Phật Thuyết Kinh đại Bát Nhã Ba La Mật đa - Hội Thứ Mười Sáu - Phẩm Bát Nhã Ba La Mật đa - Phần Hai

Kinh Đại thừa   •   Thứ hai, 25/12/2023, 22:18 PM

Hán dịch: Ngài Tam Tạng Pháp Sư Cưu Ma La Thập, Đời Diêu Tần

PHẬT THUYẾT KINH 

ĐẠI BÁT NHÃ BA LA MẬT ĐA

Hán dịch: Ngài Tam Tạng Pháp Sư

Cưu Ma La Thập, Đời Diêu Tần  

HỘI THỨ MƯỜI SÁU  

PHẨM BÁT NHàBA LA MẬT ĐA  

PHẦN HAI   

Này Thiện Dũng Mãnh! Nếu Đại Bồ Tát có thể hiểu biết pháp như thế, thì mới gọi là chơn thật Bồ Tát. Nói Bồ Tát ấy nghĩa là có thể tùy sự hiểu rõ khái niệm hữu tình không thật, không sanh.

Lại nữa, Bồ Tát cũng có thể biết như thật tất cả pháp như Phật.

Vì sao Bồ Tát biết như thật như Phật?

Nghĩa là biết như thật tánh tất cả pháp không thật, không sanh, cũng không hư vọng. Các Bồ Tát đối với tánh các pháp chẳng chấp trước như phàm phu ngu si, cũng chẳng sở đắc như phàm phu ngu si. Biết như thật như vậy nên gọi là Bồ Tát.

Vì sao?

Thiện Dũng Mãnh! Bởi vì bồ đề ấy không có sự chấp trước, không có sự phân biệt, không có sự tập hợp, không có sự đắc vậy.

Này Thiện Dũng Mãnh! Chẳng phải chư Như Lai Ứng Chánh Đẳng Giác đối với tánh bồ đề có chút sở đắc, vì tất cả pháp bất khả đắc. Đối với pháp không thể đắc nên gọi bồ đề. Tuy Chư Phật nói bồ đề như vậy mà như không nói, vì lìa các tướng vậy.

Này Thiện Dũng Mãnh! Nếu các Bồ Tát phát tâm bồ đề suy nghĩ: Hôm nay ta phát tâm bồ đề này tức là bồ đề, ta đang vì hướng tới bồ đề này nên phát tâm tu hành. Các Bồ Tát có sở đắc nên chẳng gọi Bồ Tát, chỉ có thể gọi là Tát Đỏa hữu tình cuồng loạn.

Vì sao?

Thiện Dũng Mãnh! Vì Bồ Tát chấp chắc chắn có tánh phát khởi, chấp chắc chắn có sự phát tâm, chấp chắc chắn có tánh bồ đề.

Nếu các Bồ Tát phát tâm bồ đề mà có chấp trước, thì chỉ có thể gọi là đối với tâm bồ đề có chấp Tát Đỏa. Chẳng gọi Bồ Tát phát tâm chơn tịnh. Do tạo tác phát tâm bồ đề như vậy, nên gọi là tạo tác Tát Đỏa, không gọi là Bồ Tát. Do vị ấy gia hạnh phát tâm bồ đề nên gọi là gia hạnh Tát Đỏa, không gọi là Bồ Tát.

Vì sao?

Thiện Dũng Mãnh! Vì các Bồ Tát đó đã chấp thủ việc phát tâm bồ đề, nên chỉ có thể gọi là phát tâm Tát Đỏa, không gọi là Bồ Tát.

Này Thiện Dũng Mãnh! Không thật có thể phát tâm bồ đề, vì tâm bồ đề không thể phát, nên bồ đề không sanh cũng không tâm. Các Bồ Tát kia chỉ chấp phát tâm, nhưng không hiểu rõ nghĩa bồ đề không sanh tâm.

Này Thiện Dũng Mãnh! Nếu sanh tánh bình đẳng tức thật tánh bình đẳng. Nếu thật tánh bình đẳng tức là tánh tâm bình đẳng. Nếu tánh tâm bình đẳng tức bồ đề. Nếu đối với trong đây có tánh như thật, tức đối với trong đây không có sự phân biệt. Nếu có tâm phân biệt và bồ đề thì liền chấp trước vào tâm và bồ đề. Do hai loại phát tâm bồ đề này nên không thể gọi là người chơn thật phát tâm.

Này Thiện Dũng Mãnh! bồ đề và tâm chẳng phải mỗi loại có khác, chẳng phải ở trong tâm có thật bồ đề, chẳng phải trong bồ đề được có thật tâm. bồ đề cùng tâm như thật như lý đều không thể nói là giác, là tâm. Do như thật ngộ bồ đề cùng tâm đều bất khả đắc, không sanh, chẳng sanh nên gọi là Bồ Tát, cũng gọi là Ma Ha Tát và như thật hữu tình.

Vì sao?

Vì như thật biết không phải thật có tánh. Như thật biết chẳng thật có tánh, nghĩa là các thế gian đều chẳng thật có, chẳng thật nắm giữ, chẳng thật có sanh chỉ giả an lập.

Vì sao thế gian chẳng thật có sanh chỉ giả an lập?

Chẳng thật có là không thật sanh vậy. Vì không thật sanh và chẳng thật có, nên nói các pháp không thật không tánh. Do như thật biết chẳng thật có tánh, nên cũng có thể nói là như thật hữu tình. Trong thật có ấy cũng không chấp thật có, lại có thể nói tùy như thật hữu tình. Tuy nói như vậy mà Như Không nói.

Vì sao?

Vì chẳng như thật lý có chút hữu tình hoặc Ma Ha Tát.

Vì sao? Thiện Dũng Mãnh! Vì chứng nhập đại thừa nên gọi là Ma Ha Tát.

Này Thiện Dũng Mãnh! Vì sao gọi là đại thừa?

Vì trí nhất thiết gọi là đại thừa.

Sao gọi là trí nhất thiết?

Nghĩa là các sở hữu trí, hoặc trí hữu vi, hoặc trí vô vi, hoặc trí thế gian, hoặc trí xuất thế gian, hoặc trí có thể chứng nhập v.v… gọi là Ma Ha Tát.

Vì sao?

Vì có thể xa lìa tưởng đại hữu tình gọi là Ma Ha Tát. Lại có thể xa lìa nhóm đại vô minh gọi là Ma Ha Tát.

Có thể xa lìa nhóm đại chư hành gọi là Ma Ha Tát.

Có thể xa lìa nhóm đại vô tri gọi là Ma Ha Tát.

Có thể xa lìa nhóm đại chúng khổ gọi là Ma Ha Tát.

Này Thiện Dũng Mãnh! Nếu có thể xa lìa tưởng đại hữu tình thì gọi là Ma Ha Tát. Họ đối với tâm và tâm sở pháp, tuy không sở đắc mà có thể hiểu rõ bản tánh của tâm. Họ đối với pháp bồ đề và pháp phần bồ đề, tuy không sở đắc mà có thể hiểu rõ bản tánh bồ đề. Do trí này, họ đối với nội tâm chẳng thấy có bồ đề.

Cũng không lìa tâm thấy có bồ đề, trong bồ đề không thấy có thật tâm. Cũng không lìa bồ đề thấy có thật tâm.

