Phật Thuyết Kinh đại Bảo Tích - Pháp Hội Thứ Mười Sáu - Pháp Hội Bồ Tát Kiến Thiệt - Phẩm Thứ Bốn - Phẩm Bổn Sự
Hán dịch: Ngài Tam Tạng Pháp Sư Nan Liên Đề Gia Xá, Đời Cao Tế
PHẬT THUYẾT
KINH ĐẠI BẢO TÍCH
Hán dịch: Ngài Tam Tạng Pháp Sư
Nan Liên Đề Gia Xá, Đời Cao Tế
PHÁP HỘI THỨ MƯỜI SÁU
PHÁP HỘI BỒ TÁT KIẾN THIỆT
PHẨM THỨ BỐN
PHẨM BỔN SỰ
Bấy giờ Huệ Mạng Ma Ha Ca Diếp thấy các A Tu La Vương cúng dường Đức Phật rồi, sanh tâm hy hữu tự nghĩ rằng: Lúc Đức Thế Tôn tu hạnh Bồ Tát tạo căn lành gì mà nay được quả báo ấy?
Ngài liền nhập như thiệt tam muội, do sức tam muội trang nghiêm nơi tâm nên nhớ biết thuở quá khứ vô số A tăng kỳ kiếp tất cả công đức mà Như Lai đã tu tập trong các loài ấy, trong các đời ấy tu tập thiện căn đều để làm đầy đủ Vô Thượng Bồ Đề. Do các thiện căn ấy mà được bậc bất thối chuyển, các thiện căn ấy đều nhớ biết.
Lúc Ngài Ma Ha Ca Diếp nhớ thiện căn lớn của Đức Như Lai, Ngài nghĩ rằng như Phật đã tu tập căn lành rộng lớn, thiện căn mỗi mỗi lần phát tâm của Như Lai, ví như hằng sa Thế Giới Quốc Độ mười phương tất cả chúng sanh trong ấy đều được thân người, rồi trong hằng sa kiếp cúng dường Chư Phật như A Tu La Vương.
Mỗi mỗi chúng sanh trong hằng sa kiếp cúng dường Phật rồi chẳng báo đáp được thiện căn một lần phát tâm của Đức Như Lai.
Huệ Mạng Ma ha Ca Diếp từ tam muội dậy tán thán rằng:
Mỗi mỗi Như Lai Đấng Mâu Ni
Phát tâm rộng lớn hướng Bồ Đề
Sự cúng dường Phật các Tu La
Cũng chẳng bằng một phần Ca La
Thế Tôn Ứng Cúng thầy Trời người
Như khối chiên đàn bằng núi chúa
Chỗ cúng dường thù thắng Trời người
Do nơi công đức đến bỉ ngạn
Đấng thầy Trời người đáng thọ cúng
Hơn số hằng hà sa đã thọ
Ví như biển cả đầy nước trong
Nước thơm hòa hiệp mà cúng dường
Đầy đủ công đức nên thọ cúng
Nhiều hơn cả số hằng hà sa
Chứa đầy khối hoa mà cúng dường
Dường như núi Chướng Ca Bà La
Tự nhiên Đại Sĩ nên thọ cúng
Ngọn đèn sáng như núi Tu Di
Biển cả dùng làm bình đựng dầu
Đem đèn cúng dường Chư Thế Tôn
Đấn oai thế nên thọ cúng dường
Nhiều hơn số hằng hà sa
Tạo lập Tháp Miếu mà cúng dường
Do nơi công đức đến bỉ ngạn
Nhân Thiên Đạo Sư nên thọ cúng
Đem những lọng báo lớn đẹp lạ
Mỗi lọng che khắp Cõi Đại Thiên
Trải suốt số kiếp na do tha
Đấng Thế Tôn thương xót thế gian
Công đức vô biên nên thọ cúng
Đem những tràng báo để cúng dường
Đầy khắp Thế Giới trong mười phương
Nơi số kiếp ức bất tư nghị
Đem phan rộng lớn mà cúng dường
Đầy hằng hà sa các Thế Giới
Trải qua vô lượng ức kiếp số
