Phật Thuyết Kinh đại Bảo Tích - Pháp Hội Thứ Mười Hai - Pháp Hội Bồ Tát Tạng - Phẩm Thứ Bốn - Phẩm Như Lai Bất Tư Nghì Tánh - Phần Sáu

Kinh Đại thừa   •   Thứ hai, 25/12/2023, 22:19 PM

Hán dịch: Ngài Tam Tạng Pháp Sư Nan Liên Đề Gia Xá, Đời Cao Tế

PHẬT THUYẾT

KINH ĐẠI BẢO TÍCH

Hán dịch: Ngài Tam Tạng Pháp Sư

Nan Liên Đề Gia Xá, Đời Cao Tế  

PHÁP HỘI THỨ MƯỜI HAI

PHÁP HỘI BỒ TÁT TẠNG  

PHẨM THỨ BỐN

PHẨM NHƯ LAI BẤT TƯ NGHÌ TÁNH  

PHẦN SÁU  

Này Xá Lợi Phất! Thế nào là Đức Như Lai phát ngôn không có sốt bạo?

Vì Đức Như Lai không sốt bạo mà phát ngôn vậy.

Tất cả thế gian, hoặc Ma Vương hoặc quyến thuộc Ma, hoặc Chư Thiên, hoặc các nhà ngoại đạo đều chẳng thể rình tìm được chỗ sơ suất của Như Lai.

Này Xá Lợi Phất! Ngôn âm của Như Lai vốn không sốt bạo, không theo nơi sốt bạo.

Tại sao?

Vì từ lâu Đức Như Lai đã lìa hẳn những tham ái và giận hờn. Dầu được tất cả chúng sanh tôn kính mà tâm Như Lai chẳng cao hứng. Dầu bị khinh khi cũng chẳng có niệm buồn.

Này Xá Lợi Phất! Việc làm của Đức Như Lai không có quá thời và chẳng cứu cánh, cũng chẳng vì việc ấy mà có ăn năn và theo việc ấy mà phát ngôn sốt bạo.

Này Xá Lợi Phất! Đức Như Lai không có tranh cãi với thế gian nên không có lời sốt bạo. Đức Như Lai luôn dùng ở chánh định vô tranh, không chấp ngã, ngã sở, cũng không có sở thử rời xa những triền phược nên không có lời sốt bạo.

Này Xá Lợi Phất! Như tự mình chứng vô lượng ngôn âm không sốt bạo, Đức Phật cũng vì chúng sanh nói pháp ấy, cho họ dứt hẳn những sốt bạo.

Đây gọi là Phật Pháp bất cộng thứ hai của Đức Như Lai: lời nói không sốt bạo.

Này Xá Lợi Phất! Thế nào là Đức Như Lai không quên mất chánh niệm?

Vì Đức Như Lai luôn an trụ trong tịnh lự giải thoát tam muội, chẳng ba giờ phát sanh mê loạn nơi một pháp nào.

Tại sao?

Vì trong chánh định, chánh trí chẳng si mê.

Vì xem thấy không chướng ngại những tâm hành động chuyển của các hữu tình.

Vì theo chỗ đáng dạy mà vì họ tuyên nói diệu pháp không quên mất.

Vì ở trong các pháp nghĩa giảng giải biện tài vô ngại không quên mất.

Vì đối với quá khứ vị lai và hiện tại, trí vô ngại thấy suốt vô lượng không quên mất.

Như tự mình chứng chánh niệm không quên mất, cũng vì chúng sanh nói pháp ấy cho họ chứng được chánh nhiệm ấy.

Đây gọi là Phật Pháp bất cộng thứ ba của Đức Như Lai: Chánh niệm không quên mất.

Này Xá Lợi Phất! Thế nào là Đức Như Lai không có tâm chẳng định?

Này Xá Lợi Phất! Hoặc đi đứng ngồi nằm hoặc ăn uống, hoặc nói nín, Đức Như Lai luôn ở trong thâm định không bao giờ xuất xả.

Tại sao?

Vì Đức Như Lai chứng được thậm thâm tối thắng thiền định Ba la mật đa, đã thành tựu tĩnh lự thậm thâm không chướng không ngại.

Này Xá Lợi Phất! Không có hữu tình nào hoặc nhập định hay xuất định mà thấy được tâm và tâm sở của Như Lai, chỉ trừ lúc Như Lai dùng thần lực gia bị cho họ.

Như tự mình đã chứng được tâm thường ở trong chánh định, Đức Như Lai cũng vì các hữu tình nói pháp ấy cho họ rời hẳn tâm tán loạn.

Đây gọi là Phật Pháp bất cộng thứ tư của Như Lai: Không có tâm chẳng định.

Này Xá Lợi Phất! Thế nào là Đức Như Lai không có các dị tưởng?

Nếu có dị tưởng thì có thể có tâm niệm không bình đẳng. Tâm Như Lai thường bình đẳng nên đối với tất cả pháp, Đức Như Lai không có dị tưởng.

