Phật Thuyết Kinh đại Bảo Tích - Pháp Hội Thứ Mười Năm - Pháp Hội Văn Thù Sư Lợi Thọ Ký - Phần Ba

Kinh Đại thừa   •   Thứ hai, 25/12/2023, 22:18 PM

Hán dịch: Ngài Tam Tạng Pháp Sư Nan Liên Đề Gia Xá, Đời Cao Tế

PHẬT THUYẾT

KINH ĐẠI BẢO TÍCH

Hán dịch: Ngài Tam Tạng Pháp Sư

Nan Liên Đề Gia Xá, Đời Cao Tế  

PHÁP HỘI THỨ MƯỜI NĂM

PHÁP HỘI

VĂN THÙ SƯ LỢI THỌ KÝ  

PHẦN BA  

Lại nữa, này Xá Lợi Phất! Nếu Bồ Tát cầm hoa đẹp đến chỗ Như Lai, hoặc chỗ Tháp Phật mà cúng dường thì nguyện rằng: Nguyện hoa đẹp này sắc hương thù thắng, người thấy hoa đều vui đẹp. Lúc tôi thành Phật, khiến trong nước tôi khắp nơi đầy những hoa đẹp như vậy, và những cây báu trang nghiêm mọi chỗ.

Nhẫn đến hương bột hương thoa y phục uống ăn lọng báu tràng phan vàng bạc lưu ly chân châu các thứ báu lúc dùng cúng dường cũng phải như hoa, hồi hướng công đức trang nghiêm Phật Độ. Do vì Bồ Tát an trụ nơi giới luật nên tùy tâm sở nguyện đều được thành tựu.

Lại nữa, này Xá Lợi Phất! Bồ Tát phải thường nhiếp lấy mười nghiệp đạo thiện đều hồi hướng nhất thiết chủng trí. Vì thế nên lúc Bồ Tát thành Phật, trong Phật Độ ấy bao nhiêu chúng sanh lúc sơ sanh đều có đủ mười nghiệp đạo thiện và trí xuất ly.

Lại nữa, này Xá Lợi Phất! Bồ Tát đến đâu cũng khuyên các chúng sanh đều xu hướng vô thượng bồ đề. Chỉ ca ngợi Phật thừa mà chẳng nói đến Nhị Thừa và công pháp.

Vì thế nên lúc Bồ Tát thành Phật, trong Phật Độ ấy các chúng sanh quyết định sẽ được vô thượng bồ đề, xa rời Thanh Văn và Bích Chi Phật. Có vô lượng Bồ Tát đầy trong nước ấy.

Lại nữa, này Xá Lợi Phất! Bồ Tát đối với lợi dưỡng của người chẳng hề ngăn dứt, thấy người được lợi thì vui mừng. Vì thế nên lúc Bồ Tát thành Phật, trong Phật Độ ấy bao nhiêu chúng sanh có những đồ vật cần dùng không hề đoạn dứt, đầy đủ được đại pháp quang minh.

Lại nữa, này Xá Lợi Phất! Bồ Tát nếu thấy Tỳ Kheo, Tỳ Kheo Ni có ai phạm tội thì trọn chẳng đem rao nói, chỉ tự mình an trụ trong chánh pháp. Vì thế nên lúc Bồ Tát thành Phật, trong Phật Độ ấy tất cả không có danh từ tội lỗi.

Tại sao?

Vì đại chúng trong nước ấy đều được thanh tịnh không có pháp tội lỗi.

Lại nữa, này Xá Lợi Phất! Bồ Tát thích pháp cầu pháp chẳng sanh nhiệt não, như pháp đã được nghe an trụ đúng mà tu hành.

Vì thế nên lúc Bồ Tát thành Phật, trong Phật Độ ấy tất cả chúng sanh đều thích pháp cầu pháp không có nhiệt não, tu hành đúng pháp.

Lại nữa, này Xá Lợi Phất! Bồ Tát đem các thứ âm nhạc cúng dường Phật Pháp hồi hướng thiện căn về công đức trang nghiêm Phật Độ. Vì thế nên lúc Bồ Tát thành Phật, trong Phật Độ ấy có trăm ngàn âm nhạc tự nhiên hòa tấu.

Lại nữa, này Xá Lợi Phất! Bồ Tát nếu thấy chúng sanh thất niệm thì làm cho họ được chánh niệm. Vì thế nên lúc Bồ Tát thành Phật, trong Phật Độ ấy các hàng đệ tử được thiền duyệt thực.