Cúng dường Như Lai Thiên Nhân Sư
Phát khởi phân biệt làm thí dụ
Đại chúng con của Đại Luận Sư
Lắng nghe lắng nghe các Trời người
Tôi cùng mọi người tại chúng này
Số đông như số hằng hà sa
Bao nhiêu đại chúng ở mười phương
Tất cả đều sẽ được làm Phật
Đầy đủ thập lực Đại Đạo Sư
Số Chư Phật ấy như hằng sa
Mỗi mỗi đều có hằng sa đầu
Nơi mỗi mỗi đầu như hằng sa
Đều có đủ cả hằng sa miệng
Nơi mỗi mỗi vô lượng miệng ấy
Đều có vô lượng vô số lưỡi
Dùng lưỡi ca ngợi nơi Như Lai
Chư Như Lai ấy nói chẳng hết
Công đức bờ kia chẳng đến được
Nhất Thiết chủng trí chẳng lường được
Do công đức đến bỉ ngạn vậy.
Đức Thế Tôn bảo các Tỳ Kheo: Lành thay, lành thay! Này Chư Tỳ Kheo! Chư Thanh Văn của ta lòng đoan trực có trí có pháp như Phạm Thiên mới được vào trong biển công đức của Phật.
Tại sao?
Vì Như Lai đầy đủ vô lượng công đức, đầy đủ công đức chẳng nghĩ bàn. Khối công đức của Như Lai chẳng thể nghĩ bàn.
Này Chư Tỳ Kheo! Khối công đức của Như Lai nếu là hình sắc, thì công đức mỗi mỗi lần phát tâm ấy, hằng sa Thế Giới chẳng dung chứa được?
Tại sao?
Này Chư Tỳ Kheo! Công đức mỗi mỗi lần phát tâm của Như Lai là chỗ phan duyên của nhất thiết trí, như hằng sa Chư Phật, như hằng sa kiếp, chẳng thể suy lòng chẳng thể nói hết.
Tại sao?
Vì lúc Như Lai tu hạnh Bồ Tát thuở xưa không một phát tâm nào là chẳng vì lợi ích tất cả chúng sanh, nhiếp thuộc chúng sanh không một phát tâm nào là chẳng vì tất cả chúng sanh, chúng sanh giới không biên tế, chúng sanh trong đó cũng không biên tế, công đức mỗi mỗi lần phát tâm của Như Lai cũng không biên tế.
Tại sao?
Như chúng sanh giới không biên tế, như chúng sanh giới chẳng lường được, khối công đức mỗi mỗi lần phát tâm của Như Lai chẳng thể cùng tận, đều vì thương xót lợi ích an lạc tất cả chúng sanh mà phát tâm vậy. Giả sử tất cả chúng sanh đều cúng dường chẳng thể báo đáp được công đức một lần phát tâm của Như Lai.
Tại sao?
Vì các chúng sanh ấy cúng dường Như Lai đều vì hi vọng quả báo thế gian tạp thực vậy. Bồ Tát phát tâm rời lìa nơi tâm tạp thực cầu báo thế gian mà vì lợi ích an lạc chúng sanh, muốn khiến chúng sanh trái sanh tử mà xu hướng Niết Bàn. Lúc Như Lai tu hạnh Bồ Tát thuở xưa vì lợi ích an lạc chúng sanh, rời lìa tạp thực chẳng cầu báo thế gian.
Đức Phật bảo Chư Tỳ Kheo: Thuở quá khứ, vô lượng vô biên lưu chuyển sanh tử vô số bất khả tư nghì trong vô thỉ Thế Giới bất khả thuyết kiếp có Phật Hiệu Nhân Đà Tràng Vương xuất thế đủ mười Đức Hiệu.
