Phật Thuyết Kinh đại Bảo Tích - Pháp Hội Thứ Mười Hai - Pháp Hội Bồ Tát Tạng - Phẩm Thứ Bốn - Phẩm Như Lai Bất Tư Nghì Tánh - Phần Hai
Hán dịch: Ngài Tam Tạng Pháp Sư Nan Liên Đề Gia Xá, Đời Cao Tế
PHẬT THUYẾT
KINH ĐẠI BẢO TÍCH
Hán dịch: Ngài Tam Tạng Pháp Sư
Nan Liên Đề Gia Xá, Đời Cao Tế
PHÁP HỘI THỨ MƯỜI HAI
PHÁP HỘI BỒ TÁT TẠNG
PHẨM THỨ BỐN
PHẨM NHƯ LAI BẤT TƯ NGHÌ TÁNH
PHẦN HAI
Đức Thế Tôn muốn tuyên lại nghĩa ấy mà nói kệ rằng:
Ánh sáng mặt nhật nguyệt
Của Đế Thích Phạm Thiên
Nhẫn đến Sắc Cứu Cánh
Không bằng ánh sáng Phật
Ánh sáng Sắc Cứu Cánh
Chiếu khắp Cõi Đại Thiên
So một tia sáng Phật
Chẳng bằng một phần nhỏ
Đức Phật phóng ánh sáng
Chiếu khắp cõi hư không
Các chúng sanh trí lớn
Mới thấy được như vậy
Ánh sáng Phật vô biên
Bằng với cõi hư không
Tùy chúng sanh được độ
Thấy ánh sáng sai khác
Như có kẻ sanh manh
Chẳng thấy sáng mặt trời
Họ chẳng thấy ánh sáng
Nói mặt nhật không sáng
Các chúng sanh hạ liệt
Chẳng thấy ánh sáng Phật
Họ chẳng thấy sáng chiếu
Nói không ánh sáng Phật
Hoặc thấy sáng một tầm
Hoặc thấy Câu Lô Xá
Hoặc đến một do tuần
Hoặc khắp Cõi Đại Thiên
Hoặc đã trụ Thượng Địa
Bực Bồ Tát đại trí
Hoặc ở bậc Bát Cửu
Nhẫn đến bậc Thập Địa
Phật siêu bậc Thập Địa
Vầng sáng vô biên lượng
Chiếu bất tư nghị cõi
Để làm các Phật Sự
Chư Phật bất tư nghị
Phật Quang bất tư nghị
Người tin và được phước
Cũng là khó tư nghị.
Đức Phật lại bảo Ngài Xá Lợi Phất! Thế nào là Đại Bồ Tát đối với chúng tịnh giới bất tư nghị và chúng sanh định bất tư nghị của Đức Như Lai mà tin nhận vâng thờ thanh tịnh không nghi càng thêm hớn hở vui mừng phát ý tưởng hy kỳ?
Này Xá Lợi Phất! Các ông phải biết chánh thuyết như vậy: Nếu các chúng sanh ở thế gian phụng trì giới hạnh thanh tịnh vô nhiễm. Do vì thanh tịnh nên biết người ấy thành tựu thân nghiệp thanh tịnh, thành tựu ngữ nghiệp thanh tịnh, thành tựu ý nghiệp thanh tịnh.
Người ấy dầu ở thế gian mà chẳng bị thế pháp ô nhiễm. Phải biết người ấy là Bà La Môn, là rời lìa các điều ác, là Sa Môn, là người tịch tịnh, là người tu thiền định đệ nhất, là người được Thiền Ba La Mật đệ nhất. Chúng sanh ấy là Như Lai. Nói như vậy là chánh thuyết.
Tại sao?
Này Xá Lợi Phất! Ta chẳng bao giờ thấy ở thế gian hoặc Chư Thiên, hoặc Ma Vương, hoặc Phạm Vương, hoặc Sa Môn, hoặc Bà La Môn và các Trời, các A Tu La v.v... có vô lượng vô biên chúng tịnh giới bất tư nghị, chúng chánh định bất tư nghị bằng Đức Như Lai.
Tại sao?
Này Xá Lợi Phất! Vì Đức Như Lai đã được Giới Ba La Mật Thiền Ba La Mật đệ nhất vậy.
Này Xá Lợi Phất! Nay ông có muốn nghe Đức Phật nói ví dụ về giới Ba La Mật của Đức Như Lai chăng?
Ngài Xá Lợi Phất thưa: Bạch Đức Thế Tôn! Nay đã phải lúc. Nếu các Tỳ Kheo nghe Đức Phật nói ví dụ về Giới Ba La Mật của Đức Như Lai, họ sẽ đồng thọ trì như chỗ đã được nghe.
Đức Phật phán dạy: Lành thay, lành thay!
Này Xá Lợi Phất! Ta sẽ vì ông mà phân biệt giải nói.
Này Xá Lợi Phất! Ý ông nghĩ thế nào?
Chúng sanh và Đại Địa, thứ nào nhiều hơn?
Ngài Xá Lợi Phất thưa: Bạch Đức Thế Tôn! Như tôi hiểu ý nghĩa của lời Đức Phật nói, thì chúng sanh nhiều chớ chẳng phải Đại Địa.
Đức Phật phán dạy: Đúng như vậy.
Này Xá Lợi Phất! Chúng sanh nhiều chớ chẳng phải Đại Địa.