Như vậy, từ bỏ không sự tu tập, không sự từ bỏ. Đối với sự tu tập và sự từ bỏ đều không có đắc, không có nương cậy, không có chấp trước. Tuy không thấy có tánh tâm bồ đề nhưng có thể phát khởi tâm đại bồ đề. Nếu có thể phát tâm bồ đề thì mới gọi là chơn thật Bồ Tát. Tuy họ phát tâm bồ đề như vậy nhưng đối với bồ đề không có sự phát sanh.

Vì sao?

Thiện Dũng Mãnh! Vì họ đã an trụ vào đại bồ đề. Nếu không có sự chấp trước như vậy thì hoàn toàn không thấy có tâm và bồ đề sanh diệt sai khác. Cũng không thấy có sự phát tâm hướng đến đại bồ đề. Nếu không thấy, không chấp, không phân biệt thì phải biết đã trụ vô thượng bồ đề. Hoặc nếu có sự chấp trước mà phát sanh thắng giải và tâm giải thoát, thì gọi là chơn thật bồ đề.

Này Thiện Dũng Mãnh! Nếu các Bồ Tát không lìa tưởng tâm và tưởng Bồ Tát, mà phát tâm bồ đề là họ đã xa bồ đề, chẳng gần bồ đề.

Này Thiện Dũng Mãnh! Nếu các Bồ Tát không thấy bồ đề có xa có gần, thì biết họ đã gần vô thượng bồ đề, cũng gọi là người chơn phát tâm bồ đề. Ta nương nghĩa này mật ý nói rằng, nếu ai có thể tự biết có tướng không hai thì họ biết như thật tất cả Pháp Phật.

Vì sao?

Vì họ có thể chứng biết ngã và hữu tình đều không có tự tánh, tức có thể biết khắp các pháp không hai. Do có thể biết khắp các pháp không hai, nên nhất định thấu suốt được ngã và hữu tình, cùng tất cả pháp đều lấy vô tánh làm tự tánh, lý không sai khác.

Nếu có thể biết rõ tất cả các pháp không hai, thì có thể biết rõ tất cả Pháp Phật. Nếu biết khắp các pháp không hai, tức có thể biết khắp tất cả Pháp Phật. Hoặc có thể biết khắp ngã, tức biết khắp ba cõi.

Này Thiện Dũng Mãnh! Nếu biết khắp ngã họ liền đến được bờ kia của các pháp.

Vì sao gọi là bờ kia của các pháp?

Nghĩa là tất cả pháp thật tánh bình đẳng, không đắc pháp này, cũng không chấp pháp này. Hoặc không đắc bờ kia, cũng không chấp bờ kia, đó gọi là người biết khắp đến bờ kia. Tuy nói như vậy mà Như Không nói.

Này Thiện Dũng Mãnh! Các chúng Bồ Tát nên hướng tới các Bậc Bồ Tát như thế, nên chứng các Bậc Bồ Tát như thế. Phải biết tức là Bồ Tát bát nhã Ba la mật đa. Nghĩa là ở trong ấy không một chút pháp nào có thể hướng tới, có thể chứng. Vì ở trong ấy không thể thiết lập, có thể đến đi.

Khi ấy, Khánh Hỷ bạch Phật: Bạch Thế Tôn! Các hàng tăng thượng mạn hành có tướng, đối với lời Phật đã nói chớ ôm lòng sợ hãi.

Xá Lợi Tử bảo Khánh Hỷ: Chẳng phải cảnh sở hành của kẻ tăng thượng mạn hành có tướng, họ sợ hãi gì?

Vì sao?

Vì kẻ ôm lòng sợ hãi lìa tăng thượng mạn, được bạn ác nhiếp phục, nghe pháp sâu xa không thể đo lường, sợ mất sự cầu liền sanh sợ hãi.

Này Khánh Hỷ! Có những người vì muốn đoạn tăng thượng mạn, hành chánh hạnh mới có sợ hãi. Có những người vì muốn đoạn tăng thượng mạn, siêng năng tinh tấn cũng có sợ hãi.

Vì sao?

Vì họ đã biết lỗi tăng thượng mạn, cầu tánh không tăng thượng mạn và cầu đoạn tăng thượng mạn, rồi nghe pháp sâu xa không thể đo lường, nên sợ mất sự cầu bèn sanh sợ hãi.

Này Khánh Hỷ! Nếu có người đối với tăng thượng mạn không thấy, không đắc, không nương, không chấp, thì họ không sợ hãi các pháp.

Này Khánh Hỷ! Như Lai không vì tăng thượng mạn mà nói pháp như thế, vì vậy không có sự sợ hãi kia. Nếu có những người vì muốn đoạn tăng thượng mạn, siêng năng tu hành, nghe pháp như vậy có thể hiểu biết rõ ràng thì cũng không sợ hãi.

Này Khánh Hỷ! Nên biết, tăng thượng mạn hiển bày là tăng ích cho thắng pháp. Như có kẻ hiện hành tăng thượng mạn, là chắc chắn họ hiện hành tăng ích cho thắng pháp. Vì hành tăng ích chẳng phải hành bình đẳng, kẻ ấy nếu thích hành hạnh bình đẳng thì đối với pháp sâu xa này ôm lòng do dự chẳng sanh sợ hãi, cũng không tin nhận.

Này Khánh Hỷ! Trong bình đẳng, không bình đẳng đều không chỗ đắc. Hoặc trong bình đẳng, không bình đẳng đều không chỗ nương. Hoặc trong bình đẳng, không bình đẳng đều không chấp trước. Họ đối với các pháp không kinh khiếp, không khủng hoảng, không sợ hãi.

Này Khánh Hỷ! Pháp sâu xa này chẳng phải chỗ hành của các phàm phu ngu si. Pháp sâu xa này chẳng phải cảnh giới của các phàm phu ngu si. Pháp sâu xa này không phải chỗ biết của các phàm phu ngu si.

Vì vượt qua tất cả chỗ hành, chỗ nhận, chỗ giác ngộ của phàm phu ngu si. Có những người hướng đến Thanh Văn Thừa, tuy hành pháp sâu xa nhưng pháp sâu xa này không phải chỗ hành của họ.

Có những người hướng đến Độc giác thừa, tuy hành pháp sâu xa nhưng pháp sâu xa này không phải chỗ hành của họ. Có những người hướng đến Bồ Tát thừa, nếu hành hữu tướng, xa lìa bạn lành, bị bạn ác nhiếp phục, họ đối với pháp không nhiễm đắm như vậy. Cũng không thể hành được vì chẳng phải cảnh của họ.

Khánh Hỷ nên biết! Chỉ trừ Thanh Văn Thừa chứng ngộ chân lý, cầu đại bồ đề và Bồ Tát thừa được bạn lành khuyên răn, thì đối với pháp sâu xa này sanh tin hiểu. Đối với pháp sâu xa này có thể tùy thuận hành, đối với pháp sâu xa này có thể chứng biết.

Này Khánh Hỷ! Nếu các Bồ Tát xa lìa các tướng, an trụ vô tướng, hành không sai khác, thì đối với các pháp sâu xa rốt ráo, ra khỏi các thứ lưới nghi phân biệt chấp trước. Tùy chỗ muốn kia đều có thể thành tựu.

Đối với tâm bồ đề hoàn toàn không chỗ đắc. Đối với tánh các pháp không hiểu sai khác, cũng không phát khởi các hành sai khác. Tùy có chỗ hướng đến đều có thể ngộ nhập. Họ đối với pháp môn sâu xa như vậy đều có thể thọ trì, tâm không nghi ngờ.