Này Xá Lợi Phất! Nơi các Phật Độ, Đức Như Lai không có dị tưởng, vì Phật Độ như hư không. Nơi các hữu tình, Đức Như Lai không có các dị tưởng, vì tánh hữu tình vô ngã. Nơi chỗ Chư Phật, Đức Như Lai không có các dị tưởng, vì trí bình đẳng pháp tánh không có sai biệt. Nơi tất cả pháp, Đức Như Lai không có các dị tưởng, vì pháp ly dục tánh nó bình đẳng.

Với người trì giới, Như Lai không yêu, với người phá giới, Như Lai không giận, với kẻ ơn đều đền đáp, với kẻ oán không lòng hại, với người được độ đều bình đẳng, với kẻ tà định không có lòng khinh mạn, nơi tất cả các pháp đều bình đẳng mà an trụ, vì thế nên nói Đức Như Lai không có dị tưởng.

Như mình đã chứng không có dị tưởng, Đức Như Lai cũng vì chúng sanh mà tuyên nói pháp ấy cho họ dứt hảnh các thú dị tưởng.

Đây gọi là Phật Pháp bất cộng thứ năm của Như Lai: Không có dị tưởng.

Này Xá Lợi Phất! Thế nào là Đức Như Lai không chẳng biết rõ mà xả?

Này Xá Lợi Phất! Đức Như Lai đã tu tập xong Thánh đạo mà chứng đức xả ấy, chẳng phải là chưa tu Thánh đạo mà chứng. Đức Như Lai đã tu nơi tâm, đã tu nơi giới đã tu nơi huệ mà chứng đức xả ấy, chẳng phải chưa tu mà chứng.

Này Xá Lơị Phất! Đức xả của Như Lai là tùy theo trí huệ mà hiện hành, chẳng phải tùy ngu si. Đức xả của Như Lai là xuất thế, chẳng sa nơi thế gian. Đức xả của Như Lai là Thánh là xuất ly, chẳng phải chẳng Thánh chẳng xuất ly. Đức xả của Như Lai thường chuyển pháp luân thanh tịnh thương mến chúng sanh chẳng bỏ rơi. Đức xả của Như Lai nhậm vận thành tựu, vì chẳng theo nơi đối trị.

Này Xá Lợi Phất! Đức xả của Như Lai không cao chẳng cao cũng chẳng hạ liệt, an trụ được nơi bất động rời xa hai bên, vượt khỏi tất cả suy lường xem xét, quán đãi theo thời cũng chẳng quá thời, không động lay không tư lự, không phân biệt không phân biệt khác, không tu không tổn không có kiêu căng phóng dật, không có thị hiện, là chân tánh là như tánh, là tánh chẳng hư vọng, chẳng phải tánh chẳng nhu, có vô lượng tánh như vậy.

Này Xá Lợi Phất! Đức đại xả của Như Lai thành tựu như vậy, vì muốn chúng sanh được viên mãn đức xả ấy mà nói pháp Này.

Đây gọi là đức xả vô phân biệt Phật Pháp bất cộng thứ sáu của Như Lai.

Lại Này Xá Lợi Phất! Thế nào gọi là chí dục không lui giảm của Như Lai?

Những gì là chí dục không lui giảm?

Lại còn có nghĩa gì gọi là chí dục của Như Lai?

Chí dục đại từ của Như Lai không giảm.

Chí dục đại bị của Như Lai không giảm.

Chí dục thuyết pháp của Như Lai không giảm.

Chí dục điều phục chúng sanh của Như Lai không giảm.

Chí dục thành thục chúng sanh của Như Lai không giảm.

Chí dục giải thoát của Như Lai không giảm.

Chí dục giáo đạo Bồ Tát của Như Lai không giảm.

Chí dục nối giống Tam Bảo khiến chẳng đoạn tuyệt của Như Lai không giảm. Tất cả Như Lai chẳng theo nơi dục mà hành động.

Chí dục của Như Lai dùng trí huệ làm tiền đạo.

Như tự mình đã chứng chí dục không lui giảm, cũng vì chúng sanh tuyên nói pháp ấy cho họ chứng đước chí dục nhất thiết trí trí viên mãn.

Đây gọi là chí dục không giảm Phật Pháp bất cộng thứ bảy của Như Lai.

Lại Này Xá Lơị Phất! Thế nào gọi là chánh cần không lui sụt giảm của Như Lai?

Đó là chánh cần chẳng bỏ chúng sanh được hóa độ. Chánh cần chẳng có ý xua đuổi chúng nghe pháp. Giáo hóa chẳng lui mất như vậy nên gọi chánh cần của Như Lai chẳng giảm.