Này Xá Lợi Phất! Giả sử trong Cõi Đại Thiên có bao nhiêu chúng sanh, những loài noãn sanh, thai sanh, thấp sanh, hóa sanh, hoặc có sắc, hoặc không sắc, hoặc có tưởng, hoặc không tưởng, hoặc chẳng phải có tưởng chẳng phải không tưởng, tất cả chúng sanh ấy trong khoảng sát na đồng thời được thân người rồi trong khoảng sát na đồng thời đều chứng quả Vô Thượng Bồ Đề.
Mỗi Đức Phật ấy lại hóa làm ngần ấy Phật. Mỗi hóa Phất ấy đều có ngàn đầu, mỗi đầu ấy đều có ngàn miệng, mỗi miệng đều có ngàn lưỡi. Mỗi hóa Phật ấy đều có đủ thập lực, tứ vô úy, tứ vô ngại và biện tài vô chướng vô ngại vô tận.
Chư Phật ấy dùng bao nhiêu lưỡi ấy thi thố biện tài vô ngại vô tận y cứ theo tất cả chúng giới Ba La Mật của Đức Như Lai mà xưng tán vô lượng, dầu trải qua câu chi na do tha trăm ngàn đại kiếp xưng tán luôn cũng không xưng tán hết khắp được chúng giới Ba La Mật của Đức Như Lai.
Này Xá Lợi Phất! Chúng giới Ba La Mật của Đức Như Lai vô lượng vô biên vô tận chẳng thể nghĩ bàn. Trí huệ Vô Thượng và biện tài vô chướng vô ngại vô tận của Chư Phật cũng vô tận chẳng thể nghĩ bàn.
Chúng Giới Ba La Mật của Đức Như Lai và trí huệ vô thượng biện tài vô ngại của Chư Phật, cả hai đều là bất tư nghị, vô lượng vô số đồng với cõi hư không bình đẳng bình đẳng.
Này Xá Lợi Phất! Giả sử tất cả chúng sanh trong hằng sa Thế Giới ở mười phương trong khoảng một sát na đồng thời đều được thân người rồi đều thành bậc Vô Thượng Bồ Đề, cũng nói y theo trên để tỉ lệ nhẫn đến cùng với cõi hư không bình đẳng bình đẳng.
Tại sao?
Này Xá Lợi Phất! Do vì Đức Như Lai đã chứng được giới Ba La Mật đệ nhất vậy.
Đức Phật lại bảo Ngài Xá Lợi Phất: Nay ông có muốn nghe nói ví dụ về Thiền Ba La Mật Đa của Đức Như Lai chẳng?
Ngài Xá Lợi Phất thưa: Bạch Đức Thế Tôn! Nay đã phải lúc. Nếu chư Tỳ Kheo nghe Đức Phật nói ví dụ về Thiền Ba La Mật Đa của Đức Như Lai sẽ đồng phụng trì đúng như chỗ được nghe.
Đức Phật phán dạy: Này Xá Lợi Phất! Giả sử có thời kỳ thế gian này đến kiếp hỏa thiêu do mặt nhật thứ bảy. Vì mặt nhật ấy mọc ra nên cả Cõi Đại Thiên đồng thời bị cháy, cháy mạnh, cháy lớn, cháy khắp lớn mạnh.
Này Xá Lợi Phất! Phải biết Đức Như Lai ở tại trong những Thế Giới đang cháy khắp lớn mạnh như vậy, hoặc kinh hành, hoặc đứng, hoặc ngồi, hoặc nằm, những chỗ ấy thành tựu mười sự hy kỳ chẳng thể nghĩ bàn.
Những gì là mười?
Chỗ Đức Như Lai đi đứng ấy, chẳng cần đến công lực, đều bằng phẳng như trong lòng bàn tay. Đây là sự rất hy kỳ bất tư nghì thứ nhất.
Chỗ Đức Như Lai đi đứng ấy tự nhiên nổi cao sạch đẹp không có lẫn lộn ngói đá. Đây là sự rất hy kỳ bất tư nghị thứ hai.
Chỗ Đức Như Lai đi đứng ấy tự nhiên rộng rãi bằng phẳng trang nghiêm thanh tịnh để cho Đức Như Lai thọ dụng. Đây là sự rất hy kỳ thứ ba.
Chỗ Đức Như Lai đi đứng ấy tự nhiên sanh những cỏ thơm xanh mướt mềm mại trơn láng cuốn về phía hữu. Đây là sự rất hy kỳ bất tư nghị thứ tư.
Chỗ Đức Như Lai đi đứng ấy tự nhiên xuất hiện nước bát công đức: Nhẹ, mát, mềm, đứng lặng, không nhơ, trong sạch, thích uống và uống nhiều không sanh bệnh. Đây là sự rất hy kỳ thứ năm.
Chỗ Đức Như Lai đi đứng ấy tự nhiên có gió mát hòa huỡn nhẹ nhàng. Đây là do hạnh nghiệp trước của Đức Như Lai cảm với mà có gió mát dịu ấy. Ví như ngày rất nóng nực, xế trưa có một chàng trai vì quá nóng bức nên chạy đến tắm trong Sông Hằng.
Sau khi tắm rửa sạch sẽ, mát mẻ thơ thới, chàng trai ấy leo lên bờ bên kia sông thấy gần đó có khu rừng cây xanh mát, bèn đi vào rừng ấy. Lại thấy trong ấy có trải sẵn giường nệm rộng rãi mịn nhuyễn, gối chăn mềm mại. Chàng trai liền lên giường ấy hoặc ngồi hoặc nằm. Bốn phía giường lại có gió mát thổi nhẹ liên tục.
Cũng vậy, này Xá Lợi Phất! Đức Như Lai ở trong Thế Giới đang cháy khắp lớn mạnh mà đi đứng nằm ngồi, tự nhiên nơi ấy có gió mát thổi nhẹ liên tục. Đây là sự rất hy kỳ bất tư nghị thứ sáu.