Này Xá Lợi Phất! Phật Độ công đức như vậy, đầy đủ biện tài Như Lai, hoặc một kiếp, hoặc hơn một kiếp nói kể chẳng hết được.

Này Xá Lợi Phất! Nhưng nay Phật tùy theo chỗ thích muốn của Chư Bồ Tát mà lược nói như vậy. Người có chí nguyện thù thắng nghe rồi xu hướng sẽ được viên mãn công Đức Phật Độ.

Này Xá Lợi Phất! Bồ Tát thành tựu ba pháp mau được vô thượng bồ đề cầu Phật Độ đều được thành.

Những gì là ba?

Một là đại nguyện thù thắng, hai là an trụ chẳng phóng dật, ba là như pháp được nghe phát khởi chánh tu hành.

Ngài Xá Lợi Phất bạch Phật rằng: Bạch Đức Thế Tôn! Đức Như Lai hi hữu khéo nói pháp ấy. Vì Đức Thế Tôn an trụ bất phóng dật nên được pháp bồ đề phần. Vì an trụ chánh tu hành nên được đại bồ đề. Vì an trụ thắng nguyện nên được Phật Độ công đức trang nghiêm.

Đức Phật nói: Đúng vậy, đúng như lời ông nói. Như thuở trước, Phật dùng đại nguyện lực thành tựu Phật Độ, vì chẳng phóng dật nên được đại bồ đề.

Này Xá Lợi Phất! Nếu chỉ có ngôn thuyết an trụ phóng dật mà chẳng chánh tu hành, người ấy còn chẳng đến được bậc Thanh Văn huống là có thể được vô thượng bồ đề. Vì thế nên Bồ Tát nếu muốn tự biết mình là chân Bồ Tát thì như sở học của Bồ Tát phải học như vậy.

Bây giờ trong hội có bốn vạn Bồ Tát đứng dậy chắp tay hướng Phật mà đồng thanh bạch rằng: Bạch Đức Thế Tôn! Như Đức Phật đã thọ ký chỗ học của Bồ Tát, chúng tôi sẽ học theo an trụ chẳng phóng dật tu hành thành tựu đầy đủ đại nguyện nghiêm tịnh Phật Độ. Đức Phật vui vẻ mỉm cười.

Ngài Xá Lợi Phất bạch Phật có duyên cớ gì mà hiện mỉm cười?

Đức Phật hỏi: Ông có thấy Chư thiện nam tử sư tử hống ấy chăng?

Ngài Xá Lợi Phất bạch Phật: Vâng, đã thấy.

Đức Phật nói: Này Xá Lợi Phất! Các thiện nam tử ấy, quá trăm ngàn kiếp, đều riêng ở cõi khác được vô thượng Chánh Giác đồng hiệu Nguyện Trang Nghiêm Như Lai đủ mười Đức Hiệu cũng như đương lai Sư Tử Phật v.v... cõi ấy thanh tịnh như nước của Vô Lượng Thọ Phật chỉ trừ thọ lượng đều thọ mười kiếp.

Bấy giờ Sư Tử Dũng Mãnh Lôi Âm Bồ Tát liền từ tòa đứng dậy trịch y vai hữu gối hữu chấm đất chắp tay hướng Phật bạch rằng: Bạch Đức Thế Tôn! Văn Thù Sư Lợi đồng chân Bồ Tát đây được Chư Phật Thế Tôn thường khen tặng, bao lâu sẽ được vô thượng bồ đề?

Phật Độ sẽ được như thế nào.

Đức Phật nói: Này thiện nam tử! Ông nên hỏi Văn Thù Sư Lợi.

Sư Tử Dũng Mãnh hỏi Văn Thù Sư Lợi rằng: Chừng nào Ngài sẽ được vô thượng bồ đề?

Văn Thù Sư Lợi nói: Sao Ngài chẳng hỏi tôi có xu hướng bồ đề chăng mà lại hỏi tôi thành bồ đề.

Tại sao?

Vì ở nơi bồ đề, tôi còn chẳng xu hướng huống là sẽ được.

Sư Tử Dũng Mãnh hỏi: Ngài há chẳng vì lợi ích chúng sanh mà đến bồ đề ư?

Văn Thù Sư Lợi nói: Không.

Tại sao?

Vì chúng sanh bất khả đắc vậy. Nếu chúng sanh là có thì có thể vì làm lới ích mà hướng đến bồ đề. Nhưng chúng sanh thọ mạng va nhân đều vô sở hữu, nên nay tôi chẳng đến bồ đề cũng chẳng thối chuyển.