Này Xá Lợi Phất! Nếu có chúng sanh thích nghe pháp đáng là pháp khí có thể nghe pháp mãi cả kiếp không biết mỏi, gặp thính chúng như vậy, Đức Như Lai cũng thuyết pháp suốt kiếp chẳng rời pháp tòa chẳng ăn uống mà thuyết pháp luôn chẳng nghỉ.

Giả sử cách xa hằng ha sa Thế Giới có một chúng sanh thuộc giới hạn giáo hóa của Phật, Đức Như Lai liền đích thân đến tại chỗ họ để giáo hóa cho họ được ngộ nhập. Chánh cần của Như Lai không hề mỏi mệt nhọc nhàm chán.

Này Xá Lợi Phất! Thân của Như Lai không hề mệt mỏi, ngữ và tâm của Như Lai cũng không hề mỏi mệt.

Tại sao?

Vì thân ngữ và tâm của Như Lai thường khinh an luôn.

Này Xá Lợi Phất! Từ nhiều kiếp Đức Như Lai phát khởi tinh tấn và ca ngợi đức tinh tấn, vì chúng sanh mà nói pháp ấy cho họ siêng tu tập đức tinh tán để được chứng Thánh giải thoát.

Đây gọi là đức chánh cần không giảm Phật Pháp bất cộng thứ tám của Như Lai.

Này Xá Lợi Phất! Thế nào là Đức Như Lai đối với tất cả pháp và tất cả chủng mà tất cả niệm không lui giảm?

Vì niệm của Đức Như Lai không lui giảm vậy.

Này Xá Lợi Phất! Đức Như Lai chứng được vô thượng bồ đề, quán trí không gián đoạn. Tâm của tất cả chúng sanh nối tiếp biết các sự quá khứ vị lai, nơi trong ấy Đức Như Lai đều biết rõ không có quên mất. Và biết thiệt tâm hành của chúng sanh rồi, Đức Như Lai không hề tác ý trong đó mà sự nhớ biết của Như Lai không lui giảm.

Này Xá Lơị Phất! Đức Như Lai an lập ba tụ chúng sanh, căn tánh ngộ nhập hiểu biết và tu hành của họ, xét biết rõ rồi Đức Như Lai chẳng để ý nghĩ nhớ quan sát nữa, mà Đức Như Lai thường vì họ thuyết pháp đúng chỗ chẳng hề thôi nghỉ.

Tại sao?

Vì đức niệm của Như Lai không lui giảm vậy.

Như tự mình chứng niệm không lui giảm, cũng vì chúng sanh mà tuyên nói pháp ấy cho họ vĩnh viễn dứt niệm thối giảm.

Đây gọi là đức niệm không giảm Phật Pháp bất cộng thứ chính của Như Lai.

Lại Này Xá Lợi Phất! Thế nào là Tam Ma Địa của Phật không thối giảm?

Này Xá Lợi Phất! Tam Ma Địa của Phật và tất cả pháp, tánh ấy bình đẳng, không chẳng bình đẳng. Vì tất cả pháp và tất cả chủng pháp không có tánh gì chẳng bình đẳng.

Lại có nhân duyên gì mà Tam Ma Địa của Phật không giảm?

Vì chân như bình đẳng thì Tam Ma Địa bình đẳng, vì Tam Ma Địa bình đẳng thì Như Lai bình đẳng. Vì hay chứng nhập tánh bình đẳng như vậy, nên Tam Ma Địa ấy gọi là đẳng định.

Lại Này Xá Lợi Phất! Nếu tham tế bình đẳng thì ly tham tế bình đẳng.

Nếu sân tế bình đẳng thì ly sân tế bình đẳng.

Nếu si tế bình đẳng thì ly si tế bình đẳng.

Nếu hữu vi tế bình đẳng thì vô vi tế bình đẳng.

Nếu sanh tử tế bình đẳng thì Niết Bàn tế bình đẳng.

Vì Như Lai chứng nhập tánh bình đẳng như vậy nên Tam Ma Địa của Như Lai không lui giảm.

Tại sao?

Vì tánh bình đẳng không thối giảm vậy.

Này Xá Lơị Phất! Tam Ma Địa của Phật chẳng phải tương ưng với nhãn nhĩ tỷ thiệt thân ý.

Tại sao?

Do không tương ưng vậy, nhưng nơi Đức Như Lai sáu căn không thiếu.

Tam Ma Địa của Phật chẳng y nơi địa thủy hỏa phong bốn đại, chẳng y nơi Dục Giới Sắc Giới Vô Sắc Giới, chẳng y nơi thế gian này và thế gian khác.

Tại sao?

Do không y vậy. Vì thế mà không lui không giảm.

Đã tự chứng Tam Ma Địa không giảm, Đức Như Lai cũng vì chúng sanh tuyên nói pháp ấy cho họ chứng được các Tam Ma Địa.

Đây gọi là Tam Ma Địa không giảm Phật Pháp bất cộng thứ mười của Như Lai.

Lại Này Xá Lơị Phất! Thế nào là trí huệ không giảm của Như Lai?