Này Chư Tỳ Kheo! Lúc đức Nhân Đà Tràng Vương Như Lai thành Phật, hằng sa Thế Giới đồng một Quốc Độ trang nghiêm thanh tịnh không có các ác đạo và tám nạn, chúng sanh trong đó đều an trụ chánh định tụ.
Hoàn toàn không có chúng sanh tà định, tăng thượng mạn. Tất cả đều không có thân nghiệp bất tịnh, khẩu nghiệp bất tịnh, ý nghiệp bất tịnh, cũng không có phiền não ác đạo, nghiệp ác đạo.
Tại sao?
Vì đức Nhân Đà Tràng Vương Như Lai giáo hóa chúng sanh ấy cho họ phát tâm dứt tất cả ác, đem pháp lành dạy cho họ tu học.
Trong Quốc Độ của đức Nhân Đà Tràng Vương Như Lai có năm thứ vui: Một là được dục lạc, hai là được vui xuất gia, ba là được vui thiền định, bốn là được vui tam ma đề, năm là được vui vô thượng bồ đề.
Các chúng sanh ở Quốc Độ ấy dầu thọ lạc mà chẳng nhiễm trước, như ong mật chi lấy mật hoa mà chẳng lấy sắc hoa, như chim bay đi trên không mà chẳng dừng dính hư không, chúng ấy cũng vậy dầu thọ lạc mà chẳng nhiễm lạc.
Các chúng sanh ấy không có lo khổ chỉ có vui sướng, cũng không bất khổ bất lạc thọ vì không ngu si vậy, chỉ có sự vui thích vừa lòng.
Tại sao?
Vì các chúng sanh vốn đã tu căn lành. Do vì Đức Phật ấy lúc tu hạnh Bồ Tát hiện các tướng hảo khiến các chúng sanh ấy chẳng làm ác mà đặt để cho họ tu tập pháp lành, họ lần lượt rời lìa ác đạo ở chỗ lành vui, tất cả thứ nghiệp bất thiện họ đều không hẳn.
Lúc họ tạo nghiệp lành được quả báo an vui mà họ chẳng tham luyến và không bao giờ sanh khổ thọ, vì chẳng tạo nghiệp ác nên chẳng thọ quả khổ vậy. Vì không ngu si nên cũng không bất khổ bất lạc thọ.
Trong Quốc Độ ấy tất cả thời gian thường không có gió dữ mưa bạo, cũng không có độc nhiệt, chúng sanh cõi ấy không có khổ vì thời tiết thay đổi.
Lúc đức Nhân Đà Tràng Vương Như Lai tu hạnh Bồ Tát, tất cả thân nghiệp trí thượng thủ trí thuận chuyển diễn thuyết khai thị chánh hiển, tất cả khẩu nghiệp trí thượng thủ trí thuận chuyển diễn thuyết khai thị chánh hiển.
Tất cả ý nghiệp trí thượng thủ tri thuận chuyển diễn thuyết khai thị chánh hiển, tất cả chúng sanh trong Quốc Độ ấy theo Bồ Tát nghe pháp rồi tất cả ba nghiệp thân khẩu ý nghiệp trí thượng thủ trí thuận chuyển hồi hướng.
Do nơi nghiệp lành nên báo ngu si chẳng sanh. Do vì không ngu si nên chúng sanh ấy không có khổ thọ và bất khổ bất lạc thọ.
Các chúng sanh ấy lúc sanh Quốc Độ kia, Đức Nhân Đà Tràng Vương Như Lai giáo hóa rồi, họ kính trọng nơi pháp, nếu lúc du hành họ suy lường nơi pháp yêu thích nơi pháp nhiễm trước nơi pháp.
Lúc du hành do họ yêu thích nhiễm trước nơi pháp không có khổ thọ, đi đứng ngồi nằm ngủ thức đều không có một chút khổ về oai nghi. Các chúng sanh trong Quốc Độ ấy không có ác để thuận theo.