Chỗ Đức Phật đi đứng ấy tự nhiên sông rạch ao hồ xuất hiện các loại hoa dưới nước, những là hoa sen xanh, hoa sen vàng, hoa sen đỏ, hoa sen trắng. Các hoa ấy thơm ngát màu rất hy kỳ bất tư nghị thứ bảy.
Chỗ Đức Phật đi đứng ấy tự nhiên nơi đất bằng và gò cao đều mọc các thứ hoa đẹp thơm thế gian chưa từng có. Đây là sự rất hy kỳ bất tư nghị thứ tám.
Chỗ Đức Phật đi đứng ấy tự nhiên thành chất im cương cứng bền. Đây là sự rất hy kỳ bất tư nghị thứ chín.
Chỗ Đức Phật đi đứng ấy, phải biết đó là Phật linh miếu, thế gian Chư Thiên, hoặc Ma Vương, hoặc Phạm Vương, hoặc Sa Môn, hoặc Bà La Môn, Trời, Người, A Tu La v.v... đều cung kính cúng dường tôn trọng tán thán. Đây là thành tựu sự rất hy kỳ bất tư nghị thứ mười.
Mười sự rất hy kỳ bất tư nghị ấy đều do hạnh nghiệp đời trước của Đức Như Lai thành tựu.
Tại sao?
Vì Đức Như Lai khéo thông đạt Pháp Giới. Do vì thông đạt nên Đức Như Lai nhập chánh định ấy, y cứ tâm chánh định ấy mà thọ lạc bất thối. Dầu trải đến hằng sa đại kiếp, Đức Như Lai cũng vẫn chưa từng khởi xuất tâm chánh định.
Y nơi tâm chánh định ấy, trong khoảng thời gian một bữa ăn, Đức Như Lai trụ một kiếp ngàn kiếp đến trăm kiếp hoặc trăm kiếp ngàn kiếp đến trăm ngàn câu chi kiếp, hoặc nhiều hơn số kiếp trên.
Tại sao?
Vì Đức Như Lai đã thành tựu Thiền Ba La Mật đệ nhất vậy. Do vì đã thành tựu nên Đức Như Lai có đủ đại thần lực như vậy, có đủ oai đức lực như vậy, có đủ đại tông thế lực như vậy.
Này Xá Lợi Phất! Như các Thiên Tử Phi Tưởng Phi Phi Tưởng Xứ sanh thức của họ duyên một cảnh đến tám vạn bốn ngàn kiếp, chừng nào mà thọ mạng chánh định chưa dứt, sanh thức của họ chẳng bị cảnh giới thức khác di chuyển.
Này Xá Lợi Phất! Các Thiên Tử ấy do sức chánh định thế gian mà còn được an trụ trong thời gian như vậy, huống là Thiền Ba La Mật của Đức Như Lai mà lại không an trụ lâu.
Này Xá Lợi Phất! Đức Như Lai từ đêm mới chứng Vô Thượng Bồ Đề nhẫn đến đêm nhập Vô Dư Niết Bàn giới, trong khoảng thời gian giữa ấy, tâm của Đức Như Lai chưa có lúc nào khởi xuất chánh định.
Vì thế nên gọi chánh định ấy là tâm không hồi chuyển, là tâm không sở hành, là tâm không quan sát, là tâm không động lự, là tâm không lưu đảng, là tâm không nhiếp tụ, là tâm không tán loạn, là tâm không cao cử, là tâm không trầm hạ, là tâm không phòng hộ.
Là tâm không phù tàng, là tâm không hân dũng, là tâm không vi nghịch là tâm không ủy tụy, là tâm không động dao, là tâm không kinh hỷ, là tâm không hôn trầm, là tâm không phân biệt, là tâm không dị phân biệt, là tâm không biến phân biệt.
Lại chánh định ấy là tâm chẳng theo thức, là tâm chẳng y nhãn là tâm chẳng y nhĩ tỷ thiệt thân ý, là tâm chẳng y sắc, là tâm chẳng y thanh hương vị xúc pháp, là tâm chẳng đến các pháp, là tâm chẳng rời trí, là tâm chẳng quan niệm quá khứ, chẳng quan niệm vị lai, chẳng quan niệm hiện tại.
Này Xá Lợi Phất! Đức Như Lai an trụ trong chánh định, tâm rời lìa như vậy không có một pháp nào là có thể được, mà ở trong tất cả pháp phát sanh sự thấy biết vô ngại.
Tại sao?
Vì là công dụng vậy.
Này Xá Lợi Phất! Đức Như Lai chẳng khởi xuất chánh định rời lìa tâm ý thức mà hay làm các Phật Sự.
Tại sao?
Vì là công dụng vậy.
Này Xá Lợi Phất! Chư Đại Bồ Tát ấy nghe giới bất tư nghị và chánh định của Đức Như Lai rồi tin nhận vâng thờ thanh tịnh không nghi càng thêm hớn hở vui mừng phát ý tưởng hy kỳ.