Vì sao?

Vì họ đối với các pháp đều trụ tùy thuận, không chỗ trái nghịch. Nếu có pháp khởi, bất cứ câu hỏi nào, đều có thể tùy thuận trả lời tất cả. Hòa hợp bên này và bên kia, khiến không trái nghịch nhau. Phật vì họ nên nói pháp sâu xa này.

Bấy giờ, Phật Bảo cụ thọ Khánh Hỷ: Này Khánh Hỷ! Ông nên thọ trì lời Xá Lợi Tử đã nói. Xá Lợi Tử và Ta đều nói như vậy không khác.

Khánh Hỷ nên biết! Kẻ tăng thượng mạn đối với giáo pháp này không thể ngộ nhập, vì chẳng phải cảnh của họ, chẳng phải Bậc của họ vậy.

Khánh Hỷ nên biết! Giáo pháp như thế thuận tánh các pháp, thuận bồ đề Phật, đối với bồ đề Phật có thể trợ bạn. Nếu các loài hữu tình tin hiểu thấp kém đối với Pháp Phật sâu xa rộng lớn này, thì tâm không ngộ nhập, không thể nhận giữ thực hành.

Khánh Hỷ nên biết! Kẻ tăng thượng mạn tin hiểu thấp kém, đối với bồ đề Phật và pháp sâu xa trụ trong trái nghịch. Họ làm gì cũng tùy thuộc tăng thượng mạn nên không thể tin nhận pháp sâu xa này.

Khánh Hỷ nên biết! Nay trong chúng hội này thanh tịnh tối thắng, xa lìa tạp nhiễm, từng ở nhiều chỗ Phật phát thệ nguyện rộng lớn, vun trồng vô lượng căn lành thù thắng, từng thờ vô biên Chư Phật quá khứ.

Và đã từ lâu tin hiểu pháp sâu xa, tu hành thuần thục hạnh sâu xa, nên nay Như Lai Ứng Chánh Đẳng Giác tin tưởng hoàn toàn vào chúng này, không còn nghi ngờ, nói ra pháp môn nào đều rõ ràng, không có dè dặt, tiếc lời khi thuyết pháp yếu.

Khánh Hỷ nên biết! Nay chúng hội này thanh tịnh bền chắc, không như những thứ ngói, sỏi, đất mặn v.v…, đã từng cúng dường hơn trăm ngàn Đức Phật, nên an trụ kiên cố trong các Pháp Phật.

Khánh Hỷ nên biết! Ví dụ ngói sỏi là nói về phàm phu ngu si, nghĩa là không thể dung nạp pháp sâu xa. Còn ví dụ đất mặn v.v… phải biết là chỉ rõ các hữu tình tăng thượng mạn, vì không thể sanh trưởng hạnh sâu xa.

Khánh Hỷ nên biết! Nay hội chúng này lìa bỏ những tập khởi  căn lành rộng lớn của tăng thượng mạn, ấy là pháp khí sâu xa.

Khánh Hỷ nên biết! Ví như Vua Rồng ở ao lớn Vô Nhiệt, có nhân duyên nên sanh đại hoan hỷ, sống trong cung của mình hưởng vui ngũ dục. Vì vui mừng nên từ trong cung phun mưa lớn đủ tám công đức. Khi ấy, các Rồng con cũng vui mừng đến cung mình, hưởng vui năm dục, cùng nhau du hý đùa giỡn, phun một trận mưa ngọt.

Cũng vậy, Như Lai Ứng Chánh Đẳng Giác vì các chúng hội rưới mưa pháp lớn. Khi ấy, có vô lượng chúng trưởng tử Đại Bồ Tát nghe rồi kết tập. Hoặc trong Cõi Kham Nhẫn này, Như Lai Ứng Chánh Đẳng Giác trước các chúng hội rưới mưa pháp lớn. Hoặc trong mỗi mỗi Cõi Phật kia, chư Như Lai Ứng Chánh Đẳng Giác trước chúng hội đó rưới mưa pháp lớn.

Này Khánh Hỷ! Như Vua Rồng ở biển cả có khi vui mừng, từ trong cung phun mưa lớn. Và có những Vua Rồng khác sống lâu trong cung mình, cũng vui mừng làm mưa xuống. Trong những trận mưa lớn này phải khéo biết phân đều, nên các Rồng con đều hoan hỷ nhận lãnh mưa lớn của Vua cha đã rưới.

Vì sao?

Vì có những Rồng khác v.v… khi phun mưa không biết phân đều, cũng không vui mừng nhận thọ. Cũng vậy, Như Lai Ứng Chánh Đẳng Giác ở trong hội đại chúng rưới mưa pháp báu sâu xa.

Có chúng Đại Bồ Tát trưởng tử của Phật, từ lâu đã trồng vô lượng căn lành thù thắng, sanh trưởng nơi pháp môn sâu xa, thành tựu nhiều ý vui rộng lớn, nhận lãnh mưa pháp môn lớn của Như Lai, nghe rồi vui mừng khéo biết phân đều. Vì nghĩa này nên nay Đức Như Lai ở trong đại chúng thanh tịnh, rống lớn tiếng Sư Tử, rưới mưa pháp lớn, làm nhiều lợi ích.

Này Khánh Hỷ! Như Vua Chuyển Luân có nhiều con, mang dòng tộc mẹ thanh tịnh, hình tướng đoan nghiêm. Bấy giờ, Vua ấy có nhiều kho báu, gọi hết các con đến phân phát ban cho.

Trong tâm Vua hoàn toàn không dối gạt hay thiên vị.

Những người con được nhiều của báu, càng kính mến Vua cha, đều nghĩ thế này: Hôm nay chúng ta đều biết, phụ vương đã cho chúng ta lợi đồng nhau. Cũng vậy, Như Lai Ứng Chánh Đẳng Giác là đại pháp chủ, làm đại pháp vương. Tự nhiên triệu tập các đệ tử chơn chánh của Phật, đem kho pháp lớn phân bố ban cho. Tâm Ngài hoàn toàn không hư dối thiên vị. Khi ấy, các đệ tử Phật đạt được pháp vi diệu, đều kính mến Như Lai.

Họ nghĩ thế này: Ngày nay chúng ta biết rõ, Như Lai ban cho pháp lợi đồng nhau. Chúng ta phải nỗ lực tinh tấn, nối truyền giống Phật khiến chẳng dứt mất.

Này Khánh Hỷ! Pháp báu vi diệu sâu xa này chẳng phải các hữu tình khác có thể tin nhận. Như kẻ tin hiểu thấp kém, kẻ tăng thượng mạn, kẻ hành ác kiến, kẻ hành hữu tướng, kẻ hành có sở đắc, kẻ bị ngã mạn phá hoại, kẻ bị tham, sân, si xô đè, kẻ vượt đường mà đi v.v… Hạng người như vậy gọi là hữu tình khác. Đối với pháp môn này không thể tin nhận.

Khánh Hỷ nên biết! Các loài hữu tình tin hiểu thấp kém, không thể quí mến của báu Luân vương. Còn con Luân vương mới sanh kính mến của báu ấy.