Do vì không ác nên không có khổ sanh và không chấp nơi lành. Do cớ ấy nên các chúng sanh kia khéo thuận nơi không mà không có biến dịch khổ. Ở trong các pháp chẳng sanh tham trước nên chẳng có hoại khổ. Quốc Độ ấy cũng không có hoán tắng hội khổ.
Tại sao?
Vì các chúng sanh ấy ở trong tất cả chúng sanh được tâm an trụ bình đẳng hiện tiền nên không có oán tắng. Cũng không có ái biệt ly khổ.
Tại sao?
Vì các chúng sanh ấy không ái trước tất cả pháp. Khổ ái biệt ly do nơi ái mà sanh. Chúng sanh ấy không ái nhiễm nên không có ái biệt ly khổ. Cũng không có khổ khổ.
Tại sao?
Vì đối với lạc thọ chẳng luyến trước vậy. Chỉ có hành khổ thôi, đó là vô thường khổ.
Tại sao?
Đức Phật ấy chỉ nói đệ nhất nghĩa đế. Đức Phật thọ hằng sa kiếp. Trong Phật Độ ấy không có một chúng sanh nào tranh luận với Phật mà sanh trong cõi ấy.
Tại sao?
Vì lúc làm Bồ Tát đã thành thục xong chúng sanh vậy.
Đức Phật bảo các Tỳ Kheo rằng: Này Chư Tỳ Kheo! Ý các ông thế nào?
Có thể dùng hạ thiện căn, ít thiện căn những thiện căn chẳng tập giỏi, những thiện căn chẳng tương ưng, thiện căn chẳng phải đại tinh tấn, thiện căn chẳng phải thiện thú, chẳng phải thiện pháp, chẳng phải thiện hồi hướng mà có hể làm lợi ích các chúng sanh ấy hay ban vui trừ khổ ư?
Có thể nghiêm tịnh Quốc Độ quảng đại ấy ư?
Có thể thành thục nhiều chúng sanh như vậy ư?
Chư Tỳ Kheo bạch rằng: Chẳng thể được.
Đức Phật lại bảo các Tỳ Kheo rằng: Ý các ông thế nào?
Có thể dùng tâm hạ liệt, tâm khiếp nhược, tâm tương ưng bất thiện, tâm chẳng phải tinh tấn, tâm chẳng phải khéo tập thiện căn, tâm chẳng phải thiện thú, tâm chẳng phải thiện pháp, tâm chẳng phải thiện hồi hướng mà làm lợi ích an lạc được các chúng sanh ấy, ban vui cứu khổ được và nghiêm tịnh được Phật Độ quảng đại như vậy, thành thục được nhiều chúng sinh như vậy chăng?
Chư Tỳ Kheo bạch rằng: Chẳng thể được.
Đức Phật lại bảo các Tỳ Kheo rằng: Ý các ông thế nào?
Có thể dùng tin hạ liệt, tin ít, tin kém, tin khiếp nhược, tin tương ưng bất thiện, tin chẳng phải tinh tấn, tin chẳng phải khéo tập thiện căn, tin chẳng phải thiện thú, tin chẳng phải thiện pháp, tin chẳng phải thiện hồi hướng mà lợi được các chúng sanh ấy, có thể ban vui cứu khổ được và nghiêm tịnh được Phật Độ quảng đại như vậy, thành thục được nhiều chúng sanh như vậy chăng?
Chư Tỳ Kheo bạch Phật rằng: Chẳng thể được.
Đức Phật lại bảo các Tỳ Kheo rằng: Ý các ông thế nào?