Sư Tử Dũng Mãnh nói: Ngài có xu hướng Chư Phật Pháp chăng?

Văn Thù Sư Lợi nói: Không. Thưa Ngài, tất cả các pháp đều xu hướng Phật Pháp.

Tại sao?

Các pháp vô lậu vô hệ vô hình vô tướng là xu hướng Phật. Như xu hướng Phật các pháp cũng vậy.

Thưa Ngài! Như lời Ngài hỏi xu hướng Phật Pháp, nay tôi hỏi Ngài tùy ý Ngài đáp.

Là sắc cầu bồ đề ư?

Là sắc bổn tánh cầu, là sắc như cầu, là sắc tự thể cầu, là sắc không cầu, là sắc ly cầu, là sắc pháp tánh cầu bồ đề ư?

Thưa Ngài! Là sắc được bồ đề ư?

Nhẫn đến là sắc pháp Tánh được bồ đề ư?

Sư Tử Dũng Mãnh đáp: Không, thưa Ngài Văn Thù Sư Lợi. Sắc chẳng cầu bồ đề, nhẫn đến sắc pháp tánh chẳng cầu bồ đề. Sắc chẳng được bồ đề, nhẫn đến sắc pháp tánh chẳng được bồ đề.

Văn Thù Sư Lợi hỏi: Thưa Ngài Sư Tử Dũng Mãnh! Thọ tưởng hành thức cầu bồ đề nhẫn đến thức pháp tánh cầu bồ đề ư?

Thức được bồ đề nhẫn đến thức pháp tánh được bồ đề ư?

Sư Tử Dũng Mãnh đáp: Không.

Thưa Ngài Văn Thù Sư Lợi! Thọ tưởng hành thức chẳng cầu bồ đề nhẫn đến thức pháp tánh chẳng cầu bồ đề. Thức chẳng được bồ đề nhẫn đến thức pháp tánh chẳng được bồ đề.

Văn Thù Sư Lợi hỏi: Rời lìa ngũ uẩn có ngã, ngã sở chăng?

Không.

Thưa Ngài Văn Thù Sư Lợi.

Đúng vậy.

Thưa Ngài Sư Tử Dũng Mãnh! Lại còn lấy pháp gì để cầu bồ đề và được bồ đề!

Thưa Ngài Văn Thù Sư Lợi! Lời Ngài nói đại chúng đều kính tin. Nay Ngài nói chẳng cầu bồ đề chẳng được bồ đề, hàng tân phát ý Bồ Tát nghe lời này sẽ sanh kinh sợ.

Thưa Ngài Sư Tử Dũng Mãnh! Tất cả pháp không có kinh sợ. Trong thiệt tế cũng không kinh sợ. Đức Như Lai vì người không kinh sợ mà Thuyết Pháp. Nếu người kinh sợ thì họ sanh nhàm. Nếu sanh chán nhàm thì họ ly dục. Nếu ly dục thì họ giải thoát. Nếu giải thoát thì không bồ đề.

Nếu không bồ đề thì là vô trụ. Nếu họ vô trụ thì là vô khứ. Nếu vô khứ thì là vô lai thì là vô nguyện cầu. Nếu không nguyện cầu thì chẳng thối chuyển. Nếu chẳng thối chuyển thì là thối chuyển.

Thối chuyển những pháp gì?

Đó là chấp ngã chúng sanh thọ mạng và nhân, hoặc đoạn hoặc thường thủ tướng phân biệt thảy đều thối chuyển cả. Nếu kia thối chuyển thì là chẳng thối chuyển.

Chẳng thối chuyển những pháp gì?

Đó là không vô tướng vô nguyện thiệt tế và các Phật Pháp đều chẳng thối chuyển.

Sao gọi là Phật Pháp?

Nghĩa là chẳng rời chẳng dính và không sở duyên, không nhập không xuất không có sở hành cũng không biểu thị, chỉ có giả danh, không, vô sanh, vô khứ vô lai, vô nhiễm vô tịnh, không trần, lìa trần, không ngã, không phân biệt, không hòa hiệp, không chấp thủ, bình đẳng không trái, đây là Phật Pháp.

Thưa Ngài Sư Tử Dũng Mãnh! Các Phật Pháp ấy chẳng phải pháp chẳng phải phi pháp.

Tại sao?

Vì các Phật Pháp không chỗ sanh vậy. Hàng tân phát ý Bồ Tát kia nghe lời này nếu sanh kinh sợ thì mau được bồ đề. Nếu khởi tâm phân biệt mà nghĩ rằng nay chúng tôi được thành bồ đề, tùy có phát tâm an trụ nơi hiện chứng mới được bồ đề. Nếu chẳng phát tâm thì trọn chẳng được.