Khánh Hỷ nên biết! Các loài hữu tình bần cùng thấp kém, đâu thể tham châu báu của Luân vương như: Xe báu, voi báu, ngựa báu, ngọc báu, nữ báu, chủ báu, quan thần, chủ binh báu và các loại y phục tốt đẹp khác, kể cả nhiều của báu quí giá như: Chân châu Mạt ni, kim ngân, san hô, lưu ly v.v…

Người nghèo khổ kia giả như thấy được, cũng xấu hổ vì không thể lấy, không thể dùng. Dù có đem đi bán, không biết giác trị, ra giá rất ít, theo giá trả bèn bán. Hoặc không xét phân biệt báu vật, tâm bèn nhàm chán vứt bỏ đi.

Khánh Hỷ nên biết! Người nghèo khổ kia chẳng những không hiểu rõ giá trị của báu vật, mà còn không biết tên của báu vật đó.

Như vậy, Khánh Hỷ! Chỉ có con của pháp thân Như Lai Ứng Chánh Đẳng Giác, hoặc các Thanh Văn v.v… đã chứng ngộ chân lý, cầu đại bồ đề, hoặc các Bồ Tát được bạn lành chơn tịnh giúp đỡ hộ trì, thì mới có thể tin nhận kho báu Pháp Bảo này.

Sự kính mến sâu xa kia chẳng thể đắc Pháp Bảo tương ưng không, nhưng có thể thọ dụng giáo lý tương ưng với Phật Pháp chơn tịnh. Cũng có thể tu hành tất cả pháp, không chấp trước các hạnh Bồ Tát.

Khánh Hỷ nên biết! Các loài hữu tình bần cùng thấp kém là kẻ thiếu nghe chánh pháp, phá hoại sự nghe chánh pháp. Người ngu si không mắt, làm sao mong cầu kho báu chánh pháp. Giả như có gặp được cũng không biết kính trọng, đối với hữu tình khác coi nhẹ mà bán rẻ, hoặc tâm nhàm chán bèn vứt bỏ đi.

Này Khánh Hỷ! Nếu kẻ đồ tể, hoặc kẻ gánh thây chết, hoặc các công thợ, hoặc những kẻ bần tiện nuôi mạng bằng nghề xấu xa thì không bao giờ tìm cầu được nhiều trân bảo quí giá. Giả sử họ có thấy cũng không lấy được, không dùng được, hoặc dù có cũng tùy giá rẻ liền bán cho người, hoặc nhàm chán mà vứt bỏ đi.

Khánh Hỷ nên biết! Hạng đồ tể v.v… tức là nói về tất cả ngoại đạo, cũng là các chúng đệ tử ngoại đạo. Hoặc những kẻ bần tiện, người sinh sống nghề xấu xa, là chỉ cho phàm phu ngu si. Kẻ kia thường lún chìm trong ao bùn ác kiến.

Tất cả thời hành có sở đắc, ưa tướng trói buộc, hành hạnh hữu tướng, hướng đến các Cõi vượt đường mà đi, không thể mong cầu của báu chánh pháp. Giả như có người gặp được của báu nhưng không thể giữ dùng, hoặc quá nhàm chán vứt bỏ, hoặc coi thường mà cho người khác.

Khánh Hỷ nên biết! Nếu các Phật Tử hành theo Phật hành, vì muốn an trụ giữ gìn mười lực của Như Lai, bốn điều không sợ v.v… và vô biên Phật Pháp khác khiến không đoạn tận, thì sẽ cầu được kho pháp báu sâu xa. Họ đối với kho pháp báu sâu xa như vậy, thâm tâm khởi tưởng chân bảo quí trọng, khéo thọ dùng, tinh tấn chuyên cần, giữ gìn không cho hoại mất.

Khánh Hỷ nên biết! Chẳng phải dã can có thể học được tiếng rống Sư Tử. Chỉ có Sư Tử con do Sư Tử chúa sanh mới có thể học được tiếng rống ấy.

Khánh Hỷ nên biết! Nói dã can là dụ cho các tà kiến của phàm phu ngu si. Họ chắc chắn không thể tinh tấn siêng năng, phương tiện học tiếng rống Đại Sư Tử Chánh Đẳng Giác, mà phải các đệ tử Phật sanh từ trí tự nhiên Chánh Đẳng Giác, mới có thể tinh tấn siêng năng tu học tiếng rống Đại Sư Tử Chánh Đẳng Giác. Như vậy, chỉ có đệ tử Phật mới có thể nhận dùng pháp tài Vô Thượng Chánh Đẳng Giác.

Khi ấy, Xá Lợi Tử bạch Phật: Bạch Thế Tôn! Kỳ diệu thay! Như Lai Ứng Chánh Đẳng Giác có thể tập họp chúng hội thanh tịnh như thế.

Hi hữu thay! Như Lai Ứng Chánh Đẳng Giác có thể nhóm chúng hội tối thắng, chúng hội tự nhiên, chúng hội khó chinh phục, chúng hội như Kim cương không động, không chuyển, không loạn, để thuyết bát nhã Ba la mật đa.

Phật Bảo Xá Lợi Tử: Ông đã tán thán hoàn hảo về công đức của chúng hội.

Xá Lợi Tử bạch Phật: Bạch Thế Tôn! Công đức của chúng hội chẳng phải con có thể khen ngợi.

Vì sao?

Vì nay nhờ chúng hội này thành tựu vô lượng, vô biên công đức, như núi Diệu Cao khen chẳng thể hết được.

Phật dạy: Này Xá Lợi Tử! Đúng vậy! Đúng vậy! Đúng như ông đã nói, nay chúng hội này thành tựu vô lượng, vô biên công đức thù thắng thanh tịnh hiếm có. Chư Phật Thế Tôn khen ngợi còn không thể hết huống là các hữu tình khác.

Này Xá Lợi Tử! Trong chúng hội này, không phải sức của Phật Thế Tôn có thể tập hợp, cũng chẳng phải Như Lai ưa thích chúng hội này mà khiến cho họ tập hợp. Chỉ do sức căn lành của chúng này nghe danh Ta mà đến nhóm hội.

Lại nữa, đại chúng này không vì Phật đến, cũng chẳng phải thần thông của Như Lai làm cho đến, mà do sức căn lành của chúng này tự giác ngộ phát khởi mà đến đây, đúng pháp là như vậy. Nếu Phật Thế Tôn muốn nói diệu pháp sâu xa như thế, thì nhất định có các Đại Bồ Tát như thế, từ các nước Phật mà đến nhóm hội.

Này Xá Lợi Tử! Nếu Chư Phật Thế Tôn quá khứ, hiện tại, vị lai hoặc mười phương cõi, muốn khai thị tạng pháp Bồ Tát sâu xa mầu nhiệm để dứt trừ tất cả nghi, thì chắc chắc có đại chúng với vô lượng, vô biên công đức tối thắng thanh tịnh như thế tập hợp.

Nếu có đại chúng với vô lượng, vô biên công đức tối thắng thanh tịnh như thế tập hợp, thì Chư Phật Thế Tôn nói tạng pháp Bồ Tát sâu xa mầu nhiệm để dứt trừ tất cả nghi.

Phật lại bảo Đại Bồ Tát Thiện Dũng Mãnh: Này Thiện Dũng Mãnh! Ta ở bất cứ nơi nào cũng vì các chúng Đại Bồ Tát tuyên thuyết bát nhã Ba la mật đa, giúp họ siêng năng tu học.

Sự học bát nhã Ba la mật đa của chúng Bồ Tát như thế nào?

