhị thừa

Phật dạy đại thừa thành Chánh Giác

Đây là trí lực thứ năm vậy.

Này Xá Lợi Phất! Đây gọi là chủng chủng căn trí lực của Đức Như Lai. Do thành tựu trí lực thứ năm này mà Đức Phật Như Lai ở giữa đại chúng chánh sư tử hống tự xưng rằng ta ở bậc Đại Thánh hay chuyển pháp luân thanh tịnh, mà các thế gian, Sa Môn, Bà La Môn, Chư Thiên, Ma Vương, Phạm Vương v.v... đều chẳng chuyển được đúng pháp.

Lại này Xá Lợi Phất! Thế nào là biến hành chư hành trí lực của Đức Như Lai?

Này Xá Lợi Phất! Đức Như Lai Chánh Đẳng Giác dùng vô lượng trí lực biết rõ như thiệt biến hành chư hành.

Này Xá Lợi Phất! Các tướng như vậy biết rõ thế nào?

Đó là biết rõ tánh hữu tình là tánh chánh định, là tánh bất chánh định, là tánh tà định.

Thế nào là tánh chánh định?

Đó là do phương tiện tu tập đời trước khai phát trí huệ lợi căn mà phát sanh tánh ấy, hoặc Chư Phật có vì họ thuyết pháp hay chẳng thuyết pháp. Đức Như Lai biết nhân quả đời trước của chúng sanh ấy kham nhậm pháp khí tùy chỗ đáng nên thuyết pháp cho họ mau được giải thoát.

Thế nào là tánh bất định?

Đó là do sức ngoại duyên mà thành thục tánh ấy. Nếu được giáo thọ giáo giới đúng pháp thì được giải thoát. Nếu giáo thọ giáo giới chẳng đúng pháp thì chẳng được giải thoát. Đức Như Lai vì họ mà nói pháp tùy thuận. Họ nghe được chánh pháp rồi đúng theo lý mà tu hành chứng quả giải thoát. Vì muốn cho các chúng sanh được những sự lợi ích giải thoát như vậy mà Đức Phật xuất thế.

Thế nào gọi là tánh tà định?

Đó là tánh chúng sanh bị phiền não che úp chẳng tu tập nghiệp hạnh thanh tịnh, thức tánh bạc nhược ngu si sâu dầy an trụ trong lưới tà kiến chẳng phải căn khí Chánh Pháp, dầu Chư Như Lai có vì họ thuyết pháp hay chẳng thuyết pháp, họ cũng chẳng kham nhậm chứng quả giải thoát. Đức Như Lai biết hữu tình ấy chẳng phải là pháp Khí rồi liền bỏ để đó.

Vì thế nên, này Xá Lợi Phất! Chư Đại Bồ Tát vì thương muốn làm lợi ích cho hạng chúng sanh ấy, nên mặc giáp hoằng thệ vào trong đám quân tà kiến để giáo hóa xô dẹp.

Lại này Xá Lợi Phất! Đức Như Lai biết rõ như thiệt ba thứ tham hành: Hoặc do tướng tịnh mỹ mà phát khởi tham hành, hoặc do nghiệp nhân đời trước mà phát khởi tham hành.

Đức Như Lai lại biết rõ như thiệt ba thứ sân hành: Hoặc do tướng tổn hại mà phát khởi sân hành, hoặc do quan sát quá nhiều mà phát khởi sân hành, hoặc do phiền não đời trước mà phát khởi sân hành.

Đức Như Lai lại biết rõ như thiệt ba thứ si hành: Hoặc có si hành do vô minh phát sanh, hoặc có si hành do vọng có thân kiến mà phát sanh, hoặc có si hành do nghi mà phát sanh.

Lại này Xá Lợi Phất! Đức Như Lai biết rõ như thiệt các hành. Có người khổ lạc hai hành đều mau có thể thông vì các căn họ bén nhạy. Có người khổ lạc hai hành đều chậm thông, vì các căn của họ chậm lục vậy. Lại biết rõ như thiệt hành chậm, thông cũng chậm vì bỏ sở duyên vậy.

Hoặc hành chậm còn thông thì mau vì đạo chẳng ngừng dứt vậy. Hoặc hành mau còn thông thì chậm vì dũng quyết tiến lên vậy. Hoặc hành mau thông mau vì chẳng phải tánh ấy vậy.