Có thể dùng giới hạ liệt, giới ít, giới kém, giới chẳng phải tinh tấn, giới chẳng phải khéo tập thiện căn, giới chẳng phải thiện thú, giới chẳng phải thiện pháp, giới chẳng phải thiện hồi hướng mà lợi ích được các chúng sanh ấy, có thể ban vui cứu khổ dược và nghiêm tịnh được Phật Độ quảng đại như vậy, thành thục được nhiều chúng sanh như vậy chăng?
Chư Tỳ Kheo bạch rằng: Chẳng thể được.
Đức Phật lại bảo các Tỳ Kheo rằng: Ý các ông thế nào?
Có thể dùng tinh tấn hạ liệt, tinh tấn ít, tinh tấn kém, tinh tấn khiếp nhược, tinh tấn chẳng tương ưng, tinh tấn chẳng phải tinh tấn, tinh tấn chẳng phải khéo tập thiện căn, tinh tấn chẳng phải thiện thú, thiện pháp, thiện hồi hướng mà lợi ích được.
Các chúng sanh ấy, có thể ban vui cứu khổ được và nghiêm tịnh được Phật Độ quảng đại như vậy, thành thục được nhiều chúng sanh như vậy chăng?
Chư Tỳ Kheo bạch rằng: Chẳng thể dược.
Đức Phật lại bảo các Tỳ Kheo rằng: Ý các ông thế nào?
Có thể dùng niệm hạ liệt, niệm ít, niệm kém, niệm khiếp nhược, niệm chẳng tương ưng thiện căn, niệm chẳng tinh tấn, niệm chẳng khéo tập thiện căn, niệm chẳng phải thiện thú, thiện phát thiện hồi hướng mà lợi ích được các chúng sanh ấy, có thể ban vui cứu khổ được và nghiêm tịnh được Phật Độ quảng đại như vậy, thành thục được nhiều chúng sanh như vậy chăng?
Chư Tỳ Kheo bạch rằng: Chẳng thể được.
Đức Phật lại bảo các Tỳ Kheo rằng: Ý các ông thế nào?
Có thể dùng định hạ liệt, định ít, định kém, định khiếp nhuợc, định chẳng tương ưng thiện căn, định chẳng tinh tấn, định chẳng khéo tập thiện căn, định chẳng thiện thú, thiện phát, thiện hồi hướng, mà lợi ích được các chúng sanh ấy, có thể ban vui cứu khổ và nghiêm tịnh được Quốc Độ quảng đại ấy, thành thục được nhiều chúng sanh như vậy chăng?
Chư Tỳ Kheo bạch rằng: Chẳng thể được.
Đức Phật lại bảo các Tỳ Kheo rằng: Ý các ông thế nào?
Có thể dùng huệ hạ liệt, huệ ít, huệ kém, huệ khiếp nhược, huệ chẳng tương ưng thiện căn, huệ chẳng tinh tấn, huệ chẳng khéo tập thiện căn, huệ chẳng thiện thú, thiện pháp, thiện hồi hướng mà lợi ích được các chúng sanh ấy, có thể ban vui cứu khổ và nghiêm tịnh được Phật Độ quảng đại ấy, thành thục được nhiều chúng sanh như vậy chăng?
Chư Tỳ Kheo bạch rằng: Chẳng thể được.
Đức Phật bảo các Tỳ Kheo rằng: Đúng như vậy.
Này các Tỳ Kheo! Thiệt chẳng phải dùng ít thiện căn, ít giới, ít tín, ít tinh tấn, ít niệm, ít định, ít huệ mà có thể lợi ít được các chúng sanh, và có thể ban vui cứu khổ, nghiêm tịnh được Phật Độ quảng đại, thành thục, được nhiều chúng sanh như vậy.
Này Chư Tỳ Kheo! Ý các ông thế nào?
Các ông có biết Đức Phật Nhân Đà Tràng Vương thuở quá khứ xa xưa ấy là ai chăng?