Này Xá Lợi Phất! Những gì là trí huệ của Như Lai?

Đó là trí biết rõ các pháp chẳng nhờ người khác.

Trí nói diệu pháp cho các hữu tình.

Trí thiện xảo vô tận.

Trí hiểu biết vô ngại.

Trí phân biệt tất cả nghĩa.

Trí ngộ nhập một nghĩa cả trăm ngàn đại kiếp nói cũng chẳng hết.

Trí dứt lưới nghi khi được nghe.

Trí nơi tất cả chỗ không chướng ngại.

Trí lập và nói ba thừa.

Trí thấu rõ khắp tám muôn bốn ngàn tâm hành của hữu tình.

Trí mở dạy tám muôn bốn ngàn pháp tạng.

Này Xá Lợi Phất! Trí huệ của Như Lai vô biên vô tế không có cùng tận. Vì trí huệ ấy chẳng thể cùng tận vậy.

Do trí huệ ấy chẳng cùng tận, nên từ trí huệ ấy thuyết pháp cũng không cùng tận, vì thế mà gọi trí huệ của Như Lai không lui giảm.

Như tự chứng trí huệ không giảm, Đức Như Lai cũng vì chúng sanh nói pháp ấy cho họ chứng được trí huệ vô tận.

Đây gọi là trí huệ không giảm Phật Pháp bất cộng thứ mười một của Đức Như Lai.

Lại Này Xá Lợi Phất! Thế nào là giải thoát không giảm của Như Lai?

Này Xá Lợi Phất! Những gì là giải thoát của Như Lai?

Này Xá Lợi Phất! Hàng Thanh Văn thừa do ngộ âm thanh mà được giải thoát. Hàng Độc Giác thừa do ngộ các duyên mà được giải thoát. Chư Phật Như Lai do xa rời tất cả chấp trước hai bên mà được giải thoát, nên gọi là Như Lai giải thoát. Giải thoát ấy, với tiền tế thì không hệ phược, với hậu tế thì không chuyển hành, với hiện tai thì không trụ trước.

Này Xá Lợi Phất! Nhãn với sắc, hai chấp giải thoát. Nhĩ với thanh, tỷ với hương, thiệt với vị, thân với xúc, hai chấp giải thoát. Vì y chỉ giải thoát nên nhiếp thọ không chấp.

Này Xá Lợi Phất! Tâm cùng với trí, tự tánh sáng sạch, thể không vết không nhơ. Vì thế nên Chư Phật do sát na tâm tương ưng huệ mà chứng được vô thượng bồ đề.

Theo chỗ chứng bồ đề của mình, Đức Như Lai cũng vì chúng sanh nói pháp ấy cho họ chứng viên mãn bồ đề.

Đây gọi là giải thoát không giảm Phật Pháp bất cộng thứ mười hai của Như Lai.

Lại Này Xá Lợi Phất! Thế nào là tất cả thân nghiệp của Như Lai do trí làm tiền đạo và theo trí mà chuyển.

Này Xá Lợi Phất! Do vì Phật đã thành tựu thân nghiệp ấy nên tất cả hữu tình hoặc thấy Như Lai liền điều phục, hoặc nghe Như Lai thuyết pháp cũng đều điều phục. Vì thế nên Như Lai hoặc hiện yên lặng điều phục chúng sanh, hoặc hiện uống ăn điều phục chúng sanh, hoặc hiện các oai nghi điều phục chúng sanh, hoặc hiện những tướng thù thắng điều phục chúng sanh.

Hoặc hiện tùy hình hảo điều phục chúng sanh, hoặc hiện vô kiến đảnh điều phục chúng sanh, hoặc hiện tướng nhìn xem điều phục chúng sanh, hoặc hiện thần quang chiếu sáng điều phục chúng sanh, hoặc hiện bước đi cất chân hạ chân điều phục chúng sanh, hoặc hiện qua lại thành ấp điều phục chúng sanh.

Này Xá Lợi Phất! Nói tóm lại, không có oai nghi nào của Phật mà chẳng điều phục chúng sanh, vì thế nên nói tất cả thân nghiệp của Như Lai do trí làm tiền đạo theo trí mà chuyển.

Như tự chứng thân nghiệp như vậy, Đức Như Lai cũng vì chúng sanh nói pháp ấy cho họ chứng nhập thân trí như vậy.

Đây gọi là thân nghiệp theo trí chuyển Phật Pháp bất cộng thứ mười ba của Như Lai.

Lại Này Xá Lợi Phất! Thế nào là tất cả ngữ nghiệp của Như Lai do trí làm tiền đạo và theo trí mà chuyển?

Này Xá Lợi Phất! Đức Phật Như Lai không bao giờ luống thuyết pháp. Do trí là tiền đạo nên lời Phật thọ ký đều tròn đủ cả. Lời Phật nói ra đều rõ ràng vi diệu.