Lại biết rõ như thiệt hoặc có các căn hành sức giản trạch đầy đủ mà chẳng phải sức tu tập. Hoặc có các căn hành sức tu tập đầy đủ mà chẳng phải sức giản trạch. Hoặc có các hành hai sức giản trạch và tu tập đều đầy đủ.

Lại biết rõ như thiệt hoặc có các hành tín nguyện đầy đủ mà chẳng phải phương tiện đầy đủ. Hoặc có các hành phương tiện đầy đủ mà chẳng phải tín nguyện đầy đủ. Hoặc có các hành tín nguyện và phương tiện đều đủ. Hoặc có các hành tín nguyện và phương tiện đều chẳng đầy đủ.

Lại biết rõ như thiệt hoặc có các hành thân nghiệp thanh tịnh mà chẳng phải do ngữ và ý. Hoặc có các hành ngữ nghiệp thanh tịnh mà chẳng phải do thân và ý. Hoặc có các hành ý nghiệp thanh tịnh mà chẳng do thân và ngữ. Hoặc có các hành do thân ngữ ý mà được thanh tịnh.

Như vậy nhẫn đến chúng hữu tình chỗ có các hành hoặc nhân lưu chuyển, hoặc nhân chẳng lưu chuyển, hoặc nhân cả hai lưu chuyển và bất lưu chuyển, Đức Như Lai dùng trí vô ngại đều biết rõ như thiệt.

Này Xá Lợi Phất! Trí lực biến hành chư hành của Đức Như Lai chẳng nghĩ bàn được vô biên tế như hư không. Chư Đại Bồ Tát nghe trí lực bất tu nghị như hư không ấy rồi tin nhận vâng thờ thanh tịnh không nghi càng thêm hớn hở vui mừng phát ý tưởng hy ky.

Đức Thế Tôn muốn tuyên lại nghĩa ấy mà nói kệ rằng:

Như Lai như thiệt biết các hành

Biết được hữu tình tánh chánh định

Lại biết tướng bất định thành thục

Và các căn nhân pháp tương ưng

Các hành ba thứ tham tương ưng

Và cùng ba thứ sân si hiệp

Hành tương ưng vô biên phiền não

Duyên, nhân, Đức Phật đều thiệt biết

Người có khổ hành mà lợi căn

Hoặc có hành ấy mà độn căn

Người có lạc hành căn lợi độn

Đấng Đại Đạo Sư biết như thiệt

Người có độn hành và độn tu

Hoặc là hành độn mà lợi tu

Hoặc là hành mau mà tu chậm

Hoặc là đều mau hoặc đều chậm

Hoặc có các hành giản trạch sanh

Chẳng do tu tập đạo lực khởi

Hoặc tu tập sanh chẳng giản trạch

Câu sanh biệt dị cùng tương ưng

Hoặc có các hành sanh tín nguyện

Mà chẳng phải là phương tiện tịnh

Hoặc phương tiện tịnh chẳng tín nguyện

Chẳng tín nguyện hạnh hoặc đủ cả

Hoặc có tịnh tu nơi thân nghiệp

Chẳng phải ngữ ý nghiệp thanh tịnh

Hoặc có ngữ tịnh và thân tịnh

Mà ý nghiệp kia chẳng thanh tịnh

Hoặc có nội tâm thường thanh tịnh

Hai nghiệp thân ngữ chẳng thanh tịnh

Hoặc có ngữ tịnh và ý tịnh

Mà thân nghiệp họ chưa được tịnh

Hoặc thân ngữ ý tịnh chẳng tịnh

Các hành lưu chuyển và tịch diệt

Đấng Chánh Biến Tri biết như thiệt

Đây là Phật trí lực thứ sáu.

Này Xá Lợi Phất! Đây gọi là biến hành chư hành trí lực của Đức Như Lai. Do trí lực thứ sáu ấy mà Đức Như Lai tự xưng là bực Đại Thánh chuyển pháp luân thanh tịnh mà tất cả thế gian đều chẳng chuyển đúng pháp được.

Lại này Xá Lợi Phất! Thế nào là tịnh lự giải thoát Tam Ma Địa Tam Ma Bát Đề phát khởi tạp nhiễm thanh tịnh trí lực của Đức Như Lai?