Vì các phân biệt này đều chẳng sanh nên bồ đề và tâm đều bất khả đắc. Vì bất khả đắc thì vô phân biệt. Nếu vô phân biệt thì không hiện chứng.

Tại sao?

Vì sở nhân hiện chứng bất khả đắc vậy.

Thưa Ngài Sư Tử Dũng Mãnh! Hư không có thể được bồ đề chăng?

Không, thưa Ngài Văn Thù Sư Lợi.

Thưa Ngài Sư Tử Dũng Mãnh! Đức Như Lai há chẳng nói tất cả pháp đồng hư không ư?

Đúng vậy. Thưa Ngài Văn Thù Sư Lợi.

Thưa Ngài Sư Tử Dũng Mãnh! Như hư không bồ đề cũng vậy. Như bồ đề hư không cũng vậy. Hư không với bồ đề không hai không khác. Nếu Bồ Tát biết nghĩa bình đẳng này thì không có tri cũng không bất tri cũng không bất kiến.

Lúc nói pháp ấy, có một vạn bốn ngàn Tỳ Kheo tận các lậu tâm được giải thoát, mười hai na do tha Tỳ Kheo xa trần rời cấu ở trong các pháp được pháp nhãn thanh tịnh, chín vạn sáu ngàn chúng sanh phát tâm bồ đề, năm vạn hai ngàn Bồ Tát được vô sanh nhẫn.

Sư Tử Dũng Mãnh Lôi Âm Bồ Tát hỏi Văn Thù Sư Lợi Bồ Tát rằng: Từ khi Ngài phát tâm Bồ Tát đến nay được bao nhiêu thời gian?

Văn Thù Sư Lợi Bồ Tát nói: Thôi đi, Ngài chớ sanh vọng niệm. Nếu có ai ở trong pháp vô sanh mà nói rằng tôi Phát Tâm bồ đề, tôi làm hạnh bồ đề là đại tà kiến.

Thưa Ngài Sư Tử Dũng Mãnh! Tôi trọn chẳng thấy có tâm phát hướng bồ đề. Do chẳng thấy tâm và bồ đề nên không có phát.

Sư Tử Dũng Mãnh hỏi: Ngài Văn Thù Sư Lợi trọn chẳng thấy tâm, đó là cú nghĩa gì?

Văn Thù Sư Lợi nói: Thưa Ngài! Là trọn chẳng thấy gọi là bình đẳng.

Thế nào nói là bình đẳng?

Thưa Ngài Văn Thù Sư Lợi.

Thưa Ngài Sư Tử Dũng Mãnh! Bình đẳng như vậy bởi các thứ tánh đều vô sở hữu. Các pháp ấy vì là một vị nên nói. Một vị nói ấy, đó là rời lìa vậy, không nhiễm không tịnh, chẳng đoạn chẳng thường, chẳng sanh chẳng diệt, không ngã không thọ, chẳng thủ chẳng xả. Thuyết pháp như vậy, chẳng quan niệm tôi nói cũng không phân biệt. Ở trong pháp bình đẳng ấy mà biết rõ tu hành thì gọi là bình đẳng.

Lại nữa, thưa Ngài Sư Tử Dũng Mãnh! Nếu Bồ Tát nhập vào bình đẳng ấy thì trọn chẳng thấy có các thứ giới hoặc ít hoặc nhiều. Ở trong bình đẳng chẳng thấy bình đẳng, ở trong tương vi chẳng thấy tương vi.

Tại sao?

Ví nó bổn lai tánh thanh tịnh vậy.

Bấy giờ Sư Tử Dũng Mãnh Lôi Âm Bồ Tát bạch Đức Phật rằng: Bạch Đức Thế Tôn! Văn Thù Sư Lợi Bồ Tát chẳng chịu nói mình phát tâm bao lâu mà đại chúng đều muốn nghe.

Đức Phật nói: Này thiện nam tử! Văn Thù Sư Lợi là bậc trí nhẫn thậm thâm. Ở trong trí nhẫn thậm thâm ấy, bồ đề và tâm đều bất khả đắc. Vì bất khả đắc nên chẳng nói.

Nhưng này thiện nam tử! Nay Phật sẽ nói Văn Thù Sư Lợi phát tâm lâu mau.