Đức Thế Tôn muốn tuyên lại nghĩa ấy mà nói kệ rằng:
Vô lượng vô đẳng trăm ngàn kiếp
Ở trong các loài tu giác hạnh
Giới văn định nhẫn bất phóng dật
Đạo Sư hay tu nhân Diệu Giác
Nghiệp quả tối thắng rất thanh tịnh
Tịnh giới quảng diệu vượt các cõi
Giới đức của Phật như hư không
Thanh tịnh không nhơ dường hư không
Từ đêm Phật mới chứng Bồ Đề
Đến đêm Phật nhập đại Niết Bàn
Tâm Phật không hành không duyên khác
Chưa bao giờ khởi xuất đại định
Giới tụ của Phật không thối thuyết
Giải thoát thần lực cũng như vậy
Trụ chánh định trải vô lượng kiếp
Đức Phật không tư cũng không tưởng
Trí Phật hư không chẳng nghĩ tưởng
Vô duyên minh đạt chiếu ba đời
Không tâm ý thức không cải biến
Chỉ có Bồ Tát tin nhận được.
Đức Phật lại bảo Ngài Xá Lợi Phất: Thế nào là Đại Bồ Tát đối với thần lực bất tư nghị của Đức Như Lai tin nhận vâng thờ thanh tịnh không nghi càng thêm hớn hở vui mừng phát ý tưởng hỳ kỳ?
Này Xá Lợi Phất! Đức Như Lai được thần thông chẳng thể nghĩ bàn chẳng thể tuyên nói. Nay sẽ vì ông mà phương tiện khai triển.
Này Xá Lợi Phất! Đức Như Lai thường nói trong Chúng Thanh Văn của Đức Phật, người được thần thông thì Trưởng Lão Đại Mục Kiền Liên là đệ nhất.
Này Xá Lợi Phất! Nếu đem thần thông ấy để so sánh thì chẳng thấy có thần thông nào của hàng Thanh Văn mà bằng được thần thông của Bồ Tát.
Lại nếu đem so sánh thì chẳng thấy có thần thông nào của Thanh Văn và của Bồ Tát mà bằng được thần thông của Phật. Đây gọi là thần thông bất tư nghị của Đức Như Lai.
Chư Đại Bồ Tát vì muốn được thần thông của Phật càng phải phát khởi Thượng Phẩm tinh tiến thì có thể chứng được.
Này Xá Lợi Phất! Nay các ông có muốn nghe nói ví dụ về thần thông bất tư nghị của Phật chăng?
Ngài Xá Lợi Phất thưa: Bạch Đức Thế Tôn! Nay đã phải lúc. Chư Tỳ Kheo nếu được nghe ví dụ về thần thông mà Đức Phật tuyên dạy rồi sẽ đồng thọ trì.
Đức Phật phán dạy: Lắng nghe, ta sẽ vì ông mà tuyên nói.
Này Xá Lợi Phất! Ý ông nghĩ thế nào?
Tôn Giả Đại Mục Kiền Liên có được đại thần thông chăng?
Ngài Xá Lợi Phất thưa: Bạch Đức Thế Tôn! Ngày trước tôi từng nghe Đức Như Lai tuyên bố rằng Tôn Giả Đại Mục Kiền Liên là Bậc thần thông đệ nhất trong hàng Thanh Văn.
Đức Phật phán dạy: Đúng như vậy.
Này Xá Lợi Phất! Nay lại vì ông mà nói rộng về ví dụ.
Này Xá Lợi Phất! Ví như Chư Thanh Văn đông đầy cả Cõi Đại Thiên như rừng rậm mía mè lúa đậu tre lau. Chư Thanh Văn ấy dùng sức tinh tiến thế lực chớp nhoáng đồng thời hiển hiện thần thông biến hóa.
Muốn đem thần thông ấy so với thần thông của Đức Như Lai, thì chẳng bằng một phần trăm, một phần ngàn, nhẫn đến chẳng bằng một phần Ưu Ba Ni Sa Đà.
Tại sao?
Vì Đức Như Lai đã được thần thông biến hóa Ba La Mật đệ nhất vậy.
Này Xà Lợi Phất! Giả sử Đức Như Lai lấy một hột cải ném xuống đất, chúng Thanh Văn ấy đồng thời hiển hiện thần thông biến hóa cũng chẳng lay động được hột cải ấy.
Tại sao?
Vì Đức Như Lai đã được thần thông biến hóa Ba La Mật đệ nhất vậy.
Lại này Xá Lợi Phất! Đừng nói đến Cõi Đại Thiên, giả sử tất cả chúng sanh trong hằng sa thế giới ở mười phương, những loài noãn sanh, thai sanh, thấp sanh, hóa sanh, có sắc, không sắc, có tưởng, không tưởng, Phi tưởng phi phi tưởng đều là Thanh Văn thành tựu thần thông đệ nhất như Đại Mục Kiền Liên.
Tất cả Thanh Văn ấy đồng thời đại hiển hiện thần thông biến hóa cũng chẳng lay động được hột cải mà Đức Như Lai đã ném xuống đất ấy.
Tại sao?
Vì Đức Như Lai đã được thần thông Ba La Mật đệ nhất vậy. Đây gọi là Đức Như Lai có đủ đại thần thông lực, có đủ đại oai đức lực, có đủ đại tông thế lực như vậy.
Lúc bấy giờ đấng Bạc Già Phạm lại bảo Ngài Xá Lợi Phất rằng: Này Xá Lợi Phất! Ông có từng nghe thời kỳ phong kiếp khởi lên, có ngọn gió lớn tên là Tăng Già Đà.
Ngọn gió ấy đem cả Cõi Đại Thiên này từ núi Tu Di, các biển lớn v.v... rời khỏi vị trí cao cả do tuần rồi làm nát ra bột chăng?
Ngài Xá Lợi Phất thưa: Ngày trước tôi ở trước Đức Phật thân nghe nói việc ấy.
Đức Phật nói: Này Xá Lợi Phất! Đúng như vậy. Lúc phong tai khởi lên, lại có ngọn gió lớn tên là Tăng Già Đa thổi đem cả Cõi Đại Thiên những núi Tu Di biển lớn v.v... cao cả trăm do tuần rồi làm nát ra bột.