Này Xá Lợi Phất! Ngôn ngữ của Phật theo hiện thật mà chuyển chẳng thể nghĩ bàn.

Nay sẽ lược kể: Ngôn ngữ của Phật là lời nói dễ hiểu rõ, là lời nói dễ biết rõ, lời nói chẳng cao đại, lời nói chẳng ti hạ, lời nói thù thắng, lời nói chẳng tà khúc, lời nói chẳng vấp váp, lời nói chẳng phiền loạn, lời nói chẳng ngập ngừng, lời nói chẳng thô cứng, lời nói chẳng ẩn mất, là lời nói nhu hòa, lời nói đáng vui thích, lời nói chẳng trống thiếu, lời nói chẳng nhẹ rung, lời nói chẳng lập cập, lời nói chẳng phiền trọng, lời nói chẳng quá mau, lời nói khéo quyết đoán.

Lời nói khéo giảng giải, lời nói tột hay tốt, lời nói thắng diệu, lời nói khéo xướng đạo, lời nói thanh lớn, lời nói như sấm nổ, lời nói không sót thừa, lời nói như uống cam lộ, lời nói có ý nghĩa, lời nói đáng gần gũi, lời nói quảng đại, lời nói đáng yêu, lời nói không nhiễm trần, lời nói rời trần cấu, lời nói không nhơ, lời nói không đục, lời nói không lỗ mãng, lời nói oai nghiêm, lời nói không chướng ngại, lời nói hay dạy dỗ, lời nói sáng sạch.

Lời nói chánh trực, lời nói không khiếp sợ, lời nói không khuyết giảm, lời nói chẳng nhẹ gấp, lời nói hay sanh vui mừng, lời nói làm cho thân khoan khoái, lời nói làm cho tâm hớn hở lời nói làm hết tham, lời nói làm dứt sân, lời nói làm mất si, lời nói trừ ma, lời nói dẹp ác, lời nói xô ngã dị luận, lời nói có biểu thị, lời nói như tiếng trống trời, lời nói mà người trí vui thích, lời nói như tiếng tiên điểu, lời nói như tiếng Thiên Đế.

Lời nói như tiếng Phạm Thiên, lời nói như tiếng hải triều, lời nói như tiếng vân lôi, lời nói như tiếng động đất động núi, lời nói như tiếng chim hồng chúa, chim hạc chúa, chim công chúa, chi hoàng li, chim cộng mạng, chim ngỗng chúa, chim nhạn chúa, lời nói như tiếng lộc vương, như tiếng nhạc, như tiếng loa, như tiếng tiêu, lời nói dễ biết dễ hiểu, lời nói rành rẽ, lời nói đẹp dạ, lời nói đáng lắng nghe, lời nói sâu xa.

Lời nói không ngọng ngịu, lời nói vui tai, lời nói sanh căn lành, lời nói không thiếu văn cú, lời nói khéo trình bày văn cú, lời nói đúng văn cú, đúng nghĩa, đúng pháp, đúng thời, đáp đúng, chẳng lỗi thời, lời nói biết căn tánh thắng liệt, lời nói trang nghiêm bố thí, thanh tịn trì giới, truyền day nhẫn nhục, luyện tập tinh tấn, khiến thích thiền định, ngộ nhập chánh huệ.

Lời nói đức từ khéo nhóm, đức bi không mỏi, đức hỉ trong sạch, chứng nhập đức xả, lời nói an lập ba thừa, lời nói nối vững Tam Bảo, lời nói thành lập ba tụ, lời nói thanh tịnh ba giải thoát, lời nói tu khắp đế lý, tu khắp trí huệ, lời nói người đạt chẳng mê, lời nói Bậc Thánh khen ngợi, lời nói lượng như hư không, lời nói thành tựu vi diệu nhất thiết chủng. Lời nói của Như Lai vô lượng vô biên thanh tịnh vi diệu như vậy. Vì thế nên nói ngữ nghiệp của Như Lai dùng trí làm tiền đạo theo trí mà chuyển.

Như tự mìn đã chứng ngữ nghiệp như vậy, Đức Như Lai cũng vì chúng sanh mà tuyên nói pháp ấy cho họ được chứng nhập ngữ nghiệp như vậy.

Đây gọi là ngữ nghiệp theo trí chuyển Phật Pháp bất cộng thứ mười bốn của Như Lai.

Lại Này Xá Lợi Phất! Thế nào là tất cả ý nghiệp của Như Lai dùng trí làm tiền đạo theo trí mà chuyển?

Luận về Như Lai thì tâm ý và thức đều chẳng nói được.