Nếu có thể thông đạt được thật tánh các pháp là bát nhã Ba la mật đa. Như vậy, bát nhã Ba la mật đa mầu nhiệm sâu xa không thể nói. Nay theo chỗ biết cảnh giới văn cú thế tục của các ông, Ta phương tiện diễn nói bát nhã Ba la mật đa sâu xa, giúp các chúng Đại Bồ Tát nghe rồi, phương tiện tinh tấn siêng năng tu học.

Thiện Dũng Mãnh! Sắc uẩn chẳng phải bát nhã Ba la mật đa. Thọ, tưởng, hành, thức uẩn cũng chẳng phải bát nhã Ba la mật đa. Lìa sắc uẩn chẳng phải bát nhã Ba la mật đa. Lìa thọ, tưởng, hành, thức uẩn cũng chẳng phải bát nhã Ba la mật đa.

Vì sao?

Thiện Dũng Mãnh! Vì bờ kia của sắc uẩn không phải là sắc uẩn. Bờ kia của thọ, tưởng, hành, thức uẩn cũng không phải là thọ, tưởng, hành, thức uẩn. Như bờ kia sắc uẩn, sắc uẩn cũng vậy. Như bờ kia thọ, tưởng, hành, thức uẩn, thọ, tưởng, hành, thức uẩn cũng vậy.

Thiện Dũng Mãnh! Trong đây, bờ kia của sắc uẩn không phải là sắc uẩn, là nói sắc uẩn lìa trói buộc. Bờ kia của thọ, tưởng, hành, thức uẩn cũng không phải là thọ, tưởng, hành, thức uẩn, là nói thọ, tưởng, hành, thức uẩn lìa trói buộc.

Như bờ kia sắc uẩn, sắc uẩn cũng vậy. Nói tự tánh sắc uẩn như vậy, tức là nói sắc uẩn như sở hữu tánh, bản tánh bất khả đắc.

Như bờ kia thọ, tưởng, hành, thức uẩn. Thọ, tưởng, hành, thức uẩn cũng vậy. Nói tự tánh thọ, tưởng, hành, thức uẩn như vậy, tức là nói thọ, tưởng, hành, thức uẩn như sở hữu tánh, bản tánh bất khả đắc.

Như sắc uẩn như sở hữu tánh, bản tánh bất khả đắc. Nên biết bát nhã Ba la mật đa cũng lại như vậy.

Như thọ, tưởng, hành, thức uẩn như sở hữu tánh, bản tánh bất khả đắc. Nên biết bát nhã Ba la mật đa cũng lại như vậy.

Thiện Dũng Mãnh! Nhãn xứ chẳng phải bát nhã Ba la mật đa. Nhĩ, tỷ, thiệt, thân, ý xứ cũng chẳng phải bát nhã Ba la mật đa. Lìa nhãn xứ chẳng phải bát nhã Ba la mật đa. Lìa nhĩ, tỷ, thiệt, thân, ý xứ cũng chẳng phải bát nhã Ba la mật đa.

Vì sao?

Thiện Dũng Mãnh! Vì bờ kia của nhãn xứ không phải là nhãn xứ. Bờ kia của nhĩ, tỷ, thiệt, thân, ý xứ cũng không phải là nhĩ, tỷ, thiệt, thân, ý xứ. Như bờ kia nhãn xứ, nhãn xứ cũng vậy. Như bờ kia nhĩ, tỷ, thiệt, thân, ý xứ, nhĩ, tỷ, thiệt, thân, ý xứ cũng vậy.

Thiện Dũng Mãnh! Trong đây, bờ kia của nhãn xứ không phải là nhãn xứ, là nói nhãn xứ lìa trói buộn. Bờ kia của nhĩ, tỷ, thiệt, thân, ý xứ cũng không phải là nhĩ, tỷ, thiệt, thân, ý xứ, là nói nhĩ, tỷ, thiệt, thân, ý xứ lìa trói buộc.

Như bờ kia nhãn xứ, nhãn xứ cũng vậy. Nói tự tánh nhãn xứ như vậy, tức là nói nhãn xứ như sở hữu tánh, bản tánh bất khả đắc.

Như bờ kia nhĩ, tỷ, thiệt, thân, ý xứ. Nhĩ, tỷ, thiệt, thân, ý xứ cũng vậy. Nói tự tánh nhĩ, tỷ, thiệt, thân, ý xứ như vậy, tức là nói nhĩ, tỷ, thiệt, thân, ý xứ như sở hữu tánh, bản tánh bất khả đắc.

Như nhãn xứ như sở hữu tánh, bản tánh bất khả đắc. Nên biết bát nhã Ba la mật đa cũng lại như vậy.

Như nhĩ, tỷ, thiệt, thân, ý xứ như sở hữu tánh, bản tánh bất khả đắc. Nên biết bát nhã Ba la mật đa cũng lại như vậy.

Thiện Dũng Mãnh! Sắc xứ chẳng phải bát nhã Ba la mật đa. Thanh, hương, vị, xúc, pháp xứ cũng chẳng phải bát nhã Ba la mật đa. Lìa sắc xứ chẳng phải bát nhã Ba la mật đa. Lìa thanh, hương, vị, xúc, pháp xứ cũng chẳng phải bát nhã Ba la mật đa.

Vì sao?

Thiện Dũng Mãnh! Vì bờ kia của sắc xứ không phải là sắc xứ. Bờ kia của thanh, hương, vị, xúc, pháp xứ cũng không phải là thanh, hương, vị, xúc, pháp xứ. Như bờ kia sắc xứ, sắc xứ cũng vậy. Như bờ kia thanh, hương, vị, xúc, pháp xứ, thanh, hương, vị, xúc, pháp xứ cũng vậy.

Thiện Dũng Mãnh! Trong đây, bờ kia của sắc xứ không phải là sắc xứ, là nói sắc xứ lìa trói buộc. Bờ kia của thanh, hương, vị, xúc, pháp xứ cũng không phải là thanh, hương, vị, xúc, pháp xứ, là nói thanh, hương, vị, xúc, pháp xứ lìa trói buộc.

Như bờ kia sắc xứ, sắc xứ cũng vậy. Nói tự tánh sắc xứ như vậy, tức là nói sắc xứ như sở hữu tánh, bản tánh bất khả đắc.

Như bờ kia thanh, hương, vị, xúc, pháp xứ. Thanh, hương, vị, xúc, pháp xứ cũng vậy. Nói tự tánh thanh, hương, vị, xúc, pháp xứ như vậy, tức là nói thanh, hương, vị, xúc, pháp xứ như sở hữu tánh, bản tánh bất khả đắc.

Như sắc xứ như sở hữu tánh, bản tánh bất khả đắc. Nên biết bát nhã Ba la mật đa cũng lại như vậy.

Như thanh, hương, vị, xúc, pháp xứ như sở hữu tánh, bản tánh bất khả đắc. Nên biết bát nhã Ba la mật đa cũng lại như vậy.

Thiện Dũng Mãnh! Nhãn giới chẳng phải bát nhã Ba la mật đa. Nhĩ, tỷ, thiệt, thân, ý giới cũng chẳng phải bát nhã Ba la mật đa. Lìa nhãn giới chẳng phải bát nhã Ba la mật đa. Lìa nhĩ, tỷ, thiệt, thân, ý giới cũng chẳng phải bát nhã Ba la mật đa.

Vì sao?