Hoặc thổi lên cao hai trăm do tuần, hoặc ba bốn năm trăm do tuần, hoặc ngàn hai ba bốn ngàn do tuần, hoặc đến vô lượng trăm ngàn do tuần rồi làm nát ra bụi nhỏ theo gió bay tản mất cả trọn không gì còn, huống là núi đá mà tồn tại được.
Ngọn gió ấy lại thổi tan Cung Trời Dạ Ma, Cung Trời Đâu Suất, cung Trời Hóa Lạc, cung Trời Tha Hóa Tự Tại, Cung Trời Ma La, cung Trời Sơ Thiền, Nhị Thiền, nhẫn đến Cung Trời Tam Thiền, Biến Tịnh Thiên đều tan thành vi trần tản mất không gì còn.
Này Xá Lợi Phất! Giả sử ngọn gió Tăng Già Đa ấy vụt nổi lên thổi y của Đức Như Lai, thì chẳng thổi động được chút y chừng bằng sợi lông nhỏ, huống là thổi động được chéo y hay toàn cả cái y của Đức Như Lai.
Tại sao?
Vì Đức Như Lai đã thành tựu thần thông bất tư nghị, oai nghi bất tư nghị, diệu hạnh bất tư nghị, đại bi bất tư nghị vậy.
Lại nữa, này Xá Lợi Phất! Giả sử hằng sa Thế Giới mười phương có những luồng gió mạnh như vậy nổi lên sắp thổi tan các Thế Giới ấy. Bấy giờ Đức Như Lai dùng một đầu ngón tay mang các Thế Giới ấy đến xứ khác, hoặc làm cho gió ấy mất hết sức lực phải thổi vụt trở lại. Mà ở nơi thần thông biến hóa và tất cả oai lực của Đức Như Lai không hề tổn giảm.
Này Xá Lợi Phất! Thần thông của Đức Như Lai chẳng thể nghĩ bàn khó nghe khó tin, chỉ có Chư Đại Bồ Tát mới tin nhận được và vâng thờ thanh tịnh không lầm không nghi, càng thêm hớn hở vui mừng phát ý tưởng hy kỳ.
Đức Thế Tôn muốn tuyên lại nghĩa ấy mà nói kệ rằng:
Giả sử các chúng sanh ba cõi
Tất cả biến thành Chúng Thanh Văn
Đều được thần thông biến hóa lớn
Đồng với Tôn Giả Đại Mục Liên
Như Lai có đại thần thông lực
Lấy một hột cải ném xuống đất
Tất cả Thanh Văn hiện thần thông
Chẳng lay động được hột cải ấy
Giả sử trong mười phương Thế Giới
Số nhiều như số cát Sông Hằng
Ngọn gió Tăng Già Đa nổi lên
Có thể thổi tan các Thế Giới
Những ngọn gió Tăng Già Đa ấy
Đem thổi y phục của Như Lai
Tận thế lực gió chẳng động được
Phần nhỏ y phục như đầu lông
Đấng Đại Mâu Ni dùng một lông
Ngăn gió lớn ấy chẳng cho thổi
Phật có đủ thần lực dường ấy
Vô biên vô lượng như hư không.
Này Xá Lợi Phất! Đây gọi là đại thần thông lực bất tư nghị của Như Lai mà Chư Đại Bồ Tát tin nhận vâng thờ thanh tịnh không nghi càng thêm hớn hở vui mừng phát ý tưởng hy kỳ.
Đức Phật lại bảo Ngài Xá Lợi Phất: Thế nào là Đại Bồ Tát đối với trí lực bất tư nghị của Đức Như Lai mà tin nhận vâng thờ thanh tịnh không nghi càng thêm hớn hở vui mừng phát ý tưởng hy kỳ?
Này Xá Lợi Phất! Chư Phật Như Lai có đủ mười lực như vậy. Vì thành tựu mười lực, nên Đức Như Lai Đẳng Chánh Giác ở giữa đại chúng chánh sư tử hống, tự xưng ta ở bậc Đại Tôn Thánh chuyển pháp luân thanh tịnh mà tất cả thế gian hoặc Trời, hoặc Ma Vương, hoặc Phạm Vương, hoặc Sa Môn, hoặc Bà La Môn đều chẳng thể chuyển đúng pháp được.
Này Xá Lợi Phất! Những gì gọi là mười lực của Như Lai?
Một là xứ phi xứ trí lực.
Hai là nghiệp báo trí lực.
Ba là chủng chủng giải trí lực.
Bốn là chủng chủng giới trí lực.
Năm là chủng chủng căn trí lực.
Sáu là nhất thiết biến hành hành trí lực.
Bảy là tịnh lự giải thoát Tam Ma Địa Tam Ma Bát Đề tạp nhiễm thanh tịnh trí lực.
Tám là tùy niệm tiền thế túc trụ tác chứng trí lực.
Chín là tử sanh tác chứng trí lực.
Mười là lậu tận tác chứng trí lực.
Thế nào là thị xứ phi xứ trí lực của Đức Như Lai?
Này Xá Lợi Phất! Với Thị Xứ Đức Như Lai biết như thiệt là thị xứ, và với phi xứ biết như thiệt là phi xứ.
Thế nào là thị phi xứ, thế nào là phi xứ?
Này Xá Lợi Phất! Phi xứ là không chỗ nhiếp thọ. Như thân các hành, ngữ ác hành ý ác hành cảm được quả báo khả hỷ khả lạc khả ái khả ý đó thì không bao giờ có sự ấy.