Này thiện nam tử! Thuở quá khứ lâu xa quá bảy mươi vạn a tăng kỳ hằng sa kiếp, có Phật Hiệu Lôi Âm Như Lai Ứng Cúng Đẳng Chánh Giác xuất thế tại phương Đông cách đây bảy mươi hai na do tha Phật Độ, Thế Giới ấy tên Vô Sanh, Lôi Âm Như Lai thuyết pháp tại đó.

Chúng Thanh Văn có tám mươi ức na do tha. Chúng Bồ Tát nhiều gấp bội. Bấy giờ có Vua tên Phổ Phúc đủ bảy báu trị bốn thiên hạ với chánh pháp lý làm Chuyển Luân Vương.

Trong thời gian tám vạn bốn ngàn năm, Vua Phổ Phúc thường cung kính cúng dường Phật Lôi Âm với những y phục uống ăn cung điện đền đài đẹp tốt, cũng thường cung kính cúng dường Chư Bồ Tát và chúng Thanh Văn.

Thân tộc của Vua, nội cung thể nữ, Vương Tử, Đại Thần chỉ chuyên lo cúng dường mà không làm gì khác. Dầu thời gian nhiều năm mà không ai mỏi nhọc.

Sau thời gian ấy, nhà Vua ở vắng một mình suy nghĩ: Nay tôi đã nhóm họp căn lành quang đại mà còn chưa định chỗ hồi hướng, vì cầu Đế Thích, Phạm Vương, Chuyển Luân Vương chăng?

Vì cầu Thanh Văn, Bích Chi Phật chăng?

Lúc Vua nghĩ như vậy rồi, trên không có Chư Thiên bảo rằng: Đại Vương chớ phát khởi tâm kém hẹp ấy.

Tại sao?

Vì phước đức của Vua đã họp được rất nhiều, Vua nên phát tâm vô thượng bồ đề. Nghe lời khuyến cáo ấy, Vua Phổ Phúc vui mừng nghĩ rằng nay tôi ở nơi đây quyết định chẳng lui, vì Chư Thiên biết lòng tôi nên đến khuyến cáo.

Nhà Vua đem tám mươi ức na do tha trăm ngàn người đến chỗ Phật Lôi Âm, đảnh lễ chân Phật, hữu nhiễu bảy vòng, cúi mình cung kính chắp tay nói kệ bạch Phật:

Nay tôi lễ Thế Tôn

Mong vì tôi chỉ dạy

Làm sao được thành tựu

Đấng Thế Tôn tối thượng

Chỗ nương nhờ cho đời

Tôi đã rộng cúng dường

Bởi tâm chẳng quyết định

Chưa biết chỗ hồi hướng

Tôi đã tu phước lớn

Nên hồi hướng chỗ nào

Là cầu ngôi Chuyển Luân

Đế Thích hay Phạm Vương

Là cầu quả Thanh Văn

Hay cầu Bích Chi Phật

Lúc tôi nghĩ như vậy

Trên không Chư Thiên bảo

Đại Vương chớ nên phát

Tâm hồi hướng kém hẹp

Nên vì các chúng sanh

Mà phát nguyện rộng lớn

Vì lợi ích thế gian

Nên Phát Tâm bồ đề

Nay tôi thỉnh Thế Tôn

Đấng Pháp Vương tự tại

Mong nói các phương tiện

Phát khởi tâm bồ đề

Phát tâm bồ đề rồi

Sẽ được như Thế Tôn

Duy nguyện Đức Thế Tôn

Vì tôi tuyên nói đủ.

Bấy giờ đức Lôi Âm Như Lai vì Vua Phổ Phúc mà nói kệ rằng:

Đại Vương nên lắng nghe

Phật sẽ thứ đệ nói

Tất cả pháp nhân duyên

Tùy căn dục thật hành

Như sở nguyện đã có

Được quả báo như vậy

Phật ở thuở quá khứ

Cũng phát tâm bồ đề

Vì tất cả chúng sanh

Nguyện làm lợi ích họ

Như chỗ Phật phát nguyện

Như xưa đã phát tâm

Được bất thối bồ đề

Ý nguyện mau viên mãn

Đại Vương phải kiên cố

Tu tập các công hạnh

Vua sẽ được vô thượng

Phật bồ đề quảng đại.

***

icon

Tổng hợp

Cùng chủ đề

Phật Thuyết Kinh đại Bát Nhã Ba La Mật đa - Hội Thứ Ba - Phẩm Ba Mươi Mốt - Phẩm Tuyên Hóa - Phần Ba

Kinh Đại thừa   •   25.12.2023
Hán dịch: Ngài Tam Tạng Pháp Sư Cưu Ma La Thập, Đời Diêu Tần