Thiện Dũng Mãnh! Vì bờ kia của nhãn giới không phải là nhãn giới. Bờ kia của nhĩ, tỷ, thiệt, thân, ý giới cũng không phải là nhĩ, tỷ, thiệt, thân, ý giới. Như bờ kia nhãn giới, nhãn giới cũng vậy. Như bờ kia nhĩ, tỷ, thiệt, thân, ý giới, nhĩ, tỷ, thiệt, thân, ý giới cũng vậy.

Thiện Dũng Mãnh! Trong đây, bờ kia của nhãn giới không phải là nhãn giới, là nói nhãn giới lìa trói buộc. Bờ kia của nhĩ, tỷ, thiệt, thân, ý giới cũng không phải là nhĩ, tỷ, thiệt, thân, ý giới, là nói nhĩ, tỷ, thiệt, thân, ý giới lìa trói buộc.

Như bờ kia nhãn giới, nhãn giới cũng vậy. Nói tự tánh nhãn giới như vậy, tức là nói nhãn giới như sở hữu tánh, bản tánh bất khả đắc.

Như bờ kia nhĩ, tỷ, thiệt, thân, ý giới. Nhĩ, tỷ, thiệt, thân, ý giới cũng vậy. Nói tự tánh nhĩ, tỷ, thiệt, thân, ý giới như vậy, tức là nói nhĩ, tỷ, thiệt, thân, ý giới như sở hữu tánh, bản tánh bất khả đắc.

Như nhãn giới như sở hữu tánh, bản tánh bất khả đắc. Nên biết bát nhã Ba la mật đa cũng lại như vậy.

Như nhĩ, tỷ, thiệt, thân, ý giới như sở hữu tánh, bản tánh bất khả đắc. Nên biết bát nhã Ba la mật đa cũng lại như vậy.

Thiện Dũng Mãnh! Sắc giới chẳng phải bát nhã Ba la mật đa. Thanh, hương, vị, xúc, pháp giới cũng chẳng phải bát nhã Ba la mật đa. Lìa sắc giới chẳng phải bát nhã Ba la mật đa. Lìa thanh, hương, vị, xúc, pháp giới cũng chẳng phải bát nhã Ba la mật đa.

Vì sao?

Thiện Dũng Mãnh! Vì bờ kia của sắc giới không phải là sắc giới. Bờ kia của thanh, hương, vị, xúc, pháp giới cũng không phải là thanh, hương, vị, xúc, pháp giới. Như bờ kia sắc giới, sắc giới cũng vậy. Như bờ kia thanh, hương, vị, xúc, pháp giới, thanh, hương, vị, xúc, pháp giới cũng vậy.

Thiện Dũng Mãnh! Trong đây, bờ kia của sắc giới không phải là sắc giới, là nói sắc giới lìa trói buộc. Bờ kia của thanh, hương, vị, xúc, pháp giới cũng không phải là thanh, hương, vị, xúc, pháp giới, là nói thanh, hương, vị, xúc, pháp giới lìa trói buộc.

Như bờ kia sắc giới, sắc giới cũng vậy. Nói tự tánh sắc giới như vậy, tức là nói sắc giới như sở hữu tánh, bản tánh bất khả đắc.

Như bờ kia thanh, hương, vị, xúc, pháp giới. Thanh, hương, vị, xúc, pháp giới cũng vậy. Nói tự tánh thanh, hương, vị, xúc, pháp giới như vậy, tức là nói thanh, hương, vị, xúc, pháp giới như sở hữu tánh, bản tánh bất khả đắc.

Như sắc giới như sở hữu tánh, bản tánh bất khả đắc. Nên biết bát nhã Ba la mật đa cũng lại như vậy.

Như thanh, hương, vị, xúc, pháp giới như sở hữu tánh, bản tánh bất khả đắc. Nên biết bát nhã Ba la mật đa cũng lại như vậy.

Thiện Dũng Mãnh! Nhãn thức giới chẳng phải bát nhã Ba la mật đa. Nhĩ, tỷ, thiệt, thân, ý thức giới cũng chẳng phải bát nhã Ba la mật đa. Lìa nhãn thức giới chẳng phải bát nhã Ba la mật đa. Lìa nhĩ, tỷ, thiệt, thân, ý thức giới cũng chẳng phải bát nhã Ba la mật đa.

Vì sao?

Thiện Dũng Mãnh! Vì bờ kia của nhãn thức giới không phải là nhãn thức giới. Bờ kia của nhĩ, tỷ, thiệt, thân, ý thức giới cũng không phải là nhĩ, tỷ, thiệt, thân, ý thức giới. Như bờ kia nhãn thức giới, nhãn thức giới cũng vậy. Như bờ kia nhĩ, tỷ, thiệt, thân, ý thức giới, nhĩ, tỷ, thiệt, thân, ý thức giới cũng vậy.

Thiện Dũng Mãnh! Trong đây, bờ kia của nhãn thức giới không phải là nhãn thức giới, là nói nhãn thức giới lìa trói buộc. Bờ kia của nhĩ, tỷ, thiệt, thân, ý thức giới cũng không phải là nhĩ, tỷ, thiệt, thân, ý thức giới, là nói nhĩ, tỷ, thiệt, thân, ý thức giới lìa trói buộc.

Như bờ kia nhãn thức giới, nhãn thức giới cũng vậy. Nói tự tánh nhãn thức giới như vậy, tức là nói nhãn thức giới như sở hữu tánh, bản tánh bất khả đắc.

Như bờ kia nhĩ, tỷ, thiệt, thân, ý thức giới. Nhĩ, tỷ, thiệt, thân, ý thức giới cũng vậy. Nói tự tánh nhĩ, tỷ, thiệt, thân, ý thức giới như vậy, tức là nói nhĩ, tỷ, thiệt, thân, ý thức giới như sở hữu tánh, bản tánh bất khả đắc.

Như nhãn thức giới như sở hữu tánh, bản tánh bất khả đắc. Nên biết bát nhã Ba la mật đa cũng lại như vậy.

Như nhĩ, tỷ, thiệt, thân, ý thức giới như sở hữu tánh, bản tánh bất khả đắc. Nên biết bát nhã Ba la mật đa cũng lại như vậy.

Thiện Dũng Mãnh! Tất cả pháp chẳng phải bát nhã Ba la mật đa. Lìa tất cả pháp cũng chẳng phải bát nhã Ba la mật đa.

Vì sao?

Thiện Dũng Mãnh! Vì bờ kia của tất cả pháp không phải là tất cả pháp. Như bờ kia tất cả pháp, tất cả pháp cũng vậy.

Thiện Dũng Mãnh! Trong đây, bờ kia của tất cả pháp không phải là tất cả pháp, là nói tất cả pháp lìa trói buộc.

Như bờ kia tất cả pháp, tất cả pháp cũng vậy. Nói tự tánh tất cả pháp như vậy, tức là nói tất cả pháp như sở hữu tánh, bản tánh bất khả đắc.

Như tất cả pháp như sở hữu tánh, bản tánh bất khả đắc. Nên biết bát nhã Ba la mật đa cũng lại như vậy.

Này Thiện Dũng Mãnh! Như vậy, bát nhã Ba la mật đa không nương vào sắc uẩn. Cũng không nương vào thọ, tưởng, hành, thức uẩn. Bát nhã Ba la mật đa không nương vào nhãn xứ.