Thị Xứ là có chỗ nhiếp thọ. Như thân ác hành, ngữ ác hành, ý ác hành mà cảm được quả báo bất khả hỷ bất khả lạc bất khả ái bất khả ý thì có sự ấy.
Lại này Xá Lợi Phất! Phi xứ là không chỗ nhiếp thọ. Như thân diệu hành, ngữ diệu hành, ý diệu hànhmà cảm được quả báo bất khả hỷ bất khả lạc bất khả ái bất khả ý thì không bao giờ có sự ấy.
Thị Xứ là có chỗ nhiếp thọ. Như thân diệu hành, ngữ diệu hành, ý diệu hành, mà cảm được quả báo khả hỷ khả lạc khả ái khả ý thì có sự ấy.
Lại này Xá Lợi Phất! Phi xứ là không chỗ nhiếp thọ. Nghĩa là do xan tham mà cảm được giàu lớn, do phạm giới mà sanh nhân Thiên, do giận thù mà cảm thân đoan chánh, do giải đãi mà được thiền, do tán loạn mà nhập chánh định, do ác huệ mà dứt hẳn tất cả tập khí tương tục. Nói như vậy thì không bao giờ có.
Thị Xứ là có chỗ nhiếp thọ. Nghĩa là do xan tham mà cảm được bần cùng, do phá giới mà cảm địa ngục súc sanh ngạ quỷ, do giận thù mà cảm báo xấu xí, do giải đãi mà chẳng đắc thiền, do tâm loạn mà chẳng nhập chánh định, do ác huệ mà chẳng dứt hẳn được tập khí tương tục. Nói như vậy thì có sự ấy.
Lại này Xá Lợi Phất! Phi Xứ là không chỗ nhiếp thọ. Nghĩa là do bố thí mà cảm bần cùng, do trì giới mà đọa ác đạo, do nhẫn nhịn mà cảm xấu xí, do chánh cần mà chẳng được thiền, do nhất tâm mà chẳng nhập chánh định, do Thánh huệ mà chẳng dứt hẳn tập khí tương tục. Nói như vậy thì không bao giờ có sự ấy.
Thị Xứ là có chỗ nhiếp thọ. Nghĩa là do bố thí mà cảm được đại phú, do trì giới mà sanh nhân thiên, do nhẫn nhịn mà cảm thân đoan chánh, do chánh cần mà đắc thiền định do Thánh huệ mà dứt hẳn tập khí tương tục. Nói như vậy thì có sự ấy.
Lại này Xá Lợi Phất! Phi Xứ là không chỗ nhiếp thọ. Nghĩa là nhân sát sanh mà cảm trường thọ, do trộm cướp mà cảm được đại phú, do hành tà dục mà cảm được vợ trinh lương. Nói như vậy thì không bao giờ có sự ấy.
Thị Xứ là có chỗ nhiếp thọ. Nghĩa là nhân sát sanh mà cảm báo đoản mạng, do trộm cướp mà cảm báo nghèo cùng, do hành tà hạnh mà cảm báo vợ chẳng trinh lương. Nói như vậy thì có sự ấy.
Lại Phi Xứ là không chỗ nhiếp thọ. Nghĩa là người rời sát sanh hay cảm báo đoản thọ, người rời trộm cắp hay cảm báo bần cùng, người rời hạnh tà dục cảm báo vợ không trinh lương. Nói như vậy thì không bao giờ có sự ấy.
Thị Xứ là có chỗ nhiếp thọ. Nghĩa là người rời sát sanh thì cảm báo trường thọ, người rời trộm cắp thì cảm báo đại phú, người rời hạnh tà dục thì cảm báo vợ trinh lương. Nói như vậy thì có sự ấy.
Này Xá Lợi Phất! Tất cả nghiệp đạo thiện bất thiện Thị xứ và Phi xứ như vậy nay sẽ nói tóm lược để hiển thị chỗ cốt yếu.
Người vọng ngữ mà chẳng cảm báo phỉ báng thì không có sự ấy, nếu hay chiêu cảm thì có sự ấy.
Người rời vọng ngữ mà cảm báo phỉ báng thì không có sự ấy, nếu chẳng cảm báo phỉ báng thì có sự ấy.
Người hành ly gián ngữ mà hay cảm được quyến thuộc sum họp thì không có sự ấy, nếu chẳng cảm được thì có sự ấy.
Người xa rời ly gián ngữ mà cảm được quyến thuộc tan nát thì không có sự ấy, nếu cảm được quyến thuộc sum họp thì có sự ấy.
Người hành thô ác ngữ mà cảm được thường nghe âm thanh khả ý thì không có sự ấy, nếu nghe âm thanh bất khả ý thì có sự ấy.
Người rời thô ác ngữ mà cảm nghe âm thanh bất khả ý thì không có sự ấy, nếu nghe âm thanh khả ý thì có sự ấy.
Người hành ỷ ngữ mà cảm được lời dạy bảo ai cũng tin nhận thì không có sự ấy, nếu chẳng tin nhận thì có sự ấy.
Người rời ỷ ngữ mà cảm phải lời dạy bảo người chẳng tin thọ thì không có sự ấy, nếu được tin thọ thì có sự ấy.
Người tham lam mà cảm báo tài sản chẳng tan thì không có sự ấy, nếu cảm báo tan mất thì có sự ấy.
Người rời tham lam mà cảm báo tài sản tan mất thì không có sự ấy, nếu cảm chẳng tan mất thì có sự ấy.
Người cưu giận thù mà chẳng đọa ác đạo thì không có sự ấy, nếu đọa thì có sự ấy.