Này Xá Lợi Phất! Đức Như Lai Chánh Đẳng Giác dùng trí lực Vô Thượng biết rõ như thiệt hoặc tự hoặc tham tất cả những pháp tịnh lự giải thoát Tam Ma Địa Tam Ma Bát Đề phát khởi tạp nhiễm thanh tịnh.

Các tướng như vậy biết rõ như thiệt thế nào?

Đó là biết rõ như thiệt do nhân do duyên mà tất cả hữu tình có thể bị tạp nhiễm. Lại như thiệt biết do nhân do duyên mà tất cả hữu tình có thể được thanh tịnh.

Này Xá Lợi Phất! Nhân gì duyên gì có thể khiến tạp nhiễm?

Đó là do tác ý chẳng xứng lý làm nhân, do vô minh làm duyên khiến các hữu tình phát khởi tạp nhiễm.

Vô minh như vậy làm nhân các hành làm duyên.

Các hành làm nhân các thức làm duyên.

Các thức làm nhân danh sắc làm duyên.

Danh sắc làm nhân sáu nhập làm duyên.

Sáu nhập làm nhân các xúc làm duyên.

Các xúc làm nhân cảm thọ làm duyên.

Do thọ làm nhân ái luyến làm duyên.

Tham ái làm nhân chấp thủ làm duyên.

Do thủ làm nhân các hữu làm duyên.

Do hữu làm nhân lấy sanh làm duyên.

Do sanh làm nhân lão tử làm duyên.

Phiền não làm nhân các nghiệp làm duyên.

Kiến chấp làm nhân tham ái làm duyên. Tùy miên làm nhân các triền làm duyên.

Do các nhân và duyên như vậy làm cho tất cả hữu tình pháp khởi tạp nhiễm.

Những tướng như vậy Đức Như Lai đều biết rõ như thiệt.

Này Xá Lợi Phất! Nhân gì và duyên gì làm cho thanh tịnh?

Có hai nhân và hai duyên có thể làm cho tất cả hữu tình thanh tịnh. Đó là do tha thuận âm và tác ý như lý của chính mình làm nhân, và xa tha duyên một cảnh cùng tì bát xá na thiện xảo phương tiện làm duyên.

Lại có hai nhân và hai duyên làm cho thanh tịnh. Đó là trí bất lai và trí bất khứ.

Lại có hai nhân và hai duyên làm cho thanh tịnh. Đó là quán vô sanh và chứng chánh định.

Lại có hai nhân và hai duyên làm cho thanh tịnh. Đó là hành cụ túc và minh vô minh giải thoát tác chứng.

Lại có hai nhân và hai duyên làm cho thanh tịnh. Đó là tu giải thoát môn và tánh giải thoát trí.

Lại có hai nhân và hai duyên làm cho thanh tịnh. Đó là tùy giác đế và tùy đắc đế.

Những nhân và duyên như vậy có thể làm cho hữu tình thanh tịnh. Các tướng như vậy Đức Như Lai đều biết rõ như thiệt.

Lại này Xá Lợi Phất! Đức Như Lai biết rõ như thiệt cảnh giới tạp nhiễm của các hữu tình và cảnh giới thanh tịnh của các hữu tình. Hoặc có cảnh giới tạp nhiễm nhập vào cảnh giới thanh tịnh. Hoặc có cảnh giới thanh tịnh nhập vào cảnh giới tạp nhiễm, đây đều do như thiệt quán vậy.

Hoặc có cảnh giới tạp nhiễm nhập vào cảnh giới tạp nhiễm. Hoặc có cảnh giới thanh tịnh nhập vào cảnh giới thanh tịnh. Đây đều là do tăng thượng mạn chấp vây. Tất cả tướng trên đây Đức Như Lai đều biết rõ như thiệt.

Lại này Xá Lợi Phất! Đức Như Lai dùng trí như thiệt ở nơi trong các tịnh lự siêu việt gián tạp sai biệt đều biết rõ. Đó là ly dục ác bất thiện pháp hữu tầm hữu từ ly sanh hỷ lạc đầy đủ an trụ nơi tịnh lự tối sơ.

Đức Như Lai an trụ tịnh lự tối sơ rồi từ diệt tận định mà xuất. Như vậy nhẫn đến nhập diệt tận định rồi từ sơ tịnh lự mà xuất.