Cũng không nương vào nhĩ, tỷ, thiệt, thân, ý xứ. Bát nhã Ba la mật đa không nương vào sắc xứ. Cũng không nương vào thanh, hương, vị, xúc, pháp xứ.

Bát Nhã Ba la mật đa không nương vào nhãn giới. Cũng không nương vào nhĩ, tỷ, thiệt, thân, ý giới. Bát nhã Ba la mật đa không nương vào sắc giới.

Cũng không nương vào thanh, hương, vị, xúc, pháp giới. Bát nhã Ba la mật đa không nương vào nhãn thức giới. Cũng không nương vào nhĩ, tỷ, thiệt, thân, ý thức giới. bát nhã Ba la mật đa không nương vào tất cả pháp.

Này Thiện Dũng Mãnh!

Như vậy, bát nhã Ba la mật đa không ở trong sắc uẩn, không ở ngoài sắc uẩn, không ở giữa hai, xa lìa mà trụ. Cũng không ở trong thọ, tưởng, hành, thức uẩn, không ở ngoài thọ, tưởng, hành, thức uẩn, không ở giữa hai, xa lìa mà trụ.

Như vậy, bát nhã Ba la mật đa không ở trong nhãn xứ, không ở ngoài nhãn xứ, không ở giữa hai, xa lìa mà trụ. Cũng không ở trong nhĩ, tỷ, thiệt, thân, ý xứ, không ở ngoài nhĩ, tỷ, thiệt, thân, ý xứ, không ở giữa hai, xa lìa mà trụ.

Như vậy, bát nhã Ba la mật đa không ở trong sắc xứ, không ở ngoài sắc xứ, không ở giữa hai, xa lìa mà trụ. Cũng không ở trong thanh, hương, vị, xúc, pháp xứ, không ở ngoài thanh, hương, vị, xúc, pháp xứ, không ở giữa hai, xa lìa mà trụ.

Như vậy, bát nhã Ba la mật đa không ở trong nhãn giới, không ở ngoài nhãn giới, không ở giữa hai, xa lìa mà trụ. Cũng không ở trong nhĩ, tỷ, thiệt, thân, ý giới, không ở ngoài nhĩ, tỷ, thiệt, thân, ý giới, không ở giữa hai, xa lìa mà trụ.

Như vậy, bát nhã Ba la mật đa không ở trong sắc giới, không ở ngoài sắc giới, không ở giữa hai, xa lìa mà trụ. Cũng không ở trong thanh, hương, vị, xúc, pháp giới, không ở ngoài thanh, hương, vị, xúc, pháp giới, không ở giữa hai, xa lìa mà trụ.

Như vậy, bát nhã Ba la mật đa không ở trong nhãn thức giới, không ở ngoài nhãn thức giới, không ở giữa hai, xa lìa mà trụ. Cũng không ở trong nhĩ, tỷ, thiệt, thân, ý thức giới, không ở ngoài nhĩ, tỷ, thiệt, thân, ý thức giới, không ở giữa hai, xa lìa mà trụ.

Như vậy, bát nhã Ba la mật đa không ở trong tất cả pháp, không ở ngoài tất cả pháp, không ở giữa hai, xa lìa mà trụ.

Này Thiện Dũng Mãnh!

Như vậy, bát nhã Ba la mật đa cùng sắc uẩn chẳng tương ưng, chẳng phải không tương ưng. Cùng thọ, tưởng, hành, thức uẩn chẳng tương ưng, chẳng phải không tương ưng.

Như vậy, bát nhã Ba la mật đa cùng nhãn xứ chẳng tương ưng, chẳng phải không tương ưng. Cùng nhĩ, tỷ, thiệt, thân, ý xứ chẳng tương ưng, chẳng phải không tương ưng.

Như vậy, bát nhã Ba la mật đa cùng sắc xứ chẳng tương ưng, chẳng phải không tương ưng. Cùng thanh, hương, vị, xúc, pháp xứ chẳng tương ưng, chẳng phải không tương ưng.

Như vậy, bát nhã Ba la mật đa cùng nhãn giới chẳng tương ưng, chẳng phải không tương ưng. Cùng nhĩ, tỷ, thiệt, thân, ý giới chẳng tương ưng, chẳng phải không tương ưng.

Như vậy, bát nhã Ba la mật đa cùng sắc giới chẳng tương ưng, chẳng phải không tương ưng. Cùng thanh, hương, vị, xúc, pháp giới chẳng tương ưng, chẳng phải không tương ưng.

Như vậy, bát nhã Ba la mật đa cùng nhãn thức giới chẳng tương ưng, chẳng phải không tương ưng. Cùng nhĩ, tỷ, thiệt, thân, ý thức giới chẳng tương ưng, chẳng phải không tương ưng.

Như vậy, bát nhã Ba la mật đa cùng tất cả pháp chẳng tương ưng, chẳng phải không tương ưng.

Này Thiện Dũng Mãnh! Chân như sắc uẩn tánh chẳng hư vọng, tánh chẳng đổi khác, tánh như sở hữu, gọi là bát nhã Ba la mật đa. Chân như thọ, tưởng, hành, thức uẩn tánh chẳng hư vọng, tánh chẳng đổi khác, tánh như sở hữu, gọi là bát nhã Ba la mật đa.

Chân như nhãn xứ tánh chẳng hư vọng, tánh chẳng đổi khác, tánh như sở hữu, gọi là bát nhã Ba la mật đa. Chân như nhĩ, tỷ, thiệt, thân, ý xứ tánh chẳng hư vọng, tánh chẳng đổi khác, tánh như sở hữu, gọi là bát nhã Ba la mật đa.

Chân như sắc xứ tánh chẳng hư vọng, tánh chẳng đổi khác, tánh như sở hữu, gọi là bát nhã Ba la mật đa. Chân như thanh, hương, vị, xúc, pháp xứ tánh chẳng hư vọng, tánh chẳng đổi khác, tánh như sở hữu, gọi là bát nhã Ba la mật đa.

Chân như nhãn giới tánh chẳng hư vọng, tánh chẳng đổi khác, tánh như sở hữu, gọi là bát nhã Ba la mật đa. Chân như nhĩ, tỷ, thiệt, thân, ý giới tánh chẳng hư vọng, tánh chẳng đổi khác, tánh như sở hữu, gọi là bát nhã Ba la mật đa.

Chân như sắc giới tánh chẳng hư vọng, tánh chẳng đổi khác, tánh như sở hữu, gọi là bát nhã Ba la mật đa. Chân như thanh, hương, vị, xúc, pháp giới tánh chẳng hư vọng, tánh chẳng đổi khác, tánh như sở hữu, gọi là bát nhã Ba la mật đa.

Chân như nhãn thức giới tánh chẳng hư vọng, tánh chẳng đổi khác, tánh như sở hữu, gọi là bát nhã Ba la mật đa. Chân như nhĩ, tỷ, thiệt, thân, ý thức giới tánh chẳng hư vọng, tánh chẳng đổi khác, tánh như sở hữu, gọi là bát nhã Ba la mật đa.

Chân như tất cả pháp tánh chẳng hư vọng, tánh chẳng đổi khác, tánh như sở hữu, gọi là bát nhã Ba la mật đa.

Này Thiện Dũng Mãnh! Sắc uẩn ấy tánh lìa sắc uẩn.

Vì sao?