Người rời giận thù mà chẳng sanh thiện đạo thì không có sự ấy, nếu được sanh thì có sự ấy.
Người tà kiến chấp nhận nhân tà kiến mà đắc đạo thì không có sự ấy, nếu chẳng đắc đạo thì có sự ấy.
Người chánh kiến chấp nhận nhân chánh kiến mà chẳng được thánh đạo thì không có sự ấy, nếu được Thánh đạo thì có sự ấy.
Người tạo tội Vô Gián mà tâm được an thì không có sự ấy, nếu bất an thì có sự ấy.
Người giới hạnh thanh tịnh mà tâm bất an thì không có sự ấy, nếu tâm an thì có sự ấy. Nếu quan niệm hữu sở đắc mà được thuận nhẫn thì không có sự ấy, nếu không được thuận nhẫn thì có sự ấy.
Người tin hiểu pháp không mà chẳng được thuận nhẫn thì không có sự ấy, nếu được thuận nhẫn thì có sự ấy. Nếu ác tác mà được tâm an ổn thì không có sự ấy, nếu chẳng được tâm an thì có sự ấy.
Người nhiếp tâm mà chẳng được tâm an thì không có sự ấy, nếu được thì có sự ấy.
Người nữ mà làm Chuyển Luân Vương, làm Thiên Đế Thích, làm Phạm Thiên Vương thì không có sự ấy. Nếu trượng phu mà làm thì có sự ấy.
Người nữ xuất thế làm Phật thì không có sự ấy. Nếu chuyển thân nữ rồi mà làm Phật thì có sự ấy.
Nếu người ở bậc đệ bát nhẫn chưa chứng Sơ Quả mà xuất định thì không có sự ấy, nếu chứng quả rồi mà xuất thì có sự ấy.
Nếu đến Thánh lưu mà còn thọ thân sanh tử thứ tám thì không có sự ấy, nếu chính nơi các uẩn thân này mà nhập Niết Bàn thì có sự ấy.
Nếu bậc Nhất Lai mà còn thọ than sanh tử thứ ba thì không có sự ấy.
Nếu chính nơi các uẩn thân này mà nhập Niết Bàn thì có sự ấy.
Nếu bậc Bất Hoàn mà còn sanh lại nơi đây thì không có sự ấy, nếu ở nơi kia mà nhập Niết Bàn thì có sự ấy.
Nếu A La Hán lại còn nối sanh thì không có sự ấy, nếu chẳng còn nối sanh thì có sự ấy.
Nếu Chư Thánh Nhân mà còn cầu tà sư và nhận lời tà thì không có sự ấy, nếu chẳng cầu tà sư và chẳng nhận lời tà thì có sự ấy.
Bực Bồ Tát được Vô Sanh Pháp Nhẫn mà có thối chuyển thì không có sự ấy, nếu quyết định được Vô Thượng Bồ Đề không còn thối chuyển thì có sự ấy.
Lại này Xá Lợi Phất! Phi Xứ là không chỗ nhiếp thọ và thi xứ là có chỗ nhiếp thọ.
Nếu Chư Bồ Tát an tọa Đạo Tràng chưa chứng Bồ Đề mà đứng dậy thì không có sự ấy.
Nếu Chư Bồ Tát an tọa Đạo Tràng chứng Phật đạo rồi bèn đứng lên thì có sự ấy.
Nếu Chư Như Lai mà còn tập khí tương tục thì không có sự ấy. Tất cả Như Lai tập khí đã dứt hẳn thì có sự ấy.
Nếu cho rằng Đức Như Lai trí còn có chướng ngại thì không có sự ấy. Còn Phật trí vô ngại thì có sự ấy.
Nếu có ai thấy được đỉnh đầu của Đức Như Lai thì không có sự ấy. Không ai thấy được đảnh Phật thì có sự ấy.
Nếu có người biết được tâm an trụ của Đức Như Lai thì không có sự ấy. Nếu chẳng biết được thì có sự ấy.
Nếu nói Đức Như Lai có tâm bất định mà có thể được thì không có sự ấy. Tâm Phật thường ở tại chánh định thì có sự ấy.
Nếu Chư Phật Như Lai hành bất thiệt ngữ thì không có sự ấy. Chư Phật là đấng chân ngữ, thiệt ngữ, đế ngữ, bất dị ngữ thì có sự ấy.
Chư Phật còn có lỗi lầm thì không có sự ấy. Do vì không lỗi lầm mà gọi là Chư Phật, là Bạc Già Phạm thì có sự ấy.
Về tứ vô úy và thập bát bất cộng pháp cũng nói như trên.
Lại này Xá Lợi Phất! Phi Xứ là không chỗ nhiếp thọ. Như nói Đức Như Lai nơi đời hiện tại sự thấy biết có chướng ngại thì không có sự ấy.
Thị Xứ là có chỗ nhiếp thọ. Đức Như Phật Bạc Già Phạm nơi đời hiện tại sự thấy biết vô chướng vô ngại thì có sự ấy.
Này Xá Lợi Phất! Đây gọi là thị xứ phi xứ trí lực của Đức Như Lai chẳng thể nghĩ bàn vô lượng vô biên. Như hư không vô biên tế, thị xứ phi xứ trí lực của Đức Như Lai không có biên tế cũng như vậy.
Nếu có ai muốn cầu tìm biên tế của trí lực thị xứ phi xứ của Đức Như Lai thì chẳng khác người muốn tìm cầu biên tế của hư không.