Lại này Xá Lợi Phất! Đức Như Lai ở nơi bát giải thoát dùng trí như thiệt hoặc thuận thứ lớp mà nhập, hoặc lại nghịch thứ mà nhập, hoặc thuận nghịch nhập, hoặc gián tạp nhập.

Giải thoát như vậy thế nào là tám thứ?

Đó là nội có sắc tướng quán ngoại sắc là sơ giải thoát.

 Nội không sắc tướng quán ngoại sắc giải thoát là giải thoát thứ hai.

Nơi tịnh giải thoát hoặc nơi tịnh tánh khởi tịnh giải là giải thoát thứ ba.

Hư Không vô biên xứ định là giải thoát thứ tư.

Thức vô biên xứ định là giải thoát thứ năm.

Vô sở hữu xứ định là giải thoát thứ sáu.

Phi tưởng phi phi tưởng xứ định là giải thoát thứ bảy.

Diệt thọ tưởng định là giải thoát thứ tám.

Lại này Xá Lợi Phất! Đức Như Lai dùng trí như thiệt hoặc an trụ trong một Tam Ma Địa mà lại thị hiện Tam Ma Địa và Tam Ma Bát đề khác, hoặc lại thị hiện các thứ quán giải. Dầu như vậy mà Chư Như Lai đối với các đẳng trì chưa từng hỗn loạn.

Lại này Xá Lợi Phất! Chư Phật Như Lai chẳng do duyên nơi Tam Ma Địa mà nhập Tam Ma Địa.

Hoặc y nơi một Tam Ma Địa mà thành tựu tất cả những Tam Ma Địa khác.

Hoặc chẳng khởi một Tam Ma Địa mà có thể nhập khắp tất cả Tam Ma Địa.

Lai Chư Như Lai tâm thường an trụ trong định không xoay vần duyên.

Lại Chư Như Lai không bao giờ có tâm bất định.

Lại Chư Như Lai an trụ chánh định thâm diệu, không ai có thể thấy biết được chánh định của Như Lai được.

Này Xá Lợi Phất! Tam Ma Địa của hàng Thanh Văn được bị Tam Ma Địa của Độc Giác chói lấp.

Tam Ma Địa của chư Độc Giác được bị Tam Ma Địa của Bồ Tát chói lấp.

Tam Ma Địa của chư Bồ Tát bị Tam Ma Địa của Phật chói lấp.

Tam Ma Địa của Chư Phật không gì chói lấp được.

Tại sao?

Do vì trí không chói lấp của Như Lai thường hiện khởi vậy.

Này Xá Lợi Phất! Đức Như Lai biết như thiệt như vậy. Giáo thọ như vậy, giáo giới như vậy mà có thể phát khởi các Tam Ma Địa của Thanh Văn Duyên Giác.

Đức Như Lai dùng giáo thọ giáo giới như vậy có thể phát khởi diệu Tam Ma Địa của Chư Bồ Tát. Chư Phật Như Lai biết rõ như thiệt rồi bèn làm giáo thọ giáo giới như vậy.

Này Xá Lợi Phất! Trí lực phát khởi tịnh lự giải thoát Tam Ma Địa Ma Bát Đề tạp nhiễm thanh tịnh của Đức Như Lai vô biên vô tế chẳng thể nghĩ bàn đồng như hư không. Nếu có ai muốn tìm biên tế định lực của Đức Như Lai thì chẳng khác với kẻ tìm biên tế của hư không.

Này Xá Lợi Phất! Chư Đại Bồ Tát nghe trí lực thiền định giải thoát của Đức Như Lai chẳng thể nghĩ bàn như hư không rồi tin nhận vâng thờ thanh tịnh không nghi càng thêm hớn hở vui mừng phát ý tưởng hy kỳ.

***

icon

Tổng hợp

Cùng chủ đề

Phật Thuyết Kinh đại Bát Nhã Ba La Mật đa - Hội Thứ Ba - Phẩm Ba Mươi Mốt - Phẩm Tuyên Hóa - Phần Ba

Kinh Đại thừa   •   25.12.2023
Hán dịch: Ngài Tam Tạng Pháp Sư Cưu Ma La Thập, Đời Diêu Tần