Vì chẳng phải trong sắc uẩn có tánh sắc uẩn, không sở hữu này gọi là bát nhã Ba la mật đa. Thọ, tưởng, hành, thức uẩn ấy tánh lìa thọ, tưởng, hành, thức uẩn.

Vì sao?

Vì chẳng phải trong thọ, tưởng, hành, thức uẩn có tánh thọ, tưởng, hành, thức uẩn, không sở hữu này gọi là bát nhã Ba la mật đa. Nhãn xứ ấy tánh lìa nhãn xứ.

Vì sao?

Vì chẳng phải trong nhãn xứ có tánh nhãn xứ, không sở hữu này gọi là bát nhã Ba la mật đa. Nhĩ, tỷ, thiệt, thân, ý xứ ấy tánh lìa nhĩ, tỷ, thiệt, thân, ý xứ.

Vì sao?

Vì chẳng phải trong nhĩ, tỷ, thiệt, thân, ý xứ có tánh nhĩ, tỷ, thiệt, thân, ý xứ, không sở hữu này gọi là bát nhã Ba la mật đa.

Sắc xứ ấy tánh lìa sắc xứ.

Vì sao?

Vì chẳng phải trong sắc xứ có tánh sắc xứ, không sở hữu này gọi là bát nhã Ba la mật đa. Thanh, hương, vị, xúc, pháp xứ ấy tánh lìa thanh, hương, vị, xúc, pháp xứ.

Vì sao?

Vì chẳng phải trong thanh, hương, vị, xúc, pháp xứ có tánh thanh, hương, vị, xúc, pháp xứ, không sở hữu này gọi là bát nhã Ba la mật đa.

Nhãn giới ấy tánh lìa nhãn giới.

Vì sao?

Vì chẳng phải trong nhãn giới có tánh nhãn giới, không sở hữu này gọi là bát nhã Ba la mật đa. Nhĩ, tỷ, thiệt, thân, ý giới ấy tánh lìa nhĩ, tỷ, thiệt, thân, ý giới.

Vì sao?

Vì chẳng phải trong nhĩ, tỷ, thiệt, thân, ý giới có tánh nhĩ, tỷ, thiệt, thân, ý giới, không sở hữu này gọi là bát nhã Ba la mật đa.

Sắc giới ấy tánh lìa sắc giới.

Vì sao?

Vì chẳng phải trong sắc giới có tánh sắc giới, không sở hữu này gọi là bát nhã Ba la mật đa. Thanh, hương, vị, xúc, pháp giới ấy tánh lìa thanh, hương, vị, xúc, pháp giới.

Vì sao?

Vì chẳng phải trong thanh, hương, vị, xúc, pháp giới có tánh thanh, hương, vị, xúc, pháp giới, không sở hữu này gọi là bát nhã Ba la mật đa.

Nhãn thức giới ấy tánh lìa nhãn thức giới.

Vì sao?

Vì chẳng phải trong nhãn thức giới có tánh nhãn thức giới, không sở hữu này gọi là bát nhã Ba la mật đa. Nhĩ, tỷ, thiệt, thân, ý thức giới ấy tánh lìa nhĩ, tỷ, thiệt, thân, ý thức giới.

Vì sao?

Vì chẳng phải trong nhĩ, tỷ, thiệt, thân, ý thức giới có tánh nhĩ, tỷ, thiệt, thân, ý thức giới, không sở hữu này gọi là bát nhã Ba la mật đa.

Tất cả pháp ấy tánh lìa tất cả pháp.

Vì sao?

Vì chẳng phải trong tất cả pháp có tánh tất cả pháp, không sở hữu này gọi là bát nhã Ba la mật đa.

Này Thiện Dũng Mãnh!

Tự tánh sắc uẩn lìa sắc uẩn. Tự tánh thọ, tưởng, hành, thức uẩn lìa thọ, tưởng, hành, thức uẩn. Tự tánh lìa này gọi là bát nhã Ba la mật đa.

Tự tánh nhãn xứ lìa nhãn xứ. Tự tánh nhĩ, tỷ, thiệt, thân, ý xứ lìa nhĩ, tỷ, thiệt, thân, ý xứ. Tự tánh lìa này gọi là bát nhã Ba la mật đa.

Tự tánh sắc xứ lìa sắc xứ. Tự tánh thanh, hương, vị, xúc, pháp xứ lìa thanh, hương, vị, xúc, pháp xứ. Tự tánh lìa này gọi là bát nhã Ba la mật đa.

Tự tánh nhãn giới lìa nhãn giới. Tự tánh nhĩ, tỷ, thiệt, thân, ý giới lìa nhĩ, tỷ, thiệt, thân, ý giới. Tự tánh lìa này gọi là bát nhã Ba la mật đa.

Tự tánh sắc giới lìa sắc giới. Tự tánh thanh, hương, vị, xúc, pháp giới lìa thanh, hương, vị, xúc, pháp giới. Tự tánh lìa này gọi là bát nhã Ba la mật đa.

Tự tánh nhãn thức giới lìa nhãn thức giới. Tự tánh nhĩ, tỷ, thiệt, thân, ý thức giới lìa nhĩ, tỷ, thiệt, thân, ý thức giới. Tự tánh lìa này gọi là bát nhã Ba la mật đa.

Tự tánh tất cả pháp lìa tất cả pháp. Tự tánh lìa này gọi là bát nhã Ba la mật đa.

Này Thiện Dũng Mãnh!

Sắc uẩn không có tự tánh sắc uẩn. Thọ, tưởng, hành, thức uẩn không có tự tánh thọ, tưởng, hành, thức uẩn. Không có tự tánh này gọi là bát nhã Ba la mật đa.

Nhãn xứ không có tự tánh nhãn xứ. Nhĩ, tỷ, thiệt, thân, ý xứ không có tự tánh nhĩ, tỷ, thiệt, thân, ý xứ. Không có tự tánh này gọi là bát nhã Ba la mật đa.

Sắc xứ không có tự tánh sắc xứ. Thanh, hương, vị, xúc, pháp xứ không có tự tánh thanh, hương, vị, xúc, pháp xứ. Không có tự tánh này gọi là bát nhã Ba la mật đa.

Nhãn giới không có tự tánh nhãn giới. Nhĩ, tỷ, thiệt, thân, ý giới không có tự tánh nhĩ, tỷ, thiệt, thân, ý giới. Không có tự tánh này gọi là bát nhã Ba la mật đa.

Sắc giới không có tự tánh sắc giới. Thanh, hương, vị, xúc, pháp giới không có tự tánh thanh, hương, vị, xúc, pháp giới. Không có tự tánh này gọi là bát nhã Ba la mật đa.

Nhãn thức giới không có tự tánh nhãn thức giới. Nhĩ, tỷ, thiệt, thân, ý thức giới không có tự tánh nhĩ, tỷ, thiệt, thân, ý thức giới. Không có tự tánh này gọi là bát nhã Ba la mật đa.

Tất cả pháp không có tự tánh tất cả pháp. Không có tự tánh này gọi là bát nhã Ba la mật đa.

***

icon

Tổng hợp

Cùng chủ đề

Phật Thuyết Kinh đại Bát Nhã Ba La Mật đa - Hội Thứ Ba - Phẩm Ba Mươi Mốt - Phẩm Tuyên Hóa - Phần Ba

Kinh Đại thừa   •   25.12.2023
Hán dịch: Ngài Tam Tạng Pháp Sư Cưu Ma La Thập, Đời Diêu Tần