Luận về Như Lai thì phải do trí để cầu, vì trí tăng thượng nên gọi là Như Lai. Trí của Như Lai theo đến tâm của tất cả chúng sanh, theo vào ý của tất cả chúng sanh, chẳng rời thức của tất cả chúng sanh, đốt sạch các pháp, các Tam Ma Địa, chẳng theo các duyên, vượt quá tất cả cảnh giới sở duyên, xa rời duyên sanh, dứt ba cõi các loài, vượt khỏi giống kiêu mạn, giải thoát nghiệp ma, rời các dua nịnh dối trá, bỏ ngã ngã sở, dứt trừ vô minh si ám, khéo tu các trợ đạo chi, đồng với hư không, chẳng có phân biệt, không khác biệt với Pháp Giới.

Này Xá Lợi Phất! Đức Như Lai chứng nhập ý nghiệp như vậy, trí làm tiền đạo theo đúng tâm của chúng sanh mà thuyết pháp cho họ cũng chứng nhập ý ấy.

Đây gọi là ý nghiệp theo trí chuyển Phật Pháp bất cộng thứ mười lăm của Như Lai.

Lại Này Xá Lợi Phất! Thế nào là Đức Như Lai đối với đời quá khứ dùng trí vô trước vô ngại chuyển hành?

Này Xá Lợi Phất! Tại sao trí ấy gọi là chuyển hành?

Đức Như Lai dùng trí vô ngại có thể biết được trong vô lượng vô biên đời quá khứ có bao nhiêu Quốc Độ hoặc thành hoặc hoại, tất cả sự việc xảy ra đó vô lượng vô số, Đức Như Lai đều xét biết. Cho đến trong những Quốc Độ ấy có bao nhiêu cây cỏ rừng rậm cây thuốc, ở nơi đây Đức Như Lai đều biết rõ.

Trong những Quốc Độ ấy có bao nhiêu chúng sanh sự việc của chúng sanh, Đức Như Lai đều biết rõ. Trong đó có Chư Phật xuất thế, Chư Phật thuyết chánh pháp, ở nơi đây Đức Như Lai đều biết thiệt rõ.

Trong đó có bao nhiêu chúng sanh do Thanh Văn thừa đắc đạo, hoặc do Độc Giác thừa hoặc Đại thừa đắc đạo, Đức Như Lai đều biết rõ. Cho đến những Quốc Độ ấy có hình tướng sai biệt, chúng Tỳ Kheo Tăng, thọ lượng, chánh pháp trụ thế, uống ăn thở hít, Đức Như Lai đều biết rõ.

Này Xá Lợi Phất! Tướng dạng đời quá khứ của tất cả hữu tình, hoặc chết, hoặc sanh, hoặc cõi, hoặc loài, ở nơi đây Đức Như Lai đều biết thiệt rõ.

Các hữu tình ấy bao nhiêu chủng tánh, bao nhiêu căn tánh, bao nhiêu hành tánh, bao nhiêu hiểu biết, có vô lượng thứ sai biệt Đức Như Lai đều biết rõ.

Đức Như Lai lại biết những tâm nối tiếp nhau của tất cả chúng sanh ấy. Như là những tâm không hở xen như vậy những tâm sanh khởi như vậy, Đức Như Lai đều biết rõ.

Này Xá Lợi Phất! Hoặc dùng hiện trí, hoặc dùng chủng loại trí, Đức Như Lai chứng biết được tất cả tâm nối tiếp đã quá vãng trong đới quá khứ.

Tự mình đã chứng trọn vẹn trí ấy, Đức Như Lai cũng vì chúng sanh mà nói pháp ấy cho họ được chứng nhập trí như vậy.

Đây gọi là trí vô ngại biết đời quá khứ Phật Pháp bất cộng thứ mười sáu của Như Lai.

Lại Này Xá Lợi Phất! Thế nào là Đức Như Lai đối với đời vị lai dùng trí vô trước vô ngại chuyển hành?

Cớ sao trí ấy gọi là chuyển?

Này Xá Lợi Phất! Trong đời vị lai có bao nhiêu Đức Phật, hoặc sẽ xuất hiện, hoặc sẽ diệt độ, hoăc lại sẽ có, hoặc lại sẽ không, ở tạ đây Đức Như Lai đều biết rõ.

Cho đến đương lai hỏa kiếp, đương lai thủy kiếp, đương lai phong kiếp phá hoại, các Quốc Độ sẽ tồn tại lâu hay mau, tất cả những sự khác biệt ấy, ở tại đây Đức Như Lai đều biết rõ.

Lại đương lai các Quốc Độ có bao nhiêu địa giới, có bao nhiêu vi trần, có bao nhiêu cỏ cây lùm rừng cây thuốc, cho đến bao nhiêu tinh tú khác biệt, ở tại đây Đức Như Lai đều biết rõ.

Khắp đến trong mỗi mỗi Quốc Độ đương lai Chư Phật, Độc Giác, Thanh Văn và Bồ Tát xuất hiện ra đời, hoặc uống ăn, hoặc đi đứng, hoặc thở hít, ở tại đây Đức Như Lai đều biết rõ.