Này Xá Lợi Phất! Đại Bồ Tát nghe trí lực thị xứ phi xứ bất tư nghị của Đức Như Lai như hư không rồi tin nhận vâng thờ thanh tịnh không nghi càng thêm hớn hở vui mừng phát ý tưởng hy kỳ.
Đức Thế Tôn muốn tuyên lai nghĩa ấy mà nói kệ rằng:
Mười phương hư không vô biên lượng
Trí xứ phi xứ cũng vô biên
Biết đúng trí xứ phi xứ rồi
Ví chúng nói rộng pháp vi diệu
Nguời thành tựu căn khí giải thoát
Biết công hạnh ấy Phật mới dạy
Người chẳng có căn khí giải thoát
Biết trí ấy rồi bèn rời bỏ
Giả sử hư không lay động được
Mười phương Đại Địa đồng thời rã
Trí lực xứ phi xứ của Phật
Vẫn như thiệt không động hư.
Này Xá Lợi Phất! Đây là trí lực thị xứ phi xứ thứ nhất của Đức Như Lai. Do vì thành tựu trí lực này mà Đức Như Lai Chánh Đẳng Giác ở giữa đại chúng chánh sử tử hống tự xưng ta là bực Đại Thánh chuyển đại pháp luân mà tất cả thế gian, các Sa Môn, Bà La Môn, Ma Vương, Phạm Vương v.v... đều chẳng thể chuyển đúng pháp được.
Thế nào là nghiệp báo trí lực của Đức Như Lai?
Này Xá Lợi Phất! Đức Như Lai Đẳng Chánh Giác dùng trí lực vô thượng biết được đúng như thiệt những nghiệp và quả báo thuở quá khứ, vị lai và hiện tại, hoặc nhân hoặc xứ hoặc các dị báo đều biết rõ.
Thế nào là Đức Như Lai biết rõ đúng như thiệt?
Này Xá Lợi Phất! Đức Như Lai đúng như thiệt biết rõ quả báo thuở quá khứ được thiện nhân xa rời bất thiện sẽ làm nhân cho thiện căn thuở vị lai.
Quả báo thuở quá khứ được nhân bất thiện xa rời thiện pháp sẽ làm nhân cho bất thiện căn thuở vị lai. Các tướng nghiệp và báo như vậy, Đức Như Lai ở tại đây đều biết rõ như thiệt.
Hoặc các nghiệp báo sẽ thuận với liệt phần ở thuở vị lai, nếu các nghiệp báo sẽ thuận với thắng phần ở thuở vị lai, các tướng như vậy Đức Như Lai ở tại đây đều biết rõ đúng thiệt.
Hoặc các nghiệp báo thuận với liệt phần ở hiện tại và thuận với thắng phần ở vị lai, các nghiệp báo thuận với thắng phần ở hiện tại và thuận với hạ liệt phần ở vị lai, các nghiệp báo thuận với liệt phần ở hiện tại và cũng thuận với liệt phần ở vị lai.
Những nghiệp báo thuận với thắng phần ở hiện tại và cũng thuận với thắng phần ở vị lai, các tướng như vậy Đức Như Lai ở tại đây đều biết rõ đúng thiệt.
Lại này Xá Lợi Phất! Hoặc các nghiệp báo ở quá khứ là phương tiện hẹp kém mà ở vị lai là phương tiện rộng lớn, hoặc các nghiệp báo tạo tác ít mà được thắng tiến lớn, hoặc các nghiệp báo tạo tác rộng lớn mà được thắng tiếng ít, các tướng như vậy đều biết rõ đúng thiệt.
Lại này Xá Lợi Phất! Hoặc các nghiệp báo sẽ được nhân tánh Thanh Văn, sẽ được nhân tánh Độc Giác, sẽ được nhân tánh Phật, các tướng như vậy Đức Như Lai đều biết rõ đúng thiệt.
Lại này Xá Lợi Phất! Hoặc các nghiệp báo hiện tại thì khổ mà có thể cảm được báo vui khác ở vị lai, hoặc các nghiệp báo hiện tại thì vui mà có thể cảm lấy báo khổ khác ở vị lai, hoặc các nghiệp báo hiện tại khổ cảm được báo khổ khác vị lai, hoặc các nghiệp báo hiện tại vui cảm được báo vui khác vị lai, các tướng nghiệp báo như vậy Đức Như Lai đều biết rõ đúng thiệt.
Lại này Xá Lợi Phất! Đức Như Lai biết rõ được như thiệt tất cả hữu tình quá khứ vị lai hiện tại, hoặc nghiệp, hoặc nhân, hoặc các dị báo, hoặc tức, hoặc ly, hoặc có tùy thuận chẳng khác phần, các tướng như vậy Đức Như Lai đều biết rõ như thiệt rồi vì các hữu tình mà tuyên nói như thiệt.
Này Xá Lợi Phất! Trí lực biết rõ như thiệt nghiệp nhân quả báo quá khứ vị lai hiện tại của Đức Như Lai Chánh Đẳng Giác vô lượng vô biên bất tư nghị. Ví như hư không vô biên vô tế, trí lực nghiệp báo của Đức Như Lai vô biên tế cũng như vậy. Nếu có ai muốn tìm cầu biên tế của trí lực nghiệp báo ấy thì không khác gì người tìm cầu biên tế của hư không.
***
Phật Thuyết Kinh đại Bát Nhã Ba La Mật đa - Hội Thứ Năm - Phẩm Mười Bảy - Phẩm Tham Hành - Phần Hai
Phật Thuyết Kinh đại Bát Nhã Ba La Mật đa - Hội Thứ Ba - Phẩm Ba Mươi Mốt - Phẩm Tuyên Hóa - Phần Ba