Đức Phật hỏi rồi mà Chư Tỳ Kheo đều nín lặng chẳng đáp. Đương lúc ấy, phương Đông quá hằng sa Thế Giới tên Nguyệt Quang Trang Nghiêm, hiện tại có Phật Hiệu Cao Oai Đức Vương Như Lai.
Văn Thù Sư Lợi Bồ Tát ở tại chúng hội ấy biết tâm niệm của Phật Thích Ca Mâu Ni liền bạch đức Cao Oai Đức Vương Như Lai rằng: Bạch Đức Thế Tôn! Nay Phật Thích Ca Mâu Ni Thuyết Pháp tại Thế Giới Ta Bà. Tôi qua đó đảnh lễ cúng dường cung kính nghe pháp.
Đức Cao Oai Đức Vương Như Lai nói với Văn Thù Sư Lợi Bồ Tát rằng: Ông đi tùy ý, nay đã phải lúc.
Văn Thù Sư Lợi Bồ Tát đầu diện lễ đức Cao Oai Đức Vương Như Lai đi nhiễu Phật ba vòng rồi như thời giantráng sĩ co duỗi cánh tay từ cõi Nguyệt Quang Trang Nghiêm hiện ra trước Đức Thích Ca Mâu Ni Như Lai lạy chân Phật rồi ngồi một bên mà bạch rằng: Bạch Thế Tôn! Đức Nhân Đà Tràng Vương Như Lai thuở xưa ấy tức là Thế Tôn vậy.
Tại sao?
Do Đức Thế Tôn đầy đủ bất tư nghì các thiện phương tiện có thể thành thục chúng sanh và nghiêm tịnh Phật Độ luôn chẳng mỏi mệt cũng chẳng chán nhàm. Đức Thế Tôn an trí chúng sanh nơi Bồ Tát thừa cũng chẳng mỏi nhàm.
Nếu có người chân thật ngữ nói lời chánh đáng rằng: Thù thắng trong thù thắng, vi diệu trong vi diệu, thượng thủ trong thượng thủ, tối thắng trong tối thắng, nói Đức Phật là như vậy, thì nên biết rằng Thích Ca Mâu Ni chân thật không khác.
Văn Thù Sư Lợi Bồ Tát nói kệ rằng:
Hùng mãnh xảo phương tiện
Thương xót các thế gian
Hiện đại oai thần lực
Để thành thục chúng sanh
Đã ở thuở quá khứ
Từng làm tám ức Phật
Như tự có thần lực
Vô tâm chứng Chánh Giác
Sáu mươi một Tam Thiên
Thanh tịnh Quốc Độ Phật
Trí cạn chẳng biết Phật
Mâu Ni xảo phương tiện
Chẳng bỏ sơ phát tâm
Các nơi chỗ kia hiện
Lại ở đời vị lai
Thị hiện vô lượng Phật.
***
Phật Thuyết Kinh đại Bát Nhã Ba La Mật đa - Hội Thứ Năm - Phẩm Mười Bảy - Phẩm Tham Hành - Phần Hai
Phật Thuyết Kinh đại Bát Nhã Ba La Mật đa - Hội Thứ Ba - Phẩm Ba Mươi Mốt - Phẩm Tuyên Hóa - Phần Ba
Phật Thuyết Kinh Chánh Pháp Niệm Xứ - Phẩm Sáu - Phẩm Quán Thiên Dạ Ma Thiên - Tập Bảy Mươi Chín
Phật Thuyết Kinh đại Phương Quảng Phật Hoa Nghiêm - Phẩm Hai Mươi Sáu - Phẩm Thập địa - Phần Chín
Phật Thuyết Kinh Tiểu Bộ - Tập Bảy - Ngạ Quỷ Sự - Phẩm Bốn - đại Phẩm - Chuyện Cây Mía Ucchu
Phật Thuyết Kinh Tạp A Hàm - Kinh đương Học Ngũ Lực
Phật Thuyết Kinh Bát Nhã Ba La Mật Sao - Phẩm Bốn - Thiện Quyền