Cho đến mỗi mỗi Đức Phật Giáo hóa sai khác, quan sát tánh của hữu tình sẽ chứng giải thoát, hoặc nương Thanh Văn thừa, hoặc nương Độc Giác thừa, hoặc nương Đại thừa mà chứng giải thoát, ở tại đây Đức Như Lai đều biết rõ.

Cùng tận đời vị lai trong mỗi mỗi Quốc Độ có bao nhiêu chúng sanh chỗ sanh ra sai khác, cho đến tâm và tâm sở của chúng hữu tình ấy, ở tại đây Đức Như Lai đều biết rõ.

Tự mình đã chứng được trí ấy, Đức Như Lai cũng vì chúng sanh mà tuyên nói pháp ấy cho họ chứng được trí như vậy.

Đây gọi là trí vô ngại biết đời vị lai Phật Pháp bất cộng thư mười bảy của Như Lai.

Lại Này Xá Lợi Phất! Thế nào là Đức Như Lai đối với đời hiện tại trí vô ngại vô trước chuyển hành?

Cớ sao trí ấy gọi là chuyển?

Này Xá Lợi Phất! Đối với trong tất cả Quốc Độ hiện tại ở mười phương có bao nhiêu Phật hiện tại, những chúng Thanh Văn, những chúng Độc Giác, những chúng Bồ Tát, có bao nhiêu sai khác Đức Như Lai đều biết rõ.

Đức Như Lai biết rõ hiện tại những sắc tướng của các tinh tú, cỏ cây lùm rừng, địa giới, vi trần v.v… tất cả sự việc của tất cả Quốc Độ hiện tại ở mười phương, Đức Như Lai đều biết rõ. Cho đến tất cả thủy giới, hỏa giới, phong giới trong tất cả Quốc Độ hiện tại ở mười phương, Đức Như Lai đều biết rõ, cũng biết rõ cả hư không Giới.

Đức Như Lai biết rõ hiện tại ba thứ thế gian giới.

Biết rõ hiện tại địa ngục chúng sanh giới, sanh nhân và xuất nhân của họ.

Biết rõ hiện tại súc sanh giới, sanh nhân và xuất nhân.

Biết rõ hiện tại ngạ quỷ giới, sanh nhân và xuất nhân.

Biết rõ hiện tại nhân gian chúng sanh giới, sanh nhân và tử nhân.

Biết rõ hiện tại thiên thượng chúng sanh giới, sanh nhân và tử nhân.

Biết rõ hiện tại các tâm tâm sở nối tiếp của tất cả chúng sanh, có tánh phiền não hoặc rời tánh phiền não.

Biết rõ hiện tại những chúng sanh được hóa độ có căn tánh sai biệt, hiện tại những chúng sanh phải được hóa độ có căn tánh sai biệt. Vô lượng sự tướng như vậy, Đức Như Lai đều biết thiệt rõ.

Tự mình đã có chứng trí như vậy, Đức Như Lai cũng vì chúng sanh mà tuyên nói pháp ấy cho họ chứng được trí ấy.

Đây gọi là trí vô ngại biết đời hiện tại Phật Pháp bất cộng thứ mười tám của Như Lai.

Này Xá Lợi Phất! Chư Phật Như Lai thành tựu mười tám Phật Pháp bất cộng như vậy viên mãn không thừa phóng quang minh chiếu sáng tất cả đại chúng khắp mười phương, che khuất tất cả chúng hội thiên ma.

Này Xá Lợi Phất! Phật Pháp bất cộng của Như Lai chẳng thể nghĩ bà vô biên vô tế như hư không. Nếu có người muốn tìm cầu biên tế của Phật Pháp bất cộng ấy thì chẳng khác gì người muốn tìm cầu biên tế của hư không.

Chư Đại Bồ Tát nghe Phật Pháp bất cộng của Như Lai chẳng thể nghĩ bàn như hư không rồi liền tin nhận vâng thờ không làm không nghi càng thêm vui mừng hớn hở phát ý tưởng hy kỳ.

Đức Thế Tôn muốn tuyên lại nghĩa ấy nên nói kệ rằng:

Thân, ngữ ý nghiệp của Đạo Sư

Không có lỗi lầm cũng không động

Và dùng pháp ấy độ chúng sanh

Đây là pháp bất cộng của Phật

Tâm Phật chẳng cao cũng chẳng hạ

Rốt ráo rời xa sân và ái

Luôn luôn không tranh dứt hẳn tranh

Là pháp bất cộng của Như Lai

Đạo Sư nơi pháp và cùng trí

Giải thoát sở hành không vong niệm

Những trí vô ngại cũng không mất

Là pháp bất cộng của Như Lai

Hoặc đứng hoặc ăn hoặc kinh hành

Hoặc ngồi hoặc nằm tâm thường định

Không loạn cũng không chúng sanh tưởng

Là pháp bất cộng của Như Lai

Đạo Sư nơi Quốc Độ Chư Phật

Hữu Tình và Phật không dị tưởng

Đại trí an trụ tánh bình đẳng

Là pháp bất cộng của Như Lai

Đạo Sư không có xả giản trạch

Vì khéo tu đạo thắng quyết định

Không có phân biệt nơi các pháp

Là pháp bất cộng của Như Lai

Đạo Sư dục lành không lui giảm

Thường chung cùng từ bi phương tiện

Điều phục chúng sanh rộng vô lượng

Là pháp bất cộng của Như Lai

Đạo Sư tinh tấn thường không giảm

Hóa độ vô chúng sanh lượng vô biên

Ba nghiệp điều phục các chúng sanh

Là pháp bất cộng của Như Lai

Đạo Sư đại niệm thường không giảm

Ngồi tòa Bồ Đề thành Chánh Giác

Giác ngộ các pháp vô lượng giác

Là pháp bất cộng của Như Lai

Không phân biệt không dị phân biệt

Tự nhiên an trụ định bình đẳng

Tịnh lự chẳng y tất cả pháp

Là pháp bất cộng của Như Lai

Trí huệ của Phật rất các tường

Liễu đạt tất cả hạnh chúng sanh

Diễn nói pháp mầu tùy ý rõ

Là pháp bất cộng của Như Lai

Thanh Văn Độc Giác chứng giải thoát

Giải thoát của Phật rất thù thắng

Vô ngại ly cấu như hư không

Đại xả của Phật khó nghĩ biết

Chư Phật bổn lai không tâm niệm

Tánh giải thoát tâm luôn nối tiếp

Như pháp giải thoát vì chúng nói

Là pháp bất cộng của Như Lai

Chúng sanh mắt thấy Phật oai nghi

Hoặc đứng hoặc đi vào thành ấp

Tướng hảo quang minh hiển hiện ra

Họ được điều phục đồng tu thiện

Đạo Sư từ oai phóng quang minh

Vô lượng chúng sanh thọ an lạc

Quang minh chiếu khắp độ chúng sanh

Là pháp bất cộng của Như Lai

Đạo Sư tự nhiên diễn pháp âm

Chúng sanh đều nghe tùy ý hiểu

Được nghe tiếng pháp như vang ứng

Là pháp bất cộng của Như Lai

Đạo Sư vĩnh viễn không ý nghiệp

Những hành nghiệp chuyển đều do trí

Trí vào trong tâm của chúng sanh

Là pháp bất cộng của Như Lai

Các Tam Ma Địa và tịnh lự

Khéo tu thành mãn lìa hí luận

Trụ tánh bình đẳng như hư không

Là pháp bất cộng của Như Lai

Nơi tất cả pháp đời quá khứ

Bao nhiêu Quốc Độ bao nhiêu chúng

Trí Phật vô ngại đều biết rõ

Là pháp bất cộng của Như Lai

Nơi tất cả pháp đời vị lai

Thế Giới sẽ có hoặc sẽ không

Chúng sanh Quốc Độ và Chư Thánh

Phật đều biết rõ không sót dư

Đạo Sư quan sát đời vị lai

Tâm tĩnh không bao giờ tán loạn

Chúng sanh và pháp biết như thiệt

Là pháp bất cộng của Như Lai

Nơi tất cả pháp đời hiện tại

Phật trí vô ngại đều biết rõ

Cảnh giới của Phật đồng hư không

Là pháp bất cộng của Như Lai

Đã nói pháp bất cộng của Phật

Đủ số mười tám chẳng nghĩ bàn

chân như thiệt tánh đồng hư không

Chư Đại Bồ Tát tin nhận được.

Này Xá Lợi Phất! Đây gọi là Đức Như Lai thành tựu mười tám Phật Pháp bất cộng.

Do thành tựu mười tám pháp ấy nên Đức Như Lai ở giữa đại chúng như Sư Tử rống tuyên bố rằng Đức Phật ỏ bậc Thế Tôn hay chuyển pháp luân thanh tịnh mà tất cả thế gian hoặc người hoặc Trời, Ma Vương, Phạm Vương, Sa Môn, Bà La Môn đều chẳng thể chuyển đúng pháp được.

Này Xá Lợi Phất! Chư Đại Bồ Tát đã an trụ nơi đức tin thanh tịnh, đối với mười bất tư nghị và mười thứ pháp chẳng thể nghĩ bàn của Như Lai, đều tin nhận vâng thờ chẳng lầm chẳng nghi, càng thêm vui mừng hớn hở phát ý tưởng hy kỳ.

***

icon

Tổng hợp

Cùng chủ đề

Phật Thuyết Kinh đại Bát Nhã Ba La Mật đa - Hội Thứ Ba - Phẩm Ba Mươi Mốt - Phẩm Tuyên Hóa - Phần Ba

Kinh Đại thừa   •   25.12.2023
Hán dịch: Ngài Tam Tạng Pháp Sư Cưu Ma La Thập, Đời Diêu Tần